Làm thế nào để mang hygge vào nhà?
“ Hygge là khoảnh khắc bạn cảm thấy được an cư.”
Jeppe Trolle Linnet
Một ngôi nhà hygge sẽ mang lại cho bạn cảm giác yêu thương và khiến bạn thoải mái. Đó là nơi mang đến cho bạn bầu không khí an vui và cảm giác “mình thuộc về nơi này”. Người Đan Mạch dành khá nhiều thời gian ở trong nhà vì thời tiết khó lường, thế nên chúng tôi dành thời gian và công sức để tạo ra một mái nhà hygge – một nơi mà chúng tôi cảm thấy vui vẻ khi được ở trong đó.
Phần này sẽ cung cấp cho bạn một số ý tưởng về cách tạo ra bầu không khí hygge trong chính ngôi nhà của mình, cũng như truyền cảm hứng để bạn tạo nên một nơi khiến bạn luôn muốn trở về.
“ Hygge có một đặc điểm tuyệt vời là thay đổi tùy theo từng ngôi nhà, và tôi thường ngạc nhiên khi nhận thấy hygge có thể hiện diện ở nhiều nơi với nhiều phong cách khác nhau.
Hygge có mối liên hệ mật thiết với cảm giác an toàn. Hygge là khi ai đó hoàn toàn thoải mái với những gì mà họ lựa chọn cho môi trường sống của họ, nhưng đồng thời cũng không e ngại việc trang trí theo trực giác và thử nghiệm những ý tưởng mới lạ.
Một ngôi nhà được trang trí ‘theo đúng bài bản’ với các món đồ nội thất và nguyên tắc thẩm mỹ được lựa chọn theo một phong cách hay công thức ‘đúng’ nào đó thì lại hiếm khi ‘rất hygge’.
Trên thực tế, hygge phát triển từ sự chân thành trong những thứ mà bạn chọn để quanh mình – cách sắp đặt và bài trí ngôi nhà của bạn nên phản ánh những lựa chọn của bạn cho cuộc đời và cuộc sống thường nhật. Nếu bạn yêu thích nấu ăn, thích những món ăn ngon và thích mời khách đến nhà, hygge của bạn sẽ quây quần quanh gian bếp và bàn ăn. Tương tự, sự đam mê và hứng khởi của một người yêu nghệ thuật sẽ đem đến cho ngôi nhà một khí sắc khác tùy theo nguyên tắc thẩm mỹ mà họ lựa chọn khi bài trí.
Hygge trong ngôi nhà của bạn chắc chắn cũng phản ánh thời gian và công sức mà bạn dành cho nó. Khi bạn cân nhắc kỹ về lý do mình chọn những món đồ nhất định – đồ nội thất, vật dụng, đồ trang trí nghệ thuật, hoa, rèm cửa... – cho không gian sống của mình thì bạn sẽ cảm thấy thư giãn, và những vị khách của bạn sẽ nhìn thấy và hiểu được bạn là người như thế nào.”
Christina B. Kjeldsen
Những bản năng hygge cơ bản
Chúng ta có thể nói, viết và bàn luận những triết lý về hygge, nhưng để có thể thật sự trải nghiệm hygge, chúng ta cần phải đưa các giác quan của mình vào cuộc chơi để cảm nhận hygge – càng nhiều càng tốt.
Thị giác – ánh sáng ấm áp, được chiêm ngưỡng cái đẹp, ngắm mọi người đang hygge, những góc yên tĩnh và kín đáo, những món đồ nội thất mềm mại mời gọi ta cuộn tròn trong đó, chậu cây xanh mướt, những tấm ảnh với kỷ niệm dấu yêu.
Khứu giác – một mùi hương gợi lên cảm giác an toàn và quen thuộc, mùi hương của ai đó mà bạn yêu quý, mùi khăn trải giường mới giặt, mùi bánh trong lò nướng, hương cà phê mới pha, hoa, hương vị gia đình.
Vị giác – vị mứt được làm từ các loại quả mọng mới hái vào mùa hè vừa rồi và được phết lên khoanh bánh mì nhà làm, món ăn được hầm kỹ hàng giờ, ngồi trên chiếc ghế yêu thích và thưởng thức bánh với một ly cà phê trên tay.
Xúc giác – tựa vào những chiếc gối ấm áp và mềm mại khi đang xem phim, đôi dép đã mang mòn mà bạn không muốn bỏ, sự thô ráp của chiếc ghế sofa mà bạn thích nằm chợp mắt trên đó.
Thính giác – tiếng lách tách của ngọn lửa trong lò sưởi hay tiếng hai que đan chạm nhau – gần như tĩnh lặng nhưng vẫn sống động – trên nền âm thanh của một trận bóng đá trên tivi, giọng của David Attenborough trong một phim tài liệu kinh điển của đài BBC, âm nhạc phát ra từ máy hát, tiếng nhạc cụ, ai đó hát trong phòng tắm, một quyển sách được đọc to thành tiếng, tiếng cười.
Cảm giác – bình tĩnh, thư giãn, hạnh phúc, thoải mái, hài lòng, yêu thương, thỏa mãn.
Thoải mái, an toàn và được ấp ủ
Khi cần tìm kiếm hygge, chúng ta có thể nghĩ về những đặc điểm ở ngôi nhà đầu tiên của mình – trong bụng mẹ. Đây là nơi đầu tiên chúng ta được trải nghiệm sự sống qua thân xác, cảm giác và thính giác. Khi còn ở trong bụng mẹ, chúng ta sẽ cảm nhận được ba cảm giác quan trọng nhất: thoải mái, an toàn và được ấp ủ. Và đó cũng là những điều kiện thiết yếu để tạo nên một ngôi nhà hygge.
Sự thoải mái là dấu hiệu cho thấy đây là một nơi đáng sống. Cảm thấy an toàn sẽ khuyến khích chúng ta thư giãn và bớt căng thẳng. Và yếu tố được ấp ủ sẽ mời gọi chúng ta chậm lại để có thể phục hồi năng lượng. Nếu quan tâm đến những yếu tố này khi trang trí ngôi nhà của mình, chúng ta sẽ chú trọng đến cảm xúc mà ngôi nhà mang lại hơn là vẻ bề ngoài của nó.
“Ưm” và “Ố-là-la”
Hai công cụ giá trị khi nhận diện một bầu không khí hygge là “Ưm” và “Ố-là-la”.
“Ưm” thể hiện cảm giác ấm áp và thoải mái, miêu tả một nơi tương tự như một cái ổ, ấm cúng, mộc mạc, nơi mà bạn chỉ muốn ở mãi để kéo dài những giây phút tận hưởng tuyệt vời đó.
“Ố-là-la” thể hiện những thứ gây ấn tượng mạnh với bạn và khiến bạn phải ồ lên. Các yếu tố làm nên “ố-là-la” là sự đẹp đẽ, mới mẻ, công nghệ cao, to lớn, sắp xếp hợp lý, bóng loáng, sáng sủa và ấn tượng. Những món đồ “ố-là-la” có thể tăng điểm phong cách cho căn nhà của bạn, nhưng nếu muốn tạo ra một không gian thoải mái và đầy sức hút hygge thì bạn sẽ phải cân đối phần “ố-là-la” với phần “ưm”.
“Trạm hygge”
“Bạn có thể tìm thấy hygge quanh chiếc bàn nhỏ nơi góc bếp, cũng như trên chiếc trường kỷ ngoài phòng khách. Nơi nào có chỗ cho trái tim, nơi đó có chỗ cho hygge.”
Christina B. Kjeldsen
Gần như mỗi ngày chúng ta đều bước lên “sàn diễn”, làm việc và tương tác với nhiều người khác ở thế giới bên ngoài. Ngược lại, ngôi nhà của chúng ta giống như hậu trường, là chốn trú ẩn an toàn, là nơi ta có thể thả lỏng – bước xuống sân khấu và nạp lại năng lượng. Khi trang trí nhà cửa, hãy nhớ chừa không gian cho những “trạm” sạc năng lượng – không chỉ là sạc cho điện thoại hay máy tính mà còn cho bạn và gia đình nữa.
Tạo ra những trạm sạc năng lượng này cũng chính là tạo ra không gian cho hygge. Các “trạm hygge ” nên được thiết kế sao cho đủ không gian để mọi người quây quần bên nhau, hoặc để bạn được thoải mái thể hiện bản thân. Nếu được cả hai thì càng tốt.
Ốc đảo: Đây là nơi mà bạn có thể thư giãn hoàn toàn. Đó có thể là chiếc trường kỷ êm ái nơi bạn có thể nằm ườn ra với một ly vang đỏ trên tay sau giờ làm việc, chiếc ghế bành nơi bạn có thể lim dim cùng chú mèo của mình, hoặc là chiếc võng nơi bạn có thể đung đưa đọc báo rồi chợp mắt một chút.
Nếu bạn thường thư giãn cùng với gia đình, hoặc thích mời bạn bè đến nhà tụ tập thì một bộ sofa lớn, chiếc bàn ăn siêu rộng hay phòng ngủ thật to đủ chỗ cho mọi người cũng có thể trở thành một ốc đảo tuyệt vời.
Góc nhà: Đây là nơi đem đến cảm giác an toàn và là nơi tuyệt vời để bạn sạc năng lượng. Hãy đặt một chiếc ghế bành vào góc nhà, để lên đó vài chiếc đệm ngồi thật êm và cả chăn nữa. Đặt thêm một cây đèn và một chiếc bàn nhỏ bên cạnh, thế là bạn có thể chìm đắm vào một quyển sách hay và nhâm nhi bánh cùng một tách trà ngon.
Góc đam mê: Chúng ta sẽ hygge khi say sưa làm một điều gì đó, và tạo không gian cho những hoạt động này sẽ đưa chúng ta đến những trạm hygge của mình. Nếu việc đan móc giúp bạn thư giãn, hãy thủ sẵn một chiếc rổ với đủ loại len và kim đan bên cạnh chỗ ngồi yêu thích trên trường kỷ, để bạn có thể thả hồn vào đó. Nếu bạn thích vẽ vời, hãy nhớ chừa chỗ cho cái giá vẽ. Đừng quên dành chỗ cho một trò chơi đòi hỏi sự nhẫn nại nào đó ở trên chiếc bàn lớn trong phòng sinh hoạt chung nếu như đó là thứ mà bạn yêu thích.
Tôi có ba trạm hygge yêu thích trong căn hộ của mình: chiếc bàn trong bếp, ghế sofa và giường ngủ. Mỗi nơi đều có một đặc điểm riêng. Vào những chiều hoàng hôn, khi những tia nắng cuối cùng rọi vào, chiếc sofa trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Nó rộng rãi và êm ái – khi tôi ngồi ở đầu này đọc kịch bản thì bạn trai tôi sẽ ngồi ở đầu kia nghe sách audio. Mỗi lần có bạn bè đến chơi, chúng tôi sẽ cùng ngồi ở bàn ăn hàng giờ liền với một bình trà chiều hương bạc hà, rồi sau đó là vài miếng bánh còn trong tủ lạnh, và có thể kết thúc bằng một ly rượu vang khi bầu trời bên ngoài chuyển sang màu vàng tím. Nếu có tâm trạng muốn “ẩn mình” thì tôi sẽ chọn chiếc giường, nơi tôi có thể náu mình trong góc dưới hai thanh xà ngang, cùng một chiếc gối bông và một quyển tiểu thuyết.
Thẩm mỹ
“Thẩm mỹ đánh thức các giác quan và thỏa mãn thị giác. Chúng ta phát triển tốt nhất trong một ngôi nhà mà mình thấy đẹp, và tính thẩm mỹ của ngôi nhà giúp chúng ta chú tâm chăm sóc những gì thuộc về mình ở bên trong ngôi nhà đó. Tính thẩm mỹ là niềm vui, là sự thích thú và là những yếu tố khiến ta cảm thấy mọi thứ quanh mình đều thật đặc biệt.”
Christina B. Kjeldsen
Đan Mạch có bề dày lịch sử về ngành thiết kế. Các nhà thiết kế Đan Mạch như Arne Jacobsen, Finn Juhl và Poul Henningsen (PH) đã đưa các thiết kế Đan Mạch nổi tiếng toàn cầu với những dấu ấn về tính đơn giản và tiện dụng. Các mẫu thiết kế của Đan Mạch hướng đến tính thẩm mỹ, nhưng luôn có tính ứng dụng cao. Đó là món đồ được tạo ra để sử dụng chứ không phải là vật trưng bày mà không ai được phép chạm vào. Nếu một món đồ chỉ tập trung vào những yếu tố như đẹp, cầu kỳ và hào nhoáng, thì nó sẽ vô tình mất đi tính gọn nhẹ và tiện dụng – những giá trị then chốt của hygge.
“Cây đèn PH của Poul Henningsen là một ví dụ minh họa rõ nét điều này: nó có thiết kế thú vị và đậm chất đương đại, nhưng như mọi người đều biết, nó được tạo ra nhằm đem đến ánh sáng tốt hơn. Thiết kế của đèn PH tuy có vẻ cầu kỳ và khiến nó trở nên đẹp một cách không-cần-thiết, nhưng từng chi tiết đều có tính ứng dụng riêng. Sự thật là chính kiểu thiết kế này đã giúp đèn PH phát huy tối đa công dụng của nó: cung cấp ánh sáng tốt hơn. Đây là một cây đèn có thiết kế hợp lý, bên ngoài và bên trong của nó là một thể thống nhất. Và khi người tiêu dùng Đan Mạch biết điều này, họ chấp nhận vẻ đẹp của nó.”
Jeppe Trolle Linnet
Dấu ấn cá nhân
“Hãy là chính mình, vì những phiên bản khác đã có người khác làm rồi.”
Oscar Wilde
“Dấu ấn cá nhân chính là ADN, thứ tạo nên ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta cũng có thể gọi đó là sự chân thành, điều mà ta luôn yêu thích bất kể nó mang hình dạng gì. Nếu một ngôi nhà có sự chân thành thì việc nó mang phong cách nào hay biểu đạt điều gì đều chẳng có gì quan trọng cả. Ngược lại, nếu như mọi thứ xung quanh quá hoàn hảo, chúng có thể khiến ta cảm thấy mình không tương xứng với sự hoàn hảo đó. Và điều đó không hề hygge.”
Christina B. Kjeldsen
Câu chuyện
Đôi khi chúng ta không chú ý đến những thứ xung quanh mình, nhưng khi quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy một số món đồ phản ánh câu chuyện của bản thân chúng ta và chứa đựng ký ức của những khoảng thời gian đặc biệt mà ta từng có với người mình yêu thương. Nhận thức về những câu chuyện này sẽ mang lại ý nghĩa và hygge cho mọi thứ quanh ta.
Các món quà và đồ gia truyền: Trân trọng các món quà và đồ gia truyền chính là trân trọng câu chuyện của chúng.
Khi tôi tốt nghiệp trường nghệ thuật biểu diễn, cha mẹ đã tặng tôi một chiếc áo kimono tuyệt đẹp theo phong cách cổ điển để khoác bên ngoài trang phục biểu diễn trong khi chờ lên sân khấu. Nó được thiết kế khéo léo và tinh tế đến mức tôi cứ sợ sẽ làm hỏng nó, và giờ đây nó được treo trên bức tường trong phòng tôi, như một chiến tích của thời đi học. Có điều gì đó thật kỳ diệu trong chiếc áo đó, và nó đã trở thành một món đồ trang trí tuyệt đẹp trên tường. Khi nhìn chiếc áo kimono đó, tôi nhớ đến cha và mẹ, những người luôn ủng hộ tôi.
Sách: Bản thân quyển sách đã chứa đựng những câu chuyện, và đôi khi bìa sách, chất liệu giấy, nguồn gốc cùng những nơi mà chúng đi qua cũng có thể kể những câu chuyện riêng. Những quyển sách chúng ta sở hữu kể câu chuyện về con người mà ta trở thành. Đó có thể là quyển sách cũ ta nhận được từ ông bà hoặc cha mẹ, quyển sách ta tìm thấy khi đi du lịch, quyển sách ta yêu thích, quyển truyện thời thơ ấu, hay quyển sách mà ta đọc khi đang cuồng nhiệt với mối tình đầu.
Đồ tái chế: Khi chúng ta sử dụng những món đồ tái chế, bản thân chúng đã có sẵn câu chuyện riêng. Hãy rửa sạch một lọ mứt đã ăn hết và biến nó thành chiếc ly uống nước hay chiếc lọ để cắm những bông hoa tươi tắn mà bạn hái được trên đường đi bộ về nhà. Hãy sử dụng thùng đựng táo làm nơi chứa sách hoặc biến nó thành cái bàn nhỏ xinh, hoặc tái chế ống nước cũ thành giá treo quần áo. Có vô vàn khả năng, và sự sáng tạo của bạn sẽ mang lại dấu ấn cá nhân cho phong cách sống của bạn.
Đồ lưu niệm: Mang kỷ niệm từ các chuyến du lịch về nhà cũng là một cách để tạo thêm những câu chuyện. Bạn có thể chọn những món đồ lưu niệm có giá trị sử dụng – một chiếc máy làm pasta từ chuyến đi đến Sicily, bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ mua tận xưởng ở miền nam nước Pháp, hay một lọ đựng xà phòng làm bằng đá núi lửa ở Iceland. Đừng ngại mang về những món đồ lưu niệm quá phổ biến; nếu một phiên bản Tháp Eiffel thu nhỏ giúp bạn nhớ về hành trình khó quên tại Paris, hãy mang nó về nhà và tận hưởng những ký ức ngọt ngào mà nó gợi nhớ.
Cảm hứng
Điều gì truyền cảm hứng cho bạn? Hãy trang trí một mảng tường với những tấm thiệp, những bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với bạn, những món đồ có thể khiến bạn bật cười vui vẻ hoặc những hình vẽ đem lại cảm hứng. Bạn cũng có thể biến mảng tường thành nơi thể hiện tâm trạng. Hãy tìm ý tưởng từ tạp chí, những bối cảnh trong phim và các thiết kế nội thất mà bạn thấy đẹp. Hãy nghĩ về màu sắc, hình dáng, tâm trạng và bầu không khí, và để cho các ấn tượng đó dẫn dắt bạn trong việc trang hoàng ngôi nhà của mình.
Sự vui vẻ, thoải mái
Cô bạn Paris của tôi có tấm thảm nhún và một chiếc xích đu trong phòng khách. Tuy không phải là một yếu tố truyền thống trong việc tạo ra khoảnh khắc hygge, nhưng cảm giác thoải mái, vui vẻ và gợi nhớ thời trẻ thơ của những yếu tố này mang đến cho ngôi nhà bầu không khí thư giãn và vui tươi. Sẽ dễ hình dung về sự vui vẻ thoải mái trong nhà hơn nếu chúng ta tưởng tượng mình là nhân vật Pippi Tất Dài trong loạt truyện cùng tên. Cô bé Pippi sẽ làm gì để cuộc sống bớt nghiêm trọng hơn? (Xem thêm về Pippi Tất Dài ở trang 69.)
Những bức tường
• Thay đổi màu sắc của một bức tường là cách hay để “chơi đùa” với không gian của căn phòng – làm cho nó có vẻ rộng rãi hơn, có chiều sâu hơn, hoặc tạo cảm giác gần gũi hơn.
• Sơn một mảng tường bằng loại sơn dùng cho bảng phấn để bạn có thể viết lên đó các thông điệp, công thức nấu ăn hay danh sách mua sắm – rồi chùi đi dễ dàng khi cần chỗ trống để viết những thông tin mới.
• Cạo bỏ lớp sơn và giấy dán tường để lộ ra những mảng gạch thô cũng có thể thay đổi ấn tượng về căn phòng và cho người ta biết chất liệu tạo nên căn phòng này.
• Trang trí một mảng tường bằng các khung ảnh cũng có thể làm căn phòng đẹp hơn và gợi nhớ những ký ức tốt đẹp.
• Treo những món đồ yêu thích của bạn lên tường – một chiếc nón cũ, một thanh kiếm Masai từ Kenya, hay các chế tác kỳ lạ – những thứ có thể kể câu chuyện về nơi bạn đã đến.
Sự phối hợp
Hãy thử phối chiếc tủ quần áo cổ bạn được thừa kế với một cây đèn kiểu mới mà bạn thấy đẹp, hoặc chiếc ghế mua ở chợ đồ cũ với bức tranh một người bạn vẽ tặng. Phối hợp nhiều món đồ với nhau cũng là một cách hữu hiệu để đem lại sự cân bằng cho ngôi nhà của bạn, vì quá nhiều món đồ mới sẽ khiến nhà có vẻ thiếu chiều sâu, trong khi quá nhiều đồ cũ sẽ khiến nó trông như viện bảo tàng. Như đã đề cập, việc phối đồ mới và cũ theo cách riêng của bạn, hoặc kết hợp các món đồ trang trí tự làm với các món đồ cao cấp theo cách mình thích sẽ mang dấu ấn riêng đến cho không gian sống của bạn.
Sự đơn giản
Đôi khi, ít đi chính là nhiều hơn.
Sự không hoàn hảo
Khi bắt đầu bài trí ngôi nhà thành một mái ấm, đừng cố gắng khiến mọi thứ phải thật hoàn hảo bởi điều đó khá nguy hiểm. Tôi thường thích tham khảo các tạp chí có hình ảnh đẹp để tìm cảm hứng, nhưng việc cố gắng áp dụng những phong cách, hình ảnh hào nhoáng đó vào nhà mình và mong đợi việc đó sẽ giúp tôi tạo ra không gian hoàn hảo đẹp-như-tranh sẽ khiến tôi rơi vào trạng thái tê liệt. Ý tưởng về sự hoàn hảo ngăn cản sự sáng tạo và biểu cảm của con người. Tổ ấm là nơi chúng ta bộc lộ bản thân, và nó sẽ phản ánh điều này một cách tự nhiên. Tôi biết là tôi đã bị kìm hãm bởi việc cố gắng làm sao cho đúng. Tôi nhớ ý tưởng này đã khiến tôi cảm thấy căng thẳng và bực dọc về chuyện trang hoàng ngôi nhà mình. Tôi đã nhận ra những ý tưởng về cách làm chuẩn cùng với ước mơ thầm kín về một ngôi nhà hoàn hảo đã khiến tôi không thể tận hưởng quá trình tạo ra một mái ấm thật hygge.
Đón nhận và tận hưởng những điểm không hoàn hảo trong ngôi nhà của mình sẽ giúp bạn có thể mở rộng cửa đón hygge vào nhà.
Wabi-sabi
Wabi-sabi là triết lý của Nhật Bản về vẻ đẹp của “sự không hoàn hảo, không vĩnh viễn và không hoàn chỉnh”.
Wabi-sabi đối lập với quan điểm Tây phương “lớn hơn, tốt hơn, mạnh hơn, nhanh hơn”. Khi một điều gì đó là wabi-sabi, nó có khả năng khơi gợi để bạn cảm nhận câu chuyện và những vết trầy xước của nó, cũng như thấy được nó đang “sống” một cuộc đời hẳn hoi.
Khi tìm kiếm wabi-sabi trong những món đồ, bạn hãy tìm những vết gỉ sét, bạc màu, những vết nứt, trầy xước và những chỗ bị mài mòn. Có thể bạn sẽ tìm thấy trên bàn một vết bút chì sáp từ những bức vẽ của trẻ con; một vệt bẩn màu nâu trên lò nướng sau một buổi làm bánh vui vẻ nhưng hơi “khét” một chút; vết ố do rượu vang đỏ gây ra và vết trầy xước trên sàn phòng khách do màn nhảy múa trên giày cao gót trong bữa tiệc sinh nhật của bạn năm ngoái; hoặc những vết đánh dấu chiều cao trên khung cửa của đứa trẻ mỗi năm một khôn lớn.
Wabi-sabi khuyến khích chúng ta nhìn nhận giá trị trong những điều nhỏ bé không hoàn hảo cũng như lắng nghe tiếng nói của thời gian và cuộc sống.
Sự lôi cuốn
Nơi hygge nhất mà tôi biết chính là nhà của cha mẹ tôi. Nơi đó vẫn mang lại cảm giác của một tổ ấm hơn chính ngôi nhà hiện tại của tôi. Dường như ngôi nhà cảm nhận được toàn bộ khoảng thời gian mà cha mẹ tôi đã trải qua ở đó, chơi đàn ghi-ta, nấu nướng, trò chuyện và nhâm nhi rượu vang – và đổi lại, nó mang đến cảm giác hygge. Ngôi nhà đó có sự sống. Nó có hơi thở. Tất cả những ký ức, những người khách đã đến chơi, những chuyện đã xảy ra trong căn nhà này suốt nhiều năm qua... tất cả đều toát lên hygge và sự lôi cuốn.
Marie Stender, một nhà nhân chủng học người Đan Mạch, đã tìm hiểu về việc vì sao người Đan Mạch cảm thấy những ngôi nhà cũ rất có hồn và đầy lôi cuốn:
“Những người Đan Mạch mà tôi hỏi chuyện đã giải thích như sau: Một ngôi nhà cũ có hygge, nó có dấu ấn và một cuộc đời riêng. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của chúng ta, mà nó còn có những nhu cầu riêng mà chúng ta phải đáp ứng lại. Có thể nó có một bậc thang kỳ quặc hoặc một khoảng trống dưới mái nhà, những thứ mà ngày nay chẳng ai buồn thiết kế nữa nhưng sẽ gợi cho chúng ta nhớ về một thời quá khứ với những cách lý giải và giá trị khác biệt. Nó giúp chúng ta có cảm giác kết nối với lịch sử. Một người phụ nữ mà tôi từng trò chuyện cùng đã diễn đạt điều này rất hay: ‘Tôi hạnh phúc khi ở trong một ngôi nhà có thể cho tôi thấy mình là một phần của điều gì đó lớn hơn những gì đang hiển hiện. Ngôi nhà đã ở đây từ trước lúc tôi đến và nó vẫn sẽ còn đó khi tôi rời đi’.”
Nhạc Jazz
Lấy cảm hứng từ nhạc Jazz là một phương pháp tốt khi bạn muốn tạo ra bầu không khí hygge. Jazz mộc mạc và có tính khơi gợi. Jazz là sự ngẫu hứng. Sự thư giãn đó, cái hồn đó, nhịp điệu sinh động đó... chính là cảm giác chủ đạo của nhạc Jazz. Jazz có thể được thể hiện theo bất kỳ phong cách nào – nó có thể thật thời thượng, dẫn đầu xu hướng, êm dịu, tự do hoặc kết hợp nhiều phong cách – nhưng nó sẽ không có ý nghĩa gì nếu như không thể tạo ra cảm giác thoải mái đó. Hãy để bản thân được ngẫu hứng và truyền cảm hứng Jazz vào những món đồ nội thất quanh bạn.
“Jazz có mối quan hệ chặt chẽ với đam mê. Hãy đam mê và đừng sợ hãi, kể cả khi ở nhà. Đừng giấu cái máy chơi nhạc của bạn đi – hãy trưng nó ra để bạn và những vị khách của bạn có thể lắc lư cả đêm.”
Christina B. Kjeldsen
Thêm hygge vào môi trường sống của bạn
Cây xanh
Các loại thực vật và cây cảnh mang đến sức sống cho ngôi nhà của bạn; nó cũng cho thấy đây là một ngôi nhà được chăm sóc. Các loại cây xanh khiến cho bầu không khí trong nhà trở nên tốt đẹp và dễ chịu, cả về cảm giác lẫn thị giác.
“Nhiều hơn đúng là nhiều hơn, và ít hơn thật sự là ít hơn. Đây là một cách nghĩ thích hợp khi bàn về cây xanh. Một cụm nhiều cây xanh thì sẽ có hiệu quả tốt hơn là đặt mỗi góc một cây. Hãy dành ra một khu vực cho cây xanh; đó có thể là một chiếc bàn đặc biệt nơi bạn đặt các chậu cây trên mặt bàn, bên cạnh và rồi treo thêm một số cây nữa lên trần nhà bên trên. Bằng cách này bạn sẽ tạo ra được một mảng xanh đầy sức sống trong nhà, nơi cây cối thống lĩnh.
Bạn cũng hãy thử nhiều cách sắp đặt khác cho cây xanh trong nhà. Hãy đẩy ghế sofa ra cách bức tường một chút và lắp một cái kệ lên mảng tường phía sau, nơi bạn sẽ đặt các chậu cây xanh tươi và xinh đẹp. Hoặc bạn hãy đặt một dãy cây xanh trên kệ sách. Như đã nói ở trên, càng nhiều cây xanh thì mảng xanh sẽ càng nổi bật.
Hãy tìm hiểu xem bạn thích loại cây nào và thấy loại cây nào đẹp – sau đó hãy trồng và chăm sóc chúng. Đó có thể là cây xương rồng, các loại hoa lạ hoặc cây cọ trồng trong nhà – loại cây gì không quan trọng.”
Christina B. Kjeldsen
Hoa
Hoa đẹp và đem đến sức sống, nhưng không nhất thiết phải đắt tiền. Bó hoa hygge nhất mà tôi biết là bó hoa được hái ngoài cánh đồng hay bên bờ giậu và được cắm vào các lọ hoa đặt quanh nhà.
Những cành hoa đẹp được hái từ trong vườn, như một cành hoa táo chẳng hạn, cũng có thể làm rực rỡ một góc nhà. Hoặc bạn có thể chọn một nhánh cây bông hoặc một nhánh liễu tơ với những nụ hoa đẹp và mềm mại có thể để được cả năm trời mà không cần phải chăm sóc gì nhiều.
Âm nhạc
Khi muốn có khoảnh khắc hygge, tôi thường mở những bản nhạc không quá xúc động. Đó là những bản nhạc có thể làm nền chứ không phải khiến tôi cảm thấy “muốn bùng cháy”, muốn khóc hay muốn tập trung lắng nghe lời bài hát. Đó là kiểu âm nhạc có thể đồng hành với khoảnh khắc hygge của tôi, đóng vai trò hỗ trợ hơn là dẫn dắt.
Bên cạnh đó, các loại nhạc cụ đẹp và âm thanh mà chúng phát ra sẽ lập tức tạo nên một bầu không khí hygge tuyệt vời.
Các món đồ độc đáo
Những món đồ sứ do người thợ thủ công địa phương chế tác, hay những bức tranh mà bọn trẻ vẽ tặng sẽ bổ sung những dấu ấn riêng cho căn nhà của bạn. Các món đồ cổ và đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, cũng như các món đồ nội thất tự làm cũng vô cùng độc đáo. Để có thêm ý tưởng làm các món đồ nội thất, xem thêm ở trang 117.
Hãy trưng bày những món đồ do bạn tự làm – chúng có thể không hoàn hảo, không có kiểu dáng hiện đại hay hợp trào lưu, nhưng chúng đem đến những giá trị không thể mua được bằng tiền.
Chất lượng
Chất lượng ở đây đồng nghĩa với sự bền lâu. Nó mang đến cho căn nhà của bạn cảm giác trường tồn với thời gian, đồng thời là chứng nhân cho cuộc sống diễn ra nơi bạn ở. Chất lượng cao thường được tìm thấy trong các vật liệu tự nhiên. Hãy tìm các vật liệu như đá, sợi len, gỗ, kim loại, kim loại gỉ sét, bông vải, sợi lanh, lụa, thủy tinh, sành sứ và những chiếc giỏ đan.
Ánh sáng
Ở bắc bán cầu, chúng tôi luôn cố gắng để có càng nhiều ánh sáng tự nhiên trong nhà càng tốt, nhưng vì điều kiện khí hậu nên chúng tôi phải phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo giữa ban ngày trong sáu đến tám tháng một năm. Chính vì lẽ đó, việc chọn loại đèn và ánh sáng để sử dụng ở nơi làm việc cũng như ở nhà không hề là chuyện nhỏ. Theo lời của chuyên gia thiết kế ánh sáng người Đan Mạch Asger Bay Christensen, ánh sáng có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Nhà thiết kế này cũng chia sẻ hai lời khuyên hữu ích để tạo ra ánh sáng hygge.
1.
Hãy chọn loại bóng đèn sợi đốt hoặc đèn LED ánh sáng ấm. Ngọn đèn hygge là loại đèn mang lại ánh sáng giúp chúng ta cảm thấy thư giãn, an toàn và thỏa mãn. Đối với những người sống ở đất nước lạnh giá như chúng tôi, ánh sáng hygge chính là ánh sáng ấm áp. Nhiệt độ màu của ánh sáng được đo bằng độ Kelvin, và nhiệt độ màu ở mức 2.700 Kelvin sẽ cho ánh sáng màu vàng/cam, thứ mà tôi gọi là ánh sáng ấm. Đó chính là ánh sáng hygge đối với tôi, và tôi tin là đối với đa số người Đan Mạch cũng vậy. Để bạn dễ hình dung thì đèn huỳnh quang với ánh sáng xanh, lạnh sẽ có nhiệt độ màu vào khoảng 4.000 độ Kelvin, còn ánh nến là 1.200 đến 1.500 độ Kelvin.
2
Thiết lập những vùng sáng nhỏ và tập trung: hãy có ít nhất hai ngọn đèn trong mỗi căn phòng, kể cả những căn phòng nhỏ. Tắt các ngọn đèn trần và thay vào đó, hãy tạo nên các vùng sáng nhỏ. Hãy treo một chiếc đèn chụp phía trên cái bàn để ánh sáng của nó không lan tỏa khắp căn phòng mà chỉ tập trung chiếu xuống mặt bàn.
Hãy làm tương tự với chiếc bàn trà và những quyển sách trên kệ. Lắp thêm công tắc điều chỉnh độ sáng tối cũng là một cách để thay đổi ánh sáng tùy theo nhu cầu và tâm trạng của bạn. Tóm lại, hãy chú ý đến những góc tối trong phòng, và chiếu sáng chúng bằng những chiếc đèn bàn hoặc những ngọn nến.
Đối với Asger Bay, ánh sáng hygge nhất là ánh lửa trại của những lần ông và chú chó cưng tận hưởng một buổi tối mùa hè ấm áp tại ngôi nhà nghỉ dưỡng của họ ở ven biển. Ông nói đó chính là thứ ánh sáng mà những ngọn đèn trong nhà chúng ta cần tạo ra được, để mang đến một bầu không khí hygge.
Nến
“Tôi chắc chắn một điều: nếu có thứ gì đó người Đan Mạch không muốn bị thiếu, thì đó chính là giấy vệ sinh và nến. May mắn thay, bạn có thể dễ dàng mua cả hai món này ở ngay cả những cửa hàng nhỏ nhất.”
Roger Beale, một người Anh sống ở Đan Mạch
Trong Liên minh châu Âu, Đan Mạch là nước sử dụng lượng xtê-a-rin tính trên đầu người nhiều nhất – mỗi năm, một người Đan Mạch dùng khoảng 5,79 kg nến. Lượng xtê-a-rin đó là rất nhiều, tương ứng với rất nhiều bầu không khí hygge được tạo ra.
Nếu bạn hỏi một người Đan Mạch làm sao để hygge, “đốt một ngọn nến” thường sẽ là một trong những điều đầu tiên mà họ gợi ý.
Thắp quá nhiều nến có thể khiến bạn cảm giác như đang thực hiện một nghi lễ nào đó, thế nên chỉ cần một vài cây nến trong phòng là đã đủ để hygge rồi. Hãy thắp sáng những góc tối hoặc đặt một, hai cây nến bên khung cửa sổ – việc này cũng sẽ mang đến cảm giác hygge cho những người đi ngang qua.
“Thắp nến là việc đầu tiên tôi làm khi về đến nhà sau một ngày làm việc. Nó mang đến cho tôi một thông điệp là đã đến lúc ngừng lại và thư giãn rồi. Tôi cũng luôn mang nến theo mình khi đi du lịch; như thế tôi luôn chắc chắn rằng mình sẽ có thể tự tạo ra khoảng thời gian hygge cho dù có đi đến nơi đâu và ở khách sạn nào.”
Tilde Vengsgaard, sống tại Thành phố Randers
Lò sưởi
Ngọn lửa nhảy múa tí tách trong lò sưởi mang đến cảm giác ấm cúng và dễ chịu. Đối với nhiều người Đan Mạch, lò sưởi là nơi hygge kinh điển nhất của mọi thời đại.
Những kẻ đánh cắp hygge
Sự bừa bộn
Có sự bừa bộn chủ động và sự bừa bộn thụ động. Kiểu bừa bộn chủ động là bàn làm việc của tôi lúc này: bình trà, mấy tách trà cũ từ hôm qua, cái bánh bông lan mini mà tôi đã ăn hết hai phần ba, quyển sổ tay, mấy cây bút, vài quyển sách và cả cái chăn trên sàn nữa. Nó trông không giống cái bàn làm việc tuyệt đẹp được đăng trong mấy quyển tạp chí hướng dẫn trang trí nội thất theo phong cách Bắc Âu, nhưng chắc chắn nó trông rất hygge. Trong mấy quyển tạp chí, họ dọn sạch mọi thứ chướng mắt và sắp xếp đồ đạc thật gọn gàng, đẹp đẽ, và tất nhiên tôi cũng thích bàn làm việc của mình trông giống vậy. Chỉ thỉnh thoảng thôi. Nhưng tôi đâu có sống trong một bức tranh tĩnh vật, và chiếc bàn này mang dấu vết quá trình làm việc của tôi tại đây, những lúc tôi đang tận hưởng thời khắc của mình. Khi tôi rời khỏi bàn và nhìn lại mớ lộn xộn mà mình tạo ra, tôi thấy nó có một câu chuyện – câu chuyện về việc tôi đã sống và làm việc ở đó ra sao.
Sự bừa bộn chủ động là 1.000 mảnh ghép hình trên sàn phòng khách, là tám cái bánh nướng mà bạn đang chuẩn bị cho sinh nhật 70 tuổi của mẹ chồng.
Mặt khác, ta cũng có sự bừa bộn thụ động: những món đồ ở hoài một chỗ, đống lộn xộn trong tủ chén, chồng sách giáo khoa cũ nằm ở xó nhà, hoặc mấy thứ có-thể-sẽ-dùng-đến-vào-một-ngày-nào-đó để trên gác xép suốt mấy năm trời. Ta cho rằng những món đồ đó vẫn thuộc nhóm “bừa bộn chủ động”, nhưng nếu chúng đã ở đó quá lâu mà không được dùng đến thì chúng trở thành “bừa bộn thụ động”. Loại bừa bộn này cần phải được dọn dẹp kỹ càng. Khi nhìn vào đống bừa bộn thụ động, bạn hãy tự hỏi “Cái này sẽ đem lại cho mình điều gì?” thay vì “Mình có thể dùng nó vào một ngày nào đó không?”.
Những món đồ không thuộc nhóm bừa bộn chủ động hoặc thụ động sẽ cần có giải pháp lưu trữ tốt – mọi thứ đều có chỗ của mình – sẽ có chỗ cho mọi thứ:
Tủ đựng đồ – Nếu chiếc xe đạp thể dục, máy hút bụi và mấy cái vali bị đặt ngổn ngang trên sàn thì căn nhà đó sẽ khó có hygge. Hãy “mời” những người bạn này rời khỏi phòng hoặc trốn vào tủ hay phía sau tấm rèm.
Thùng – Giấy tờ ngân hàng, hóa đơn mua sắm cũ và nhiều thứ nhạt nhẽo khác đang vương vãi khắp nơi trong nhà bạn? Cất đồ đạc vào trong thùng là một cách xử lý khéo léo những đống đồ linh tinh của bạn, và bạn cũng có thể dùng những chiếc thùng đó để trang trí. Bạn có thể tìm thấy đủ loại hộp và thùng có nhiều màu sắc và hình dáng khác nhau, hoặc dùng các hộp thiếc hay hộp trà cũ.
Á!
Đó chính là từ mà nhân vật Shaggy trong loạt phim Scooby-Doo thốt lên mỗi khi thấy cái gì đó không hygge hoặc mấy thứ khiến anh e sợ. Một cách khác để xác định những yếu tố có khả năng đem đến hygge trong nhà là tìm ra những gì khiến bạn không thoải mái. Hãy tìm những thứ như mấy cây đèn tỏa ra ánh sáng lạnh và không thân thiện, những tấm đệm quá cứng hoặc phát ra tiếng lạo rạo khi ngồi lên, hoặc mấy cái chén dơ chưa rửa vốn có thể đánh cắp niềm vui nấu nướng của bạn chẳng hạn.
Các khoảng không gian trong nhà
Tiền sảnh
“Tiền sảnh là phần không gian mà bạn đi qua, nó liên kết phần bên ngoài với bên trong ngôi nhà. Đây chính là nơi đầu tiên chào đón khi bạn trở về nhà. Hãy nghĩ xem món đồ nào sẽ mang lại cho bạn niềm vui khi bạn nhìn thấy nó lúc bước vào nhà – một bức tranh của vị họa sĩ mà bạn yêu thích, một mảng màu xanh lá hoặc đôi dép đi trong nhà được để sẵn và đợi bạn xỏ chân vào và tận hưởng sự thoải mái ngay lập tức. Đồng thời, bạn cũng hãy để ý đến những món đồ cần thiết. Sẽ chẳng thuận tiện hay hygge chút nào khi phải giẫm lên một núi giày dép và vượt qua ‘ma trận’ áo khoác đang cản tầm nhìn cũng như hạn chế chuyển động của bạn. Hãy tìm các giải pháp lưu trữ phù hợp có thể tạo ra không gian thông thoáng và không thu hút quá nhiều sự chú ý.”
Christina B. Kjeldsen
Phòng tắm
“Đưa thiên nhiên vào phòng tắm bằng một chiếc bàn hay vài chiếc kệ làm bằng gỗ, một chiếc giỏ mây đựng đồ cần giặt, hoặc vài chậu cây xanh thích hợp với không khí ẩm. Và hãy cho bản thân một chút ‘xa hoa’ mỗi ngày bằng cách đắm mình trong cảm giác dịu dàng và dễ chịu – một chồng khăn tắm mềm mại và sạch sẽ đang chờ đợi bạn trên kệ khi bạn bước ra khỏi bồn tắm. Hãy bảo đảm ánh sáng trong phòng thật dịu nhẹ và ấm áp – tất nhiên là một ngọn nến sẽ rất phù hợp với phòng tắm, cũng như với mọi căn phòng khác trong nhà.
Phòng tắm là nơi để thư giãn, nơi ta có không gian và thời gian riêng tư.”
Christina B. Kjeldsen
Phòng bếp
“Từ góc nhìn của một người Bắc Âu, hygge cũng liên quan đến ăn uống, và điều này tự nhiên cũng đưa phòng bếp lên vị trí hàng đầu trong nấc thang hygge.
Phòng bếp là nơi bạn nấu nướng, nhưng nếu đó không phải là việc mà bạn đam mê thì hẳn là bạn sẽ không ưu tiên chú trọng không gian này. Hygge xuất hiện khi có sự thỏa mãn và hứng thú. Do đó, hãy cố gắng chuyển hướng đến những thứ đặc biệt với mình. Nếu bạn thích nướng bánh, hãy làm cho việc đó trở nên dễ dàng và hấp dẫn. Hãy trang bị những công cụ thích hợp, dụng cụ nướng bánh và những món đồ đem cảm hứng cho bạn. Nếu rau xanh, rau mầm và hoa quả khiến bạn vui vẻ, hãy tạo một không gian bếp có phong cách như vậy, để bạn có thể đắm chìm vào đó. Bạn có thể để sẵn húng quế, rau mùi và bạc hà trên bậu cửa sổ, rồi để một ít hành, ớt và tỏi trong chén. Sự bừa bộn hiếm khi hygge, trừ khi nó ít và dễ chịu. Những bề mặt vô trùng theo kiểu bệnh viện và sự sạch sẽ quá mức sẽ khiến bạn e dè chứ không hề hấp dẫn bạn. Các gian bếp thường được sắp đặt tương tự nhau. Hãy mang đến một chút phong cách cho phòng bếp của bạn và treo những cái nồi và chảo yêu thích lên tường, trưng bày trà, các công cụ và gia vị nấu ăn, cũng như trang trí tường bằng các bức tranh yêu thích.
Hãy cẩn thận với việc đặt một gian bếp mới tinh vào trong một ngôi nhà gỗ cũ. Hãy tôn trọng kiến trúc của ngôi nhà và những ý tưởng đằng sau thiết kế của nó, rồi dựa vào đó để tham khảo khi lựa chọn vật liệu, màu sắc và phong cách. Nếu có thể, hãy có một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng, sao cho mọi người có thể ngồi trò chuyện với nhau và với người đầu bếp. Để sẵn một tách trà hay ly rượu vang ở đó trên bàn bếp cũng có thể là một lối tắt tuyệt vời và tự nhiên dẫn đến khoảnh khắc hygge.”
Christina B. Kjeldsen
Phòng sinh hoạt chung
“Phòng sinh hoạt chung thường là trung tâm của cả nhà.
Trong quan niệm của người dân Bắc Âu, vật liệu đóng vai trò quan trọng đối với hygge. Gỗ, đèn giấy xếp, đồ gốm sứ và đồ dùng bằng đá là một phần trong bản sắc văn hóa Bắc Âu. Chúng tôi thích đặt quanh mình những loại gỗ màu sáng đặc trưng của vùng Bắc Âu, cũng như chúng tôi có truyền thống lâu đời về việc dùng các sản phẩm nội thất cổ điển được làm từ gỗ giá tỵ, những món đồ luôn nằm trong ký ức của chúng tôi về ngôi nhà thời thơ ấu. Điều này mang đến sự gợi nhớ, một yếu tố giúp định hình và đặt nền tảng cho hygge. Thật tuyệt – thật hygge – khi ta nhớ đến những món đồ nội thất như người bạn cũ từ thời thơ ấu. Do phong cách và truyền thống thiết kế của chúng tôi, rất nhiều người Bắc Âu sử dụng các món đồ nội thất mang tính hoài niệm như vậy. Và đối với rất nhiều người trong số họ, việc này giúp tạo ra bầu không khí hygge trong ngôi nhà của mình.
Nếu tỉ mỉ xét lại quá khứ, chắc chắn bạn có thể tìm được những yếu tố tương tự mà bạn có thể mang vào không gian sống của mình. Đó có thể là chiếc trường kỷ to đùng mà bạn dùng từ nhỏ đến lớn, tấm tranh thêu độc đáo treo trên tường, hoặc là chiếc tủ quần áo yêu dấu của bạn trong ngôi nhà thuở ấu thơ.”
Christina B. Kjeldsen
Những món đồ trang trí: Hãy đặt một cây nến vào ly; cắm những bông hoa đầu tiên của mùa xuân vào một chiếc lọ nhỏ; xếp những viên sỏi có hình dáng và màu sắc khác nhau mà bạn nhặt được ở bãi biển vào một cái khay, một cái nắp hộp thiếc cũ, hoặc một viên gạch men lớn. Đây là những món đồ trang trí mà bạn có thể trưng bày trên bậu cửa sổ, trên bàn hoặc các ngăn kệ.
Phòng ngủ
“Đây chắc chắn là căn phòng thân thiết và riêng tư nhất, là trái tim của căn nhà. Phòng ngủ là nơi chúng ta về trú ẩn, nạp lại năng lượng và trút bỏ mọi thứ – cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì vậy, đây phải là nơi thật sự đem lại sự thoải mái.
Việc bạn tạo ra bầu không khí như thế nào và hygge ra sao ở nơi đây chắc chắn có liên quan đến việc bạn là ai. Ví dụ, nếu màu xanh dương có thể giúp bạn bình tĩnh thì đây hẳn là một màu thích hợp để chọn cho khăn trải giường. Sơn một bức tường với màu bạn thích cũng sẽ mang đến dấu ấn riêng và chiều sâu cho phòng ngủ của bạn. Có tác phẩm nghệ thuật, một tấm ảnh hay bức tranh nào có thể giúp bạn có những giấc mơ ngọt ngào không? Đó chính là những thứ rất hợp với bức tường phòng ngủ. Hãy nhớ chừa chỗ cho những thứ mà bạn thường xuyên dùng tới – một chỗ để đặt sách, ly nước, đồ trang sức và cả tấm gương nữa. Nếu bạn thích mọi thứ thật trật tự, một tủ chứa đồ được sắp xếp ngăn nắp có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc đem đến hạnh phúc cho bạn; trong khi một chiếc ghế đẹp để ném quần áo lên đó lại là giải pháp lý tưởng cho những người thích sự ‘bừa bộn chủ động’. Khi bạn trang hoàng cho mái ấm của mình – nhất là căn phòng ngủ, nơi bạn thể hiện nội tâm chân thật nhất của mình – theo lời mách bảo của trái tim, thì hygge chính là cảm giác chân thật đó.”
Christina B. Kjeldsen
Không gian làm việc
Chúng ta dành rất nhiều thời gian ở nơi làm việc, vậy tại sao không làm cho nơi này hygge một chút? Bầu không khí hygge không chỉ giới hạn trong căn nhà của bạn – bạn có thể dễ áp dụng những ý tưởng được đề cập trong chương này vào nơi làm việc. Hãy thiết kế một không gian làm việc sao cho bạn có thể làm việc hiệu quả nhất theo một cách hào hứng nhất.
Điều chỉnh để tạo dấu ấn cá nhân – Thông thường, nơi ta làm việc có thể được bài trí rất cơ bản. Điều chỉnh những thứ xung quanh theo nhu cầu và sở thích cá nhân có thể giúp môi trường làm việc của chúng ta trở nên thú vị hơn, cũng như mang lại cho nó nét cá tính nào đó. Hãy trang hoàng văn phòng, đặt vào đó những quyển sổ tay cũng như các loại văn phòng phẩm theo sở thích của bạn, bố trí một tấm bảng tâm trạng đầy cảm hứng với những tấm ảnh từ các chuyến du lịch, treo một bức tranh đẹp của Hammershøi hay Monet, tranh vẽ của cháu gái hoặc một bức tranh biếm họa khiến bạn cười khúc khích mỗi khi nhìn thấy.
Ngăn nắp – Hãy tạo thêm không gian thoải mái cho bản thân bằng cách bỏ đi những loại giấy tờ không còn dùng đến, đồng thời tìm giải pháp lưu trữ tốt hơn cho những món còn lại. Bạn có thể sử dụng những chiếc hộp có màu sắc tươi sáng và họa tiết thú vị, cũng như tận dụng chiếc lọ sứ cũ để đựng bút và bút chì.
Tạo guồng công việc – Ánh sáng tốt và một chiếc bàn làm việc sinh động sẽ mang đến cảm hứng giúp bạn dễ dàng vào guồng làm việc. Hãy đảm bảo có đủ ánh sáng chiếu trực tiếp lên bàn và các loại giấy tờ mà bạn xử lý, chứ không tỏa rộng ra. Hãy đặt vài ngọn nến, hoa tươi hoặc cây xanh quanh bạn. Và đừng quên để chiếc cốc uống nước yêu thích bên cạnh – nó sẽ nhắc bạn có khoảnh khắc thư giãn với đồng nghiệp.
Villa Villekulla
Đây là tên ngôi nhà của nhân vật Pippi Tất Dài trong các loạt truyện nổi tiếng của Astrid Lindgren về cô bé Pippi nhỏ nhắn mà mạnh mẽ sống một mình và làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Pippi có một con ngựa trong nhà và một con khỉ tên “Ngài Nilsson”, và cô bé lau nhà bằng cách lướt trên sàn nhà ướt đẫm xà phòng với miếng giẻ lau nhà dưới chân. Cô bé ngủ với chân gác lên gối, làm bánh tiêu trên sàn nhà và tìm các kho báu trên gác xép. Ngôi nhà của cô bé rất kỳ quặc, đầy các ngóc ngách và những chỗ bí mật.
Pippi là một nhân vật truyền cảm hứng cho việc tạo nên một mái ấm theo cách riêng của mình.
Cha mẹ của cô bạn Renna của tôi sống trong một căn nhà màu vàng trông rất giống Villa Villekulla của Pippi Tất Dài. Suốt thời trung học, cả nhóm bạn chúng tôi thường xuyên tụ tập ở đó. Mỗi sáng Chủ nhật, cha mẹ Renna sẽ đi xuống và đếm chân bọn tôi, để tính xem sẽ nấu bữa sáng cho bao nhiêu đứa.
Bên trong các ngăn tủ trong nhà là đủ loại dao kéo khác nhau và một đống bát đĩa, chẳng cái nào giống cái nào. Mỗi người đều có một cái cốc yêu thích, mà tất nhiên là cũng khác nhau về hình dáng và màu sắc. Mỗi ngóc ngách của căn nhà đều ẩn chứa rất nhiều điều thú vị.
Sau khi bạn tôi sống xa nhà, cha mẹ cô ấy tạo ra một dịp họp mặt gọi là “Ngày thứ Hai thịt hầm”, một dịp mà tất cả những người bạn từng thường xuyên tụ tập ở đó đều được mời tham gia. Đó là một cách họp mặt hiệu quả và không phô trương, và bạn luôn được chào đón khi ghé qua vào các ngày thứ Hai để thưởng thức món thịt hầm cùng với thật nhiều hygge.
Bạn không cần phải có một căn nhà thật to để mời mọi người đến chơi, cũng như không cần phải có thật nhiều tiền để tổ chức những bữa ăn tối linh đình. Điều cốt lõi của những bữa tụ họp và ăn tối ở “Villa Villekulla” là sự hiếu khách, không khí thư giãn tự nhiên và những món ăn đơn giản – đó là những thứ mang mọi người xích lại gần nhau.
Hygge và sự trung thực trong các nhà hàng đẳng cấp Michelin
Với các công cụ như ánh sáng, vật liệu và màu sắc, hai kiến trúc sư nội thất người Đan Mạch Signe Bindslev Hansen và Peter Bundgaard Rützou đã tạo ra bầu không khí hygge trong một số nhà hàng danh tiếng nhất Đan Mạch. Dựa vào những gì đã làm cho nhà hàng ẩm thực Bắc Âu trứ danh Noma, hai kiến trúc sư này đưa ra một số ý tưởng và lời khuyên về việc phát triển bầu không khí hygge như sau.
Hygge có bản chất phức tạp, và thành công trong việc tạo ra “bầu không khí hygge ” tức là phải thành công trong việc đem đến cho người ta cảm giác “mình thuộc về nơi này”, cảm giác được chào đón, và ở một mức độ nào đó là cả cảm giác “được nhận ra” nữa.
Khi chúng tôi bắt tay vào dự án Noma, bếp trưởng René Redzepi của nhà hàng chỉ đặt ra cho chúng tôi một yêu cầu duy nhất. Ông không muốn có bất kỳ ngăn cách nhân tạo nào giữa khách hàng và trải nghiệm ẩm thực. Ông muốn sự trung thực, thẳng thắn và trực tiếp – không mánh lới hay quảng cáo lố. Và mục tiêu của chúng tôi là tạo nên sự kết hợp hài hòa nhất có thể giữa tính thẩm mỹ và hiệu quả.
Ánh sáng: Trước hết, chúng tôi muốn cho ánh sáng bên ngoài hòa vào không gian bên trong nhà hàng – vào lúc cần thiết. Vì vậy, chúng tôi đặt cả rèm mỏng lẫn dày để nhân viên nhà hàng có thể điều chỉnh tùy nhu cầu thực tế. Nói chung, chúng tôi muốn có ánh sáng và bầu không khí nhẹ nhàng giàu cảm xúc, và chúng tôi chọn loại đèn trần tỏa ra ánh sáng dịu và có thể điều chỉnh để giảm ánh sáng tối đa. Điều này đảm bảo mang lại cho chúng ta cảm giác như ở nhà – cảm giác không bị phơi bày trước mắt người ngoài.
Mặt khác, khách hàng cũng cần nhìn rõ đồ ăn và thức uống của mình, cũng như các loại màu sắc và chén đĩa. Vậy nên chúng tôi cũng phải đáp ứng nhu cầu này mà không làm ảnh hưởng đến ánh sáng xung quanh. Cuối cùng, chúng tôi thích những ngọn nến và đèn dầu, và chúng tôi cũng đã dùng chúng cho Noma theo nhiều cách thức khác nhau.
Màu sắc: Màu sắc ở đây ít nhiều được tạo thành từ màu sắc của vật liệu. Chúng tôi cảm thấy thích thú khi biết rằng màu sắc của một loại vật liệu tự nhiên thường phản ánh lịch sử hình thành của bản thân vật liệu đó – nó cho bạn biết vật liệu đó đã trải qua quá trình gì, được xử lý ra sao và có xuất xứ từ đâu. Đồng thời, màu sắc của vật liệu tự nhiên cũng được củng cố bởi những đặc điểm cơ bản của vật liệu đó về mặt kết cấu và chiều sâu. Chúng tôi cũng lưu ý một điều là khi chúng tôi xong phần việc của mình, không gian này vẫn phải có khả năng đón nhận thêm nhiều yếu tố khác trước khi nó hoàn chỉnh – nét đẹp của những món ăn nhiều màu sắc, thứ phải là trọng tâm của những trải nghiệm, và tất cả những người có mặt trong nhà hàng – vì vậy chúng tôi muốn không gian tổng thể có tông màu dịu nhẹ.
Vật liệu: Tất cả các dự án của chúng tôi luôn bắt đầu bằng việc chọn vật liệu, và chúng tôi đam mê những loại vật liệu tự nhiên như các loại gỗ, đá, len, sợi lanh, kim loại... Đây cũng là cách chúng tôi làm với dự án Noma, và nó hoàn toàn phù hợp với triết lý của René Redzepi cũng như Nhà hàng Noma. Điểm tuyệt vời của vật liệu tự nhiên là nếu được xử lý đúng cách thì chúng có thể có tuổi thọ rất cao. Và qua cách những vật liệu này truyền tải câu chuyện về quá trình chúng được sử dụng theo năm tháng, bạn sẽ thấy được ví dụ tốt nhất về việc thổi hồn, tính nguyên bản và cảm giác thuộc về vào không gian quanh mình – mà chúng tôi tin đó là những phẩm chất gắn liền với hygge.
Góc nhà: Chúng tôi thích những góc nhà, nhưng Noma không có nhiều chỗ như vậy – ngược lại, đây là một không gian mở. Vì thế chúng tôi phải có hướng suy nghĩ khác. Những chiếc bàn tròn đem đến cảm giác được bảo vệ, và kết cấu rèm hai lớp cũng là một cách để bao bọc và bảo vệ từng chiếc bàn ở tiền sảnh đông đúc. Đối với những chiếc bàn nằm bên trong nhà hàng thì những thanh xà gỗ nguyên khối lớn cũng đem đến cảm giác được bảo vệ.
Đồ nội thất: Chúng tôi muốn dùng những món đồ nội thất mang phong cách Bắc Âu được làm từ vật liệu tự nhiên với những đường nét mạnh mẽ mà khéo léo. Đối với những chiếc ghế làm bằng gỗ sồi hun khói, chúng tôi quyết định dùng lớp bọc bằng chất liệu da vì chúng bền, tự nhiên và càng dùng lâu lại càng đẹp. Bên cạnh đó, sự thô ráp của chất liệu da cũng cân bằng hài hòa với không gian và với sự thanh mảnh cũng như sự tỉ mỉ có phần nữ tính của chiếc ghế.
Gian bếp mở: Gian bếp mở đưa mọi người đến gần nhau hơn, tạo nên sự gần gũi và cảm giác gia đình. Thiết kế này không chỉ giúp thực khách nhìn thấy đầu bếp cùng với những hình ảnh đẹp của các loại thực phẩm trong bếp, mà điều quan trọng không kém là nó còn cho đầu bếp cảm giác được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn năng lượng trong nhà hàng và từ phản ứng của thực khách đối với các món ăn.
Nhận thức
Nhận thức những yếu tố mang phẩm chất hygge trong ngôi nhà của bạn chính là bước đầu tiên.
Hãy đi vòng quanh nhà, ngồi xuống những chiếc ghế, những góc nhà hoặc nằm trên chiếc giường của mình. Hãy tìm những yếu tố mang đến cảm giác “ưm”: sự mềm mại, thoải mái và ánh sáng lôi cuốn. Hãy tìm những chỗ mà bạn có thể ngồi uống rượu vang, nơi mà bạn có thể trò chuyện vui vẻ, cũng như các góc nhà mà bạn muốn ngồi đó để đọc hết quyển sách này đến quyển sách khác – đó chính là nơi ẩn chứa hygge. Hãy dùng mắt để tìm và tận dụng hết những gì bạn đang có.
Có thể những khoảnh khắc hygge kỳ diệu nằm ngay trong cách bạn nhìn nhận sự việc. Có thể hygge sẽ xuất hiện khi ta cảm thấy an yên với những giới hạn và sự gò bó của không gian quanh mình, khi ta nhìn nhận sự việc dưới một góc độ khác và bắt đầu biết trân trọng nơi mình đang sống.
Tạo ra bầu không khí hygge không phải là thay đổi toàn bộ, ném bỏ mọi thứ và thay mới tất cả. Mà đó là điều chỉnh một chút, bổ sung vài yếu tố hygge vào chỗ này chỗ kia, tạo ra không gian cho các khoảnh khắc tốt đẹp diễn ra.