Lòng tự trọng, Tự ái và những vết thương Ái kỉ
Những người Ái kỉ Cực đoan trông lúc nào cũng có vẻ khá tự tin. Song, thực ra hình ảnh họ tự vẽ ra về bản thân lại thường là phóng đại quá mức (thậm chí là bịa đặt). Có khi, họ phủ nhận hoàn toàn những khiếm khuyết của mình. Về bản chất, sự tự đề cao bản thân quá mức ở những người Ái kỉ Cực đoan vốn chỉ là những cố gắng không ngừng nghỉ nhằm đánh lừa bản thân lẫn những người xung quanh về con người thật của họ. Đôi khi, họ tỏ ra rằng mình không quan tâm chút nào đến ý kiến của những người xung quanh, nhưng sự thực thì họ chưa bao giờ thôi bận tâm về cái nhìn của người khác về mình.
Bản chất con người là một cá thể cộng đồng, sống theo bầy đàn hay không thể tách rời khỏi cộng đồng. Cảm nhận và đánh giá của chúng ta về bản thân cũng thường hình thành dựa trên bối cảnh xã hội và mối quan hệ với những người xung quanh. Chẳng hạn như chính tôi có thể tự xây dựng lòng tự trọng bằng cách sống đúng theo những tiêu chuẩn và lí tưởng của bản thân. Song, bên cạnh đó, tôi vẫn cần tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng (như bạn đời hay đồng nghiệp và cấp trên,...). Sự tôn trọng họ dành cho tôi sẽ góp phần xây dựng và củng cố những giá trị tôi đặt ra cho chính mình. Ngược lại, nếu phải nhận sự chỉ trích từ họ, tôi sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương dù có tin tưởng vào giá trị của bản thân đến mức nào. Là một “sinh vật xã hội”, bản năng của tôi là tìm kiếm sự tán thành từ các thành viên khác trong “đàn”. Họ phản đối sẽ khiến tôi tổn thương, đồng thời làm chao đảo niềm tin vào giá trị của bản thân trong tôi… ít nhất là một lần trong đời.
Theo ngôn ngữ chuyên ngành, những vết thương tâm lí như thế gọi là tổn thương Ái kỉ. Mặc dù trong con mắt của các chuyên gia phân tâm học và tâm lí học, khái niệm tổn thương Ái kỉ thường gắn liền với các hội chứng rối loạn tâm thần. Nhưng thực tế, đấy là một khía cạnh khá phổ biến trong đời sống thường nhật của con người. Lòng tự tôn của mỗi người trong chúng ta thường xuyên bị thử thách dưới muôn vàn cách thức khác nhau như: những lời phản đối, sự khinh thường hay phủ nhận,...
Giáo viên môn Anh văn đã chấm điểm C cho bài luận mà bạn cảm thấy vô cùng tâm đắc.
Một ai đó vừa được nhận vào vị trí công việc bạn cho rằng mình mới là người phù hợp.
Đối phương không gọi điện lại cho bạn sau buổi hẹn hò đầu tiên (theo bạn thì đó là một buổi hẹn rất tuyệt).
Hẳn bạn cũng từng trải qua những chuyện tương tự như thế. Trong một phút giây ngắn ngủi, bạn có đang nghi ngờ về giá trị của chính mình. Liệu bạn có đang tự đề cao bản thân quá mức?
Có thể mình chẳng thông minh và sâu sắc đến vậy. Có thể mình chẳng tài giỏi như mình vốn nghĩ.
Có thể thực ra mình chẳng hấp dẫn tẹo nào.
Có thể bạn không tự nhủ thầm chính xác những lời này, nhưng tôi dám chắc bạn hiểu rất rõ cảm nhận đó. Có thể mặt bạn nóng bừng lên vì thất vọng, thế giới xung quanh bỗng trở nên tăm tối và kém thân thiện. Có thể bạn cảm thấy thật tủi hổ, chán chường và tuyệt vọng. Hẳn bạn thấy rất quen thuộc, đúng không?
Những tổn thương Ái kỉ là không thể tránh khỏi. Song mỗi người lại có một cách phản ứng khác nhau khi đối mặt với chúng. Những cá nhân đặc biệt tự ti có thể sẽ tự cô lập bản thân và cắt liên lạc với những người xung quanh. Thậm chí, có người còn chẳng muốn ngẩng mặt lên nhìn đời. Một số người khác thì lại chọn xua đuổi nỗi đau bằng cách “vô căn cứ hóa” nguồn cơn của nó: Giáo sư X vốn không thích mình từ đầu rồi. Mình không được nhận vì đẳng cấp của mình quá cao so với công việc này. Nghĩ lại thì buổi hẹn ấy cũng chẳng đặc biệt cho lắm.
Những hành vi tự vệ đó chỉ là một cách đánh lừa bản thân để trốn tránh thực tại và tự củng cố cái tôi của chính mình. Thường thì chúng chỉ là biện pháp tạm thời để xoa dịu cảm giác tổn thương trong tâm lí. Rồi cuối cùng, khi nỗi đau đã nguôi ngoai, chúng ta vẫn sẽ chọn đối diện với sự thật.
Tuy nhiên, có một số người không thể chịu đựng những tổn thương Ái kỉ như thế, dù ở mức độ nhẹ, họ không bao giờ chịu buông bỏ tấm khiên phòng ngự. Đấy chính là nhóm Ái kỉ Cực đoan. Cái tôi của họ mong manh đến mức những tổn thương tâm lí nhỏ nhất, cũng đều trở nên sắc lẹm, đau đớn tột cùng, khó lòng vượt quá. Họ luôn đặt bản thân trong trạng thái phòng ngự để bảo vệ mình khỏi những tổn thương Ái kỉ, ngay cả trước khi chúng có cơ hội xuất hiện. Nhưng cuộc đời luôn có những biến cố không ngờ, những cú đòn hiểm hóc giáng thẳng vào lòng tự tôn đó. Sự tồn tại của những tổn thương Ái kỉ là không thể tránh khỏi.
“Thật không công bằng”
Để diễn tả bản chất thường nhật của những tổn thương Ái kỉ và cách chúng ta phản ứng, tôi xin kể cho các bạn câu chuyện về Natalie – một cô gái trẻ chạc tuổi 25, giữ chức vụ trợ lí luật sư tại một công ty luật tầm trung. Đấy là một ngày tăm tối trong cuộc đời cô.
Natalie thức giấc trong một tâm trạng vô cùng tồi tệ. Lại một lần nữa, cô ngủ quên do bỏ qua tiếng chuông báo thức và chuẩn bị trễ giờ làm việc. Mơ hồ nhớ lại, có vẻ như cô không chỉ một lần tắt chuông đi trong cơn ngái ngủ. Đáng lẽ, cô nên đi ngủ sớm hơn thay vì cố xem nốt hai tập phim Homeland (Trở về) trên Netflix. Natalie nhanh chóng tắm rửa, ăn vội một thanh protein thay cho bữa sáng và chuẩn bị rời căn hộ để đi làm. Ngay trước khi kịp bước ra khỏi cửa, cô chợt nhìn thấy lời nhắn từ người bạn Selena ở cùng phòng, ghi trong mảnh giấy đặt trên bàn bếp. Selena làm trợ lí sản xuất cho một chương trình buổi sáng phát trên kênh CNN và thường bắt đầu công việc trước cả khi mặt trời ló rạng.
“Natalie này, nhắc nhẹ thôi là tuần này đến lượt cậu dọn nhà vệ sinh đấy nhé.” Ngay phía trên chữ kí của mình, Selena vẽ một hàng mặt cười, điều đó làm Natalie phát cáu. “Cái đồ ưa sạch dị hợm.” Cô vừa nói to vừa rảo bước ra cửa.
Ngồi lên xe, Natalie bỗng nở nụ cười. Cô vừa chợt nhớ ra rằng cô và Brian dự định sẽ tổ chức một đêm hẹn hò. Họ đã hẹn hò hai tháng nay và mọi chuyện đang dần diễn biến theo hướng nghiêm túc. Brian là một chàng trai quyến rũ, hài hước và đang làm việc tại công ty kiểm toán Ernst & Young. Họ có rất nhiều sở thích chung. Gần đây, cô đã bắt đầu nghĩ đến việc liệu mình có nên tiến tới hôn nhân với anh chàng này.
Do rời nhà quá muộn, Natalie bị kẹt xe trên cao tốc và đến công ty trễ hơn bình thường. Thường thì cô (cùng với Dan và Matthew, hai vị cấp trên cũng thường đến muộn hơn cả cô) sẽ ở lại sau giờ làm để bù lại khoảng thời gian làm việc còn thiếu do đến muộn. Tuy vậy, cô vẫn cảm thấy thật tồi tệ vì không thể đi làm đúng giờ, dù cố gắng đủ mọi cách để thay đổi thói quen xấu này. Vừa thấy cô, Nina – nhân viên lễ tân của công ty, mỉm cười và nói: “Muộn 45 phút, kỉ lục đấy!” Có đôi chút xấu hổ xen lẫn bực dọc, cô đáp lời: “Hôm nay có một vụ tai nạn xảy ra trên đường, không phải lỗi tại tôi!” Tuy biết đó chỉ là một lời nói dối, nhưng cô vẫn cảm thấy lời bào chữa của mình thật thỏa đáng.
Ngồi xuống trước máy tính, cô lấy cuốn thời gian biểu của mình ra, ghi chú buổi họp đánh giá hiệu quả công việc thường niên của mình với Barbara – trưởng bộ phận nhân sự, lúc 11 giờ trưa hôm đó. Natalie gần như quên khuấy mất cuộc hẹn đó. Buổi sáng của cô trôi qua nhanh với rất nhiều công việc cần xử lí. Cô cảm thấy có phần hơi lo lắng về cuộc họp sắp tới, nhưng chủ yếu là cô đang mong được tăng lương. Cô làm việc ở công ty này đến nay là 2 năm, nhưng vẫn chưa được tăng lương lần nào. Dĩ nhiên, kết quả công việc của cô vẫn còn tồn tại một số “thiếu sót” nhất định, nhưng ai chẳng có lúc sai sót. Xét cho cùng, cô làm việc không đến nỗi tệ, nếu không muốn quá tự mãn mà nói là khá ổn. Nói chung, cô cần và đáng được tăng lương.
Đúng 11 giờ, trưởng phòng nhân sự Barbara gọi cô vào phòng làm việc để trao đổi. Barbara là một người phụ nữ luôn nghiêm ngặt về mặt giờ giấc và vô cùng kĩ tính. Cô ấy chào đón Natalie với một nụ cười có chút mỉa mai, rồi đưa cho cô một tờ đánh giá để tự mình nhìn nhận kết quả công việc của bản thân.
Lướt mắt dọc theo cột tiêu chí, Natalie thấy hầu như ở tất cả các mục mình đều chỉ đạt mức 3 – Tạm ổn. Thậm chí ở một số mục, cô được đánh giá là Cần cải thiện, cụ thể là ở mục “Đúng giờ” và “Để tâm đến chi tiết.” Điểm số trung bình của cô là 3, kèm theo một dấu trừ ngắn đằng sau. Cả mặt và đầu Natalie đều nóng bừng lên. Cô phải cố gắng lắm mới ngăn được hai dòng nước mắt đang chực trào. Trong khoảnh khắc, cô chỉ muốn bỏ chạy đi thật xa. Cái nhìn soi mói của Barbara khiến Natalie đau nhói, không thể chịu đựng nổi. Cô chẳng biết phải làm gì ngoài nhìn chằm chằm xuống mặt bàn.
Barbara nói: “Việc đến muộn không phải là vấn đề chính, hoàn toàn không. Cô biết đấy, giờ giấc của công ty chúng ta rất linh động. Chúng tôi đều đánh giá rất cao ý thức trách nhiệm của cô, cô vẫn ở lại sau giờ hành chính để đảm bảo thời gian làm việc.” Ngước mắt lên, Natalie thấy Barbara đang mỉm cười đầy cảm thông, nhưng cô lại có cảm giác cô ấy đang cố tỏ ra nhẹ nhàng chỉ để khiến cô thấy tệ hơn.
“Điều khiến chúng tôi thực sự thấy quan ngại là cô mắc quá nhiều sai phạm không cần thiết. Cả Dan và Matthew đều cho rằng thái độ làm việc của cô hơi vội vã và có phần qua loa. Có thể điều đó bắt nguồn từ việc cô đi muộn quá thường xuyên, luôn phải cố làm thật nhanh để bắt kịp guồng công việc cùng các đồng nghiệp. Nhưng thực lòng, tất cả chúng tôi đều mong từ giờ cô hãy giảm tốc độ lại một chút và kiểm tra thật kĩ kết quả công việc của mình.” Natalie nhớ lại tuần trước, tòa án gọi điện đến phàn nàn với công ty, vì quên gửi kèm séc thanh toán chi phí thủ tục đệ trình đơn kiện của Davis. Hôm ấy, cô cũng đi làm muộn và cảm thấy mệt mỏi rã rời suốt cả buổi sáng.
Quay lại bàn làm việc, những lời nhận xét của Barbara vẫn còn văng vẳng bên tai. Từng câu, từng chữ như xoáy sâu vào tâm trí Natalie, cô không tài nào tập trung nổi vào công việc trước mắt. Cô vắt óc nhớ xem liệu mình đã nói cho Brian hay Selena về buổi đánh giá kết quả công việc hay chưa. Nếu chưa, có lẽ cô nên ỉm chuyện này đi. Đúng vậy, có ai bắt cô phải kể với họ tất cả mọi thứ. Đến buổi chiều, cô vẫn quẩn quanh trong những suy nghĩ vẩn vơ: Liệu cô có nên tìm kiếm cho mình một công việc mới, tốt hơn, lương cao hơn hay không? Các công ty luật lúc nào cũng ngột ngạt, đến mức buồn chán, và giới luật sư thì quá nhạt nhẽo. Đây không phải là một môi trường làm việc thú vị như cô đã tưởng. Có thể Selena sẽ giúp cô kiếm một công việc ở đài truyền hình. Chắc chắn cô sẽ làm việc hiệu quả hơn khi vây quanh cô là những con người hết sức sáng tạo.
Sắp đến giờ tan làm, cô quyết định hủy hẹn với Brian. Cô không thể hẹn hò trong tâm trạng tồi tệ thế này. Có thể cô sẽ òa lên khóc, Brian sẽ ân cần hỏi han. Cô sẽ không thể không kể cho anh nghe về buổi đánh giá kết quả công việc. Anh sẽ nghĩ cô là một “kẻ thất bại” mất. Điều duy nhất cô muốn làm lúc này là về nhà, cuộn mình trên giường, ăn kem và xem nốt mấy tập phim Homeland. Nghĩ rồi, cô rút điện thoại ra và thấy một thông báo cuộc gọi nhỡ từ Brian. Anh gọi cho cô từ buổi sáng và để lại một tin nhắn thoại. Lúc đó, cô đang trong cuộc họp với Barbara. Nghe giọng nói quen thuộc của anh vang lên, trái tim cô như hụt một nhịp. “Natalie này, Brian đây. Chắc buổi hẹn của chúng ta hôm nay... Nghe này, anh nghĩ mình không thể tiếp tục nữa. Thực ra… Ôi Chúa ơi, anh thực sự không muốn làm điều này qua hộp thư thoại. Bao giờ em có thể nói chuyện, hãy gọi lại cho anh nhé. Anh nghĩ chúng mình cần nói chuyện.”
“Chúng mình cần nói chuyện.” Câu nói kinh khủng đó khiến cả thế giới của cô như sụp đổ. Những nỗi đau đến dồn dập như đang muốn nhấn chìm cô. Cô mím môi thật chặt để không hét lên thật to. Đôi mắt cô rưng rưng lệ. Cô lễ tân Nina đi ngang qua cũng phải giật mình vì tiếng gầm gào khe khẽ của Natalie: “Đàn ông toàn một lũ khốn nạn! Thật không công bằng!”
***
Natalie vừa phải đối mặt với những tổn thương Ái kỉ, như một lẽ thường hằng trong cuộc đời mỗi người. Với cô, đây là một ngày đặc biệt tồi tệ, những rắc rối kéo nhau ùa đến, đẩy lòng tự tôn của cô đến mức giới hạn. Song, bạn có thể thấy, những tổn thương Ái kỉ cô phải trải qua và cách cô phản ứng lại với chúng vốn là những điều chúng ta vẫn thường làm, vẫn thường trải qua.
Ngày hôm đó của Natalie bắt đầu với một tâm trạng tồi tệ vì cô mãi chẳng thể thức dậy và đi làm đúng giờ. Ở một mức độ nào đó, cô hiểu rằng đây chỉ là kết quả của những lựa chọn sai lầm cô đã đưa ra (thức đêm xem phim thay vì tắt đèn và lên giường đi ngủ sớm). Cô nghĩ lời nhắn nhắc nhở dọn phòng vệ sinh của bạn cùng phòng khiến cô cảm thấy tệ hơn, cô chỉ trích Selena trong đầu: “Cái đồ ưa sạch dị hợm.” Cô không có lỗi, vấn đề chỉ là Selena quá cầu toàn. Khi cô lễ tân ở công ty trêu chọc do đến muộn, Natalie đáp trả với thái độ bất cần, trốn tránh sự thật: “Không phải lỗi của tôi!”
Đổ lỗi chính là một cách để người ta trốn tránh những nỗi đau do tổn thương Ái kỉ.
Natalie luôn mong chờ một kết quả đánh giá khả quan và được tăng lương, nên cô càng nhanh chóng sụp đổ và tự nhấn chìm mình trong cơn tuyệt vọng. Những giọt nước mắt ứa ra, cô cảm thấy thật ngượng ngùng xen lẫn chút hổ thẹn. Cả người cô nóng bừng lên. Cô phải rất cố gắng để bảo vệ cái tôi của mình cho đến tận lúc này, nhưng đó đã là đỉnh điểm. Lần này, cô không thể tiếp tục lảng tránh cảm giác bế tắc trong mình. Cô biết những điều Barbara nói đều đúng. Một lát sau, cảm xúc của cô dần chùng xuống nhờ hạ thấp giá trị của các công ty luật và tự thuyết phục bản thân rằng, mình phù hợp với một công việc mang tính sáng tạo hơn. Điều cô cần là một môi trường làm việc mới.
Tự đề cao bản thân và đánh giá thấp nguyên nhân tạo ra các tổn thương Ái kỉ trong mình cũng là một cách làm phổ biến để lảng tránh nỗi đau tâm lí này.
Dù Natalie đã cố gắng để củng cố lòng tự tôn của bản thân nhưng không ai có thể phủ nhận sự thật là: Niềm tin cô dành cho chính mình đã bị lung lay dữ dội. Cô cảm thấy mình là một “kẻ thất bại”. Tuy nhiên, cô đã gán nó lên Brian vì không dám chấp nhận mình có một suy nghĩ như vậy (cô phỏng đoán cái nhìn của anh về cô khi nghe buổi đánh giá kết quả này). Chìm mình trong nỗi đau, cô nảy sinh ý muốn hủy hẹn và rút về “tổ ấm” là chiếc giường thân yêu – nơi cô có thể tự an ủi và xoa dịu cảm xúc của mình. Đến lúc nghe tin nhắn thoại của Brian và nhận ra anh chàng muốn chia tay, cô hoàn toàn sụp đổ. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, cô gạt phăng cảm giác này, thay thế sự tức giận và căm phẫn: “Đàn ông toàn một lũ khốn nạn!”
Nổi nóng chính là cách phản ứng phổ biến thứ ba khi phải đối mặt với các tổn thương Ái kỉ. Con người thường cố gắng tự vệ trước nỗi đau bằng cách bắt đầu công kích.
Như bạn sẽ thấy trong những chương tiếp theo, những người Ái kỉ Cực đoan thường xuyên sử dụng ba hành vi tự phòng vệ: (1) đổ lỗi, (2) tự đề cao bản thân và coi thường nguồn gốc của các tổn thương Ái kỉ, và (3) nổi nóng. Người Ái kỉ Cực đoan luôn trong trạng thái phải cố gắng để giữ vững hình tượng được thổi phồng quá mức của mình, họ không chịu đựng nổi những lời chỉ trích từ bên ngoài và sẵn sàng công kích bất cứ ai có ý chê bai hay phủ nhận họ:
Tự vệ trước những lời chỉ trích là một phản ứng thông thường của mỗi người. Hẳn ai cũng từng một lần làm như vậy. Rất lâu trước đây, Dale Carnegie đã đưa ra quan điểm này trong cuốn sách Đắc nhân tâm – cuốn sách kinh điển khởi đầu cho dòng sách tự lực, xuất bản năm 1936. “Chỉ trích không mang lại điều gì, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa. Chỉ trích còn có thể trở nên nguy hiểm vì nó chạm đến lòng kiêu hãnh cố chấp của mỗi người, gây tổn thương tới ý thức về vai trò quan trọng của họ. Kết cuộc chỉ tạo nên sự tức giận và thù hằn.”
Sự chỉ trích có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm, người nhận chỉ trích thường cảm thấy mình đang bị công kích và sẽ tìm cách “ăn miếng trả miếng”. Dù bạn góp ý nhẹ nhàng và cẩn thận lựa chọn từ ngữ dễ chịu nhất, nhưng bạn đã động chạm đến lòng kiêu hãnh “quý báu” của đối phương. Trong mắt họ, bạn là kẻ cố ý công kích. Thường thì, họ sẽ phản ứng bằng những đòn tấn công tương tự, thậm chí mạnh bạo hơn. Những cú “trả đòn” này xuất phát từ một xu hướng tâm lí tôi gọi là “nguyên lí quy chụp sai lầm”: Tôi cảm thấy đau đớn, nên phải có ai đó chịu trách nhiệm cho cảm giác này trong tôi.
Hẳn bạn cũng từng trải qua trạng thái đó. Chẳng hạn, tâm trạng bực dọc, cáu kỉnh bạn thường cảm thấy mỗi khi quá mệt mỏi và không thể cân bằng cảm xúc. Những lúc như thế, dường như tất cả mọi người xung quanh đều đang cư xử một cách đặc biệt khó chịu. Những điều họ làm, những câu hỏi họ đặt ra, những “lỗi sai” nho nhỏ họ lỡ phạm phải, đều có thể trở thành cái cớ cho tâm trạng bực dọc trong ta. Kết quả là, chúng ta cáu kỉnh và công kích họ, tìm đủ mọi cách buộc họ phải thừa nhận rằng họ đáng phải chịu hình phạt do đã cư xử một cách khó ưa. Trong khi thực tế, chính bảnthân chúng ta mới là kẻ đang tỏ ra xấu tính. Một trạng thái không thoải mái, thậm chí là đau đớn, bạn phải tìm ra cái cớ cho cảm giác khó chịu này. Như một lẽ đương nhiên, theo nguyên lí quy chụp sai lầm, chúng ta sẽ đổ lỗi cho những người khác quanh mình.
Xét trong tình huống của Natalie, lời nhắc nhở nhẹ nhàng của Selena tạo cho Natalie cảm giác tồi tệ về chính mình. Ở một mức độ nào đó, cô cảm thấy mình đang bị công kích, như thể Selena cố ý làm cô cảm thấy như vậy. (Bất chấp những chiếc mặt cười Selena đã vẽ phía dưới!) Cô ngay lập tức phản kích: Cái đồ ưa sạch dị hợm. Tương tự như thế, nguyên lí quy chụp sai lầm sẽ giúp bạn hiểu hơn về những cá nhân Ái kỉ Cực đoan quanh mình. Có thể bạn sẽ không nhận ra mình đã lỡ chạm đến lòng tự ái của họ ở điểm nào. Cũng có thể bạn cảm thấy bối rối vì phản ứng quá khích của họ trước những câu nói và hành động tưởng như vô tư và không liên quan của mình. Nhưng theo một cách nào đó, họ cảm thấy giá trị của bản thân bị hạ thấp, họ cảm thấy mình đang bị tấn công.
Đối với những người Ái kỉ Cực đoan, mọi tổn thương Ái kỉ đều đồng nghĩa với một vụ tấn công đầy đau đớn. Để đáp trả, họ sẽ phản kháng kịch liệt và giáng thẳng những cú đòn thù của mình vào kẻ họ coi là thủ ác.
Sức mạnh của nỗi hổ thẹn
Theo tôi, thuật ngữ tổn thương Ái kỉ nghe có vẻ hơi quá chuyên môn, trừu tượng và xa rời những trạng thái cảm xúc chúng ta thường phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày. Vậy chính xác thì thứ cảm xúc chúng ta thực sự cảm thấy khi lòng tự ái bị tổn thương là gì? Các tổn thương Ái kỉ khiến chúng ta cảm thấy đau đớn, dĩ nhiên rồi. Chẳng ai có thể thoát khỏi cảm giác này, dù bạn có thuộc nhóm Ái kỉ Cực đoan hay không. Bản chất của sự đau đơn đó là gì? Nếu nhìn lại Natalie, bạn có thể thấy câu trả lời cho câu hỏi này chính là sự hổ thẹn và tủi nhục.
Khi cảm thấy thiếu ngủ và nhận ra việc đó bắt nguồn từ quyết định sai lầm của chính mình, Natalie cảm thấy hơi xấu hổ về bản thân. Lời nhắn của Selena giúp cô nhớ ra mình đã quên không dọn phòng vệ sinh lại phóng đại cảm giác hổ thẹn đó thêm một chút. Đến nơi làm việc muộn hơn hẳn ngày thường, bị cô lễ tân của công ty trêu chọc, cô cảm thấy hổ thẹn. Buổi đánh giá kết quả công việc lại càng khiến cô thêm xấu hổ bội phần và đôi chút tủi nhục, do cô biết những gì Barbara nói đều hoàn toàn chính xác: Cô vẫn có lúc làm việc qua loa và mắc lỗi do bất cẩn. Chỉ là cô thấy xấu hổ khi phải nghe sự thật trần trụi này từ một người khác. Đến khi Brian ngỏ ý muốn chấm dứt mối quan hệ giữa hai người, cô nghĩ mình bị hắt hủi và thẹn càng thêm thẹn. Cái ngày khủng khiếp này dấy lên trong cô một cảm giác hổ thẹn đau đớn về bản thân, như thể cô chẳng là gì ngoài một “kẻ thất bại”.
Những hành vi trốn tránh nỗi đau do các tổn thương Ái kỉ (như đổ lỗi, khinh thường hay tức giận), nói một cách chính xác là những biện pháp tự vệ trước cảm giác hổ thẹn với chính mình. Những cố gắng để trốn tránh cảm giác hổ thẹn và tủi nhục là yếu tố đóng vai trò trung tâm làm nên hội chứng Ái kỉ.
Như chuyên gia tâm lí học Andrew Morrison đã nói, sự xấu hổ là mặt trái của hội chứng Ái kỉ, và cũng là điểm mấu chốt bạn cần nắm bắt để hiểu rõ hội chứng tâm lí này. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về cảm giác xấu hổ đã khiến một người cảm thấy mình là người hoàn toàn thất bại như thế nào. Đồng thời, tôi cũng sẽ giới thiệu cho các bạn cách vượt qua sự xấu hổ do tổn thương Ái kỉ để cải sửa mình và trở nên tốt hơn.
Là một bác sĩ tâm lí, tôi thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người luôn mang bên mình lớp áo bảo vệ mình như thế. Họ có thói quen trốn vào những lớp áo phòng vệ Ái kỉ để không phải đối mặt với cảm giác hổ thẹn hay suy nghĩ rằng bản thân kém cỏi. Hãy cùng gặp Jason, một khách hàng của tôi. Quá trình trị liệu của anh bắt đầu với những lời phàn nàn về vợ mình – Diana. Có lần, Jason hứa với cô sẽ gọi điện cho kế toán của họ để sắp xếp lịch hẹn, nhưng anh quên khuấy mất việc đấy. Vào đêm trước khi anh liên lạc với tôi, Diana đã chỉ trích anh là một người không đáng tin cậy, rằng anh “luôn luôn” thất hứa. Kể từ đó, cuộc trò chuyện giữa hai người nổ bung thành một trận tranh cãi nảy lửa.
Jason nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao cô ấy lại cứ chuyện bé xé ra to như vậy. Tôi đã quá căng thẳng với công việc cả tuần trời và chỉ lỡ quên mất việc đó thôi. Tôi cũng thực sự ghét cái cách cô ấy nói, rằng tôi lúc nào cũng như vậy, như thể tôi là một con người chẳng ra gì. Tôi biết mình không nên nổi khùng lên, nhưng tôi không thể kìm mình lại và gọi cô ấy là đồ khốn nạn.”
Rồi Jason tiếp tục kể với tôi về tính cầu toàn, hay chỉ trích và thói quen công kích cá nhân của Diana mỗi khi hai người tranh luận điều gì đó. Lắng nghe câu chuyện của anh, tôi nhận thấy sự tồn tại của một vấn đề tình cảm khác đang làm nền cho những cuộc tranh cãi này. Cả phản ứng của Diana về cuộc gặp mặt bị quên, lẫn hành vi tự vệ của Jason, dường như đều hơi quá kịch liệt và không phù hợp với tình huống thực tế họ đang đối mặt. Tất nhiên, cuộc cãi vã này không chỉ phát sinh từ một vấn đề, mà có cả một quá trình từ trước: những lời hứa khác Jason đã không thể làm, thói quen hay chỉ trích của Diana,... Nhưng nhiêu đó chưa đủ để tạo ra những xung đột nảy lửa đến thế. Đến thời điểm đó, tôi đủ thân thiết với Jason để đặt ra cho anh những câu hỏi: Liệu vợ anh có còn phàn nàn về điều gì đó khác mà anh đã làm cô thất vọng hay không? Nhìn vào thái độ phòng vệ của anh, tôi thấy anh đang không muốn thừa nhận rằng cô hoàn toàn có quyền lên tiếng phàn nàn.
Sau một hồi, vấn đề dần sáng tỏ hơn. Có vẻ như nguồn cơn thực sự cho cảm giác thất vọng ở Diana là đời sống tình cảm có phần thiếu sâu sắc giữa hai vợ chồng họ. Nhiều lần cô ấy muốn dành cho anh những cử chỉ ân ái, nhưng anh cứ lần nữa từ chối với lí do thường ngày: Anh đã quá mệt mỏi và căng thẳng vì công việc. Khi kể với tôi về lời phàn nàn của vợ mình, thái độ và tông giọng của anh đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì bào chữa và tự vệ, anh tỏ ra vô cùng xấu hổ. Thấy vậy, tôi hỏi liệu nguyên nhân có liên quan gì tới những ấn phẩm đồi trụy trên Internet hay không? Anh thú nhận một sự thực rằng: Dạo gần đây, anh có thói quen xem phim người lớn và thủ dâm mỗi ngày. Anh biết mình nên dừng việc này lại và nó thực sự có ảnh hưởng xấu đến tình cảm hôn nhân của mình. Nhưng dù cố gắng tới mức nào, anh vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Jason không phải một người Ái kỉ Cực đoan, nhưng trong tình huống này, anh đã sử dụng các phương thức phòng vệ Ái kỉ để đối mặt với cảm giác xấu hổ ở bản thân. Trong ví dụ trước, Natalie cảm thấy xấu hổ về việc không thể thay đổi hành vi sai trái của mình để đi làm đúng giờ. Tương tự như vậy, Jason cũng quá xấu hổ về cơn nghiện phim người lớn không thể kiểm soát của mình, tới nỗi không muốn nhắc đến nó kể cả khi trò chuyện cùng bác sĩ tâm lí. Thay vào đó, anh tập trung vào những trận cãi vã lặt vặt và đổ lỗi cho vợ mình là hay chỉ trích. Thậm chí, anh còn xúc phạm cô (gọi cô là đồ khốn nạn), dù biết không nên và thực sự là anh không muốn làm vậy. Tất cả chỉ nhằm mục đích lảng tránh cảm giác xấu hổ về cơn nghiện xem phim người lớn của bản thân. (Chúng ta sẽ nói kĩ hơn về mối quan hệ giữa cảm giác xấu hổ, sự nghiện ngập và hội chứng Ái kỉ trong Chương 10.)
Tri nhân tri diện bất tri tâm
Cũng giống như Jason, những người Ái kỉ Cực đoan thường có xu hướng công kích những người xung quanh để củng cố lòng tin vào bản thân của mình. Quả thực Diana đã cảm thấy vô cùng thất vọng, cô độc và thậm chí là tổn thương vì bị chồng mình xúc phạm. Tuy nhiên, khi nhìn vào nhóm người Ái kỉ Cực đoan, bạn sẽ thấy họ công kích những người quanh mình theo cách dữ dội hơn nhiều, đôi khi là cả bằng hành động chứ không chỉ qua lời nói. Có thể bạn từng chịu đựng của những hành vi như vậy trong quá trình làm việc, trong gia đình hay trong mối quan hệ với những người mình quen biết. Bạn cũng có thể thấy hình ảnh của chính mình trong câu chuyện của Lizzie. Cô suýt chút nữa đã đánh mất công việc của mình. Mọi chuyện bắt đầu từ một tình bạn đổ vỡ.
Con mèo của Lizzie qua đời, Denise đã gửi tặng cô một tấm thiệp chia buồn đặt trên bàn làm việc kèm theo một chiếc bình với một bông hoa duy nhất được hái trong vườn nhà. Denise mới bắt đầu làm việc tại Carlile & Co. cách đây một tháng, nên lúc này, hai người vẫn chưa biết nhau quá rõ. Vài tuần sau đó, Denise và Lizzie cùng ra ngoài ăn trưa và họ trở nên thân thiết. Họ có cùng một gu âm nhạc, cùng thích một chương trình truyền hình và cùng đam mê những bộ phim noir2 kinh điển. Bên cạnh đó, cả hai có chung suy nghĩ rằng Ryan Gosling là nam diễn viên gợi cảm nhất Hollywood. Denise khen Lizzie có gu quần áo rất tuyệt, biết cách pha trò, tạo không khí vui vẻ cho mọi người. Lizzie cảm thấy rất vui vì hiếm khi có ai hiểu được khiếu hài hước có phần kì quặc của cô. Thật tuyệt khi tìm thấy một người bạn mới “hiểu” mình đến vậy.
2Thể loại phim thường theo tông đen trắng có nội dung rất đen tối theo hướng máu me, lạnh lùng, bất chấp công lí và ranh giới đúng sai.
Kể từ đó, họ bắt đầu bám dính lấy nhau như hình với bóng: đi uống nước sau giờ làm việc, hẹn nhau ăn tối mỗi cuối tuần, tổ chức những buổi tối cùng nướng bỏng ngô và xem một bộ phim cổ cả hai đều thích. Họ giống như nhân vật Bogart và Bacall trong bộ phim The Big Sleep (Giấc ngủ dài, 1946) vậy. Chẳng có ngày nào họ không gọi điện, nhắn tin và email cho nhau. Denise vẫn thường nói với Lizzie rằng cô là “một người tuyệt vời” và mình (Denise) thật may mắn khi có cô làm bạn. Tuy nhiên, mỗi khi Lizzie ngỏ ý muốn mời một đồng nghiệp khác ở chỗ làm cùng đi uống và ăn nhẹ một chút ở quán bar yêu thích của hai người, Denise thường tỏ thái độ khó chịu và nói: “Hay là để lần khác đi.”
Vào một đêm thứ Bảy nọ, Lizzie rủ Denise nhập hội đi chơi với một nhóm bạn khác của mình. Mọi chuyện diễn ra khá ổn thỏa cho đến trưa thứ Hai tuần kế tiếp. Khi cùng ăn trưa, Denise buông lời cạnh khóe khá ác ý về hai người bạn của cô là Cady (“Phải có người ngăn cô ta lại đi chứ nhỉ, ai lại mặc áo hở rốn với một cái bụng mỡ màng đến thế nhỉ!”) và Steph (“Ôi cái giọng cười ấy! Nghe cô ả chả khác gì một con linh cẩu bị thần kinh.”). Lúc đó, Lizzie chỉ nghĩ rằng Denise đang ghen tị với những người bạn khác của cô, cô ấy sẽ không còn xấu tính nữa một khi thân dần và cảm thấy hòa nhập hơn với cả nhóm.
Cũng trong tuần đó, Lizzie đã có lần từ chối lời mời ăn trưa cùng Denise. Một người bạn phổ thông của cô có dịp ghé thăm thành phố và ở lại đó khoảng vài ngày. Lizzie nghĩ đây là một dịp tuyệt vời để họ ôn lại những kỉ niệm thời đi học và hỏi thăm tình hình của những người bạn cũ khác. Sau hôm đó, mỗi lần chạm mặt nhau ở hành lang công ty, Denise đều tỏ thái độ lạnh lùng và xa cách với cô. Nhưng qua vài ngày, tình bạn giữa họ lại khăng khít như thường. Cuối tuần, họ cùng nhau đi xem bộ phim mới ra mắt của Ryan Gosling.
Rồi Lizzie gặp Mark. Cô không thể đợi tới lúc kể cho Denise nghe toàn bộ câu chuyện này, về cái cách họ cùng vươn tay lên lấy chai vang cuối cùng trên giá ở cửa hàng. Những lời đối đáp qua lại, mặt ngoài là tranh giành chai rượu, nhưng phía sau lại là bảo ẩn tình giữa hai người. Cuối cùng, Mark nhường chai rượu cho Lizzie với điều kiện cô phải cho anh số điện thoại của cô.
“Tớ thấy hạnh phúc thay cho cậu đấy!” Denise gượng cười và nói bằng tông giọng vống lên cao vút, âm thanh the thé vỡ ra cùng một thái độ hăng hái đến kì cục. “Chỉ là cứ cẩn thận đấy. Cậu biết bọn đàn ông thế nào rồi mà. Thạch Sanh thì ít, Lí Thông thì nhiều. Nhưng mới gặp mặt thì ai mà đo được lòng người.”
Lizzie cảm thấy hơi khó chịu trước phản ứng của Denise, nhưng nhanh chóng bỏ việc đó ra khỏi đầu. Vài hôm sau, Denise ngỏ ý muốn hẹn cô cùng đi chơi vào thứ Bảy tới, Lizzie từ chối vì có hẹn với Mark. Denise rưng rưng nước mắt và nói: “Tớ mong cậu không phải là kiểu người vì một chàng trai mà bỏ bê bạn bè. Cậu là người bạn thân nhất của tớ. Cậu có biết cậu quan trọng với tớ thế nào không?” Lizzie cảm thấy vô cùng tội lỗi, cố gắng xoa dịu tâm trạng của cô bạn và đề nghị cùng đi chơi vào Chủ Nhật thay vì thứ Bảy. Đột nhiên, Denise nổi giận đùng đùng, gạt nước mắt và bỏ đi thẳng, chỉ để lại một câu: “Tớ bận rồi.”
Tối thứ Bảy, Denise liên tục nhắn tin hỏi Lizzie hết câu này tới câu khác từ lúc cô và Mark mới đặt chân đến cửa hàng để dùng bữa. “Anh ta ăn mặc như thế nào? Anh ta đi xe gì?” Lizzie trả lời: “Tớ sẽ kể cho cậu sau nhé rồi tắt máy.” Sau khi Mark đưa cô về nhà, cô mở điện thoại lên và thấy một tràng những tin nhắn với mức độ giận dữ tăng dần từ người bạn thân của mình, rằng cô là một người bạn tồi tệ đến mức nào, cô là một đứa hai mặt khốn nạn ra sao, kết thúc với một câu chửi rủa cộc lốc: Con khốn!!! Dù đã nhận thấy một vài dấu hiệu về thái độ của Denise, nhưng Lizzie vẫn ngỡ ngàng trước thái độ ghen ghét và bất nhẫn khủng khiếp này. Chuyện gì đã xảy ra với người bạn tuyệt vời dường như lúc nào cũng ủng hộ cô vậy chứ?
Tới thứ Hai, Denise ghé qua văn phòng của Lizzie ở công ty để xin lỗi, cố nói mình đã uống hơi nhiều và mất kiểm soát. “Tớ vô cùng xin lỗi. Tớ biết mình đã cư xử một cách thật tồi tệ, nhưng cậu sẽ tha thứ cho tớ chứ?” Nghe những lời này mà trong lòng Lizzie vẫn nặng trĩu vì những tin nhắn độc địa hôm trước. Cô cảm thấy tình bạn giữa hai người đã rạn nứt và không bao giờ còn có thể quay trở lại như trước. Nụ cười ngây thơ kiểu “cún con” của Denise chẳng thể làm cô tin tưởng. Cô nói: “Tớ nghĩ mình cần nghỉ ngơi. Có lẽ bọn mình không nên dành quá nhiều thời gian bên nhau như vậy, ít nhất là trong thời gian tới.”
Thái độ của Denise thay đổi ngay lập tức, cô ta gầm gừ với chất giọng đầy khinh miệt: “Được thôi, nếu cô muốn chơi kiểu đó. Tôi đã biết cô chỉ là một đứa giả tạo ngay từ đầu.” Denise phừng phừng bỏ đi, Lizzie vẫn chưa hết rùng mình. Những lời cuối cùng đó làm cô bất an. Người bạn mới tưởng như một món quà đến từ thiên đường giờ đây sao thật quá nguy hiểm.
Suốt cả tuần đó, Lizzie cố tránh mặt Denise. Cô không muốn phải có thêm bất cứ cuộc đối đầu xấu xí nào như vậy nữa. Có thể, cô nghĩ, họ sẽ trôi xa dần khỏi cuộc đời nhau và tình bạn đầy căng thẳng này cứ thế chìm vào dĩ vãng. Tới khi Mark gọi điện hẹn cô ra ngoài chơi vào cuối tuần, cô vui vẻ trở lại. Sự hưng phấn với mối tình mới chớm che khuất nỗi lo đang ngập tràn trong tâm trí cô.
Ngày hôm sau, một đồng nghiệp quen biết đã lâu năm đến bên Lizzie trong phòng giải lao của công ty và kể với cô rằng Denise đang nói xấu cô khắp mọi nơi. Theo lời đồn thổi, thì chính Denise đã nghỉ chơi với Lizzie, vì cô luôn bỏ rơi bạn bè trong những buổi đi chơi nếu có gã trai lạ mặt nào tìm đến mời cô uống một li. Một đồng nghiệp khác cũng kể, dù không nói thẳng nhưng Denise bóng gió rằng cô là một ả nghiện rượu phóng đãng, mỗi tối về nhà cùng một gã khác nhau. Lizzie khóc gần như suốt cả ngày hôm ấy. Cô cảm thấy quá sợ hãi con người của Denise.
Trong lúc đó, Denise không ngừng khủng bố cô bằng loạt tin nhắn lăng mạ, tất cả đều chỉ xoay quanh một chủ đề: Tôi là một người bạn rất tốt, thế mà cô lại đối xử với tôi chẳng khác nào rác rưởi, con điếm khốn nạn ạ. Thậm chí, cô ta còn càu nhàu về việc phải lãng phí biết bao tình cảm quý báu vào một kẻ đầu đường xó chợ, bội bạc và máu lạnh như Lizzie. Cô dám chắc đấy là lời thoại trích từ một bộ phim cổ nào đó, nhưng cô không thể nhớ chính xác.
Đến thứ Tư, trưởng bộ phận gọi Lizzie vào phòng riêng và bày tỏ mối quan ngại trước một số báo cáo về việc cô đang hẹn hò với một trong những khách hàng của công ty. Quy định của công ty không cho phép điều đấy và cô còn có thể bị đuổi việc. Chính Denise là tác giả của tin đồn đó. Lúc này, Lizzie không còn đủ sức tiếp tục chịu đựng thêm nữa. Cô òa lên khóc nức nở và kể với trưởng bộ phận toàn bộ câu chuyện của mình. Cuối cùng, khi cô đưa ra bằng chứng là chuỗi những tin nhắn quấy rối từ Denise, nhờ một vài đồng nghiệp làm chứng cho cô về những tin đồn ác ý. Ngay lập tức, Carlile & Co. đã sa thải Denise và có bồi thường cho cô.
Tuy nhiên sau đó, Denise vẫn tiếp tục gửi những tin nhắn quấy rối tới Lizzie đến nỗi cô phải đổi số điện thoại. Cô không bao giờ thấy mặt Denise thêm một lần nào nữa.
***
Dù khá bất thường nhưng những biểu hiện của Denise hoàn toàn không phù hợp với các tiêu chí của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ. Cảm giác xem kẽ giữa sùng bái và căm hận cô dành cho Lizzie, cơn tức giận bùng phát, nỗi sợ bị bỏ rơi và những bất ổn trong cảm xúc, tất cả những biểu hiện đó giống như Denise mắc phải hội chứng Rối loạn Nhân cách Ranh giới3. Tuy nhiên, cùng lúc đó, việc tự đề cao bản thân quá mức và thiếu khả năng cảm thông cũng cho thấy cô khá giống với một cá nhân Ái kỉ. Dù không tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn một cách công khai, nhưng bên trong cô luôn muốn mình là trung tâm trong thế giới của người bạn thân nhất của mình. Khi mới bắt đầu làm bạn với nhau, cô tỏ ra mình là một người vô cùng nhạy cảm và ân cần, chu đáo, chỉ nhằm một mục đích là chiếm lấy cảm tình của Lizzie. Nhưng khi bị Lizzie từ chối, Denise đã thể hiện rõ bản chất thực sự của mình: Cô không biết thế nào là thông cảm nữa.
3Rối loạn Nhân cách Ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là bệnh rối loạn tâm thần đặc trưng bởi tâm trạng, suy nghĩ và hành vi không ổn định. Những người rối loạn nhân cách ranh giới thường xuyên có những thay đổi nhanh về cảm xúc khiến họ nhầm lẫn và không rõ cần phải làm gì. Chính vì sự nhầm lẫn này, người bệnh cực kì nhạy cảm, có xu hướng đả kích hoặc phản ứng dữ dội. Khi cảm xúc trào dâng mãnh liệt, họ rất khó suy nghĩ thấu đáo và giữ bình tĩnh, có thể làm những việc nguy hiểm gây tổn thương chính mình và những người xung quanh.
Thoạt nghe, có vẻ như Denise thuộc cấp độ cực đoan và hiếm gặp. Nhưng theo như lời kể của các độc giả phản hồi dưới bài viết trên trang web của tôi về dạng Ái kỉ Hận thù, họ từng chứng kiến nhiều trường hợp còn tệ hơn nhiều. Những vụ việc bị quấy rối bởi bạn cũ, đồng nghiệp hay thậm chí là họ hàng. Không ít người từng phải trải qua cảm giác bị một người bạn cũ của mình bôi nhọ danh tiếng và tìm cách hãm hại, khiến họ bị đuổi việc. Còn có người từng bị chính anh trai của mình – một kẻ Ái kỉ và cũng là một luật sư, đe dọa sẽ lạm dụng pháp luật để hủy hoại sự nghiệp của người đó, tất cả chỉ để chiếm lấy gia sản anh được thừa kế từ cha mẹ. Một người phụ nữ giấu tên cũng từng bị bạn cũ của mình lái xe tải rượt theo khắp bãi đậu xe.
Tuy nhiên, những câu chuyện đau lòng nhất vẫn thuộc về những người có bạn đời là người Ái kỉ Cực đoan. Họ thường phải chịu không ít dằn vặt và tra tấn tinh thần, đôi khi là cả thể xác, trước khi không thể chịu đựng hơn nữa và đi đến kết cục li hôn. Nhìn vào tình huống nói trên, bạn có thể thấy Denise coi việc bị từ chối như một hành vi xúc phạm tới danh dự của bản thân và ngay lập tức trả đũa. Tương tự với đó, những cá nhân Ái kỉ Cực đoan cũng coi việc bị bạn đời li dị là một nỗi nhục khó lòng chịu đựng nổi, họ sẽ tìm cách trả thù với thái độ vô cùng hằn học. Chúng ta sẽ bàn kĩ hơn về dạng Ái kỉ Hận thù này ở Chương 9.
Những câu chuyện kể trên, Jason hay Denise không đủ các tiêu chí của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ của APA. Biểu hiện của họ có thể gần hơn với các hội chứng rối loạn khác như rối loạn nhân cách Ranh giới hay Rối loạn Nhân cách Chống đối xã hội. Nhưng như tôi đã nói trong Chương 1, các biểu hiện Ái kỉ trải dài trên nhiều cấp độ, không chỉ trong các hội chứng rối loạn nhân cách khác, mà còn cả ở những chứng hưng cảm, hoang tưởng hay rối loạn lưỡng cực. Bên cạnh đó, rất nhiều người không phù hợp với tiêu chí của bất kì hội chứng rối loạn tâm thần nào cũng có thể có những hành vi mang tính trả thù tương tự nếu cho rằng mình đang bị khiêu khích hoặc xúc phạm. Chẳng hạn:
Đôi khi, bạn có thể ý thức được hành động nào của mình đang khơi mào cho những xung đột, khi đối phương chỉ đang hiểu lầm hoặc “chuyện bé xé ra to”. Song, trong hầu hết các trường hợp, thật khó để tìm ra nguồn cơn của mối bất hòa như thế, nhưng hãy thử quan sát kĩ hơn.
Quan sát kĩ hơn, bạn sẽ thấy hầu hết các hành vi của những cá nhân đó đều liên quan đến ba phương thức phòng vệ Ái kỉ. Khi Lizzie bắt đầu hẹn hò với Mark, Denise cảm thấy mình bị bỏ rơi và đổ lỗi cho Lizzie vì đã “bỏ rơi” mình. Sau đó, cô tỏ thái độ khinh miệt và gọi Lizzie là một kẻ giả tạo, hai mặt. Cuối cùng, khi tình bạn giữa hai người tan vỡ, cô nổi cơn phẫn nộ và dấy lên ham muốn trả thù mãnh liệt. Cô công kích và làm tổn thương Lizzie. Có vẻ như đối với Denise, sự từ chối của Lizzie là một cú đòn nặng nề giáng thẳng vào lòng tự tôn của cô, khơi dậy trong cô một cảm giác tự ti đầy tủi nhục. Cũng như Jason và Natalie, cảm giác xấu hổ đó vẫn tồn tại và có tác động rất lớn lên họ, dù chúng ta có nhận ra hay không.
Cảm giác tủi hổ ở những cá nhân Ái kỉ Cực đoan thường rất sâu nặng và vô cùng dữ dội. Do vậy, họ sẽ làm mọi thứ có thể để trốn tránh, không đối mặt với nó.
Trên thực tế, hầu hết mọi việc họ nói hay làm đều hướng đến mục tiêu trốn tránh cảm giác tủi hổ với chính mình. Các biện pháp tự phòng vệ ở họ khá cực đoan, bao phủ lên mọi phương diện của đời sống cá nhân, từ tính cách, các mối quan hệ tới hành vi, cử chỉ. Họ dựng lên một lớp “áo giáp tinh thần” trước mọi “nguy cơ xấu hổ” có thể xuất hiện.
Họ xuất hiện với vẻ ngoài có phần kiêu căng, ngạo mạn: “Chẳng có gì đáng phải xấu hổ ở đây cả.” Họ luôn cố gắng làm mọi cách có thể để trở thành người chiến thắng và chứng minh rằng một ai đó khác là kẻ thua cuộc đáng xấu hổ (có thể kẻ đó chính là bạn đấy!). Thay vì thừa nhận cảm giác hổ thẹn ăn sâu trong tiềm thức và lòng đố kị với người khác, họ lại chọn cách tự thuyết phục rằng chính đối phương mới là kẻ đang phải ghen tị với mình. Đến khi lòng tự ái thực sự bị tổn thương, họ sẽ ngay lập tức đáp trả một cách tàn nhẫn và thô bạo. Có độc giả nói với tôi rằng: Khi lòng tự tôn bị đe dọa, những người Ái kỉ Cực đoan có xu hướng phản ứng theo cách giống với loài bò sát: máu lạnh và thậm chí là có phần vô nhân tính.
Biểu hiện tính cách và hành vi ở nhóm người Ái kỉ Cực đoan thực chất chỉ là lớp vỏ bọc ngụy trang cho nỗi hổ thẹn sâu trong tiềm thức mà họ không dám đối mặt, nhằm che đậy nó khỏi ánh mắt của chính họ và những người xung quanh.
Chính vì lí do này, có thể bạn sẽ rất khó nhận ra động lực thực sự của những cá nhân ái kỉ. Bạn chỉ có thể phỏng đoán dựa trên một số hành vi và đặc điểm tính cách nhất định. Những yếu tố đó có thể xác định qua danh sách dưới đây. Qua đó, bạn có thể phần nào làm rõ câu trả lời cho câu hỏi: Quanh mình, liệu có ai đó thuộc nhóm Ái kỉ Cực đoan hay không?
Theo danh sách này, không đòi hỏi phải đạt đủ số lượng tiêu chí nhất định để chẩn đoán một người thuộc nhóm Rối loạn Nhân cách Ái kỉ hay không. Mục tiêu của tôi khi xây dựng danh sách này là để giúp các bạn xác định các đặc điểm tính cách Ái kỉ ở những người xung quanh. Tất cả các đặc điểm tính cách và hành vi được liệt kê trong danh sách này đều thể hiện rất rõ ở những người Ái kỉ Cực đoan. Một người thỏa mãn càng nhiều tiêu chí, thì mức độ tự luyến sẽ càng cao.
Tôi nhóm các đặc điểm của người Ái kỉ Cực đoan thành 5 mục chính giúp bạn dễ nắm bắt hơn. Nếu phải đánh dấu “tích” vào nhiều hơn một tiêu chí ở nhiều mục khác nhau, rất có thể bạn đang phải đối mặt với một cá nhân Ái kỉ Cực đoan. Nếu phải đánh dấu “tích” vào nhiều tiêu chí ở hầu hết các mục, nhiều khả năng người bạn đang nghĩ đến đủ tiêu chuẩn xếp vào nhóm Rối loạn Nhân cách Ái kỉ.
CẢM XÚC VÀ KHẢ NĂNG ĐỒNG CẢM
☐ Cảm thấy không thoải mái khi nói về đời sống cảm xúc của bản thân;
☐ Không mấy hứng thú với bạn và cảm xúc của bạn;
☐ Thường chỉ trích người khác vì quá “đa cảm” hoặc “phản ứng quá khích”;
☐ Thường phủ nhận sự thực rằng bản thân đang cảm thấy “tức giận” hoặc “lo lắng”;
☐ Thường đố kị với người khác hoặc nghĩ rằng người khác đang ghen tị với mình;
☐ Công kích khi bị tổn thương hoặc cảm thấy chán nản, thất vọng, hay bộc phát những cơn giận vô cùng dữ dội;
☐ Không có ý thức về những hành vi của bản thân gây ảnh hưởng như thế nào đến người khác.
NHẬN THỨC BẢN THÂN VÀ SO SÁNH XÃ HỘI
☐ Quá quan tâm tới cái nhìn của người khác về bản thân; Hay tỏ thái độ tự cao tự đại và thường phóng đại thành tựu của bản thân;
☐ Luôn cố gắng giành lấy sự chú ý cũng như ngưỡng mộ từ người khác và không che giấu thái độ này;
☐ Có tính cạnh tranh rất cao và vô cùng tham vọng;
☐ Thường xuyên nói xấu sau lưng và tỏ thái độ khinh thường người khác;
☐ Thường xuyên nhạo báng và khiến người khác cảm thấy tồi tệ về bản thân.
TÍNH BỐC ĐỒNG
☐ Thiếu khả năng tự tiết chế, thường tiêu pha theo phong cách “vung tay quá trán”;
☐ Thường có xu hướng ăn quá nhiều, nghiện bia rượu hoặc lạm dụng chất kích thích;
☐ Có xu hướng tham công tiếc việc;
☐ Hay khởi xướng những dự án lớn nhưng không thể theo đuổi tới cùng;
☐ Nhìn đời qua lăng kính màu hồng và dễ rơi vào những cuộc tình lãng mạn chớp nhoáng;
☐ Thường không suy xét kĩ càng khi đưa ra những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời mình;
☐ Không chung thủy trong hôn nhân hoặc các mối quan hệ nghiêm túc.
TRONG CÁC MỖI QUAN HỆ
☐ Chỉ quan tâm tới bản thân, tính tình độc đoán và hay lợi dụng người khác;
☐ Có thể là một người vô cùng lôi cuốn và có sức hấp dẫn mạnh mẽ;
☐ Có thái độ ganh ghét quá mức và tính chiếm hữu cao;
☐ Luôn muốn chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc trò chuyện và thường xuyên ngắt lời người khác;
☐ Luôn tỏ thái độ hoài nghi về động cơ của người khác và hình dung ra những điều tồi tệ nhất;
☐ Đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối và không chấp nhận bất cứ sự phản đối nào từ những người xung quanh;
☐ Bắt nạt, ức hiếp, lợi dụng người khác để có được điều mình muốn.
QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN
☐Sẵn sàng dối trá hoặc bẻ cong sự thật vì mục đích cá nhân; Đổ lỗi cho người khác hoặc cố tình bao biện cho lỗi sai của bản thân;
☐ Đóng vai nạn nhân, sử dụng cảm giác tội lỗi để áp chế và thao túng người khác;
☐ Tham gia thực hiện những hành vi phi pháp, trái pháp luật hoặc vô đạo đức;
☐ Cảm thấy bản thân nhất thiết phải đạt được những gì mình mong muốn;
☐ Luôn tự cho mình là đúng và có thái độ vô cùng cố chấp trong các cuộc tranh luận;
☐ Công kích cá nhân, chế nhạo hoặc sỉ nhục đối phương mỗi khi có người không đồng tình với ý kiến của bản thân.
Áp dụng danh sách này vào trường hợp của Denise hay Naomi, bạn có thể thấy xuất hiện vài dấu “tích” bên cạnh các tiêu chí trong mỗi mục A, B, C, D, E ở trên. Họ là những cá nhân thuộc nhóm Ái kỉ Cực đoan, họ chưa thỏa mãn các tiêu chuẩn của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ. Còn Sam thì khác, chắc hẳn trong mục nào cũng thấy hình bóng của anh ấy. Hãy nhớ rằng tính Ái kỉ tồn tại trải dài trên nhiều cấp độ, vì vậy, tất cả chúng ta đều phù hợp với ít nhất là một vài đặc điểm trong số đó. Vấn đề là mức độ nghiêm trọng đến đâu.