Khi chúng ta thật sự mở lòng, mới có thể lắng nghe lời khuyên của mọi người. Vì nếu không biết lắng nghe lời góp ý của người khác, thì dù là sương móc hoa hương họ cũng chẳng được lợi lạc, đây là điều vô cùng đáng tiếc.
Cha mẹ nuôi dạy con cái, thông thường sẽ có những lời răn dạy nghiêm khắc. Thầy cô hướng dẫn học sinh, ngoài việc dạy dỗ, đôi khi còn khiển trách, la mắng, kỷ luật, v.v. Giữa bạn bè với nhau, khi đã đủ thân thiết cũng sẽ cho nhau những lời góp ý chân thành.
Trong lịch sử, Ngụy Trưng từng nổi tiếng là bậc thầy can gián, nhưng người ta không ca ngợi tài can gián của Ngụy Trưng, mà lại thường tán thán Đường Thái Tông khéo biết tiếp nhận lời can gián. Điều đó chứng minh, kẻ làm vua mà có thể tiếp nhận lời can gián của bề tôi chính là bậc thánh chủ minh quân. Người bình thường nếu biết tiếp nhận lời khuyên nhủ của người khác, đều xứng đáng là bậc hiền nhân quân tử.
Lời khuyên là những lời hay lẽ phải mang tính chất phê bình, thuyết phục, kiến nghị, dạy bảo. Song khuyên bảo người khác, cũng cần phải có dũng khí. Còn khéo tiếp nhận ý kiến từ người khác, đó lại là một loại trí tuệ và mỹ đức của con người.
Thuở xưa, có nàng Đề Oanh tuy tuổi còn nhỏ, nhưng để cứu cha mà đã dũng cảm can gián và tường thuật với Hán Văn Đế về những nỗi thống khổ của tù nhân trong chốn lao ngục. Cuối cùng, đã khiến nhà vua cảm động, chẳng những miễn trừ tội trạng cho cha cô mà còn lập tức phế bỏ nhục hình. Gia Cát Lượng trong Xuất sư biểu đã ân cần khuyên can, hy vọng Hán hậu chủ là Lưu Thiện thân cận bậc hiền đức, xa rời kẻ tiểu nhân. Nhưng thật đáng tiếc, dù nhận được biết bao lời khuyên từ các bậc hiền thần, Lưu Thiện vẫn mãi là đứa trẻ A Đẩu ngày nào không chịu lớn khôn.
Các bậc đế vương trong lịch sử nhờ nghe nhiều lời khuyên can mà tâm trí trở nên sáng suốt. Ngược lại, nếu chỉ nghe từ một phía ắt sẽ ngu muội, hồ đồ. Thế nên một lời tốt của bậc trung thần sẽ giúp nước nhà hưng thịnh, trái lại chỉ một lời dua nịnh của bọn tham quan có thể khiến nước mất nhà tan. Dù đó vốn là một lời khuyên chân thành, hữu ích, nhưng phải là bậc minh quân mới có thể thấu hiểu tường tận. Xưa nay, đa phần những nhà cầm quyền đều bảo thủ cố chấp, không nghe lời can gián của người khác. Hiếm ai được như Giang tiên sinh, tuy độc tài chuyên chế nhưng lại biết lắng nghe ý kiến của quần thần.
Những bậc đế vương xưa kia khi thượng triều bàn luận chính sự, thì các đại thần trong triều đều có thể dâng tấu sớ và đề xuất ý kiến lên nhà vua. Ngày nay, các cơ quan xí nghiệp, đoàn thể nhân dân thường họp lại thảo luận, trưng cầu ý kiến chung của tập thể. Trong cuộc họp, thiểu số phục tùng đa số, và sẽ được thẩm định bởi các chuyên gia. Vì thế, những ai có tính độc tài sẽ rất khó tồn tại.
Ngày xưa, Lương Huệ Vương thỉnh giáo Mạnh Tử: “Lão tiên sinh, ông có cách nào để mang lại lợi ích cho đất nước chúng tôi không?”. Mạnh Tử đáp: “Đại vương, có nhân nghĩa là tốt rồi, cần chi phải bàn đến chuyện lợi ích?”. Lời khuyên này, chỉ có bậc minh quân tài đức mới có thể lắng nghe và thấu hiểu một cách trọn vẹn.
Tưởng Giới Thạch từ nhỏ đã phải bươn chải bên ngoài, mẹ ông ở nhà bị họ hàng ức hiếp, còn xâm phạm đến tài sản đất đai của gia đình ông. Bà cầu cứu sư trụ trì ở chùa Tuyết Đậu, tỏ ý muốn khởi kiện ra tòa. Sư trụ trì chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Kiện thắng thì mất mạng, còn kiện thua thì giữ được mạng”. Vì thế, sau này Tưởng Giới Thạch và mẹ ông luôn cảm niệm ân đức của vị sư ấy đã cứu mạng cả gia đình mình.
Thật ra, kiện tụng là việc làm thiếu sáng suốt, biết lắng nghe lời khuyên của người khác mới là một môn nghệ thuật đầy trí tuệ. Nó cho thấy tầm nhìn xa rộng về sự được mất lợi hại, và còn là lời khuyên ngay thẳng thành thực nhất.
Trong Phật Quang thái căn đàm nói: “Những người khuyên can phải khiến đối phương chấp nhận, nếu họ không chấp nhận tức là không đạt được mục đích, chẳng những không được lợi ích mà còn phản tác dụng”.
Thế nên, xã hội của chúng ta muốn tiến bộ thì chỉ còn cách, mọi người phải dám nói sự thật và thẳng thắn góp ý cho nhau hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.