Theo giáo lý của đức Phật, khi cái chết sắp xảy ra, ý chí được kiểm soát bởi tâm thức trở nên yếu ớt, sức mạnh nghiệp của cái sinh mạng hiện đang suy tàn hoặc của một kiếp trước tự đẩy tới và được nhớ lại một cách phù hợp theo một trong sáu giác quan: là ý niệm về nghiệp thiện, ác; hoặc một biểu tượng của nghiệp đó (Nghiệp tướng1), chẳng hạn như món quà trong việc bố thí hay con dao trong hành vi giết người; hoặc vài dấu hiệu của đời sống sắp tới như lửa cháy hay âm nhạc được gọi là biểu tượng thọ sinh (Thú tướng2). Chúng được hiểu là những tướng trạng cái chết.
1 Kamma nimitta.
2 Gati nimitta.
Chính trong những giờ phút bối rối này, đặc biệt nếu các dấu hiệu không được thuận lợi, chúng ta có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái lập đức tin (saddha) của người sắp lâm chung vào Tam bảo. Bài kệ số 2 của kinh Pháp Cú liên quan đến câu chuyện rất thú vị về một cậu bé tên Mattakundali, khi cậu ta đang ở bên bờ vực của cái chết đã có cơ hội hiếm hoi được diện kiến đức Phật. Mattakundali rất hài lòng khi gặp được đức Phật và đã ra đi với tâm thuần khiết, tràn đầy niềm tịnh tín vào bậc đại giác Thế Tôn. Nhờ thế, cậu đã được tái sinh vào cõi chư Thiên.
Với hy vọng bất kỳ giác quan nào trong sáu giác quan vẫn còn khả năng tiếp nhận những trạng thái thiện lành của tâm thức, các nhà sư và bạn đồng tu một lần nữa có thể được thỉnh mời đến tư gia hoặc bệnh viện để tụng đọc những bài kinh thích hợp và lan tỏa tâm Từ để làm giảm bớt nỗi đau đớn, khơi dậy đức tin của người sắp chết.
Nếu nghi lễ cầu nguyện1 được tổ chức tại nhà và việc này không gây khó chịu hay bất tiện cho người sắp lâm chung thì nến, đèn dầu và nhang cũng có thể được thắp lên trên bàn thờ tạm. Trường hợp người đó vẫn còn ý thức thì nên tổ chức lễ quy y Tam bảo, truyền thọ Ngũ giới cho họ.
1 Puja.
Nếu hoàn cảnh cho phép và quần áo của người sắp lâm chung bị vấy bẩn thì nên vệ sinh thân thể, thay quần áo cho họ. Điều này giúp cho người đó cảm thấy tươi mát, thoải mái trước khi lìa đời.
Mặc dù ai cũng hiểu rằng sẽ không thể tránh khỏi những đau buồn thương tiếc, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải giữ được sự bình tĩnh khi đối diện với nỗi đau thương mất mát ấy. Chúng ta nên kiềm chế bản thân, tránh khóc lóc, than vãn trước người sắp chết. Bởi lẽ khóc than sẽ chỉ khiến người bệnh khó chịu, làm cho họ khó ra đi hơn mà thôi.
Chúng ta không nên đè nén nỗi đau của mình bằng sức cưỡng ép, phớt lờ hoặc phủ nhận sự tồn tại của nó, mà ngược lại, nên dũng cảm thừa nhận nỗi khổ niềm đau ấy và thông qua Chánh niệm - Tuệ quán lấy lại sự bình tĩnh cho chính mình.
Phụ chú
Đối với một người chết do tai nạn hoặc chết trong đau đớn tột cùng, không nhất thiết có nghĩa là người đó sẽ bị tái sinh vào những cõi xấu ác. Mặc dù người đó có thể khởi tâm bất thiện (hoặc có những khoảnh khắc suy nghĩ bất thiện) với sự chán ghét khi cơn đau sinh khởi, nhưng những khoảnh khắc suy nghĩ cuối cùng do sự chú ý khôn ngoan (như lý tác ý1) có thể vẫn là thiện lành.
1 Yoniso Manasikara.
Chúng ta đọc trong ‘Kinh Tăng Chi Bộ, (Chương Sáu Pháp, Phẩm VI, Mục Đại Phẩm, Tiết 2 - Phagguna) có đoạn đức Phật viếng thăm Tôn giả Phagguna đang bị trọng bệnh. Tôn giả Phagguna tuy đã đạt được Nhị quả Tư-đà-hàm nhưng vẫn chưa được giải thoát hoàn toàn khỏi năm hạ phần kiết sử1. Khi được hỏi về sức khỏe của mình, Ngài nói:
1 Năm hạ phần kiết sử: Thân kiến (sakkāya diṭṭhi), nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbata-prāmāsa), tham dục (kāma rāga), sân (paṭigha).
“Bạch Thế Tôn! Con không thể kham nhẫn, cũng không thể chịu đựng; Những đau nhức của con ngày một tăng trưởng, không giảm thiểu; Triệu chứng đau nhức ngày càng tăng, chứ không giảm thiểu.
Bạch Thế Tôn, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; Cũng vậy, bạch Thế Tôn, cơn đau dữ dội, đau nhói trong đầu con; Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, cũng không thể chịu đựng; Khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu”1.
1 Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Sáu Pháp, Phẩm VI, Mục Đại Phẩm, Tiết 2 - Phagguna - Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu.
Rồi Thế Tôn đã hướng đạo và thức tỉnh Tôn giả Phagguna, làm cho tôn giả hoan hỷ và an ủi tôn giả bằng một bài pháp thoại, sau đó Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và rời đi.
Không lâu sau khi Thế Tôn rời đi, tôn giả Phagguna qua đời; và vào lúc lìa đời, các căn của tôn giả được thanh tịnh hoàn toàn.