Trò đùa ác, là mấy trò vặt vãnh dùng để hù dọa, trêu chọc người khác của những kẻ suy nghĩ thiển cận, thiếu khí chất và chiều sâu nội tâm.
Trước kia, học sinh thích bày trò chọc phá thầy cô, ngày nay giữa bạn bè cũng ưa trêu ghẹo lẫn nhau. Trò đùa ác có khi là những việc cố ý rắp tâm làm, ví như hacker xâm nhập hệ thống máy tính cộng đồng bằng virus. Những trò đùa ác kiểu này làm tổn thất tài sản của xã hội, gây hoang mang và tổn hại cho bao người, hơn nữa còn tự tạo bất lợi cho chính mình. Ngoài ra, có kẻ còn bịa chuyện hỏa hoạn ở nơi nào đó, khiến cho nhân viên cứu hỏa tức tốc đến chữa cháy, khiến họ phải chạy đôn chạy đáo một cách vô ích, còn mình thì lấy đó làm niềm vui. Đây đều là những hành động đáng lên án, bởi sự thiếu tôn trọng người khác cũng như nghề nghiệp của họ.
Chẳng hạn như Chu U Vương chỉ vì muốn có được nụ cười của nàng Bao Tự mà nhiều lần bỡn cợt với chư hầu bằng cách báo cháy giả, về sau phải chịu kết cục nước mất nhà tan, cái giá phải trả này thật quá đắt. Cậu bé chăn cừu thường hô lớn: “Có sói! Có sói!” để lừa mọi người vác gậy gộc đến bảo vệ đàn cừu. Nhưng rồi, sau vài lần đùa vui, chẳng còn ai tin lời nói của cậu nữa. Cuối cùng, đàn cừu của cậu cũng bị bầy sói ăn thịt hết.
Có những khi, trò đùa ác chỉ đơn thuần là mấy trò đùa giỡn giữa bạn bè với nhau. Ví như bỏ con gián hay con chuột vào ngăn bàn để dọa bạn bè, hoặc đeo chiếc mặt nạ xấu xí để hù dọa người khác, khiến họ giật mình còn bản thân thì hả hê cười đắc ý.
Đôi lúc chỉ là một trò đùa vô tâm, nhưng nếu vượt quá giới hạn cho phép, thì những trò đùa này có thể khiến cho tình bạn thân nhiều năm bỗng chốc trở thành kẻ thù, gây rạn nứt mãi mãi không thể hàn gắn được mối thâm tình thuở trước. Ví như có một cậu học trò, nhân lúc bạn mình đang chuẩn bị ngồi xuống ghế, cậu ta bất ngờ kéo ghế đi chỗ khác, làm cho người bạn bật ngửa ra sau, gây chấn thương sọ não và trở thành người thực vật suốt đời.
Đôi khi, những trò nghịch ngợm chưa chắc đã chọc ghẹo được người khác, ngược lại còn bị họ trêu chọc. Vì thế, nhân quả trong đó thật sự rất khó có thể lường trước được. Như một người đồng nghiệp nọ nói với Tiểu Trương: “Tổng giám đốc thấy bạn chăm chỉ làm việc và có cống hiến lớn cho công ty, nên đặc biệt mời bạn đến văn phòng để thưởng cho một chai rượu vang thượng hạng!”. Tiểu Trương nghe nói là lệnh của giám đốc nên chẳng dám chậm trễ, ngay lập tức đi đến phòng làm việc của sếp. Vừa bước vào phòng, nhìn thấy dáng vẻ bối rối của tổng giám đốc, cậu chợt hiểu ra mình đã bị bạn lừa. Lúc ấy, Tiểu Trương vội vàng kể rõ đầu đuôi sự việc với sếp. Và không hổ danh là một người giỏi xử lý công việc, sau khi nghe xong, tổng giám đốc liền lấy ra một chai rượu vang rồi nói với Tiểu Trương: “Chai rượu này tôi tặng cho cậu!”. Tiểu Trương vui mừng đón nhận và cảm ơn rối rít, hí hửng cầm chai rượu đi ra. Đúng lúc đó, có một nhóm đồng nghiệp đang đợi sẵn bên ngoài với ý nghĩ sẽ được xem trò cười từ cậu. Ai ngờ, vừa thấy Tiểu Trương cầm chai rượu bước ra thì cả đám ngỡ ngàng hổ thẹn vội tản đi hết. Cho nên, người thích đùa ác đôi khi sẽ bị người khác dạy cho một bài học.
Mỗi khi đến ngày Cá tháng tư, cũng có người lấy ngày này để trêu chọc người khác làm niềm vui cho mình, đem đau khổ đổ lên đầu kẻ khác, không biết là vui vẻ ở chỗ nào? Mong rằng, thay vào những trò đùa tinh nghịch, chúng ta có thể lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui của mình. Vậy chẳng phải, người với người sẽ gần nhau hơn, cuộc đời này sẽ đẹp hơn lên. Thật lòng mong lắm thay!