D
oanh nhân là lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của một nền kinh tế, đặc biệt trong một thị trường đang phát triển như Singapore. Có rất ít nghiên cứu và thông tin về những ảnh hưởng cũng như yếu tố thúc đẩy một cá nhân tham gia vào việc kinh doanh trong bối cảnh ở Singapore. Cũng có rất ít những bài nghiên cứu nói về mối quan hệ giữa lý thuyết Thế hệ và việc Kinh doanh. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự tồn tại của những điểm khác nhau giữa những nhóm thế hệ khác nhau. Đặc biệt, cuốn sách này sẽ giới thiệu về kinh nghiệm thực tế của những doanh nhân thế hệ X và Y ở Singapore với giả thuyết về thế hệ Y khác biệt.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về từ “thế hệ”. Trong suốt nhiều thập niên qua, định nghĩa về từ này vẫn còn mập mờ, khó nắm bắt. Khoảng cách của những nhóm thế hệ có thể chia ra theo từng chu kỳ 20 năm. Theo đó, mỗi thế hệ được xác định bằng năm họ được sinh ra và sự thật là những thành viên trong mỗi thế hệ có tầm nhìn và mục đích khác nhau, dựa vào kinh nghiệm sống khác nhau.
Cuốn sách này cũng sẽ sử dụng lý thuyết Thế hệ để giải thích nguyên nhân vì sao những doanh nhân thế hệ Y lại khác biệt so với những thế hệ còn lại. Lý thuyết Thế hệ được lập ra dựa vào những kinh nghiệm cá nhân, cái chịu ảnh hưởng bởi những sự kiện lịch sử cũng như điều kiện sống nơi cá nhân ấy được sinh ra và lớn lên. Khi mỗi cá nhân trưởng thành, những trải nghiệm của họ được xem là kết quả tập hợp của những giá trị và tín ngưỡng được chia sẻ trong cộng đồng nơi họ sinh ra. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân, cách nhìn thế giới cũng như cách chắt lọc thông tin của hầu hết mọi người, đều thông qua thấu kính của thế hệ họ. Sự phát triển những đặc điểm tính cách này thường dựa trên những kinh nghiệm họ có được trong suốt quá trình hình thành và phát triển bản thân.
Baby Boomers là những cá nhân được sinh ra giữa những năm 1946 và 1964. Con cái của họ là những người thuộc thế hệ X. Những thành viên thuộc thế hệ X là những cá nhân sinh ra vào giữa những năm 1965 và 1979. Khái niệm thế hệ X trở nên phổ biến nhờ vào cuốn tiểu thuyết của Coupland 1991, Generation X: Tales for an Accelerated Culture.
Những đứa trẻ thời kỳ này được xem là những thành viên năng động của tầng lớp lao động, cũng như trung thành với nhà tuyển dụng, thế hệ X học hỏi từ kinh nghiệm của bố mẹ họ và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phải sở hữu một doanh nghiệp của riêng họ. Thế hệ X được xem là thế hệ có “máu” kinh doanh nhất trong lịch sử, mãi cho đến khi thế hệ Y bắt đầu xuất hiện. Những thành viên thế hệ Y chính là những đứa con của thế hệ X. Họ được sinh vào giữa những năm 1978 và 2000. Cả hai thế hệ X và Y đều có một mối quan tâm to lớn đến kinh doanh. Tuy nhiên, những doanh nhân thế hệ X và Y có những thái độ khác nhau về vấn đề kinh doanh.
Những người thuộc thế hệ X sống trong thời kỳ có tỷ lệ ly hôn tăng cao. Nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thành viên thế hệ X có xu hướng tự lập, hay hoài nghi, dễ thích nghi với môi trường xung quanh, thường trông đợi có kết quả ngay sau hành động, và có cam kết lâu dài với công việc của họ. Hơn thế nữa, thế hệ X không đơn giản chỉ làm việc vì mục đích kiếm tiền. Thay vào đó, mục tiêu của họ nhắm vào việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc, thách thức bản thân trong môi trường làm việc, sở hữu thời gian làm việc linh hoạt, và tự phát triển bản thân. Đây là những yếu tố mà một cá nhân không thể đạt được dưới phương diện một nhân viên làm công ăn lương, đó là lý do tại sao hầu hết những người thế hệ X tích lũy tiền để xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng của họ. Những thành viên thế hệ X thường lên kế hoạch chu đáo cho việc kinh doanh của họ, và được miêu tả là những người không thích chịu rủi ro vì họ luôn tìm cách chứng tỏ bản thân với gia đình mình. Họ muốn chứng minh rằng việc từ bỏ công việc làm công ăn lương và bắt đầu công việc kinh doanh riêng là đúng đắn.
Ngược lại, thế hệ Y (còn được biết đến với cái tên Millenials, thế hệ Net, hay thế hệ Echo Boomers) sở hữu những đặc điểm khác nhau trong kinh doanh, mà về sau chính những đặc tính này đã thay thế dần những người của thế hệ Baby Boomers nay đã về hưu. Khía cạnh quan trọng nhất thế hệ Y được tiếp cận là sự phát triển của Internet và công nghệ tối tân.
Các chuyên gia chỉ ra rằng những người ở thế hệ Y coi trọng việc được sống theo ý thích của họ, được đi du lịch và phát triển sự nghiệp. Cái họ muốn là sự tự do cá nhân cũng như sự thỏa mãn về mặt chuyên môn, nghề nghiệp. Thêm vào đó, thế hệ này luôn tham vọng hướng đến sự đổi mới và những thách thức mới. Những thành viên thế hệ Y cũng hứng thú tham gia vào việc kinh doanh. Tuy nhiên, những doanh nhân thế hệ Y có nhiều đặc điểm khác với thế hệ X. Những doanh nhân thế hệ Y thường hung hăng và liều lĩnh hơn vì hai lý do, một là nguồn vốn kinh doanh của họ thường đến từ bố mẹ, những người của thế hệ X, và bố mẹ họ cũng là nguồn động viên tinh thần, ủng hộ thế hệ Y lập nghiệp. Lý do thứ hai là các doanh nhân thế hệ Y thường tham gia vào môi trường kinh doanh ngay sau khi họ tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Chính vì vậy, thế hệ Y ít phải bận tâm đến các nghĩa vụ và trách nhiệm như trả nợ hay làm chỗ dựa cho gia đình. Nói cách khác, họ không có gì để mất, vì nguồn vốn kinh doanh đến từ bố mẹ họ. Tuy nhiên, những doanh nhân thế hệ Y cũng không sở hữu nhiều kinh nghiệm làm việc vì họ chỉ mới chân ướt chân ráo rời khỏi giảng đường đại học, điều này khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn trong kinh doanh. Vì những lý do đó, chúng ta dễ dàng thấy được những điểm khác nhau giữa những thành viên thế hệ X và Y. Dù vậy, cả hai thế hệ đều có những điểm chung, cũng như khác nhau, khi đề cập đến nguyên nhân cơ bản thúc đẩy họ khởi nghiệp.
Những doanh nhân thế hệ Y thường bắt đầu với những công ty khởi nghiệp, ví dụ như Facebook. Xuyên suốt thế hệ của họ, có quá nhiều tiến bộ công nghệ mang tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh doanh toàn cầu. Hoạt động kinh doanh từng không được đánh giá đúng đắn, chúng được xem như là một sự lựa chọn của những cá nhân làm việc không tốt trong tổ chức. Tuy nhiên, suy nghĩ này nay đã thay đổi, đặc biệt đối với những thành viên thế hệ Y. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2009 bởi Trung tâm Doanh nhân của Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), 18% trong số sinh viên đại học có mong muốn trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp ra trường.
Trong số những nghiên cứu về doanh nhân trước đây, có những nghiên cứu điều tra về ý định, cũng như khuynh hướng của một cá nhân khi họ bước chân vào con đường kinh doanh. Tuy nhiên, dù với hơn 40 năm nghiên cứu về đề tài này, nguyên nhân của việc vì sao một cá nhân dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh vẫn còn quá đa dạng và chưa hoàn chỉnh.
Những nghiên cứu trước đó kết luận rằng có hai mục cần đề cập đến để giải thích cho nguyên nhân trên:
Nhiều nghiên cứu cho thấy quyết định tham gia vào mô hình liên doanh còn do chịu ảnh hưởng bởi tính cách cá nhân của những doanh nhân đó (thuộc tính tâm lý hay yếu tố nhân khẩu học), hoặc do yếu tố môi trường.
Tính cách đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích quyết định khởi nghiệp kinh doanh của một cá nhân, và kết luận này đã được chứng minh bởi một vài nghiên cứu khác trước đó. Nhân cách đóng vai trò quan trọng, như là lời giải thích cho việc hình thành liên doanh mới, cũng như việc thành công trong kinh doanh của một cá nhân. Bằng cách này hay cách khác, chính tính cách gây ảnh hưởng đến quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp cũng như quá trình kinh doanh.
Ngược lại với những kết luận trên, không ít nghiên cứu cho rằng tâm lý học hay vấn đề tâm lý không đóng vai trò gì trong việc đưa ra quyết định khởi nghiệp của một cá nhân. Một vài nghiên cứu trước còn xem xét đến tầm ảnh hưởng của kinh nghiệm đối với việc đưa ra quyết định trở thành doanh nhân của người đó. Thông thường, mỗi cá nhân sẽ thu nhận được một vốn kinh nghiệm cụ thể qua mỗi môi trường làm việc họ đi qua trước khi họ đưa ra quyết định thay đổi công việc của mình. Gia tài tích lũy của một cá nhân được cho rằng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh cũng như kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc. Nhờ vào những kinh nghiệm ấy, mỗi cá nhân có thể định hình được ước muốn của họ khi quyết định làm việc cho một doanh nghiệp hay thành lập công ty riêng.
Cuốn sách này sẽ đề cập đến những thông tin liên quan đến những tính cách cá nhân và nhân tố môi trường như một yếu tố đằng sau quyết định khởi nghiệp của một cá nhân, khác với những thông tin có thể tìm thấy được trong một số tài liệu.
Những doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong thị trường mới nổi như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là một thành viên của ASEAN, Singapore đang phải đương đầu với những thách thức từ các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực. Mặc dù vậy, Singapore vẫn giữ vững vị thế của mình là một quốc gia đứng đầu về năng lực cạnh tranh và đổi mới. Chính phủ cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp phát triển. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp đã nhấn mạnh quyết tâm và mong muốn phát triển kinh doanh, nhưng tỷ lệ thất bại của họ vẫn cao một cách đáng kể vì mô hình khởi nghiệp vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong hầu hết các tổ chức.
Ở Singapore, việc khởi nghiệp đã đưa ra không ít thách thức cho những doanh nhân thế hệ Y. Mặc dù cũng có nhiều nghiên cứu nỗ lực giải thích cho mọi người hiểu về đặc tính và phẩm chất của những doanh nhân đó ngay từ đầu, nhưng việc xác định những yếu tố dẫn đến quyết định tham gia hoạt động khởi nghiệp của một cá nhân thật sự là một điều cần thiết.
Cuốn sách này lấy cảm hứng từ sự khác nhau giữa trải nghiệm thực tế của những doanh nhân thế hệ X và thế hệ Y ở Singapore khi họ quyết định khởi nghiệp. Sau đây là một vài câu hỏi được xem là quan trọng trong lĩnh vực khởi nghiệp:
Nhiều học giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã nghiên cứu về khái niệm “khởi nghiệp”. Tuy nhiên, cũng có không ít tranh cãi xoay quanh lĩnh vực này. Cho dù hiện nay số nghiên cứu về khái niệm “khởi nghiệp” đã tăng đáng kể, thì việc nghiên cứu sâu hơn về phương diện lý thuyết cũng như thực hành liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp trong môi trường kinh doanh vẫn được xem là vô cùng cần thiết.
Singapore đang trải qua xu hướng lựa chọn công việc theo định hướng kinh doanh, điều đó cho thấy sự hiện diện của nền văn hóa doanh nghiệp. Chính phủ Singapore đã và đang thực hiện những cam kết với mục đích hỗ trợ cho nhu cầu theo đuổi việc hình thành doanh nghiệp riêng (Young Entrepreneurs Scheme for Start-ups [YES! Start-ups] được thực hiện bởi đại diện chính phủ Singapore – SPRING Singapore). Thêm vào đó, cũng đã có không ít những chương trình được thực hiện ở các cấp bậc tiểu học, trung học cũng như các trường đại học, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp của họ.
Những điều tra về kinh nghiệm khởi nghiệp của những doanh nhân thế hệ X và Y cũng sẽ được giới thiệu trong quyển sách này, mang đến một cái nhìn gần gũi và có chiều sâu hơn về các doanh nhân ở mức độ cá nhân. Ngoài ra, thông tin về kinh nghiệm cá nhân của những doanh nhân thế hệ X và Y cũng sẽ được trình bày, đặc biệt tập trung vào lý do vì sao họ quyết định tham gia vào môi trường khởi nghiệp ở Singapore. Cụ thể hơn, cuốn sách này sẽ nhấn mạnh và giải thích lý do vì sao những doanh nhân thế hệ Y là khác biệt.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định theo đuổi con đường khởi nghiệp của một cá nhân. Hầu hết các tài liệu đều cho rằng tính cách mỗi cá nhân cũng như nhân tố môi trường là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định trở thành doanh nhân của một cá nhân. Nhiều hướng tiếp cận đã được cân nhắc. Khi các học giả nghiên cứu về các doanh nhân và những hoạt động khởi nghiệp, họ đã cân nhắc nhiều hướng tiếp cận cũng như khám phá những đặc tính cấu thành nên một doanh nhân. Cho dù vậy, bức tranh toàn cảnh về doanh nhân, đặc biệt từ phương diện thế hệ Y, vẫn chưa hiện lên rõ ràng, cụ thể. Một bài kiểm tra về những kinh nghiệm mơ hồ, khách quan mang tính cá nhân của các doanh nhân thế hệ Y có thể cung cấp cái nhìn khác về những mô hình kinh doanh mới, cũng như mức độ gắn kết với việc khởi nghiệp mà các chủ sở hữu doanh nghiệp thế hệ Y đang trải nghiệm qua.