“Nay sướng, đời sau sướng
Làm phước, hai đời sướng
Nó sướng: ‘Ta làm thiện’
Sanh cõi lành, sướng hơn”1.
Vượt qua nỗi sợ hãi và quyến luyến của chính chúng ta
Cách tốt nhất để giúp đỡ một người sắp lâm chung là giúp họ có tư tưởng tích cực, bình yên; có nghĩa là thoát khỏi những cảm xúc phiền não như sợ hãi, giận dữ, quyến luyến, trầm cảm... Để có thể giúp người khác đạt được trạng thái tâm như vậy, chúng ta cần phải làm được điều đó trên chính tâm mình, tức là giảm thiểu được sự sợ hãi của chính chúng ta...
Nếu bản thân chúng ta vẫn còn chất chứa những cảm xúc phiền não về cái chết thì sẽ rất khó để giúp người khác vượt qua cảm xúc phiền não của chính họ.
Trong trường hợp của một người thân yêu, tốt nhất là hãy học cách để họ ra đi. Quyến luyến vào họ sẽ khiến cho tâm trí của chúng ta lẫn người sắp chết đều bị xáo trộn. Tốt nhất là hãy điềm tĩnh và thanh thản; chú ý lắng nghe bất cứ điều gì họ muốn nói; tử tế, lân mẫn và yểm trợ, nhưng cố gắng tránh các phản ứng xúc động mạnh mẽ.
Người đang lâm chung cũng vậy, nên được khuyên chấp nhận cái chết như là một hiện tượng tự nhiên và không thể tránh, suy ngẫm về việc tất cả chúng ta đều đến theo Nghiệp và phải ra đi theo Nghiệp của mình:
“Mọi chúng sinh chắc chắn đều sẽ chết, họ đã luôn luôn chết, sẽ luôn luôn chết, cũng tương tự như thế, tôi chắc chắn sẽ chết, sự nghi ngờ về điều này không tồn tại trong tôi”1.
1 Sabbe sattā maranti ca, marimsu ca marissare, Tethevāham marssāmi, natthi me ettha samsayo.
Người ấy nên liên tục suy niệm về những việc lành mà bản thân đã làm và được nhắc nhở rằng những việc làm hữu ích đó sẽ dẫn dắt người ấy đến một tái sinh tốt và hỗ trợ người ấy trong kiếp sau.
Theo định luật Nghiệp, chúng ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp, là con đường đi của nghiệp. Chúng ta chắc chắn phải nhận lấy kết quả của những gì chúng ta đã làm, cả tốt và xấu2.
2 Kammassakomhi kammadāyādo kammayoni kamma-band- hu kammapatisarano, Yam kammam karissāmi kalyānam vā pāpakam vā tassa dāyādo bhavissāmiti.
Các thành viên trong gia đình có thể nhắc nhở người đang lâm chung không cần phải lo lắng gì cả, nên giữ cho tinh thần được điềm tĩnh và thanh thản, mọi thứ đều ổn để ra đi khi thời khắc của người ấy đã đến.
Hãy thay thế người bệnh cúng dường và tu tạo các công đức. Nếu có thể, hãy giúp người bệnh đích thân tham gia vào những hoạt động ấy, nếu không thì những việc làm công đức cũng nên được vị ấy biết đến.
“Nay sướng, đời sau sướng
Làm phước, hai đời sướng
Nó sướng: ‘Ta làm thiện’
Sanh cõi lành, sướng hơn”1.
1 Pháp Cú 18 - Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu; nguyên văn Pāli: Idha nandati, pecca nandati, kat- apunno ubhayattha nandati; punnam me katan ti nandati, bhiyyo nandati suggatim gato.
Nếu người sắp chết có niềm tin vào Phật giáo, có thể khéo léo đặt cạnh giường họ một bức ảnh hay tượng Phật nhỏ, ảnh tượng đức Quan Âm hoặc một vị Bồ tát nào khác mà người bệnh có niềm tin, làm đối tượng để quán chiếu (như một lời nhắc nhở liên tục về các phẩm chất cao quý mà bức tượng đó đại diện).
Có thể thỉnh chư Tăng hoặc các cư sĩ tổ chức tụng kinh cầu an (những bài kệ bảo hộ) để an ủi người sắp chết và tang quyến.
Người bệnh cần được khuyến khích quy y Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Chúng ta cũng có thể cúng dường bữa sáng hay bữa trưa đến các nhà sư và chuẩn bị tứ sự cúng dường để người ấy dâng lên Tăng đoàn.
Nếu người sắp lâm chung đã và đang tu tập thiền định thì hãy nhắc vị ấy về tầm quan trọng của Chánh niệm. Khuyến khích vị ấy liên tục ghi nhận sự sinh khởi và biến diệt của mọi sự việc.
“Thật thế, này gia chủ, quả đúng như thế. Thân xác của con đã ốm yếu, bẩn thỉu và uể oải. Khi đã mang một thân xác như thế mà cứ muốn có một sức khoẻ tốt dù chỉ tạm thời thì đấy quả thật là một ước vọng điên rồ. Vì thế, này gia chủ, con phải luyện tập [bằng cách nhắc nhở mình] như thế này: ‘Dù thân xác tôi yếu đau, thế nhưng tâm thần tôi không bệnh tật gì’. Đấy là cách mà con phải cố gắng luyện tập”.
(Kinh về Tuổi già và sự sáng suốt)
Các bạn đồng tu là những hành giả thực tập thiền định có thể được mời đến nhằm lan tỏa tâm Từ (lòng nhân ái) để làm dịu đi sự đau đớn của người bệnh. Chúng ta cũng có thể tự làm điều đó trong trường hợp những người ấy vắng mặt. Hãy ngồi trong một tư thế thoải mái, đầu tiên lan tỏa tâm Từ cho chính mình, sau đó đến người bệnh. Chúng ta có thể sử dụng những lời như vầy trong tâm: “Mong cho bạn luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc”, “mong cho bạn thoát khỏi mọi khổ đau”, “mong cho bạn có sức khỏe tốt”, “mong cho bạn được bình an”... Cảm nhận tình thương và niềm an ổn từ tâm thức chúng ta bao bọc và thẩm thấu vào người bệnh. Cảm nhận những rung động đi kèm với lòng trắc ẩn bao phủ cơ thể người bệnh.
Giúp đỡ một người không phải là Phật tử
Nếu người sắp lâm chung thuộc về tôn giáo khác hoặc không có niềm tin vào Phật giáo, hãy khuyến khích họ phát khởi đức tin, cầu nguyện, có suy nghĩ tích cực... phù hợp với niềm tin và sự tu tập theo tôn giáo của họ. Đừng cố gắng áp đặt niềm tin riêng của chúng ta rồi cải đạo họ, vì điều này có thể làm nảy sinh sự hỗn loạn trong tâm trí của người sắp lâm chung.
Nếu người đó không theo bất kỳ một tôn giáo nào nhưng có vẻ cởi mở, chúng ta có thể thử nói về giáo pháp, chẳng hạn như về lòng từ bi, về sự thật vô thường, về Tứ thánh đế... Chúng ta có thể thử nói về đức Phật, quy y Tam bảo… nhưng phải thận trọng, đừng quá thúc ép, nếu không thì người bệnh có thể trở nên tiêu cực. Trường hợp người đó không có hứng thú với các vấn đề tôn giáo hoặc tâm linh, hãy tìm cách giúp họ thoát khỏi giận dữ, quyến luyến, sợ hãi… và có một trạng thái tâm tích cực, bình yên.
Phụ chú
Đa số mọi người đều sợ chết vì họ cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Nếu một người chưa phải là một bậc Thánh (Āryan) thì vẫn có nguy cơ bị đọa vào địa ngục. Mặc dù chúng ta không hề muốn bị đọa sinh trong cõi ác, nhưng có thể có những nghiệp quá khứ vẫn gây ra sự tái sinh vào địa ngục. Thật vô ích nếu cứ nghĩ về địa ngục với nỗi ác cảm và sợ hãi, thế nhưng ý nghĩ về địa ngục lại hữu ích bởi nó nhắc nhở chúng ta vun trồng nghiệp thiện (kusala) thay vì nghiệp bất thiện (akusala) vào lúc này.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ (Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm VI, Mục Bị Bệnh), chúng ta thấy đức Phật khuyên Mahānāma về cách một người cư sĩ có trí bị bệnh có thể được giáo giới bởi một cư sĩ có trí khác.
“Này Mahānāma, một cư sĩ có trí (Sotapanno - vị Thánh nhập lưu - bậc đã đạt được quả vị đầu tiên trong các Thánh quả), bị bệnh nên được một cư sĩ có trí khác giáo giới với bốn pháp an ủi như sau: “Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: ‘Đây là Như Lai, bậc A-la-hán, Phật, Thế Tôn. Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp… Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với chúng Tăng... Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính...’ Này Mahānāma, một cư sĩ có trí, bị bệnh… nên được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này”1.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm VI, Mục Bị Bệnh - Tham khảo bản dịch HT. Thích Minh Châu.
Sau đó, nếu Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ thì vị ấy cần được khuyên như sau:
“Khi người bệnh nói: “Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ” thì vị kia nên đáp rằng: “Nhưng, thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải từ giã cõi đời này. Dù Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ hay không, Tôn giả cũng sẽ phải ra đi. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả”.
…Lòng thương nhớ con cái… sự khao khát năm dục2 của loài người… đắm nhiễm với những khoái lạc Thiên giới, v.v.
2 Tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, say ngủ.
Sau đó, nếu tâm của Tôn giả bị bệnh ấy đã được vững chãi, vị ấy cần được nói như sau: “Này Tôn giả, ngay cả cõi Phạm Thiên cũng vô thường, không thường hằng, bị giới hạn trong một con người. Tốt hơn là Tôn giả hãy khởi tâm vượt khỏi cõi Phạm Thiên và chú tâm đến sự đoạn diệt năm uẩn”.
Và nếu Tôn giả bị bệnh ấy nói rằng Tôn giả đã làm được như vậy, thì rồi, này Mahānāma, Ta tuyên bố rằng không có gì sai biệt giữa những cư sĩ đã xác nhận làm được điều ấy với các Tỳ-kheo mà tâm đã thoát khỏi các lậu hoặc, đó là, giữa sự giải thoát của một người và sự giải thoát của người khác”1.
1 Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Dự Lưu, Phẩm VI, Mục Bị Bệnh - Tham khảo bản dịch HT. Thích Minh Châu.