Con người không thể sống mà không có lý tưởng và mục tiêu của riêng mình. Cũng giống như đi thuyền trên biển, không thể thiếu la bàn và ngọn hải đăng dẫn đường. Chính vì vậy, lý tưởng và mục tiêu luôn dẫn đường cho chúng ta không ngừng hướng về phía trước. Cho nên, nếu chúng ta muốn hoàn thiện và phát huy hết năng lực của bản thân, thì phải luôn theo đuổi mục tiêu và lý tưởng của mình.
Tuy nhiên, lòng ham muốn của con người thường không có giới hạn, vì vậy mà lý tưởng và mục tiêu cũng không ngừng được nâng cao. Đây chính là lý do mà mọi mặt trong đời sống xã hội của con người, đều phải liên tục đổi mới. Chỉ khi đổi mới thì con người mới tiến bộ, xã hội mới phát triển.
Dĩ nhiên cái “mới” cần được theo đuổi, còn cái “cũ” thường đã trải qua quá trình rèn luyện mà trở thành một thứ kinh nghiệm quý báu. Nó là chỗ dựa tinh thần để xã hội tìm cầu và theo đuổi xu hướng mới. Cho nên, chúng ta cần phải tiếp nhận những điều mới mẻ, nhưng bên cạnh đó cũng không nên gạt bỏ những kinh nghiệm mà cha ông đã truyền lại khi xưa. Hơn nữa, giữa cũ và mới chẳng hề mâu thuẫn, xung đột; ngược lại, chúng còn bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Ví như trong quá trình học tập, học sinh thường phải ôn lại bài cũ để hiểu thêm về bài mới, từ đó có thể tăng thêm kiến thức bổ ích cho việc học của mình. Như Tôn Trung Sơn sáng lập ra chủ nghĩa Tam dân cũng vì muốn duy trì nền văn hóa Trung Hoa cổ truyền, và đồng thời tiếp thu những tinh hoa của văn hóa phương Tây. Chủ nghĩa Tam dân không những là tiêu điểm giao thoa giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây, mà còn là sự dung hòa giữa tư tưởng mới và cũ.
Xã hội chúng ta luôn phát huy tinh thần không ngừng theo đuổi cái mới, để có thể thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Nhưng con người vốn hay hoài niệm về quá khứ nên sự dịu dàng, ấm áp mới có thể len lỏi, lan tỏa trong xã hội tiên tiến, phát triển phồn vinh ngoài kia. Để từ đó, làm tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống tươi đẹp này.
Ví như trong chậu tắm của vua Thành Thang nhà Thương có khắc dòng chữ: “Nếu muốn ngày hôm nay đổi mới, thì ngày ngày phải đổi mới, lại tiếp tục đổi mới nữa”. Và trong Kinh thi cũng có ghi: “Nhà Chu nước tuy cũ, nhưng mệnh trời thì mới”. Rồi mỗi dịp xuân về, mọi người đều quét tước, dọn dẹp nhà cửa, và vứt bỏ đồ cũ để trưng bày cái mới. Cũng như các tế bào trong cơ thể con người liên tục trao đổi chất, loại bỏ những tế bào cũ và sản sinh các tế bào mới. Đặc biệt là “trời cứ thế xoay vần, nên người quân tử không ngừng cố gắng”. Bởi vì sự xoay vần bất tận của đất trời, và sự vận chuyển không ngừng giữa các mùa, nên không biết bao nhiêu lần con người phải trải qua quá trình thay đổi giữa cũ và mới. Riêng những người không ngừng cố gắng tìm hiểu sẽ luôn có được trí tuệ từ trong mỗi lần dấn thân học hỏi, và từ đó họ trở nên trưởng thành hơn. Còn những người ý chí bạc nhược thì sẽ luôn lạc lối trong dòng chảy giữa cũ và mới, nên họ không biết phải lần theo hướng nào.
Chính vì mới - cũ không có tốt - xấu tuyệt đối, mà cốt lõi nằm ở sự chọn lựa và vận dụng thế nào. Trong Tam tự kinh cũng có câu: “Trung bất thiên, dung bất dịch”1, ý nói rằng trong cách đối nhân xử thế chúng ta cần phải nắm giữ được đạo trung dung giữa cái cũ và mới. Nếu cứ một mực quen với nếp cũ thì ta sẽ trở nên cổ hủ, gàn dở, và lạc hậu. Nhưng ngược lại, chúng ta nêu ra những ý tưởng quá mới lạ, quá xa vời thực tế và hời hợt, thì lại trở thành điều bất khả thi. Cho nên, quay lại tìm kiếm những bài học đáng giá từ trong kinh nghiệm cũ, đồng thời vận dụng, tiếp thu những tinh túy của thời đại, chính là phương pháp tốt nhất để chúng hoàn thiện, tiến nhanh và xa hơn trên cuộc hành trình của đời mình.
1 “Trung là không nghiêng lệch, dung là giữ vững không đổi”.