1. Tầm quan trọng của yếu tố hình ảnh trong truyền thông
Hình ảnh thu hút những ánh nhìn của khách hàng
Nếu cùng được đặt vào một cuộc đua thu hút ánh nhìn của người đọc thì chắc chắn rằng hình ảnh luôn luôn thắng thế văn bản. Ý tưởng tốt và nội dung hấp dẫn là yếu tố khiến người đọc quan tâm đến vấn đề đang được nói đến, nhưng để có được sự chú ý đầu tiên thì hình ảnh minh họa đi kèm phải bắt máy và ấn tượng. Hãy thử nghĩ xem một bài viết có nội dung hay nhưng không có hình ảnh minh họa hoặc hình ảnh không nổi bật thì người đọc bỏ qua nó như một lẽ đương nhiên. Ngược lại, hình ảnh sống động, màu sắc độc đáo, thông điệp chính được chèn vào ngắn gọn thì lập tức lại thu hút được cái nhìn của nhiều người, kéo họ vào quan tâm và đọc tiếp phần nội dung muốn truyền tải đến thông điệp cho người đọc.
Bài viết có chứa hình ảnh sẽ thu hút khoảng 94% lượt xem và tương tác. Hình ảnh truyền tải thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn. Hình ảnh đồng thời cũng giúp người tiêu dùng làm chủ cuộc chơi, thông qua những hình ảnh này họ có thể đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng và độc lập hơn.
Hình ảnh bổ sung thêm để trọn vẹn ý nghĩa câu từ
Một đoạn văn bản dài cả vài trang được tóm gọn lại chỉ bằng một sơ đồ hình ảnh chính là ví dụ đắt giá nhất để minh chứng cho việc hình ảnh bổ sung thêm để trọn vẹn ý nghĩa câu từ. Người đọc chỉ việc lướt nhẹ qua sơ đồ thì việc nắm bắt nội dung của cả đoạn sẽ được bao quát hơn, dễ hiểu hơn.
Một ví dụ nữa phải kể đến là hình ảnh mang yếu tố visual mạnh, chỉ có hình ảnh không có câu chữ hoặc rất ít text đi kèm, khi đó hình ảnh sẽ chiếm thế thượng phong và câu chữ chỉ còn là hậu phương vững chắc. Hình ảnh lúc này sẽ có tiếng nói, có thông điệp truyền tải, nó đủ mạnh để thay thế phần text thông thường.
Hình ảnh truyền đạt được nhiều cảm xúc
Sứ mệnh của hình ảnh còn là truyền đạt được nhiều cảm xúc. Việc sử dụng màu sắc chủ đề, lựa chọn bố cục hình ảnh, dùng phong cách phù hợp có thể mang đến những cảm xúc khác nhau. Và mỗi thiết kế không chỉ là việc cố gắng để hình ảnh thể hiện trọn vẹn ý nghĩa câu từ mà còn phải nắm bắt được tâm lý của nhóm đối tượng khách hàng hướng đến để có những lựa chọn riêng cho mình, truyền tải được cảm xúc muốn mang tới cho khách hàng thông qua chính hình ảnh mà mình thiết kế.
2. Chọn hình ảnh để chia sẻ
Trước khi chia sẻ ảnh lên mạng xã hội, bạn hãy tìm kiếm và xem các thương hiệu, cá nhân khác đang sử dụng mạng xã hội này như thế nào để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Thanh tìm kiếm xuất hiện ở các trang mạng xã hội như một công cụ để hỗ trợ bạn tham khảo thông tin từ các nhãn hàng khác. Hãy xem họ truyền tải thông tin như thế nào, họ tương tác với người dùng ra sao từ đó tạo nên được một vài nguồn cảm hứng cho thương hiệu của bạn. Không ngừng sáng tạo ra những cái mới, cải thiện những vấn đề còn tồn tại để mang lại cho khách hàng một sự trải nghiệm tốt nhất có thể là điều bạn nên làm ngay lúc này.
Với các mạng xã hội hình ảnh được bạn chia sẻ sẽ vượt xa khả năng mà bạn đang có. Bạn không cần phải có một chiếc máy ảnh thật đắt tiền hay tham gia những khóa học nhiếp ảnh với chi phí lên đến chục triệu, bạn chỉ cần có khả năng hiểu được những gì cộng đồng của bạn đang phản hồi, đang quan tâm là bạn có thể nắm bắt được tâm lý khách hàng và xây dựng một thương hiệu riêng cho chính mình.
Dưới đây là một vài tiêu chí để bạn có thể áp dụng trong việc chia sẻ hình ảnh của mình lên profile nhằm thu hút ánh mắt người nhìn, để lại ấn tượng sâu đậm trong họ mỗi khi nhắc đến tên thương hiệu, nhãn hàng, từ đó mang lại một lượng lớn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
Hình ảnh phù hợp với thương hiệu
Mạng xã hội là nền tảng lý tưởng để các thương hiệu kể những câu chuyện của chính mình. Đặc biệt là với Instagram, thông qua việc xây dựng hình ảnh và video ấn tượng các thương hiệu này dẫn dắt người dùng vào thế giới của họ, kết nối họ bằng like, comment, share những hình ảnh hay video đã đăng tải.
Hình ảnh gắn liền với thương hiệu thường được xem như một cầu nối giao tiếp với cộng đồng của bạn. Thông qua hình ảnh họ dễ dàng biết được bạn là ai, bạn đang ở đâu, bạn hoạt động trong lĩnh vực nào, sản phẩm dịch vụ của bạn là gì và thậm chí họ có thể biết được khách hàng đang suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về giá trị thương hiệu của bạn khi họ nhìn thấy những hình ảnh này được chia sẻ qua mạng xã hội của bạn.
Hình ảnh được thiết kế phù hợp với thương hiệu sẽ tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất tới tâm lý của người dùng, họ sẽ nhận ra ngay lập tức thương hiệu này liệu có phù hợp với bản thân mình hay không, đây có phải là thứ họ cần hay không. Chẳng hạn như Chanel, Gucci hay Louis Vuitton... là những thương hiệu thời trang cao cấp thế giới, sản phẩm của họ được thiết kế dành cho các đối tượng thượng lưu, thể hiện sự đẳng cấp, mang một phong cách sang trọng, quý phái của những người sử dụng các nhãn hàng này. Những thương hiệu lớn này thường đăng tải hình ảnh những người mẫu, những ngôi sao nổi tiếng đã mặc trang phục của họ lên mạng xã hội để cho thấy một phong cách khác biệt, một sự đẳng cấp hơn so với các hãng thời trang bình dân nhằm thu hút cộng đồng của mình quan tâm và sử dụng những mẫu thiết kế của họ dựa trên tâm lý muốn được giống phong cách của người nổi tiếng. Vì vậy, những nhãn hàng này sử dụng mạng xã hội như một sợi dây kết nối với cộng đồng để quảng bá các bộ sưu tập mới và các show trình diễn thời trang, từ đó, truyền tải thông điệp của thương hiệu một cách trực tiếp nhất, rõ nét nhất và tăng khả năng tiếp cận với khách hàng mục tiêu đặc biệt là giới trẻ - những người có niềm đam mê với phong cách và thời trang.
Trước khi chia sẻ những hình ảnh, video bạn hãy dành một chút thời gian để thấu hiểu thương hiệu của bạn và tìm hiểu nhu cầu, mong muốn, các mối quan tâm của khách hàng, phân khúc rõ ràng đối tượng các khách hàng để xác định được nhóm khách hàng mà bạn muốn theo đuổi, từ đó, bạn sẽ xây dựng những hình ảnh, video phù hợp với mục tiêu mà thương hiệu muốn hướng đến, muốn mang lại cho cộng đồng của mình.
Và đừng quên những hình ảnh bạn sử dụng được kết hợp biểu tượng, logo, phối màu để người xem có thể dễ nhận biết bạn trong vô vàn bức ảnh, video mà họ lướt qua.
Hình ảnh tự chụp, tự thiết kế
Hình ảnh tự chụp, tự thiết kế mang được nét cá tính của riêng bạn, thể hiện được khác biệt trong “phần nhìn” của người đọc. Hình lấy từ website khác bạn có thể vi phạm về luật sử dụng hình ảnh. Nhiều người còn cố ý cắt hoặc xóa logo ra khỏi hình ảnh mình tìm được nhưng cách này gây ra sự thiếu tôn trọng người dùng, mất thời gian và không được đánh giá cao từ Google, bởi nó vẫn nhận ra đâu là hình gốc dựa trên cả thời gian upload.
Nếu đó là những hình ảnh bạn tự chụp hoặc thiết kế thì bạn sẽ có thêm điểm cộng từ Google khi đánh giá bởi hình ảnh có bạn là độc nhất. Và những hình ảnh dạng này cũng tránh được vấn đề tranh chấp bản quyền không đáng có khi bạn đang muốn xây thương hiệu cho cá nhân hay doanh nghiệp của mình.
Hình ảnh liên quan tới nội dung bài viết
Hình ảnh chỉ mang ý nghĩa khi nó truyền tải được thông điệp, liên quan tới nội dung bài viết. Một hình ảnh dù có đẹp đẽ đến đâu nếu không liên quan hay bổ sung được cho bài viết thì không có ý nghĩa gì hết.
Hình ảnh có bố cục, kích thước phù hợp
Kích thước hình ảnh cần sự phù hợp, không quá nhỏ để bị vỡ, không quá to để không hiển thị hết. Đừng quên làm thẳng hình ảnh, xem xét các quy tắc tiêu điểm tính đối xứng, hay qui tắc ⅓ trong bố cục của hình ảnh khi chụp ảnh.
Hình ảnh đẹp, chất lượng cao
Độ sắc nét, có bố cục, màu sắc phù hợp là những yếu tố có thể làm nên một hình ảnh đẹp. Hình ảnh bị mờ, vỡ, bố cục lộn xộn, màu sắc đối kháng nhau liệu có thu hút được sự quan tâm của bạn đến nội dung và tiếp tục đọc những nội dung đấy không?
“Đẹp” đang là một từ cảm quan, không cân đo cũng khó đong đếm được. Do vậy bạn chỉ có thể cảm nhận bằng những cảm quan của mình để lựa chọn ra những hình ảnh phù hợp để truyền tải thông điệp của bạn.
Đừng bỏ qua phần này. Nếu có thể hãy đầu tư một máy ảnh chất lượng cao, sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh hay làm bất cứ điều gì cần thiết để có một bức ảnh đẹp, chất lượng cao.
Chèn text vào hình ảnh
Bởi hình ảnh chính là thứ đầu tiên mà người dùng chú ý tới, do đó, việc bạn thêm những thông điệp chính của bạn ngay trong ảnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Facebook không hề thích những ảnh quảng cáo có chứa quá nhiều chữ, và họ sẽ giới hạn khả năng tiếp cận của quảng cáo nếu họ đánh giá bức ảnh có quá 20% text.
3. Cách thức xây dựng bài đăng
Thống nhất phong cách chủ đạo trong các bài đăng
Khi mới bắt đầu lập tài khoản mạng xã hội, bạn hãy bắt đầu với những bài post có hình ảnh và nội dung nêu bật rõ phong cách, hướng đi chủ đạo cũng như đối tượng mục tiêu mà doanh nghiệp của bạn muốn hướng tới để không bị trộn lẫn với nhiều thương hiệu khác. Hãy định hình phong cách riêng mà chỉ thương hiệu của bạn mới có để thúc đẩy mọi người quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn và có thể ngay lập tức ấn nút Theo dõi tài khoản của bạn.
Mọi người nhìn thấy hình ảnh của bạn trong nguồn cấp Instagram của họ hoặc truy cập vào trang cá nhân của bạn trên Instagram, họ sẽ biết đó là thương hiệu của bạn cũng như hiểu thông điệp bạn đang cố gắng truyền tải. Lưu ý rằng hình ảnh bạn chia sẻ trên Instagram cần mang tính nhất quán ngay cả khi bạn sử dụng một số hình ảnh làm nội dung tự nhiên và các hình ảnh khác làm quảng cáo.
Chẳng hạn như doanh nghiệp của bạn chuyên xuất bản các ấn phẩm sách liên quan đến chuyên ngành Digital Marketing, bạn không thể chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hay tình yêu lên tài khoản Instagram của mình, bạn phải định hình ngay từ đầu những nội dung mà bạn muốn chia sẻ cho người dùng là gì, là những kiến thức về Digital Marketing như tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo Facebook, hay làm thế nào để sáng tạo những mẫu content hay, đặc sắc... Đấy mới là phong cách chủ đạo mà bạn cần phải theo đuổi và tạo “đường đi, nước bước” cho chính thương hiệu của bạn.
Hãy kiên định với những gì mà bạn làm, đối tượng mà bạn muốn hướng tới, con đường mà bạn muốn theo đuổi cũng như phong cách dùng trên mạng xã hội! Hãy cẩn trọng, tỉ mỉ và cần mẫn với những gì bạn muốn chia sẻ lên mạng xã hội để tăng lượt tương tác và xây dựng cộng đồng của bạn ngày một lớn mạnh!
Chọn hình ảnh ấn tượng
Một hình ảnh đẹp và một nội dung hay, truyền tải thông điệp của thương hiệu là điều kiện cần và đủ để bạn thu hút khách hàng và tăng số lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Một thương hiệu muốn mở rộng sức lan tỏa của mình không những sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng mà còn phải chú trọng vào việc truyền thông, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ đó trên các nền tảng mạng xã hội. Truyền thông tốt, quảng bá thương hiệu hiệu quả nghĩa là bạn cần phải đầu tư về mặt hình ảnh sao cho đẹp, màu sắc hài hòa, cuốn hút ánh mắt người nhìn ngay từ lần đầu tiên.
Vì vậy, hãy tham khảo hình ảnh từ nhiều tài khoản của đối thủ khác hay những thương hiệu nổi tiếng khác để xây dựng ý tưởng và thiết kế hình ảnh cho các bài đăng của bạn nếu như bạn không biết cách sắp xếp bố cục khung hình, điều chỉnh ánh sáng, phối hợp màu sắc để có thể tạo ra những bức hình đẹp mắt, hài hòa và lôi cuốn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tính năng Đa hình ảnh, tức là bạn có thể xem tối đa 10 hình ảnh dưới dạng slideshow. Bạn có thể sử dụng tính năng này để kể một câu chuyện mang phong cách của chính thương hiệu của bạn.
Ví dụ, bạn muốn chia sẻ kiến thức về Email marketing như quy trình bảy bước để tối ưu hóa chiến dịch Email marketing, bạn hãy thiết kế bảy bức ảnh với phần text là tên của mỗi bước. Sau đó, bạn chọn tính năng đăng nhiều ảnh lên Instagram thì người nhìn sẽ dễ dàng theo dõi được quy trình đó thực hiện như thế nào và họ cực kỳ thích thú với việc lựa chọn hình ảnh để minh họa cho bảy bước này khiến họ dễ ghi nhớ vào đầu hơn.
Xây dựng nội dung truyền tải được thông điệp đi kèm hình ảnh hoặc video
Trước hết, nội dung mà bạn chú thích tại phần mô tả ảnh phải có một mối liên kết với hình ảnh. Nội dung bài post mà bạn đăng tải lên phải mang thông điệp nhất định để truyền tải tới khách hàng, khiến họ hiểu được vấn đề mà bạn đang muốn đề cập đến, bạn muốn mang lại thông tin gì cho họ và họ nhận ra được điều gì từ nội dung bài post đó.
Bạn có thể thiết kế nội dung của bài post bằng cách giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới, hay chia sẻ những kiến thức hữu ích thuộc lĩnh vực, ngành mà bạn đang kinh doanh hay thông báo tới khách hàng những chương trình ưu đãi, giảm giá, giveaway hay minigame để kích thích người dùng tham gia và tương tác với tài khoản của bạn.
Thực hiện công việc này bạn sẽ kích thích được sự chú ý của những người theo dõi bạn hoặc những người chưa từng biết đến bạn nhưng nhìn thấy bài đăng của bạn trong khi tìm kiếm theo Hashtag. Bạn có thể đưa ra một vài lời kêu gọi ở phần chú thích dưới hình ảnh hoặc đặt câu hỏi để người xem tương tác với bạn bằng cách trả lời, đưa ý kiến, quan điểm của họ.
Theo như ví dụ đã được nêu ở trên về quy trình bảy bước để tối ưu hóa chiến dịch Email Marketing, bạn có thể đưa ra một lời kêu gọi như “Thả tim nếu bạn thấy kiến thức này hữu ích với bạn” hay đặt ra câu hỏi “Bạn có ý kiến gì muốn đóng góp vào quy trình này không?”. Chính những câu hỏi hay lời kêu gọi này sẽ khơi gợi được sự hứng thú, sự quan tâm của người dùng dành cho bài post, tạo nên những cuộc hội thoại và tranh luận cho phần hình ảnh và nội dung mà bạn đã chia sẻ, giúp thương hiệu của bạn có sự gắn kết thân thiết hơn với khách hàng.
5. Yêu cầu và đề xuất thiết kế
Có hai loại vị trí bạn có thể truyền tải thông điệp đến khách hàng là bảng tin và Story. Để đảm bảo nội dung hình ảnh bạn truyền tải có chất lượng cao và tốt nhất, hãy lưu ý đến những đề xuất sau:
● Bài đăng bảng tin
Kích thước hình ảnh
Kích thước hình ảnh khuyến nghị cho quảng cáo trên Instagram tùy thuộc vào định dạng mà bạn sử dụng:
- Vuông
Độ phân giải tối thiểu (600 x 600 pixel)
Độ phân giải tối đa (1936 x 1936 pixel)
- Ngang
Độ phân giải tối thiểu (600 x 315 pixel)
Độ phân giải tối đa (1936 x 1936 pixel)
- Dọc
Độ phân giải tối thiểu (600 x 750 pixel)
Độ phân giải tối đa (1936 x 1936 pixel)
Khi tạo quảng cáo trong công cụ tạo quảng cáo, bạn có thể sử dụng tính năng cắt ảnh để đảm bảo rằng quảng cáo trên Instagram của bạn có giao diện như bạn muốn.
Kích thước video
Kích thước file tối đa của video có thể lên tới 4GB.
Độ dài chú thích
Chú thích bạn sử dụng cho quảng cáo trên Instagram sẽ hiển thị bên dưới hình ảnh và có thể bao gồm tối đa 2,200 ký tự.
Tỷ lệ khung hình
Tỷ lệ khung hình cho quảng cáo trên Instagram tùy thuộc vào định dạng.
Vuông - 1:1
Ngang - 1.91:1
Dọc - 4:5
URL trang web trong chú thích
Cách tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng URL trong văn bản quảng cáo trên Instagram. URL sẽ không thể nhấp được từ trường văn bản của quảng cáo.
● Quảng cáo trong tin
Định dạng
Hiện hỗ trợ mọi kích thước ảnh và video trong nguồn cấp dữ liệu (từ 1:91 đến 4:5).
Loại file là.mp4 hoặc .mov đối với video hay .jpg hoặc .png đối với ảnh.
Kích thước file tối đa là 4GB đối với video và 30MB đối với ảnh.
Thời lượng video tối đa là 60 giây, theo mặc định hình ảnh sẽ chỉ hiển thị trong 5 giây.
Kích thước
Độ phân giải khuyến nghị: 1080 x 1920
Tối thiểu: 600 x 1067
Codec được hỗ trợ
Video: H.264, VP8
Âm thanh: AAC, Vorbis
6. Tip nhỏ cho hình ảnh của bạn
Luôn ưu tiên hình ảnh thật, sản phẩm vật lý
Nếu là những sản phẩm vật lý được bày bán trên Instagram, bạn hãy ưu tiên những hình ảnh bạn tự chụp, rõ nét về sản phẩm mà khách hàng muốn mua. Đó cũng là tâm lý thói quen của người tiêu dùng và ai cũng biết. Tuy nhiên, điểm đặc biệt được nhắn tới ở đây là nếu bạn muốn bán các sản phẩm phi vật lý như ebook, khóa học, chương trình thì thay vì đăng lên những hình ảnh mockup của nó và cố chỉnh sửa cho giống thật bạn hãy chuyển đổi nó thành các sản phẩm vật lý.
Với Ebook bạn có thể in ra trang bìa và cover vào cuốn sách khác và chụp ảnh thật. Với khóa học bạn có thể làm ra những đĩa DVD để chụp ảnh sản phẩm đính kèm. Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng hiệu quả đã được chứng minh bằng số lượng bán và lợi nhuận của nó.
Hình ảnh chính diện sản phẩm luôn được nổi bật
Điều này khiến cho khách hàng thu hút hơn vào sản phẩm của bạn. Hình ảnh chính diện cho khách hàng cái nhìn trực quan hơn và cũng sẽ giúp họ có niềm tin tốt hơn vào sản phẩm của bạn.
Hình ảnh sản phẩm đang được sử dụng
Nếu là quần áo có thể chụp ảnh mẫu để xem form dáng, nếu là đồng hồ hãy đeo vào tay, nếu là mũ hãy đội lên đầu và chụp lại những khoảnh khắc này. Thêm yếu tố con người vào thì mức độ tương tác sẽ cao hơn những hình ảnh trải sàn. Text trên ảnh nếu có cũng nên giữ ở mức độ tối thiểu, vừa đọc, đảm bảo độ thoáng của bức ảnh. Vì là mạng xã hội hình ảnh nên bạn cần chú trọng vào phần hình ảnh đồ họa hơn là phần text bị chôn vùi.
Hình ảnh với nhiều góc nhìn
Hiển thị sản phẩm của bạn dưới nhiều góc nhìn, đưa cho người theo dõi có cái nhìn toàn cảnh về sản phẩm đấy. Điều này giúp cho bài đăng của bạn có nhiều tương tác hơn, chuyển đổi cao hơn và khuyến khích họ mua sản phẩm hơn. Lưu ý nhỏ là bạn có thể sử dụng tính năng đăng nhiều ảnh trên một bài đăng của Instagram.
Mỗi bức ảnh là một màu chủ đạo
Quảng cáo trên Instagram cần phải hấp dẫn, trực quan và nổi bật. Điều đó không có nghĩa là bạn đưa cả bảy sắc cầu vồng vào bài đăng của mình. Gắn bó với một màu sắc chủ đạo có thể khiến khách hàng tương tác nhiều hơn, nhận ra bạn giữa hàng ngàn bài đăng. Còn việc chọn tone màu nào, phong cách thiết kế ra sao tất cả đều do bạn test thử và lựa chọn.
Sử dụng bộ lọc
Bộ lọc cho phép bạn chỉnh sửa mức độ màu sắc, điều này sẽ khiến cho bức ảnh của bạn đẹp hơn, có độ sâu hơn và có hồn hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đang quảng bá cho sản phẩm của mình, đừng dùng bộ lọc nhé bởi nó sẽ khiến cho sản phẩm của bạn mất đi độ chân thật vốn có của nó.
Đừng đăng từng phần hình ảnh
Đây là một trào lưu được nở rộ trước đó. Chia một bức ảnh thành từng bức ảnh nhỏ hơn và đăng chúng lên Instagram của bạn để khi hiển thị trên tường của bạn thành một bức ảnh có kích thước lớn. Điều này khá thú vị nhưng bạn sẽ gặp rắc rối bởi hai vấn đề.
Thứ nhất từng hình ảnh bạn up lên khi ở trên tường của những người theo dõi bạn nó là những phần nhỏ của bức ảnh chúng chẳng mang hình thù ý nghĩa đi kèm.
Thứ hai, khi đăng bài mới lên thì bố cục trên chính tường của bạn sẽ bị phá vỡ hoặc nếu không thì bạn phải đăng 3 hoặc nhiều bài đăng một lúc. Điều này lại mâu thuẫn với chiến lược bạn đang triển khai rồi.
Chỉ vì một tiện ích nhỏ khá hay ho mà phải đánh đổi bằng những bất tiện này, không đáng đúng không nào?
7. Ý tưởng bài đăng tránh sự nhàm chán
Có nhiều ý tưởng về nội dung giá trị bạn có thể cung cấp cho người đọc. Nhưng nhiều lúc bạn có thể rất bí khi trang của bạn toàn là sản phẩm và sản phẩm, dưới đây sẽ là vài gợi ý hay ho mà bạn có thể thử để làm mới trang của mình.
- Hình ảnh hoạt động về team của bạn, họ có thể đang làm việc chăm chỉ, hay là đang chơi hết mình.
- Góc văn phòng, bàn làm việc của bạn cũng là một gợi ý hay ho đấy chứ!
- Tiết lộ sản phẩm mới đang trong giai đoạn sản xuất. Với một công ty xuất bản và phát hành sách như MediaZ Book thì bật mí hình ảnh bìa sách dưới nhà in có đủ hấp dẫn với bạn không nào?
- Đăng những sản phẩm mà bạn có khả năng làm.
TÓM TẮT PHẦN III CHƯƠNG 2
● Hình ảnh quan trọng như thế nào trong truyền thông?
- Hình ảnh thu hút những ánh nhìn của khách hàng
- Hình ảnh bổ sung thêm để trọn vẹn ý nghĩa câu từ
- Hình ảnh truyền đạt được nhiều cảm xúc
● Chọn hình ảnh như thế nào để chia sẻ lên Instagram?
- Hình ảnh phù hợp với thương hiệu
- Hình ảnh tự chụp, tự thiết kế
- Hình ảnh liên quan tới nội dung bài viết
- Hình ảnh có bố cục, kích thước phù hợp
- Hình ảnh đẹp, chất lượng cao
- Chèn text vào hình ảnh
● Cách thức để xây dựng bài đăng
- Thống nhất phong cách chủ đạo trong các bài đăng
- Chọn hình ảnh ấn tượng
- Xây dựng nội dung truyền tải được thông điệp đi kèm hình ảnh hoặc video
● Yêu cầu và đề xuất thiết kế hình ảnh để chia sẻ lên Instagram
Có hai loại vị trí bạn có thể truyền tải thông điệp đến khách hàng là bảng tin và Story.
- Bài đăng bản tin bạn cần chú ý đến kích thước hình ảnh, kích thước video, độ dài chú thích, tỷ lệ khung hình và URL trang web trong chú thích để đảm bảo nội dung hình ảnh bạn truyền tải có chất lượng cao và tốt nhất.
- Trong phần Quảng cáo trong tin, bạn cần quan tâm đến định dạng, kích thước và codec được hỗ trợ cho hình ảnh và video.
● Một vài tip nhỏ cho hình ảnh của bạn khi chia sẻ lên Instagram
- Luôn ưu tiên hình ảnh thật, sản phẩm vật lý
- Hình ảnh chính diện sản phẩm luôn được nổi bật
- Hình ảnh sản phẩm đang được sử dụng
- Hình ảnh với nhiều góc nhìn
- Mỗi bức ảnh là một màu chủ đạo
- Sử dụng bộ lọc
- Đừng đăng từng phần hình ảnh
● Một vài gợi ý hay ho mà bạn có thể thử để làm mới trang Instagram của mình khi bạn quá bí ý tưởng về bài đăng của mình
- Hình ảnh hoạt động về team của bạn
- Góc văn phòng, bàn làm việc của bạn
- Tiết lộ sản phẩm mới đang trong giai đoạn sản xuất.
- Đăng những sản phẩm mà bạn có khả năng làm