Kẻ Ái kỉ Nghiện ngập
Nhà tâm lí học Donald Nathanson từng kể câu chuyện của chính mình cho thấy mối liên hệ giữa nỗi hổ thẹn và việc sử dụng rượu bia. Năm 19 tuổi, khi còn làm việc tại phòng thí nghiệm sinh học biển Marine Biological Laboratory ở Woods Hole, ông đã gặp mối tình đầu của mình, đấy là một người phụ nữ trẻ xinh đẹp, tên Elissa. Martin là một đồng nghiệp của ông tại Woods Hole, một người đàn ông cao ráo, điển trai và ‘có kinh nghiệm tình trường’ hơn Nathanson. Anh ta tỏ rõ thái độ ghen tị với Nathanson vì may mắn tìm được một người bạn đồng hành đáng yêu đến vậy.
Một đêm nọ, Nathanson vô tình ghé qua văn phòng của Martin, phát hiện ra người bạn của mình và Elissa đang ôm hôn thắm thiết. Nathanson cảm thấy vô cùng hổ thẹn, gần như nghẹt thở trước nỗi đau thấm vào từng tế bào. Chàng Nathanson trẻ tuổi lao thẳng tới quán rượu gần đó.
Anh ngồi xuống một chỗ ngồi không quen, không nói không rằng, chỉ nhìn chăm chú vào người pha chế. Tôi không biết anh ta thấy gì từ gương mặt mình lúc đó, nhưng anh ta không nói lời nào và đặt trước mặt tôi một li bourbon đúp. Tôi nốc cạn li rượu đó. Anh ta lại rót đầy, và lại một lần nữa, tôi nuốt cạn liều “tiên dược” của mình. Cảm thấy khá hơn đôi chút, tôi đứng dậy, trả tiền rồi bỏ đi và chẳng nói chuyện với bất cứ ai.20
20 Donald Nathanson, Shame and pride, 1992.
Qua câu chuyện này, để thấy một trong những công dụng chính của rượu bia là để chúng ta trốn tránh nỗi hổ thẹn của bản thân. Ông cũng giải thích rằng các hình thức giải trí nhằm thỏa mãn dục vọng như thuốc phiện và tình dục, cũng là cách để chúng ta không phải đối diện với thực tại tàn khốc.
Song, phương pháp này không phải là cách giúp chúng ta vượt qua nỗi hổ thẹn kinh niên, nó chỉ là biện pháp trốn tránh tạm thời và có thể gây ra những hậu quả lâu dài khác. Rượu cồn và các chất kích thích có thể giúp ta tạm thời quên đi những tổn thương, nỗi tự ti và bạc nhược. Nhưng thường xuyên lạm dụng những chất kích thích này khiến bạn ngày càng phụ thuộc vào chúng, để đổi lấy chút khuây khỏa tạm thời trong tâm tưởng. Từ đây, một vòng lặp đầy độc hại bắt đầu khởi phát.
Chúng ta sử dụng chất kích thích để trốn tránh khỏi nỗi hổ thẹn thường nhiều hơn dự định. Một khi tác dụng của nó nhạt dần, bạn sẽ cảm thấy hổ thẹn hơn gấp bội vì hành vi lạm dụng chất kích thích hoặc tái nghiện của mình. Đối mặt với cảm giác đau khổ ngoài sức chịu đựng xuất phát từ nỗi hổ thẹn này, bạn sẽ một lần nữa tìm đến chất kích thích để được giải thoát.
Thứ tâm lí này tạo ở những người nghiện một loại hiệu ứng lồng sóc. Họ sử dụng chất kích thích như một cách để giải thoát bản thân khỏi những tổn thương. Nhưng hành động này lại khiến họ càng thêm hổ thẹn. Họ buộc phải tìm đến chất kích thích một lần nữa để có thể trút bỏ gánh nặng tâm lí. Từ đó nảy sinh thêm càng nhiều cảm giác hổ thẹn, vòng lặp tái diễn liên tục không có điểm dừng. John Bradshaw21 đã viết rất nhiều về mối quan hệ giữa tâm lí hổ thẹn và các chứng nghiện khác nhau. Ông tin rằng nỗi hổ thẹn có ảnh hưởng đến tất cả những ai phải đấu tranh với những hành vi cưỡng chế hoặc nghiện ngập. Theo ông, nhóm người này bao gồm những con nghiện cờ bạc, làm việc, tình dục hoặc mắc chứng rối loạn ăn uống.
21 John Elliot Bradshaw (1933 - 2016): Nhà giáo dục, diễn giả và tác giả người Mĩ. Bradshaw khá tích cực trong phong trào tự lực. Ông nổi tiếng với tác phẩm Homecoming: Reclaiming and Healing Your Inner Child (Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn, ThaiHaBooks & NXB Lao Động, 2021).
Cơn nghiện và tính Ái kỉ có rất nhiều điểm chung. Tôi không có ý nói rằng tất cả con nghiện đều Ái kỉ. Tuy nhiên, sự thực là, rất nhiều người có hành vi nghiện ngập thường thể hiện sự thiếu cảm thông với những người xung quanh. “Họ gắn chặt với chất gây nghiện hơn nhiều so với người yêu/bạn đời của mình, họ thường coi đối phương như một đại lí cung cấp nhu yếu phẩm.”22 “Những người nghiện cũng thường dựa vào chất gây nghiện để đánh bóng cái tôi cá nhân, hạ thấp người khác, trốn tránh khỏi sự căng thẳng trong các mối quan hệ và vùi mình trong thái độ tự cao ảo tưởng dưới tác dụng của chất gây nghiện. Đây là một phong cách hành xử đậm chất Ái kỉ.”23
22 Otto Fenichel, Psychoanalytic Theory of Neurosis, New York: Norton, 1974.
23 S.J. Blatt và các cộng sự, “The psychodynamics of opiate addiction”, Tạp chí J Nerv Ment Dis, 1984.
Kẻ Ái kỉ Nghiện ngập thường có thái độ thiếu cảm thông với người khác và quá mức tự đề cao tầm quan trọng của bản thân.
Với rất nhiều người trẻ trong xã hội hiện nay, trò chơi điện tử cũng có thể coi là một dạng khác của chất gây nghiện. Cụ thể là những trò chơi điện tử nhập vai trực tuyến, một môi trường nơi những cá nhân Ái kỉ Nghiện ngập trao được cơ hội trốn tránh khỏi nỗi hổ thẹn của bản thân, giấu mình trong một thực tại ảo và một danh tính giả tưởng.
“Ở đó, tôi được là tất cả mọi thứ tôi muốn trở thành”
Ian đã tìm đến sự giúp đỡ của tôi vì chứng nghiện điện tử. Sau khi tốt nghiệp đại học khoa công nghệ thông tin, Ian từ chối lời mời của Google và đến làm việc tại một công ty khởi nghiệp nhỏ ở thung lũng Silicon, chấp nhận một mức lương thấp hơn để đổi lấy một phần cổ phần của công ty. Vài năm sau đó, công ty này được đối thủ mua lại, tuy không phải một vụ thôn tính triệu đô, nhưng đủ để cộng thêm hơn 1 triệu đô-la vào tài khoản ngân hàng của Ian. Ngay sau đó, anh đã bỏ việc, chuyển khỏi căn hộ nhỏ mình đang ở, thuê một căn nhà lớn sống cùng bạn gái Concha. Cô là một người phụ nữ gốc Philipine, hơn 30 tuổi đã li dị chồng và có hai đứa con riêng. Concha đang làm một công việc với mức lương rất thấp, nên Ian là người chịu trách nhiệm trả toàn bộ tiền thuê nhà. Lúc đó, anh mới 26 tuổi.
Khối tải sản không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ của Ian cho anh đủ thời gian và sự tự do để suy nghĩ về bước đi tiếp theo của mình mà không phải chịu áp lực kiếm tiền ngay lập tức. Anh muốn thành lập một công ty dịch vụ viễn thông trực tuyến, nhưng vẫn chưa có phương hướng cụ thể. Anh phân vân giữa nhiều ý tưởng khác nhau về mạng xã hội và ứng dụng điện thoại, song chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng. Trong thời gian đó, anh cũng dành nhiều thời gian để đọc về các doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực này. Trong số đó, anh đặc biệt hâm mộ Paul Graham và nghiên cứu những bài luận của ông. Cũng giống như rất nhiều chàng trai cùng tuổi khác, thần tượng của anh là Steve Jobs.
Trong thời gian rảnh, Ian cũng bắt đầu chơi điện tử trực tuyến. Loại trò chơi điện tử này cho phép hàng triệu người chơi trên toàn thế giới tương tác với nhau trong một thế giới ảo và cấp cho họ một danh tính mới. Qua việc hoàn thành nhiệm vụ, thăng cấp kĩ năng và chiến đấu cùng các nhân vật khác, người chơi có thể gia tăng sức mạnh và địa vị của bản thân. Những trang web nổi tiếng sẽ đăng tải thứ hạng của người chơi theo tên gọi nhân vật của họ. Trong thế giới ảo, những người chơi tốt nhất trở nên nổi tiếng trên các diễn đàn dành riêng cho trò chơi này, nhận được sự ngưỡng mộ từ hàng ngàn người khác dù chưa từng gặp mặt nhau.
Nhiều tháng trôi qua, Ian vẫn chưa thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh mới và ngày càng dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho nhân vật ảo và thăng thứ hạng trong game. Anh chơi điện tử thâu đêm, ăn sáng cùng Concha và con của cô trước khi họ rời nhà đi làm hoặc đi học, rồi anh ngủ cả ngày. Cứ một lúc, anh lại thức tỉnh một lần, chìm trong tiếc nuối vì lãng phí quá nhiều thời gian. Anh tự hứa với mình rằng sẽ bỏ chơi điện tử và tập trung hơn vào sự nghiệp kinh doanh. Nhưng quyết tâm này chưa bao giờ kéo dài hai ngày. Sau khoảng vài tiếng đồng hồ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính mà không nghĩ ra ý tưởng nào, anh sẽ tự thuyết phục bản thân vào chơi game với lí do giải tỏa căng thẳng. “Chỉ nửa tiếng thôi.” Anh tự nhủ như vậy.
Sau đó, anh chìm vào thế giới ảo. Có những lần anh chơi liên tục khoảng 15 - 20 tiếng đồng hồ không nghỉ, và chỉ dừng lại khi không thể tiếp tục thêm nữa. Cuối cùng, nhân vật của Ivan đạt thứ hạng top 10 thế giới. Anh trở nên nổi tiếng với danh tính ẩn. Cùng lúc đó, mối quan hệ giữa anh và Concha bắt đầu nảy sinh những rắc rối. Anh thường xuyên chơi quá giới hạn chịu đựng và rơi vào trạng thái kiệt sức, anh không thể quan tâm nhiều đến Concha nữa. Dù rất hào phóng về tiền bạc với hai đứa con của cô, nhưng anh lại không gần gũi với chúng. Đã nhiều lần Concha ý nhị nhắc khéo Ian về chuyện cưới xin, nhưng dường như anh chàng không có bất cứ ý định nào về việc đó. Anh nghĩ rằng mình sẽ cưới khi anh muốn có một đứa con máu mủ thực sự, nhưng cô đã làm phẫu thuật cắt bỏ dạ con.
Đây là lúc Ian liên hệ với tôi để tìm kiếm sự trợ giúp. Ngay trong buổi trị liệu đầu tiên, anh thừa nhận rằng rất có thể những khó khăn mình đang gặp phải bắt nguồn từ cảm giác hổ thẹn. Anh đọc rất nhiều sách tự lực và đặc biệt thích các tác phẩm của John Bradshaw – một chuyên gia về những nỗi hổ thẹn độc hại. Theo Ian, cha mẹ anh là những người luôn lo lắng và đặc biệt khắt khe. Suốt thời thơ ấu, anh phải sống trong cảm giác nơm nớp lo sợ, nếu phạm phải một lỗi sai nào đó, cha mẹ sẽ rầy la. Những sai phạm dù rất nhỏ như lỡ ăn mất phần thức ăn mẹ để dành lại cho bữa sau, hoặc uống sữa trực tiếp từ hộp, anh cũng có thể phải nghe những bài diễn văn dài đằng đẵng. Họ không trực tiếp trừng phạt anh, nhưng lúc nào anh cũng cảm giác rằng mình đang phạm sai lầm.
Bên cạnh đó, Ian cũng nói cha mẹ anh như những người bị ám ảnh bởi tất cả mọi thứ. Một vấn đề đơn giản như cách sử dụng chiếc điện thoại mới có thể làm rối loạn cả gia đình, với những cuộc tranh cãi của họ về bản hướng dẫn sử dụng. Những cuộc cãi vã đó có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, Ian thấy sợ hãi, chẳng thể chịu nổi việc ở gần hai người họ. Lúc nào anh cũng cảm thấy như sắp có chuyện gì đó xảy ra, bởi những cảm xúc tiêu cực dồn tụ trong anh quá nhiều. Đối với anh, trường học là một cõi thiên thai, một nơi trú ẩn giúp anh thoát khỏi căn nhà tràn ngập nỗi lo âu của mình. Anh là một học sinh xuất sắc và đã nhận được học bổng vào thẳng một trường đại học hàng đầu.
Ian đã kể về một điểm bất thường trên cơ thể gây cho anh khá nhiều rắc rối. Anh có chút dị tật ở môi và đã phẫu thuật ngay từ lúc mới sinh, để lại trên mặt anh một vết sẹo mờ. Tôi mơ hồ nhận ra điều hơi khác thường trên đôi môi của anh, nhưng không thấy rõ vết sẹo đó cho đến khi Ian nói. Khi phải giao tiếp ngoài xã hội, anh vô cùng lo lắng về vết sẹo này và sợ rằng bản thân sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt người khác. Dù anh khá điển trai theo phong cách Mĩ nhưng anh vẫn thường tự ti về ngoại hình của mình.
Trong các buổi trị liệu, chúng tôi nói về nỗi hổ thẹn hạt nhân đã đeo bám theo anh suốt thời gian dài, điều đôi khi bị lẫn lộn với mặc cảm ngoại hình. Anh luôn cảm thấy lạc lõng giữa tập thể bạn bè, đồng nghiệp như thể ở anh có một thứ gì đó lệch lạc. Khi mời bạn đến nhà chơi, anh thấy xấu hổ về cha mẹ mình và tính cách bất thường của họ. Họ sẵn sàng làm rối tung mọi thứ trước mặt một người hoàn toàn xa lạ, hoặc la mắng anh vô cớ. Có lẽ, đã có một điều gì đó không ổn trong quá trình trưởng thành và phát triển của anh. Chính nó khiến anh tin rằng bản thân là một kẻ khiếm khuyết dị dạng và luôn sợ bị lừa dối. Có thể anh sở hữu một khoản tiền khá lớn trong ngân hàng, một người bạn gái và hai đứa trẻ đang sống trong nhà mình, nhưng tất cả những điều đấy dường như đều không chân thực, một thứ ảo giác về sự “bình thường”.
Khi nói về kế hoạch thành lập một start-up công nghệ, Ian bắt đầu thể hiện thái độ tự cao ngấm ngầm. Theo anh, trong tương lai, anh sẽ trở thành một nhà cách tân công nghệ không kém Steve Jobs. Anh dự định sẽ thành lập một công ty lớn, phát hành cổ phiếu hàng tỉ đô-la, đưa anh lên ngang tầm với Sergey Brin và Jeff Bezos trong làng doanh nhân Internet. Như thế, anh mới hoàn thành mục tiêu của mình. Tôi cố gắng tập trung vào việc mối liên hệ giữa hình ảnh vĩ đại ảo tưởng xa rời thực tế và nỗi hổ thẹn hạt nhân chưa từng thôi ám ảnh anh.
Qua thời gian, Ian đã có một số tiến triển và bắt đầu xây dựng một kế hoạch kinh doanh thực tế hơn. Cuối cùng, anh xây dựng một nền tảng công nghệ liên kết những thực tập sinh có tiềm năng với các công ty đang tìm kiếm nhân tài, kết nối cơ sở dữ liệu sinh viên từ trường đại học với các doanh nghiệp địa phương đang cần tuyển thực tập sinh. Đây là một dự án thí điểm hấp dẫn các nhà đầu tư thiên thần, kế hoạch của anh còn mở rộng tới nhiều trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trên toàn quốc. Kĩ thuật chuyên môn không phải là vấn đề quá lớn. Ian là một lập trình viên xuất sắc và có khả năng làm việc độc lập rất tốt.
Rắc rối nảy sinh khi dự án cần thuê thêm người. Một nhận thức chung trong giới khởi nghiệp là bạn cần có một người đồng sáng lập, nếu muốn xây dựng một doanh nghiệp thành công. Việc tổ chức phỏng vấn tuyển người cho vị trí này khiến Ian lo lắng vô cùng. Anh rất tự tin trước các vấn đề kĩ thuật chuyên môn, nhưng lại ngượng ngập và thiếu tự tin trong các mối quan hệ với người khác, đặc biệt là người lạ. Khi phỏng vấn, Ian cảm thấy bất an và thiếu tập trung. Anh thường tự nghi ngờ những quyết định của mình. Cũng giống như cha mẹ mình, anh bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ, những tiểu tiết.
Ian ngày càng căng thẳng hơn, anh bắt đầu hủy lịch hẹn phỏng vấn. Anh thường chỉ gọi điện thông báo với ứng viên khoảng một tiếng trước giờ hẹn, cáo ốm hoặc lấy cớ rằng có một vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra cần anh giải quyết khẩn cấp. Một số ứng viên bị thay đổi lịch phỏng vấn nhiều lần, đến nỗi hết hứng thú với vị trí này. Mỗi lần hủy hẹn, Ian lại cảm thấy vô cùng hổ thẹn, anh nghĩ bản thân chỉ là một kẻ thất bại và vùi mình vào thế giới ảo. Khi nỗi hổ thẹn trở nên lớn mạnh quá mức, những cuộc lẩn trốn có thể kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Trong giai đoạn này, anh đã bỏ rất nhiều buổi trị liệu do không dám đối mặt với cảm giác xấu hổ của bản thân và chìm đắm trong trò chơi điện tử.
Sau một thời gian dài chung sống, Concha hiểu rằng Ian sẽ chẳng bao giờ kết hôn với cô và quyết định chấm dứt mối quan hệ này. Cô và hai đứa trẻ chuyển ra khỏi căn hộ của anh. Hoàn toàn đơn độc trong căn nhà rộng lớn, Ian càng thêm trầm mê trong thế giới trò chơi. Nỗi hổ thẹn đã đẩy anh vào thế giới ảo tưởng, nơi anh có thể hạ gục những người khác và xây dựng danh tiếng của mình. Song, hậu quả là anh càng cảm thấy hổ thẹn hơn, rồi càng chìm sâu hơn vào trò chơi điện tử, mọi việc cứ thế tiếp diễn. Tôi gọi đó là vòng tuần hoàn ác tính của nỗi hổ thẹn. Vào thời điểm tồi tệ nhất, anh hoàn toàn bỏ ngang việc trị liệu, phần lớn do không dám đối mặt với tôi và nỗi hổ thẹn trong anh. Tôi đã không nghe được tin tức gì từ anh trong suốt nhiều tháng trời.
Cuối cùng, anh đã thoát ra khỏi vực sâu này và tiếp tục làm việc cùng tôi. Trong quá trình trị liệu tâm lí, anh cảm thấy bản thân được thấu hiểu và chấp nhận. Ian dần học cách vượt qua những cơn bộc phát cảm giác hổ thẹn. Nếu có lần nào lỡ sa chân vào thế giới ảo, anh cũng tự mình vực dậy nhanh hơn. Trong quá trình xây dựng công ty và cộng tác cùng một người đồng sáng lập khác, anh cũng dần lấy lại sự tự tin của bản thân. Ian đã thế chỗ vòng tuần hoàn ác tính của nỗi hổ thẹn bằng một vòng tuần hoàn khác của những điều tích cực. Những thành tựu thực tế giúp anh sống thật hơn, sống ý nghĩa hơn, thúc đẩy anh đạt được càng nhiều thành công và tự tin hơn vào chính mình.
Cái tôi và sức hủy hoại của nỗi hổ thẹn
Hầu hết những trường hợp Ái kỉ Cực đoan đều khao khát trở thành trung tâm của sự chú ý, có thành tựu to lớn hòng chứng minh rằng bản thân là người thắng cuộc. Một số người khác lại đắm mình vào trong một thế giới ảo tưởng như Nicole, tự coi mình là một dạng thiên tài âm nhạc ẩn dật nhưng lại thiếu đi những kĩ năng cơ bản nhất. Hay như Shiloh, có nhiều tài năng nhưng không bao giờ có thể tự mình độc lập về mặt tài chính. Quá mải mê trốn chạy khỏi nỗi hổ thẹn, Ian đã trở thành một người hùng trong lòng của nhiều cư dân mạng, nhưng lại không thể tiến xa trong cuộc sống cá nhân. Anh tự coi mình là một Steve Jobs thứ hai, nhưng điều đó không thể cứu anh khỏi nỗi hổ thẹn, mà trở thành một chướng ngại khổng lồ trên con đường xây dựng thành công chân chính.
Cái tôi giả tưởng trong trò chơi điện tử của Ian trở thành vỏ bọc hoàn hảo cho con người thực sự đầy hổ thẹn và những tổn thương sâu thẳm trong tâm hồn anh.
Tất cả những người Ái kỉ Cực đoan đều xây dựng cho bản thân một cái tôi cao ngạo và vĩ đại làm vỏ bọc cho nỗi hổ thẹn và những vụn vỡ bên trong. Dù có cố khẳng định cái tôi này qua dã tâm “ngoại cỡ” của mình, hay xây dựng nó trong một thế giới ảo, cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích trốn chạy khỏi cảm giác hổ thẹn.
Nếu bạn từng xem bộ phim Avatar của James Cameron, công chiếu năm 2009, bạn sẽ thấy rất rõ quá trình diễn biến của tâm lí này.
Nhân vật chính Jake Sulli gặp phải một chấn thương ở vùng tủy sống khiến anh bị liệt nửa người. Anh hoàn toàn không có đủ khả năng tài chính để chi trả cho ca phẫu thuật phục hồi chấn thương. Để kiếm tiền, Jack tình nguyện tham gia một nhiệm vụ quân sự đặc biệt tới hành tinh Pandora. Nhờ phép màu công nghệ y học, anh đã học cách để kết nối và chung sống với một avatar (một thân thể khác) trên hành tinh này. Trái ngược với thân xác cũ đầy tổn thương và khuyết tật, cơ thể avatar này vô cùng khỏe mạnh, cân đối với chiều cao ba mét, sức mạnh phi thường và các giác quan vô cùng bén nhạy. Sống trong cơ thể mới đấy, Jack không chỉ thoát khỏi thân xác cũ đầy tổn thương (tạm thời là vậy), mà còn vượt qua những giới hạn tiềm năng của con người. Những trải nghiệm trên hành tinh Pandora ngày càng trở nên chân thực hơn, vượt qua cả đời thực sự anh từng sống. Cuối cùng, anh tìm ra cách vứt bỏ hoàn toàn thân xác cũ, tổn thương và tàn tạ, để vĩnh viễn trở thành một phần của thực tại avatar siêu việt.
Giống như Jake Sulli, những người Ái kỉ Nghiện ngập thường cảm thấy những trải nghiệm mình tìm được nơi thuốc phiện hay chất kích thích hấp dẫn hơn nhiều so với đời thực. Dù bạn có thể không nhận ra, nhưng dưới tác dụng của thuốc hay chất kích thích, những con nghiện này thường vô cùng cao ngạo và coi bản thân là vĩ đại. Tổ chức Alcoholics Anonymous (Hội những người Nghiện rượu Ẩn danh) từ lâu đã nhận ra rằng thái độ cao ngạo và thiếu khiêm nhường ở những người nghiện rượu là chướng ngại lớn nhất trong quá trình hồi phục của họ. Với những người nghiện rượu hoặc các chất gây nghiện khác, họ coi chất kích thích là một cách phòng vệ Ái kỉ, khi cái tôi vĩ đại giả tạo sẽ bảo vệ họ khỏi cảm giác hổ thẹn và sự tự ti về giá trị của bản thân.
Theo Heinz Kohut, “hành vi nghiện ngập chính là cách phản ứng của con nghiện trước trạng thái thiếu thốn lòng tự trọng [và] nỗi sợ hãi bắt nguồn từ cái tôi mỏng manh, vụn vỡ của bản thân.”24 Theo Kohut, các chứng nghiện cũng bao gồm hành vi ăn uống quá độ và quan hệ tình dục bừa bãi. Những người nghiện tình dục coi những hành động khiêu dâm như một cách để chống chọi lại với cảm giác xấu hổ, như Jason – một bệnh nhân của tôi. Anh thường xuyên vào những trang web người lớn để thủ dâm. Đối với những người (hầu hết là nam giới) này, trạng thái cực khoái là một loại thuốc phiện “cây nhà lá vườn” giúp họ tạm thời giải phóng nỗi hổ thẹn của một cái tôi bị tổn thương và vụn vỡ.
24 Heinz Kohut (1913 - 1981), The Restoration of the Self, New York: International Universities Press, Inc., 1977.
Trong bộ phim Shame (Hổ thẹn) công chiếu năm 2011, nhân vật chính Brandon là một con nghiện tình dục có thói quen thủ dâm mỗi ngày. Anh ta thường thủ dâm tại phòng vệ sinh của công ty và sau khi xem phim khiêu dâm trong căn hộ tồi tàn của mình. Anh cũng thường xuyên dắt những người phụ nữ mới quen ở quán rượu về nhà. Nhưng sau mỗi lần như thế, anh chỉ thấy trong mình thật trống rỗng. Brandon có một cuộc đời cô độc. Anh không muốn có bất cứ mối quan hệ chân thành nào với người khác và thiếu cảm thông với mọi người xung quanh, kể cả với em gái ruột Sissy. Thay vào đó, anh lợi dụng người khác như một liều thuốc giảm đau. Tuy trong phim không đề cập đến, nhưng rõ ràng rằng Brandon và Sissy đã có một tuổi thơ bất hạnh và để lại trong lòng cả hai những tổn thương sâu sắc. Hành vi thủ dâm hoặc quan hệ tình dục bừa bãi có thể giúp một người tạm thời giải tỏa nỗi hổ thẹn trong tâm trí, nhưng nó cũng sẽ khiến nảy sinh thêm càng nhiều cảm giác hổ thẹn cần giải tỏa. Đây là một phiên bản chiếc lồng sóc khác của những kẻ Ái kỉ Nghiện ngập.
Nhiều năm trước, khi những phòng trò chuyện và các diễn đàn trực tuyến còn đang thịnh hành, David bị ám ảnh bởi những mối quan hệ “online”. Anh hơn 30 tuổi, với chiều cao hạn chế, thừa cân và khả năng thể chất không mấy nổi trội. Ở David tồn tại một nỗi hổ thẹn vô cùng sâu sắc. Hoàn cảnh gia đình anh cũng đặc biệt phức tạp: Khi anh gần 20 tuổi, mẹ anh đã tự sát. Không lâu sau đó, anh bỏ ngang đại học. Chị gái của anh mắc chứng chán ăn. Anh chưa từng tìm cho bản thân bất cứ công việc thực sự có ý nghĩa nào. Phần lớn thời gian anh sống dựa dẫm vào khoản tiền trợ cấp từ cha và mẹ kế của mình, hoặc làm nhân viên bán hàng với mức lương rẻ mạt.
Khi biết đến các phòng trò chuyện trực tuyến, anh như tìm ra cách để trở thành con người mình hằng mong muốn (ít nhất là trong ảo tưởng). Anh sáng tạo ra một David hoàn toàn khác trên mạng, theo tôi chuyện này khá phổ biến trong các mối quan hệ ẩn danh online. David Ảo là một người đàn ông trẻ hơn, cao hơn và có thân hình cân đối. Anh có sự nghiệp ổn định, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, lái một chiếc xe sang, có nhà riêng,... Nói cách khác, David Ảo sở hữu tất cả mọi thứ, là một người chiến thắng đúng nghĩa.
Những cuộc trò chuyện trực tuyến với người lạ thường dẫn tới hành vi thủ dâm, qua Internet hoặc qua điện thoại. Dù mục tiêu cuối cùng là giải phóng bản thân khỏi nỗi hổ thẹn nhưng đôi khi, David cũng muốn “gặp gỡ” những người lạ này, tìm hiểu về họ qua những cuộc điện thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian đó, anh vẫn duy trì lớp vỏ ngụy trang mình đã tạo ra. Họ lên kế hoạch gặp mặt ngoài đời thực, nhưng David luôn hủy lịch hẹn vào phút cuối và trì hoãn việc gặp mặt. Cuối cùng, anh sẽ ngừng nghe điện thoại và biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời của đối phương, hoặc thú nhận sự thực về bản thân một cách đầy xấu hổ và cầu xin được tha thứ.
Sâu trong David là một nỗi hổ thẹn và đau đớn đè nặng tâm can. Anh không dám đối mặt với nỗi hổ thẹn và những tổn thương này, anh cho rằng việc có một mối quan hệ chân thành dường như là bất khả thi. Thay vào đó, anh chọn cách bỏ chạy khỏi David xấu xí và đầy tổn thương, trốn trong vỏ bọc của David Ảo – kẻ thắng cuộc. Anh giấu nhẹm cái tôi đầy đau thương, lấp mình sau con người lí tưởng, nhập vai ảo để không phải đối diện với những nỗi đau tinh thần, thường xuyên và liên tục như một kẻ nghiện ngập.
Những kẻ Ái kỉ Nghiện ngập đều sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện để giải phóng mình khỏi một bản thể xấu xí, đầy hổ thẹn và khiếm khuyết.
Người trong gương
Trong những năm gần đây, xuất hiện chứng nghiện phẫu thuật thẩm mĩ, ngày càng nhức nhối trong xã hội. Những chương trình truyền hình lá cải kiếm chác không ít nhờ việc bàn về những nhân vật nổi tiếng đã tiêu tốn tới hàng chục ngàn đô-la để sở hữu một gương mặt hay thân hình hoàn hảo. Ông hoàng nhạc pop Michael Jackson ghét chiếc mũi của mình đến nỗi thực hiện rất nhiều cuộc phẫu thuật chỉ để điều chỉnh lại hình dáng của nó. Ông muốn dựa vào phẫu thuật thẩm mĩ để chỉnh sửa gương mặt của mình. Hết lần này tới lần khác, ông quay lại phòng phẫu thuật để giải phóng bản thân khỏi nỗi hổ thẹn không ngừng đeo bám.
“Đời chỉ có 2 loại người, thắng hoặc thua. Và con cái ta sẽ không có đứa nào thất bại cả.”25
- Joseph Jackson, cha của Michael
25 J. Randy Taraborrelli, Michael Jackson: The Magic, the Madness, the Whole Story, 1958–2009, New York: Grand Central, 2009.
Michael Jackson là người con thứ 9 trong số 11 người con của Katherine và Joseph Jackson. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, lớn lên dưới bàn tay dạy dỗ hà khắc và tàn nhẫn của cha mình. Điều đó đã để lại trong tâm hồn ông những vết sẹo thời gian không thể phai mờ. Hầu như ngày nào, Michael cũng phải nhận những trận đòn của cha, thậm chí là bị nhốt trong tủ quần áo. Michael 3 tuổi, trong cơn tức tối và đau đớn sau khi bị bố đánh đòn, cậu đã ném một chiếc giày vào người cha mình. Theo lời kể của Marlon – anh trai của Michael, Joseph vô cùng giận dữ, cầm cẳng chân và nhấc bổng Michael lên, dốc ngược đầu cậu xuống và đấm thùm thụp vào lưng và mông của cậu. Katherine la toáng lên: “Bỏ thằng bé xuống đi, Joseph. Anh giết chết nó mất! Anh giết chết thằng bé mất thôi.”
Suốt những năm sau đó, trong quá trình dạy con mình thành những ngôi sao, Joseph bắt chúng phải diễn tập hai lần mỗi ngày với thái độ hà khắc. Ông ta vung vẩy chiếc thắt lưng trên tay và liên tục gầm lên với chúng, quật vào lưng đàn con hoặc ném chúng vào tường mỗi lần mắc lỗi. Ngay cả khi trở nên nổi tiếng và chuyển tới sống tại một cơ ngơi khang trang, rộng rãi hơn gần Đại lộ Hayvenhurst, Encino, Joseph vẫn tiếp tục “kỉ luật” con cái theo những cách ngày càng bạo lực. Như Michael nhớ lại, đầu tiên, ông ta bắt con tự cởi hết quần áo, sau đó thoa dầu em bé lên khắp người con trước khi rút sợi dây điện, rồi quất mạnh vào bắp đùi non của con, tạo ra cảm giác như bị điện giật cho kẻ bị phạt.
Michael sợ cha mình tới nỗi thường ngất xỉu hoặc nôn mửa ngay khi ông bước vào phòng. Ở tuổi dậy thì, Michael cảm thấy xấu hổ về ngoại hình của mình. Nước da của ông sậm màu hơn so với anh chị em trong gia đình và thường nổi mụn rất nhiều. Ông vô cùng xấu hổ. Mỗi khi biểu diễn trên sân khấu, ông có thể tự biến mình thành phiên bản trong mơ của chính ông: Một con người gợi cảm, hòa đồng và tự tin. Một người có thể kiểm soát được bản thân và khán giả của mình. Nhưng dưới sân khấu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mỗi khi nhìn vào gương, ông chỉ thấy một kẻ mà mình cũng chẳng ưa lắm, một con người vẫn phải chịu sự kiểm soát của người khác.
Năm lên 13 tuổi, ông đặc biệt quan tâm tới kích cỡ chiếc mũi của mình. Anh chị em trong gia đình lại khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, họ đặt cho ông biệt danh: Đồ Mũi To. Chiếc mũi tẹt và rộng là đặc điểm chung của gia đình Jackson, thừa hưởng từ Joseph. Michael suy nghĩ về chuyện nâng mũi trong nhiều năm nhưng chưa có cơ hội thay đổi. Năm 1979, nhân một lần bị gãy mũi trong khi diễn tập, ông mới sửa mũi lần đầu, kéo theo vô vàn những cuộc phẫu thuật tương tự khác. Ông thực hiện phẫu thuật chẻ cằm, thay đổi kích cỡ mắt và miệng. Ông cũng nhuộm da bằng Porcelana và nhiều loại hóa chất làm trắng da khác.
Xét cho cùng, ông là một người vô cùng cô độc, kém hòa đồng và đau khổ. Khoảng thời gian duy nhất có thể tạo cho ông chút hạnh phúc mơ hồ là khi đứng trên sân khấu. Trong một cuộc phỏng vấn cùng J. Randy Taraborreli, một nhà báo của tạp chí Soul, Jackson kể: “Tôi bị nghiện sân khấu. Mỗi khi không được biểu diễn quá lâu, tôi lại trở nên dễ cáu bẳn hơn, cảm giác như phát điên lên vậy. Như thể một phần nào đó trong tôi bị mất đi và tôi cần phải tìm lại nó cho bằng được, vì nếu không làm được điều đó, con người tôi sẽ không còn toàn vẹn nữa.”
Jackson cũng không cảm thấy thoải mái khi ở bên những “người bình thường”, nhưng khi lên sân khấu, ông có thể mở lòng và cảm giác như đấy không còn là một vấn đề. “Bất cứ chuyện gì đang diễn ra trong cuộc đời tôi dường như cũng không còn quan trọng nữa. Đứng trên sân khấu, tôi hoàn toàn thả lỏng và tự nhủ: Đây rồi. Đây mới là nhà. Đây chính xác là nơi mình cần đến, là cái đích mà Chúa đã đặt ra. Khi ở trên sân khấu, tôi là không giới hạn. Tôi là số một. Nhưng khi không còn đứng trên sân khấu nữa, tôi không cảm thấy hạnh phúc.”
Trước đây, Joseph cấm các con của mình kết bạn với bất kì ai không phải là thành viên trong gia đình, rồi đến khi trở nên nổi tiếng, Michael lại sợ rằng người khác chỉ tìm đến để lợi dụng mình. Thay vì, tìm những người bạn thực sự, Michael nuôi trong ngôi nhà ở Hayvenhurst một bầy động vật đủ loại: thiên nga, công, lạc đà không bướu,... Ngoài ra, ông còn tự xây dựng ở đó một công viên giải trí nhỏ, và đặt trong đó rất nhiều hình nhân. Michael nói với Taraborreli “Chúng cũng chẳng khác gì người thật vậy. Chỉ khác ở chỗ chúng không lao vào và vồ lấy bạn hay chỉ chăm chăm nhờ vả. Chúng là những người bạn của riêng tôi.” Ông đặt trong phòng ngủ của mình năm con ma-nơ-canh, kích cỡ như người thật và ăn mặc như người mẫu thời trang. Trong mắt Michael, những con ma-nơ-canh đó cũng là bạn ông.
Dường như ông không có khả năng thân mật với những người phụ nữ trưởng thành tầm tuổi mình. Tháng 5 năm 1994, ông kết hôn với Lisa Marie Presley. Nhưng chỉ đến tháng 12 năm đó, “trên những tờ báo lá cải ở London bắt đầu tràn lan tin đồn về chuyện Michael đang lên kế hoạch đệ đơn li dị, sau khi than phiền về chuyện vợ ông đang xâm phạm quá nhiều vào đời sống riêng tư của ông.” Lisa Marie gần như không biết phải tìm ông ở đâu và thường chỉ biết vị trí của ông qua báo chí. Rất nhiều người thân của cặp đôi này, kể cả trưởng phòng tiếp thị lâu năm của Michael – Bob Jones, đều tin rằng cuộc hôn nhân này chỉ là một chiêu trò được dàn dựng để thu hút sự chú ý. Sau này, ông tái hôn với Debbie Rowe, người sinh cho ông hai đứa con. Họ không bao giờ ngủ chung giường, thậm chí là sống chung trong một căn nhà. Hai năm sau đó, cuộc hôn này cũng chấm dứt, mỗi người một ngả.
Michael Jackson nổi tiếng với việc đặc biệt yêu thích trẻ con. Song, hầu hết những người biết ông đủ rõ đều thấy như những mối quan hệ với các cậu bé của ông thực ra chỉ là biểu hiện của nỗ lực tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, thay vì xuất phát từ tình cảm chân thành. Ông có xu hướng lí tưởng hóa con trẻ như những thiên thần nhỏ trong sáng. Ông say đắm hết đứa trẻ này tới đứa trẻ khác, mời chúng đi chơi ở Neverland, đưa chúng đi du lịch và mua tặng chúng những món quà vô cùng xa xỉ. Nhưng ông cũng thường cả thèm chóng chán và bỏ rơi người bạn cũ của mình, khi tìm thấy một người mới.
Người vợ đầu tiên của Michael đã nói rằng, đằng sau tình yêu thủy chung một mực của ông với trẻ em là một thói ích kỉ cực đoan. Khi Lisa Marie phàn nàn về quyết định đưa hai anh em Cascio đi du lịch Pháp mà không dẫn theo bà, Michael trả lời rằng: “Việc anh làm gì không phải chuyện của em.” Ông thích đóng vai một người cha từ ái, thấm đẫm những đứa con của mình với tình yêu thương vô bờ, bằng những món quà xa xỉ cùng một lối sống xa hoa, không cấm cản bất cứ điều gì. Nhưng ông không bao giờ để ý tới cảm xúc của vợ, bạn bè hay những đồng minh và người ủng hộ nhiệt thành lâu năm của mình. “Khi Michael cảm thấy khó chịu với một ai, người đó thường sẽ biến mất ngay lập tức khỏi thế giới của ông. Trong suốt nhiều năm qua, rất nhiều người quan trọng xuất hiện trong đời ông chỉ để bị đuổi ra khỏi đó. Một số người trong số đó, như [luật sư] của ông – John Branca, từng nghĩ mình là bạn lâu năm của Michael, nhưng tránh khỏi kết cục bị xóa tên.”
Bước chân vào thế giới của những người giàu có từ độ tuổi rất trẻ, được coi là Ông hoàng nhạc Pop và có hàng triệu người hâm mộ, ở Michael có một cảm giác đặc quyền rất lớn. Theo Al Malnik – một trong các luật sư từng giúp ông kìm hãm thói chi tiêu bừa bãi, cho hay: “Michael luôn muốn ngay lập tức có bất cứ thứ gì mình muốn, bất cứ lúc nào mình muốn.” Ngay cả khi đang trên bờ vực phá sản, ông vẫn dẫn theo một đoàn tùy tùng đi du lịch khắp nơi, có lần tiêu tốn tới 80.000 đô-la/đêm để bao trọn một khách sạn. Một cố vấn khác từng bị Michael sa thải kể rằng: “Khi không có được thứ mình muốn, anh ấy sẽ cư xử như một đứa trẻ bị chiều hư. Anh ấy sẽ nổi nóng, thậm chí là òa khóc.”
Michael nghiện mua sắm và tiêu tiền như người ta nghiện thuốc phiện vậy. Nhiều người từng làm việc cho Jackson chứng kiến ông đọc lướt qua một tờ tạp chí và đặt mua tất cả mọi sản phẩm được quảng cáo trong đó. Ông vung tiền mua đồ cổ, xe hơi và đi du lịch. Trong suốt hơn một thập kỉ, thu nhập bình quân hàng năm của ông là khoảng 25 triệu đô-la, nhưng ông vẫn có thể tìm ra cách để chi tiêu vượt quá ngưỡng đó từ 10 đến 15 triệu đô. Những năm sau đó, khi đứng bên bờ vực phá sản, ông phải sống với một ngân sách eo hẹp hơn đáng kể và từ bỏ thói quen mua sắm quen thuộc. Ông cảm thấy đó là một trải nghiệm gần như không thể chịu đựng nổi, như thể đang phải cai nghiện thuốc phiện vậy.
Ngay cả qua lăng kính cảm thông nhất, tôi vẫn phải thừa nhận rằng ở Michael thể hiện một cái tôi vô cùng cao ngạo. Những bức tranh vẽ Michael bằng kích cỡ người thực được treo khắp nơi trong căn nhà ở Neverland của ông. Gần như bức nào cũng vẽ ông ở tư thế của một anh hùng, khoác trên thân những trang phục sáng màu, khiến người xem liên tưởng tới phong cách lễ phục hoàng gia Châu Âu thế kỉ XIX, tô điểm thêm với áo choàng, gươm, cổ áo xếp nếp và thường là có cả vương miện. Ngoài ra, còn có bức vẽ phỏng theo bức bích họa The Last Supper (Bữa tối Cuối cùng) của Leonardo da Vinci, trong đó ông ngồi ở chính giữa chiếc bàn dài, một bên là Walt Disney, bên còn lại là Albert Einstein và có cả Thomas Edison, Charlie Chaplin, Elvis Presley, John F. Kennedy, Abraham Lincoln và Little Richard vây quanh.
Ông bắt đầu nghiện thuốc giảm đau sau khi bị thương trên da đầu trong quá trình quay phim quảng cáo cho nhãn hàng Pepsi. Ông đã rất cố gắng để không lạm dụng thuốc giảm đau khi phục hồi hậu phẫu thuật chỉnh hình, để giữ cho đầu óc đủ “nhạy bén” và có những quyết định đúng đắn nhất trên con đường phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, phải đối mặt với những cáo buộc vì tội danh quấy rối trẻ em, càng ngày, Michael càng trở nên bất an và mắc chứng khó ngủ. Ông bắt đầu sử dụng một lượng rất lớn thuốc giảm đau Percodan, Demerol, codeine và các loại thuốc an thần như Valium, Xanax và Avitan. Cuối cùng, ông hoàn toàn bị phụ thuộc vào những loại thuốc này.
Trong nhiều năm, ông đã tiêu tới hơn 10.000 đô-la/ tháng để thỏa mãn những cơn nghiện của mình. Đi đâu ông cũng mang theo một va-li chứa đầy thuốc, kim tiêm và ống truyền dịch. Hành vi tự ý sử dụng thuốc của ông ngày càng trở nên phức tạp hơn theo thời gian, những đường ống truyền dịch trên tay ông không chỉ là một loại thuốc mà biến thành một thứ dung dịch hỗn hợp thuốc giảm đau, thuốc an thần và thuốc ngủ. Sau một vài cố gắng cai nghiện bất thành, cuối cùng, đầu những năm 2000 ông đã bỏ thuốc thành công. Ông bắt đầu vực dậy sự nghiệp của mình khi bộ phim tài liệu Living with Michael Jackson (Chung sống cùng Michael Jackson) của Martin Bashir công chiếu năm 2003. Chẳng bao lâu sau đó, ông đã tái nghiện. Việc bị bóc mẽ một cách đầy nhục nhã trên báo chí và các kênh truyền thông đại chúng đã nhấn Michael chìm sâu hơn nữa vào cảnh nghiện ngập, đến tận khi ông qua đời vào tháng 6 năm 2009 do sử dụng thuốc quá liều.
Mô hình các bệnh tâm thần thường tránh sử dụng những lời giải thích trên phương diện tâm lí, do vậy, xã hội thường coi cơn nghiện như một vấn đề phụ thuộc về mặt sinh lí hơn là một phản ứng phòng vệ trước nỗi hổ thẹn. Cho nên, nhiều người vẫn hiểu chưa đúng về vấn đề giữa cơn nghiện và cảm giác hổ thẹn. Các chương trình trị liệu thường tập trung vào mục tiêu giúp đỡ người nghiện thoát khỏi cơn nghiện, chứ chưa đi sâu vào gốc rễ tâm lí của cơn nghiện đấy, hay chính là nỗi hổ thẹn hạt nhân. Người nghiện thực cảm thấy xấu hổ về cơn nghiện của mình và những hành vi tự hủy hoại bản thân. Song, như Michael Jackson, ông vẫn lại một lần nữa chủ động tìm đến thuốc giảm đau để trốn tránh khỏi nỗi hổ thẹn hạt nhân.
Michael không ngại phô bày danh vọng, tiền tài và những tham vọng đứng trên đỉnh cao của thế giới, ông trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất của ngành công nghiệp giải trí. Đằng sau hào quang ánh sáng, ông cũng chỉ là một người bình thường, ôm lấy những tổn thương thơ ấu, những nỗi hổ thẹn chưa thể giải khai. Ông hoang phí tiền của, nghiện thuốc giảm đau, nghiện phẫu thuật thẩm mĩ,...
Hay như Ian, để chạy trốn khỏi cảm giác hổ thẹn, anh cũng thu mình trong thế giới ảo của trò chơi điện tử, anh trở nên nổi tiếng trong thế giới đấy.
Cả hai đều thể hiện rất rõ sự thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác, thiếu lòng cảm thông với những người đáng lẽ ra họ phải quan tâm nhiều nhất.
Cách đối phó với kẻ Ái kỉ Nghiện ngập
Nếu bạn đang trong một mối quan hệ tình cảm với một người Ái kỉ Nghiện ngập, đầu tiên, bạn cần phải nhận thức một sự thật rằng:
Bạn sẽ không bao giờ có thể “giải cứu” người đó một cách đơn độc.
Nếu thấy bản thân đang quá bận tâm đến việc giải cứu một người nghiện, bao che cho hành vi của người đó và gánh chịu những hậu quả trái chiều từ chúng, có thể bạn đang ở trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc. Bạn có thể hiểu đơn giản thế này, sự đồng phụ thuộc thường xuất hiện trong những mối quan hệ không lành mạnh khi sự trợ giúp của một trong hai người có xu hướng cổ vũ hoặc kích bẩy hành vi nghiện ngập ở người còn lại theo một cách khó phát hiện và thường không được ý thức rõ ràng.
Hành vi chăm sóc cho đối phương thường là chủ động trong mối quan hệ đồng phụ thuộc, nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Họ thể hiện bản thân là những người vô tư và hoàn toàn tận tụy với việc cứu giúp đối phương, nhưng thực ra họ chỉ đang cố gắng đề cao cái tôi cá nhân, thông qua việc phô diễn khả năng của bản thân và cảm giác được người khác cần đến. Có thể họ cũng sẽ lảng tránh những nhu cầu của mình bằng cách gán chúng cho người bạn đồng hành nghiện ngập. Mặc dù rất khó nhận ra nhưng thực tế, khả năng phát triển một mối quan hệ thân mật đích thực và trưởng thành ở những con người này cũng không tốt hơn so với kẻ Ái kỉ Nghiện ngập. Khái niệm đồng phụ thuộc này hoàn toàn khác với mối quan hệ phụ thuộc thông thường giữa người với người.
Thông qua những kẻ Ái kỉ Nghiện ngập, buộc chúng ta phải tự nhìn lại bản thân và nguyên nhân níu kéo mình trong một mối quan hệ thiếu lành mạnh đến vậy. Có thể sự phụ thuộc từ người nghiện khiến bạn ngấm ngầm cảm thấy mình là một kẻ thắng ưu việt hơn, tốt đẹp hơn. Có thể sự tận tâm và hi sinh đầy tình yêu thương của bạn chưa thực sự chân thành. Nói cách khác, đằng sau lớp vỏ bọc thánh thiện hay tâm lí nạn nhân, rất có thể chỉ là cái tôi cao ngạo và thiếu cảm thông của chính bạn.
Sự đồng phụ thuộc còn thường được gọi bằng những cái tên khác như tính Ái kỉ đảo chiều, đồng-Ái-kỉ hoặc Ái kỉ ngầm.
Bất chấp những hạn chế về mặt khái niệm, chương trình cai nghiện 12 bước của tổ chức Alcoholics Anonymous (tham khảo trong bảng dưới đây) vẫn thực sự giúp ích rất nhiều cho quá trình phục hồi của người nghiện rượu hoặc các loại chất gây nghiện khác. Dù không nhận ra nguồn gốc của những hành vi nghiện ngập, nhưng nhiều người đã ý thức rất rõ sức mạnh của nỗi hổ thẹn trong việc duy trì của những cơn nghiện. Bằng cách hướng dẫn người nghiện rượu qua một quy trình gồm 12 bước, tổ chức Alcoholics Anonymous đã giúp họ đối diện với nỗi hổ thẹn ở bản thân trong một môi trường giàu tính cảm thông. Những kẻ Ái kỉ Nghiện ngập dành phần lớn thời gian để chạy trốn khỏi cảm giác hổ thẹn và những hành vi tự hủy hoại, chỉ làm cho nỗi hổ thẹn đó càng bám rễ sâu hơn. Họ hiếm khi dám tự đối mặt với chính mình nếu không có sự giúp đỡ lâu dài và có tổ chức.
Các liệu pháp tâm lí chuyên sâu cũng là một lựa chọn không tồi nếu bạn có thể thuyết phục những cá nhân Ái kỉ Nghiện ngập tìm đến những cơ sở điều trị chuyên môn. Khi sức khỏe thể chất thực sự bị ảnh hưởng bởi chất gây nghiện, họ buộc phải thừa nhận vấn đề của bản thân. Song, cũng giống như các tuýp Ái kỉ Cực đoan khác, họ sẽ cố gắng chối bỏ sự thật trong nhiều năm, nếu mọi người xung quanh vẫn ủng hộ cái tôi hoang tưởng khuếch đại của họ.
12 BƯỚC CAI NGHIỆN CỦA ALCOHOLICS ANONYMOUS