N
hững tranh luận xoay quanh chủ đề kinh doanh hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Không ít học giả và chuyên gia đã lên tiếng, cũng như viết về ngành kinh doanh và sức ảnh hưởng của nó đến mọi cộng đồng ở mọi nơi trên thế giới. Tất cả những học giả ấy đều đồng tình rằng: sự tồn tại của ngành kinh doanh là rất quan trọng đối với phúc lợi của nền kinh tế. Đã có nhiều nghiên cứu ghi lại cách ngành kinh doanh tạo ra công ăn việc làm và xóa nghèo cho một đất nước.
Vô số định nghĩa về ngành kinh doanh không quá khác biệt so với định nghĩa về người làm kinh doanh. Ngành kinh doanh được định nghĩa bởi Venkataraman (1997) như sau: “một lĩnh vực uyên thâm với mục tiêu tìm hiểu cách những cơ hội tạo nên sản phẩm và dịch vụ tương lai được phát hiện, áp dụng và khai thác, bởi ai và có những hệ quả gì”. Theo từ điển kinh doanh, ngành kinh doanh là “khả năng và sự sẵn sàng phát triển, sắp xếp và điều hành một dự án kinh doanh cùng bất kỳ rủi ro kèm theo nào của nó với mục tiêu là thu được lợi nhuận” (Entrepreneurship, 2013). Ví dụ rõ rệt nhất của khái niệm trên chính là việc khởi nghiệp. Trong lĩnh vực kinh tế, bên cạnh đất đai, tài nguyên quốc gia, nhân công và vốn, ngành kinh doanh cũng là một nhánh tạo ra lợi nhuận.
Những nhà kinh doanh tư nhân hoặc trực thuộc công ty, tổ chức đều nhờ vào ngành kinh doanh để nuôi dưỡng và duy trì khả năng cạnh tranh của mình trước các đối thủ. Khi mục tiêu của người kinh doanh là nắm bắt được đúng giá trị dự đoán của các cơ hội kinh doanh, hoạt động kinh doanh sẽ phát triển. Để đạt được giá trị đó, họ sẽ cung cấp cho thị trường một sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn những sản phẩm trước đó.
Đã có nhiều tài liệu tách riêng nhóm những người sử dụng kinh doanh để tạo ra giá trị với mục tiêu là tiền với nhóm những người sử dụng kinh doanh để chế tạo hay cải tiến các sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội. Dù lý do mỗi người tham gia kinh doanh là gì, quá trình kinh doanh của họ về cơ bản vẫn như nhau: họ bắt đầu nhận thức được nhu cầu của một nhóm cụ thể, rồi họ khám phá và tận dụng các cơ hội để đi đến quyết định bắt đầu một loại hình kinh doanh mới.
Quá trình kinh doanh bắt đầu với một cá nhân nhiệt huyết và có chủ ý vẽ nên tương lai dựa trên những gì mình nhận định là thị trường có nhu cầu. Thông thường, đó sẽ là những cơ hội từng bị bỏ qua hoặc không để ý tới. Một khi cá nhân này nhận thấy được những cơ hội bị bỏ qua, họ sẽ cải tiến chúng thành những hoạt động kinh doanh có triển vọng. Cá nhân kể trên nên nhận thức được cả nhu cầu thị trường lẫn các cơ hội để phát triển hình thức kinh doanh mới. Khả năng này được cho là chịu ảnh hưởng từ các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của cá nhân đó.
Sau khi nhận ra cơ hội và quyết định theo đuổi nó, cá nhân nêu trên sẽ bắt đầu thu thập những tài nguyên cần thiết để tạo nên giá trị dự đoán của cơ hội. Giai đoạn này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro (như thiệt hại về tài chính hay các khoản đầu tư không thể hồi lại được), cũng như những điều chưa chắc chắn vì thiếu khả năng dự đoán chính xác thị trường hoặc những thay đổi về các yếu tố môi trường, đường đi nước bước của đối thủ.
Để phát triển một công ty, các nguồn tài nguyên sẵn có cũng như nguồn phản hồi tốt từ thị trường phải được tận dụng hiệu quả. Về khía cạnh chuyên môn kinh doanh, doanh nhân cần nắm bắt được cơ hội và đưa ra quyết định giới thiệu sản phẩm cho thị trường rộng hơn. Quá trình đưa ra quyết định đó có liên quan đến hai khái niệm: định hướng kinh doanh và mục đích kinh doanh.
Định hướng kinh doanh
Định hướng kinh doanh (Entrepreneurial Orientation - EO) là “quá trình, phương pháp và các hoạt động quyết định dẫn đến sự gia nhập thị trường”. Vì vậy, nếu quá trình dẫn đến quyết định cuối cùng có tốn nhiều thời gian thì cũng hoàn toàn hợp lý. Định hướng kinh doanh bắt nguồn từ các tài liệu về quá trình lên kế hoạch, chiến lược. Việc hoạch định chiến lược là một hoạt động kết hợp việc lên kế hoạch, phân tích, đưa ra quyết định với nhiều khía cạnh khác của văn hóa và sứ mệnh của một tổ chức, công ty. Hoạch định chiến lược là một bước vô cùng quan trọng, nhất là khi nó liên quan đến các quyết định của một công ty. EO chính là các thủ tục và chính sách tạo nền tảng cho các quyết định và hành động trong kinh doanh.
Khi áp dụng định hướng kinh doanh, doanh nhân sẽ sử dụng các đặc điểm tính cách điều hành để lên chiến lược sao cho lần kinh doanh này sẽ mới mẻ, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh. Đã có không ít công trình nghiên cứu đặt EO làm chủ đề, và hầu hết đều phân tích tầm ảnh hưởng của EO lên thành tích của công ty. Đã có những nghiên cứu về vai trò của EO trong việc tác động đến các hành vi của công ty, tổ chức và tìm được bằng chứng rằng các mô hình kinh doanh đơn chiều có thể dự báo khả năng thu lợi nhuận, cũng như các thay đổi về giá trị ròng của công ty.
EO có thể được coi là một công cụ hữu ích để xác định cách các nhà kinh doanh thế hệ X và thế hệ Y áp dụng kinh nghiệm của mình vào công việc. Đây cũng là một yếu tố dẫn họ đến quyết định cuối cùng – quyết định bước vào việc kinh doanh. Ngoài ra, EO còn có thể được sử dụng để xác định cách thế hệ X và thế hệ Y tham gia vào quá trình kinh doanh, bao gồm các công đoạn như: xử lý cơ hội, tìm kiếm, nhận diện và gia nhập, qua đó phát triển việc kinh doanh của mình.
Mục đích kinh doanh
Mục đích kinh doanh (Entrepreneurial Intent - EI) được xem là một trong những bước đầu tiên của quá trình dài hơi nhằm khởi động một dự án kinh doanh. Hành động bắt đầu một dự án kinh doanh của một người luôn là hành động có chủ đích của người đó, được áp dụng sau nhiều nghiên cứu và tìm hiểu. Những nghiên cứu được giới thiệu trong cuốn sách này là về các hoạt động kinh doanh của thế hệ X và thế hệ Y. Bên cạnh đó, cuốn sách này cũng tập trung bàn luận về EI của các doanh nhân thế hệ X và Y, cũng như lý do phía sau quyết định bắt đầu dự án kinh doanh của họ. Đồng thời, cuốn sách còn phân tích EI của hai thế hệ vì mục đích cho mỗi động thái có chủ ý rất có thể chính là tiền đề quyết định của động thái đó.
Việc hiểu rõ các yếu tố tác động đến EI là điều kiện chính để ta hiểu được quyết định của doanh nhân khi họ bắt đầu một dự án kinh doanh mới. Trong nghiên cứu về mối liên hệ giữa đặc điểm đối tượng khách hàng với EI, tính cách và các đặc điểm kinh tế chính là yếu tố thúc đẩy EI. Còn riêng với cuốn sách này, trọng tâm được đặt ra là xác định trên thế hệ X và Y thuộc phạm vi Singapore những yếu tố có khả năng tác động đến sự hình thành EI.
Trong một cuộc khảo sát nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa những kỹ năng kinh doanh của một người với EI và hành động của họ, kết quả của cuộc nghiên cứu hoàn toàn đồng tình với các nghiên cứu trước, dẫn đến kết luận rằng đúng là bối cảnh văn hóa có vai trò nhất định trong các dự án kinh doanh.
Ngành kinh doanh và nền kinh tế
Các nhà kinh doanh vốn luôn giữ vai trò đem lại sự thịnh vượng và sự phát triển về kinh tế cho xã hội thông qua việc khởi động các dự án kinh doanh đa dạng. Những dự án này sẽ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình tạo ra của cải, vì chính chúng sẽ là tiền đề cho các dự án mới. Những đóng góp tích cực của chúng mang tầm địa phương hoặc quốc gia.
Các hoạt động kinh doanh đóng góp và tác động trực tiếp đến GDP của một quốc gia. Ở tầm địa phương, mỗi dự án kinh doanh mới sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Nhiều việc làm đồng nghĩa với việc tài sản địa phương cũng sẽ tăng lên, và điều này sẽ ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Không những thế, các nhà kinh doanh cũng sẽ là tấm gương cho những người mơ ước trở thành nhà kinh doanh, nhà khởi nghiệp.
Đã có không ít nghiên cứu về sự tăng trưởng kinh tế thành công có liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng khác từ các hoạt động kinh doanh đến một quốc gia chưa được khám phá hết. Chính phủ Singapore đã áp dụng nhiều chương trình khích lệ người dân Singapore khởi xướng các dự án kinh doanh của riêng mình.
Công nghệ cũng là một phần không nhỏ khiến các hoạt động kinh doanh khắp nơi trên thế giới ngày một tăng. Điều này hầu hết là do sự xuất hiện của máy vi tính cá nhân, mạng Internet và điện thoại thông minh. Chính những “tài nguyên đang sử dụng”, chứ không phải số lượng, là yếu tố xác định tiềm năng tạo nên giá trị. Nhiều nghiên cứu khác đã kết luận rằng sự tồn tại của các nhà kinh doanh là vô cùng cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, ngành kinh doanh cũng có hình thái vô cùng đa dạng tùy vào từng quốc gia.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng mỗi quốc gia lại khai thác các cơ hội kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sẵn có của tài nguyên. Nếu không thể thu thập các tài nguyên cần thiết cho yêu cầu kinh doanh, dự án kinh doanh đó vẫn có thể thích nghi với nguồn tài nguyên sẵn có nhờ vào khả năng sáng tạo cố hữu của người làm kinh doanh.
Thông thường, khi đã có sẵn trong tay các tài nguyên hữu hình và sức người, ta thường hay xem nhẹ các tài nguyên cơ bản như kiến thức và khả năng. Hiện tại, chúng đang trở nên hiếm hoi ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Singapore lại không hề thiếu hụt nguồn tài nguyên này, và vì thế Singapore đang có điều kiện vô cùng thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp.
Rất khó để có thể nghiên cứu những tác động trực tiếp của các hoạt động kinh doanh đến nền kinh tế của một quốc gia, vì hoàn cảnh diễn ra quá trình kinh doanh trong từng trường hợp đều khác nhau. Muốn hiểu cặn kẽ về tương quan giữa hoạt động kinh doanh với nền kinh tế, ta phải nghiên cứu các nhà kinh doanh và mục tiêu riêng của họ, để từ đó kết luận được rằng những đặc điểm và tính cách đó ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động kinh doanh (EO và EI).