Theo lẽ thường, ngày thứ 3, 7, 49 và 100 là những ngày được chú ý để cử hành một nghi lễ trợ tiến tâm linh cho người quá cố. Mặc dù Phật giáo không quy định bất kỳ một ngày cụ thể nào cho lễ cầu siêu này, nhưng người ta có thể phương tiện tùy nghi chọn những ngày này hoặc các ngày cuối tuần gần những ngày ấy nhất cho lễ cầu siêu. Các nhà sư có thể được thỉnh đến tư gia để cúng dường hoặc có thể sắp xếp để tổ chức lễ ngay tại chùa. Sau buổi lễ, điều quan trọng là hồi hướng các công đức có được từ phước cúng dường đến người quá cố để trợ giúp người đó nhanh chóng được tái sinh vào cõi lành.
Ngoài ra chúng ta còn có thể mời bạn bè cùng tiến hành Pháp hội cúng dường trai tăng để tưởng nhớ người quá cố. Khi làm một điều thiện lành, chúng ta không nên làm điều đó một cách riêng tư mà thay vào đó hãy cho những người khác biết và khuyến khích họ cùng tham gia vào việc tu tạo công đức. Ngay cả nếu họ không hiến tặng bất kỳ thứ gì thì vẫn có thể có được thiện pháp nhờ sự trân quý tán thán những việc tốt của người khác. Bằng cách này, chúng ta đang nỗ lực giúp người khác phát triển thiện pháp.
Phụ chú
Khía cạnh quan trọng nhất trong nghi thức tang lễ Phật giáo là việc dâng phẩm vật cúng dường đến Đại Tăng và sau đó là hồi hướng công đức.
Đức Phật đã xác nhận rằng: hồi hướng công đức có được từ một việc làm thiện lành cho thân quyến đã ra đi, người mà có thể bị tái sinh vào một cảnh giới bất hạnh, là cách đúng đắn và có hiệu quả để giúp họ vượt qua tình trạng thiếu phước của mình, rồi sau đó có được một sự tái sinh tốt.
Hiệu suất của việc cúng dường vào phước điền vô thượng, tức Đại Tăng, là cách tốt nhất để vun trồng phước đức cần thiết nhằm mang lại những thành quả hữu hiệu nhất cho người thân đã quá vãng bị sa vào cảnh giới ngạ quỷ. Hiệu quả của phép thực hành này đã được chứng minh nhiều lần trong suốt cuộc đời đức Phật, được ghi chép trong tập Ngạ Quỷ Sự.
Nghi thức cúng dường y phấn tảo, hay nghi thức cuối cùng cho người Phật tử, thực ra là tái hiện lại một sự việc đã xảy ra trong cuộc đời đức Phật.
Vào thời điểm Thế Tôn đang tới thành Vương Xá, Vua Tần-bà-sa-la (người trước đó đã ngỏ ý hiến dâng vương quốc của mình cho Bồ tát) cùng với hàng ngàn Bà-la-môn đã đến đảnh lễ Ngài. Sau thời pháp, Vua Tần-bà-sa-la liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Rồi nhà vua đã cung thỉnh đức Phật đến hoàng cung thọ trai vào ngày hôm sau.
Trong thời gian cúng dường, các quỷ đói vốn là thân quyến đã quá vãng của vua Tần-bà-sa-la ra đứng bên ngoài bức tường của cung điện và suy nghĩ: “Nhà vua sẽ hồi hướng công đức cúng dường ấy đến chúng ta”.
Tuy nhiên, sau khi cúng dường, vua Tần-bà-sa-la lại quên hồi hướng công đức vua làm được cho thân quyến là ngạ quỷ của mình, vì vua đang bận tâm đến việc chọn lựa một địa điểm thích hợp để xây dựng tinh xá cho Phật. Không nhận được công đức, các ngạ quỷ đã khóc lóc và rên rĩ kinh hãi bên ngoài các bức tường ở cung điện giữa đêm khuya.
Nhà vua nghe thấy những tiếng rên rĩ kỳ dị này và trở nên rất sợ hãi. Lúc trời vừa hừng sáng, nhà vua liền bạch với đức Phật về nỗi sợ hãi của mình và hỏi liệu ông sẽ trở thành người như thế nào. Đức Phật đã giải thích với nhà vua rằng: Những người thân trước đây của vua đã quá vãng, sinh vào loài quỷ đói, chịu luân hồi trong một thời gian lâu dài không thể tính được kể từ khi đức Phật trải qua kiếp cuối cùng [thời Phật Phussa (Phất- sa), trước đây khoảng 92 đại kiếp] đang mong đợi được giải thoát khỏi khổ đau.
Họ đã mong đợi nhà vua ban cho sự bố thí được thực hiện ngày hôm qua, nhưng ngài đã không làm điều đó. Họ đã vô cùng đau khổ vì điều này và than thở về niềm hy vọng đã mất. Nhà vua thưa, “Bạch Thế Tôn! Liệu họ sẽ nhận được công đức nếu con bố thí hôm nay và hồi hướng phước lành cho họ hay không?”
Đức Phật khẳng định điều ấy sẽ được. Vua Tần-bà-sa-la sau đó đã chủ động thực hiện các nghi thức cho người chết được gọi là cúng thí thực1 trong Phật giáo. Nhà vua cung thỉnh đức Phật cùng một số Tỳ-kheo thọ trai trong hoàng cung của mình.
1 Dakkhinaupadana.
Trong thời gian cúng dường cho đức Phật và chư vị Thánh Tăng, những điều kỳ diệu đã xảy ra. Đức Phật vận dụng thần thông khiến cho nhà vua nhìn thấy rõ ràng loài quỷ đói từ bên ngoài các bức tường của cung điện.
Khi vua cúng nước làm lễ vật và nói, “Hãy ban nước này cho những người thân của tôi!” ngay lúc đó, các ao sen xuất hiện xung quanh loài quỷ đói. Chúng tắm trong các ao, nhờ đó sự mệt mỏi, khát nước của họ đã tan biến, cơ thể họ trở thành màu vàng. Thế rồi, nhà vua bố thí cơm, cháo và thức ăn cả cứng lẫn mềm cho họ.
Liền khi đó, đồng loạt các quỷ đói đều có thức ăn để ăn và các căn của chúng liền trở nên khỏe mạnh. Nhà vua còn bố thí áo mặc và chỗ ở cho chúng. Nhờ việc làm đó, ngay lập tức, các ngạ quỷ được trang sức lộng lẫy. Chúng còn được sinh sống trong những cung điện được trang bị rất tốt. Nhà vua vô cùng vui sướng với những gì ông đã làm và rất hoan hỷ khi nhìn thấy kết quả của những việc làm đó.
NGUYÊN NHÂN SINH LÀM NGẠ QUỶ
Chúng sinh được gọi là ngạ quỷ vì họ cách sự an lạc, hạnh phúc rất xa. Ngạ quỷ1 có nghĩa đen là những chúng sinh đã chết, hay những chúng sinh hoàn toàn không có hạnh phúc. Họ không phải là những linh hồn hay ma quỷ vô hình. Mặc dù họ có hình thể vật chất, nhưng nhìn chung mắt thường không thể thấy. Họ không có địa bàn riêng mà sống trong rừng, nơi những môi trường xung quanh bẩn thỉu, v.v.
1 Tiếng Pāli: Peta = pa (thời gian trước, đời trước) + ita (đã qua), chỉ cho người đã chết.
Tham, sân, si1 là nền tảng cho các hạnh nghiệp (của họ). Kết quả sinh ra từ các hạnh nghiệp này là họ không được tái sinh trong loài người, các loài trời, hay bất kỳ cảnh giới an lành nào khác mà phải đọa lạc trong các cảnh giới khổ đau như Ngạ Quỷ Giới2... Loài ngạ quỷ nhìn chung sống một đời sống khốn khổ, phải chịu đựng những nỗi đau đớn và khổ sở không ngừng.
1 Lobha, dosa, moha.
2 Pettivisaya. 1 Paradattupa-Jivi.
Việc cúng dường y phấn tảo khi một người qua đời là để cho phép người chết (trong trường hợp người ấy bị tái sinh thành một ngạ quỷ lõa lồ) có được quần áo để che đi sự lõa lồ của vị ấy. Và trong số họ, chỉ những ngạ quỷ nào sinh ra trong quỷ giới Tha Thí Hoạt Mạng1 mới có thể được thọ nhận và chia sẻ nhờ công đức thiện nghiệp từ thân quyến hay những người yêu mến họ.
NHỮNG NGƯỜI THÂN ĐÃ TỪ TRẦN CỦA MỘT NGƯỜI CÓ THỂ CÙNG THỌ HƯỞNG NHỮNG CÔNG ĐỨC ĐƯỢC TÍCH LŨY QUA VIỆC BỐ THÍ CỦA THÂN QUYẾN HỌ HAY KHÔNG?
Có lần, một Bà-la-môn tên Janussoni đi đến chỗ Phật, cung kính thưa hỏi: “Làm thế nào để thân bằng quyến thuộc đã chết có thể thọ hưởng kết quả của việc bố thí dành cho họ?”
Để trả lời, đức Phật nói rằng: “Có những trường hợp việc cúng thí có thể thọ hưởng được; có những trường hợp khác lại không thể thọ hưởng.
Về trường hợp không thọ hưởng được, liên hệ đến hai hạng chúng sinh:
(i) Những người đã thực hiện những hành vi cực kỳ bất thiện hay xấu ác1, mạng chung sẽ bị sanh vào địa ngục hay súc sanh.
1 Akusala Kammapatha.
(ii) Những người đã biết tránh những hành vi xấu ác, mạng chung được tái sanh cảnh giới của chư Thiên hoặc được tái sanh làm người lần nữa. Hạng chúng sinh này sống bằng ‘thức ăn’ riêng trong cảnh giới của họ và như thế họ không thể thưởng thức hay thọ hưởng được kết quả công đức hồi hướng cho họ”.
Vị Bà-la-môn lại hỏi: “Trong trường hợp người thân không tái sanh vào cõi ngạ quỷ thì ai sẽ có thể thọ nhận sự hồi hướng công đức?”
Câu trả lời của đức Phật là: “Trong trường hợp như vậy, thân quyến đã quá vãng khác sẽ thọ hưởng. Bởi vì không thể không có bất kỳ người thân nào của người cúng dường ở trong cõi đó từ nhiều kiếp quá khứ xa xôi.”
Người Bà la môn hỏi thêm: “Nếu những chúng sinh đó đã tái sinh vào các cảnh giới mà không thể thọ nhận sự hồi hướng thì có điều kiện nào khác để có thể giúp họ không?”
Đức Phật trả lời rằng họ sẽ được hưởng lợi bởi bất kỳ việc bố thí nào mà chính họ từng làm khi ở cõi người (tức là họ chỉ có thể hưởng lợi từ kho tàng thiện nghiệp trong quá khứ của chính họ). Ví dụ, nếu họ được sinh làm súc sinh như voi hay ngựa, họ sẽ được nuôi dưỡng tốt với nguồn thức ăn và nước uống đầy đủ. Mặt khác, nếu họ được sinh làm người hoặc chư Thiên, họ sẽ được cung cấp đầy đủ bất cứ thứ gì họ cần để sống thoải mái.
Do vậy, về phía người cúng dường hay người bố thí, không thể có bất kỳ tổn thất nào:
“Một món quà trao đi,
Không thể không kết quả,
Bởi chính người ban tặng
Trải nghiệm phước quả đó”.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng không phải tất cả các ngạ quỷ đều có thể nhận được phần công đức được hồi hướng. Tỳ- kheo Na Tiên trong một lần trả lời Vua Di-lan-đà có đề cập đến ba trong số bốn loại Ngạ quỷ không thể nhận được phần công đức hồi hướng cho họ. Ba loại đó là:
(i) Những ngạ quỷ sống bằng vật ói mửa của con người1;
(ii) Những ngạ quỷ luôn chịu đói khát, bức bách2;
(iii) Những ngạ quỷ luôn chịu đau khổ vì lửa thiêu đốt, nóng bức…3 Chỉ những ngạ quỷ sống nhờ vật thực của con người ban cho4; và những ngạ quỷ nhớ đến thân quyến đang còn sống của mình, thấy được những gì họ làm mới có thể thọ nhận và chia sẻ phần công đức của những việc cúng dường như thế.
1 Vantasika (Thực Tha Thổ Xuất Vật Ngạ Quỷ).
2 Khuppipasino (Cơ Khát Ngạ Quỷ).
3 Nijjhamatanahika (Thiêu Khát Ngạ Quỷ).
4 Paradattupa-jivi (Tha Thí Hoạt Mạng Ngạ Quỷ).
Loại ngạ quỷ cuối thường được tái sinh trong môi trường xung quanh ngôi nhà... Ví dụ, những người thường hay lo lắng, sau khi chết họ sẽ được tái sinh thành ngạ quỷ sống ở xung quanh nhà. Họ sẽ xuất hiện trước gia quyến hoặc những người khác như những bóng ma.
Nói tóm lại, trong Phật giáo có ba điều kiện theo đó những nghi thức cho người chết có thể mang lại kết quả như mong đợi. Đó là:
(1) Người bố thí người cúng dường có chủ ý thực hiện việc hồi hướng những quả phước mà họ làm được trên bình diện tinh thần. Bất kể có quan tâm hoặc hay quan tâm đến việc rót nước như một yếu tố bổ sung chẳng phải là vấn đề, điều cần xét đến là chủ ý và quyết tâm thực hiện trong dịp này.
(2) Những người chết đầu thai vào cõi ma đói biết và nhận thức được sự chia sẻ cũng như việc hồi hướng thành quả của những công đức ấy.
(3) Hoạt động từ thiện là một công việc đáng kính, trao tặng những món quà đến những người đáng nhận. Trong Phật giáo, việc từ thiện trước hết hướng về các thầy Tỳ-kheo, vì họ đang sống một cuộc đời thánh thiện, phục vụ cho Tam bảo, dẫn dắt người khác đi vào con đường đúng đắn.
Thứ đến là làm từ thiện hướng đến những ai đang cần giúp đỡ. Làm việc thiện với ý nghĩa này cùng sự sẻ chia chân thành và hồi hướng công đức sẽ giúp người hiến tặng hoàn thành được ước nguyện.