T
hế hệ Y gồm những người sinh từ năm 1981 – 1998. Thế hệ này còn được gọi bằng cái tên khác là thế hệ Mạng. Thế hệ này cũng có số thành viên đông đảo nhất, chỉ sau thế hệ Baby Boomers.
Bối cảnh xã hội định hình nên thế hệ Y
Góc nhìn của thế hệ này bị tác động rất nhiều bởi những dạng khủng bố khác nhau, cũng như sự sẵn sàng mọi lúc của thông tin. Thế hệ Y được cho là khác biệt hẳn so với các thế hệ trước, và điều này là kết quả của sự ảnh hưởng từ công nghệ tân tiến đến cuộc sống của từng người. Bốn yếu tố trọng yếu nhất tác động đến thế hệ này là tội ác, truyền thông, các vấn đề kinh tế, và sự thay đổi về hình thái gia đình.
Thế hệ Y được tạp chí Newsweek gọi là “Thế hệ 9 - 11” – theo vụ khủng bố gây nên trận khủng hoảng báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ hòa bình. Không ít tác giả (Arhin & Johnson-Mallard, 2003; Billings & Kowalski, 2004; Martin, 2005; Murray, 2004; Nussbaum, 2003; Rodriguez et al., 2003; Zemke et al., 2000) đã từng đặt tên chothế hệ Y là thế hệ Millenial, thế hệ Nexter, thế hệ MTV, thế hệ Tiếng vang của Boomers, thế hệ Internet, thế hệ Kỹ thuật số, thế hệ Mạng, thế hệ Tiếp theo, thế hệ WWW, thế hệ E, N-Gens, thế hệ Nintendo, thế hệ Tại sao, thế hệ Y2K, thế hệ O(1).
(1) Obese: béo phì.
Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra trong thời đại Thông tin. Thế hệ này như là thế hệ đầu tiên bắt buộc phải đương đầu với tỷ lệ gia đình tan vỡ cao hơn; vì theo số liệu năm 1993, gần một phần ba thế hệ Y thuộc gia đình đơn thân mà hầu hết là vắng bóng người cha.
Có phân nửa số người thuộc thế hệ Y đã từng trải qua cảnh cha mẹ ly thân hoặc ly hôn. Điều này tạo nên cảm xúc tức giận trong họ, và họ bước vào tuổi trưởng thành với cảm xúc tiêu cực đó cùng phức cảm tự ti, do vào khoảng thời gian họ trưởng thành, năm 1987, gần 70% những người làm mẹ phải để những đứa con tuổi đi học ở nhà khi ra ngoài làm việc. Bối cảnh này cũng chính là lý do khiến thế hệ Y thường thích có mẹ ở nhà làm nội trợ hơn.
Thế hệ Y như là những người có thái độ tích cực và sở hữu những giá trị đạo đức khác với những thế hệ trước. Những khoảnh khắc mang tính xây dựng căn tính đối với những người thuộc thế hệ Y bao gồm thảm họa ngày 11/9, vụ bê bối Clinton-Lewinsky, và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Các yếu tố mạnh mẽ nhất góp phần định hình nên thế hệ Y là:
- Những thay đổi nhanh chóng do tác động của công nghệ sinh ra sự bàng quan trước những giá trị truyền thống và sự ổn định
- Sự thiếu hụt quan tâm từ cộng đồng
- Sự bội thực thông tin từ truyền thông
- Quá trình trưởng thành thiếu sự dẫn dắt của thế hệ đầu tiên
- Vai trò giới tính bị phân định rạch ròi
- Chất lượng cuộc sống đi xuống
Một số “ký ức tuổi thơ” của những người thuộc thế hệ Y bao gồm: cuộc tuần hành biểu tình The Million Man March, những buổi họp mặt của hội thánh Tin Lành Promise Keepers, phiên tòa của O. J. Simpson và kênh truyền hình MTV. Robert Pittman, người sáng lập kênh MTV, đã nói rằng những em bé sinh vào thế hệ này có thể vừa xem ti-vi, vừa làm bài tập và nghe nhạc cùng một lúc.
Thế hệ Y bị tác động rất nhiều bởi mạng Internet, và rằng khi bàn luận về phong cách nhận thức của họ, ta không thể không xét tới những ảnh hưởng không nhỏ của MTV và Nintendo trong quá trình họ trưởng thành. Từ trong tiềm thức, thế hệ Y đã hoàn toàn sáp nhập và tiếp thu sự tồn tại của thế giới mạng vào cuộc sống của mình.
Việc đón nhận và thành thạo công nghệ thông tin từ sớm của thế hệ Y chính là bước đệm cho sự chuyển giao quyền lực thế hệ, giúp họ vượt qua thế hệ X – những người lớn lên trong khi công nghệ thông tin chỉ mới bắt đầu thành hình. Thế hệ Y là “những người đầu tiên sinh ra trong những gia đình đã cài đặt sẵn máy vi tính và được làm quen với trò chơi điện tử từ bé”.
Đặc thù của thế hệ Y
Khi nhìn vào bối cảnh xã hội, vào các yếu tố điển hình và những tập tính có thể được dự đoán qua tính tuần hoàn của thế hệ, ta có thể xác định được một vài đặc điểm chính của thế hệ Y. Thế hệ Y có bảy đặc điểm tính cách chính. Xét tổng thể, họ đặc biệt, được bảo bọc, tự tin, thích làm việc theo nhóm, tuân thủ quy ước chung, thường bị áp lực, và rất quyết tâm thành công.
Những người thuộc thế hệ Y luôn nghĩ rằng bản thân đặc biệt vì được ra đời vào thời đại kỹ thuật số. Họ tự hào về khả năng vận dụng công nghệ của mình. Hầu hết những người thuộc thế hệ Y cũng thuộc những gia đình không đông con. Và thế hệ này thường nhận được sự kỳ vọng cao.
Thế hệ Y là thế hệ được bảo bọc bởi những chính sách mới ra đời vì sự an nguy của họ. Mũ bảo hiểm đối với xe hai bánh và đai an toàn đối với ô-tô là những quy định bắt buộc với họ. Ngoài ra còn có những ý tưởng khác như việc lắp đặt hàng rào quanh hồ bơi được nêu lên để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của họ. Đây là những luật lệ áp dụng với mọi người, nhưng thời điểm ra đời của chúng lại chính là những năm tháng hình thành tính cách của thế hệ Y. Thế hệ này cũng lo lắng về những vấn đề an ninh, như bạo lực học đường, tội ác hay khủng bố.
Những người thuộc thế hệ Y là những người tự tin. Họ biết chấp nhận những điều mơ hồ. Họ đã trải qua nền tảng kinh tế tốt đẹp, nên ngay cả những dao động kinh tế gần đây cũng không thể tác động đến mức độ tự tin của họ. Với họ, điều duy nhất chắc chắn trên thế giới này chính là khái niệm mơ hồ, không chắc chắn.
Họ được trải nghiệm nhiều hoạt động nhóm trong những năm tháng tuổi trẻ hơn các thế hệ khác. Cụ thể, trường lớp rất khuyến khích các hoạt động theo đội nhóm. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng việc họ thích làm việc theo nhóm không có nghĩa là họ biết cách làm việc nhóm hiệu quả.
Thế hệ Y có những hoài bão rất bình thường, gần gũi về sự nghiệp, sự cân bằng giữa công và tư, cũng như về quyền công dân. Những hoài bão này chính là hệ quả của thế hệ trước, thế hệ của những người thường tập trung vào công việc hơn là sự hài hòa trong gia đình.
Thế hệ Y được cho là luôn luôn cảm thấy áp lực. Hầu hết các bậc cha mẹ có con thuộc thế hệ Y đều đặt vào con mình những kỳ vọng cao xa và suốt ngày yêu cầu con cái phải tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Thế hệ Y chính là thế hệ trí tuệ nhất từ trước đến nay. Không ít người thuộc thế hệ Y coi tri thức là thành công. Ngoài ra, thế hệ này cũng là thời điểm các phương pháp giảng dạy mới và tiến bộ hơn được áp dụng.
Những sự kiện chính trong những năm quyết định đối với thế hệ Y cùng những tác động của chúng lên hành vi của thế hệ này đã được tổng hợp trong Bảng 6 bên dưới.
Bảng 6
Những sự kiện chính và hành vi của thế hệ Y
(Yeoman et al., 2011)
Thế hệ Y là thế hệ Tại sao và sự xuất hiện của thế hệ này là “cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh”. Thế hệ này cũng được mô tả như sau: thiếu kiên nhẫn, dễ thích nghi, sáng tạo, năng suất cao, cảm xúc tê liệt, đa nghi, khó nản lòng, thiếu tôn trọng, thái độ thẳng thừng, giỏi chịu đựng và tận tâm. Một trong những khác biệt lớn nhất ở thế hệ này chính là thông tin và công nghệ giao tiếp.
Thái độ và Hành vi của thế hệ Y
Thế hệ Y đã chuyển trọng tâm của mình từ “thực sự chất lượng” sang “thực sự thoải mái trong tâm hồn”, hay nói cách khác, mục tiêu của họ là tìm đến lối sống bớt căng thẳng, và động cơ có thể là vì họ đã thấy bố mẹ, ông bà mình từng chú tâm quá nhiều vào công việc và bỏ mặc những khía cạnh khác của cuộc sống. Về công nghệ, tầm ảnh hưởng của nó đến thế hệ Y không dừng lại ở cách nó thay đổi nhận thức về không gian và thời gian của họ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California và Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng công nghệ còn tác động đến khả năng nhập và xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cùng lúc của thế hệ Y. Công nghệ cũng ảnh hưởng tích cực đến kỹ năng vận động, khả năng cảm nhận không gian và khả năng lên chiến lược của thế hệ Y, khiến họ vượt trội hơn thế hệ X.Công nghệ được ví như là không khí đối với thế hệ Y. Trẻ em chính là những “nhà cầm quyền”: chúng kiểm soát lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số ở nhà.
Thế hệ Y cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các loại hình âm nhạc (ví dụ như nhạc rap, R&B, gospel, hip-hop) và thời trang mang tính xây dựng cá tính. Họ phát triển nhiều loại ngôn ngữ. Họ cũng tin vào sự đặc biệt của bản thân, thế nên họ thường tự cho mình là trung tâm. Thế hệ Y không hồi đáp lại bất cứ điều gì nằm ngoài phạm vi thực tại của bản thân, và họ liên tục chịu tác động từ thế giới thời trang và âm nhạc.
Thế hệ Y đã trở thành những người tiêu dùng “khó chiều”. Vào năm 1998, thế hệ này chính là lý do khiến nhiều công ty đã đầu tư đến 168 tỷ đô-la vào những chiến dịch quảng cáo nhắm tới đối tượng khách hàng ở độ tuổi 4 – 19. Thế hệ Y có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến ngành công nghiệp quảng cáo. Mỗi sản phẩm được họ bàn luận tới đều tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Các phóng viên, những chiến dịch kích thích suy nghĩ và sự mong đợi ở thế hệ Y, cũng có sức ảnh hưởng không nhỏ. Các nghệ sĩ và vận động viên cũng tác động đến thế hệ này. Mỗi sản phẩm mà họ quảng cáo đều sẽ được tiêu thụ bởi các khách hàng thế hệ Y.
Mỗi thế hệ đều có những đặc điểm tính cách riêng. Thế hệ Già đã nghỉ hưu, vị trí của họ ở các công ty, tập đoàn bị bỏ trống; thế hệ Baby Boomers cũng đang về hưu dần; thế hệ X lại không đông. Vì vậy, thế hệ Y có lẽ đã sẵn sàng tác động đến các mô hình kinh doanh cũng như tái định nghĩa lại hệ thống tổ chức. Nếu thế hệ X được gọi là thế hệ lạc thì thế hệ Y chính là thế hệ tìm thấy, với ý rằng thế hệ này dường như thừa hưởng được rất nhiều tố chất tốt đẹp của ba thế hệ đi trước.
Thế hệ Y thừa hưởng và phát triển những niềm tin truyền thống, sự lạc quan, sự tin tưởng, sự quyết tâm và tinh thần trượng nghĩa của thế hệ Già. Họ cũng sở hữu ý thức làm việc nhóm của thế hệ Baby Boomers cũng như những năng lực về kỹ thuật của thế hệ X. Thái độ khi làm việc của thế hệ Y có thể được mô tả như sau: tích cực theo tập thể; lạc quan, bền bỉ, có khả năng đa nhiệm, và nhạy bén với công nghệ. Tuy nhiên, thế hệ Y vẫn có một số điểm yếu như: cần sự quản lý, kèm cặp của cấp trên; cần cấu trúc có sẵn; cũng như thiếu kinh nghiệm giải quyết những đối tượng hoặc vấn đề khó khăn.
Mỗi thế hệ đều chịu tác động từ sự thức tỉnh về tâm linh và những sự kiện xã hội, cũng như sự tồn tại hiển nhiên của tình trạng “tuyệt giao hoàn toàn với những đặc điểm thường được cho là đặc trưng của thế hệ X”.
Khi bàn về công nghệ trong thế hệ Y, phải công nhận rằng ảnh hưởng trực tiếp của công nghệ tới thế hệ này không bao quát toàn thế hệ. Những yếu tố tác động khác – như các sự kiện, tình hình kinh tế, cách nuôi dạy con cái – không tác động tới mọi thành viên của một thế hệ. Tuy công nghệ kỹ thuật số đã thâm nhập vào rất nhiều khía cạnh của xã hội, nhưng không phải cả cộng đồng đều có thể truy cập vào công nghệ một cách dễ dàng.
Tuy gia đình, bạn bè và thành tích cá nhân rất quan trọng với thế hệ Y, họ vẫn đặt trải nghiệm ở cấp độ quan trọng hơn. Thế hệ Y sống trong nền văn hóa tốc độ cao. Thông tin luôn sẵn sàng ở khắp nơi. Họ có những mối quan hệ linh động và những niềm tin luôn thay đổi. Sự đa dạng mang lại ý nghĩa và sự tươi trẻ cho cuộc sống của giới trẻ. Đây chính là trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Thế hệ Y không dễ dàng chấp nhận những quy trình lặp lại, hay nói đúng hơn là họ hoàn toàn không muốn. Nếu được lựa chọn, họ sẽ không chọn cách sống đơn điệu như vậy. Cái họ muốn là sự khó lường đưa họ đến những trải nghiệm tuyệt vời. Phần lớn (cụ thể là 53%) thế hệ Y có quan điểm rằng mục tiêu chính của cuộc sống là tận hưởng nó, cũng như đạt được các thành tựu cá nhân. Giới trẻ luôn háo hức được tạo nên những thay đổi tích cực cho thế giới, và họ cho rằng thế giới thực sự cần những thay đổi vững chắc. Cụ thể, khoảng 40% thế hệ Y thể hiện rằng họ sẵn sàng giúp đỡ những đối tượng cần họ. Họ sẵn sàng đóng góp thời gian và tiền bạc cho các tổ chức phúc lợi xã hội, các dịch vụ y tế hay các tổ chức cứu trợ và phát triển. Gu thời trang của thế hệ Y không những hợp mốt mà còn thể hiện tinh thần cộng đồng. Những món đồ họ khoác lên người kết nối họ với một nền tiểu văn hóa cụ thể. Thế hệ Y được gọi tên là thế hệ Mosaic vì họ là thế hệ đầu tiên thể hiện lối suy nghĩ phi tuyến tính qua cách sống đa sắc, làm mọi việc theo bất cứ cách nào mình chọn.
Thế hệ Y rất hào phóng và cởi mở khi thể hiện lòng nhiệt huyết đối với các chương trình nhân đạo. Cuộc khảo sát giữa nhiều thế hệ đã cho thấy thế hệ G. I. (sinh vào khoảng năm 1901 – 1924), và thế hệ Y có nhiều quan điểm tương đồng về lòng trắc ẩn, sự khéo léo và đạo đức nghề nghiệp.
Tính cách và thái độ của thế hệ Y bị tác động bởi công nghệ nhiều hơn thế hệ X. Không ít tài liệu đã thể hiện mối liên hệ giữa thế hệ Y với công nghệ. Máy vi tính là một phần thiết yếu trong cuộc sống của những người thuộc thế hệ Y. Tuy chưa chắc họ đã có khả năng ra trận, nhưng họ vẫn không xa lạ gì với súng đạn, chất gây nghiện và bạo lực.
Thế hệ Y là thế hệ thông thạo công nghệ nhất, vì cứ mười thiếu niên lại có ít nhất chín em sở hữu máy vi tính có kết nối mạng ở nhà. Chưa kể, hơn 50% các em ở độ tuổi từ 12 – 17 sở hữu điện thoại di động. Các em thiếu niên rất nhạy bén với công nghệ và khi được giao nhiệm vụ, các em thường chọn được làm việc theo nhóm. Theo tạp chí Fortune (Meet the Future, 2000), các em thiếu niên rất giỏi tạo trang web cũng như hướng dẫn nhau cách “vận động hành lang” để người lớn thông qua những đạo luật các em muốn. Chỉ mới vài năm trước, ta khó mà tưởng tượng được rằng thế hệ này lại giỏi công nghệ đến vậy ở thế kỷ 21. Ngoài công nghệ, góc nhìn khác nhau về thế giới và đức tin cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến thế hệ này.
Trong vài năm vừa qua, thế hệ Y đã bắt đầu đến tuổi đi làm. Điểm khác biệt rõ rệt của thế hệ Y so với các thế hệ khác ở sự thẳng thắn khi bày tỏ nguyện vọng của mình ngay cả trong môi trường làm việc. Họ ghét bị quản lý quá chi li và thích mô hình làm việc không phân cấp nhân viên. Qua dữ liệu về số người thuộc thế hệ Y dự định chuyển công tác vào các công ty, tổ chức trong tương lai, thế hệ Y được dự đoán là có khả năng tác động đến thị trường nhân công tương tự như thế hệ Baby Boomers. Thế hệ Y cũng không trung thành với cấp trên bằng thế hệ X - phụ huynh của mình.
Những mục tiêu của thế hệ Y cũng không khác các thế hệ trước là bao. Thế hệ Y hay bông đùa và không nghiêm túc với công việc. Ngoài thừa hưởng bản năng thúc đẩy thay đổi của bố mẹ mình, họ còn sở hữu trí thông minh có khả năng thay đổi vật chất một cách kín đáo. Thế hệ Y thích giao tiếp qua email và tin nhắn hơn là nói chuyện qua điện thoại bàn. Họ cũng ưu tiên điện thoai di động để tìm kiếm thông tin trong cuộc sống hàng ngày.
Thế hệ Y thích làm việc trong môi trường khuyến khích cách giao tiếp cởi mở hai chiều với cấp trên. Nhiều người thuộc thế hệ Y rất sẵn sàng đón nhận lời nhận xét; họ cũng độc lập, suy nghĩ đa diện và năng tìm kiếm cơ hội để sáng tạo. Thế hệ Y trân trọng sự đa dạng và khác biệt giữa con người với nhau, vì vậy họ thường giỏi giao tiếp cộng đồng, qua đó thi đua để thành công ở tầm quốc tế. Tuy vậy, với những đặc điểm tính cách như đòi hỏi cao, tự tin, thích được khen, thích kết quả và quyền hạn tức thì, chưa kể cách xử lý mối quan hệ của họ, ta có thể kết luận rằng thế hệ Y khá khó kiểm soát. Những người thuộc thế hệ Y làm việc để sống chứ không sống để làm việc.
Thế hệ Y rất thực tế. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm với công nghệ và công nhận rằng nó là một phần cơ bản của cuộc sống từ khi họ ra đời. Những người thuộc thế hệ Y là những nhân viên thông thái, biết học hỏi trong công việc, có khả năng giao tiếp, trải nghiệm và xây dựng hệ thống kiến thức của mình. Dù ở độ tuổi nào, họ đều đề cao những ý tưởng mới của bản thân. Quan niệm của họ là chừng nào còn sống, họ sẽ luôn học hỏi.
Một khi công việc hiện tại không còn khiến họ thấy hứng thú hay không có cơ hội phát triển, những nhân viên thế hệ Y sẽ đổi việc khác. Tuy thế hệ Y rất giỏi công nghệ nhưng trong các mối quan hệ, họ vẫn thích giao tiếp giữa người và người hơn, cụ thể là họ thích làm việc cho bạn bè hoặc cho những người cố vấn của mình hơn. Điều này có lẽ là do thế hệ Y không làm việc chỉ vì đồng lương, mà mục tiêu của họ là thử thách bản thân để tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Họ cũng trân trọng thành tựu cá nhân hơn là những phần thưởng bên ngoài.
Thế hệ Y cân bằng cuộc sống và công việc bằng sự linh động trong lịch làm việc của mình. Họ cũng thích được thỏa mãn cấp tốc. Thế hệ Y không e sợ những danh hiệu trong công việc, và họ luôn muốn được nhìn nhận là một cộng sự đáng tin cậy. Các “binh lính” của “quân đoàn” thế hệ Y là những người có trách nhiệm và giỏi làm việc đa nhiệm. Tuy nhiên, họ phân bổ thời gian rất kém và dễ chán những công việc tầm thường vô vị.
Khái niệm về tốc độ của họ bị kiểm soát bởi công nghệ. Sự sẵn có và nhanh chóng của việc tải nhạc, tải thông tin, cũng như nhắn tin cho nhau khiến họ đòi hỏi sự cấp kỳ nhiều hơn. Tính cách này tác động không nhỏ tới kế hoạch lâu dài của thế hệ Y. Họ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi những dự định dài hạn, ví dụ như một kế hoạch năm năm. Nhiều người trong số họ chỉ nhìn xa được đến mười hai tháng tới mà thôi. Điện thoại di động không chỉ là một công cụ giao tiếp cá nhân mà còn là một phụ kiện thời trang, và giờ đây nó đã trở thành một biểu tượng cho thế hệ này. Với một sinh viên 19 tuổi, chiếc điện thoại chẳng khác nào một phần thân thể của cậu, giúp cậu kết nối với mọi thứ. Với khả năng kết nối cấp kỳ trong tầm tay, công nghệ đã tác động đến quan niệm của thế hệ Y về thời gian và không gian.
Thế hệ Y chính là thế hệ ưu tú tiếp theo. Thế hệ Y là những công dân toàn cầu thực thụ đầu tiên. Các nhà nghiên cứu quả là luôn có lý do cho những lời khẳng định hay phân loại của mình. Thế hệ Y trưởng thành trong nền kinh tế rộng lớn của thế kỷ 20. Thế giới tuổi thơ của họ có sự tồn tại của bệnh AIDS, của những trận xả súng ở trường học, bắt cóc trẻ em, bạo lực trên ti-vi, trong cuộc sống, trong trò chơi điện tử và chất gây nghiện tổng hợp.
Thế hệ Y rất thích các hoạt động nhóm. Họ cũng thích được dẫn dắt, chỉ bảo. Họ giao tiếp toàn cầu, nhưng không dừng lại ở đó, nhờ những tiến bộ công nghệ mà chính bản thân họ cũng là thế hệ đa chủng tộc nhất từ trước tới giờ. So với các thế hệ trước, thế hệ Y rất hiếm khi chấp nhận người khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Y là thế hệ được khen ngợi, cung phụng, che chở và bảo vệ nhất.