Một trong những điều đầu tiên Hiệp hội Hợp tác Phật giáo Malaysia làm khi đăng ký là tiến hành một cuộc khảo sát về các công tác phục vụ mà cộng đồng Phật giáo cảm thấy đang thiếu. Nhiều lời đề nghị đã được đưa ra, nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là nhu cầu về một công tác phục vụ tang lễ Phật giáo đúng đắn.
Cộng đồng Phật giáo ở Malaysia chủ yếu là người Trung Quốc. Mặc dù Phật giáo không xa lạ gì với tộc người này, nhưng thực tế khi được thực hành ở Malaysia nó là một sự pha trộn giữa Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Thông qua việc thực hành chủ nghĩa Tam giáo này, không có gì đáng ngạc nhiên khi một người được sinh ra là một “Phật tử” và được nuôi dưỡng thành một “Phật tử” nhưng cuối cùng lại trải qua cái kết của đời mình theo cách của một người theo Lão giáo.
Tại sao lại như thế?
Trước hết, vì Phật giáo là một tôn giáo quan tâm nhiều đến phẩm hạnh đạo đức và sự tìm cầu giải thoát giác ngộ. Các quy định về nghi thức và nghi lễ chỉ được đề cập đến trong tạng Luật và đó cũng chỉ là giới luật dành riêng cho các Tăng sĩ Phật giáo.
Thứ hai, đạo Phật dạy rằng: sau khi chết, những gì còn lại mới là quan trọng và cách xử lý hài cốt thường không ảnh hưởng trực tiếp đến người ra đi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể hành động một cách thiếu tôn trọng đối với hài cốt của những người luôn dành tình thương yêu của họ cho chúng ta. Chúng ta nên thực hiện các nghi thức có ý nghĩa, tu tạo công đức như là một hành động để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ.
Mặc dù đức Phật không đưa ra những quy tắc về các nghi thức riêng dành cho hàng cư sĩ, nhưng Ngài cũng đặc biệt không cấm giới đệ tử tại gia, những người vẫn còn bị dính mắc rất nhiều vào của cải vật chất, thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn của họ, nhất là khi phải đối mặt với cái chết và sự chia ly.
“Này A-nan-đà, các ông đừng bận tâm về việc tôn sùng xá-lợi của Như Lai... Có những bậc trí giả trong số những người cao quý, những vị Bà-la-môn, các gia chủ với niềm tin vững chắc nơi Như Lai; và họ sẽ làm công việc tôn vinh xá-lợi của Như Lai”.1
1 Kinh Tương Ưng Bộ - Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu.
Cuối cùng, thật khó để tìm kiếm các tổ chức cung cấp loại dịch vụ tang lễ như vậy. Ngoại trừ một số ngôi chùa thuộc truyền thống Đại thừa đủ chân thành để hướng dẫn những người mộ đạo về tang lễ Phật giáo đúng đắn, nhiều nơi khác thì giao phó tang lễ cho sự thương xót của những dịch vụ nhà quàn thiếu đạo đức và những kẻ “hành nghề chuyên nghiệp” thường vui mừng giới thiệu một loạt đủ các điều mê tín nhân danh Phật giáo.
Phái Thượng tọa bộ cũng vậy, không thể tránh khỏi tình trạng khó khăn này. Trên thực tế, họ còn tệ hơn và nhiều người đã tìm kiếm dịch vụ từ các ngôi chùa theo truyền thống Phật giáo Sri Lanka, Thái Lan hay Miến Điện... để rồi bị những người lớn tuổi trong gia đình cau mày khi các nghi lễ được thực hành “không thuộc về Trung Quốc”.
Tập sách nhỏ này - như tiêu đề ngụ ý - không phải là một nghiên cứu học thuật mà là một cẩm nang hướng dẫn việc cử hành tang lễ Phật giáo một cách đúng đắn dành cho những người cư sĩ. Bên cạnh việc duy trì tính đơn giản như chủ trương của trường phái Nguyên thủy, tập sách cũng kết hợp các yếu tố của truyền thống khác.
Quyển sách này được biên soạn dựa trên trải nghiệm và những phản hồi nhận được từ nhiều đám tang mà chúng tôi đã giúp đỡ thực hiện.
Một lưu ý sau cùng, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Đại đức Tiến sĩ K Sri Dhammananda, trụ trì Đại tu viện Brickfields, đã đọc kỹ bản thảo và cung cấp cho chúng tôi những gợi ý vô giá; Đại đức Katapunna ở Bukit Berapit (Malaysia) đã hoan hỷ sẵn lòng đọc qua tác phẩm lần đầu tiên; Ông Lim Kim Sim, người đã tận tình giúp đỡ trong việc chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp. Sau cùng, xin biết ơn tất cả những ai đã dành thời gian quý báu để tụng kinh hồi hướng và an ủi gia quyến người đã khuất trong những giây phút đau buồn của họ.