“Đồng lòng”, là sự kết giao quý giá nhất giữa người với người. Đồng lòng, cũng chính là đồng tâm; có người gọi là đồng chí, đồng môn, đồng phái, đồng học, v.v.
Đồng lòng được thể hiện khi nhiều người có cùng một ý chí, suy nghĩ, tư tưởng, mục tiêu, hay quan điểm. Cho dù con người có nhiều điểm khác nhau về quốc gia, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, trình độ, v.v nhưng chỉ cần đồng lòng, thì không có gì ta không thể làm được.
Đối với các chính trị gia, cho dù có thuộc những đảng phái khác nhau, nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung của đất nước, và phải có chung một lý tưởng. Trong một đoàn thể, ta phải xét đến các mối quan hệ khác nhau giữa lợi ích và tổn hại, cũng vì lợi ích phát triển lâu dài của đoàn thể nên tư duy cần có điểm tương đồng. Những giáo phái của các tôn giáo có thể khác nhau trên phương diện ý niệm, nhưng chúng đều cùng có tín ngưỡng và sự phát triển như nhau. Anh em đồng lòng, thì sức mạnh ấy có thể chặt đứt được kim loại, vậy đã cùng chung một tông phái và đoàn thể thì tại sao lại so đo tính toán quá nhiều làm gì chứ? Chẳng sợ hổ báo sinh ba cái miệng, chỉ sợ con người sinh hai lòng, từ đó đủ thấy, sự đồng lòng quan trọng đến dường nào.
Nếu trong gia đình, từ cha mẹ, con cái, cho đến anh chị em đều không hòa hợp, khiến cho cửa nhà xào xáo thì dễ bị hàng xóm coi thường. Khi xưa, tuy tính tình của Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi mỗi người mỗi khác, nhưng chẳng phải vẫn cùng nhau kết nghĩa huynh đệ và ra sức giành lấy một phần thiên hạ cho nhà Thục Hán đó sao? “Kết bái tại vườn đào” đã qua mấy nghìn năm, thế mà họ vẫn luôn được lịch sử và người đời ca ngợi, lưu truyền. Đồng lòng, không có nghĩa là bắt buộc toàn dân trong nước phải cùng chung một lý tưởng, một chí hướng, mà chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó chính là hòa hợp. Thực ra, mỗi người đều có ước mơ và chí hướng khác nhau, điều này cũng là chuyện đương nhiên. Điều cốt yếu là phải cùng chung tư tưởng và lấy đại cuộc làm trọng, dám vứt bỏ thành tích cá nhân để thành tựu cho tập thể, đó chính là đồng lòng.
Tạo sự đồng lòng giữa mọi người với nhau, đương nhiên là rất khó. Nhưng ngoài đồng lòng ra, có thể bao dung mình và người, điều này càng khó hơn. Trong nhà Phật, Bồ tát Quán Thế Âm có thể đạt được vô duyên đại từ1, và sau khi thành Phật thì tâm bao thái hư2, vì mười pháp giới đều nằm trong một tâm, cần gì phải nhọc công phân biệt?
1 Vô duyên đại từ: Lòng thương xót rất đặc biệt đối với những chúng sinh đau khổ, cứu giúp những kẻ bị hoạn nạn tai ách, là tình thương tự nhiên không điều kiện, không có hạn lượng.
2 Tâm bao thái hư: Tấm lòng rộng lớn ôm trọn cả hư không.