Trong thân tâm của chúng ta có bao nhiêu phiền não, bạn đã từng tính qua chưa? Đại khái là, có khoảng 84.000 cấu trần phiền não.
Kẻ thống lĩnh chỉ huy phiền não, chính là bản thân chúng ta. Cấp dưới của “ta” còn có sáu tư lệnh: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Và mỗi tư lệnh này sẽ chỉ huy thêm một đoàn binh lính tiểu tốt khác tác chiến, gây phiền não cho thân tâm chúng ta, đồng thời còn khuấy đảo làm ảnh hưởng đến người khác và toàn thể xã hội.
Những thứ phiền não này quả thật vô cùng đáng sợ, chúng bùng lên như ngọn lửa dữ tợn muốn thiêu rụi mọi thứ, khiến cho bao nhiêu công đức tốt đẹp vốn tích lũy bấy lâu đều bị hủy hoại trong gang tấc. Mặt khác, chúng giống như kẻ cướp, cướp sạch mọi công đức pháp tài của chúng ta; giống như sóng biển hung tợn, muốn nuốt chửng tất cả. Phiền não ấy giống như cỏ dại mọc trên cánh đồng hoang, làm cho những mầm thiện hoa lành trái ngọt vừa mới chớm nhú lên đã bị chèn ép không thể nào phát triển.
Phiền não là những cảm xúc xuất hiện khi tâm và cảnh tiếp xúc với nhau, thường do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta duyên theo các cảnh như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Một khi có dính mắc, liền sinh ra vô số phân biệt phiền não. Do đó, muốn gạn lọc hết mọi phiền não, trước tiên chúng ta cần phải nhổ sạch cội gốc của nó, kế đến là bắt giữ kẻ thống lĩnh phiền não. Vì thế Đức Phật từng dạy: “Muốn học Phật pháp, trước tiên phải vô ngã”. Ở đây, vô ngã không có nghĩa là muốn chúng ta hủy diệt cái tôi, mà vô ngã là muốn mọi người chuyển thức thành trí. Ví như chuyển tâm tham lam thành tâm hỷ xả, chuyển tâm sân hận thành tâm từ bi, chuyển vô minh thành trí tuệ, chuyển giả ngã thành chân ngã.
Đã là chúng sinh phàm phu thì không ai là không có phiền não, nhưng nếu là người có tín tâm, có tu dưỡng, thì sẽ cố gắng giảm thiểu phiền não đến mức thấp nhất có thể. Bạn là người phiền não sao? Nếu như vậy, những cách dưới đây sẽ mở ra cho bạn biết phải làm thế nào để loại bỏ nó:
Thứ nhất, kết giao với các bậc thiện tri thức, không nên qua lại với người chất chứa quá nhiều phiền não.
Thứ hai, thường xuyên tự trách bản thân không có tiến bộ, luôn hổ thẹn rằng tại sao mình lại có nhiều phiền não đến thế. Chỉ cần bạn luôn ý thức giữ gìn chính niệm, thì ngay đó phiền não sẽ tự động biến mất không để lại dấu vết.
Thứ ba, luôn chủ động mỉm cười, đối đãi thân thiện và nói lời tốt đẹp với mọi người xung quanh, để duy trì hòa khí, cũng như đẩy lùi được phiền não.
Thứ tư, thường đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ để có thể khoan dung, tha thứ, và đồng cảm, thấu hiểu cho họ. Đức tính này tự nhiên sẽ giúp bạn giảm bớt thị phi muộn phiền, nhờ vậy phiền não không có cơ hội dấy khởi.
Thứ năm, hăng hái phát tâm làm việc phục vụ đại chúng, khiến bản thân luôn bận rộn, vậy là sẽ chẳng còn thời gian rảnh rỗi để tô vẽ lên bức họa phiền não rối ren.
Thứ sáu, tự mình có thể quán chiếu và chuyển hóa phiền não. Có thể nói, đây chính là người dũng cảm và mạnh mẽ nhất.
Không phiền, không não, tâm tự tại,
Cuộc sống an vui tháng cùng ngày.
Phiền não không hẳn sinh khởi từ ngoại cảnh, mà lắm lúc do chúng ta mê muội tự chuốc khổ vào thân. Nói chung, những người có tính cách lạc quan vui vẻ sẽ thoát khỏi phiền não một cách dễ dàng. Khi chịu đựng nỗi oan ức hay sự đả kích, chúng ta cần nghĩ thoáng, nhìn thông, và hiểu thấu, để có thể nhẹ nhàng buông xuống những gánh âu lo nặng trĩu tâm tư. Lúc đối diện với khó khăn gian khổ mà trong lòng vẫn có thể vui vẻ đón nhận, không muộn phiền oán trách, không bi ai chán chường. Khi ấy, thân tâm tự nhiên sẽ an trú trong khoảng trời tự tại, sẽ đến đi thong dong trên mỗi chặng đường an nhiên.