Các dạng thức của Hội chứng Ái kỉ
Tuổi thơ của Sam gắn liền với những trận tranh chấp nảy lửa của cha mẹ mình. Những tiếng cãi vã mỗi lúc một to hơn, bát đĩa loảng xoảng, những giọt nước mắt và những lời đay nghiến, dằn vặt lẫn nhau đôi khi dẫn tới kết cục đầy bạo lực. Cha cậu luôn miệng đổ lỗi cho vợ mình là không chung thủy, trong khi bà lại đẩy trách nhiệm về phía ông rằng bỏ bê tình cảm vợ chồng. Khi Sam lên 6 tuổi, cha mẹ cậu chính thức li hôn. Trong suốt những năm sau đó, cậu hiếm khi gặp cha mình. Ông đã tái hôn và bắt đầu cuộc sống gia đình mới. Cũng trong khoảng thời gian đó, cậu phải chứng kiến hết người tình này đến người tình khác của mẹ mình xuất hiện rồi lại biến mất. Hầu hết họ đều khó có thể chịu nổi thái độ ngang bướng và có phần thù địch của cậu. Một vài người còn nổi cáu và đánh đập cậu. Cứ thế, mẹ cậu không kết hôn thêm một lần nào nữa.
Vào những năm trung học, Sam khá nổi tiếng ở trường và luôn đạt điểm tối đa trong hầu hết các môn học. Song, cậu cũng đặc biệt thiếu kiên nhẫn trước những lời phê bình, nhận xét từ người khác. Cậu thường xuyên được mời lên phòng hiệu trưởng nói chuyện vì những hành vi quá hung hãn của mình. Khi ấy, chiến dịch phản đối bạo lực học đường còn chưa phát triển mạnh mẽ, nhưng hành vi bắt nạt những học sinh yếu đuối và nhút nhát cũng thường xuyên khiến cậu bị giáo viên và nhà trường trách phạt. Tới khi lên phổ thông, cậu quyết định chuyển hướng sử dụng nguồn năng lượng tranh đấu dồi dào và dữ dội của mình vào thể thao. Cậu trở thành đội trưởng đội bóng bầu dục của trường, bất chấp những mâu thuẫn với huấn luyện viên bởi thái độ thiếu tôn trọng và háo danh của cậu. Vị huấn luyện viên hiểu một điều rằng, cầu thủ ngôi sao của mình cần bàn tay nuôi dưỡng của một người cha, quản giáo nghiêm khắc để cậu có thể tiết chế và điều hòa xu hướng tâm lí nóng nảy, thù hằn trong cậu. Nhưng Sam phản kháng dữ dội với sự quan tâm của ông: “Ông không phải bố tôi!” Cuối cùng, Sam vào thẳng Đại học Stanford nhờ một học bổng thể thao, sau đó cậu vào làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia lớn ngay sau khi tốt nghiệp.
Là một giám đốc điều hành đang trên đà thăng tiến, Sam có ý thức cạnh tranh vô cùng mãnh mẽ và không ngừng nỗ lực để đạt đến thành công. Anh là một người tự tin tới mức tự mãn. Một vài đồng nghiệp nghĩ rằng anh là một cá nhân khá thu hút. Nhưng trong mắt không ít người, anh lại là một người thô lỗ và có phần bất lịch sự. Anh không có lấy một người bạn thân và luôn nhìn người khác bằng ánh mắt hoài nghi. Anh nghĩ rằng người đời ai cũng bất chấp mọi thủ đoạn để có được thành công. Anh sẵn sàng luồn cúi đi đêm, bợ đỡ cấp trên bất kể khi nào, đồng thời che giấu lòng đố kị với sự giàu có và quyền lực của họ. Trên con đường leo lên những nấc thang sự nghiệp, anh đòi hỏi ở cấp dưới của mình lòng trung thành tuyệt đối và không chấp nhận bất cứ ý kiến trái chiều nào. Nếu họ tuân thủ và làm tốt, anh khen thưởng họ vô cùng hào phóng. Nhưng nếu có thành viên nào trong nhóm không thể đạt được kì vọng của mình, anh cũng sẵn sàng gạt họ sang một bên không chút nương tay. Qua thời gian, anh tập hợp xung quanh mình một nhóm các thành viên tận tụy vừa nể trọng vừa sợ hãi anh.
Trong cuộc sống cá nhân, thái độ cạnh tranh, hiếu thắng của anh cũng không khác là bao. Anh luôn đòi hỏi sự trung thành từ tất cả mọi người và sẵn sàng loại bỏ những kẻ làm mình thất vọng. Trải qua bao cuộc yêu đương hời hợt và ngắn ngủi, Sam sa vào lưới tình của Miranda – một người mẫu thời trang hàng đầu. Anh yêu cô đến mù quáng. Sau khi họ kết hôn, Sam thuyết phục thuyết phục Miranda từ bỏ sự nghiệp người mẫu của mình và thành lập một phòng trưng bày lớn. Kể từ ngày ấy, họ bắt đầu sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật và xây một hầm rượu vang. Tại đó, Sam và Miranda cùng nhau tổ chức rất nhiều những bữa tiệc sang trọng và xa xỉ – nơi anh phô bày vẻ quyến rũ đậm chất độc tài của mình.
Ngày tháng trôi qua, Miranda dần nhuốm màu tuổi tác, và tình cảm Sam dành cho cô cũng cứ thế mỗi lúc một nguội lạnh. Khi cô mang thai và không còn giữ được vóc dáng thon thả ngày trước, anh thường xuyên buông lời châm chọc, cạnh khóe và bắt đầu ngoại tình với nhân viên cấp dưới của mình. Vợ chồng Sam có hai người con trai. Anh thực lòng yêu thương chúng, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định. Anh coi chúng như cái bóng của chính mình hơn là những cá nhân độc lập. Trong vai trò của một người cha, anh rất cầu toàn và có những đòi hỏi khắt khe, nhưng lại thường ít quan tâm đến các hoạt động của con. Anh chưa bao giờ nghĩ sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa hay buổi lễ của chúng, trong khi vẫn luôn miệng hứa hẹn. Anh gửi con vào học ở những ngôi trường tư đắt đỏ nhất, nhưng chưa từng tham dự bất cứ buổi họp phụ huynh nào.
Sam không phải là một người sống nội tâm, nhưng đôi khi anh vẫn rơi vào quãng tối của tâm hồn mình. Anh cảm thấy mình thật cô độc và không được quan tâm. Xung quanh có gia đình và rất nhiều nhân viên đang trông cậy vào anh. Các đối thủ cạnh tranh cũng nhăm nhe vị trí anh đang nắm giữ. Đôi khi, anh cảm thấy thế giới là một nơi tràn đầy địch ý, chen kín những nguy hiểm luôn rình rập mọi nơi, mọi lúc. Những giây phút đấy, tâm trí anh trào dâng một cảm giác tủi thân phủ kín màu bi phẫn. Nếu không phải vì quyền thế hay tiền tài của anh, liệu có ai trên cõi đời này quan tâm đến anh? Ngay cả người mẹ ruột thịt, ngày ngày chìm trong bể rượu, cũng tìm đến anh chỉ để “mượn” tiền.
Khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, Sam thường xuyên cưỡi chuyên cơ du lịch vòng quanh thế giới. Mỗi lần Miranda hay những đứa con cất tiếng phàn nàn, anh thường mắng họ là những kẻ vô ơn, không biết trân trọng cuộc sống giàu sang phú quý anh đã mang lại cho họ. Cuối cùng, Miranda quyết định li hôn. Quá tức giận trước hành động này, Sam bỏ tiền thuê một luật sư có tiếng là hung hăng trong giới. Tay luật sư không ngừng khủng bố tinh thần Miranda, tới nỗi cô phải ra đi gần như với hai bàn tay trắng. Bên cạnh đó, Sam còn tung nhiều tin đồn thất thiệt và độc địa về vợ cũ, biến cô trở thành một ả lăng nhăng và nghiện ngập trong mắt mọi người. Anh cũng dùng tiền để chia cách hai người con khỏi Miranda, anh dọa sẽ ngừng chu cấp tiền cho chúng nếu chúng không đứng về phía mình.
***
Sam là một trường hợp điển hình cho hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ (Narcissistic Personality Disorder – NPD). Các chuyên gia tâm lí và blogger cũng thường xuyên sử dụng khái niệm này. Song, vẫn còn khá nhiều người chưa hiểu rõ về hội chứng này và áp đặt nó lên những người bị cho là quá tự phụ hoặc truy cầu quá mức sự chú ý của người khác. Trong cuốn Diagnostic and Statistical Manual for Mental Disorders (Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các loại Rối loạn Tâm thần - DSM) – được coi là “Kinh thánh” của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì APA, đã nêu rõ các tiêu chuẩn xác định của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ.
Theo DSM, một người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ phải có ít nhất 5 trong số những biểu hiện dưới đây:
Nếu xét trên thang đo nghiêm ngặt này, Sam chắc chắn là một người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ. Anh ta đặc biệt thiếu đồng cảm, luôn mong muốn đạt được thành công rực rỡ trong sự nghiệp và đòi hỏi sự ngưỡng mộ tuyệt đối từ người khác. Anh là một người ngạo mạn, đố kị và phô trương. Anh luôn lợi dụng người khác, không chút ngần ngại. Trên thực tế, Sam có nhiều hơn 5 trong số 9 triệu chứng của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh chính là một người thuộc nhóm này.
Chính bạn cũng có thể tự đưa ra chẩn đoán này sau khi đọc xong câu chuyện về Sam. Anh không phải là trường hợp duy nhất. Ngay cả khi không trực tiếp quen biết bất cứ ai như vậy, hẳn bạn cũng từng thấy đâu đó những hành vi tương tự trong câu chuyện về những chính trị gia thành công, các diễn viên nổi tiếng hoặc những doanh nhân lớn. Sam chính là một điển hình của Rối loạn Nhân cách Ái kỉ.
Song thực tế, sống giữa chúng ta vẫn còn rất nhiều những cá nhân có biểu hiện Rối loạn Nhân cách Ái kỉ, dù không đạt đủ 5 trên 9 tiêu chí theo định nghĩa của APA, nhưng họ cũng đã vượt qua giới hạn của tính tự cao tự đại thông thường. Để thấy, tính Ái kỉ khá phổ biến và có nhiều cấp độ khác nhau, nhiều biểu hiện tâm lí khác nhau.
Tính Ái kỉ trên nhiều cấp độ
Cuốn sổ tay DSM xuất bản lần đầu vào năm 1952. Cho đến nay, hệ thống kiến thức và tư tưởng của ngành tâm lí học đã trải qua không ít cuộc cách mạng. Do vậy, cuốn sách này cũng qua nhiều lần sửa đổi và tái bản. Ở những ấn bản đầu tiên, khi các học thuyết của Freud vẫn còn giữ vị thế tối cao trong lĩnh vực tâm lí, các xu hướng hành vi Ái kỉ được cho là có nguồn gốc từ những trải nghiệm thời thơ ấu với cha mẹ. Những ca bệnh này thường điều trị bằng phương pháp phân tâm học.
Song, bắt đầu từ khoảng năm 1974, sức ảnh hưởng của lí thuyết Freud dần suy giảm và một phương hướng “khoa học hơn” đã lên ngôi thống trị “vương quốc” DSM. Thời thế xoay rời, cuốn sổ tay chẩn đoán của APA cũng bắt đầu chuyển đổi, các nhà nghiên cứu tâm lí coi cơ thể là nguồn gốc của các bệnh lí tâm thần. Điều đấy có nghĩa là các chứng rối loạn thần kinh sẽ giống như một dạng “tình trạng sức khỏe” và có thể điều trị bằng thuốc, thay vì những buổi nói chuyện trị liệu. Với danh sách triệu chứng dài dằng dặc và hệ thống mã số phức tạp, phiên bản mới nhất của cuốn sách (DSM5) đã có những điểm phân biệt giúp bạn nhận diện các trạng thái tâm lí dễ dàng hơn, như giới y học đã làm để phân biệt các bệnh thể chất như tăng nhãn áp hay hen suyễn.
Thay đổi này có tác động tích cực đến việc xem xét và chẩn đoán các bệnh lí tinh thần. Việc coi các vấn đề tâm lí như những căn bệnh đơn thuần, thay vì biểu hiện của sự suy đồi đạo đức đã giúp giảm thiểu đáng kể thái độ kì thị xã hội. Cùng với đó, APA hướng chúng ta đến việc coi rất nhiều những hội chứng rối loạn tâm thần như một sự mất cân bằng các chất trong cơ thể, hoặc các khiếm khuyết di truyền, mà bỏ qua quá trình tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của các triệu chứng bệnh sử. Người bệnh thường nhận được những lời khuyên kiểu như: “Mức độ serotonin1 trong não thấp chính là nguyên nhân gây ra biểu hiện trầm cảm của bạn. Hãy uống viên thuốc này và mọi chuyện sẽ ổn.”
1 Serotonin (Hydroxytryptamine-5, 5-HT) là một chất dẫn truyền thần kinh Monoamine được nhà khoa học người Ý Vittorio Erspamer phát hiện vào năm 1935. Serotonin chủ yếu được tìm thấy trong đường tiêu hóa và hệ thống thần kinh trung ương. Serotonin có tác dụng điều chỉnh chuyển động ruột, tác động đến hệ thần kinh trung ương: điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ, co cơ và một số chức năng thuộc về nhận thức. Serotonin bị suy giảm dẫn đến việc cảm thấy buồn chán, giảm ham muốn, giảm quan tâm, dễ cáu giận, gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc thường ngày.
Quan điểm phổ biến về những chứng bệnh tinh thần hiện nay không chỉ gây hiểu lầm, mà còn thực sự rất nguy hiểm. Những quan điểm này tập trung vào các trường hợp cực đoan theo định nghĩa sách vở, nhưng không chỉ dẫn cho chúng ta cách xác định và phản ứng với những triệu chứng tuy có cường độ thấp hơn nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng đó. Hội chứng Ái kỉ không giống như một điểm nhấn bạn có thể “bật” hay “tắt” chỉ với một viên thuốc. Bạn có nhớ 9 biểu hiện của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ tôi đã nhắc tới trong cuốn sổ tay DSM không? Một trường hợp như Sam được chẩn đoán là mắc phải hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ do anh có đủ 5 trong số 9 triệu chứng đấy. Nhưng nếu anh ta chỉ có 4 biểu hiện trong số đó thì sao? Hay sẽ ra sao nếu khả năng đồng cảm của anh chỉ ở mức vô cùng thấp thay vì hoàn toàn không?
Có không ít người chỉ chạm ngưỡng gần đủ tiêu chuẩn Rối loạn Nhân cách Ái kỉ và cả các hội chứng tâm lí khác, nhưng vẫn rất tự luyến. Họ vô cùng rắc rối, đồng thời có khả năng tự gây hại đến bản thân và những người xung quanh không kém gì những cá nhân Ái kỉ thông thường. Hơn thế nữa, thật khó để họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết chỉ vì: Họ không hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chuẩn cứng nhắc được định ra trong sổ tay DSM.
Trên thực tế, hội chứng Ái kỉ tồn tại trên rất nhiều sắc thái và mức độ khác nhau, không có nhiều khác biệt với các chứng bệnh tinh thần phổ biến khác như chứng tự kỉ hay rối loạn lưỡng cực. Để có thể hiểu rõ về hội chứng Ái kỉ, về những người Ái kỉ quanh bạn và chung sống hòa thuận với họ, bạn cần vượt ra khỏi khuôn khổ giới hạn của những định nghĩa trong DSM. Ai cũng có một phần, một chút tự luyến trong mình, cho nên, bạn không nên coi những người như Sam là bệnh nhân. Nếu không, bạn sẽ không thể thấu hiểu chính mình và những con người đấy. Như tôi sẽ trình bày ở phần sau của cuốn sách, trên thực tế, các biểu hiện Ái kỉ có những đặc điểm cực đoan nhất định trên một phổ dài của các dạng thức rối loạn nhân cách. Ở phần đông chúng ta, các biểu hiện Ái kỉ vẫn thường xuất hiện nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Nói một cách ngắn gọn:
Hội chứng Ái kỉ khá phổ biến trong tâm lí con người, biểu hiện ra dưới dạng nhiều triệu chứng tâm lí khác nhau
Theo định nghĩa của APA, có 9 tiêu chí của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ, nghe thì rất rạch ròi, bạn có thể dễ dàng nhận biết chúng như những biểu hiện của bệnh thiếu máu: triệu chứng mất sức hay hơi thở ngắn. Song thực tế, 9 tiêu chí đó không tồn tại độc lập, chúng đan xen và tác động qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Nếu xét trên quan điểm tâm lí học, mỗi triệu chứng đều mang ý nghĩa nhất định, chúng ta có thể thu gọn thành 2 tiêu chí:
(1) Thái độ tự đề cao quá mức giá trị của bản thân;
(2) Thiếu cảm thông với người khác.
Những biểu hiện khác chỉ là sản phẩm phụ của 2 tiêu chí trên. Một người tự đề cao bản thân quá mức thường cho rằng mình là độc nhất vô nhị, thuộc về nhóm người ưu việt, sinh ra để trở nên vĩ đại. Họ cảm thấy mình cần được đối xử đặc biệt, từ đó sinh ra thái độ ngạo mạn, tự kiêu và luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ mình. Bên cạnh đó, một người thiếu cảm thông luôn sẵn sàng lợi dụng người khác nhằm đạt được mục đích của bản thân, hoặc đố kị với những người khác.
Thái độ tự đề cao bản thân quá mức và thiếu cảm thông dành cho người khác là hai yếu tố mấu chốt tạo nên hội chứng Ái kỉ. Theo định nghĩa của APA, trong phần lớn các trường hợp, những biểu hiện này thể hiện rõ nhất tâm lí của người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ. Tuy nhiên, chúng cũng thường xuyên xuất hiện ở những người mắc các chứng rối loạn tinh thần khác. Tự đề cao giá trị của bản thân quá mức cũng thường là biểu hiện của trạng thái hưng cảm ở người rối loạn lưỡng cực. Người mắc chứng hoang tưởng và nhiều loại rối loạn tâm thần khác thường nghĩ mình là trung tâm của cả vũ trụ. Họ sống trong một thế giới hai chiều, nơi tất cả mọi người đều là nhân vật phản diện và không có đời sống nội tâm riêng. Những người này thường không dành nhiều tình cảm cho bất cứ ai khác ngoài chính mình.
Trên thực tế, có rất nhiều những cá nhân vô cùng tự luyến, nhưng lại không hoàn toàn thỏa mãn với những tiêu chí chẩn đoán hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ của APA. Tôi gọi họ là nhóm người Ái kỉ Cực đoan. Họ vẫn đang sống giữa chúng ta, vẫn vô ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình và cả những người xung quanh. Đáng buồn là, chúng ta chưa biết cách chung sống hòa thuận với những con người ấy. Thường thì, chúng ta chỉ phát hiện ra họ khi mọi thứ đã quá muộn.
Ái kỉ Cực đoan, gieo rắc hỗn loạn
Hãy cùng nhìn vào trường hợp của Naomi. Những người không hiểu rõ về Naomi thường miêu tả bà là một người vô cùng thánh thiện. Bên cạnh công việc chính là một giáo viên mầm non, bà còn thường xuyên tham gia tổ chức gây quỹ ủng hộ công tác nghiên cứu phòng chống bệnh ung thư vú. Bà rất năng nổ trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vào dịp Giáng sinh, bà thường hợp tác cùng cơ quan dịch vụ xã hội, tổ chức chương trình phát quà cho trẻ em ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong khu vực. Hai tháng một lần, bà đăng kí trở thành tình nguyện viên trực đường dây nóng của một trung tâm bảo hộ phụ nữ bị bạo hành trong cộng đồng của mình. Những người quen biết xung quanh thường nói với bà: “Điều thế giới này thực sự cần, là thêm nhiều người nữa giống như cô đấy.”
Song, ba người con đã trưởng thành của bà lại có một cái nhìn hoàn toàn khác về mẹ của mình. Họ vẫn thường nói: “Mẹ tôi rất khó tính.” Theo lời kể của họ, bà là một người vui buồn thất thường. Rất khó để đoán trước điều gì sẽ khiến bà kích động, nhưng những ai sống quanh bà nên ghi nhớ một vài chủ đề đặc biệt cần tránh. Họ rút ra bài học kinh nghiệm sau nhiều năm chung sống với mẹ là: Không bao giờ được lên tiếng phản đối mỗi khi bà trách móc người chồng cũ của mình. Khi đó, bà sẽ tự tô vẽ hình ảnh của mình thành một nạn nhân khốn khổ, phải sống chật vật cả đời sau khi bị gã chồng sở khanh máu lạnh bỏ rơi để chạy theo những cô gái trẻ đẹp hơn. Họ không bao giờ nhắc đến chuyện gặp gỡ cha mình trước mặt bà. Mỗi lần bị bà tra hỏi về chuyện này, họ đều ra sức phủ nhận hoặc nói dối. Một lần, Melissa – cô em út khoe với bà chiếc đồng hồ đắt tiền cha tặng nhân ngày sinh nhật, Naomi đã tỏ ra tổn thương sâu sắc. Bà ngay lập tức quay lưng với cô con gái nhỏ và không ngừng châm chọc, móc máy cô suốt nhiều tuần sau đó.
Sự quan tâm của Naomi không ngừng luân chuyển giữa hai người con gái. Đôi lúc, bà coi cô chị Molli như đứa con cưng và lạnh nhạt với người em Melissa. Rồi chẳng bao lâu sau đó, bà lại đột ngột thay đổi thái độ, không có lấy một tín hiệu báo trước. Có lẽ vì ai đó vô ý động chạm đến lòng tự ái của bà, hoặc cũng có khi không vì lí do gì cả. Còn người con trai cả Josh là “chàng trai vàng” của gia đình, là niềm hạnh phúc, niềm tự hào của Naomi. Cậu dường như chưa bao giờ phải nghe những lời phàn nàn của mẹ về mình, dù chỉ một lần. Josh là một bác sĩ phẫu thuật có tiếng, sống trong một tư dinh tọa lạc ở khu dân cư đắt giá nhất thị trấn. Mỗi năm, anh mua cho mẹ một chiếc xe hơi mới và tặng bà một chuyến du lịch nghỉ dưỡng trên du thuyền ở Địa Trung Hải. Ở nơi làm việc, Naomi vẫn thường không ngớt lời khen ngợi cậu con trai cưng vô cùng hiếu thảo, hào phóng, thành đạt và giàu có của mình. Một cậu con trai hết mực yêu thương mẹ!
Ba chị em luôn cố gắng tránh nhắc tới những lần cùng nhau ăn trưa, mà không mời mẹ. Một khi biết điều đó, bà lại cảm thấy mình bị bỏ rơi, bắt đầu hờn dỗi. Bà vẫn thường than vãn bằng giọng điệu thống khổ của một nạn nhân: “Con cái trưởng thành, đủ lông đủ cánh rồi, có coi mẹ nó ra gì nữa đâu!” Trong những buổi họp mặt gia đình, bà luôn biến mình thành trung tâm của mọi sự chú ý. Mỗi lần Melissa hay Josh hỏi về công việc của Molli tại đài truyền hình địa phương, Naomi ngay lập tức chen ngang và chuyển hướng câu chuyện đến bản thân: “Nói thế lại làm mẹ nhớ cái hồi…” hoặc “Nói về chuyện này, mẹ đã bao giờ kể cho các con nghe… chưa nhỉ?”
Khi con cái lâm vào cảnh khó khăn, bà Naomi thường thể hiện sự cảm thông sâu sắc, có chút hào phóng, rộng rãi. Một lần, Molli phải nhập viện phẫu thuật túi mật, bà đến thăm con gái mỗi ngày cùng món thịt hầm cho cả gia đình cô: “Nếu không thì chúng đến chết đói mất thôi.” Hay lúc Melissa mất việc, bà đã trợ cấp tiền sinh hoạt, đồng thời cho cô rất nhiều lời khuyên hữu ích. Nhưng ngược lại với thái độ yêu thương và quan tâm đó, khi mọi chuyện suôn sẻ và tốt đẹp, Naomi chỉ tặng vài lời chúc mừng hời hợt rồi thôi, im lặng không nói. Ngày Molli được đài truyền hình trao giải thưởng cho bộ phim tài liệu xuất sắc do cô sản xuất, bà cáo ốm và lánh mặt vì một căn bệnh mà đến các bác sĩ bậc thầy cũng không chắc có thể giải thích.
***
Naomi không có đủ tiêu chí của một người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ theo định nghĩa của APA. Bà luôn tự đánh giá quá cao tầm quan trọng của mình và cũng không thực sự biết cách cảm thông với những thành viên khác trong gia đình. Bà không phô trương, cũng không bị ám ảnh bởi giấc mơ về thành công, quyền thế, sắc đẹp hay bất cứ điều gì tương tự. Dù rất độc đoán về mặt cảm xúc, nhưng bà không lợi dụng người khác để đạt được mục đích của bản thân. Bà không ngạo mạn, cũng không tự kiêu. Bà chỉ có tối đa là 3 hoặc 4 trong số 9 tiêu chí trong sổ tay DSM. Dù vậy, nhưng Naomi vẫn chính xác là một người Ái kỉ Cực đoan. Bà không tự luyến rõ ràng như Sam, nhưng xét trên phương diện tâm lí học, hai người này có khá nhiều điểm tương đồng. Thành thực mà nói, cả hai người đều có sức công phá rất lớn đối với cuộc sống của chính mình và những người xung quanh.
Nhóm Ái kỉ Cực đoan là những người gieo rắc nỗi đau và sự hỗn loạn lên chính mình và những người thân xung quanh bởi sự thiếu cảm thông và tự đề cao bản thân quá mức của mình.
Hãy nhìn lại mình, rồi lướt mắt ra xung quanh, hẳn bạn sẽ bắt gặp không ít những cá nhân Ái kỉ Cực đoan như thế. Tôi thường thấy những biểu hiện như vậy ở các chính trị gia, vận động viên thể thao hoặc những ngôi sao truyền hình đang xuống dốc trong sự nghiệp. Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy chính mình đang tự luyến vô cùng. Nhưng trước khi biết phải làm gì với mình và những cá nhân Ái kỉ Cực đoan này, hãy cùng tìm hiểu thêm về họ đã.
Trước đây, người ta cho rằng chỉ có khoảng 1% dân số mắc hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ, tức là trong 100 người mới có một người Ái kỉ, và hầu hết trong số đó là đàn ông. Song, theo các nghiên cứu mới nhất, con số đó lớn hơn vậy nhiều lần. Rất nhiều người trong nhóm này đã học cách ngụy trang và che giấu phần tính cách khó chấp nhận ở bản thân, nhằm kiểm soát cái nhìn của người khác về mình, cũng như để dễ dàng thao túng họ hơn. Nếu chỉ quen biết sơ sơ, nhiều khi bạn sẽ cảm thấy họ là những người khá hấp dẫn và cuốn hút. Do vậy, nếu không hiểu rõ về đối phương, rất có thể bạn sẽ không bao giờ nhận ra sự thực rằng mình đang phải chung sống cùng một người Rối loạn Nhân cách Ái kỉ đúng theo tiêu chí chẩn đoán của DSM.
Song, khi nhìn nhận tính Ái kỉ như một đặc điểm tính cách thay vì những tiêu chí chẩn đoán rời rạc, tính cách này xuất hiện không chỉ trong những hội chứng rối loạn nhân cách khác, mà trong hầu hết các chứng bệnh tâm lí phổ biến. Thực ra, chúng ta vẫn thường gặp những người Ái kỉ Cực đoan trong cuộc sống thường nhật. Đó có thể là cấp trên hoặc đồng nghiệp của bạn ở công ty, cô em vợ, đối tượng hẹn hò bạn mới quen, hoặc đơn giản là một thành viên trong nhóm xã hội của bạn.
Có rất nhiều người thường tự đánh giá quá cao giá trị của bản thân. Họ không mắc phải bất cứ một hội chứng rối loạn tinh thần nào (theo định nghĩa sách vở), nhưng vẫn có tính cách và hành vi tự luyến. Họ không hoàn toàn lãnh đạm, nhưng cũng rất thiếu nhạy cảm trước cảm xúc của người khác. Họ thường là những người dễ ghen ghét, đố kị và rất hay tự ái. Trong các bữa tiệc hoặc những buổi tụ hội đông người, họ có xu hướng làm chủ cuộc trò chuyện và cố gắng thu hút mọi sự chú ý. Họ ít khi để tâm đến những người xung quanh, không có khả năng nhận thức những tổn thương họ gây ra cho chính mình và người khác. Tuy không có biểu hiện Ái kỉ rõ ràng như Sam hay Naomi, và còn rất xa mới thỏa mãn tiêu chuẩn chính thức của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ, nhưng họ vẫn là những người Ái kỉ Cực đoan, trong một số hoàn cảnh nhất định. Những người Ái kỉ Cực đoan tồn tại ở khắp nơi quanh bạn. Họ khiến bạn tổn thương và làm xáo trộn mối quan hệ giữa bạn và những người khác. Tuy vậy, bạn lại không hiểu được nguyên do dẫn đến những hành vi tiêu cực đó ở họ. Thế nên, chúng ta vẫn còn lúng túng và hấp tấp trước những cá nhân này.
Một điều bạn nên biết là tất cả những cá nhân Ái kỉ Cực đoan tôi sẽ giới thiệu trong những trang sách tiếp theo đều chỉ đang cố gắng nghĩ về bản thân theo hướng tích cực, họ chứng minh rằng bản thân thực sự có tầm quan trọng và giá trị nhất định. Có điều rằng, hành động của họ, cách họ làm điều gì đó thường khó có thể làm người khác cảm thông. Thường thì chúng ta không nhận thấy động cơ thôi thúc những hành vi của họ: Nỗi xấu hổ ẩn sâu trong vô thức đã hình thành nên nhân cách của những cá nhân Ái kỉ.
Một cá nhân Ái kỉ Cực đoan luôn cố chạy trốn khỏi chính mình. Hầu hết những điều người đấy nói hoặc làm đều nhằm phủ nhận những nỗi sợ hãi ẩn sâu trong thâm tâm họ: Nỗi sợ rằng mình chỉ là một con người nhỏ bé, đầy khiếm khuyết và vô giá trị.
Như bạn đã và sẽ thấy qua câu chuyện của những nhân vật tôi đề cập trong cuốn sách này, các biểu hiện Ái kỉ trải dài qua nhiều cấp độ khác nhau. Những người đủ tiêu chí xếp vào nhóm Rối loạn Nhân cách Ái kỉ như Sam, là ở đỉnh cao của chuỗi cấp độ đó. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phân tích kĩ hơn về một số cá nhân khác tương tự như Sam. Thực ra thì, nhóm người Ái kỉ Cực đoan như Naomi mới là chủ đề chính tôi muốn bàn tới trong cuốn sách này. Họ là những người nằm ở khoảng giữa trên “thang cấp độ Ái kỉ” – những người chỉ thiếu một chút là đạt ngưỡng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ.
Trước khi kết thúc chương sách này, tôi xin phép giới thiệu với các bạn thêm một trường hợp Ái kỉ nữa: TÔI.
Kẻ Ái kỉ trong gương
Sau đây, tôi xin kể một câu chuyện về những hành vi tự luyến của chính tôi trong một buổi học đàn dương cầm.
Thời điểm đó, tôi đã học đàn được hơn bốn năm với Pei Fen – giáo viên dạy dương cầm của tôi. William – con trai cả của tôi, bắt đầu học đàn cũng với cô cách đấy hai năm. Cho nên, tính ra chúng tôi quen biết nhau tới sáu - bảy năm. Cô vừa là thầy, cũng vừa là bạn của tôi. Bên cạnh những lời chỉ đạo, hướng dẫn trong phòng học, chúng tôi còn trò chuyện với nhau rất nhiều về đời tư của mỗi người. Một lần, vào buổi học đầu tiên của tôi sau khi cô kết thúc kì nghỉ thường niên kéo dài suốt hai tháng, tôi đã dốc bầu tâm sự với cô về mùa hè đầy khó khăn của mình.
Sau chuyến đi vô cùng căng thẳng tới Chicago để dự buổi lễ tốt nghiệp đại học của William, tôi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất ngờ và khá nghiêm trọng trong nội bộ gia đình. Thời tiết thật làm người ta khó chịu, thêm nữa, cũng có nhiều vị khách ghé thăm nhà, điều đấy khiến tâm trạng của tôi vô cùng căng thẳng, dù thực lòng tôi rất yêu mến và chào đón họ. Tôi cố gắng gồng mình lên để giữ cương vị của một chủ nhà thân thiện và hiếu khách, suốt khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, tôi cũng lo lắng về mối phiền muộn và chán nản hậu tốt nghiệp của Will. Pei Fen biết Will từ lúc thằng bé mới 15 tuổi, nên tôi đã không ngại kể hết với cô về quá trình tốt nghiệp của cậu con trai và những mối quan tâm, lo lắng của mình. Tôi liến thoắng kể cho cô tất cả mọi điều, về thời tiết, về những đoàn khách và về tình trạng căng thẳng trong gia đình mình. Tôi nói rất lâu. Tôi rất trông chờ khoảnh khắc được chia sẻ cùng cô ấy, để có thể trút bớt gánh nặng trên vai. Chỉ là vào thời điểm đấy, tôi vẫn chưa ý thức được tính Ái kỉ trong mình.
Mãi một lúc lâu, chúng tôi mới quay về với âm nhạc – chủ đề chính của buổi gặp gỡ này. Đến khi chơi qua nửa khúc dạo đầu bản nhạc của Chopin, tôi mới nhận ra rằng tôi chẳng có lấy một lời hỏi thăm Pei Fen về kì nghỉ vừa qua của cô. Có đôi chút xấu hổ. Tôi quá mải mê với những lo nghĩ của bản thân, chìm đắm trong thế giới riêng của mình – nơi tôi, và chỉ riêng tôi, là người quan trọng hơn cả. Tôi quên mất rằng Pei Fen cũng có một cuộc đời riêng, những vấn đề riêng, chứ không phải là cái hố hứng trọn những tâm sự của tôi. Nghĩ vậy, tôi bèn dừng chơi và cất lời: “Xin lỗi, tôi đã quá ích kỉ và bận tâm tới những vấn đề của mình, mà không hỏi han cô dù chỉ một lời.” Cô ấy bị chấn thương cổ tay khá nặng từ hồi đầu tháng 7 và phải hủy bỏ buổi hòa nhạc ở Châu Âu. Cô cũng đang vô cùng lo lắng về buổi khám tay tiếp theo của mình.
Qua câu chuyện này, tôi muốn nói một điều rằng:
Tất cả chúng ta, ai cũng có những giây phút tự luyến. Những lúc quá căng thẳng, yếu đuối hay bị choáng ngợp trước những nhu cầu, ham muốn của bản thân, chúng ta thường hay bỏ qua cảm xúc của người khác. Khi quá bận lòng theo đuổi một mục tiêu mà bản thân đặc biệt coi trọng, chúng ta lại dễ đánh rơi mất lòng cảm thông thường thấy ở mình. Đến khi cái tôi bị tổn thương, ta thường có những hành động tự vệ theo kiểu Ái kỉ Cực đoan.
Tôi dám chắc rằng giống như tôi, bạn cũng là một người “Ái kỉ tùy hoàn cảnh”.
Trong những chương tiếp theo, tôi sẽ giới thiếu tới các bạn nhiều hình thái khác nhau của hội chứng Ái kỉ ở mọi mức độ. Nhưng trước hết, hãy cùng bàn về những tổn thương Ái kỉ hay những cú đòn tâm lí giáng thẳng vào lòng tự ái của bất cứ ai trong chúng ta. Tôi tin rằng việc có một cái nhìn rõ ràng về xu hướng Ái kỉ ở bản thân là bước khởi đầu tốt nhất trên cuộc hành trình tìm hiểu những người Ái kỉ xung quanh bạn.