Đ
ầu tiên, ta phải định nghĩa được khái niệm “nhà kinh doanh”. Từ entrepreneur (nhà kinh doanh) bắt nguồn từ tiếng Pháp và xuất hiện từ thế kỷ 18. Từ đó đến nay, ý nghĩa của từ này đã mở rộng thành “người đảm nhiệm một dự án nào đó”. Jean-Baptiste Say, một doanh nhân thế kỷ 19, đã nói rằng vai trò của các nhà kinh doanh là “chuyển các tài nguyên kinh tế từ lĩnh vực năng suất thấp sang lĩnh vực có năng suất và tiềm năng sinh lời cao hơn”. Ở thời hiện đại, khái niệm “nhà kinh doanh” cũng có nhiều nghĩa đa dạng hơn.
Từ điển Oxford nói nhà kinh doanh là “người đối mặt với nhiều rủi ro tài chính hơn bình thường để sắp xếp và điều hành một hoặc nhiều công ty”. Từ điển Thương mại lại định nghĩa nhà kinh doanh là “người thường xuyên khởi xướng và tổ chức các dự án kinh doanh để nắm bắt lợi thế của một cơ hội. Họ cũng là người đưa ra quyết định về loại hình, phương pháp và số lượng sản xuất mỗi sản phẩm và dịch vụ”. Bên cạnh đó, nhà kinh doanh cũng là người chủ động đối mặt với rủi ro, là người kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh doanh. Cũng theo từ điển Thương mại, nhà kinh doanh được phân loại theo nhiều hình thái doanh nghiệp: doanh nghiệp đơn, doanh nghiệp hợp danh, hoặc các nhà kinh doanh nắm giữ phần lớn cổ phần ở một công ty.
Dưới góc nhìn kinh tế học, nhà kinh doanh là người ghép nguồn tài nguyên, nhân lực và các tài sản khác thành một, để từ đó tạo ra giá trị lớn hơn tổng giá trị riêng lẻ của những yếu tố đó. Nhà kinh doanh cũng là người tạo nên sự thay đổi và sự tiến bộ cho một lĩnh vực hoặc cộng đồng. Các học giả và nhà nghiên cứu đã nghiên cứu nhiều về nhà kinh doanh, về động lực và tính cách của họ, cũng như về các nguồn tài nguyên họ sử dụng trong quá trình điều hành và duy trì một doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn tâm lý học, một nhà kinh doanh là người được thúc đẩy bởi những động lực nhất định như khao khát đạt được một điều gì đó, khao khát quyền lực hoặc khao khát có uy tín và thẩm quyền. Theo nhà kinh tế học Joseph Alois Schumpeter, về cơ bản, các nhà kinh doanh không coi lợi nhuận là động lực, mà lợi nhuận chỉ là cầu nối cho họ đạt được thành tựu và thành công. Schumpeter đã kết luận rằng các nhà kinh doanh:
Nhà kinh doanh còn là người kiến tạo và sáng chế thành thói quen, nhằm mục đích xây dựng những điều có giá trị nhất định từ những cơ hội họ nhận thấy. Nhà kinh doanh chính là trung tâm của mỗi dự án. Nguồn vốn của họ không những đến từ các tài sản có giá trị tiền bạc mà còn từ các tài sản tri thức và hữu hình khác. Họ xây dựng nguồn của cải của mình bằng cách phát hiện và chuyển hóa các cơ hội thành dự án mới.
Khi một người quyết định trở thành nhà kinh doanh, đó chính là quyết định có chủ đích. Ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa một người làm kinh tế với một nhà kinh doanh. Bất kỳ ai cũng có thể phát huy sự sáng tạo của mình trong công việc và cách sống. Tuy nhiên, tập tính kinh doanh này lại có thể được áp dụng gói gọn trong vài trường hợp cụ thể mà nhà kinh doanh phải tự mình tìm ra.
Qua những định nghĩa nêu trên, ta rút ra được rằng nhà kinh doanh là người xây dựng nên điều gì đó mới mẻ, khác biệt qua việc kinh doanh của mình, và họ luôn thể hiện những đặc tính kinh doanh như sáng tạo và cách tân. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, nhưng bất kỳ ai cũng nên được khuyến khích rằng biết đâu mình cũng có khả năng.
Người đầu tiên xác định tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế, cũng như vai trò của một nhà kinh doanh trong chủ đề này chính là Cantillon. Ông định nghĩa nhà kinh doanh là “những người sẵn sàng mua vào với một cái giá nhất định và bán ra ở mức giá không xác định”. Ông cho rằng nhà kinh doanh phải là người chấp nhận rủi ro đến mức hoàn toàn sẵn lòng giao phó bản thân cho một bên thứ ba dù chưa xác định được mình sẽ nhận lại những gì. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự không xác định và những rủi ro trong nghiên cứu về kinh nghiệm kinh doanh của mình.
Một nhà kinh tế học khác là Jean-Baptiste Say cũng đã rất hứng thú với các sự kiện kinh doanh. Ông nhận thấy các nhà kinh doanh chính là những người chủ động đối mặt với rủi ro; họ đầu tư tiền của và nguồn tài nguyên của chính mình vào việc sản xuất. Họ tạo nên và phát triển các hoạt động kinh tế vì mục tiêu lợi nhuận.
Mỗi nhà kinh doanh hiện đại đều là đầu tàu cho sự phát triển của từng quốc gia. Các nhà kinh doanh biết nhận ra nhu cầu và nắm bắt cơ hội chuyển hóa các cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu. Tuy khái niệm “nhà kinh doanh” không có riêng một định nghĩa nào, nhưng chắc chắn ai cũng đồng tình rằng họ chính là những người nắm giữ vị trí trọng yếu trong quá trình kinh doanh. Phần tiếp theo của cuốn sách này sẽ nghiên cứu và bàn luận về ngành kinh doanh từ góc nhìn lịch sử cũng như lý thuyết. Ngoài ra, phần này cũng sẽ phân biệt những kiểu nhà kinh doanh khác nhau bằng các thuyết về ngành kinh doanh khác nhau.
Từ những năm 80, hơn 90% của cải của Singapore là phần đóng góp của lĩnh vực kinh doanh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về mối tương quan giữa kinh doanh với nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Trong phần sau, ta sẽ tranh luận về các thuyết kinh doanh khác nhau.