Lắng nghe có rất nhiều cấp độ khác nhau, như nghe hiểu, nghe tốt, nghe nhiều, nghe một phía, nghe đầy đủ, nghe chăm chú, tất cả đều là nghe từ lời nói, nhưng nội dung người nghe tiếp nhận lại khác nhau.
Lắng nghe, chính là con nghe lời cha mẹ, học sinh nghe lời thầy cô, cấp dưới nghe lời cấp trên, người làm nghe lời ông chủ, đó đều là chuyện tốt. Ngược lại, có một số người toàn nghe những lời tán gẫu, thị phi, đồn thổi, thậm chí có người chỉ thích nghe mấy lời nịnh bợ ngon ngọt, dẫu biết đó là giả dối. Những người không biết nghe như vậy, có mặt khắp nơi trong xã hội. Ngược lại, cũng có người chịu nghe lời chỉ trích thẳng thắn, nghiêm khắc từ người khác. Tuy là những lời rất khó nghe, nhưng họ đều vui vẻ tiếp thu, nói lời cảm ơn, và thật tâm sửa đổi. Đây chính là người biết lắng nghe. Nhưng đáng tiếc, những người như vậy lại chẳng được bao nhiêu.
Riêng lời êm ái ngọt ngào thì ai cũng thích nghe, còn những câu thành thật khuyên răn, ắt hẳn là khó lọt tai rồi. Các bậc minh quân khi xưa đều có thể tiếp nhận những lời can gián, chỉ có kẻ hôn quân mới bỏ ngoài tai những lời khuyên chân thành mà thôi. Sở dĩ Đường Thái Tông có thể kiến tạo một triều đại “Trinh Quán chi trị”1, Đường Huyền Tông sáng lập nên “Khai Nguyên chi trị”2, v.v. đều vì họ chịu nghe những lời khuyên can của bậc trung thần hiền sĩ để trị quốc an dân một cách sáng suốt, công minh nhất. Nhưng một khi có kẻ tiểu nhân lộng quyền, thì dù cho bậc vua chúa sáng suốt đến mấy cũng khó tránh khỏi những lời mê hoặc, thị phi gièm pha, làm cho đảo lộn triều chính.
1 Trinh Quán chi trị: Thời kỳ vàng son của một chính sách thịnh trị, khôi phục lại nền kinh tế và phát triển văn hóa, được xuất hiện trong giai đoạn trị vì của Đường Thái Tông Lý Thế Dân vào những năm Trinh Quán (627 - 649). Vì vậy, sử còn gọi là Trinh Quán chi trị.
2 Khai Nguyên chi trị: Sau khi đăng cơ, Đường Huyền Tông dẹp bỏ các phe cánh chống đối do công chúa Thái Bình dẫn đầu. Sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng đất nước, trọng dụng những người hiền tài như: Diêu Sùng, Tống Cảnh, Trương Thuyết, và Trương Cửu Linh, đề xướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trọng dụng nhân tài, ngăn chặn quan liêu lãng phí, tăng cường uy tín của Trung Quốc với lân bang, mở ra thời kỳ Khai Nguyên chi trị kéo dài hơn 30 năm.
Trong Xuất sư biểu1, Gia Cát Lượng đã khẩn thiết khuyên nhủ hậu chủ Lưu Thiện nên “gần gũi bậc hiền thần, xa lánh kẻ tiểu nhân”. Còn như muốn biết ai là quân tử, ai là tiểu nhân, thì một vị vua tài đức sáng suốt thực thụ phải nhận ra bản chất thật sự nằm sau lớp vỏ ngôn từ xảo diệu. Nhưng thật đáng tiếc, điểm yếu của con người là thích nghe những lời giả dối. Cho nên mới nói:
Một lời nước thịnh dân an,
Cũng một lời nói mà tan cơ đồ.
1 Xuất sư biểu: Tên gọi hai bài biểu Tiền xuất sư biểu và Hậu xuất sư biểu, do Gia Cát Lượng viết để dâng lên Thục Hán hậu chủ Lưu Thiện trước khi ông thân chinh dẫn quân đi Bắc phạt lần thứ nhất (năm 225) và thứ hai (năm 226) thời Tam quốc.
Bạn thấy đấy, tất cả chỉ là sự khác biệt giữa biết và không biết lắng nghe mà thôi.
Đức Phật có dạy rằng: “Khi bạn biết lắng nghe, bạn sẽ được khai ngộ”. Lại thêm câu thoại đầu của tổ sư trong thiền môn: “Nếu biết lắng nghe, bạn cũng có thể hiểu sâu chân lý”. Bởi vậy, người biết nói chuyện dĩ nhiên là quan trọng, nhưng người chịu lắng nghe lại càng quan trọng hơn.
Khi giảng đến chỗ nghĩa lý uyên thâm nhất như trong Kinh Kim cương, Đức Phật đã khuyên dạy đệ tử phải thường “Lắng nghe! Lắng nghe”. Lúc chúng đệ tử có thể hiểu rõ được yếu chỉ trong lời dạy của Đức Phật, Ngài cũng có lời khen ngợi: “Nghe tốt lắm, chư Phật tử!”. Song có một thực tế đáng buồn là, đa phần thanh niên trong xã hội ngày nay thường dễ hiểu sai lạc về một câu nói hay, một lời ý đẹp, chứng tỏ họ không chịu lắng nghe. Vốn dĩ là một câu tán gẫu vui đùa, có người sẽ hiểu sang ý khác, biến nó thành lời khích lệ bản thân, đó chính là biết lắng nghe vậy.
Một câu nói có thể khuyến khích mọi người nỗ lực vươn lên, ngược lại cũng có thể làm cho tinh thần của họ suy sụp, chán nản. Điều này chứng tỏ, sức mạnh của ngôn ngữ quả là không nhỏ chút nào. Các bạn độc giả thân mến! Khi đối diện trước những lời nói với đủ mặt tốt xấu, không biết các bạn sẽ làm thế nào để phân biệt rõ vậy?