Nếu bạn đang nung nấu ý định khởi nghiệp, hay đã khởi nghiệp, thậm chí chỉ vừa lên kế hoạch để bắt đầu một dự án mới thì đây là một vài lời khuyên chúng tôi muốn gửi đến bạn. Danh sách lời khuyên dưới đây được tích góp từ những năm kinh nghiệm khi chúng tôi bắt đầu thực hiện những điều mới mẻ. Mặc dù danh sách này chưa thật sự hoàn thiện nhưng cơ bản cũng thể hiện được những suy nghĩ tuyệt vời nhất của chúng tôi về tính khả thi của chúng.
Danh sách những việc marketing cần làm cho startup
Nếu chúng ta dự định thành lập một công ty mới hay bắt đầu một dự án mới từ hôm nay, chúng ta phải thực hiện những điều này trong một vài tuần đầu tiên.
1. Đặt một cái tên có thể tồn tại lâu dài
Cái tên ấy cần phải đơn giản, dễ nhớ và rõ ràng. Tên miền “.com” nên được tạo thành từ những từ có sẵn, không gây nhầm lẫn cho người khác (như là bỏ đi các nguyên âm hay thêm dấu gạch ngang). Và nếu chỉ vì không thấy trang web nào đăng ký tên miền ấy thì không có nghĩa là nó “khả dụng”. “Khả dụng” có nghĩa là bạn có thể đăng ký sử dụng ngay lập tức, hoặc có một mức giá mà bạn sẵn sàng chi trả cho nó. Đừng mãi đi lang thang vào mê cung phức tạp như một cái hang thỏ chỉ để tìm ra một cái tên hoàn hảo nếu bạn không dự định bán cái tên đó cho người nào khác. Điều này làm tiêu tốn rất nhiều thời gian của bạn. Để biết thêm nhiều bí quyết chọn một cái tên, hãy xem phần tiếp theo nhé.
2. Tạo một trang web đơn giản
Trang web không cần quá màu mè. Mục đích chính của bạn là đưa nội dung lên trang web để khởi động hệ thống tìm kiếm của Google. Đừng quá lo lắng về trang web không có nhiều cái để nói (chẳng ai quan tâm đâu). Đảm bảo sử dụng Hệ thống Quản lý Nội dung (CMS – Content Management System) hợp lý. Nếu thay đổi trang web mà cần phải tải tập tin qua FTP – hãy gọi cho một người bạn hoặc người thân – bạn đã làm sai rồi. Thậm chí nếu bạn có kỹ năng chuyên môn, bạn có thể tự tay tạo HTML thì không có nghĩa là bạn nên làm những điều như vậy cho trang web mới của mình. Cấu trúc và đặc điểm của CMS rất quan trọng vào một ngày nào đó. Hãy tin tôi đi.
3. Liên kết vài liên kết đến trang web của bạn
Nếu bạn có một trang web cá nhân, hãy tạo liên kết từ đó. Nếu bạn có các nhà đầu tư, họ rất vui khi kết nối với trang web mới của bạn (nếu họ vẫn chưa làm điều đó). Mục đích là để công cụ Google bắt đầu đánh giá trang web, xây dựng một vài quyền hạn và sự tín nhiệm cho tên miền trang web của bạn. Để kiểm tra xem trang web của bạn đã được Google đánh giá chưa, hãy tìm kiếm với cú pháp: yoursite.com (không phải là hoàn hảo nhưng vẫn đủ tốt).
4. Thiết lập một tài khoản Twitter
Tên tài khoản phải tương ứng với tên miền trang web hoặc tên công ty của bạn. Liên kết đến tài khoản Twitter từ trang web chính của bạn và từ trang web chính đến tài khoản Twitter của bạn. (Chú ý: Nếu bạn nghi ngờ giá trị của Twitter, điều đó cũng dễ hiểu thôi. Hãy tiếp tục và hoàn thành việc chọn một cái tên cho tài khoản Twitter của bạn.)
5. Thiết lập quyền đăng ký e-mail
Chúng tôi là những fan hâm mộ lớn của định dạng RSS, và chúng tôi cũng muốn phần còn lại của thế giới yêu thích nó như chúng tôi vậy, vì không phải tất cả mọi người đều biết đến định dạng ấy. Hãy thông báo những cập nhật đến những vị khách viếng thăm trang web của bạn thông qua e-mail.
6. Tạo một logo thật đẹp
Đừng quá ám ảnh bởi việc này và cũng đừng tiêu tốn hàng ngàn đô la vào nó. Bạn có thể tổ chức một cuộc thi nhanh trên 99designs hay CrowdSpring, hoặc tìm một người thiết kế tự do trên web hay dựa vào các “mối quan hệ” của bạn. Hãy đảm bảo bạn nhận được tập tin vector (Illustrator hay EPS) khi bạn nhận bản thiết kế hoàn chỉnh. Logo khá là quan trọng vì bạn sẽ sử dụng nó rất nhiều cho các hồ sơ trực tuyến. Bí quyết để có một logo đó là: Càng đơn giản càng tốt, vì càng đơn giản thì sự linh động của nó càng cao. Lý do là bạn sẽ sử dụng logo ấy theo nhiều cách. Điển hình như khi bạn muốn in ấn, sử dụng trực tuyến, và thậm chí là trong các sự kiện tặng quà khi thực hiện chiến dịch marketing.
7. Thiết lập một trang Facebook đơn giản, hay còn được gọi là “fanpage”
Bạn sẽ không có được nhiều người yêu thích trang trong những ngày đầu. Điều đó chẳng sao cả. Hãy cứ để mọi thứ tạm thời như vậy. Thêm một vài dòng mô tả đơn giản về doanh nghiệp và thêm liên kết dẫn về trang web chính của bạn.
8. Tạo một URL Facebook đơn giản
Hiện nay, Facebook cho phép tùy chỉnh URL cho fanpage. Thế nên, bạn có thể tạo URL đại loại như http://facebook.com/hubspot (thay vì URL mặc định mà Facebook tạo cho bạn). Hãy tận dụng tính năng này. Thêm nữa, bạn nên thiết lập tên miền phụ và chuyển hướng đến fanpage của mình. Ví dụ, đây là tên miền phụ mà chúng tôi đã tạo ra: facebook.hubspot.com. Việc thiết lập tên miền phụ hoàn toàn miễn phí và thường rất dễ dàng (bạn có thể hoàn thành nó thông qua quá trình đăng ký tên miền).
9. Bắt đầu tạo một trang blog
Bạn có thể sử dụng một trong các công cụ có dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trực tuyến (hosting) miễn phí (như WordPress.com) nhưng đừng dùng tên miền của họ. Đặt blog của bạn là blog.yourcompany.com, hay nếu bạn có chuyên môn hơn, hãy đặt là yourcompany.com/blog. ĐỪNG đặt tên theo dạng yourcompany.wordpress.com vì bạn muốn kiểm soát tất cả quyền SEO cho blog của bạn và hướng nó đến trang web chính. WordPress.com không cần bạn giúp đỡ cho SEO của họ.
10. Viết một bài blog
Nói về những đam mê của bạn. Điều gì khiến cho công ty của bạn thật sự khác biệt? Tại sao bạn lại thành lập nó? Mô tả về khách hàng ưa thích của bạn. Hãy tự tạo động lực để bản thân có thể viết một điều gì đó. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ý tưởng để viết, thì có thể bạn chỉ gặp khó khăn trong lúc đầu thôi – trong tương lai mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
11. Thiết lập Google Alerts
Bạn muốn tạo cảnh báo cho ít nhất những điều sau: tên công ty, liên kết: yourdomain.com và “thuật ngữ về ngành”. Cố gắng cân bằng tốt các thuật ngữ về ngành của bạn để bạn không bị “chìm dần” vào các cảnh báo mà bạn sẽ bắt đầu bỏ qua chúng. Điều này có thể lặp đi lặp lại và giảm đi phần nào. (Và sử dụng sự lựa chọn “As It Happens” trong Google Alerts để bạn không phải chờ đợi quá lâu cho thông báo mới.)
12. Thiết lập SiteAlerts
Đây là một công cụ mới mà Dharmesh đã tạo ra (vì ông muốn dùng nó cho bản thân). Nó cũng giống như Google Alerts, nhưng theo dõi nhiều thứ hơn là chỉ đề cập trên Internet. Đây là một cách hay để theo dõi và cũng để tìm hiểu những đối thủ của bạn (http://SiteAlerts.com).
13. Tìm kiếm ba đối thủ gần nhất
Giả sử ai đó trả cho bạn 10.000 đô la để định vị từng đối thủ cạnh tranh. Hãy cố gắng hết sức. Khó tìm được ba đối thủ ư? Mất quá nhiều công sức? Tuyệt vời. Bây giờ hãy tìm thêm ba đối thủ nữa. Trong số sáu đối thủ này, hãy chọn ra hai đối thủ mà bạn nghĩ họ có hiểu biết về marketing nhất. Họ phải có trang web có điểm xếp hạng trên 90, một trang blog với vài người đọc, một trang web bạn có thể biết được người dùng, một tài khoản Twitter thật sự đang hoạt động… Đây là những đối thủ bạn sẽ bắt đầu theo dõi và học hỏi từ họ. Bổ sung thêm tên và trang web của họ vào Google Alerts và SiteAlerts.
14. Cập nhật hồ sơ (profile) trên LinkedIn
Bạn có hồ sơ LinkedIn rồi, đúng không? Đề cập đến trang web startup mới của bạn, và thêm một liên kết đến startup của bạn vào một trong ba vị trí cho mục đích này. Đảm bảo rằng bạn đã định rõ văn bản neo (anchor text). Đừng để mặc định là “My website”. Văn bản neo ấy nên là tên startup, và có thể là một vài từ mô tả những gì nó thể hiện.
15. Tìm những người dùng Twitter có liên quan
Sử dụng chức năng tìm kiếm của Twitter để tìm những người dùng có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành nghề của bạn. Hãy bắt đầu dõi theo họ. Bạn muốn hình thành các mối quan hệ và xây dựng mạng lưới Twitter của mình. Hãy chống lại sự cám dỗ theo dõi hàng loạt người ngẫu nhiên hay tham gia các trò chơi khác chỉ để đạt được số lượng người theo dõi. Chúng không có tác dụng gì đâu. Hãy tìm kiếm để có được những mối quan hệ có chất lượng cao.
16. Tạo tài khoản StumbleUpon
Định rõ những lĩnh vực bạn quan tâm (đó cũng là một phần của việc đăng ký). Dành ra 10 phút mỗi ngày (không hơn) để lướt và bình chọn đồng thuận/không đồng thuận cho những bài viết. Bắt đầu kết bạn với những người đưa ra những trang web liên quan đến startup của bạn. Đừng nên đưa ra hết những gì bạn có – chỉ nên đóng góp mà thôi.
17. Tìm những blogger viết về chủ đề của bạn
Đăng ký trang tin (feed) của họ, và xem mọi thứ một cách thường xuyên. Để lại những bình luận có giá trị và tham gia vào các cuộc đối thoại. (Đừng nên spam hay viết những bình luận không có giá trị. Nếu bạn không có bất cứ điều gì hữu ích để đóng góp cho cuộc hội thoại thì đừng nên bình luận.)
18. Bắt đầu xây dựng các trao đổi kinh doanh trên Facebook
Sắp xếp người dùng vào các nhóm – một nhóm dành cho công việc, một nhóm khác dành cho gia đình/bạn bè. Điều này sẽ mang đến lợi ích sau này. Đừng spam mọi người và yêu cầu họ phải vào trang web của bạn. Ở thời điểm này, trang web của bạn vẫn chưa có gì đặc biệt để thu hút họ ghé thăm.
19. Xếp hạng trang web của bạn trên website Grader
Sửa những lỗi cơ bản mà trang web ấy phát hiện ra. Bằng cách làm theo đề nghị đơn giản, bạn đã có thể đạt điểm 50 trở lên. Mục tiêu của bạn là trong vòng 6 tháng đầu tiên phải đạt số điểm trên 80.
20. Cài đặt phần mềm phân tích web
Bạn cần bắt đầu theo dõi lượng người truy cập trên trang web của mình. Họ đến từ đâu? Họ sẽ đi đâu? Những từ khóa nào thu hút người xem chất lượng? Sự lựa chọn tốt nhất ở đây là Google Analytics (miễn phí).
21. Tương tác với những người bình luận trên blog của bạn
Ngay khi thấy những bình luận trên blog (sẽ mất một ít thời gian, nhưng bạn sẽ thấy), hãy đảm bảo là bạn sẽ tương tác với họ. Để lại bình luận của mình để tiếp tục cuộc hội thoại, hay trả lời câu hỏi mà ai đó đặt ra. Điều này cho thấy bạn quan tâm đến các cuộc hội thoại đó.
22. “Quảng bá” cho những người “quảng bá” bạn
Khi ai đó liên kết đến bạn hay viết về bạn trên blog của họ, hãy giúp họ có thêm lượng người truy cập. Nói về nó trên Twitter, sử dụng Stumble và Digg. Giúp người chính là giúp mình. Hơn nữa, người khác chú ý vào hành động này của bạn và họ sẽ thích thú hơn khi liên kết với bạn hay viết về bạn vì họ biết bạn không phải kiểu người thích tích trữ sự ảnh hưởng từ Internet.
23. Đưa tên công ty của bạn lên YouTube
Cũng giống như tên miền hay tài khoản Twitter, tên người dùng YouTube cho phép bạn đăng tải video và thúc đẩy sự phát triển thương hiệu của công ty (ví dụ http://youtube.com/hubspot).
24. Tạo và đăng tải video, hoặc sử dụng Screencast
Screencast là một ứng dụng đơn giản giúp bạn quay lại màn hình máy tính và ghi âm giọng nói của bản thân. Ghi lại những đoạn video “how to” (làm thế nào) đơn giản và ngắn gọn cho những gì liên quan đến ngành của bạn. Trình bày cách làm cho thứ gì đó trở nên đơn giản (chúng đơn giản với bạn nhưng không có nghĩa là mọi người đều biết cách). Đăng tải video này lên tài khoản YouTube của bạn. Viết một bài blog kèm với vài lời giải thích về nội dung và nhúng video này vào bài.
25. Lập danh sách bao gồm tất cả những người đứng đầu trong ngành của bạn
Chuyển nó vào bài blog. Với tiêu đề như: “17 ngôi sao bất động sản tôi muốn uống cà phê cùng”. Chỉ liệt kê những người mà bạn muốn và vì sao bạn nghĩ uống cà phê cùng họ là điều tuyệt vời. Liên kết đến trang web hoặc hồ sơ trực tuyến của họ (điều này rất tốt, nó sẽ giúp nhiều người đọc được bài viết của bạn, tăng cơ hội những người mà bạn đề cập sẽ chú ý đến bài báo và ghé thăm trang web của bạn).
26. Đăng ký trang tin LinkedIn RSS cá nhân của bạn
Bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu theo dõi các mạng lưới kết nối của mình và “quét” nhanh những gì đang xảy ra với họ (họ kết nối với ai, những nhóm nào họ tham gia…). Cách tốt nhất để làm điều này là đăng ký trang tin (feed) RSS cá nhân của bạn. Để làm điều này, click vào biểu tượng RSS màu cam trong phần “Network Updates” (Cập nhật mạng lưới) ở trang chủ của bạn trên LinkedIn.
18 bí quyết đơn giản để đặt tên cho công ty mới
Việc đặt tên công ty rất khó. Rất rất khó. Thậm chí nó còn khó hơn việc đặt tên cho một đứa trẻ, vì bạn không chỉ phải nghĩ ra cái tên gì đó “phù hợp” mà cái tên đó còn phải tương đối độc đáo.
Mặt khác, một doanh nhân thực dụng sẽ nghĩ rằng: “Tôi không nên lãng phí thời gian cho việc này – đối với mỗi công ty với một cái tên hay đã thành công, sẽ có một công ty với cái tên không mấy hấp dẫn đã hoạt động rất tốt. Một cái tên không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tôi sẽ quay lại để tập trung vào việc xây dựng doanh nghiệp”. Tôi đồng ý với điều này. Bạn không nên quá ám ảnh về cái tên. Nhưng bạn cũng không nên bỏ qua và xem nhẹ nó. Một phần của việc phát triển công ty là thử và loại bỏ những gì không cần thiết cho sự phát triển ấy. Chắc chắn, bạn có thể xây dựng một công ty thành công rực rỡ mặc dù nó có một cái tên không mấy hay ho – nhưng tại sao bạn không biến những bất lợi ấy thành lợi thế cho bản thân nhỉ?
Thêm một lý do nữa cho thấy vì sao ta nên hao tốn nhiều calo để chọn cho được một cái tên đẹp, đó là: chi phí bỏ ra trong một lần để có được một cái tên hay, nhưng lợi ích ấy sẽ là mãi mãi. Ngược lại, nếu bạn rút ngắn sự thay đổi hay loại bỏ việc chọn cái tên hoàn toàn ra khỏi vùng suy nghĩ, bạn sẽ phải gánh chịu những gì mà tôi gọi là “nợ thương hiệu” (branding debt). Ban đầu tạm thời chẳng có gì xấu xảy ra, và có thể nó chưa phải là vấn đề lớn đối với bạn. Nhưng mỗi năm, khi phát triển, trong đầu bạn sẽ xuất hiện suy nghĩ rằng: “Tôi có nên đổi tên công ty không?”. Sẽ rất phiền phức đấy. Và bạn càng chờ đợi lâu, quyết định ấy càng trở nên tốn kém và càng ít có khả năng bạn sẽ làm điều đó. Đừng để bản thân khó xử trong tương lai và hãy đầu tư sớm vào việc chọn một cái tên hay. Bạn có thể chọn sai, nhưng ít nhất bạn biết mình đã cố gắng.
Thế nên, dưới đây là một vài bí quyết và lời khuyên đơn giản để bạn đặt tên cho công ty mới. Không phải tất cả những điều này đều như nhau. Và nên nhớ, những điều này chỉ là lời khuyên, không phải luật đâu.
1. Đảm bảo cái tên ấy hợp pháp
Điều này quá rõ ràng, nhưng lại là một bước quan trọng mà rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua. Trước khi bạn “lỡ yêu” một cái tên, hãy chắc rằng chưa có ai tuyên bố đăng ký bảo hộ thương mại cho cái tên ấy. Ở Mỹ, bạn phải kiểm tra nhanh chóng tại http://uspto.gov. Tin tốt là nếu bạn đáp ứng được một số điều kiện khác được đề cập (tên miền, tên Twitter, tên Facebook), thì tỷ lệ có ai đó sử dụng tên ấy là rất thấp.
2. Gợi ý về những gì bạn làm
Bạn có hai con đường để đi khi chọn tên cho startup. Bạn có thể chọn một cái tên “không có thật” và được tạo ra (ví dụ: Wufoo hay Quora), hay bạn có thể sử dụng cái tên gì đó để mô tả những gì bạn làm (ví dụ: Backupify hay Dropbox). Tôi thì thích hướng mô tả hơn – nhưng cần có sự cân bằng. Những cái tên không có thật thường có lợi thế hơn trong khoảng thời gian rất, rất dài (đăng ký thương hiệu dễ hơn, và bạn có thể thực sự “sở hữu” chúng và tự gán cho chúng ý nghĩa) – nhưng, tôi lại lo lắng về việc cái tên tồn tại như thế nào trong ngắn hạn. Cho nên, tôi thích những cái tên đơn giản mà truyền tải được những gì công ty tôi thực sự làm hoặc lý do mà nó tồn tại.
3. Đặt một cái tên dễ nhớ
Làm thế nào bạn biết liệu một cái tên startup có dễ nhớ hay không? Bạn không biết. Thế nên hãy kiểm tra. Nói chuyện với mọi người. Mô tả về công ty. Vào khoảng 2 - 10 phút cuối của cuộc trò chuyện, hãy hỏi họ một cách ngẫu nhiên xem họ có nhớ tên công ty là gì không. Nếu họ không nhớ, đó không phải lỗi của họ (và hãy đảm bảo bạn chắc chắn sẽ nói câu ấy với họ), mà là một thất bại về phía bạn vì đã tạo ra một điều gì đó chưa đủ đáng nhớ.
4. Chọn cái tên không gây hiểu nhầm khi nói
Cách nhanh nhất để kiểm tra điều này chính là gọi điện thoại hỏi bạn bè và người thân xem họ nghĩ gì về cái tên ấy – và yêu cầu họ đánh vần nó cho bạn. Nếu tỷ lệ họ đánh vần sai cao, hoặc họ không chắc chắn thì bạn đã gặp vấn đề với cái tên ấy rồi đó.
5. Chọn cái tên rõ ràng trên Google
Có nhiều thủ thuật thương mại bạn sẽ sử dụng để quản lý các cuộc trò chuyện đề cập đến công ty bạn trên trang web, nó liên quan đến việc thực hiện một số loại tìm kiếm. Nếu tên của bạn là gì đó chung chung như “Pumpkin” (Bí ngô), bạn sẽ gặp khó khăn để phân biệt khi mọi người đang nói về một từ nào đó hay về công ty bạn.
6. Bắt đầu sớm từ trong bảng chữ cái
Trong thế giới trước khi Google xuất hiện, điều này đã được thực hiện để bạn xuất hiện trước trong danh sách những thứ thường được sắp xếp theo bảng chữ cái (như khi bạn đạt được một giải thưởng hay tên bạn trong danh bạ điện thoại). Trong thế giới Google sau này, một lý do tương tự được áp dụng, nhưng điều quan trọng hơn là vị trí của các liên kết đến trang web của bạn khi nó hiển thị trong danh sách (như danh bạ). Nếu có thể, hãy nằm trên trang đầu của một bài báo nhiều trang đề cập đến nhiều công ty. Trang đầu thường chuyển quyền truy cập SEO vào trang web của bạn nhiều hơn các trang tiếp theo.
7. Tên miền “.com” phải “mua được”
“Mua được” ở đây có nghĩa là nó chưa được đăng ký hoặc có sẵn để người khác có thể mua với giá họ sẵn sàng chi trả. Cũng đừng làm gì gây nhầm lẫn cho tên miền, như thêm dấu gạch nối chẳng hạn. Lý do vô cùng đơn giản: không phải ai cũng nhập tên miền theo cách đó. (Lưu ý: thậm chí del.icio.us cuối cùng cũng chuyển thành tên miền dễ nhớ hơn, là delicious.com đấy.)
8. Liên kết Twitter phải khả dụng
Đừng thêm thủ thuật với các con số, gạch dưới và những thứ khó hiểu khác vào cái tên. Bạn hãy làm cho liên kết Twitter tự nhiên và rõ ràng nhất mà vẫn phù hợp với tên công ty bạn. Điều này không quá khó như tên miền .com – nhưng nó trở nên khó hơn mỗi ngày.
9. Trang Facebook phải khả dụng
Để kiểm tra điều này, hãy thử truy cập http://facebook.com/yourname và xem có gì trong đấy không. Hoặc tìm kiếm trên Facebook và xem bạn tìm thấy những gì.
10. Cái tên phải thật ngắn gọn
Đây luôn là lời khuyên hữu ích, nhưng nó chỉ đặc biệt đúng trong thời đại Twitter. Tên công ty càng nhiều ký tự, các tweet mọi người viết đề cập đến công ty cũng sẽ có nhiều ký tự như vậy. Tên công ty càng dài, bạn càng có ít điều để nói trong một tweet. Nhìn chung, cố gắng sử dụng 10 ký tự trở xuống cho một cái tên. Hơn nữa, số lượng ký tự không phải là mối quan tâm duy nhất – nó phải ngắn gọn để tiện cho việc nói (nghĩa là nên có ít âm tiết). Càng ít âm tiết, mọi người càng dễ nói cái tên đó ra. Những ví dụ về tên một hay hai âm tiết là: Dropbox, Mint, FreshBooks, ZenDesk. Đừng chọn cái tên có bốn âm tiết hoặc nhiều hơn.
11. Đừng loại bỏ nguyên âm hay thêm dấu chấm câu
Flickr thành công không có nghĩa là bạn cũng có thể bỏ các nguyên âm ra khỏi cái tên. Hãy chọn tên công ty, bằng bất cứ giá nào, phải thật tự nhiên, để mọi người có thể hình dung được. Và cũng đừng thêm dấu chấm câu (như dấu chấm than) vào tên của bạn nhé.
12. Cố gắng để từ khóa chính vào trong cái tên
Điều này sẽ giúp SEO và ra hiệu cho các khách truy cập tiềm năng về những gì họ có thể tìm thấy trên trang web.
13. Bắt đầu với chữ in hoa
Nếu điều này được Google, Amazon và hàng ngàn công ty khác áp dụng thành công thì bạn cũng có thể làm vậy. Tên bắt đầu với một chữ cái thường thì khá dễ thương và thể hiện một chút khiêm nhường, nhưng 99% mọi người sẽ đánh vần sai và bạn phải dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn họ – và bạn sẽ thất bại. Nếu bạn yêu cầu cả thế giới làm điều gì đó cho bạn, hãy để dành công sức ấy cho những điều lớn hơn – chứ không phải cho những việc như là “Bạn có thể đánh vần tên công ty của chúng tôi với chữ thường không?”.
14. Đừng đặt tên công ty theo tên mình
Đúng, tôi biết việc đặt tên như vậy rất cám dỗ, bởi vì quá dễ dàng để làm điều đó mà. Và bạn thậm chí có thể nghĩ rằng: “Này này, khách hàng phải biết họ đang làm việc với ai chứ”. Bạn có thể phản biện lại như: “Có rất nhiều doanh nghiệp startup thành công được đặt theo tên của những nhà sáng lập đấy thôi”. Khi khách hàng nghe một cái tên gì đó như “Doanh nghiệp Dharmesh Shah” (may mắn đấy, cứ cho là tên bạn không kỳ quặc như tên tôi), nó cũng không khiến mọi người ngay lập tức nghĩ rằng: “Ái chà, đó là một công ty hết sức tuyệt vời/thành công/ổn định”. Nghe có vẻ nghiệp dư ngay từ đầu rồi đấy. Một lý do khác là nếu bạn đặt tên công ty theo tên của chính mình, sẽ có rất nhiều người muốn nói chuyện với bạn. Nếu bạn là người duy nhất trong công ty để họ nói chuyện thì không thành vấn đề, nhưng nó sẽ trở thành vấn đề khi công ty bạn phát triển và có nhiều người khác đang cố gắng kinh doanh/hỗ trợ/marketing ra thị trường.
15. Đừng sử dụng từ viết tắt từ các ký tự đầu tiên
Đây được xem là thị hiếu ở các thời điểm khác nhau – nhưng tôi không phải là một fan hâm mộ lớn khi đề cập tới nó đâu. Người ta sẽ khó có cảm xúc khi nhìn/đọc cái tên được viết tắt từ 3 ký tự đầu tiên. Hậu quả sẽ khó lường, đừng chọn một cái tên cho công ty chỉ với 3 từ trong đó, vì mọi người sẽ biến cái tên thành một từ viết tắt vì nó dài quá.
16. Có một câu chuyện xung quanh cái tên ấy
Khi ai đó hỏi (và họ sẽ hỏi): “Vì sao bạn lại chọn X làm tên của mình?”, sẽ rất tuyệt nếu có một điều gì đó thú vị và có liên quan để nói với họ. Cái tên là một phần tính cách của bạn, và sự vắng mặt của tính cách hiếm khi là một điều tốt. Ví dụ, khi tôi thành lập công ty đầu tiên của mình (lúc đó tôi 24 tuổi và không biết thương hiệu là gì), cái tên tôi chọn vi phạm rất nhiều quy tắc trong danh sách này. Tên công ty là “Pyramid Digital Solutions”. Nhưng khởi nguồn của cái tên đó là một câu chuyện rất hay. Đầu tiên, tôi bắt đầu tạo ra từ viết tắt P.D.S. Tôi muốn đặt tên công ty theo tên cha tôi (những chữ cái đầu tên ông là PDS). Ông ấy hơi mê tín và không muốn tôi đặt tên công ty theo tên ông (đó là một câu chuyện dài). Và muốn chứng minh là cha tôi đã sai (những đứa trẻ thường có xu hướng làm vậy), tôi đã bắt đầu với từ viết tắt P.D.S.
17. Chú ý đến ký tự cuối cùng trong cái tên dài
Để làm được điều này, cần có một chút tinh tế. Nhưng nếu bạn có một cái tên với hai từ đứng sát nhau, hãy chú ý đến ký tự cuối của từ đầu tiên và ký tự đầu của từ thứ hai. Tôi luôn tránh xa những cái tên có hai từ giống nhau. Ví dụ, nếu tên công ty của bạn là BetterReading, nó rất hay (vì kết thúc với “r” và đọc bắt đầu cũng với “R”). Bình thường nó không có vấn đề gì cả, nhưng khi bạn đưa lên thành URL, mọi người thường thấy: betterreading.com – nó không quá tệ nhưng não sẽ phải “tạm dừng” vài giây vì thấy có một chút không tự nhiên. Sẽ thật tắc trách nếu tôi không đưa ra ví dụ phổ biến về chuỗi ký tự này expertsexchange.com. Khi viết đúng ký tự in hoa, cái tên này rất ổn (ExpertsExchange), đó là những gì chủ trang web dự định làm. Nhưng hóa ra cái tên đó có thể gây nhầm lẫn “ExpertSexChange” (không phải những gì người sáng lập mong muốn). Hãy đảm bảo bạn đã nghĩ qua những cách kết hợp từ thật đúng đắn.
18. Tìm kiếm sự lâu dài thay vì chạy theo xu hướng
Có vẻ như mọi thế hệ startup đều có cách tiếp cận để đặt tên theo “xu hướng” riêng của họ. Ví dụ như bỏ đi nguyên âm (Flickr), chia nhỏ các từ (như del.icio.us), hay một cái tên thời thượng mới “.ly” hay “.io”. Đặt cho công ty một cái tên “lâu dài” sẽ giúp nó có thể sử dụng được trong tương lai.
Những bí quyết để mua tên miền bạn thích
Rất có thể, bạn cố gắng nghĩ đến một tên miền tuyệt vời cho công ty, bạn sẽ nhanh chóng gặp phải khó khăn. Mỗi từ tiếng Anh, hay thậm chí việc kết hợp từ tiếng Anh cũng đã được người khác sử dụng. Bạn có thể bỏ ra hàng giờ để tìm một cái tên chưa từng được sử dụng và vẫn không tìm ra bất cứ cái gì. Thế nên, bạn xem xét đến việc sử dụng thủ thuật như lược bỏ nguyên âm từ cái tên bạn muốn hay cố tình viết cái tên ấy sai chính tả một cách khó hiểu. Điều này là lựa chọn tồi đấy.
Mặc dù rất khó để tìm được những tên miền hay có sẵn, “miễn phí và đẹp”, nhưng vẫn có thể mua được tên miền như vậy với giá cả hợp lý.
Dưới đây là một vài lưu ý về tên miền – làm thế nào để tìm và mua được chúng.
1. Bước đầu tiên là tạo một danh sách các tên miền mà bạn có thể chấp nhận được. Một lỗi thông thường mọi người hay mắc phải là cố gắng thử chỉ duy nhất một tên miền vào lúc đó và sau đó cảm thấy thất vọng vì không thể đăng ký được. Sau đó, họ chuyển sang một cái tiếp theo và một cái tiếp theo nữa. Đây là một quá trình không có hiệu quả.
2. Một điều quan trọng là bạn thăm dò một tên miền và chưa hề có trang web nào có nó thì không có nghĩa là tên miền đó khả dụng. Tên miền có thể (và được) đăng ký mà không cần có bất kỳ trang web nào cả.
3. Để xác định liệu tên miền đó đã được đăng ký hay chưa, bạn cần sử dụng công cụ “whois”. Có rất nhiều lựa chọn (nhất là những tên miền miễn phí). Tôi thích sử dụng http://DomainTool.com, công cụ này rất đáng tin cậy và cung cấp thông tin về tên miền được đăng ký khi nào, và ai là người đăng ký chúng.
4. Cách tốt nhất mà tôi tìm ra tên miền phù hợp là lập danh sách những từ mô tả doanh nghiệp, hoặc các đặc điểm tôi thấy ổn nhất. Sau đó, bạn có thể kết hợp các từ này để xem liệu sự kết hợp đó có đủ độc đáo nếu tên miền khả dụng, miễn phí và rõ ràng hay không.
Công cụ ưa thích của tôi là http://instantdomainsearch.com. Đây là một cách kiểm tra nhanh tính khả dụng của tên miền (mặc dù không phải lúc nào nó cũng chính xác hoàn toàn).
5. Khi tìm kiếm tên miền, bạn có thể tình cờ thấy những tên miền khả dụng với mức phí cao. Đó thường là tin tốt (miễn là mức giá đó nằm trong ngân sách của bạn). Trong trường hợp này, tên miền đang được bán lại thông qua một trong những đại lý kinh doanh tên miền lớn và giao dịch mua bán cũng tương đối đơn giản. Bạn thương lượng giá cả, và sử dụng một dịch vụ có bên thực hiện giao kèo để chuyển tiền qua bên thứ ba. Khi tên miền thuộc sở hữu của bạn, người thực hiện giao kèo sẽ chuyển tiền cho người bán.
6. Tình huống khó khăn nhất là khi bạn “lỡ yêu” một tên miền nào đó nhưng không biết rằng người chủ hiện tại có sẵn sàng bán nó không và giá cả như thế nào. Đây là những bước nhanh chóng tôi áp dụng cho trường hợp này:
Xác định chủ sở hữu của tên miền này bằng http://DomainTools.com
Liên lạc (qua e-mail) với chủ tên miền. Đây là một e-mail quan trọng. Nên nhớ mục tiêu đầu tiên của e-mail này là nhận được sự phản hồi. Nếu bạn vội vàng hỏi: “Tôi rất hứng thú với tên miền của bạn, bạn có muốn bán nó…”, bạn sẽ nhận được câu trả lời là không từ người bán. Nếu bạn muốn tối ưu hóa cơ hội nhận được phản hồi, bạn cần làm những điều sau: (1) Đảm bảo bạn có một lời đề nghị thích hợp và đưa lời đề nghị đó vào e-mail. (2) Làm rõ rằng bạn đề nghị một mức giá phù hợp, bạn sẽ ngay lập tức chuyển tiền cho bên thực hiện giao kèo, và chờ chuyển tên miền về cho mình. (3) Hãy cho người bán biết bạn đang cân nhắc một số tên miền có khả năng khác – và bạn sẽ quyết định nhanh chóng – nhưng tên miền của họ phù hợp với dự án của bạn nhất, cho nên nó là sự ưu tiên của bạn.