Cơn giận thường bộc phát bởi tâm sân hận tiềm tàng, ẩn khuất trong mỗi chúng ta. Đôi lúc trong cuộc sống gặp phải những điều ngang trái, chịu tổn thương và ấm ức, con người sẽ khó kiểm soát được cơn giận của mình.
Một khi nổi giận, con người sẽ đánh mất lý trí, không còn chút tôn trọng, bao dung nào đối với người khác. Ngược lại, tất cả chỉ còn lại ngọn lửa oán giận, và ra sức chỉ trích khiến đối phương không thể chịu đựng nổi. Bên cạnh đó, còn có kiểu người thường cảm thấy không vui mỗi khi thấy người khác giỏi giang, khéo léo, xinh đẹp hơn mình. Đây đều xuất phát từ lòng đố kỵ, ghen ghét, và không muốn người khác tài giỏi hơn mình mà ra.
Chính vì vậy, lòng sân hận và đố kỵ sẽ làm tổn hại người khác. Rồi mỗi khi tức giận, người ta dễ hung hăng tranh luận, từng câu từng lời đều như đổ hết mọi bực dọc lên đầu đối phương. Hơn nữa, càng nói càng giận, càng tranh luận càng oán.
Bạn biết đấy, dáng vẻ lúc nổi giận trông thật khó coi, lời nói khi nóng giận cũng rất khó nghe, ý nghĩ lúc giận thì tiêu cực, u ám không lối thoát. Con người lúc nổi giận thường tỏa ra mùi xú uế của thù hận và các oán khí nóng bức độc hại, khiến cho những người xung quanh không dám đến gần. Bởi khi đó, tâm ta đang ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Có người nói: “Thà rằng cãi nhau với người biết nói lý lẽ, còn hơn trò chuyện với kẻ hay gắt gỏng vô cớ”. Nóng giận không những làm tổn thương người khác, mà còn tự làm tổn thương chính mình. Cho nên, tức giận chính là tự tay hủy hoại bản thân mình, vậy thì ai có thể giúp được ta đây?
Trong gia đình, phổ biến nhất là những trận xích mích gây gổ giữa hai vợ chồng. Bởi vì có yêu, nên lúc tình cảm thay đổi hay bất hòa, thì tự nhiên yêu bao nhiêu liền biến thành hận bấy nhiêu. Bạn thấy đó, một khi vợ chồng cãi nhau thì thường hay ném bát đĩa, đập bàn xô ghế. Thực ra, bát đĩa bàn ghế vốn không có lỗi với họ, nhưng họ lại vô tâm trút hết mọi oán giận lên chúng.
Lúc sân giận, những lời lẽ tuyệt tình không nên nói sẽ chẳng ngại buông ra hết, những chuyện quá cũ từ thuở nào cũng lôi ra nói. Tức giận giống như một hố phân hôi thối, vì mùi đó khó ngửi và không ai có thể chịu nổi. Cảm xúc nóng giận như một cơn bão lũ ập đến tàn phá hoa màu, vùi dập cây cối, mà ngay cả con người và các loài vật cũng bị đe dọa đến tính mạng. Nhất là những lời lẽ khi bực tức, mặc cho có người bên cạnh hay không họ cũng tuôn ra hết.
Thực ra, nếu một người có chút tu dưỡng, thì dù có đang tức giận, họ vẫn sẽ đủ bình tĩnh, giữ nhỏ giọng, và mỉm cười. Đó là cách giúp họ dần lấy lại thế thượng phong, cũng như làm chủ cơn giận ngay khi vừa bộc phát. Khi muốn nổi giận không nên để người khác biết, mà hãy tìm một thời điểm thích hợp và tránh xa chỗ làm chúng ta không vui rồi bình tĩnh tháo gỡ cơn giận.
Giống như một bài hát với những tiết tấu âm nhạc, nhưng bạn theo không kịp các nhịp điệu, thì có thể do âm điệu của mỗi người khác nhau. Hoặc bạn là người có tu dưỡng thật sự, nên nghĩ đến chữ nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Chẳng phải nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao đó sao?
Những người tức giận đều cho rằng mình có lý, nhưng thực ra là không có lý chút nào. Chỉ có người biết nhẫn nại, thấu hiểu mình, và dễ dàng dung thứ cho người, mới thực sự có đạo lý. Lúc nổi nóng, nếu như bạn có đủ dũng khí thì hãy đến trước gương tự soi lại mình xem, thử coi sắc diện của bạn lúc đó thế nào, hoặc là đến ngồi trước tôn tượng Bồ tát Quán Âm xưng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát”. Chắc chắn rằng, những muộn phiền hờn giận trong lòng bạn tự nhiên sẽ tiêu tan theo mây khói.
Ngay lúc giận dữ, bạn hãy tự vấn bản thân rằng: Tức giận có tác dụng gì đối với mình hay không? Ta đến nhân gian này chỉ để tức giận thôi sao?
Đương nhiên là không phải vậy rồi! Mình luôn mong muốn giữ tâm an cơ mà! Vậy nên thường nhắc chính mình rằng, khi và chỉ khi tâm ta đủ từ bi, ý ta đủ nhẫn nại, lòng ta đủ rộng lớn thênh thang, ta mới có thể sống một đời an yên, bớt ưu phiền, và không nỡ giận hờn bất cứ ai.