Một cuộc chiến tranh cần phải thiết lập những dừng chân để tiếp viện quân lương, nuôi dưỡng binh lực, mới mong thắng trận. Phi cơ bay đường dài cũng cần quá cảnh để tiếp thêm nhiên liệu, mới có thể bay đến đích một cách an toàn. Con đường nhân sinh vừa dài vừa xa, muốn thuận lợi, suôn sẻ, chúng ta cần phải trang bị cho mình lý tưởng, trí tuệ, rộng kết duyên lành, và làm nhiều việc thiện. Có thể nói, đây đều là những trạm dừng chân của đời người.
Ví như ô tô chạy trên đường cao tốc, cũng cần trạm nghỉ ngơi để nạp thêm xăng dầu thì mới có thể di chuyển đường dài, và điểm nghỉ ngơi chính là những trạm dừng chân giữa đường. Vì vậy, từ xưa Phật giáo cũng có xây dựng một số trạm nghỉ, quán trà ở khắp nơi để làm phương tiện cho lữ khách đường xa dừng chân.
Hay như một cây đại thụ cho người đi đường bóng mát, một chiếc cầu nối liền đôi bờ giúp người dễ dàng qua lại, cũng trở thành những trạm dừng chân của đời người.
Đến như người làm ăn kinh doanh chỉ mang tính chất tạm thời, cũng hoàn toàn không phải là mục tiêu cuối cùng của đời họ, mà chỉ đơn thuần là một bước đệm, một cột mốc mà thôi. Như có người đi làm thuê, sau một thời gian họ kiếm được chút vốn, liền muốn ra riêng lập nghiệp, vì thế làm thuê chỉ là một nấc thang đầu mà thôi.
Ví như hai người thương nhau nhưng không kết hôn, rồi mấy năm sau lại có dự định khác, thì đây cũng là chốn tạm dừng của tình cảm. Như có người bỏ vốn đầu tư nước ngoài, gây dựng sự nghiệp, nhưng lại không có dự định di dân định cư, và đây chính là trạm dừng chân của sự nghiệp.
Vì vậy, những người thiết kế trạm dừng chân phải là những người có tâm, như phẩm Hóa thành dụ trong Kinh Pháp hoa chép rằng: “Có một vị đạo sư giỏi dẫn đường dẫn một đoàn người đến núi báu. Do vì đường xa, trên đường gặp rất nhiều khó khăn gian khổ, thế nên chưa đến nơi mà đã có rất nhiều người muốn bỏ cuộc. Lúc này, để tạo động lực cho họ đi tiếp, vị đạo sư khích lệ: ‘Nhanh lên nào! Nhanh lên nào! Phía trước là một tòa lâu đài lớn, chúng ta có thể đến đó nghỉ ngơi trước, đợi đến khi lấy lại sức sẽ tiếp tục lên đường, như vậy sẽ không còn mệt nhọc nữa’. Nghe xong lời ấy, những đau đớn, mệt mỏi của đoàn người dường như tan biến, tinh thần họ lại hăng hái, phấn chấn trở lại”.
Tự viện hiện nay thường tổ chức cho các tín chúng lễ Phật, tu hành, cũng có thể xem đó là “hóa thành”, là trạm dừng chân. Ngay cả thế giới Tây phương Cực lạc hay cõi Tịnh độ Lưu Ly ở phương Đông cũng là “hóa thành” để hành giả tạm thời nghỉ ngơi. Vì mục đích quan trọng nhất của đạo Phật là muốn chúng ta chứng ngộ Niết bàn, chứng đắc Đại viên chủng trí, đạt đến giải thoát rốt ráo. Cho nên, tín ngưỡng tôn giáo có thể làm khởi điểm cho nhân sinh, cũng có thể làm trạm dừng chân, là mục tiêu cuối cùng của đời người.
Dù đường đời dài đằng đẵng, hay trước khi đặt chân tới điểm cuối cùng, thì ai cũng phải trải qua rất nhiều bến đỗ tạm. Để làm gì? Để có thể tiếp thêm năng lượng và sức mạnh cho tự thân. Như một căn phòng, một người bạn, tương lai khi chúng ta cần đến đều là những bến đỗ bình an. Và trong lúc ta đón nhận sự giúp đỡ của người khác, bản thân cũng thường ghi nhớ rằng: “Ta phải làm gì để báo đáp ơn nghĩa của họ?”. Bởi vậy, giữa người với người có thể giúp đỡ, trợ duyên cho nhau, thì đây chính là “trạm dừng chân” lý tưởng nhất của mỗi người.