Kẻ Ái kỉ Hận thù
Câu chuyện The Cask of Amontillado (Thùng rượu Amontillado) của tác giả Edgar Allen Poe kể về anh chàng Montresor. Lợi dụng lòng tin của Fortunato, anh ta dụ người bạn này xuống hầm rượu của mình. Tại đó, hắn chuốc say Fortunato bằng những li rượu vang hảo hạng, rồi xích người bạn vào một hốc tường, lấy gạch lấp kín lối ra và bỏ mặc nạn nhân cho tới chết. Câu nói đầu tiên mở ra bộ truyện đã hé lộ động cơ của tên sát nhân: “Fortunato đã làm ta tổn thương không dưới ngàn lần, ta đã chịu đựng tất cả, nhưng hắn lại dám cả gan nhục mạ ta, cho nên, ta thề sẽ báo mối thù này.”
Giống như nhân vật Montresor, tuýp người Ái kỉ Hận thù coi mọi tổn thương “lòng kiêu hãnh quý báu” của mình đều là thù hằn cá nhân và sẽ trả đũa một cách tàn độc. Họ đặc biệt nhạy cảm và thường cảm thấy bản thân đang bị xúc phạm dù chẳng ai cố ý làm vậy. Thái độ hằn học của họ trước những lời nhận xét vô tư thường khiến người xung quanh cảm thấy bối rối.
Như tôi đã nói, con người có xu hướng đổ lỗi cho sự tồn tại của một vật, một cá thể là nguyên nhân cho sự việc, dù trên thực tế nhân vật đó không tồn tại. Chúng ta thường tin rằng buộc phải có một ai đó chủ đích gây ra cảm xúc mình đang chịu đựng. Tôi cũng đã nói về sự cáu kỉnh mà đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy và xu hướng coi những người xung quanh chính là nguyên nhân khiến bạn tức giận. Dù họ làm gì cũng tựa như đang cố tình chọc tức ta.
Khi cảm nhận được nguy cơ phải thực sự đối mặt với nỗi hổ thẹn vô thức của mình, những người Ái kỉ Hận thù thường cho rằng mình đang bị tấn công. Nỗi hổ thẹn hạt nhân là một nỗi thống khổ không thể nói thành lời. Theo nguyên lí quy chụp sai lầm, họ có xu hướng tin rằng một ai đó khác đã cố tình gây ra cho họ nỗi đau này. Vì lẽ đó, họ có thể cho rằng bạn đang có chủ ý công kích họ, dù bạn chỉ vô ý thực hiện một hành động hay nói một lời có khả năng khơi gợi nỗi hổ thẹn trong họ.
Bạn có thể nghĩ rằng đấy là một phản ứng hơi thái quá và muốn tranh luận: “Tôi không hề có ý đó!” Song, giống như thái độ lãnh đạm của Montresor khi lấp kín hốc tường, mặc cho Fortunato có van xin thảm thiết, những cá nhân Ái kỉ Hận thù cũng bỏ ngoài tai lời giải thích của bạn. Có thể họ còn nổi xung và buông lời xỉ vả để trả đũa bạn, hoặc họ ngấm ngầm lên kế hoạch tiêu diệt bạn.
Do tâm lí hơn thua, tuýp người Ái kỉ Cực đoan rất khó chấp nhận thất bại, dù là chơi đùa hay trong hoạt động thể thao hằng ngày. Sự thất bại trong cạnh tranh có thể khiến họ phải đối diện trực tiếp với cảm giác hổ thẹn. Khi đó, họ cảm thấy bản thân đang bị tấn công và phản ứng bằng các biện pháp phòng vệ Ái kỉ, như bạn đã biết.
Tuýp người Ái kỉ Cực đoan thường từ chối nhận trách nhiệm cho thất bại của mình, đổ lỗi cho đồng đội hoặc cáo buộc rằng đối thủ đã gian lận. Họ thường ẩn mình bằng thái độ thượng đẳng hay khinh thường đối phương, nổi nóng điên cuồng và công kích đối phương theo những cách đậm chất thù hằn.
Như DP Wong, anh quay ra nhiếc móc đạo diễn mỗi lần anh diễn hỏng một cảnh quay, như kẻ thua không dám nhận mình thua. Anh cảm thấy nỗi hổ thẹn dâng lên trong mình, nhưng lại tìm cách trút lên những người xung quanh với lời lẽ cục cằn. Một vài vận động viên quần vợt chuyên nghiệp cũng thường lên mặt báo vì thái độ ngạo mạn và hành vi xúc phạm trọng tài, cộng đồng người hâm mộ của môn thể thao này gọi họ là “những kẻ cay cú”. Mỗi lần nhận kết quả phân xử không như mong muốn, họ sẽ cố gắng làm bẽ mặt trọng tài, tỏ thái độ khinh thường và che giấu cảm xúc thực sự của mình bằng cơn phẫn nộ không chút lí lẽ, không cần biết đúng - sai. Họ cảm thấy mình như đang bị ngược đãi, nên đáp trả bằng cách công kích trọng tài với thái độ thù hằn.
Những kẻ Ái kỉ Hận thù cũng thường xuyên xuất hiện nơi công sở. Với thái độ cạnh tranh khốc liệt, họ luôn nghĩ rằng mình đang bị kẻ thù bao vây, nảy sinh tâm lí đố kị mỗi khi thấy ai đó thành công. Họ thường cảm thấy bị tổn thương hay bị xúc phạm trong khi không có ai muốn động chạm tới lòng tự tôn của họ. Nếu một đối thủ cạnh tranh trở nên mạnh hơn, kẻ Ái kỉ Hận thù sẽ tìm mọi cách để phá hủy sự nghiệp của người đó, hoặc đẩy anh/cô ta ra khỏi công ty nơi mình đang làm việc. Thậm chí, lòng hận thù của họ có thể tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài sau khi “kẻ họ coi là có thù” đã từ bỏ hoặc bị sa thải khỏi công ty.
“Anh sẽ không bao giờ có cơ hội kiếm được việc làm ở thị trấn này nữa đâu”
Suốt sáu năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, Tyler McOwen làm việc cho bộ phận tiếp thị của tập đoàn Barron’s Inc. và trở thành một chuyên gia xây dựng thương hiệu trực tuyến. Anh luôn được đánh giá cao trong công việc và có kết quả làm việc tốt, thăng tiến rất nhanh và hiện đang là người đứng đầu một nhóm công nghệ, điều hành trang web của công ty, tiếp thị qua email và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Trong thời gian làm việc tại Barron’s, Tyler giữ mối quan hệ tốt với cả đồng nghiệp lẫn cấp trên của mình. Khi trưởng phòng tiếp thị tuyên bố nghỉ việc, Tyler đề xuất với các lãnh đạo cân nhắc anh cho vị trí này, dù thực lòng anh nghĩ bản thân không có quá nhiều cơ hội. Anh biết mình không đủ bằng cấp cũng như kinh nghiệm để đảm nhận chức vụ này.
Thay vì thăng chức cho Tyler, công ty thuê một trưởng phòng tiếp thị khác từ đối thủ cạnh tranh. Khi đó, anh đang đi công tác tại một hội chợ thương mại. Anh không có cơ hội chào đón vị lãnh đạo mới này và cũng chưa từng biết đến ông ta trước đây. Ngày làm việc đầu tiên sau chuyến công tác, trên đường đến văn phòng, anh đã bị Phil ngăn lại. Tyler cũng không nhận ra sếp mới.
Phil nói: “Tôi cần báo cáo chiến dịch tiếp thị mới nhất trên Twitter ngay bây giờ. Tôi cần nó cho cuộc họp chiều nay với chủ tịch.”
Tyler nói với vẻ bối rối: “Tôi xin lỗi. Ông là…?”
Vừa nói dứt lời, Tyler nhận ra người đàn ông đang đứng trước mặt mình là ai. Trông Phil có vẻ như vừa phải nghe điều gì xúc phạm ghê gớm lắm. Ông lùi lại một bước, trên mặt hằn lên vẻ khinh thường.
Phil ngắt lời: “Là sếp của anh đấy, thiên tài ạ. Tôi muốn thấy nó trước trưa nay.”
Ông ta nói rồi quay lưng đi thẳng. Khi nộp bản báo cáo, Tyler cố gắng xin lỗi nhưng Phil hoàn toàn bỏ ngoài tai. Kể từ đó, Tyler cảm thấy dường như chẳng điều gì anh làm có thể khiến sếp mới hài lòng. Anh đệ trình kế hoạch đăng một loạt các bài hướng dẫn trên trang chủ của công ty, Phil đã ngay lập tức bác bỏ.
“Thay vì làm theo cách này, chúng ta nên phát triển thêm nhiều nội dung dưới dạng video.”
“Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi từng đề đạt ý tưởng này trước đây. Nhưng vấn đề chính ở đây là ngân sách, chúng ta không đủ tiền để làm như vậy.”
“Chuyện tiền nong cứ để tôi lo. Anh làm một bản kế hoạch rồi mang tới đây cho tôi.”
Tyler cảm thấy thật hào hứng. Cuối cùng, anh cũng được sản xuất video đăng lên trang web của công ty. Anh từng bàn bạc ý tưởng này rất nhiều lần cùng một người bạn đang điều hành một doanh nghiệp quảng cáo nhỏ. Đấy là một công ty chuyên sản xuất những đoạn phim quảng cáo với giá cả phải chăng ở địa phương. Sau cuộc họp, anh làm việc chăm chỉ suốt nhiều ngày để phát triển bản đề xuất một loạt video ngắn với độ dài 60 giây, kèm theo đó là dự toán ngân sách chi tiết. Song, khi tận tay giao thành quả đó cho cấp trên Phil, anh không nhận được gì hơn ngoài một câu hỏi ngược đầy lãnh đạm: “Cái gì đây?”
“Bản kế hoạch về nội dung quảng cáo bằng video đăng tải trên trang chủ của công ty mà ngài đã yêu cầu đấy ạ.”
Phil vứt trả nó cho Tyler. “Không có đủ ngân sách đâu.” “Nhưng ngài nói sẽ lo chuyện đó mà.”
“Tôi chưa từng nói cái gì kiểu như thế cả.”
Tyler giận run người nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Anh vừa bước ra khỏi cửa, Phil đã gọi giật lại. “McOwen này, tôi nghe nói anh từng đề xuất mình vào vị trí hiện tại của tôi phải không?”
Tyler quay lại và thấy nụ cười đắng thắng đầy ngạo mạn của Phil. Anh nói: “Tôi nghĩ người giỏi hơn đã chiến thắng.”
Nụ cười của Phil càng mở rộng. “Thẳng thắn quá nhỉ. Cám ơn anh, McOwen. Anh có thể đi được rồi.”
Hôm đó, Tyler quá tức giận tới nỗi lỡ đưa ra một quyết định sai lầm. Không cho bản thân đủ thời gian để bình tĩnh lại, anh gửi một bức email kèm theo bản đề xuất kế hoạch mới của mình cho chủ tịch tập đoàn. Bức thư có nội dung: “Tôi biết trong các cuộc thảo luận trước đây, việc quảng cáo bằng video có vẻ hơi đắt đỏ, nhưng tôi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí xuống mức phù hợp. Mong ngài hãy xem xét bản đề xuất và dự toán ngân sách tôi gửi kèm dưới đây.”
Ngay ngày hôm sau, Phil xộc thẳng vào văn phòng của Tyler, gào thét ầm ĩ, lớn tiếng tới mức đủ để cả tầng nghe thấy. “Anh dám làm cái trò lén lút chết tiệt sau lưng tôi, nếu anh báo lên cấp trên như vậy lần nữa, tôi sẽ moi ruột anh ra đấy. Tôi sẽ phanh thây anh ra rồi vứt trên sàn cho chảy máu đến chết đấy, thế đã đủ rõ ràng cho một thằng khốn khiếp như anh chưa? Anh nghĩ anh là cái thá gì mà dám trèo lên đầu lên cổ tôi như thế? Thằng nhãi con đốn mạt.”
Tyler nghẹn lời chẳng nói được câu nào. Anh từng chịu đựng không ít cơn nóng giận hay thịnh nộ trước đây, cuộc đời này chẳng bao giờ thiếu những con người với cái tôi quá khổ như thế, nhưng những lời lăng mạ anh vừa hứng trọn ở một cấp độ hoàn toàn khác. Tyler lắp bắp: “Ông không nên nói chuyện kiểu ấy.”
“Tôi thích nói với anh kiểu quái nào chẳng được.” Phil gầm gừ, rồi quay lưng bước ra khỏi phòng làm việc của Tyler, không quên đóng sầm cánh cửa.
Tình hình ngày một tệ hơn. Phil không ngừng gửi email giục anh liên tục báo cáo tiến độ công việc, rồi trả lời lại bằng những lời chế giễu thô tục. Ông ta thường xuyên tổ chức họp mặt nhân viên đội tiếp thị, nhưng không báo cho anh. Những buổi họp Tyler tham gia, Phil thường xuyên tỏ thái độ khinh thường anh trước mặt mọi người, chế giễu mọi ý tưởng anh đề xuất. Khi nhìn quanh bàn họp để cầu cứu các đồng nghiệp khác, Tyler chỉ nhận lại những cái cúi gằm và không gì khác. Tất cả họ đều sợ Phil và không muốn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của ông ta.
Suốt một thời gian dài sau đó, Tyler gặp rất nhiều vấn đề về giấc ngủ. Anh không thể ngủ vào buổi đêm và cảm thấy nôn nao mỗi sáng trước khi đi làm. Khi nghe rằng mình sẽ có một chuyến công tác tới Los Angeles tham dự một buổi triển lãm thương mại, anh thở phào nhẹ nhõm vì không phải đến văn phòng. Song, dù ở Los Angeles, anh cũng không thể thoát khỏi bàn tay ma quỷ của Phil. Ông ta thường xuyên gửi email hạch sách và bắt anh nộp báo cáo mỗi ngày, ghi lại hết những việc anh làm, chính xác tới từng giây. Khi Tyler trở về, Phil yêu cầu anh lập tức nộp một bản báo cáo chi tiêu chi tiết và tìm cách bắt bẻ từng khoản chi đó. Ông ta không duyệt hoàn tiền đi taxi từ sân bay về khách sạn cho Tyler và nhấn mạnh rằng đáng lẽ ra anh nên đi xe buýt miễn phí của khách sạn.
Tyler căng thẳng vô cùng, anh quyết định liên hệ với Belinda – trưởng phòng nhân sự của Barron’s. Tuy nhiên, cô không thể hiện chút thông cảm nào trước tình trạng khốn đốn của anh.
“Nếu ông ấy cư xử tệ đến vậy, thì tại sao tôi chưa nhận được ý kiến phàn nàn từ bất kì ai khác ngoài anh nhỉ?”
“Vì tất cả họ đều quá sợ ông ta.”
Belinda liếc mắt nhìn anh với vẻ hoài nghi: “Anh đã thử trò chuyện thẳng thắn với ông ấy về cách ông ấy đối xử với anh chưa?”
Tyler cười khẩy và nói với giọng mỉa mai: “Cô không nói lại Phil đâu. Cô chỉ được phép nghe thôi. Và đúng vậy, tôi từng thử làm điều đó trước đây rồi.”
“Tôi sẽ thử xem mình có thể làm gì.” Belinda nói.
Nghe vậy, anh hiểu ngay rằng mình vừa lãng phí thời gian vô ích. Anh nói với vẻ tuyệt vọng: “Tôi vẫn giữ các email. Tôi cũng có nhân chứng nữa. Tôi có thể chứng minh rằng tất cả những gì mình vừa nói đều là sự thực.”
Anh chợt khựng lại. Từ cái nhìn của Belinda, Tyler nhận ra anh vừa tự biến mình thành một nhân viên rắc rối, nhiều khả năng sẽ đâm đơn kiện công ty. Giờ họ không còn là đồng đội của anh nữa, mà đã trở mặt thành thù.
Ngay sau đó, Tyler xin ý kiến cố vấn của một luật sư và nhận được lời khuyên rằng, anh nên ghi chép lại các cuộc nói chuyện có tính xúc phạm đó, đồng thời lưu trữ những trao đổi qua email giữa họ. Anh ta cũng khuyên Tyler nên tìm kiếm một công việc khác.
“Nhưng thế cũng có nghĩa là gã khốn kiếp đó sẽ thắng.” Tyler phản đối.
“Đừng cố ăn miếng trả miếng. Tôi khuyên thật đấy. Anh không thắng nổi đâu.”
Cuối cùng, lại một lần nữa bị Phil chế giễu trước mặt mọi người, Tyler không thể tiếp tục chịu đựng thêm và quyết định xin thôi việc. Anh thông báo cho công ty trước hai tuần, đồng thời liên hệ với một người làm dịch vụ săn nhân tài. Cô đảm bảo với Tyler rằng, với kinh nghiệm và kĩ năng của anh thì việc kiếm một công việc mới sẽ chẳng mấy khó khăn. Song, khi gửi đơn xin việc tới một vài công ty, đợi mãi vẫn không có phản hồi nào. Hi vọng tìm việc mới vơi đi đáng kể. Cô nói với Tyler: “Cấp trên gần nhất của anh đánh giá anh khá tệ. Tôi đoán ông ta đang cố tình gây khó dễ cho anh đấy.”
Tối hôm đó, trở về nhà, Tyler nhận được một email từ Phil: “Anh sẽ không bao giờ có cơ hội kiếm được việc làm ở thị trấn này nữa đâu.” Kèm theo một hàng kí tự mặt cười độc ác phía dưới thay cho chữ kí.
Quá tuyệt vọng, Tyler quay lại gặp luật sư của mình. Họ gửi một bản báo cáo hoàn chỉnh về sự việc này cho ban nhân sự của Barron’s, kèm theo loạt email gây hấn và kết thúc với lời đe dọa từ Phil. Trong thư ngỏ, người luật sư có ý thông báo rằng, họ sẽ đệ trình đơn kiện lên tòa án với tội danh cố ý gây tổn thương về mặt tinh thần. Cuối cùng tập đoàn Barron’s phải nhượng bộ, đồng ý bồi thường thiệt hại về mặt tiền bạc, đồng thời cam kết phản hồi tích cực mọi yêu cầu tham khảo thông tin về anh.
Sau đó, Tyler có cơ hội đến làm việc tại một công ty khác. Nhưng vị thế của Phil tại Barron’s vẫn không hề lay chuyển.
***
Tương tự như nhóm Ái kỉ Luôn-đúng, tuýp người Ái kỉ Hận thù luôn coi mình là đúng. Nếu dám thách thức uy quyền của họ, bạn sẽ không chỉ là người sai, mà còn tự biến mình thành kẻ thù của họ. Họ không ngừng tấn công, thậm chí là tìm mọi cách để tiêu diệt bạn. Như luật sư của Tyler nói, ăn miếng trả miếng với những người Ái kỉ Hận thù cũng coi như bạn đã nhận sẵn một cái kết thua cuộc. Nó chỉ đẩy cao tình trạng căng thẳng và mâu thuẫn, chỉ để tìm ra người thắng.
Việc này cũng xảy ra trong những cuộc cãi vã giữa các cặp vợ chồng, trong đó có một người Ái kỉ Cực đoan. Tôi sẽ kể các bạn nghe về Adam. Vài tuần một lần, Adam đến phòng trị liệu trong tâm trạng tuyệt vọng sau trận cãi nhau nảy lửa với vợ mình, Lili. Họ thường cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt: Khi Adam phải làm thêm giờ và về nhà muộn, nhưng quên không gọi điện báo cho Lili. Khi hai người đạp xe cùng nhau, anh lỡ đi quá nhanh và bỏ cô phía sau. Khi anh quá hào hứng tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và cô cho rằng anh chỉ quan tâm đến tiền bạc và địa vị. Cô gào khóc tham thiết mỗi lần như vậy: “Anh nghĩ em không đủ tốt chứ gì!”
Nếu Adam giải thích cho mỗi việc anh làm, Lili càng to tiếng chỉ trích hơn. Thay vì “Anh chỉ quan tâm đến tiền bạc và địa vị”, cô nâng cấp thành “Anh chẳng hiểu gì về tình yêu cả. Chưa bao giờ anh hiểu.” Nếu quên không thông báo cho cô khi phải làm việc quá giờ, cô sẽ nói “Em không thể tin được anh lại ích kỉ như thế! Anh chẳng bao giờ biết nghĩ cho ai ngoài chính bản thân anh cả!” Cô còn bảo Adam rằng anh cố ý làm cô bẽ mặt, anh muốn phô diễn sức khỏe và sức bền của mình khi đạp xe: “Sao anh háo thắng quá thế! Trong đầu anh chỉ có thắng với thua thôi!” Trong những cuộc cãi vã nhuốm màu hổ thẹn, kẻ Ái kỉ Cực đoan thường dùng những từ ngữ mang tính tuyệt đối: không bao giờ, luôn luôn, không có gì,... để nhấn mạnh lỗi lầm của đối phương.
“Thật không công bằng, anh làm gì có ý đó!” Adam phản đối. Hành động này chỉ khiến thái độ của Lili càng thêm căng thẳng. “Chết tiệt, thế là bao nhiêu năm cuộc đời của tôi đổ sông đổ bể cả rồi! Tôi muốn li hôn!”
Qua một, hai ngày, hai bên im lặng đến não nề, Lili sẽ quên ngay cuộc cãi vã hôm trước cùng tất cả những lời cay độc cô đã nói. Cô cũng không nhớ rằng mình đã đòi li dị với Adam. Vào những thời điểm khó ngờ tới nhất, anh sẽ nhận được những tin nhắn ngọt mật. Hoặc về nhà và Lili đã chuẩn bị sẵn sàng một bữa tối lãng mạn dưới ánh nến lung linh và những bó hoa tuyệt đẹp. Cô không còn nhắc tới những ngày im lặng vừa qua nữa, cô cư xử như thể mình chưa bao giờ thôi say đắm anh, thậm chí còn tự gọi mình là cô gái may mắn nhất trên đời.
Cái tính sớm nắng chiều mưa đến mức cực độ của Lili là biểu hiện của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ranh giới, nhưng cùng lúc đó, tính Ái kỉ của cô cũng rất rõ ràng. Cô thường xuyên cảm thấy hổ thẹn và tự dằn vặt mình. Cô lớn lên trên chiếc xe moóc đỗ trong khu tập trung nhà lưu động. Năm 17 tuổi, cô có thai và phải bỏ học để kết hôn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của cô gái trẻ chỉ kéo dài vài năm, rồi nhanh chóng kết thúc đầy nghiệt ngã, để lại phía sau một trận chiến pháp lí dai dẳng về vấn đề trợ cấp con cái. Ngược lại với đó, Adam đến từ một gia đình toàn vẹn và có gia giáo. Anh có bằng cao học và rất thành công trong sự nghiệp.
Trong vô thức, Lili cảm thấy mình là một kẻ thất bại, nhưng lại không thể chịu nỗi đau bắt nguồn từ nỗi hổ thẹn sâu kín này. Vì lẽ đó, cô luôn phòng vệ trước những tổn thương Ái kỉ, sẵn sàng tỏ thái độ hằn học khi ai đó chạm đến lòng tự ái của mình. Khi nỗi hổ thẹn bắt đầu nhen nhóm giữa cuộc hôn nhân của họ, nó khuấy động tâm lí hơn thua ở cô, cô cho rằng Adam đang cố ý làm mình bẽ mặt. Một khi đã tham chiến, cô sẽ tìm mọi cách để giành chiến thắng, kể cả phải chà đạp lên lòng tự trọng của Adam. Nói cách khác, qua những hành vi đầy thù hằn của mình, cô trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và nỗi hổ thẹn bên trong mình lên người chồng tội nghiệp.
Tôi sẽ tiếp tục kể cho các bạn câu chuyện về Alexis và Neal. Alexis cũng phải chịu đựng thái độ biến đổi khó lường của chồng mình, Neal thay đổi nhanh chóng và liên tục, từ lí tưởng sang xa lánh và lãnh đạm. Lúc hai người mới quen nhau, Neal hết lòng yêu thương và chiều chuộng cô, tặng cô rất nhiều hoa, quà cáp và cùng cô đi du lịch. Dần dần, cô cũng nhận ra rằng trong mắt anh ta, cô chỉ là một kẻ thấp kém hơn. Anh ta thường xuyên kể về cha mẹ mình như những người có học ưu tú, với cuộc hôn nhân hoàn hảo kéo dài hơn 30 năm. Trong khi, Alexis có một gia đình tan vỡ, cô lớn lên dưới sự nuôi dạy của một bà mẹ Ái kỉ Cực đoan và có nhiều biểu hiện rối loạn lưỡng cực. Bà qua đời do uống quá nhiều rượu. Alexis cũng chưa từng học đại học.
Một lần, trước khi hai người chính thức kết hôn, họ có một cuộc cãi vã lớn. Neal đã lộ rõ tính nết cộc cằn và hung ác khi Alexis cả gan chỉ trích hành vi bốc đồng của anh. Anh ta gọi cô là “kẻ thất bại khốn nạn” và “cái thứ rác rưởi khu ổ chuột.” Khi thấy cô không chịu nhượng bộ, anh ta nhắm thẳng vào nhược điểm lớn nhất của cô: “Cô bị điên rồi, đúng là mẹ nào con nấy. Cô thực sự cần được giúp đấy.”
Những kẻ Ái kỉ Hận thù thường có khả năng nắm bắt chính xác nhược điểm của đối phương.
Khi Alexis nói lời chia tay, Neal đã dành nhiều tuần trời để nối lại tình cảm với cô bằng rất nhiều hoa, quà cùng những email kể khổ. Cuối cùng, anh ta đã thành công.
Nhiều năm sau đó, Alexis cũng quyết định li hôn, Neal thể hiện thái độ thù hằn rõ rệt với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Anh ta khủng bố cô bằng email nặc danh, đe dọa sẽ phát tán tin đồn rằng cô là một con ả lang chạ. Một đêm nọ, sau nhiều lần bị cô từ chối cuộc gọi, Neal gửi rất nhiều tin nhắn thoại với chất giọng lè nhè của một kẻ say xỉn đang trong cơn phẫn nộ. Anh ta nói sẽ gửi tất cả những bức ảnh xấu xí nhất của cô cho những người họ quen biết. Anh ta cũng buộc tội cô vì đã không chung thủy và dọa sẽ hủy hoại danh tiếng của cô. Hết lần này tới lần khác, anh ta gọi cô bằng những từ ngữ thô tục, châm biếm như thứ rác rưởi da trắng, đồ vô giá trị... Với mong muốn trút bỏ tổn thương và nỗi hổ thẹn hạt nhân của mình lên người khác, Neal cố gắng hủy hoại lòng tự trọng của Alexis, khiến cô cảm thấy như cô là một kẻ thất bại.
Trong thời gian tìm hiểu nhau, Neal thường kể với Alexis rằng, anh ta là chàng trai nổi tiếng nhất ở trường thời còn đi học. Anh ta từng là đội trưởng của các đội thể thao trong trường, là chàng trai trong mơ của các nữ sinh. Tuy nhiên, sự thật Alexis nghe được từ một người bạn thời thơ ấu của Neal là, anh ta chỉ là một cậu bé nhút nhát, chẳng ai biết đến và thiếu hòa đồng. Cặp cha mẹ hoàn hảo của Neal hóa ra gắn với nhau bằng một cuộc hôn nhân sứt mẻ kiểu ông ăn chả, bà ăn nem, cãi vả xảy ra như cơm bữa. Ám ảnh với mặc cảm tự ti và khiếm khuyết, Neal tự vẽ ra một hình tượng hoàn hảo cho bản thân và sẵn sàng trở mặt thành thù nếu Alexis dám thách thức nó. Anh ta cố gắng hủy hoại danh tiếng và buộc cô phải gánh chịu nỗi hổ thẹn mà anh luôn tìm cách trốn tránh: Chính anh mới là kẻ thất bại đáng khinh.
Tất nhiên, không phải lúc nào những kẻ Ái kỉ Hận thù cũng thể hiện bản thân rõ ràng như vậy. Tính hung hãn của họ thường được ngụy trang rất kĩ, đôi khi khó thấy. Như người chồng cũ của Winona (tôi có nhắc tới ở chương trước) đã gửi một email với những lí lẽ xác đáng tới một vài thành viên đã được anh chọn lọc kĩ càng, bao gồm cả những cố vấn mục vụ từng cố gắng giúp họ cứu vãn cuộc hôn nhân này. Trong đó, anh ta tự miêu tả bản thân như một con chiên ngoan đạo của Chúa, anh bị vợ mình ruồng rẫy. Sau đó, anh ta bắt đầu bài bác Winona rằng tinh thần cô không ổn định, không tỉnh táo và gieo rắc nỗi hoài nghi về khả năng làm mẹ của cô. Tất cả đều thể hiện sự nghi ngại của anh. Anh ta cũng nhất quyết khẳng định mình vẫn còn yêu thương người vợ này, chỉ mong rằng cô nhận được sự trợ giúp thích đáng – thứ cô thực sự cần.
Kẻ Ái kỉ khi bị tấn công
Tuýp người Ái kỉ Cực đoan tự tạo ra một cái tôi giả mạo và không ngừng bảo vệ nó trước nỗi hổ thẹn hạt nhân ẩn sâu trong vô thức.
Trong quá trình này, họ thường phớt lờ, phá vỡ hoặc thay đổi mọi sự thật khách quan có khả năng đe họa tới hình ảnh của bản thân. Đôi khi, họ phóng đại, bóp méo sự thật, nhưng việc họ thường xuyên làm hơn cả là dối trá. Với những kẻ Ái kỉ Hận thù, việc chế ngự nỗi hổ thẹn và thôi thúc phải chứng tỏ bản thân là người chiến thắng là nguyên nhân chính đẩy họ ra xa khỏi sự thật.
Khi những lời dối trá đó có nguy cơ bị lật tẩy và nỗi hổ thẹn bắt đầu nhen lên, những cá nhân Ái kỉ Cực đoan cảm thấy rằng mình đang bị tấn công. Trong những trường hợp ít độc hại hơn, họ sẽ phản ứng như thể mình là nạn nhân của sự bất công, trốn tránh sự thật bằng cơn phẫn nộ và thái độ tự cho mình là đúng, hoặc than thân trách phận. Như cách Mark – chồng cũ của Winona tự coi mình là một con chiên ngoan đạo nhưng bất hạnh, từ lâu phải chịu đựng sự tâm thần giả tưởng của vợ mình, anh muốn người khác phải đồng cảm, thương hại mình. Trong những trường hợp nguy hiểm hơn, những kẻ Ái kỉ Hận thù có thể coi mọi hành vi có khả năng xâm hại đến “sự thật” của mình như một sự công kích và chắc chắn sẽ trả đũa. Thường thì cú đòn công kích này chỉ là một hành động vô ý, nhưng họ nghĩ là điều đó động chạm tới lòng tự ái của họ, như Tyler McOwen, anh đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi với sếp mới của mình, anh không nhận ra ông ta “ngay lần đầu gặp mặt”. Trong một số tình huống khác, những cá nhân Ái kỉ Hận thù lại cảm thấy bị công kích khi có ai đó không đồng ý với quan điểm của mình: Họ luôn luôn đúng, bất cứ ai có ý kiến khác sẽ bị coi là kẻ địch.
Đôi khi, những cá nhân Ái kỉ Hận thù có quyền lực, thường lợi dụng chức vụ của mình để trả thù những người bất đồng quan điểm, hoặc những người bị cho là đã ủng hộ mình với thái độ hời hợt. Hãy xem xét một trường hợp của Suzanne Makepeace. Cô là thống đốc của một tiểu bang thuộc miền Trung Tây Hoa Kì. Cô xuất thân trong một gia đình chính khách không mấy thành công và được chuẩn bị cho việc làm quan chức từ khi còn rất nhỏ. Ngay khi bắt đầu chạm tay vào quyền lực, cô đã dùng nó như một vũ khí để trừng phạt những kẻ dám đối đầu, chỉ trích hoặc không ủng hộ cô với sự nhiệt thành tuyệt đối mà cô đòi hỏi.
***
Cha của Suzanne, Jack chưa bao giờ nói rằng ông mong có một đứa con trai, nhưng bất cứ ai biết ông đủ rõ cũng thừa hiểu điều đó. Ông muốn con gái mình phải chơi bóng chày và tham gia thi đấu điền kinh như ông từng làm suốt thời trai trẻ. Ông kiên quyết bắt cô làm đại diện của hội học sinh. Ông mong cô trở thành một người cứng rắn và luôn có thái độ cạnh tranh trong mọi việc, giống như ông. Với ông, thất bại chưa bao giờ được coi là một phương án.
Gần như tuổi thơ của Suzanne luôn xoay quanh những điều ông muốn. Ông giữ chức thị trưởng của một thành phố nơi họ sinh sống. Dù vô cùng bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian tham dự các trận thi đấu bóng chày và điền kinh của cô con gái. Ông thường chất vấn quyết định của trọng tài, lớn tiếng cổ vũ Suzanne từ khán đài với một thái độ nóng nảy và thiếu kiên nhẫn. Khi đội của cô thắng hay giành được huy chương, ông không một lời khen ngợi. Nhưng nếu cô thất bại, ông sẽ chẳng thương tiếc mà bắt cô chạy thêm nhiều vòng quanh sân vận động sau khi sự kiện kết thúc.
Sau khi sinh Suzanne, mẹ của cô – Carla, bị sảy thai hai lần liên tiếp rồi quyết định không tiếp tục mang thai nữa. Bà bị trầm cảm nặng suốt nhiều năm, và chỉ vực dậy tinh thần khi tìm kiếm sự khuây khỏa trong đức tin tôn giáo. Như được “tái sinh”, bà cống hiến cả cuộc đời cho Chúa. Carla không mấy hứng thú với việc nuôi dạy con. Và thế, Suzanne lớn lên trong sự lãnh đạm của người mẹ và thái độ chuyên quyền, độc đoán của người cha.
Suốt thời niên thiếu, Suzanne nổi tiếng với thái độ cạnh tranh mạnh mẽ và thiếu tinh thần thể thao. Đối với cô, mọi trận thua đều là một mối tư thù. Cô thường chất vấn phe thắng cuộc với lời lẽ tục tĩu, tới nỗi cả đồng đội của cô cũng phải ngỡ ngàng. Cô chưa bao giờ là một học sinh quá xuất sắc và hoàn toàn mất hứng thú với chuyện học hành khi biết hẹn hò. Kết quả học tập của cô năm đầu phổ thông khá tệ, Jack phải nhờ vả rất nhiều người để đảm bảo rằng cô con gái không phải học lại một năm. Là một thị trưởng, Jack tận dụng các mối quan hệ của mình, đòi hỏi sự trợ giúp từ bạn bè hoặc những người từng mắc nợ ông trước đây.
Người đàn ông này cũng khét tiếng với hành vi trả thù những người dám chống đối lại mình. Lần nọ, một sĩ quan cảnh sát giao thông đã nhất quyết ghi vé phạt ông vì lái xe quá tốc độ, ngay cả khi ông lôi chức danh thị trưởng ra để dọa dẫm: “Anh có biết tôi là ai không?” Ngay ngày hôm sau, Jack cử một thanh tra sở xây dựng tới nhà của viên cảnh sát và phạt anh ta với một danh sách dài những vi phạm về luật xây dựng nhà ở. Lại một lần khác, một phóng viên cho đăng một bài viết đặc biệt gây bất lợi cho Jack, quá khứ nghiện heroin của ông xuất hiện trên sóng truyền hình địa phương. Trong các cuộc họp hội đồng thành phố để giải trình về vấn đề này, ông thường xuyên lớn tiếng nạt nộ và tranh cãi với những ủy viên hội đồng khác để bảo vệ ý kiến của mình.
Còn Suzanne, cuối cùng cô theo học chuyên ngành truyền thông tại trường cao đẳng của bang và cống hiến cả quãng đời sinh viên của mình cho các hoặt động của hội đoàn sinh viên. Giống như cha mình, cô là một thành viên trung thành của phe bảo thủ, thường xuyên xúc phạm các cộng đồng thiểu số trong trường và tỏ thái độ phân biệt chủng tộc không khoan nhượng. Vào năm cuối đại học, cô đã đính hôn với Tom Makepeace, một nam sinh viên nổi tiếng trong trường với biệt danh đệ nhất ăn chơi.
Sau khi kết hôn, quan điểm của cả Tom lẫn Suzanne đều ngày càng trở nên bảo thủ hơn. Họ gia nhập một hội giáo kì quặc, các thành viên phát ra những tiếng lạ trong quá trình lãm lễ. Suzanne sinh liên tiếp ba người con trong một khoảng thời gian ngắn. Trước mặt người ngoài và công chúng, đặc biệt là tại hội giáo, họ tỏ vẻ mình là một cặp đôi lí tưởng. Song, khi ở nhà, Tom và Suzanne thường xuyên cãi vã, buông lời dọa dẫm sẽ li hôn. Nguyên nhân chính của những mâu thuẫn này là từ thái độ thiếu hứng thú trong việc nuôi dạy con cái của Suzanne. Giống như mẹ mình, cô cảm thấy con cái chỉ là gánh nặng và bắt Tom phải gánh xác gia đình, bất chấp việc anh còn bận rộn với công việc tại công ty kinh doanh tiếp thị của gia đình. Trong khi Tom làm hầu hết công việc nấu nướng trong nhà, thì Suzanne mạnh dạn tuyên bố rằng mình là một bà mẹ nội trợ. Vào buổi tối, anh trở về nhà, Suzanne cũng không dành thời gian bên chồng mà chỉ ru rú trong phòng một mình, đọc những tạp chí như Vouge hoặc People.
Khi thấy hội đồng thành phố còn một ghế trống, Jack khuyến khích con gái mình tranh cử cho chức vụ này. Ông chẳng cần phải bỏ công thuyết phục cô. Quá chán ngán với đời sống gia đình cũng như nghĩa vụ làm mẹ, từ lâu cô đã chờ mong một công việc nào đó năng động và nổi bật hơn. Trong chiến dịch tranh cử, cô sử dụng những lời lẽ ám chỉ để bôi nhọ danh dự của các đối thủ cạnh tranh. Đáng lẽ, cô đã thua trong cuộc chiến quyền lực này kể cả khi có sự chống lưng của hội giáo. Nhưng cái chết đột ngột của cha cô hai tuần trước ngày bầu cử đã xoay chuyển hoàn toàn tình thế. Khả năng thao túng truyền thông lão luyện của cô, lợi dụng lòng cảm thông của công chúng giúp cô giành được chiếc ghế danh giá đó.
Là một ủy viên hội đồng, cô không hứng thú, cũng không hiểu biết về luật pháp và các chính sách của chính phủ. Dường như cô chú tâm nhiều tới việc trang trí lại văn phòng làm việc của mình, trò chuyện với giới truyền thông hơn là phục vụ tập thể cử tri của mình. Họ cũng dần vỡ mộng trước những tuyên bố hùng hồn, đầy cứng rắn của cô về những vấn đề liên quan tới thành phố. Lần bầu cử tiếp theo, một nữ doanh nhân nổi tiếng nhăm nhe vị trí của cô trong hội đồng, với một chiến dịch bầu cử tập trung vào một số vấn đề nổi cộm ở địa phương: hệ thống vệ sinh đang xuống cấp cũng như đề xuất về một chương trình chia sẻ xe đạp trong phạm vi thành phố.
Suzanne coi đây là một hành vi tư thù cá nhân và nảy sinh ý định trả đũa. Cô ngầm lan truyền tin đồn rằng đối thủ của mình đang ngoại tình với cảnh sát trưởng thành phố – một anh hùng chiến tranh người Mĩ gốc Phi. Lợi dụng lập trường ủng hộ quyền tự do phá thai của đối thủ, Suzanne cử những thành viên trong hội giáo của mình tới phá hoại các sự kiện của đối phương, hô vang khẩu hiệu “Satan vạn tuế!” và mang theo những bức ảnh cỡ lớn của những thai nhi bị phá bỏ. Đào sâu hơn nữa vào quá khứ của đối thủ, Suzanne phát hiện ra người phụ nữ này từng là thành viên của Liên đoàn Tự do Dân sự Mĩ. Kể từ đó, tại mọi sự kiện tranh cử, Suzanne đều hỏi với vẻ bối rối giả tạo: “Cô còn định chống phá Hoa kì bằng cách nào nữa đây?”
Cuối cùng, Suzanne thua suýt soát trong cuộc bầu cử, phần lớn do công chúng cảm thấy phản cảm với thái độ tranh cử quá gay gắt của cô. Cô bị trầm cảm nặng suốt nhiều tháng sau đó. Cô ăn vặt và giết thời gian bằng các chương trình trò chuyện phát sóng trong ngày. Cho đến khi xem một chương trình đàm thoại quảng cáo một phương pháp giảm cân mới của một chuyên gia “biết tuốt”, cô quyết định tự sáng lập một chế độ ăn kiêng mới và trở thành người phát ngôn đại diện cho chính mình.
Cô đặt tên cho phương pháp mới này là “Ăn kiêng kiểu Mĩ”. Với sự giúp đỡ của một cây bút viết thuê, cô sáng tạo ra một hệ thống hướng dẫn giảm cân tập trung, đề cao các thế mạnh của ẩm thực Mĩ truyền thống, thêm vào đó những mục đích sống cho những giá trị “Toàn Mĩ”. Do không biết gì về nấu nướng, Suzanne sao chép hoàn toàn công thức món ăn từ những cuốn sách dạy nấu ăn cũ và không còn được xuất bản nữa.
Với kinh nghiệm dầy dặn trong ngành tiếp thị, Tom nhúng tay vào công cuộc quảng cáo cho vợ và cuốn sách mới của cô bằng một sê-ri chương trình giới thiệu sản phẩm. Cuốn sách The All-American Diet (Ăn kiêng kiểu Mĩ) của Suzanne Makepeace nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Cô như một vị anh hùng dân tộc trong lòng của hàng triệu độc giả. Cô rất được tôn trọng nhờ “vốn kiến thức” dân dã khổng lồ. Khi thống đốc của bang từ chức và cuộc đua tranh cử bắt đầu, Suzanne đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa. Cô lợi dụng danh tiếng của mình để chiến thắng cuối cùng. Ngày mà cô, Tom cùng ba đứa con dọn vào sống tại căn biệt thự dành riêng cho thống đốc là ngày hạnh phúc nhất đời cô.
Vừa bước chân vào văn phòng quyền lực nhất bang, cô bắt đầu một chiến dịch thanh trừng. Thường thì hầu như toàn bộ nhân viên bậc thấp tại văn phòng thống đốc vẫn sẽ giữ nguyên chức vụ của mình, dù đảng nào nắm quyền, nhưng trong nhiệm kì của Suzanne thì khác. Cô kiểm tra kĩ danh sách cử tri và sa thải tất cả những nhân viên theo đảng Dân Chủ. Những nhân viên này đều được xét vào dạng làm việc tự nguyện, do vậy, họ không có quyền phản đối quyết định sa thải này. Tất cả những vị trí đó được cô giao cho bạn bè thời thơ ấu của mình, thành viên của hội giáo cô tham dự và những người toàn tâm toàn ý ủng hộ cô.
Những nhân viên dưới quyền đều sợ hãi cơn thịnh nộ của Suzanne. Do vậy, không ai dám kể cho cô nghe về mối tình vụng trộm giữa Tom – chồng cô, và Rene Paulson – Chủ tịch Trung tâm Tiếp cận Kĩ thuật số (CDO), một tổ chức kết nối công nghệ giữa những người khá giả và các nhóm thành viên khó khăn hơn trong xã hội. Nguồn vốn tài trợ của CDO một phần từ những nhà hảo tâm dưới danh nghĩa cá nhân, một phần từ chính quyền bang. Khi biết sự thật, Suzanne ngay lập tức đòi ngưng trợ cấp cho tổ chức này.
Tham mưu trưởng của Suzanne nói rằng cô không có đủ quyền hạn để giữ lại số vốn đó, do khoản chi từ ngân sách đã được phê duyệt và có hiệu lực. Cô ngay lập tức sa thải anh ta. Cô liên tục yêu cầu người phụ trách tư pháp của bang phải mở cuộc thanh tra các khoản chi của CDO dù không nắm trong tay bất cứ chứng cớ sai phạm nào. Hết lần này tới lần khác, cô cử nhân viên liên lạc với phòng tư pháp với những lời cáo buộc nghe có vẻ hợp lí, nhưng lại không hề có cơ sở thực tế. Viên tổng chưởng lí đã cảnh cáo Suzanne rằng cô đang lạm dụng quyền lực của một thống đốc, nhưng cô vẫn khăng khăng với quyết định của mình.
Ở nhà, giữa Suzanne và Tom nổ ra một cuộc cãi vã lớn về chuyện ngoại tình của anh. Tom khăng khăng chối bỏ. Cô đe dọa sẽ li hôn, dù thực tế, cô không thể sống thiếu người chồng này. Tom không giữ chức vụ nào trong bộ máy của Suzanne, nhưng anh vẫn có một phòng làm việc riêng trong tòa thị chính và được tự do sử dụng cơ sở vật chất trong đó vào các mục đích phi chính phủ. Tom cũng là người chịu trách nhiệm quản lí hình ảnh công chúng của Suzanne và thương hiệu “Kiểu – Mĩ” đang phát triển mạnh mẽ.
Trong suốt nhiệm kì của mình, Suzanne gây thù chuốc oán khá nhiều và thẳng tay khủng bố tất cả những kẻ dám đối đầu bằng quyền lực của một thống đốc bang. Không may là thể chế tam quyền phân lập hết lần này tới lần khác ngáng đường cô. Các cơ quan lập pháp bang, dù dưới quyền quản lí của Suzanne, nhưng họ vẫn bác bỏ tất cả những chính sách cô đề xuất. Văn phòng tổng chưởng lí cũng từ chối làm theo mệnh lệnh của cô. Mặc dù đủ quyền hạn để sa thải những nhân viên “tự nguyện”, nhưng trong tòa thị chính vẫn còn quá nhiều nhân viên chính thức do bầu chọn và không thể bị đuổi việc tùy theo sở nguyện của cô.
Cuối nhiệm kì, cô xuất bản một cuốn sách mới và tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Dù bị cư dân trong tiểu bang khinh thường, nhưng danh tiếng của cô vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ – một bà mẹ “người Mĩ - gốc Mĩ” đã chia sẻ những sự thực chân thành nhất tới hàng triệu con người “thường nhật” khác. Với cuốn sách thứ hai này, một tác phẩm bán chạy nữa, giới truyền thông lại bắt đầu mở cửa vẫy gọi Suzanne. Mục tiêu tiếp theo của cô là trở thành người chủ trì của một chương trình đàm thoại. Cô cảm thấy như mình sắp trở thành một Ophra Winfrey thứ hai, được đông đảo công chúng yêu mến và nhờ đó trở nên giàu có.
Cách đối phó với kẻ Ái kỉ Hận thù
Những kẻ Ái kỉ Hạn thù thường thù dai, luôn nung nấu dã tâm báo thù và có khả năng gây tổn thương nặng nề đến địch thủ của mình. Do vậy, chúng ta cần hết sức tránh việc phải trở thành mục tiêu của họ. Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ là:
Không làm hay nói bất cứ điều gì có khả năng động chạm đến lòng tự ái hay khiến họ bẽ mặt. Hãy tránh phải đối đầu hoặc có mâu thuẫn trực tiếp với họ.
Ngay cả khi bực mình với thái độ háo thắng quá mức, hay sự dối trá của họ, bạn cũng nên tránh xung đột trực diện với những con người này. Không may là, chúng ta thường khó nhận biết liệu ai đó có thuộc tuýp Ái kỉ Hận thù hay không, cho tới khi mọi chuyện đã quá trễ và mối thù đã chính thức xác lập. Trong trường hợp này, nếu không thể hoàn toàn ngăn chặn hoặc hạn chế tiếp xúc, cách tiếp cận tốt nhất dành cho bạn là trên phương diện pháp lí.
Tyler McOwen đã lưu trữ lại những trao đổi qua email với ông sếp xấu tính, ghi chép cẩn thận mọi tương tác giữa hai người họ và dựa vào bên thứ ba làm nhân chứng chống lại hành vi tư thù của Phil. Alexis cũng ghi nhật kí để lưu trữ thông tin về những lần gặp mặt giữa mình và Neal trong quá trình làm thủ tục li dị. Cô sử dụng phần mềm định vị qua GPS trên điện thoại của con gái mình để xác định vị trí của cô bé cùng Neal mỗi lần anh ta tới thăm con. Bằng cách này, cô vạch trần những lời nói dối trước tòa của Neal về chuyện hai bố con đã đi những đâu. Hầu hết những kẻ Ái kỉ Hận thù đều nói dối rất trơn tru, bạn sẽ cần đến bằng chứng xác thực để có thể nói lên sự thực.
Hãy sẵn sàng trước cảnh bản thân bị biến thành một nhân vật phản diện. Với nỗ lực trả thù, kẻ Ái kỉ Hận thù có thể cố gắng hủy hoại danh tiếng của bạn tại nơi công sở, trong gia đình hoặc thậm chí là trong cả cộng đồng. Trong quá trình này, họ sẽ đặt điều dối trá trắng trợn. Dù bạn có cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng hãy nhớ, đừng ăn miếng trả miếng hay cố gắng xoay chuyển tình hình ngay lúc đó. Nếu thấy bạn đã tham gia vào cuộc chiến, họ sẽ tăng mạnh cường độ công kích và không từ mọi thủ đoạn để giành chiến thắng. Hãy là một người cao thượng và luôn đứng về phía sự thật. Những kẻ Ái kỉ Hận thù không thể vĩnh viễn che giấu bản chất thực sự của mình. Qua thời gian, họ sẽ tự bộc lộ bộ mặt thật của mình, và bạn sẽ được minh oan.
Đối với những kẻ Ái kỉ Hận thù, nỗi hổ thẹn luôn là một vấn đề nghiêm trọng. Dù rất cố gắng che giấu nhưng trong vô thức, họ luôn tồn tại mặc cảm tự ti, khiếm khuyết, cùng cảm giác sợ hãi trước tất cả mọi người và với chính họ. Công kích lòng tự trọng của bạn chính là biểu hiện cho nỗ lực trút nỗi hổ thẹn, sự tự ti của họ lên bạn.
Mỗi khi nhận được những tin nhắn hoặc email với lời lẽ cay độc của Neal, thứ duy nhất Alexis nhìn thấy là hình ảnh của một đứa trẻ sáu tuổi hung hãn đang cáu gắt. Thay vì bị kích động bởi thái độ của anh ta và đặt bản thân vào thế phòng thủ, cô đã cố gắng bình tĩnh và tập trung vào sự thật khách quan. Những kẻ Ái kỉ Hận thù sẽ luôn cố gắng dụ dỗ bạn tái tham dự vào một cuộc chiến. Cách tốt nhất là bạn là từ chối và giữ thái độ lịch sự, thẳng thắn và dứt khoát.