Đối phó với những tuýp người Ái kỉ quanh bạn
Tôi đã nhắc đến tâm lí người thắng - kẻ thua của những cá nhân Ái kỉ xuyên suốt nội dung của cuốn sách này, tập trung vào những phương thức khác nhau mà các cá nhân Ái kỉ Cực đoan sử dụng nhằm tự thỏa mãn cái tôi cá nhân của bản thân và hạ thấp một ai đó khác. Hiểu rõ tâm lí này cũng đồng nghĩa với việc bạn đã phần nào hình dung ra công cụ quan trọng nhất để đối phó với những cá nhân Ái kỉ quanh mình. Khi nhìn từ xa, dường như tuýp người Ái kỉ Cực đoan chỉ là những kẻ kiêu căng, ngạo mạn đơn thuần, thậm chí là có phần ngây thơ. Song, một khi tiến gần hơn và bị cuốn vào quỹ đạo cảm xúc của những người này, họ sẽ ngay lập tức lôi bạn vào trò chơi tâm lí so bì hơn kém.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến khó lường của những cá nhân Ái kỉ Cực đoan lên cái tôi của những người xung quanh biến họ thành những chướng ngại vật khó lòng vượt qua. Những kẻ Ái kỉ Quyến rũ có thể tạo cho bạn cảm giác tuyệt vời, phấn chấn và may mắn, như thể bạn là một người chiến thắng. Còn những tuýp người Ái kỉ Cực đoan khác lại tìm đủ mọi cách buộc bạn phải nhìn bản thân như một kẻ thất bại. Nói cách khác, bạn sẽ khó có thể giữ thái độ trung lập và khách quan khi phản ứng lại hành vi của những kẻ Ái kỉ này, bởi họ biết cách tác động tới suy nghĩ của bạn về giá trị của bản thân. Nếu bạn không vững vàng và có xu hướng quá xem trọng vấn đề thắng - bại, hay bạn vốn cũng có những cảm giác hổ thẹn hạt nhân, thì bạn cũng ít có khả năng kháng cự lại những cá nhân này.
Sandy Hotchkiss – một nhà xã hội học người Mĩ, trong cuốn sách Why Is It Always About You? The Seven Deadly Sins of Narcissism (Tạm dịch: Tại sao mọi chuyện luôn xoay quanh bạn? Bảy sai lầm lớn của chủ nghĩa Ái kỉ), đã chỉ ra rằng: Khi tương tác cùng những cá nhân Ái kỉ Cực đoan, thế giới quan méo mó của họ sẽ có thể khiến bạn tự hoài nghi bản thân và những cảm nhận của chính mình. Với thái độ tự tin tột bậc và niềm tin tuyệt đối vào quan điểm của bản thân, tuýp người Ái kỉ Cực đoan có thể làm bạn tin rằng mình đã sai ngay cả khi sự thật rõ ràng là bạn cũng có hiểu biết. Xem xét mối quan hệ giữa mình và những cá nhân Ái kỉ, bạn có thể liên tưởng đến chuyến du hành của Alice ở xứ sở thần tiên (trong hang thỏ): Bạn cảm thấy hoang mang và bất an khi cảm nhận về chính mình (quá to lớn hoặc quá nhỏ bé), không thể phân biệt giữa thực tại và ảo mộng.
Khi trong mối quan hệ tình cảm với một kẻ Ái kỉ Quyến rũ, nhiều khả năng phán định của bạn sẽ bị mê mờ trong màn sương độc về một tình yêu lí tưởng. Dưới tác dụng của liều tình dược đó, bạn trở nên dễ bị thao túng và thường đưa ra những quyết định thiếu suy nghĩ. Chẳng hạn như những người đàn ông bị Julia mê hoặc (trong Chương 5), thường vô tình tiêu pha nhiều hơn dự tính. Bên cạnh đó, họ còn thường quá vội vã, muốn đẩy mối quan hệ tiến xa hơn dù chưa hiểu quá rõ con người cô. Tất cả bắt nguồn từ cái nhìn sai lệch về bản thân mà cô đã gieo vào đầu họ. Nếu từng sa chân vào lưới tình một cách nhanh đến chóng mặt như thế, có lẽ chính bạn cũng nên xem xét lại mối quan hệ của mình. Thay vì chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, có thể bạn đã chọn phớt lờ nó chỉ để cố duy trì hoặc giành lại trạng thái hạnh phúc mà bản thân đang hoặc từng cảm thấy.
Trong mối quan hệ giữa Neal và Alexis, Alexis cũng đã bỏ qua trực giác mách bảo những nguy hiểm, do cô quá mải mê đắm chìm trong những hành vi đường mật của đối phương. Anh ta tạo cho cô cảm giác mình là một người đặc biệt và vô cùng quyến rũ, một người thắng cuộc. Cô cảm thấy bản thân thật may mắn khi tìm được một chàng Bạch mã Hoàng tử thời hiện đại. Suốt nhiều tháng sau đó, khi những xung đột trong mối quan hệ này lên đến đỉnh điểm, cô vẫn cố tìm lại sự lãng mạn mê mệt ngày trước, thay vì làm điều đúng đắn nên làm là chia tay.
Nếu chính mình cũng đang chật vật với cảm giác hổ thẹn, chúng ta sẽ dễ bị cuốn hút bởi những kẻ Ái kỉ Cực đoan, vì trở thành một phần trong thế giới hoang tưởng khuếch đại của họ sẽ khiến ta cảm thấy mình đặc biệt. Nếu nhận thấy cuộc sống của bản thân hoàn thiện hoặc thú vị hơn khi trở thành một phần trong đời họ, bạn có thể phải đánh đổi bằng một cái giá rất lớn, thậm chí là phủ nhận chính mình. Khi hi sinh bản thân để đổi lấy một giấc mộng hoàng lương, bạn sẽ chẳng còn gì hơn ngoài cảm giác trống rỗng và một tâm hồn sứt sẹo. David (tôi có đề cập ở chương trước) là một người không ngừng chạy theo những mối quan hệ như vậy. Anh tự hạ thấp bản thân để sống cuộc đời thượng đẳng như những thần tượng của mình. Chưa bao giờ anh thôi trốn chạy khỏi nỗi hổ thẹn ăn sâu bén rễ trong tâm trí. Anh phớt lờ tất cả những dấu hiệu rằng mình đang bị lợi dụng, chỉ để níu giữ cảm giác là một thành viên trong vòng tròn của những người thắng cuộc.
Đối phó với những tuýp người Ái kỉ đôi khi cũng đồng nghĩa với việc phải đương đầu trực tiếp với nỗi hổ thẹn trong chính mình.
Nếu nhận thấy bản thân thường xuyên bị cuốn hút bởi một ai đó chỉ vì khi ở bên họ bạn có cảm giác mình là một người đặc biệt, rất có thể trong vô thức, bạn đang không ngừng trốn chạy khỏi cảm giác hổ thẹn hạt nhân cũng như mặc cảm về giá trị của bản thân. Điều này đặc biệt đúng với những người phải lớn lên dưới bàn tay nuôi dạy của những cha mẹ Ái kỉ. Con cái của cha mẹ Ái kỉ thường dễ bị tuýp người Ái kỉ Quyến rũ lợi dụng. Họ luôn sống trong nỗi dằn vặt rằng bản thân không bao giờ đủ tốt đẹp. Đối với họ, nụ cười thân thiện của một ai đó giống với cha mẹ mình, dường như là một cơ hội để chữa lành tâm hồn đau thương của họ.
Winona (trong Chương 8) phải lớn lên cùng một người mẹ không biết ai khác ngoài bản thân, thiếu hoàn toàn khả năng đồng cảm và quan tâm tới người khác và ngó lơ khi thấy một người bạn của gia đình quấy rối tình dục con gái ruột của mình. Do phải dựa dẫm rất nhiều vào sự trợ giúp tài chính từ người bạn này, bà đã chọn bán rẻ chính con gái mình để đổi lấy lợi ích cá nhân. Khi lớn lên, Winona kết hôn cùng một người đàn ông cũng thuộc tuýp Ái kỉ Cực đoan. Trong suốt nhiều năm, cô phải hạ mình và cố gắng hết sức để làm vừa ý ông chồng Ái kỉ – Mark, với mong muốn giành lấy tình yêu từ anh, giúp cô chữa lành nỗi mặc cảm về giá trị bản thân đã ám ảnh cô bấy lâu.
Trong những tình huống như vậy, muốn đối phó với những cá nhân Ái kỉ, bạn có thể phải dứt áo ra đi và tập trung vào bản thân. Cuối cùng, Winona chia tay với Mark và tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ tâm lí. Trong trường hợp của David, khi quá trình trị liệu có những tiến triển nhất định, anh không để tâm thái quá đến nguyện vọng của người khác, thay vào đó, anh chú ý hơn tới vấn đề của bản thân. Anh học cách kháng cự những cám dỗ, tham cầu, đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong các mối quan hệ và thực sự bắt tay vào xây dựng lòng tự trọng của bản thân. Sandy Hotchkiss đã ví quá trình này như việc “nói không với chất gây nghiện”. Một mối quan hệ mang lại thứ cảm giác hạnh phúc tạm bợ chỉ cản trở con đường gây dựng sự tự tôn lành mạnh chân chính.
Để có thể đối phó với những tuýp người Ái kỉ, mục tiêu đầu tiên bạn cần nhắm tới là hiểu rõ chính bản thân mình.
Thiết đặt giới hạn cho bản thân
Tuýp cha mẹ Ái kỉ là một trở ngại đặc biệt khó vượt qua. Ngay cả những người con phải chịu đựng sự bất công tột cùng từ chính mẹ cha mình, cũng thường khó cưỡng lại áp lực hoàn thành nghĩa vụ của một người con hiếu thảo. Theo các chuẩn mực thường quy xã hội, con cái phải biết hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ mình, con cái phải biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Do vậy, chúng ta có một ý thức rất rõ về trách nhiệm và bổn phận của con cái, ngay cả khi phải chịu đựng thái độ lạnh nhạt hoặc hành vi lạm dụng của cha mẹ. Những cố gắng để giải thích với bạn bè hoặc người thân xung quanh, điều chúng ta nhận được thường chỉ là những lời an ủi đầy sáo rỗng: “Bà ấy là mẹ cậu mà, tớ biết là ở tận sâu trong thâm tâm, bà ấy vẫn luôn hết lòng yêu thương cậu.” Khi không nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, gia đình hoặc xét trên bình diện rộng lớn hơn là cả xã hội, chúng ta có lẽ sẽ nghi ngờ chính những bài học mình đã rút ra từ trải nghiệm của bản thân.
Bên cạnh đó, cha mẹ Ái kỉ thường coi con cái là tài sản, là cái bóng của bản thân, đòi hỏi tình yêu và sự tôn trọng của chúng. Mẹ của Mora (trong Chương 4) chưa từng quan tâm chăm sóc cho cô. Song, bà vẫn đòi hỏi cô phải thực hiện nghĩa vụ của một người con hiếu thảo, phải tặng bà thật nhiều quà vào ngày sinh nhật, phải cảm thấy biết ơn bà. Trong khi đó, Mora cho rằng bản thân phải chịu trách nhiệm cho những khiếm khuyết của mẹ mình. Từ tận sâu thẳm tâm hồn, Mora thực sự tin rằng mình là một người không đáng được yêu thương.
Winona không thường xuyên liên hệ, giữ khoảng cách với mẹ mình để thoát khỏi người mẹ Ái kỉ này, nhưng cô vẫn thường nói về cảm giác tội lỗi vì điều đấy. Đôi khi cô tự hỏi rằng liệu tuổi thơ của mình có tồi tệ đến vậy? Có khi nào cô hơi quá nhạy cảm và phóng đại nỗi đau trong mình mà bỏ lỡ những nhọc nhằn mẹ phải gánh chịu vì mình. Hết lần này tới lần khác, cô tự thuyết phục bản thân rằng mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để điều hòa mỗi quan hệ giữa hai người và thường xuyên đến thăm mẹ mình. Song, mỗi lần gặp bà là một lần trái tim của Winona lại đau nhói. Những cơn phẫn nộ và những lời phán xét của bà làm cô thêm tổn thương và đau đớn hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người như Winona thường nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó, người mẹ Ái kỉ của mình có thể trở nên từ ái, khi họ trưởng thành và biết cư xử đúng mực. Việc đối phó với tuýp cha mẹ Ái kỉ bắt đầu với quyết tâm từ bỏ hi vọng và nỗi tiếc thương dành cho cha mẹ mà bạn chưa từng có. Để vượt qua quá trình này, bạn có thể cần đến sự trợ giúp tâm lí chuyên nghiệp. Trải qua một tuổi thơ dữ dội và đầy tổn thương là điều không ai mong muốn, song điều chúng ta cần làm là chữa lành những tổn thương, vượt qua những nỗi hổ thẹn sâu thẳm trong tâm hồn để vươn đến một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Đấy là một thử thách vô cùng khó khăn, nhưng bằng ý chí và sức mạnh bên trong mình, tôi tin bạn có thể làm được.
Quá trình đối mặt với cha mẹ Ái kỉ cũng cần đặt ra những giới hạn nhất định để tránh những nguy cơ bị lạm dụng. Đôi khi, bạn có thể phải hoàn toàn ngắt liên lạc với cha/mẹ của mình. Nhiều độc giả của tôi đã chia sẻ câu chuyện họ từ chối gặp mặt hoặc liêc lạc mới mẹ mình dù trong bất kì tình huống nào. Một số người khác lại đặt ra giới hạn chỉ đến thăm mẹ mình trong những kì nghỉ ngắn ngày nhất định, gọi điện cho chúc mừng vào ngày sinh nhật hoặc một số ngày lễ kỉ niệm khác. Nếu là con của cha hoặc mẹ thuộc tuýp này, bạn sẽ cần tự quan tâm chăm sóc đến bản thân nhiều hơn. Bạn xứng đáng nhận được nhiều yêu thương và hạnh phúc hơn thế.
Vấn đề sẽ khó nhận diện hơn khi bạn được cha mẹ Ái kỉ lí tưởng hóa. Cha mẹ vẫn thường tự hào về thành tựu của con cái mình, do vậy, những lời ngợi khen thái quá dường như cũng là biểu hiện của tình yêu thương. Sẽ thật khó để bạn chấp nhận sự thực rằng mọi thứ vốn chẳng hề xoay quanh bạn. Cha mẹ Ái kỉ thường coi con cái như một phiên bản lí tưởng của bản thân, một cái tôi bù trữ của chính họ. Người mẹ hết mực tận tâm của Celine (trong Chương 4) đã lợi dụng con gái mình theo cách này. Bà buộc Celine tham gia vào các cuộc thi hoa khôi nhí, học đàn dương cầm và tất cả những chuyện tương tự, chỉ để tô vẽ cô thành một người thắng cuộc. Những đứa con đã lớn lên mà thiếu đi sự quan tâm và tình yêu thương chân thành từ cha mẹ mình.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, để đối phó với cha mẹ Ái kỉ, bạn cần thiết lập những giới hạn nhất định để tự bảo vệ bản thân và vượt qua hậu quả tất yếu của việc lớn lên trong một vòng tay Ái kỉ: nỗi hổ thẹn.
Kìm hãm thôi thúc trả đũa
Ngay cả khi bạn lớn lên trong hoàn cảnh gia đình đủ tốt, những cá nhân Ái kỉ Cực đoan vẫn có thể tác động đáng kể lên nhận thức của bạn. Họ có thể nâng bạn lên tận mây xanh bằng những lời có cánh hoặc đẩy bạn xuống đáy vực sâu với thái độ khinh khi tột bậc. Không ai trong chúng ta có thể miễn dịch hoàn toàn trước những thủ thuật biến ảo khôn lường đó. Con người là những sinh vật xã hội, sống trong một cộng đồng, dựa vào mối quan hệ lẫn nhau. Lòng tự trọng của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào mức độ tôn trọng của những người xung quanh. Khi tạo ra sức ảnh hưởng nhất định nơi công sở, trong gia đình hay ngoài xã hội, những cá nhân Ái kỉ Cực đoan có thể hủy hoại cái tôi của bạn tới mức đe dọa bản năng sinh tồn của bạn. Tương tự như những tình huống sống còn khác, chúng ta sẽ tiến vào trạng thái phòng vệ.
Khi thường xuyên bị những cá nhân Ái kỉ Cực đoan làm tổn thương lòng tự trọng và đẩy vào vị thế của một kẻ thua cuộc, bạn có thể hình thành một số cơ chế phòng vệ như các phương thức phòng vệ Ái kỉ để tránh phải đối mặt trực tiếp với cảm giác hổ thẹn hạt nhân.
Tôi đã giải thích về khái niệm nỗi hổ thẹn hạt nhân và phương thức phòng vệ Ái kỉ ở các chương trước. Khi phải đối mặt với thái độ kinh thường của các cá nhân Ái kỉ, bạn có thể tự vệ bằng cách tức giận và mù quáng cho mình là đúng, như thể bạn phải chịu đựng cảnh bất công khủng khiếp mà không có cơ hội biện minh. Lúc này, bạn nghĩ mình chỉ là một người vô tội đáng thương và sẽ rút lui sau lớp phòng vệ, từ đó phản kích bằng những lời chỉ trích. Khi bị khinh thường và đổ lỗi, bạn có thể muốn đảo ngược tình thế và đổ lỗi cho đối phương. Nếu không ý thức về tâm lí hơn - thua đang hiện hữu trong mình, bạn có thể mắc kẹt trong một cuộc chiến ăn miếng trả miếng trước những lời công kích Ái kỉ nhằm vào cái tôi của bạn: Lấy khinh bỉ trả khinh bỉ, lấy đổ lỗi chống đổ lỗi.
Tất cả chúng ta đều Ái kỉ ở một mức độ nào đó. Giống như Natalie, cô trợ lí luật sư trong Chương 2, đôi khi bạn vẫn tự bảo vệ bản thân trước nỗi đau do những tổn thương Ái kỉ, bằng cách đổ lỗi lên người khác, nổi cơn giận khi thấy bản thân phải chịu đối xử bất công, hoặc tỏ thái độ thượng đẳng và khinh thường đối phương. Đấy là những cách phản ứng thông thường (không mang tính bệnh lí) chúng ta thường sử dụng khi lòng tự tôn của mình bị tổn thương. Trong hầu hết các trường hợp, trạng thái này chỉ là tạm thời. Khi bình tĩnh lại, bạn có thể chấp nhận quan điểm của đối phương và nhận ra cách mình phản ứng chưa phù hợp. Bạn có thể cảm thấy hối hận vì những điều tồi tệ mình đã nói ra trong cơn nóng giận và nói lời xin lỗi chân thành với đối phương.
Song, nếu đang gặp vấn đề với cảm giác xấu hổ, nếu không nhận thức rõ bản thân, bạn khó lòng rút lui khỏi cuộc chiến phân định thắng - thua. Khi nhận thấy cái tôi của mình đang bị đe dọa, bạn quá chú tâm vào việc chứng minh bản thân là đúng còn đối phương thì sai. Rất nhiều mối quan hệ thiếu lành mạnh kéo dài suốt nhiều năm theo cách này, hai bên ra sức cạnh tranh để vượt lên và chứng tỏ người còn lại mới là kẻ thất bại đáng khinh và đáng hổ thẹn. Như Denise và chồng cô Eric (trong Chương 8) phải vật lộn trong cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ đó, cho tới khi một trong hai người rời khỏi sàn đấu, đối diện với nỗi hổ thẹn trong tâm mình, họ mới hiểu rằng vẫn còn những cách tiếp cận vấn đề khác lành mạnh hơn.
Nếu bạn rơi vào một cuộc cãi vã như thế, hãy dừng việc đổ lỗi lẫn nhau, chuyển hướng sự tập trung vào cái tôi Ái kỉ đầy nhạy cảm của mình, hãy kìm hãm thôi thúc trả đũa. Thêm vào đó, dù đã hiểu rõ tâm lí hơn thua, bạn cũng không nên cố thách thức hay khai sáng cho những cá nhân Ái kỉ. Họ có cái lí của riêng mình, thường coi lời giải thích của bạn như một cách tỏ thái độ trịch thượng và tưởng rằng bạn muốn tấn công họ. Thay vào đó, bạn cần tìm cách để ngăn bản thân không trôi theo dòng cảm xúc của họ, tránh công kích nhằm hạ bệ những cá nhân Ái kỉ này và ngừng hi vọng rằng họ sẽ thừa nhận quan điểm của bạn.
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn
Sau khi li hôn Neal, Alexis nghĩ, nên coi anh chàng như một đứa trẻ đang nổi cơn cáu bẳn. Cách nghĩ này giúp cô bình tĩnh hơn trước những cuộc tấn công phi lí và tàn nhẫn của anh ta. Suy cho cùng, kẻ ác cũng chỉ là một cậu nhóc đang sợ hãi, run rẩy trước cơn hổ thẹn của chính mình. Hãy bao dung với những cá nhân Ái kỉ này. Wendy Behary – một nhân viên công tác xã hội, khuyên rằng:
Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của những cá nhân Ái kỉ, bạn có thể cảm nhận thế giới nội tâm của họ một cách chân thực nhất. Khi bị một cá nhân Ái kỉ Cực đoan công kích, hãy hình dung, trước mặt bạn là một cậu bé cô đơn và thiếu thốn tình yêu thương đang núp dưới lớp vỏ bọc của một người đàn ông trưởng thành. Nghĩ đến gương mặt của đứa trẻ ấy, tưởng tượng những trải nghiệm cậu từng nếm trải: những cảm xúc đau đớn, nỗi mặc cảm về sự khiếm khuyết và nỗi hổ thẹn, cảm giác cô đơn và trống rỗng trong tâm hồn, những khó khăn cậu phải đối mặt trong quá trình tìm kiếm sự quan tâm, tình yêu thương hoặc sự công nhận… Hãy cảm thông và bao dung cho cậu bé. Cậu bé ấy chính là con người thật mà người đàn ông đang đứng trước mặt bạn không có đủ can đảm để trực tiếp đối mặt.26
26 Wendy T. Behary, Disarming the Narcissist: Surviving & Thriving with the Self-Absorbed, Oakland: New Harbinger Publications, 2013.
Tôi biết việc phải cảm thông với người đang công kích mình có vẻ là một điều hơi quá khó khăn, đặc biệt là khi người đấy không đáp lại sự quan tâm của bạn. Song, việc từ ái những cá nhân Ái kỉ quanh mình, thay vì coi họ như những con quái vật không thông lí lẽ, có thể giúp bạn bảo toàn lòng tự trọng của bản thân, đồng thời có thể phần nào giúp họ nhìn nhận lại bản thân và trở nên tốt đẹp hơn.
Tính cách của những cá nhân Ái kỉ Cực đoan trong cuốn sách này đều hình thành lên từ những nỗi đau thời thơ ấu: bị bỏ rơi, cha mẹ mất sớm, bị bạo hành về thể chất và tinh thần, bị cha mẹ mình lợi dụng hòng phục vụ mục đích Ái kỉ của họ, hoặc phải chịu đựng thái độ đố kị và căm ghét của cha mẹ mình. Tuýp người Ái kỉ Cực đoan vốn không phải trời sinh như thế, những biến cố, bi kịch trong đời đã định hình nhân cách của họ.
Khi phải đối mặt với một cá nhân Ái kỉ Cực đoan, hãy cảm thông với nỗi hổ thẹn hạt nhân sâu trong tâm hồn họ, bạn sẽ thoát ra khỏi trận chiến hơn - thua vô nghĩa mà họ đang cố công khởi xướng.
Muốn cảm thông với người khác, hãy vận dụng trí tưởng tượng của bạn, hình dung ra cảm giác của đối phương, cảm nhận nỗi đau của họ, nỗi hổ thẹn trong họ. Điều đó có thể giúp bạn thấy rõ hơn con người đầy tổn thương mà chính họ không dám đối diện. Điều bạn cần làm lúc này là nhận ra cách họ phòng ngự để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác hổ thẹn. Chắc hẳn đến lúc này, bạn đã khá quen với những biện pháp phòng vệ này: đổ lỗi, khinh thường hay tức giận. Song, ngay cả khi đã cảm thông cho nỗi đau của họ, bạn cũng đừng mong rằng họ sẽ cảm thấy biết ơn vì điều đó. Nỗi hổ thẹn khiến tuýp người Ái kỉ Cực đoan cảm thấy bản thân thất bại, do vậy, họ thường sẽ không muốn nhận sự cảm thông từ bạn (dù có thể họ vẫn sẽ cố khơi gợi sự thương cảm của bạn). Họ có thể coi thiện chí của bạn như một sự thương hại. Dựa vào đó, họ sẽ đổi mới cách tấn công vào lòng tự tôn của bạn hòng thoát khỏi cảm giác hổ thẹn trong chính mình.
Thay vì công khai thể hiện thái độ cảm thông, hãy dựa vào đó như một tấm bản đồ định hướng hành vi của bạn trước thái độ thù địch từ đối phương.
Bạn cần trở thành một con người “lớn lao” hơn, làm những điều bạn cho là tốt nhất cho cả hai, bất chấp mọi ý kiến trái chiều từ họ. Lại một lần nữa, suy nghĩ coi mình phải đối diện với một đứa trẻ đang nổi cơn cáu giận có thể giúp bạn bình tĩnh hơn và có cách phản ứng phù hợp. Bạn có thể đặt ra những giới hạn hợp lí và thẳng thắn bày tỏ với họ những mong muốn của bản thân về việc cả hai bên sẽ cư xử đúng chừng mực.
Đôi khi, bạn cần nói “không” với đứa trẻ đó, dù biết chắc câu trả lời bạn nhận được sẽ là “Tôi ghét bạn!” Cùng lúc đó, bạn đừng rời mắt khỏi nỗi đau và hổ thẹn đằng sau cơn phẫn nộ của đối phương. Theo Behary, việc đối phó với những tuýp người Ái kỉ đòi hỏi ta phải tái nuôi dạy đối phương, nuôi dưỡng đứa trẻ cô độc và thiếu thốn tình cảm trong họ bằng sự quan tâm, săn sóc và chỉ bảo tận tình.
Khác với Behary, tôi không mấy lạc quan về khả năng thành công của phương pháp này. Đối với tôi, lối tiếp cận theo hướng nhận thức - hành vi của cô đôi khi hơi quá ngây thơ. Nỗi hổ thẹn hạt nhân là một nỗi đau tinh thần sâu sắc. Một cá nhân Ái kỉ Cực đoan chỉ có thể chữa lành những tổn thương của chính mình bằng cách đối diện với nỗi hổ thẹn này. Bao dung cho họ, đặt ra các giới hạn hay bày tỏ mong muốn của bản thân, có thể giúp bạn tự bảo vệ bản thân và mang đến một số ích lợi tạm thời cho cá nhân Ái kỉ. Song, khi một người đã dựng lên một trường phòng hộ Ái kỉ, thì phương pháp này có lẽ không đủ hiệu quả để thôi thúc sự thay đổi tích cực ở những cá nhân này.
Cắt đứt/buông bỏ
Những hướng dẫn trên của Behary là cho một đối tượng nữ đang trong mối quan hệ tình cảm với một người đàn ông Ái kỉ. Hầu hết những lời khuyên cô đưa ra đều có thể giúp cải thiện tình hình, song, việc làm theo chúng dường như là một nhiệm vụ không dễ dàng. Bên cạnh đó, những nỗ lực này không thể mang quá nhiều kết quả cho chính bạn. Tại sao bạn muốn giữ mối quan hệ dựa trên việc coi đối phương (một người trưởng thành) là một đứa trẻ đang sợ hãi và hổ thẹn đến mức không thể đáp trả lại sự quan tâm của bạn? Có thể bạn sẽ hạn chế những hành vi phá hoại của họ, nhưng thực sự bạn thấy như thế nào, dù bạn có cố gắng đến đâu, họ vẫn gần như không thể thực sự yêu thương hay đồng cảm.
Lựa chọn bám víu lấy một mối quan hệ một chiều như vậy với một người Ái kỉ thường xuất phát từ những nguyên nhân thiếu lành mạnh (trong vô thức). Nếu chính bạn cũng đang phải vật lộn với cảm giác hổ thẹn, có thể bạn sẽ muốn níu kéo lấy “thứ cảm giác đặc biệt họ tạo ra cho bạn, được trở thành một phần trong thế giới thượng đẳng của họ.” Giống như Winona, có thể bạn chỉ đang cố gắng tái dựng một mối quan hệ không hạnh phúc với người cha, người mẹ Ái kỉ của mình và hi vọng rằng cơ hội thứ hai này sẽ có kết cục tốt đẹp hơn. Ở mức độ vô thức, có thể bạn đang sợ hãi những nhu cầu của chính mình và cố gắng né tránh sự gắn kết đích thực, bằng cách tự trói buộc bản thân vào một mối quan hệ đồng phụ thuộc. Suy cho cùng, việc coi bạn đời/người yêu của mình là một đưa trẻ sợ hãi và đầy hổ thẹn có thể tạo ra một mối quan hệ thiếu cân xứng: Không có cha mẹ nào lại đòi hỏi con cái phải đáp ứng nhu cầu của mình cả.
Đối với mối quan hệ tình cảm với tuýp người Ái kỉ Cực đoan, tôi tin rằng một lựa chọn an toàn dành cho bạn là từ chối dấn thân vào chúng ngay từ đầu, hoặc cắt đứt quan hệ ngay khi nhận ra bản chất thực sự của đối phương.
Đừng tiến vào mối quan hệ cùng một người Ái kỉ với suy nghĩ rằng bạn có thể thay đổi con người này, hoặc rằng người đó sẽ thay đổi vì tình cảm dành cho bạn. Dù đôi khi họ có thể thực sự thay đổi vì một mối quan hệ, nhưng điều đó đòi hỏi ở họ khả năng đáp trả lòng thông cảm bằng sự cảm thông.
Sự gắn kết bề mặt thường không đem lại điều gì tốt đẹp
Không phải lúc nào bạn cũng có thể chọn dứt áo ra đi. Đôi khi, bạn không có lựa chọn nào khác trước một mối quan hệ khó khăn ngoài việc tiếp tục duy trì nó. Chẳng hạn với một thành viên trong gia đình, cấp trên, đồng nghiệp hoặc người quen. Trong những trường hợp này, để thành công đối phó với những tuýp người Ái kỉ quanh mình, bạn cần phải luôn nhớ rằng: Nỗi hổ thẹn là một vấn đề thường trực.
Tuýp người Ái kỉ Cực đoan không ngừng củng cố và bảo vệ cái tôi của bản thân nhằm rũ bỏ cảm giác hổ thẹn trong vô thức. Vì lí do này, bạn cần tránh không làm tổn thương lòng tự tôn mong manh của họ.
Những nhân viên của Steve Jobs – tuýp người Ái kỉ Biết tuốt, hiếm khi nhận được thái độ tôn trọng, dù chỉ là miễn cưỡng, từ ông. Ông thường làm họ bẽ mặt hết lần này tới lần khác và chứng tỏ rằng bản thân mới là người hiểu biết hơn cả. Như tôi đã nói, cách tiếp cận tôi đề xuất có thể cho bạn cảm giác hơi nhút nhát, nhưng thực sự thì giữ một lập trường quá cứng nhắc không phải là cách hóa giải mâu thuẫn với những cá nhân Ái kỉ. Sự thật và sự công bình không có ý nghĩa gì với nhóm người Ái kỉ Cực đoan, đòi hỏi những lí lẽ xác đáng hay thái độ công bằng từ họ thường không mang lại kết quả. Trừ khi bạn có một tinh thần đấu tranh bất khuất như John James – một phóng viên bền bỉ theo đuổi quá khứ của Fred Myerson nhằm vạch trần hành vi sử dụng chất kích thích trái phép của người đó (trong Chương 3). Nếu không, bạn nên tránh xung đột trực tiếp với những người này. Đừng cố chỉ trích hay lật tẩy những lời dối trá của họ. James bị kiện vì tội phỉ báng và công kích cá nhân công khai trên các phương tiện truyền thông, cho nên bạn cũng có thể bị trả thù vì đã nói lên sự thật.
Như Hotchkiss từng nói, “Những phương pháp thể hiện quan điểm cá nhân thường chẳng có tác dụng với những cá nhân Ái kỉ, bởi họ coi đó là một hình thức công kích nhắm vào sự đặc biệt, vĩ đại và tính đặc quyền của họ.”27 Cô cũng khuyên bạn nên “truyền tải thông điệp của bản thân một cách khéo léo, từ đó chữa lành tổn thương của họ.” Thường thì việc này sẽ đòi hỏi bạn phải nuông chiều cái tôi của họ, nâng họ lên cao, làm giảm mức độ gay gắt trong những góp ý của bạn dành cho họ.
27 Sandy Hotchkiss, Why is it Always About You?, The Seven Deadli Sins of Narcissism, New York: Free Press, 2003.
Một lần nữa, cách cư xử này có thể cho bạn cảm giác thiếu chân thành hoặc không trung thực, nhưng như Dale Carnegie từng nói: Ngay cả những lời chỉ trích công tâm và thành thực nhất cũng có thể đặt chúng ta (không chỉ riêng tuýp người Ái kỉ Cực đoan) vào trạng thái phòng vệ, bởi nó làm tổn thương lòng kiêu hãnh quý báu của họ. Dù những lời góp ý của bạn là đúng, nhưng vẫn có thể khiến bạn rơi vào một cuộc tranh đấu không hồi kết. Cách bạn nên làm trong tình huống này là né sang một bên. Tất nhiên, việc này đòi hỏi bạn phải có: Một nhận thức rõ ràng về bản thân và đủ tin tưởng vào giá trị của bản thân, mà không cần đến sự thừa nhận của người ngoài.
Đôi khi, việc bạn né sang một bên cũng có thể thất bại và bạn không thể làm gì để xoa dịu những con người Ái kỉ Cực đoan này. Có thể họ sẽ coi sự tồn tại của bạn là một nỗi xấu hổ to lớn. Giống như Marie (trong Chương 3), trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt nơi công sở, có thể bạn phải nghĩ đến chuyện tìm cho mình một công việc khác. Như những gì Tyler McOwen (trong Chương 9) nhận thấy, một khi lỡ động chạm đến lòng tự ái của tuýp người Ái kỉ Hận thù, họ sẽ miệt mài báo thù với một thái độ vô lí và tàn nhẫn, dù bạn có nói hay làm gì. Trong những trường hợp đấy, hãy ghi chép lại quá trình tương tác giữa hai người, sao chép kết quả công việc của bản thân và tìm kiếm cho mình một cố vấn pháp lí chuyên nghiệp.
Alexis đã ghi chép lịch trình, những lời dối trá và những hành vi vi phạm thỏa thuận về quyền nuôi con giữa họ của Neal. Cô dựa vào ứng dụng định vị GPS trên điện thoại của con gái mình để chứng minh anh ta đã vi phạm thỏa thuận giữa hai bên. Thêm vào đó, cô cũng lưu trữ toàn bộ tin nhắn điện thoại từ Neal để vạch trần bản chất con người anh ta trước tòa. Đôi khi, Alexis cũng hình dung về người chồng cũ như một đứa trẻ nhỏ bé và sợ hãi đang lên cơn cáu giận, nhưng sự thương cảm đó không thể làm thay đổi thái độ thực tế và cứng rắn của cô trước nhu cầu phải bảo vệ bản thân và cuộc sống của mình. Trong nhiều trường hợp, những tuýp người Ái kỉ Cực đoan có thể trở nên vô cùng nguy hiểm và bạn cần phải bảo vệ bản thân bằng mọi giá.
Những đứa con Ái kỉ: Hãy nói “Không” khi cần
Trong gia đình chúng ta, những trường hợp Ái kỉ Tự cao nhưng bạc nhược như Shiloh (trong Chương 6) lại đặt ra một vấn đề khác. Những người Ái kỉ Nghiện ngập như Ian cũng vậy, họ thường bỏ mặc chúng ta để kết thân cùng chất gây nghiện. Bạn cần có những chiến lược khác để nhận ra tính cao ngạo âm thầm của họ, dù nỗi hổ thẹn vẫn là vấn đề chính. Cách họ tác động lên cái tôi của chúng ta tinh vi hơn, nhưng một lần nữa:
Nếu muốn đối phó hiệu quả với những cá nhân Ái kỉ, bạn nên hiểu rõ những khiếm khuyết Ái kỉ trong chính mình.
Hầu hết những cặp cha mẹ như Anne và John – cha mẹ của Shiloh, cảm thấy vô cùng phiền muộn trước sự thiếu động lực, lãnh đạm trước cảm xúc của người khác và thiếu định hướng đạo đức ở con cái mình. “Chúng ta đã làm gì sai vậy?” “Chúng ta đã hết lòng dạy dỗ, thằng bé có đủ mọi điều kiện nó cần, vậy mà nhìn xem, chuyện gì đang xảy ra thế này!” Thật khó để họ nhận ra những “đóng góp” của chính họ với vấn đề hiện tại. Do mong muốn nuôi dạy một người thắng cuộc để bù đắp nỗi hổ thẹn của bản thân, họ không ngừng lí tưởng hóa con trai ngay cả khi Shiloh bắt đầu ý thức về giá trị của bản thân. Thay vì đặt ra những giới hạn phù hợp và một hệ thống chuẩn mực thực tế, họ lại tiếp tục ngợi khen bất cứ thứ gì con làm, đồng thời đưa ra những hình phạt yếu ớt và vô nghĩa trước những sai phạm của cậu.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng là người có lỗi. Sống trong một xã hội đề cao cái tôi cá nhân cũng như cảm giác đặc quyền như hiện nay, cũng là một nhân tố góp phần hình thành nên nhân cách Ái kỉ ở trẻ. Song, với những trường hợp tương tự như Shiloh, gốc rễ của vấn đề vẫn bắt nguồn từ tính Ái kỉ của cha mẹ. Trong khi một số cha mẹ Ái kỉ là những người cầu toàn, không ngừng thúc đẩy con cái hướng tới thành công, thì một vài cha mẹ khác thuộc nhóm này lại lí tưởng hóa và nuông chiều con cái của mình hết mực, coi mọi thứ con làm đều là một thành quả lớn lao (theo nghĩa đen). Họ tin tưởng vào sự đặc biệt của con mình đến nỗi quên mất phải dạy chúng những chuẩn mực thường quy và tính kỉ luật tự giác cần thiết đề có thể thành công.
Quá trình đối phó với những người con như vậy sau khi trưởng thành đòi hỏi các bậc cha mẹ phải thừa nhận sai lầm của bản thân trong việc dưỡng dục con cái và giúp chúng đối mặt với nỗi hổ thẹn trong tâm hồn. Có thể tuýp người Ái kỉ Tự cao cho rằng mình có đặc quyền lớn, thường thể hiện thái độ thượng đẳng hoặc thờ ơ, nhưng trong vô thức, họ thường cảm thấy bản thân chỉ là một kẻ thất bại. Vẻ ngoài ngạo mạn và thái độ khinh khi chỉ là vỏ bọc để họ che giấu nỗi hổ thẹn sâu sắc bên trong. Rất nhiều cha mẹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng thái độ phòng vệ trước nỗi hổ thẹn của con ngay cả khi chúng trưởng thành, bằng cách cho phép chúng ở lại nhà mà không bắt chúng phải đóng góp vào chi tiêu chung của gia đình, hỗ trợ tài chính nếu chúng chọn bắt đầu một cuộc sống riêng, hoặc hết lần này tới lần khác cứu chúng khỏi những tình huống khẩn cấp. Qua việc bảo vệ con cái mình khỏi những hậu quả đến từ lựa chọn của chúng, cha mẹ cũng đang góp phần gây khó khăn cho con cái trong quá trình chúng thực sự học hỏi bằng những trải nghiệm của riêng chúng.
Ngay cả khi đứa con Ái kỉ của bạn đến tuổi trưởng thành, bạn nên thay đổi chiến lược nuôi dạy con cái nhằm giúp chúng viên thành những phẩm chất tốt đẹp và có thái độ ứng xử phù hợp. Hãy học cách đặt ra các giới hạn thích hợp và nói “không” khi cần. Hãy đề ra những mục tiêu phù hợp với từng lứa tuổi của con trẻ và làm rõ hậu quả khi chúng không tuân thủ các quy định, quy tắc chung hay những chuẩn mực thường quy. Khi đối mặt với thái độ đặc quyền của trẻ, đôi khi là những lần hờn dỗi vô cớ, hãy cứng rắn và kiên quyết. Hãy vững tâm và đừng lung lay trước những lời nói tủi hờn của chúng. Cũng đừng mong rằng con bạn sẽ nghe lời bạn ngay lập tức. “Yêu cho roi cho vọt” là một phương pháp nuôi dạy con rất phổ biến và thường bị hiểu nhầm. Song, đôi khi bạn nên để con tự khắc phục những hậu quả do hành vi sai trái do chúng gây ra, để chúng có trách nhiệm hơn với hành động của mình, với cuộc sống của mình. Nếu bạn thực sự thương yêu con cái, dù khó khăn và đau đớn tới đâu thì đôi khi, bạn cũng cần để con trẻ được nếm mùi thất bại.
Nếu cứ tiếp tục nuôi dưỡng sự tự cao và cảm giác đặc quyền của con, thì ít nhất một phần lỗi lầm thuộc về tính Ái kỉ của chính những bậc cha mẹ.
Cơn nghiện Ái kỉ: Tập trung thay đổi bản thân, chứ không phải con nghiện
Người ta thường cho rằng, những cơn nghiện là một trạng thái sinh lí, việc chúng ta sử dụng một chất, hoặc tham gia một hành vi nào đấy, lặp đi lặp lại và bất chấp hậu quả. Song đúng hơn, chứng nghiện là một biểu hiện tâm lí. Chúng ta tìm đến chất kích thích, chất gây nghiện nhằm giải tỏa tạm thời những tổn thương tâm lí trong mình. Cho nên, theo tôi, quá trình thấu hiểu và đối phó với tuýp người Ái kỉ Nghiện ngập cần bắt đầu với việc thay đổi góc nhìn của chính bạn. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng sinh lí của chất gây nghiện, nhưng đấy không phải là nguyên nhân của thái độ cao ngạo ngấm ngầm đằng sau những cơn nghiện. Thay vì coi sự thiếu quan tâm tới người khác như một sản phẩm phụ của cơn nghiện, bạn cần nhìn nhận nó như một trạng thái tâm lí đã tồn tại từ trước đó. Thay vì coi nỗi hổ thẹn là kết quả của những hành vi nghiện ngập, bạn phải hiểu sự thực rằng đây là một trong những nguyên nhân gây ra chứng nghiện của đối phương.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng quy trình 12 bước cai nghiện của Hội người Nghiện Ẩn danh – Alcoholics Anonymous vẫn hướng đến việc giải quyết những yếu tố này. Việc thừa nhận sự bất lực của bản thân trước cơn nghiện và đặt niềm tin vào một sức mạnh lớn lao hơn, phần nào có thể giúp triệt tiêu thái độ cao ngạo, ảo tưởng ở họ. Trên phương diện tinh thần, quy trình 12 bước này coi thái độ tự cao của người nghiện là “căn bệnh tinh thần” nghiêm trọng nhất. Mục tiêu cuối cùng của những bước trị liệu đấy là đẩy lùi thái độ tự cao bằng một sự tự ý thức về đạo đức và sự quan tâm dành cho người khác. Bằng cách đối diện với những nỗi đau, những tổn thương của bản thân trong quá khứ và cam kết thay đổi, người nghiện sẽ dần học được cách coi trọng cảm xúc của người khác.
Việc phải chịu đựng cảm giác tội lỗi hay nỗi hổ thẹn là một phần tất yếu không thể tránh khỏi của quá trình cai nghiện.
Trong trường hợp có một (hoặc nhiều) thành viên trong gia đình thuộc tuýp Ái kỉ Nghiện ngập, hay nếu bạn đang ở trong mối quan hệ tình cảm với một người như vậy, có thể bạn sẽ cảm thấy như mình đang đâm đầu vào ngõ cụt khi cố gắng thay đổi họ. Nếu muốn giúp đỡ họ, trước tiên bạn cần phải thay đổi chính mình.
Như Hotchkiss từng viết: “Những người bị thu hút, cố duy trì mối quan hệ với những người nghiện, hoặc có xu hướng đồng phụ thuộc, họ thường có những lí do không lành mạnh, những nhu cầu cần được kiểm soát.” CoDA hay Co-Dependents Anonymous là một chương trình 12 bước khác dành cho những người có mong muốn phát triển các mối quan hệ lành mạnh và hữu ích. Cũng giống như những chương trình phục hồi khác, họ tập trung vào việc giải tỏa tâm lí tự đề cao ở đối tượng và giúp họ đối mặt với cảm giác tội lỗi, nỗi hổ thẹn của bản thân. Hay nói cách khác là giúp họ đối mặt với bản chất Ái kỉ của chính mình. Như tôi từng đề cập, đồng Ái kỉ là một cách gọi khá phổ biến của sự đồng phụ thuộc.
Để đối diện với nội tâm và giải quyết những vấn đề riêng của bản thân, bạn đặt ra những giới hạn nhất định với tuýp người Ái kỉ Nghiện ngập. Hãy từ chối tham gia hoặc hỗ trợ bất kì hành vi sử dụng chất gây nghiện nào, bày tỏ thái độ không khoan nhượng, không cổ vũ thói nghiện ngập ở đối phương, hay cho họ vay tiền để phục vụ thói quen đó. Đừng dung túng cho những hành vi lạm dụng chất gây nghiện. Điều đó, chỉ khiến họ chìm sâu hơn và cơn nghiện, và nữa là bạn cũng không thể giải thoát chính mình khỏi những rắc rối từ người này.
Bạn có thể giải cứu những kẻ Ái kỉ Nghiện ngập, song bạn cần một trái tim sắt đá và bao dung, một ý chí vững vàng và bền bỉ để chăm lo cho mình và giúp đỡ cho người.
Bạn ở đâu trên thang đo Ái kỉ
Trong những năm gần đây, việc hạ thấp người khác bằng cách gọi họ là “đồ Ái kỉ”, “kẻ tự luyến” dường như đã trở thành một trào lưu. Dù càng ngày, xã hội càng cảm thông hơn với những người mắc các chứng bệnh tâm thần, nhưng phạm vi của lòng cảm thông đó hầu như chưa bao giờ giao thoa với lãnh địa của những kẻ Ái kỉ Cực đoan. Theo những chẩn đoán về một người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ, nhóm người này là tập hợp những kẻ phản diện đích thực: ích kỉ, ngạo mạn, vô cảm, luôn lợi dụng người khác, tàn nhẫn và hằn học, v.v. Song, tôi cho rằng, mỗi người chúng ta đều có cả mặt sáng mặt tối, điểm tốt điểm xấu. Chỉ là chúng ta lựa chọn sống với điều gì và có kiểm soát được những khao khát, những mong muốn của mình hay không.
Mô hình bệnh trong cuốn sổ tay DSM coi chứng Ái kỉ như một loại rối loạn nhân cách riêng biệt và chỉ ảnh hưởng đến một nhóm người. Do vậy, một cách tự nhiên, bạn sẽ muốn tách mình ra khỏi nhóm người này. Khi nghe đến những chứng bệnh tâm thần và các biểu hiện của chúng, bạn rất dễ bỏ qua đôi lúc mình hơi tự coi trọng bản thân thái quá. Hay trong một số hoàn cảnh nhất định, bạn lỡ quên đi lòng cảm thông dành cho những người thân yêu của mình. Có thể bạn sẽ không nhận ra những phản ứng phòng vệ nhất thời của bản thân khi thấy chúng được miêu tả như những đặc điểm tính cách cố định như vậy.
Mục tiêu chính của tôi khi viết cuốn sách này là đặt tính Ái kỉ lên một thang đo gồm nhiều mức độ biểu hiện khác nhau, nhằm xác định những điểm chung giữa chúng ta và tuýp người Ái kỉ Cực đoan, thay vì tập trung vào những điểm khác biệt. Trong chương này, tôi muốn bạn nắm được cách ứng phó hiệu quả với các tuýp người Ái kỉ và giúp bạn đối diện với những xu hướng Ái kỉ trong chính mình.
Khi lòng kiêu hãnh của bạn bị tổn thương bởi thái độ khinh thường, sự đổ lỗi hoặc những cơn nóng giận của những người Ái kỉ, bạn có thể phản ứng bằng những phương thức phòng vệ Ái kỉ tương tự nhằm thoát khỏi cảm giác hổ thẹn và tủi nhục.
Những lời khoác lác từ họ có thể kích thích lòng đố kị của bạn, do chính bạn cũng ngấm ngầm khao khát được trở thành một người chiến thắng. Có thể bạn cổ vũ chứng nghiện hoặc ủng hộ lối sống lệch lạc của họ trong vai trò là một người chăm sóc. Hoặc có thể họ cho bạn một nơi trú ẩn để lảng tránh khỏi nỗi hổ thẹn trong chính mình.
Tôi đã kể câu chuyện của mình khi tôi phải đối diện với sự vị kỉ và thiếu nhạy cảm ở bản thân: Tôi không chú tâm vào người giáo viên dạy dương cầm của mình. Đấy chính là một trong những biểu hiện Ái kỉ thường nhật của tôi. Cho đến lúc này, tôi muốn khép lại cuốn sách với một giai thoại khác đau đớn hơn nhiều. Tôi hi vọng rằng nó có thể minh họa rõ ràng hơn cho mối quan hệ tác động qua lại phức tạp giữa những hành vi Ái kỉ ở người khác và những phản ứng phòng vệ Ái kỉ của chúng ta. Đó là một bữa tiệc tối diễn ra từ nhiều năm trước, khi tôi đang sống tại Los Angeles và chật vật tìm kiếm con đường phát triển sự nghiệp viết lách.
Một trong những vị khách tham dự bữa tiệc hôm đó là Katie – một biên kịch phim khá thành công ở Hollywood, cô từng được đề cử cho giải Emmy. Cô là một người phụ rất thông minh, hoạt bát và khá cứng đầu, cô có xu hướng làm chủ mọi cuộc trò chuyện có mình góp mặt. Cô kể rất nhiều về những khó khăn trong công việc biên kịch của mình, xen lẫn với đó là những lời gợi ý về mức thu nhập khủng của cô. Cô và chồng mình vừa mua một căn nhà mới ở khu dân cư Hollywood Hills với mức giá cao ngất, cô nhắc đi nhắc lại chuyện này. Cô tìm cách khéo léo để đề cập tới kịch bản được đề cử giải Emmy của mình. Katie luôn khẳng định vị thế ưu việt của bản thân.
Cô khiến tôi cảm thấy vô cùng ganh tị, dù tôi không thực sự nhận thức được điều này vào thời điểm đó. Tôi mong có một công việc viết lách có thể kiếm đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Nói theo cách nào đó, Katie đang sống cuộc đời mà tôi hằng mong ước. Cô cũng khơi dậy ở tôi cảm giác thất bại, dù tôi biết rằng thực sự cô không có ý đó. Tôi hiểu rằng Katie đã làm việc vô cùng chăm chỉ để có vị thế như hiện tại. Kể từ ngày đó, tôi dành nhiều thời gian để trau dồi những thiếu sót trong khả năng viết lách của mình. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy thực sự xấu hổ vì mình đã dành thời gian làm việc thực sự chăm chỉ, nhưng kết quả lại không như mong đợi.
Trong bữa tiệc tối ngày hôm đó, Katie kể cho chúng tôi nghe về một cuộc cãi vã giữa cô và trưởng phòng biên kịch chương trình truyền hình của cô. Cấp trên của cô là một người đàn ông lớn tuổi, muốn cô thay đổi một đoạn trong kịch bản và cô đã từ chối yêu cầu đó. Khi xung đột lên đến đỉnh điểm, ông ta gọi cô bằng một số cái tên khá thô lỗ và đậm ý khinh thường. Ông ta cũng nói rằng cô có thái độ không tốt với cấp trên và rằng cô cần phải xử lí “vấn đề với đàn ông” của mình.
Lúc này, cô đã uống khá nhiều và hơi líu lưỡi. Katie nói: “Theo tôi, tôi chẳng có bất cứ vấn đề nào với nam giới hết. Đó chỉ là cái cách kì thị giới tính mà ông ta sử dụng để ép người phụ nữ ngang ngược là tôi đây vào khuôn khổ. Đàn ông thường không thích phụ nữ quá mạnh mẽ.”
Bất kì ai hiểu sơ về tâm lí học và biết Katie cũng có thể nhận ra rằng cô có thái độ chống đối rõ rệt với bất cứ người đàn ông nào có địa vị cao.
Tôi nói: “Ừm, lần này thì tôi thực sự nghĩ rằng cô có vấn đề với đàn ông đấy.”
Đó là một điều vô cùng thô lỗ và có tính gây hấn. Với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần có chuyên môn nhất định như tôi, thì đấy là một điều rất tàn nhẫn. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ về buổi tối hôm đó.
Katie vốn không phải một người Ái kỉ Cực đoan, dù ở cô cũng có xu hướng hơi quá tự đề cao bản thân. Trong các cuộc tụ họp, cô vẫn thường khéo léo phô diễn sự ưu việt của mình và không mấy quan tâm tới cảm xúc của người khác. Cô là một dạng người Ái kỉ thường nhật. Tôi chắc chắn bạn cũng từng gặp không ít người như vậy.
Dù không nhận ra nhưng thực tế, tôi cảm thấy mình chỉ là một kẻ thất bại khi đặt cạnh cô. Những lời khoe mẽ đầy ý nhị về sự thành công trong nghiệp viết lách của cô đã khơi gợi trong tôi lòng đố kị mãnh liệt. Và thế, với một phong cách đậm chất Ái kỉ, tôi đã lợi dụng vị thế chuyên môn của mình để hạ thấp cô. Lời nhận xét của tôi không có chút nào liên quan tới thái độ phân biệt đối xử của nam giới cả, nó chỉ xoay quanh nỗi hổ thẹn của chính tôi. Để đánh bóng cái tôi cá nhân, tôi chọn cách làm bẽ mặt người phụ nữ này.
Về phần bạn, bạn từng có trải nghiệm nào như vậy chưa? Có thể đó là một kí ức mà bạn không cách nào buông bỏ. Đôi khi, vào những lúc nó đột nhiên hiện lên trong tâm trí, bạn sẽ cố gắng tự bào chữa cho bản thân, như thể bạn đang chứng minh với chính mình rằng bạn thực sự không có gì phải hối tiếc hay cảm thấy tội lỗi về chuyện đó cả. Đối phương mới là người có lỗi và xứng đáng phải nhận hình phạt. Những kí ức dai dẳng đó và những phản ứng tự vệ của chúng ta trước chúng thường hướng ta đến với cảm giác hổ thẹn và tội lỗi trong vô thức. Thái độ tự cho bản thân là đúng và đổ lỗi, như tôi đã làm, là cách phòng vệ Ái kỉ thường thấy để củng cố một cái tôi lung lay chực đổ.
Tôi phải mất nhiều năm để tìm hiểu và chấp nhận lí do cho hành vi của mình. Trong suốt một thời gian dài, tôi không ngừng thuyết phục bản thân rằng tôi đang nói đúng sự thật, mà phủ nhận lòng đố kị của mình. Tôi đã xin lỗi, nhưng đó cũng chỉ là lời chót lưỡi đầu môi và không có lấy một chút thành tâm. Nỗi hổ thẹn là một thứ cảm xúc vô cùng đau đớn, thường khó ai có thể chịu đựng nổi. Nếu hiểu rõ hơn về bản thân, có thể tôi đã không phản ứng theo cách làm tổn thương lòng kiêu hãnh quý báu của Katie để đánh bóng cái tôi cá nhân như vậy.
Tôi kể câu chuyện này để minh chứng cho nhận định rằng, việc đối phó với những tuýp người Ái kỉ quanh mình cũng có nghĩa là bạn phải đối diện với bản chất Ái kỉ trong chính mình. Khi một người chiến thắng tự xưng bị đẩy vào vị thế của một kẻ thua cuộc, chính bạn cũng có thể nảy sinh ham muốn đảo ngược thế cờ nhằm củng cố cái tôi của bản thân. Có thể bạn sẽ đặt bản thân vào trạng thái phòng ngự và hành xử theo những cách, mà sau đó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Có thể bạn sẽ cho phép lòng đố kị lên ngôi và thể hiện thái độ khinh thường đối phương chỉ để chứng minh rằng bản thân là người đúng.
Một lần nữa, hãy nhớ rằng để đối phó với tính Ái kỉ ở người khác, bạn cũng cần cố gắng chung sống hòa thuận với một cá nhân Ái kỉ mà bạn biết rất rõ nhưng chẳng thấu tỏ được bao nhiêu.
ĐẤY CŨNG CÓ THỂ CHÍNH LÀ TẤM GƯƠNG SOI CHIẾU CON NGƯỜI BẠN.