Kẻ Ái kỉ Luôn-đúng
Một chiều nọ, sau giờ tan học, Fiona đã tìm kiếm cụm từ “bạo hành động vật” trên Google, như cách cô vẫn thường nói, “cuộc đời tôi đã thay đổi vĩnh viễn. Tôi đã hiểu được ý nghĩa của cuộc đời mình.” Tại thời điểm đó, dù mới 11 tuổi, cô bé đã dành nhiều tiếng đồng hồ để tìm hiểu về American Society for the Prevention of Cruelty to Animals (ASPCA - Hiệp hội phòng chống hành vi bạo hành động vật), People for the Ethical Treatment of Animals (PETA - Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật) và những tổ chức bảo vệ quyền động vật khác. Cô đọc rất nhiều về cơn ác mộng trong những lò mổ công nghiệp, tình trạng lạm dụng động vật trong phòng thí nghiệm của ngành công nghiệp dược phẩm, và cuộc đời bi thảm của những con thú trong rạp xiếc. Ingrid Newkirk – nhà đồng sáng lập của tổ chức PETA, là người hùng trong lòng Fiona. Không lâu sau bữa tiệc sinh nhật 12 tuổi của mình, bên bàn ăn tối cùng cả gia đình, cô đã tuyên bố mình sẽ ăn chay.
Mẹ Fiona nói: “Con cứ ăn bất cứ thứ gì con muốn, nhưng đừng mong là mẹ sẽ nấu riêng cho con những món đặc biệt đấy nhé.”
“Động vật cũng có cảm xúc chứ ạ, không khác gì con người cả. Với những điều con đã biết, con chẳng thể nào tiếp tục ăn thịt chúng được nữa. Đó thực sự là một điều sai trái.” Cô bé nói rồi nhìn chằm chằm vào những chiếc đĩa đầy thịt heo quay đang đặt trên bàn ăn.
Miles là anh trai hơn Fiona 6 tuổi, đang là học sinh năm cuối phổ thông. Cậu nở một nụ cười với vẻ hâm mộ giả tạo và nói bằng chất giọng ngọt ngào: “Em quả là một con người thánh thiện, Fiona ạ. Khi nào anh lớn, anh ước gì mình cũng giống như em. Anh nói thật đấy.” Cha mẹ đều phá lên cười. Fiona chưa từng cảm thấy mình thực sự là một phần trong gia đình này, không quá sắc sảo cũng chẳng nhiều lời. Người mẹ khô khan và luôn nghiêm túc của cô từng nói rằng, cô sinh ra thực chất chỉ là một “tai nạn”, họ vốn không có ý định sinh thêm người con thứ hai. Từ đấy, Fiona luôn nghĩ mình chỉ là một kẻ thừa. Một mình ngồi trong phòng riêng, Fiona bắt đầu tưởng tượng ra cảnh tra tấn Miles giống những con vật trong phòng thí nghiệm. Anh ta đáng phải chịu điều đó vì đã cư xử như một tên khốn.
Trong những năm học phổ thông, Fiona nổi tiếng là một học sinh cấp tiến cực đoan, tận tâm theo đuổi hết mục tiêu này tới mục tiêu khác. Có lần, cô cùng một vài người bạn tổ chức một cuộc biểu tình vì có quá ít lựa chọn món ăn cho người ăn chay trong thực đơn căng tin trường. Ban giám hiệu nhà trường không mấy quan tâm đến vấn đề này, nên nhóm của cô đã đột nhập vào phòng hiệu trưởng và ngồi lì ở đó. Vụ việc này được đưa lên bản tin khu vực. “Người ăn chay cũng có quyên bình đẳng!” Fiona nói với máy quay. Sau đó, cô đã đăng tải đường dẫn đến đoạn video tin tức này trên trang Facebook cá nhân của mình kèm dòng trạng thái: “Cuối cùng thì họ cũng để ý!!!”
Dù vẫn hợp tác cùng những học sinh khác trong trường để tổ chức biểu tình, nhưng thực ra, Fiona không có bạn thân. Không ít lần cô thử phát triển mối quan hệ gắn bó với một bạn nữ khác, thường là một thành viên khá nhiệt huyết cùng chí hướng với cô. Nhưng rồi, tình bạn cũng dần tan vì thái độ cứng nhắc của Fiona trong nhiều vấn đề, cô nên có một phương hướng tiếp cận mềm mỏng hơn. Fiona thường nói: “Hoặc là cậu đồng ý với tớ, hoặc là cậu chống lại tớ.”
Một tình bạn tốt đẹp đã kết thúc đột ngột, khi gia đình người bạn đó mua một chú chó nòi từ một công ty lai giống vật nuôi. Khi cô bạn cho xem ảnh của chú cún con đáng yêu này, Fiona cảm thấy rất tức giận. “Theo tớ, việc nuôi thú cưng cũng chẳng khác gì chế độ nô lệ cả. Nhưng ít ra cậu cũng nên nhận nuôi một chú chó từ trại cứu hộ động vật chứ. Thật là sai trái khi cống nạp tiền để nuôi các công ty sản xuất chó con đó, trong khi vẫn còn hàng ngàn thú nuôi đang cần tìm cho mình một mái ấm!” Sau khi lên tiếng tranh luận, cô bạn ấy đã bị cấm vĩnh viễn khỏi câu lạc bộ bảo vệ quyền động vật của Fiona.
Đầu năm lớp 12, Fiona trở thành một người theo chủ nghĩa ăn chay cực đoan. Mỗi lần trở về nhà từ trường luật để đón lễ Tạ Ơn, Miles đều châm chọc thói quen ăn uống của cô em gái, nhưng Fiona chẳng bao giờ mắc câu. Trong khi mẹ chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn kiểu truyền thống, cô biến mình thành một kẻ phiền toái, cô tự chuẩn bị một bữa ăn riêng gồm gạo lứt, bí, cải xoăn và đậu đen. Sau khi nói lời cầu nguyện tạ ơn Chúa, Fiona nói với cả gia đình rằng năm nay, cô bé cảm thấy đặc biệt biết ơn vì có thể tận hưởng ngày lễ mà không phải hi sinh của bất cứ con vật vô tội xấu số nào. Nói rồi cô nở một nụ cười tươi rói đầy hạnh phúc.
Với cái miệng nhồi đầy món gà tây, Miles nói: “Em có biết rằng khi canh tác lúa mạch hay lúa gạo, người ta phải giết chết nhiều sinh vật sống, gấp 25 lần số lượng gia súc lấy thịt đỏ không?” Rõ ràng là anh chàng nghiên cứu rất kĩ chủ đề này, chỉ chờ những giây phút như thế. “Khi khai phá đất để làm nông nghiệp, người nông dân sẽ phải xóa sổ sạch sẽ cóc nhái, chuột và rắn sống tại vùng đất đó. Chúng cũng là động vật mà, phải không?” Fiona trợn mắt lườm anh trai và không nói thêm lời nào. Khi lên đại học, cô hạn chế liên hệ với gia đình và ngắt liên lạc hoàn toàn với Miles.
Năm 19 tuổi, Fiona có mối tình đầu tiên với chàng trai tên Cooper, cũng là một người ăn chay cực đoan. Hai người cùng thành lập một phân hội của PETA tại địa phương. Họ tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình công cộng thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Song, khi Fiona quyết định lặp lại hình thức biểu tình khét tiếng của Ingrid Newkirk – tự khỏa thân treo mình bằng một cái móc treo thịt giữa trụ sở của liên đoàn sinh viên, lấy hình tượng xác của một con bò bị giết lấy thịt, Cooper phải lên tiếng khuyên nhủ rằng cô đã đi quá xa.
Fiona bảo rằng: “Anh có thể chọn giữa việc ủng hộ niềm tin của em hoặc ra đi.”
Quá tức giận, Cooper nói: “Hình như em quan tâm đến việc được chú ý hơn là mục đích em đang theo đuổi đấy.”
“Thằng khốn nạn!” Cô gào lên.
Thế là họ chia tay. Cooper cũng vì thế mà từ bỏ vị trí của mình tại cơ sở PETA địa phương. Mỗi khi các thành viên khác hỏi về sự ra đi của anh, Fiona đều miêu tả người bạn trai cũ của mình như một kẻ yếu đuối và thiếu thành thực. “Với anh ta, tôi chỉ là một thú vui nhất thời.”
“Em có bao giờ nghĩ về việc anh thực sự cần gì không?”
Rất nhiều người theo chủ nghĩa ăn chay và ăn chay cực đoan thực sự tin rằng việc ăn thịt là một hành động phi đạo đức. Song, thái độ của Fiona với bạn bè và các thành viên khác trong gia đình của mình cho thấy một kiểu tâm lí khá độc đoán, “luôn tự cho bản thân là đúng”. Cô không chỉ không đồng tình với họ, mà còn thực sự tin rằng quan điểm của mình là cao quý và đức hạnh hơn họ. Cô đúng, còn họ sai. Cô là người “tốt”. Nếu có ai dám chống lại cô thì chắc chắn đó phải là kẻ “xấu”. Và thế, trong mắt cô, họ cũng không tồn tại. Song, như người bạn trai cũ Cooper của cô từng nói, dường như động lực thực sự của cô là ham muốn gây chú ý với người khác, chứ không phải niềm tin vào một giá trị đạo đức. Cô cần người khác nhìn thấy và công nhận sự xuất chúng của mình.
Những kẻ Ái kỉ Luôn-đúng xuất hiện trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là trong các tổ chức tôn giáo. Có rất nhiều tín đồ có lòng thành kính thực sự sâu sắc, nhưng những tín dân Ái kỉ lại luôn muốn phô trương sự tận tụy của bản thân, như thể điều đó có thể tạo cho họ một vị thế ưu việt hơn. Họ muốn được ngưỡng mộ vì lòng thành kính mãnh liệt của bản thân. Họ luôn miệng chỉ trích người khác và ủng hộ suông những tổ chức từ thiện với vẻ nhiệt thành sâu sắc. Họ thể hiện sự ủng hộ của mình với những mục đích cao cả nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Trong gia đình, họ luôn vừa xa cách, lại vừa đòi hỏi rất nhiều. Họ thường xuyên gây hấn với họ hàng và giữ thái độ hằn học với họ, thể hiện rõ bản tính khắc nghiệt và thiếu đồng cảm của mình.
Winona kết hôn với Mark – một người đàn ông tin rằng bản thân đã giác ngộ và là một cá thể siêu phàm. Anh ta dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu Kinh thánh. Anh thường nói với Winona rằng bộ thánh kinh này giúp anh nhận ra những khiếm khuyết trong vai trò làm vợ của cô. Mỗi lần tranh cãi, anh ta luôn khẳng định cô đã sai và bắt đầu trách móc: Giá như cô chịu lắng nghe lời Chúa, cô đã có thể nhận ra những sai lầm của bản thân. Nếu cô phàn nàn về hành động của anh, anh sẽ phản công bằng những lời chỉ trích cay nghiệt. Mark nói với cô rằng, việc nhà và nuôi dưỡng con cái là bổn phận và trách nhiệm của phụ nữ. Mỗi khi có cơ hội, anh đều rời khỏi nhà và tham dự các khóa tu mà không thèm đoái hoài đến vợ con. Đôi khi, Winona phàn nàn rằng anh không quan tâm đến những mong muốn của cô, Mark sẽ lật ngược chủ đề: “Em lúc nào cũng chỉ nói về những nhu cầu của mình thôi. Thế còn anh thì sao? Em có bao giờ nghĩ về việc anh thực sự cần gì không?”
Cuối cùng, Mark và Winona tìm đến người đứng đầu giáo xứ của nơi họ sinh sống để xin tư vấn mục vụ18. Ban đầu, vị mục sư giữ thái độ trung lập, nhưng sau một thời gian trị liệu, bản chất ích kỉ và thiếu đồng cảm của Mark dần lộ rõ, ông hiểu và ủng hộ quyết định li hôn của Winona. Suốt nhiều tháng sau đó, Mark gửi rất nhiều email tới tất cả những mục sư và tư vấn viên từng tư vấn cho hai người, buộc tội họ đã không làm tròn bổn phận của một mục vụ. Anh ta biến mình thành một kẻ sĩ tử vì đạo, bị những trưởng giả trong giáo xứ phản bội. Anh ta khăng khăng rằng trong mắt Chúa, mình là một người vô tội phải chịu đối xử bất công.
18 Một hình thức trị liệu tư vấn của các mục sư nhà thờ.
***
Tôi từng trị liệu cho nhiều cặp vợ chồng, họ kể về những mâu thuẫn trong hôn nhân, họ phải chịu đựng những bất công và hiểu lầm của người bạn đời. Họ cố gắng chứng minh rằng anh/cô ta hoàn toàn sai, tìm cách luận tội người bạn đời của mình. Nhưng tôi cũng nhận ra dường như họ cũng đang tô vẽ bản thân là người tốt đẹp, là nạn nhân có phẩm hạnh, có đức độ hơn đối phương.
Mâu thuẫn này thường xảy ra với những mối quan hệ bắt đầu với sự lí tưởng hóa lẫn nhau quá mức. Như tôi đã nói, bản chất của tình yêu lãng mạn vốn chỉ là một trạng thái bán-ảo-tưởng của tâm trí, ở đó cả hai người trong mối quan hệ đều thừa nhận rằng đối phương là người hấp dẫn và thú vị nhất họ từng gặp. Họ trở thành trung tâm trong vũ trụ của nhau và thường lí tưởng hóa đối phương. Sau một thời gian, trạng thái lí tưởng hóa này sẽ dần phai nhạt, hai người dần có cái nhìn thực tế hơn về nhau, tình yêu cũng bớt ảo mộng hơn. Song, tuýp người Ái kỉ luôn bảo vệ bản thân trước nỗi hổ thẹn hạt nhân lại không thể chịu đựng việc phải bộc lộ con người thật của mình. Trạng thái lí tưởng bắt đầu tan vỡ, hai bên sẽ thể hiện ra những mặt đối lập không thể dung hòa. Họ trút lên nhau sự phẫn nộ và tranh nhau giành phần thắng.
Sau mỗi trận cãi vã với chồng, Denise đều thức trắng đêm, lật đi lật lại trong đầu cuộc đấu khẩu để vạch lá tìm sâu, liệt kê hết những lỗi lầm của chồng mình, Eric. Trong các buổi trị liệu, cô thường bắt đầu bằng việc kể rõ đầu đuôi từng trận cãi vã. Cô thực sự tin rằng sau nhiều năm trị liệu tâm lí, cô đã trở nên sâu sắc và thấu hiểu bản thân hơn nhiều. Còn Eric chẳng hiểu gì về chính mình cũng như cách hành xử đầy tiêu cực của anh. Cô là một người ưu tú và đã được giác ngộ, trong khi anh vẫn đang chìm trong u mê tăm tối. Cô đúng, còn anh ta sai.
Denise xuất thân từ một gia đình đặc biệt rắc rối. Trước khi trị liệu cùng tôi, cô có một thời gian khá dài lạm dụng chất kích thích và thích tự hủy hoại bản thân. Sau đó, cô đã có nhiều bước tiến triển đáng kể: tốt nghiệp đại học, có sự nghiệp ổn định, kết hôn với một người đàn ông tử tế và sinh con đẻ cái. Song, cũng giống như những người đang phải chạy trốn khỏi nỗi hổ thẹn hạt nhân, cô tự xây dựng cho mình một trường phòng vệ. Trước đây, cô thường cảm thấy mình thấp kém hơn những người khác do hoàn cảnh gia đình phức tạp. Giờ đây cô lại tự thấy mình cao siêu hơn, sâu sắc hơn. Còn Eric thường thấy mình bị đẩy vào vai kẻ thua cuộc trong gia đình.
Sự thật là Denise luôn cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vì sự điên khùng của mình khi cô khơi mào những cuộc tranh cãi với Eric. Cô không ngừng cố gắng để trở thành một “Denise Chiến Thắng”. Cô cố tình lờ đi những giới hạn của bản thân và muốn gánh vác mọi thứ trong cuộc sống gia đình, dù biết mình không thể xoay sở nổi. Kết quả là, cô trở nên xấu tính, hay quên, hay cáu kỉnh, dễ nổi nóng hơn và khó bao dung với người khác. Cô mất ngủ liên miên. Song, thay vì thừa nhận và khắc phục những lựa chọn sai lầm của mình, cô lại bới móc lỗi lầm nơi người chồng, không ngừng soi mói và bắt lỗi anh cho đến khi cãi vã nổ ra.
Denise nhìn nhận mọi vấn đề bằng một đôi mắt cực đoan: Hoặc là (1) cô đúng và mọi lỗi lầm đều thuộc về Eric, hoặc (2) cô là một kẻ quá đỗi gàn dở tới mức chỉ đáng vứt đi. Cô nghĩ rằng thừa nhận phần sai của bản thân trong việc khơi mào những mâu thuẫn, chẳng khác nào tự tay đào lại nỗi hổ thẹn mình đang lẩn tránh. Cô thường dành rất nhiều tâm huyết để tự bảo vệ cái-tôi-thắng-cuộc của mình. Cô thường phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, gọi người khác là đồ điên và tỏ thái độ khinh thường. Mỗi lần tôi cố gắng đưa ra những quan điểm đa chiều, cô sẽ lập tức phản bác, cô buộc tội tôi là thiếu đồng cảm, hoặc tôi đang cố “bắt tay” với Eric để chống lại cô. Không thể chịu đựng nổi cuộc hôn nhân đang bên bờ vực đổ vỡ, Eric cũng tìm đến bác sĩ trị liệu tâm lí.
Cuối cùng, Eric và Denise cứu vãn thành công cuộc hôn nhân của mình, cả hai đều học được cách loại bỏ tâm lí thắng - thua, hóa giải những mâu thuẫn không đáng có. Qua thời gian, Denise dần đối mặt với nỗi xấu hổ hạt nhân, chấp nhận những giới hạn của mình và chăm sóc bản thân tốt hơn. Tuy nhiên, thường thì những cuộc hôn nhân với một người Ái kỉ Luôn-đúng hiếm khi nào có kết cục tốt đẹp như vậy.
Trong quá trình li hôn và giành quyền nuôi con, Neil – chồng cũ của Alexis (tôi có nhắc tới ở phần trước) luôn cho rằng mình là một người đức độ, phải chịu sự đối xử bất công. Anh nghĩ mình là người ngay thẳng, luôn hành xử một cách thẳng thắn, đường hoàng, trong khi Alexis là một “con điếm lẳng lơ” gian manh, vô kỉ luật, vô đạo đức và vô giá trị.
Kết cục tan vỡ của một gia đình hay một mối quan hệ gắn bó lâu dài thường tạo ra những vết thương sâu hoắm lên cái tôi của những người trong cuộc. Tình yêu và lòng ngưỡng mộ dành cho nhau không còn nữa, chỉ còn lại những đau đớn, dằn vặt và tổn thương. Phản ứng lại những trải nghiệm này, chúng ta thường nảy sinh cảm giác xấu hổ, tủi nhục. (Hãy nhớ lại phản ứng của Kitty khi cô nhận ra rằng Vronsky không có hứng thú với mình.) Cái tôi của chúng ta sẽ chấn động mạnh khi nhận ra người ta yêu thương không còn xứng đáng với tình yêu của mình nữa. Có thể bạn sẽ nghi ngờ giá trị của bản thân, lẩn tránh cả thế giới và trốn vào một góc tối nào đó, tự mình nhấm nháp vết thương. Cũng có thể bạn chỉ tiếc thương cuộc tình đó trong một khoảng thời gian, rồi dần lấy lại sự tự tin của mình.
Trong một trường hợp khác, khi không thể chịu đựng nổi nỗi hổ thẹn xuất phát từ việc bị chối bỏ, có thể bạn sẽ xây cho mình một lớp phòng vệ Ái kỉ và biến đối phương thành một kẻ thất bại vô giá trị. Khi Natalie (tôi đã giới thiệu trong Chương 2) nghe tin nhắn thoại của bạn trai và nhận ra anh đang có ý định chia tay với mình, cô cảm thấy vô cùng đau khổ, nhưng chỉ trong vài giây, cô biến đau thương thành phẫn nộ: “Đàn ông toàn một lũ khốn nạn!” Không ai có thể dễ dàng chấp nhận việc bản thân bị chối bỏ. Hãy hiểu và thông cảm cho cô ấy.
Những kẻ Ái kỉ Luôn-đúng không bao giờ biết tiếc thương. Thay vào đó, họ sẽ đổ lỗi.
Cũng giống như tôi, có thể bạn cũng từng nghe một ai đó kể xấu người bạn đời cũ của mình, miêu tả họ như những xẻ xấu xa không có phẩm giá. Bạn có tự hỏi liệu trong câu chuyện đó có còn góc khuất nào mình chưa biết không? Những người từng bị bạn đời phản bội rất dễ rơi vào trạng thái phẫn nộ, khi cảm giác tủi nhục vô tận buộc họ phải dựng lên quanh mình những lớp phòng vệ Ái kỉ.
Donald Nathanson gọi trạng thái tâm lí này là chán ghét (một trong những cảm xúc tự nhiên của con người). “Trong thế giới nội tại của một cá nhân, cảm xúc chán ghét có sức ảnh hưởng rất lớn. Nó có khả năng thay đổi rõ rệt thái độ của chúng ta dành cho đối phương, hay thậm chí là với chính mình. Nếu bạn cảm thấy chán ghét bạn đời của mình, thì một vụ li hôn có thể coi là một chiến thắng vẻ vang của bạn.”19 Nói cách khác, họ sẽ lảng tránh nỗi hổ thẹn bị chối bỏ bằng cách chán ghét con người mà mình từng yêu thương hết mực. Tâm lí chán ghét này thường được biểu hiện qua thái độ khinh thường, giận dữ, coi đối phương là bạc nhược và xứng đáng bị chối bỏ. Vì thế:
Thái độ khinh thường là một trong những cách phòng vệ Ái kỉ, nhằm bảo vệ bản thân khỏi cảm giác hổ thẹn. Thái độ này có tác dụng đẩy đối phương vào vị trí của một kẻ thất bại yếu nhược, trong khi kẻ Ái kỉ Cực đoan trở thành một người đạo đức và có quyền giáng xuống đầu đối phương những lời phán xét.
19 Donald Nathanson, Shame and pride, 1992.
Xuất phát từ cảm giác ưu việt so với những nạn nhân, những kẻ Ái kỉ Bắt nạt tin rằng họ có đủ khả năng và quyền hành mạt sát, hạ nhục đối phương. Bên cạnh đó, họ cũng là những kẻ mù quáng, họ nghĩ mình là người duy nhất biết được sự thật, rằng chỉ có cách làm của họ mới là đúng đắn, rằng họ là người thuần khiết, còn những người khác chỉ rặt một lũ xấu xa. Họ luôn tự cho mình là đúng, bản thân họ đã giác ngộ và có cái nhìn thấu triệt về thế giới, trong khi đối phương chỉ là kẻ thất bại hèn kém, đáng phải chịu những gì họ đang phải chịu đựng. Như tôi đã nói, tuýp người Ái kỉ Cực đoan đặc biệt thiếu khả năng đồng cảm.
Thái độ tự cho mình là đúng là biểu hiện của hành vi phòng vệ Ái kỉ nhằm bảo vệ chính mình trước nỗi hổ thẹn hạt nhân. Họ sợ hãi và cũng chán ghét phần con người xấu xa này của mình. Họ chối bỏ và tìm cách trút nó lên một ai đó họ coi là thấp kém hơn.
Càng lớn càng tốt
Nathan – cha ruột của Isaac Feldman, tin rằng trên thế giới này chỉ có hai loại người: người thắng và kẻ thua. Dĩ nhiên, ông coi những người thuộc dòng họ Feldman đều là người thắng. Nathan là nhà phát triển bất động sản, tuy không thực sự thành công rực rỡ nhưng ông cũng gây dựng lên một cơ ngơi trị giá hàng triệu đô-la. Ông mong hai người con trai của mình sẽ tiếp nối ông, đóng góp thêm vào sự giàu có của gia đình. Jason là con trai cả, tính tình hiền lành, nhu mì và rõ ràng không phù hợp với nhiệm vụ này. Trong mắt Nathan, Jason là một kẻ yếu đuối đáng khinh, nên ông đã dành hết tâm huyết của mình để bồi dưỡng người con thứ – Isaac. Và Issac đã không làm ông thất vọng.
Isaac có tinh thần cạnh tranh cao độ và luôn khao khát được dẫn đầu trong mọi lĩnh vực mình tham gia, từ thể thao cho tới học tập. Anh là ngôi sao khúc côn cầu của trường khi còn đi học, nhưng chẳng có lấy một người bạn thân. Kể cả những người biết anh rất rõ cũng chưa từng có gảm giác thân cận, gần gũi. Anh luôn giữ khoảng cách với những bạn học nam khác, coi họ như những đối thủ tiềm năng, hay mối nguy hại tiềm tàng có thể đe dọa vị thế của mình. Các cô gái cảm thấy thái độ ngạo mạn của anh vô cùng phản cảm. Còn trong mắt giáo viên, anh là một học sinh phiền toái, thích khoe khoang. Anh luôn cố biến mình thành trung tâm của sự chú ý.
Nathan, cha anh giàu lên nhờ xây dựng các căn hộ thông tầng và các khu chung cư nhỏ ở khu vực Montreal. Không giống như cha mình, ước mơ của Isaac là trở thành nhà thầu xây dựng của những tòa nhà văn phòng thương mại, khách sạn và trung tâm mua sắm. Càng lớn càng tốt. Anh nổi danh khắp vùng sau một phiên điều trần công khai, yêu cầu tái quy hoạch khu đất trung tâm thành phố, nơi anh dự định xây dựng một khách sạn lớn. Các khu phố xung quanh đã có định hướng phát triển theo hướng thuần thương mại. Nhưng khu đất này lại được quy hoạch thành nhà ở cho một vài hộ dân cư. Đấy là một khu biệt thự cổ rất rộng, nhưng cũ kĩ và có ý nghĩa lịch sử quan trọng với thành phố.
Tại cuộc họp đó, một cư dân trong vùng lên tiếng phản đối dự án xây dựng trung tâm thương mại của Isaac. Anh lớn tiếng, nói át cả giọng cô, nhếch mép cười với vẻ khinh bỉ. “Cô không biết mình đang nói gì đâu. Chính những kẻ có đầu óc hạn hẹn và tầm nhìn thiển cận như cô là những tảng đá ngăn cản sự tiến bộ của xã hội. Tòa khách sạn của tôi có thể tô điểm vẻ đẹp của thành phố này hơn gấp nhiều lần so với mấy tòa nhà cũ kĩ xập xệ.” Anh luôn dùng từ khẳng định tuyệt đối để thể hiện quan điểm và tầm nhìn của bản thân.
Các phiên điều trần tiếp tục kéo dài, Isaac trở nên mất kiên nhẫn. Anh lén cử một đội phá dỡ đến san bằng tòa nhà ngáng đường mình trong đêm. Sáng hôm sau, cư dân Montreal thức dậy bàng hoàng trước cảnh hoang tàn đổ nát. Cuối cùng, anh lấy được giấy phép tái quy hoạch và xây dựng mình mong muốn. Sau đó, anh khởi công xây dựng tòa khách sạn và hung hăng tuyên bố rằng đó là tòa nhà lớn nhất Montreal. Song thực tế thì không phải như vậy.
Khi đế chế của mình dần lớn mạnh, Isaac hung hăng thâu tóm rất nhiều nhân viên điều hành và quản lí cấp cao từ các công ty khác, thu hút nhân tài bằng cách trả lương hậu hĩnh cho họ. Song, sau khi thu nạp họ về dưới chướng, anh lại coi họ là những địch thủ tiềm tàng luôn nhăm nhe đe dọa quyền thế của mình. Anh không cho phép các phó chủ tịch công ty gặp mặt mà không có sự hiện diện của mình. Anh tạo bầu không khí cạnh tranh trong doanh nghiệp, sắp đặt để họ phải đối đầu với nhau bằng cái cớ “thúc đẩy khả năng sáng tạo”. Rất nhiều người buộc phải ra đi do không thể chịu nổi cách quản lí của Issac.
Những nhân viên khác thường phàn nàn về thói hay đổ lỗi, tự cho mình đúng và thái độ khinh thường nhân viên của anh. Khi mọi thứ không diễn ra đúng ý mình, anh sẽ bùng lên như một ngọn núi lửa, la hét, gào thét, văng tục và không ngừng trách móc nhân viên của mình là lười biếng và thiếu năng lực. Dĩ nhiên, anh cũng chẳng bao giờ chịu nhận lời khuyên của bất cứ ai. Các thành viên trẻ tuổi trong nhóm thường đưa ra những phân tích kĩ càng và khuyên anh không nên theo đuổi một vài phi vụ thu mua, nhưng Isaac thường bỏ qua, rồi lại đổ lỗi lên họ khi công ty thua lỗ.
Song, xét trên mặt bằng chung, công ty bất động sản của Isaac vẫn phát triển vô cùng mạnh mẽ. Anh trở thành một trong những người giàu có nhất Canada, “ông trùm trung tâm thương mại”. Danh tiếng ngày càng lớn, tài sản ngày càng nhiều, song cũng không thể thỏa mãn cái tôi luôn đúng của Issac. Anh bắt đầu tìm kiếm một cách khác để tôn vinh cái tôi vĩ đại của mình. Anh nghĩ một người đàn ông tầm cỡ như anh đáng lẽ ra phải sở hữu một thương hiệu nhượng quyền thể thao. Vốn luôn hứng thú với khúc côn cầu, anh mua một đội thuộc Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia của Canada, bắt đầu cải tạo sân vận động nơi diễn ra các trận đấu của họ. Anh đặc biệt chú tâm tới những vị trí ngồi cao cấp và khán phòng hạng sang, lắp đặt những tiện nghi xa hoa nhất để “xứng tầm” với vị thế của mình.
Scott Hendricks – giám đốc điều hành chịu trách nhiệm quản lí quá trình cải tạo sân vận động, không ít lần cảnh báo Issac về khoản thấu chi ngân sách của dự án này. Chỉ khi đội bóng của Isaac lọt vào vòng loại trực tiếp cúp Stanley, thì số tiền thu lại từ việc bán vé vào cửa những dãy phòng xa hoa kia mới có thể bù lại chi phí xây dựng. Nếu không, ngân sách của công ty sẽ tổn hại nặng nề. Scott cố gắng ngăn cản ông sếp khó chiều, nhưng chỉ nhận lại những lời bác bỏ thẳng thừng. Sân vận động chính thức khai trương trở lại, Isaac tuyên bố đầy khoe mẽ rằng đây là “sân vận động đẹp nhất, rộng nhất, hiện đại nhất và xa hoa nhất thành phố.” Scott và các đồng nghiệp khác chỉ biết lắc đầu ngao ngán và cố mím môi ngậm miệng không nói lời nào.
Sân vận động mới thua lỗ rất nhiều tiền. Chi phí trả nợ, duy trì đội bóng và điều hành sân vận động lớn hơn quá nhiều so với khoản tiền thu lại từ việc bán vé vào cửa cũng như phí dịch vụ tại các phòng hạng sang. Như thường lệ, Isaac từ chối nhận trách nhiệm cho quyết định của bản thân và đổ lỗi lên toàn thể nhân viên trong công ty. Scott phải nghiến răng chịu đựng những lời lăng mạ của Issac vì anh biết đấy là một phần trong công việc của mình.
Một ngày nọ, trong buổi họp lãnh đạo cấp cao của công ty, Isaac đến muộn. Anh xông thẳng vào phòng họp, vung vẩy bản báo cáo chi phí mới nhất và gào thét inh ỏi. Anh trút cơn phẫn nộ của mình lên Scott Hendricks, “Cái quái gì đây? Tôi đã bảo với anh là chúng ta nên cắt giảm chi phí cho những dãy phòng hạng sang đó rồi. Đầu của anh dùng để làm cái khỉ gì đấy? Đồ rác rưởi vô dụng.”
Scott hiểu rằng anh không nên thách thức ông chủ, nhưng sự kiên nhẫn của anh cũng có giới hạn. “Isaac, không biết bao nhiêu lần tôi đã cảnh báo anh về khoản thấu chi đó rồi, nhưng anh đâu có nghe.” Anh bình tĩnh lật lại biên bản các cuộc họp trước, các bản ghi chép và báo cáo, tất cả đều minh chứng cho sự thật anh vừa nói. Tuy nhiên, lời khẳng định của Scott càng khiến Isaac nổi điên lên và công kích anh. Isaac liên tục trách móc, đổ trách nhiệm, sỉ nhục Scott trước mặt các đồng nghiệp khác trong suốt hơn một tiếng đồng hồ. Không thể tiếp tục chịu đựng thái độ khinh khi, luôn tự cho mình là đúng và những lời lẽ công kích cá nhân từ Isaac, Scott đã xin thôi việc ngay trong ngày hôm đó.
Cách đối phó với kẻ Ái kỉ Luôn-đúng
Những kẻ Ái kỉ Luôn-đúng thường không chịu lắng nghe lí lẽ, những lập luận logic, kể cả khi có bằng chứng xác thực. Họ dùng sự khinh thường và cơn phẫn nộ để củng cố vị trí của bản thân cũng như bác bỏ ý kiến của những người phản đối mình. Khi cảm thấy những sai lầm hoặc thất bại của chính mình đe dọa cái-tôi-luôn-đúng của bản thân, họ nhanh chóng đổ hết mọi lỗi lầm lên những người khác. Thay vì tự trải nghiệm nỗi hổ thẹn ở bản thân, họ buộc những người xung quanh phải gánh chịu nó thay mình bằng cách lớn tiếng la mắng và nói những lời cay độc.
Nếu chấp nhận làm việc với những kẻ Ái kỉ Luôn-đúng có nghĩa là bạn phải chấp nhận những quy tắc “bất thành văn”, nghĩa vụ của bạn là trở thành lá chắn bảo vệ họ trước nỗi hổ thẹn hạt nhân bên trong họ. Bạn sẽ thường xuyên phải nhận trách nhiệm cho những lỗi lầm họ gây ra. Hết lần này tới lần khác, bạn phải nhẫn chịu cảm giác tủi hổ để họ có thể bảo vệ cái tôi hoàn hảo của bản thân. Rất khó để bạn nói chuyện lí lẽ gì với những người Ái kỉ Luôn đúng này. Họ không để vào tai những lời khẳng định từ người khác, dù có là sự thật. Họ cũng chẳng bao giờ chịu thay đổi. Nếu bạn có bao giờ nảy ra suy nghĩ rằng họ đang đối xử với bạn một cách quá mức bất công thì hãy nhớ rằng:
Trong thế giới quan Ái kỉ, sự công bằng chân thực chẳng khác nào truyện cổ tích.
Tôi có quen một nữ luật sư tranh tụng, từng làm việc với một kẻ Ái kỉ Luôn-đúng. Anh ta thường xuyên đổ lỗi cho cô vì những sai phạm của mình. Ban đầu, cô phản ứng rất mạnh trước những lời chỉ trích bất công của anh ta. Nhưng hành động phản kháng đó khiến anh ta càng công kích gay gắt hơn và tuôn ra một bài “diễn văn kể tội” dài với thái độ đầy phẫn nộ. Cuối cùng, cô học được một điều rằng cách xử lí tốt nhất trong hoàn cảnh này là gật đầu cho qua, nhận trách nhiệm và nói đôi lời xin lỗi đơn giản. “Tôi thực sự xin lỗi. Liệu có điều gì tôi có thể làm để sửa chữa lỗi lầm này không?” Cách tiếp cận này sẽ dập tắt ngọn lửa hung hăng trong anh ta, để yên bình cô nên ngậm bồ hòn làm ngọt.
Khi kết bạn với những người Ái kỉ Luôn-đúng:
Hãy luôn chứng tỏ mình là một người đồng đội đáng tin cậy, luôn sẵn sàng ủng hộ cái tôi hoàn hảo của họ, bạn sẽ an toàn trước họ. Bạn cần học cách lắng nghe, học cách đồng cảm mỗi lần họ kể xấu một ai đó, ngay cả khi bạn tin rằng người đó không hoàn toàn có lỗi như trong lời họ kể. Hãy nhớ đừng chỉ trích họ. Có thể bạn tin rằng một tình bạn chân thành cần xây dựng từ những lời thành thực, nhưng đó không phải là điều mà những kẻ Ái kỉ luôn đúng muốn nghe. Hãy cân nhắc thật kĩ, liệu tình bạn này có thực sự làm bạn hài lòng. Liệu nó có xứng đáng với việc bạn cắn răng chịu đựng? Liệu bạn có thực sự muốn dành thời gian quý báu của mình vào việc cố không nói những điều mình muốn nói?
Trong các mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi cả hai lí tưởng hóa lẫn nhau, có thể bạn sẽ khó nhận ra liệu đối phương có phải là một kẻ Ái kỉ Luôn-đúng hay không. Nếu bạn quá mải mê tận hưởng cảm giác trở thành một người hoàn hảo trong mắt đối phương, có thể bạn sẽ không lưu tâm đến những lời phán xét hà khắc họ áp đặt lên những người khác. Nếu không tỉnh táo, mong muốn ủng hộ những người thân yêu của bạn sẽ xóa nhòa sự hoài nghi dành cho tính công bằng của họ. Nếu thường xuyên bất đồng quan điểm, bạn có thể trở thành mục tiêu công kích của họ. Sự biến chuyển bất ngờ trong thái độ của đối phương, từ lí tưởng sang trạng thái cục cằn, thô lỗ có thể tạo cho bạn một cú sốc tâm lí không hề nhỏ. Thậm chí, bạn sẽ mất kha khá thời gian tiếc thương cho những lãng mạn mộng mơ bị thực tế phũ phàng đập cho vỡ vụn.
Sau một cuộc cãi vã dữ dội, có thể họ lấy lại cảm giác an toàn về danh tính của bản thân và tỏ thái độ hối lỗi, cố gắng tái thiết lập trạng thái lí tưởng. Hãy cân nhắc thật cẩn thận. Bạn có thể tha thứ cho họ, tự lừa dối bản thân rằng cuộc cãi vã vốn chỉ xuất phát từ một hiểu lầm nho nhỏ, những xích mích ngoài ý muốn sẽ không bao giờ tái diễn. Giống như trường hợp của Alexis, sau mỗi lần vùi dập lòng tự tôn của cô, Neal đều gửi tặng cô một bó hoa đính kèm tấm thiệp đầy những lời văn hoa lãng mạn để cầu xin cô tha thứ. Cô phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra những điều Neal làm, trông có vẻ đầy thành ý nhưng bản chất ái kỉ ở anh không bao giờ thay đổi.
Hãy nhớ những lời công kích và phán xét luôn gắn liền với những kẻ Ái kỉ Luôn-đúng. Đừng để những khao khát về một tình yêu lí tưởng che mắt. Đừng mù quáng ôm ảo tưởng hão huyền rằng, người mình yêu rồi một ngày sẽ thay đổi và cuộc tình giữa hai người sẽ lại lãng mạn như xưa. Giống như những nhóm Ái kỉ Cực đoan khác:
Tuýp người Ái kỉ Luôn đúng rất hiếm khi thay đổi. Thay vào đó, mức độ gay gắt khi đổ lỗi, thái độ khinh thường hay những cơn nóng giận của họ ngày càng tăng lên, tất cả chỉ nhằm củng cố cái tôi hoàn mĩ giả tạo của họ. Bạn sẽ là người trả giá cho lựa chọn của mình, hoặc ở bên hoặc rời xa, hoặc chấp nhận đau thương, hoặc yên bình hạnh phúc.