T
hế hệ X và thế hệ Y có rất nhiều điểm tương đồng, và bên cạnh đó cũng có không ít khác biệt. Những điểm tương đồng và khác biệt này thường rất trái ngược nhau. Lý do cho hiện tượng này có thể là những sự kiện xã hội và lịch sử đã xảy ra ở thời kỳ hình thành tính cách – giữa độ tuổi thiếu niên và trưởng thành trong cuộc đời những người thuộc hai thế hệ này. Những sự kiện này định hình nên thái độ, đặc điểm và các giá trị của một thế hệ. Những kỳ vọng và thái độ đối với công việc mà cụ thể là với sự lãnh đạo, đạo đức và các giá trị nghề nghiệp của mỗi thế hệ đều khác nhau. Không ít nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh được điều này.
Khoảng thời gian thế hệ X bắt đầu đi làm cũng là lúc nền kinh tế suy thoái nặng nề. Khi ấy, việc các sinh viên vừa ra trường phải nhận các công việc tạm thời hay không liên quan đến ngành học của mình không phải là chuyện lạ. Thế hệ X phải chứng kiến bố mẹ mình gánh chịu hậu quả từ việc outsource(1) cũng như tình trạng cắt giảm hay tối ưu hóa quy mô công ty. Vì vậy, họ khá chua cay với chủ đề bảo hộ việc làm và sự trung thành của công ty, trái ngược với các thế hệ trước. Họ làm việc với tinh thần của khẩu hiệu “Do more with less”(2) và của những loạt truyện tranh như “Dilbert”(3). Thế hệ X có tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ. Những người không khởi nghiệp đều vào làm trong những công ty lớn, rồi sau đó họ cũng nghỉ việc để khởi nghiệp hoặc để đến công ty khác nhỏ hơn nhưng nhiều tiềm năng kinh doanh hơn.
(1) Outsource: thuê nhân công ngoài.
(2) Tăng hiệu quả, giảm chi phí.
(3) Loạt truyện tranh biếm họa của Mỹ xoay quanh nhân vật kỹ sư Dilbert, khắc họa thế giới văn phòng của các ông chủ và nhân viên.
Mặt khác, thế hệ Y lại được tôi luyện trong một nền kinh tế phát triển chưa từng thấy ở một kỷ nguyên thịnh vượng. Thế hệ Y trưởng thành trong “thập kỷ Trẻ em”, khi các phương pháp tránh thai, các loại thuốc tăng khả năng sinh sản, các bộ luật bảo vệ trẻ em trở nên phổ biến, và những thuyết nhân văn về tâm lý trẻ em trong giáo dục ở trường và ở nhà bắt đầu xuất hiện.
Sự đói khát không khoan nhượng của truyền thông khiến thế hệ Y trở thành chứng nhân cho những sự kiện thảm khốc, như: vụ xả súng Columbine, vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, và vụ ở thành phố Oklahoma, cùng vụ luận tội Clinton. Thế hệ Y cũng chưa từng sống thiếu máy vi tính, kênh MTV, kênh CNN, đĩa CD, trò chơi điện tử, máy nghe nhạc Walkman, truyền hình cáp, máy fax hay máy rút tiền ATM.
Thế hệ Y rất nhạy bén với truyền thông, không giống những thế hệ đi trước, và nguyên nhân chính là sự sẵn sàng 24/7 của truyền thông trên toàn thế giới. Nhờ đó mà mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ được củng cố, và phần lớn những người thuộc thế hệ Y rất thân thiết với bố mẹ mình.
Những kênh truyền hình như Nickelodeon sinh ra để dành cho thế hệ Y. Tạp chí American Demographics đã kết luận rằng trong 24 giờ, thời gian thế hệ Y tiêu tốn cho công nghệ lên đến... 31 giờ đồng hồ – đó là nếu cộng riêng từng khoảng thời gian họ lướt mạng Internet, xem ti-vi, nghe đài phát thanh và đọc tạp chí. Tuy nhiên, họ lại làm tất cả những việc này cùng lúc, hay còn được gọi là hiện tượng “đa nhiệm truyền thông”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhờ ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ, thế hệ Y đã được lớn lên với những công cụ giúp tiết kiệm thời gian cũng như sự thoải mái sáng tạo. Cũng nhờ công nghệ, họ đã thay đổi các yếu tố sinh lý của cách họ học tập.
Thế hệ Y được mô tả là “trung tâm cuộc sống của bố mẹ họ” và là thế hệ “nóng” nhất thế kỷ vừa qua, khác hoàn toàn với những đứa trẻ bị bỏ mặc ở nhà của thế hệ X. Sự quan tâm thái quá của các bậc phụ huynh dành cho những đứa con thế hệ Y của họ vượt hẳn ngưỡng tối đa mà các nhà nghiên cứu đã dự đoán lúc đầu. Gần 60% thanh niên thế hệ Y chọn về sống với bố mẹ sau khi tốt nghiệp đại học, và 32% trong số đó ở nhà bố mẹ tới hơn một năm. Nhóm thanh niên này được gọi tên là “những đứa trẻ boomerang”.
Thế hệ X vs Thế hệ Y: tương đồng và khác biệt
Cả hai thế hệ đều có thái độ làm việc, các giá trị quan trọng và nhiều hành vi tương tự nhau. Cả hai thế hệ đều có bản năng giải quyết vấn đề. Mặt khác, cả hai thế hệ X và Y đều khá thiếu kiên nhẫn. Hai thế hệ này rất giỏi thích ứng. Cả hai thế hệ đều thích môi trường vui vẻ, thoải mái, không quá cứng nhắc và những công việc có ý nghĩa. Thế hệ Y không để công việc định nghĩa bản thân mình, thường không tuân theo luật lệ và quy định. Thế hệ Y thường tìm kiếm những công cụ và công nghệ mới nhất. Thế hệ Y rất cạnh tranh và thích làm việc freelance(4) hơn.
(4) Làm việc tự do.
Thế hệ Y đang dần trở thành những người đưa ra quyết định trong các doanh nghiệp. Họ rất coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, giỏi đa nhiệm và luôn hết lòng vì mục tiêu học hỏi cả đời và tích lũy những kỹ năng có thể trao đổi. Họ thường muốn nghe nhận xét ngay tức thì và họ giỏi chung sống với sự đa dạng trong và ngoài công sở.
Thế hệ X và thế hệ Y có rất nhiều điểm tương đồng về thái độ làm việc, các giá trị họ coi trọng và nhiều hành vi. Vì vậy, không ít nhà nghiên cứu có quan điểm rằng họ chỉ thuộc cùng một thế hệ mà thôi. Theo Pew Research Center for the People & the Press (2007), cả hai thế hệ đều thông thái và đa chủng tộc nhất. Cụ thể, hai xu hướng này tăng dần đều từ thế hệ X đến thế hệ Y. Nhiều người coi thế hệ X là thế hệ chuyển giao vì họ bắt đầu chấp nhận và áp dụng những khái niệm “Kinh tế mới” như: đa nhiệm, công việc có ý nghĩa, học hỏi cả đời, cân bằng công và tư, cũng như tâm lý tự quản. Tất cả những khái niệm này đều được thế hệ Y đưa lên một tầm cao mới.
Nhưng dù có không ít điểm tương đồng, ví dụ như việc cả hai thế hệ đều coi trọng sự nghiệp, thế hệ X và thế hệ Y vẫn có vài điểm khác biệt nổi bật. Thế hệ X đặt nặng sự độc lập trong việc thực hành công việc, còn thế hệ Y lại luôn đòi hỏi được chỉ dẫn, muốn có cấu trúc công việc rạch ròi, và cần sự giám sát liên tục.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Y có rất nhiều mong muốn đối với công ty của mình. Mặt khác, thế hệ X coi bổng lộc là động cơ phấn đấu, và mục tiêu của họ là mức lương hấp dẫn.
Thế hệ X thường cảm thấy không chắc chắn, và họ được “lập trình” để chấp nhận rằng mình sẽ khó mà dư dả được bằng bố mẹ mình. Ngược lại, thế hệ Y khá tự tin, lạc quan và luôn có thái độ “tất cả đều khả thi”.
Mỗi thế hệ đều bị ảnh hưởng bởi những sự kiện lịch sử và các hoàn cảnh xã hội mà họ từng trải qua trong quá trình trưởng thành. Những điều kiện này tạo nên nhiều thay đổi trong họ về các giá trị họ coi trọng cũng như các hành vi, và những thay đổi này tác động đến hệ thống giá trị và cách họ phản ứng với các tình huống cụ thể. Những nghiên cứu về nhóm thế hệ đã chỉ ra rằng bên cạnh những điểm tương đồng về các giá trị họ coi trọng, về thái độ và đặc điểm tính cách, giữa hai thế hệ vẫn có nhiều điểm khác biệt. Rất tiếc, những nghiên cứu hiện có chỉ tập trung chủ yếu vào việc phác họa toàn cảnh về hai thế hệ này mà bỏ qua những ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa hai thế hệ đến mức đa dạng trong thế giới thương mại.
Phần lớn nhân công Mỹ thuộc thế hệ X hoặc thế hệ Y, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai thế hệ này có tinh thần kinh doanh cao hơn hẳn. Tuy nhiên, lại chưa có nhiều nghiên cứu thực nghiệm hoặc định lượng thể hiện được cách những khác biệt giữa hai thế hệ này tác động đến cách họ nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh của mình. Phần lớn tài liệu chỉ tập trung vào mô tả hai thế hệ này trong vai trò nhân công chứ không chú trọng đến những kinh nghiệm ở vai trò nhà kinh doanh của họ. Tóm lại, một khi ta có cái nhìn sâu về động cơ tiềm ẩn của từng cá nhân, được định hình bởi thế hệ họ thuộc về, ta mới có thể kiểm chứng các hoạt động kinh doanh. Và “cá nhân” ở đây cụ thể chính là những thành viên của hai nhóm thế hệ X và Y, không tính tới các yếu tố biến thiên khác.
Bảng 7
Những điểm Tương đồng và Khác biệt giữa thế hệ X và thế hệ Y