Não bộ là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người. Những suy nghĩ hằng ngày của chúng ta, ngay cả trí tuệ, cách hành xử khi đối diện với một vấn đề nào đó, cũng đều phải nhờ vào sự chỉ huy trực tiếp của khối óc. Ngay cả ý niệm về thiên đường hay địa ngục, thánh hiền hay tiểu nhân, v.v. đều là một dạng suy nghĩ trong 24 giờ. Bây giờ chúng ta hãy tự hỏi lại bản thân mình xem, hằng ngày mình thường nghĩ về điều gì?
Lúc nhỏ, chỉ nghĩ cha mẹ thương mình, nghĩ đến được ăn chocolate hay kem thôi là ta cũng đã thấy hài lòng rồi. Đến tuổi trưởng thành, lại mơ mộng đến tình yêu, sự nghiệp, hạnh phúc, dường như khi sở hữu được chúng rồi, thì cuộc sống này cần gì phải mong cầu những thứ khác?
Giống như một số thương nhân thường mong muốn, bỏ một đồng khuân về một vạn, buôn may bán đắt, ngày ngày luôn nghĩ làm cách nào để kiếm thật nhiều tiền. Hay những nhà chính trị vẫn nuôi hy vọng được thăng quan tiến chức, công thành danh toại, nên trong đầu họ lúc nào cũng chỉ xoay quanh việc làm thế nào để thăng chức, phát tài mà thôi.
Còn chúng ta, hằng ngày suy tưởng những gì? Thông thường thì, mọi người đều sẽ nghĩ cho bản thân mà hiếm khi nghĩ cho người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích mà không quan tâm đến công đức, chỉ nghĩ cái lợi gần mà không tính đến nỗi buồn xa, chỉ nghĩ đến phiền não mà đánh rơi mất hạnh phúc ngay hiện tại. Thật ra, chúng ta có thể thay đổi quan điểm của mình, không nhất định chỉ suy nghĩ riêng cho bản thân, mà mở lòng để có thể nghĩ cho người khác. Ví dụ như, ta đã giữ tròn hiếu hạnh đối với cha mẹ hay chưa? Ta có thể cống hiến cho xã hội được những gì? Ta đã dâng tặng cho đời bao nhiêu niềm vui, từng nào hạnh phúc, thành tựu được bao nhiêu công đức lợi ích cho cộng đồng?
Hơn nữa, bạn cũng có thể nghĩ đến sự hổ thẹn hay những khiếm khuyết của bản thân; nghĩ đến những vật dụng hằng ngày mình dùng đều là công sức, mồ hôi nước mắt của bao người, ta phải làm gì hồi đáp để không cô phụ ân đức ấy? Nhưng đa phần, thế gian thường tình lại chất đầy sự ích kỷ, dục vọng, phiền não bủa vây, thậm chí còn mưu toan tính kế chiếm hữu tài sản của người khác. Có người còn mơ tưởng tới một thiên kim tiểu thư tặng vàng trong vườn hoa, nửa đêm trong vườn xuất hiện một mỹ nữ hồ ly, mong ước sánh đôi cùng một chàng trai tuấn tú, muốn gả con gái cho đại gia, rồi ước mơ nhà lầu, xe hơi, cổ phiếu. Rốt cuộc, nghĩ ra đủ thứ phiền não, đau khổ vô bờ chẳng thể nói nên lời. Đến nỗi, ăn không ngon ngủ không yên, mỗi giây mỗi phút đều bị bủa vây bởi vô vàn ý niệm thất điên bát đảo.
Trong Phật giáo có câu: “Chẳng sợ phiền não khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm”. Con người ta, đôi khi bản thân đang nghĩ gì cũng hoàn toàn không biết. Thử hỏi một người, ngay đến cả những suy nghĩ của mình còn không làm chủ được thì làm sao có thể lèo lái được con thuyền kiếp người giữa trùng khơi? Cho nên, Thiền tông dạy chúng ta quay về nhìn lại quán chiếu bản thân, coi trọng nhân duyên, cũng có nghĩa là phải “niệm niệm phân minh”. Trước khi làm việc, cần xét xem làm như vậy có lợi ích cho cộng đồng hay không? Trước khi mở lời, cần cân nhắc nói ra điều này có hợp lý chăng? Nói lời người ta không thích nghe, làm việc tổn hại đến người khác, cuối cùng sẽ tự mình chuốc họa vào thân mà thôi.
Chuyện kể rằng, có hai người tên Giáp và Ất, vì khắc khẩu bất hòa nên xung đột đánh nhau. Kết quả, Giáp cắn mũi Ất. Ất kiện Giáp ra tòa, Giáp biện minh là chính Ất cắn mũi Ất. Quan tòa nói: “Mũi cao hơn miệng, sao anh ta có thể cắn được mũi của mình chứ?”. Giáp phát hiện lời nói của mình không hợp logic, liền nhanh như chớp bao biện: “Anh ta bước lên kệ cao rồi sau đó mới cắn”.
Trong ba nghiệp thân khẩu ý của con người, thân làm, miệng nói đều bắt nguồn từ thế giới nội tâm rồi thể hiện ra hành động bên ngoài. Chính vì thế, con người cần chăm sóc tốt những ý niệm, vọng tưởng để hành vi không lệch chuẩn. Cho nên, chúng ta phải thường quán chiếu xem: “Ta đang nghĩ gì?”. Khi phát hiện những vọng tưởng xấu ác dấy khởi, ta phải kịp thời điều chỉnh. Lúc bình thường, cũng nên nhớ đến những câu chuyện ý nghĩa cảm động, nghĩ về những mặt tích cực tươi đẹp trên đời. Tâm tưởng sự thành, trên thửa ruộng tám thức, bạn không ngừng gieo trồng những hạt giống thiện lành, thì còn lo gì không gặt hái được hoa thơm trái ngọt chốn nhân sinh?