Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người lạm dụng từ “tự luyến” hay “Ái kỉ”, làm giảm đáng kể mức độ quan trọng cũng như ý nghĩa của từ này. Trong một nền văn hóa mê chụp ảnh “tự sướng” và bị truyền thông dắt mũi như hiện nay, hội chứng Ái kỉ đã ít nhiều biến tướng thành một khái niệm tương tự với “sự phù phiếm” hay “tính tự phụ”.
Gọi một người là “tự luyến” trở thành một câu phán xét cửa miệng của những nhà thông thái “dởm” và giới truyền thông dành cho những người nổi tiếng lỡ dính phải scandal, hay một chính trị gia vô tình có cách ứng xử không mấy hay ho. Hầu hết mọi người đều sử dụng từ này nhằm công kích hoặc xúc phạm người khác, để hạ thấp họ mỗi khi họ tỏ ra quá coi trọng bản thân. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của lời phán xét này, dù giàu hay nghèo, địa vị xã hội cao hay thấp, từ một ngôi sao điện ảnh hành xử không đúng mực trước mặt công chúng, tới một người bạn thường xuyên tự đăng những bức ảnh chỉnh sửa hơi quá đà của mình lên Instagram. Thời nay, dường như ai cũng có chút tự luyến trong mình.
Khi một thuật ngữ áp dụng bừa bãi cho quá nhiều người, ý nghĩa của nó bị đại chúng hóa và mất đi tính khái quát nguyên bản. Giờ đây,”tự luyến” hay “Ái kỉ” trở thành một từ cửa miệng sáo rỗng. Chúng ta sử dụng nó thường xuyên đến nỗi gần như không mấy ai còn nhớ ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này.
Cho nên, tôi viết cuốn sách Kẻ Ái kỉ cô độc - Đi vào thế giới ẩn giấu trong trái tim để “giải cứu” khái niệm hội chứng Ái kỉ khỏi kết cục bị tầm thường hóa qua miệng lưỡi người đời, đồng thời phơi bày trước mắt độc giả bản chất phức tạp của hội chứng này. Đây là một hội chứng tâm lí có biểu hiện trải dài từ những hành vi tự trọng có thể vô hại, cũng có thể tích cực, đến các triệu chứng Ái kỉ Cực đoan mang tính bệnh lí. Ở Chương 1, chúng ta sẽ cùng bàn về những đặc điểm tiêu biểu của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì (một kết quả chẩn đoán lâm sàng chỉ đúng với khoảng 1% dân số hiện nay). Phần lớn nội dung còn lại của cuốn sách xoay quanh nhóm người, tôi mạn phép gọi là Nhóm Ái kỉ Cực đoan. Nhóm này chiếm tới 5% tổng dân số thế giới, một tỉ lệ cao đến đáng kinh ngạc.
Tuy chưa đạt ngưỡng tiêu chuẩn của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định giữa nhóm Ái kỉ Cực đoan và những cá nhân tự luyến phổ biến, coi trọng bản thân hơi thái quá trong xã hội hiện nay. Những người thuộc nhóm Ái kỉ Cực đoan khá tự phụ, khó gần và cũng rất nguy hiểm.
Ý nghĩa Tâm lí học & Chẩn đoán bệnh lí
Nội dung của cuốn sách này hoàn toàn không xoay quanh vấn đề chẩn đoán bệnh lí. Bản thân tôi không muốn dán nhãn “chẩn đoán bệnh tật” lên người khác, bởi cách làm đấy sẽ khiến những đặc tính cá nhân vô cùng phức tạp của mỗi người bị giản lược và ép vào trong những khuôn mẫu đại trà phổ quát. Nó không thể cung cấp cho chúng ta những thông tin hữu ích giúp giải mã nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của nhóm người Ái kỉ Cực đoan, hay nỗi đau tinh thần đằng sau những hành vi tiêu cực có chủ đích gây thương tổn của họ.
Ở những trang tiếp theo của cuốn sách, các bạn sẽ học cách nhận biết những cá nhân Ái kỉ Cực đoan ngay trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp của mình. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về những động lực đang thúc đẩy hành vi của họ. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ học những cách hành xử thích đáng để giao tiếp với những cá nhân Ái kỉ Cực đoan quanh mình. Khi nhận biết các hành vi tự luyến ở những người xung quanh, cũng như những ảnh hưởng của chúng lên tâm lí của bản thân, bạn sẽ có thể tránh khỏi việc khơi gợi lên những hành vi nguy hiểm ở họ. Cụ thể hơn nữa, bạn sẽ biết cách xây dựng những kịch bản ứng xử hiệu quả và phù hợp với những cá nhân Ái kỉ Cực đoan, mà không làm tổn thương bản ngã mong manh dễ vỡ của họ, cũng không vô tình khuyến khích họ thêm tự luyến.
Tôi mong rằng qua cuốn sách này, quý độc giả cũng sẽ hiểu thêm đôi điều về chính mình, chẳng hạn như trong một số trường hợp, những phản ứng tự vệ có thể biến bạn thành một kẻ tự luyến như thế nào. Bạn sẽ biết cách để nhận biết và ngăn chặn những xu hướng hành vi Ái kỉ thường gặp, đặc biệt là những hành vi có thể làm gián đoạn cuộc sống cá nhân cũng như gây rắc rối cho những mối quan hệ của bạn.
Những cá nhân Ái kỉ không “ở quanh” ta
Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ nhắc đến rất nhiều ví dụ đời thực, những con người bằng xương bằng thịt có biểu hiện của Hội chứng Ái kỉ Cực đoan, một vài trong số họ là người nổi tiếng. Mỗi khi phân tích về một vận động viên hoặc chính trị gia nổi tiếng nào đó, làm ví dụ cho những quy luật tâm lí đằng sau chứng Ái kỉ, tôi đều phải đối mặt với những lời bất mãn của một số ít độc giả. Theo họ, tôi chẳng là ai để có thể “lên mặt” chẩn đoán bệnh của một người mình chưa từng gặp như vậy.
Đáp lại những lời này, tôi chỉ muốn nói rằng: Tôi không có ý dán nhãn bệnh tật lên bất kì ai, kể cả một người lạ mặt. Tôi không muốn lên mặt để chẩn đoán bệnh tình của ai đó, nhưng kì thực, tôi hoàn toàn đủ khả năng nhận biết tâm lí Ái kỉ ở một người, dù có trực tiếp gặp mặt họ hay không. Tôi từng trị liệu cho rất nhiều người mắc hội chứng Ái kỉ. Tôi cũng đã đọc và viết về chủ đề này suốt cả con đường sự nghiệp của mình. Trong quá trình tự phân tích bản thân, tôi phải mất rất nhiều năm để có thể chấp nhận phần con người Ái kỉ của chính mình và những nguyên nhân sâu xa đằng sau nó. Tôi đã có cơ hội khám phá những biểu hiện của lòng Ái kỉ thông qua những thân chủ đã tin tưởng khả năng trị liệu của tôi. Nhờ vậy, tôi phần nào học được cách hành động theo một cơ chế tự vệ cá nhân trước những nỗi đau chẳng thể cất lời của hội chứng này.
Cảm thông với nỗi đau của thân chủ chính là cốt lõi công việc của tôi. Đấy cũng là cách duy nhất để tôi có thể thấu hiểu động cơ đằng sau những hành vi tự luyến của họ. Trong những trang kế tiếp, tôi sẽ kể cho bạn những câu chuyện về rất nhiều người tôi từng trị liệu, đồng thời truyền đạt lại những điều bản thân tôi đã học được từ họ. (Tất nhiên, tôi đã thay đổi nhiều thông tin cá nhân của họ nhằm giữ bí mật danh tính cho thân chủ.) Dù chưa có cơ hội gặp mặt trực tiếp những nhân vật nổi tiếng tôi có nhắc tới trong chính cuốn sách này, nhưng tôi luôn cố gắng cảm thông và thấu hiểu cho nỗi đau tinh thần của họ. Tôi nhìn thấy con người họ thông qua các tác phẩm của những tiểu sử gia nổi tiếng như Walter Isaacson và J. Randy Taraborreli.
Trong suốt quá trình đó, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu những người nổi tiếng thường có hành vi mang tính công kích và phản cảm. Nhìn khắp chặng đường đời của mỗi người, tôi luôn cố gắng tìm ra ít nhất một khoảnh khắc khi nỗi đau của họ thể hiện rõ nhất trước mắt mình. Tôi luôn giữ những khoảnh khắc này trong tâm trí khi trò chuyện với những người thân xung quanh về những hành động ác ý, thái độ cục cằn và cố ý gây tổn thương cho người khác của họ.
Những người mắc hội chứng Ái kỉ thường rất thiếu khả năng đồng cảm. Nhưng nếu chỉ biết phán xét, chỉ trích và chế nhạo họ, thì chúng ta không thể nào giúp mình và giúp người cải thiện bản thân để trở nên tốt hơn. Vì lẽ đó, hãy dành cho họ sự cảm thông và chia sẻ thay vì những lời phán xét. Có một sự thật không thể chối cãi là những cá nhân Ái kỉ Cực đoan luôn đang trốn chạy khỏi một nỗi đau nào đó. Dù họ có ý thức được hay không, họ vẫn luôn vô tình biểu hiện ra. Hãy luôn lưu tâm điều đấy trong suốt quá trình đọc cuốn sách này.
Theo một cách nào đó, việc cảm thông với chứng Ái kỉ ở những người nổi tiếng, những con người hoàn toàn xa lạ, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi bạn không tiếp xúc trực tiếp với họ. Bạn không phải chịu đựng thái độ khinh thường hay ác ý từ họ. Bạn không phải nơm nớp lo sợ bị họ trả đũa vì vô ý phạm một lỗi lầm nào đó, dù là rất nhỏ. Bạn biết đấy, đồng hành với những cá nhân Ái kỉ Cực đoan quanh bạn là một thách thức rất lớn. Dù cố gắng tự bảo vệ bản thân hay xoa dịu cái tôi cao ngất của họ, bạn vẫn luôn có thể trở thành mục tiêu công kích của người đấy. Họ chỉ quan tâm tới bản thân, thường không để ý tới thế giới bên ngoài và không ý thức được việc họ đang gây ảnh hưởng tới những người xung quanh. Song, cũng không ít những cá nhân Ái kỉ Cực đoan có những hành động vô cùng nguy hiểm. Họ không chỉ phá hoại cuộc sống cá nhân, sự nghiệp của bạn, hay khiến bạn kiệt quệ tài chính, mà còn thường xuyên đả kích lòng tự trọng của bạn. Bạn càng coi trọng người đấy, họ càng có khả năng tác động đến những cảm nhận của bạn về chính mình.
Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy tổn thương hoặc tức giận khi phải chịu đựng thái độ coi bạn là một kẻ ngốc, kém cỏi và đáng khinh của những cá nhân Ái kỉ Cực đoan quanh mình. Với một người bình thường, việc cảm thông với một kẻ đang công kích mình quả thực là một nhiệm vụ quá đỗi khó khăn, nhưng theo tôi, không phải là không thể làm. Điều bạn có thể làm là nhìn nhận vấn đề một cách thực sự lí trí và khách quan. Chắc chắn, cố gắng thực hiện điều này vẫn tốt hơn là phản kích và phát tiết cơn phẫn nộ của bản thân.
Như tôi sẽ bàn tới trong phần sau của cuốn sách, mấu chốt của việc ứng phó với những người Ái kỉ Cực đoan phần lớn dựa vào cách bạn phản ứng lại những hành vi tiêu cực và tự vệ trước thái độ công kích từ họ. Nội dung cốt lõi của cuốn sách bạn cần nhớ là: Để chung sống hòa thuận với những người Ái kỉ, bạn phải học cách chấp nhận tâm lí Ái kỉ trong chính mình.
Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã cố gắng tránh nhắc tới các lí thuyết cũng như thật ngữ chuyên môn. Thay vào đó, tôi sử dụng những ngôn ngữ đời thường, chúng ta – tôi và bạn – vẫn sử dụng mỗi ngày để nói về những cảm xúc của mình với người thân hay bè bạn. Trong sách cũng không có quá nhiều trích dẫn từ những tác phẩm nổi tiếng về hội chứng Ái kỉ, kể cả những người truyền cảm hứng và ảnh hưởng lớn đến góc nhìn của tôi. Nhưng nếu muốn biết thêm về những nguyên lí này, quý độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm trong phần “Tài liệu tham khảo” ở cuối sách. Bên cạnh đó, để có một cái nhìn tổng quát về những nguyên lí quan trọng nhất của hội chứng Ái kỉ, tôi xin đặc biệt giới thiệu cuốn sách của tác giả của Andrew Morrison – Shame: The Underside of Narcissism (Tạm dịch: Xấu hổ – Phía sau chủ nghĩa Ái kỉ).
Song, theo tôi, bạn không cần phải vận dụng thành thạo các lí thuyết phân tâm học đầy phức tạp và rối rắm mới có thể hiểu rõ về hội chứng Ái kỉ. Hãy nhớ rằng, sâu trong tâm trí của những người Ái kỉ Cực đoan là nỗi sợ hãi trở thành một kẻ giả tạo, nhỏ nhen, xấu xí, khiếm khuyết hay vô giá trị trong mắt người khác. Họ cố gắng hết sức để dành lấy danh hiệu “người chiến thắng”, vì họ luôn giữ trong lòng nỗi sợ mình chỉ là một “kẻ thất bại”. Khoảng cách mong manh giữa “chiến thắng trong tầm với” và kết cục “thất bại thảm hại” là một trong những yếu tố góp phần tạo nên “trái tim” của người Ái kỉ Cực đoan. Tôi tin rằng, đấy là một điều mà bất kì ai cũng có thể thấu hiểu và bao dung.
Hãy cùng nhau nhận diện và tìm hiểu những tuýp người Ái kỉ xung quanh và kẻ tự luyến trong chính mình. Để biết, thì ra đằng sau khát khao yêu thương là một trái tim đầy tổn thương. Để cùng nhau, vượt qua nỗi sợ khiếm khuyết và chiến thắng tâm tự ái của bản thân.