Đôi chân là phương tiện đi bộ của con người, nhưng vì đường xa mỏi gối, con người sẽ ước ao có được chiếc xe đạp. Khi có xe đạp rồi, hẳn sẽ lại mong ước có chiếc xe máy để chạy nhanh hơn. Đâu dừng lại ở đó, có xe máy rồi lại lo sẽ nguy hiểm bất trắc, giá như có được chiếc ô tô bốn bánh thì tốt biết bao! Ấy vậy mà, có được xe hơi lại chê hàng trong nước không sang trọng, chạy chậm, mẫu mã quê mùa, chỉ ước sao tậu lấy một chiếc xe thương hiệu nước ngoài thật ngầu và phong cách, được thế thì còn gì tuyệt vời bằng!
Người không có xe, thì luôn ngưỡng mộ kẻ có xe. Có xe rồi thì lại lo lắng bất an lo tìm chỗ đậu xe sao cho an toàn, sợ mất trộm, sợ va chạm, sợ hư hỏng, v.v. Thậm chí trước đây từng đưa tin có người bị bắt cóc tống tiền, chỉ vì sở hữu một chiếc xe thời thượng. Cuối cùng, có người buộc lòng phải bán chiếc xe thương hiệu đó đi và trở lại những tháng ngày bình thường, trả lại cõi lòng những tháng ngày bình yên vô sự.
Xe hơi là phương tiện hỗ trợ cho việc đi lại và vận chuyển. Khi có xe rồi lại phải tính đến việc bảo dưỡng, tìm bãi đậu xe, tiếp thêm nhiên liệu, đôi khi còn nhọc lòng so bì xe này đẹp, xe kia lỗi thời, v.v. trăn trở về nó mỗi ngày. Xe hơi giúp cho việc đi lại thêm thuận tiện, nhưng đồng thời cũng mang đến cho con người khá nhiều sự vướng bận, nhất là khi bị chết máy giữa đường thì đúng là “xe hơi” khiến người phải “hụt hơi”.
Tuy ô tô đem đến nhiều nỗi bận lòng, thậm chí vì một chút sơ suất có thể xảy ra tai nạn, làm người trong cuộc phải điêu đứng. Nhưng suy cho cùng, ô tô cũng chỉ là phương tiện thay thế cho đôi chân, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người mà thôi. Nó được xem như một trường học lưu động, giúp chúng ta tranh thủ được thời gian và không gian, làm giàu vốn kiến thức về nhân văn, địa lý, lịch sử, v.v.
Ô tô là một sản phẩm tân tiến của thời đại, giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa người với người, nên nó có vai trò và tầm quan trọng rất lớn. Thế nhưng, con người không nên vì sĩ diện, hay chỉ vì thích vi vu lên mặt với đời mà sắm ô tô, đấy là sự tiêu thụ vô bổ, lãng phí. Nhất là sau khi uống rượu, thì tuyệt đối không được phép lái xe. Giới thanh niên thời nay khi uống rượu vào, thường có thói quen muốn đưa bạn gái đi dạo phố, để rồi xảy ra những việc đáng tiếc khiến bản thân phải hối hận khôn nguôi.
Ngày nay, hành khách trên xe cần chú ý đến phép lịch sự tế nhị. Chẳng hạn khi lên xe, một bộ phận người trẻ thường chen chân lên trước, lúc xuống xe lại đẩy người già xuống trước. Người điều khiển xe cũng cần chú ý đến các tình huống khi lái xe, ví như khi đi đến vạch đường dành cho người đi bộ, cột đèn đỏ, vòng cua thì bắt buộc phải giảm tốc độ. Tài xế lái xe không nên tùy tiện lạng lách đánh võng, hoặc phanh gấp để người ngồi trên xe không có cảm giác xây xẩm nôn nao, như vậy mới xứng đáng là tay lái lụa.
Một tài xế taxi chia sẻ, thông thường người khác lái xe khoảng 5 năm thì đã phải thay chiếc mới, nhưng xe của anh đã dùng hơn 10 năm rồi mà vẫn rất ổn.
Vì khi gặp đèn đỏ, mọi người luôn đợi đến phút chót mới đạp phanh, còn anh đã giảm tốc từ xa, xe sẽ từ từ dừng hẳn khi chạm vạch. Cố gắng giảm thiểu số lần phanh gấp, là cách để duy trì tính năng và kéo dài tuổi thọ của xe.
Nếu có thể dùng ô tô vào những việc làm ý nghĩa đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và nhân sinh, chẳng phải khi đó bạn đã nâng giá trị của nó lên vô cùng hay sao!