Có thể tiếng chuông báo thức là thứ buộc chúng ta tỉnh giấc vào mỗi buổi sáng, nhưng chính niềm vui mà chúng ta kỳ vọng sẽ diễn ra trong ngày mới là điều thôi thúc ta rời khỏi giường. Như tôi đã giải thích trong phần mở đầu, ikigai được tạo thành từ iki, có nghĩa là cuộc sống, và gai, có nghĩa là giá trị. Vì vậy,ikigai có thể được hiểu là những giá trị khiến cuộc đời đáng sống.
Theo Giáo sư Hasegawa, cụm từ ikigai có nguồn gốc từ thời Heian (794 - 1185 Công Nguyên). Gai bắt nguồn từ từ kai, có nghĩa là “vỏ sò”, vì những chiếc vỏ sò từng được coi là rất có giá trị. Khi ghép lại, ikigai mang nghĩa “giá trị trong sinh hoạt” hay “các giá trị trong cuộc sống”. Tiếng Nhật còn có nhiều khái niệm khác đại diện cho các giá trị khác nhau và đều kết thúc bằng chữ gai. Chẳng hạn như cụm từ hatarakigai chỉ giá trị trong công việc (từ hataraki hoặc hataraku có nghĩa là “công việc” hoặc “làm việc”), còn cụm từ yarigai đề cập đến giá trị trong những hành động bạn làm (từ yari hay yaru có nghĩa là “làm ”). Tuy nhiên, ikigai là một khái niệm toàn diện hơn.
Như tôi đã giải thích trong phần giới thiệu, vì liên quan đến cuộc sống thường nhật nên ikigai thường mang tính thực tế hơn là duy tâm. Ikigai của một người có thể là gia đình, công việc, sở thích, một chuyến đi chụp ảnh được lên kế hoạch cho dịp cuối tuần, hoặc thậm chí là những điều đơn giản như thưởng thức một cốc cà phê sáng cùng người bạn đời, hay dắt chú chó cưng nhà mình đi dạo.
Người Nhật có câu jūnin toiro, nghĩa đen là “mười người, mười sắc”: vì mỗi người có một tính cách, sở thích và lối suy nghĩ riêng, thế nên mười người khác nhau có thể sẽ chọn mười màu sắc khác nhau khi được hỏi về màu sắc yêu thích. Điều này cũng đúng với ikigai. Ikigai của mỗi người là độc nhất, bởi lẽ tất cả chúng ta đều tìm thấy niềm vui trong những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Không có câu trả lời nào là đúng hay sai cả.
Công việc hay niềm vui?
Phương Tây có một cách nghĩ sai lầm phổ biến về ikigai, đó là họ cho rằng nó phải liên quan đến công việc hoặc sự nghiệp. Những ai quen thuộc với khái niệm này có lẽ đã từng đọc được những lý giải về ikigai bằng sơ đồ Venn. Sơ đồ này bao gồm bốn hình tròn giao nhau - đại diện cho công việc bạn thích, công việc bạn giỏi, công việc thế giới cần và công việc bạn được trả lương để làm - và ikigai nằm ở giao điểm của bốn hình tròn. Tôi bắt gặp định nghĩa này khi đang nghiên cứu về ikigai để viết bài cho BBC, và nó đã khiến tôi phải ngạc nhiên.
Tại sao tôi ngạc nhiên? Vì cách lý giải này chỉ giới hạn khái niệm ikigai trong những vấn đề liên quan đến công việc: với định nghĩa hẹp này, ikigai của bạn phải là thứ gì đó mà bạn được trả tiền để làm. Nhưng với người Nhật, ikigai là một khái niệm rộng hơn nhiều, và nó bắt nguồn từ cuộc sống thường ngày. Đúng vậy, ikigai có thể là công việc, nhưng nó cũng có thể là sở thích, là những người thân yêu, hoặc đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian tụ họp cùng bạn bè. Theo cuộc khảo sát hai ngàn người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản được thực hiện bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Vụ vào năm 2010, chỉ có 31% số người được khảo sát coi công việc là ikigai của mình. Trên thực tế, ikigai chủ yếu liên quan đến sở thích hoặc giải trí, tiếp theo là gia đình, thú cưng hoặc thời gian dành cho hai đối tượng này. Tôi sẽ đề cập sâu hơn đến khía cạnh ikigai trong công việc ở chương bốn.
Một kiểu hạnh phúc?
Khi coi ikigai là thời gian dành cho gia đình hoặc theo đuổi sở thích, chắc bạn sẽ nghĩ ikigai đơn thuần đồng nghĩa với “hạnh phúc”. Trong tiếng Nhật, từ chỉ “hạnh phúc” là shiawase hoặc kōfuku. Vậy thì shiawase và ikigai khác nhau ở điểm nào?
Trong quyển sách đáng tin cậy về khái niệm ikigai, tác giả kiêm bác sĩ tâm thần học người Nhật, Mieko Kamiya, định nghĩa ikigai là một kiểu hạnh phúc. Nhưng theo Kamiya, có lẽ điểm khác biệt chính giữa shiawase và ikigai là ikigai chứa đựng tư tưởng hướng đến tương lai. Nếu bạn có mục tiêu hoặc có điều gì đó để mong chờ, thì cho dù cảm thấy mình đang gặp khó khăn, bạn vẫn có thể nhìn nhận hoàn cảnh hoặc tình huống hiện tại là một con đường dẫn tới tương lai và hiểu được giá trị của phút giây hiện tại.
Văn hóa Nhật Bản và ikigai
Mặc dù khái niệm ikigai có thể đã quá quen thuộc với người Nhật đến nỗi chúng tôi ít khi bàn luận đến nó, nhưng thông qua ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mình, chúng tôi luôn được nhắc nhở về tầm quan trọng của niềm vui trong cuộc sống thường nhật, thứ mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn tới một đời hạnh phúc trọn vẹn. Văn hóa Nhật Bản đề cao sự chú tâm vào thời điểm hiện tại. Qua việc tìm hiểu một số ví dụ về xu hướng này, tôi hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn vì sao cụm từ ikigai tồn tại trong văn hóa Nhật Bản chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác.
Chú trọng hiện tại
Trong vài năm qua, thế giới ngày càng quan tâm đến chánh niệm hoặc quan điểm “sống trong hiện tại”. Những trang blog nổi tiếng, những quyển sách bán chạy nhất và những chuyên gia về sống khỏe đều nhấn mạnh lợi ích của lối sống này. Đối với nhiều người trong chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi, cuộc sống có nhiều điều cần khám phá đến mức thật khó để ngồi yên một chỗ. Chúng ta sống như loài cá ngừ, ngỡ rằng mình sẽ không sống nổi nếu ngừng xê dịch. Mặc dù người Nhật cũng không phải ngoại lệ đối với thói quen này - rất nhiều người thích sự bận rộn và luôn luôn tìm kiếm những điều mới mẻ - nhưng chúng tôi vẫn nổi tiếng là chú ý đến chi tiết, một thói quen mà tôi tin là sẽ giúp chúng ta tận hưởng từng phút giây bằng cách nhận thức tốt hơn về vạn vật xung quanh. Và ikigai đề cao việc chú tâm vào mỗi khoảnh khắc, chứ không chỉ riêng hành trình lớn của đời người. Sự chú tâm và trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại này có thể được tìm thấy dưới nhiều hình thức trong văn hóa Nhật Bản.
Hãy lấy những từ chỉ thời gian trong tiếng Nhật làm ví dụ. Khi diễn tả “ngày trong tương lai” bằng tiếng Anh, chúng ta sẽ sử dụng từ tomorrow (ngày mai), hoặc nói về the day after tomorrow (ngày mốt) hoặc two days from now (ngày kia), nhưng tiếng Nhật lại có các từ riêng biệt cho từng ngày: ashita (ngày mai),asatte (ngày mốt) và shiasatte (ngày kia). Tương tự, đầu tháng là gessho, giữa tháng là chūjyun và cuối tháng là getsumatsu. Mỗi thời điểm được gọi bằng một từ khác nhau, cho thấy chúng có tầm quan trọng riêng.
Thơ haiku
Thơ haiku, thể thơ cực ngắn chỉ có mười bảy âm tiết của Nhật, là một ví dụ khác cho thấy người Nhật chú trọng đến chi tiết và niềm vui trong thiên nhiên như thế nào. Năm 1689, một trong những nhà thơ haiku nổi tiếng nhất thời Edo (1603-1868), Matsuo Bashō, đã viết những dòng thơ này:
Shizukesa ya
Iwa ni shimiiru
Semi no koe.
Tạm dịch:
Tịch mịch u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
Có rất nhiều bài thơ haiku nhắc đến tiếng kêu của côn trùng, thứ tạo nên nét độc đáo riêng cho mỗi mùa trong năm, và rất nhiều bài thơ sử dụng kigo, những từ đặc trưng cho từng mùa khác nhau. Chúng ta có 365 ngày trong năm, nhưng một ngày của tháng Tư chắc chắn sẽ khác với một ngày trong tháng Mười Hai. Người Nhật coi âm thanh của côn trùng, chẳng hạn như tiếng dế kêu reng réc vào mùa thu, là một phần của tự nhiên, là thứ để thưởng thức. Những âm thanh này có thể dễ dàng bị bỏ qua hoặc phớt lờ nếu bạn không sống trong hiện tại. Thơ haiku không khắc họa một sự kiện hay một cảnh đặc biệt nào, mà nó chú trọng đến mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật; và cũng giống như ngôn ngữ Nhật, nó nhắc nhở mọi người về sự quý giá của hiện tại.
Sự ngắn ngủi
Có một từ tiếng Nhật khác cho thấy văn hóa Nhật coi trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hàng ngày, đó là hakanasa, nghĩa là “mong manh”, “thoáng qua”, “nhất thời” hoặc “ngắn ngủi”. Khi thứ gì đó hakanai (dạng động từ của hakanasa), nó được xem là đẹp vì người ta chỉ có thể thưởng thức nó trong một khoảng thời gian ngắn. Hoa anh đào trong mùa xuân chính là một đại diện của hakanasa. Người Nhật có một phong tục truyền thống gọi là hanami, đó là khi mọi người cùng tụ họp dưới những tán cây đầy hoa để ăn uống và thưởng thức cảnh hoa nở rực rỡ. Mùa hanami rõ ràng là khoảng thời gian vui nhất trong năm tại nước Nhật, khi mà bất kể đi tới đâu, bạn cũng sẽ bắt gặp những nhóm người đang tận hưởng cảnh tượng mà có thể ngày mai sẽ không còn nữa.
Khi biết về những giá trị và văn hóa này của Nhật Bản, chúng ta hiểu lý do vì sao từ ikigai xuất hiện trong tiếng Nhật. Trong cuộc sống thường nhật, cho dù chúng tôi đang đắm mình vào thiên nhiên hay đang thưởng thức ẩm thực truyền thống Nhật Bản, thói quen chú ý đến chi tiết giúp chúng tôi tập trung vào những gì ở ngay trước mình, thay vì băn khoăn nghĩ về danh sách việc cần làm (một việc mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phạm phải). Bản năng chú ý đến chi tiết giúp chúng tôi tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, qua đó tìm thấy niềm vui và ikigai trong những điều bình dị thường ngày.