Được biết Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm Tùng Thư được Thượng tọa Thanh Phong, Đại đức Quảng Lâm và Đại đức Vạn Lợi, v.v. đồng sáng lập ở Hà Nội vào cuối mùa hè năm 2019. Năm nay, nhờ nhân duyên thù thắng vi diệu, các thầy ở Trung tâm Biên phiên dịch có nhã ý muốn chuyển ngữ bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ do Thầy tôi (Đại sư Tinh Vân) viết sang tiếng Việt, đến nay đã chuẩn bị phát hành ra thị trường. Trong thời gian này, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam ngày càng dữ dội và phức tạp, chúng tôi hy vọng việc xuất bản bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ phiên bản tiếng Việt, sẽ giúp cho tâm của những độc giả Việt Nam các bạn được an yên hơn giữa “cơn bão COVID-19” này.
Còn nhớ, gần hai mươi năm trước, những bài viết trong Ranh giới giữa mê và ngộ đã được đăng mỗi ngày một bài trên nhật báo Nhân gian phúc báo trong bốn năm trường với 1.124 bài viết, sau đó, đã được soạn lại thành 12 tập và xuất bản ra thị trường. Nội dung mỗi bài viết đều nói đến những điều thường nhật trong cuộc sống của chúng ta như: đời sống sinh hoạt, sinh tử kiếp người, mối quan hệ tương giao giữa người với người, giữa con người với xã hội, v.v. Cho nên, khi đọc những bài viết này, chúng ta như đang đọc được những trải nghiệm từ chính cuộc sống của mình vậy. Ví như những bài Con người có hay không kiếp sau? Nhận thức về thời gian, Giữa được và mất, Làm sao để thay đổi vận mệnh, Ý nghĩa của việc chịu thiệt, v.v. Có thể nói, những vấn đề mà chúng ta muốn tìm hiểu đều được giải đáp từ bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ này.
Nhìn lại quá trình hơn hai nghìn năm truyền bá của đạo Phật, tuy sự đón nhận và phát huy tinh thần Phật giáo của người dân ở mỗi nơi Phật giáo đi qua là khác nhau nhưng tất cả đều làm cho giáo lý Phật pháp ngày càng phong phú hơn so với thời Phật còn tại thế. Nhưng tựu trung thì cốt lõi vẫn không ngoài chữ “Tâm”, như bài kệ sau:
Phật nói tất cả Pháp,
Đối trị hết thảy Tâm.
Nếu không có Tâm này,
Thì các Pháp ích chi?
Từ đó, ta thấy được nội dung Tam tạng Thánh điển Kinh - Luật - Luận tuy nhiều, nhưng vẫn không nằm ngoài mục đích duy nhất là giúp cho con người tìm lại bản tâm thanh tịnh sáng suốt trong chốn hồng trần đầy rẫy lục dục thất tình này.
Thật ra, những chuyện buồn vui của kiếp người cũng đều do một suy nghĩ mà ra cả. Nếu như suy nghĩ của ta “ngộ” thì dù ở bất cứ nơi nào, ta tự nhiên sẽ có được sự giải thoát tự do. Còn giả như tâm ý của ta “mê” thì ta sẽ bị trói buộc vào vô minh phiền não và chúng khiến cho tâm ta bức bối vô cùng. Bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ dạy cho chúng ta làm sao để có được “đời sống chính niệm”. Chỉ cần giữ được chính niệm thì những khó khăn hàng ngày mà chúng ta gặp phải sẽ trở thành sức mạnh trợ duyên ta tiến về phía trước; nghịch cảnh sẽ tôi rèn ý chí chúng ta ngày một kiên cường hơn; nghịch duyên cũng sẽ giúp chúng ta tăng trưởng thêm nhiều thiện duyên. Một người có chính niệm là người có thái độ sống tích cực và lạc quan, nhờ đó mà đời sống của người ấy sẽ trở nên tươi đẹp và may mắn hơn.
Cổ đức có câu: “Không nương vào nhân gian làm sao chứng đắc được Niết bàn”. Từ khi theo Đại sư Tinh Vân đến nay, tôi có được nhiều sự trải nghiệm sâu sắc nhờ thực hành hạnh nguyện: “Nương vào tư tưởng Xuất thế, thành tựu sự nghiệp Nhập thế” của Thầy. Trước đây, đạo Phật chủ yếu hoằng pháp ở trong các cơ sở tự viện, người dân muốn học Phật đều phải đến chùa gặp các sư thỉnh giáo. Nhưng ngày nay, Thầy tôi muốn thông qua các kênh như: giáo dục, văn hóa, từ thiện, công ích, v.v. để mọi tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội tiếp xúc với Phật giáo Nhân gian. Cũng từ đó, xã hội biết đến Phật pháp nhiều hơn qua các phương tiện như trường học, sách vở, báo chí, truyền hình, hoạt động thể dục thể thao, v.v.
Nội dung bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ chủ yếu nói đến những chuyện thường tình ở nhân gian, nhưng xét về mặt truyền tải thì Đại sư đã khéo léo vận dụng câu chữ trí tuệ làm phương tiện giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng thông hiểu, sau đó tiếp bước ngộ nhập cánh cửa vi diệu của Phật pháp; thông qua việc “quay về” mà thấy được chính mình, từ đó tỏ bày Chân như Phật tính trong tâm mỗi chúng ta!
Dù cho Thế gian hay Xuất thế gian thì cũng không ngoài hai chữ “nhân duyên”. Thượng tọa Thanh Phong trước đây từng du học ở Phật học viện của Phật Quang Sơn (Cao Hùng); Đại đức Quảng Lâm và Đại đức Nguyên Tú (người đã liên hệ trực tiếp để xin tác quyền bộ sách này với chúng tôi), cũng từng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Phật học ở Đại học Phật Quang (Nghi Lan). Có thể nói, các vị đều có nhân duyên tiếp xúc và hiểu rõ “Phật giáo Nhân gian” của Phật Quang Sơn hơn ai hết. Nhân đây, xin cảm ơn quý thầy và các bạn cư sĩ đã phát tâm phiên dịch bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ của Thầy tôi, điều này sẽ giúp cho gần trăm triệu người Việt nhờ đọc được bộ sách này mà hiểu được tư tưởng cơ bản của “Phật giáo Nhân gian”. Hy vọng việc hoằng pháp bằng sách vở này của quý vị ngày càng được lan tỏa rộng khắp các cơ sở tự viện, trường học hay gia đình Phật tử, trong mọi tầng lớp xã hội, v.v. Từ đó, chân lý của trí tuệ sẽ tỏa sáng trong trái tim của mỗi người con Phật!
Phật Quang Sơn
Ngày 30 tháng 05 năm 2021
Đương kim trụ trì Phật Quang Sơn
Hòa thượng Tâm Bảo