AIDS là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử loài người. Trong khi tôi đang viết những dòng này, đang có hơn một triệu người Mỹ dương tính với HIV, và hơn bốn mươi triệu người trên toàn thế giới nhiễm HIV hoặc AIDS. Có khoảng tám người qua đời mỗi ngày do căn bệnh này. Việc chữa trị có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp về sinh lý và tâm lý, và sự kỳ thị đối với người bệnh lại càng làm mối quan hệ giữa người chăm sóc và người họ yêu thương thêm phức tạp, căng thẳng. Liệu thực sự có những linh hồn muốn có trải nghiệm này không?
Khi quyết định viết về kế hoạch trước khi chào đời, tôi đã lập tức biết rằng bệnh tật sẽ là một thử thách cuộc sống mà tôi sẽ xem xét. Dựa trên một sự thật hiển nhiên rằng mọi con người đều sẽ đối mặt với thử thách về sức khoẻ, tầm quan trọng của chủ đề này là không thể phủ nhận được. Tôi muốn biết rằng liệu trước khi đầu thai, các linh hồn có chọn trải nghiệm các chứng bệnh trên cơ thể hay không. Một câu hỏi đặc biệt khơi gợi tôi: các linh hồn có lên kế hoạch cho một bệnh cụ thể nào đó không, và nếu có, thì tại sao?
Câu chuyện của Jon Elmore
Jon nhớ được chính xác ngày mà cuộc đời ông đã thay đổi: 23 tháng Một năm 1997. Vào ngày đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh AIDS. “Họ định danh tôi bằng một mã số”, ông nói với tôi. Tôi tự hỏi không biết những người mắc một căn bệnh bị xã hội coi là cực kỳ nhục nhã đến nỗi người bệnh bắt buộc phải mang một con số thay cho tên của họ cảm thấy ra sao. Như tôi sẽ sớm biết được sau đó, nỗi nhục là một chủ đề trong cuộc sống của Jon.
Jon sinh ra ở Livingston, Alabama, một thị trấn với dân số 2.500 người, vào năm 1956, thời điểm có nhiều biến động xã hội và sự kỳ thị chủng tộc diễn ra ở miền Nam. Hồi nhỏ, Jon, người da trắng, xem tin tức về những cuộc diễu hành ở Selma, ở đó vòi chữa cháy và chó săn Đức được sử dụng để chống lại những người Mỹ gốc Phi muốn được bầu cử.
Khi mới trưởng thành, Jon nói với cha mình về xu hướng tình dục của mình bằng cách cho ông xem mục báo “Abby thân mến” mà trong đó Abby chúc mừng một người đàn ông về thái độ rất cởi mở đối với sự đồng tính của đứa con trai.
“Con đang cố nói điều gì vậy?” Cha của John hỏi.
“Ừ thì... Con đang cố nói rằng con đồng tính.”
Cha ông òa khóc. “Con biết rằng con là Jon Elmore, và con là người cuối cùng mang huyết thống gia đình mình phải không? Ta có thể đưa con qua bên kia sông. Con có thể tìm một người phụ nữ, và con sẽ có những giây phút vui vẻ.”
Jon đã thử cách tiếp cận khác với mẹ. Một kênh truyền hình đang quảng cáo một chương trình tin tức ban ngày đặc biệt trong đó có một cuộc phỏng vấn với một người đàn ông đồng tính. (“Anh ấy còn trẻ. Anh ấy thành công. Và anh ấy đồng tính! Chúng tôi sẽ nói chuyện với anh và bố mẹ anh.”) Jon nhờ mẹ nhắc mình xem chương trình ấy.
Khi Jon xem chương trình này, mẹ ông ngồi bên bàn bếp cách đấy vài feet. Bà đang “làm điều mà bạn luôn làm để giảm bớt căng thẳng – chơi bài solitaire”, Jon nhớ lại. “Cứ mỗi bốn giây, tôi lại nghe thấy tiếng những lá bài chạm vào nhau loạt soạt. Bà đặt một lá xuống và soạt. Soạt. SOẠT. Tiếng ấy cứ càng ngày càng ồn hơn và ồn hơn”, ông nói trong khi cười lớn. Tôi mường tượng sự căng thẳng trong không khí và cái nhìn chăm chú cũng đầy căng thẳng trên khuôn mặt mẹ ông khi bà đang cố gắng tập trung vào những lá bài.
“Tôi đã thầm muốn bà sẽ đến và ngồi xuống cạnh tôi, nhưng điều ấy không xảy ra”, Jon buồn bã nói.
Ở trường, các bạn học của Jon, những người biết về xu hướng tình dục của ông, luôn trêu trọc ông. Ông bị gọi là “con bóng” và bị xô đẩy vòng quanh. Một lần nọ, một thầy giáo gọi ông ra một góc và nói “Jon, em là một người đàn ông. Tại sao em lại không cư xử đúng như thế?”
Jon nói với tôi rằng môi trường tôn giáo nơi ông lớn lên cũng không chấp nhận xu hướng tình dục của ông.
“Ông đã được nuôi dạy theo tôn giáo nào?” Tôi hỏi.
“Hội Giám Lý.”
“Quan điểm đối với đồng tính của những người theo Giám Lý là thế nào?”
“Đó là một tội lỗi chống lại Chúa.”
“Tôn giáo nào phổ biến nhất đối với những người sinh sống ở Livingston?”
“Hội Thánh Baptist.”
“Hội Thánh Baptist nhìn nhận đồng tính như thế nào?”
“Ông sẽ bị thiêu đốt dưới Địa Ngục”, Jon cười lớn. “Những người theo Baptist đang thực hiện một cuộc chiến.”
“Jon à, điều thực sự gây ấn tượng với tôi”, tôi nói, “là anh đã phải chịu những nỗi nhục nhã trong đời sống cá nhân – ở trường học, gia đình và trong tôn giáo – và anh đã chọn đầu thai ở một nơi mà cả một chủng người bị làm nhục công khai.”
Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rõ ràng rằng những linh hồn chọn cha mẹ và thời gian cũng như nơi chốn mà họ sinh ra. “Sự nhục nhã có cả ở nơi riêng tư lẫn công cộng”, tôi thêm vào. “Nó ở khắp mọi nơi.”
“Nó ở khắp mọi nơi”, ông đồng tình. “Nó không bao giờ dừng lại. Tôi đã đầu thai vào một gia đình đầy hổ thẹn, ở chốn toàn điều sỉ nhục, ở một thời kỳ của sự nhục nhã.” Jon cũng nói rằng ông đã cảm thấy tủi nhục bởi những lời lẽ cay nghiệt từ không chỉ một người tình. Mặc dù lúc ấy tôi chưa biết, nhưng khía cạnh ấy của quá khứ đời Jon sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều khi chúng tôi nhận được những thông tin từ Linh Thần về kế hoạch trước khi chào đời của ông.
AIDS là một phần trong mô hình của nỗi nhục mà Jon vừa chứng kiến ở miền Nam vừa tự mình trải nghiệm. Khi ông nhận được kết quả chẩn bệnh, “đó là một cảm giác kiểu, ‘À, thế là ta đã nhận được những gì ta xứng đáng’”, Jon nói với giọng ảm đạm.
Mặc dù cảm thấy mình đáng phải nhận những điều ấy, ông vẫn choáng váng. “Tôi lên xe. Tôi nhớ mình đã lái xe dọc phố, ngắm nhìn mọi người đang lo công chuyện của riêng họ. Ta chẳng bao giờ để tâm tới việc ấy, nhưng tôi nhìn thấy họ. Như thể mọi người đều đang chuyển động trong một thước phim quay chậm. Họ băng qua đường. Họ đi vào các tiệm tạp hóa và cửa hàng thực phẩm, trò chuyện trên vỉa hè. Tôi đi qua sở cứu hỏa. Những người lính cứu hỏa đang làm gì đó với trang thiết bị của họ. Tôi kéo kín tất cả các cửa kính xe. Tôi bắt đầu thét lên. ‘Các người có biết rằng cả thế giới vừa thay đổi không?’ Với tôi thực sự là như thế đó.”
Đến một thời điểm, Jon trở bệnh rất nặng. Khi ở trong bệnh viện, ông đã trải qua giây phút thập tử nhất sinh.
“Trí nhớ của tôi như bị phủ một làn sương mờ”, Jon nói, “nhưng tôi nhớ rằng mình ở trong một căn phòng tối tăm. Quanh tôi có rất nhiều người. Giống như một buổi tiệc cocktail lớn. Không có bất cứ âm thanh nào, và không có cuộc trò chuyện nào, nhưng tôi có thể cảm thấy có rất nhiều người không ở trong cùng một cõi sống với tôi. Tôi cảm thấy mình có thể nhập bọn với họ, hoặc không. Tôi đặc biệt nhớ rằng mình đã chọn không. Đó là một quyết định từ bên trong tôi. Nó như thể là, ‘Tôi không muốn ở lại.’”
Jon chọn cuộc sống. Không chỉ là sự tiếp diễn vật lý của nó, mà là một loại cuộc sống mới.
“Sau khi đụng độ với Thần Chết, anh sẽ thấy trân trọng hơn nơi anh từng ở một chút”, Jon nói. “Tôi thôi ngừng thấy nhục nhã. Thực vậy. Điều tôi khám phá ra khi cận kề cái chết là tôi không muốn chết.”
“Jon này”, tôi hỏi, “AIDS và trải nghiệm cận tử đã giúp ông vượt qua cảm giác tủi nhục như thế nào?”
“Còn khổ nạn nào tôi có thể đối mặt mà cũng dài đằng đẵng như hành trình vượt qua nỗi nhục nhã?” Jon trả lời. “Cách tốt nhất để xử lý nỗi sợ là hôn vào mũi chúng, và chúng sẽ biến mất. Việc suýt chết đã giúp tôi nhận ra rằng Họ – chữ H viết hoa – không còn bất cứ sức mạnh nào đối với tôi nữa. Chúng ta đều biết Họ là ai. Những người hàng xóm và giáo viên và tất cả những người vẫn thỉnh thoảng đột ngột từ đâu xuất hiện và chế nhạo tôi. Họ không tồn tại nữa.”
“Tất cả những gì tôi muốn là sống và sống trong sự thật”, ông nói thêm.
“Jon, anh có muốn nói gì với những người cũng đang trải nghiệm sự nhục nhã không?”
“Những lời lẽ lăng mạ tôi là những sự kiện chắc chắn và bất di bất dịch trong cuộc đời tôi. Bạn làm gì với thứ rắn chắc và không thể dịch chuyển? Bạn xây dựng lên trên cái nền ấy.”
Buổi thỉnh hồn của Jon với Glenna Dietrich
Là một người dẫn kênh, Glenna Dietrich đi vào trạng thái xuất thần, ở trạng thái đó, ý thức của một thực thể khác sẽ nói thông qua bà. Một vài người dẫn kênh hoàn toàn nhận thức được từng lời mà thực thể được gọi đến nói ra; một số người chỉ có một nhận thức mơ hồ về những gì được thảo luận mặc dù họ không thể nhớ lại những từ ngữ cụ thể. Glenna, ngược lại, gần như không có bất cứ ký ức nào về những cuộc trò chuyện. Sau những buổi thỉnh hồn, bà luôn tò mò về việc chúng đã diễn ra như thế nào và nội dung cuộc trao đổi ra sao. Là một người rất quan tâm tới người khác, bà luôn muốn biết rằng những buổi thỉnh hồn ấy có hữu ích hay không.
Luôn rất rõ ràng khi Glenna bắt đầu cho nhập hồn. Giọng nói của bà dịu đi một chút; nhịp điệu và tông giọng đều thay đổi đáng kể. Đôi khi, như trong buổi với Jon, có nhiều hơn một thực thể phi vật chất có mặt và nói chuyện thông qua bà.
“Chúng tôi có ba người đến gặp các bạn, cũng như các bạn có ba người”, những thực thể được gọi đến mở lời. “Chúng tôi không đến từ thế giới vật chất, mà từ cõi linh hồn – như các bạn vẫn miêu tả là thế giới bên kia. Hai trong số chúng tôi chưa từng ở trong hình dạng con người như các bạn. Chúng tôi vốn đến từ cõi thiên thần. Chúng tôi giữ trạng thái không tên với các bạn, bởi tên của tất cả chúng tôi đều không thể phát âm được. Do vậy, chúng tôi hiện lên trong tâm trí của các bạn chỉ như những màu sắc trong hình dạng không rõ ràng và chủ yếu dưới dạng những cảm xúc.”
Tôi kinh ngạc với sự thật rằng chúng tôi giờ đây đang nói chuyện với những thiên thần. Thông qua Glenna, chúng tôi đã vươn tới phía bên kia tấm màn sang thế giới phi vật chất. Có một sự ngọt ngào trong tông giọng của thiên thần khiến tôi cảm thấy được xoa dịu. Lời chào của thiên thần nhắc cho tôi rằng thực thể ở dạng linh hồn thường xuyên giao tiếp với ta qua cảm xúc, và rằng các nhà ngoại cảm thường nhìn thấy màu sắc của cả thực thể phi vật chất và vầng hào quang của con người.
Trong các buổi thỉnh hồn, việc các thực thể không đầu thai không dùng tên là rất phổ biến. Mỗi thực thể, dù ở dạng vật chất hay phi vật chất, đều là năng lượng. Khái niệm dấu hiệu năng lượng biểu thị rằng mỗi ý thức đều có thể được nhận dạng nhờ năng lượng độc nhất của nó. Những thiên thần có thể nhận ra Jon, Glenna và tôi – và nhận ra nhau – bởi tính chất của năng lượng đó.
“Một trong ba chúng tôi đã từng ở trong trạng thái đầu thai nhiều lần”, thiên thần tiếp tục. “Và thực thể này giờ đây sẽ trao đổi trực tiếp với các bạn.”
“Vâng, tôi đã đầu thai ở cõi của các bạn 867 lần”, thiên thần thứ hai lên tiếng. “Có những kiếp sống tôi đã trải qua trong thân thể con người. Có rất nhiều lần tôi chọn hóa thân vào thân thể khác ngoài con người. Thực sự là, tôi đã chọn là một trong những vị hướng dẫn tâm linh của bạn [Jon] khi bạn đầu thai. Chúng ta đã ở bên nhau nhiều lần trong nhiều lần đầu thai. Chúng ta đã là chị em. Chúng ta đã là mẹ và con gái. Chúng ta đã là kẻ tử thù. Và chúng ta đã là những người bạn thân thiết.”
“Mỗi lần như thế bạn và tôi đều đã quyết định mình sẽ gặp nhau ở đâu và trong hoàn cảnh nào chúng ta sẽ mang tới cho nhau những cơ hội để có những kinh nghiệm trưởng thành tốt đẹp. Chúng ta đã thực sự là những gì mà trong cõi của các bạn coi là tri kỷ. Hai linh hồn với tần số rung động rất giống nhau – một tần số mà ở đó chúng ta có màu sắc và âm thanh giống nhau.”
“Tôi mong có thể nói với bạn rằng tôi tự hào và hạnh phúc về những bước tiến mà bạn đã đạt được trong lần đầu thai này. Bạn đã chứng minh được nhiều điều và tạo ra nhiều năng lượng. Tôi đã bước cùng bạn. Và có những lúc tôi ở phía trước, động viên bạn trong những giờ khắc bạn cho là tăm tối nhất. Vâng, năng lượng của tôi quen thuộc với bạn. Tôi mong rằng bạn nhớ, bạn thân mến, vẻ đẹp của tâm hồn bạn, ánh sáng lạ thường có thể chạm vào trái tim bạn. Việc có thể tỏa sáng là rất khó khăn khi mà hầu hết mọi người quanh bạn chỉ mong muốn bóng tối. Chỉ có người chữa lành đích thực, nhà hiền triết đích thực, mới có thể vẫn là một hiền triết khi ở giữa những người chưa thức tỉnh. Hãy can đảm lên và luôn giữ sự can đảm ấy.”
Quay sang tôi, thiên thần nói, “Chúng tôi đã nghe thấy câu hỏi của bạn, nhưng chúng tôi mong đưa ra từng câu một với chúng tôi.”
“Cảm ơn các ngài”, tôi bắt đầu. “Liệu Jon có đã lên kế hoạch trước khi chào đời cho việc trải nghiệm bị AIDS ở kiếp này không, và nếu có thì tại sao?” Trước buổi thỉnh hồn, Jon và tôi đã đồng thuận rằng chúng tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi chính yếu. Ông cũng nóng lòng muốn nghe câu trả lời như tôi.
“Có, chắc chắn rồi”, thiên thần trả lời. “Không có nguồn năng lượng nặng nề nào trong cõi [phi vật chất] này để ngăn cản sự tiến bộ hay cản trở khả năng nhìn về phía trước. Những khoảng thời gian ở giữa [những lần đầu thai] được sử dụng để đánh giá và lập kế hoạch cho bước tiếp theo của linh hồn, cấp độ hay bình nguyên tiếp theo. Câu trả lời dành cho bạn là có.”
“Quả thực, điều đã được thảo luận là sự giải phóng của cha mẹ ruột và hệ thống tín ngưỡng khỏi nhóm linh hồn mà Jon coi mình là một thành viên gia đình đó.” (Như chúng tôi sẽ sớm biết, linh hồn đang nói tới tiền kiếp của một người trong nhóm linh hồn của Jon. Trong kiếp ấy, người được đầu thai đã thực hiện những hành động dựa trên nỗi sợ hãi, dẫn đến hoàn toàn quên mất rằng nguồn gốc của họ là linh hồn – một điều mà chưa có ai trong nhóm linh hồn của Jon từng trải nghiệm trước đó.) “Thật vậy, tất cả các thành viên của nhóm đều đồng tình rằng Jon sẽ nhận lấy gánh nặng cơ bản và, mặc cho những thứ được gọi là sự phân tâm hoặc những thứ do ảo giác tạo ra, vẫn bắt đầu tỏa sáng, trở thành chính ánh sáng đó, để rồi bắt đầu nhìn nhận ra và hiểu được sự thật về bản thân mình.”
“Những người [linh hồn] tập hợp lại để hỗ trợ nhau sẽ khoác lên những tính cách và cách nhìn nhận về Jon theo cách sẽ mang lại những trở ngại mà ông phải trải qua để sự thật hiển lộ rõ ràng với ông.” (Như bạn sẽ thấy trong buổi thỉnh hồn bổ sung của nhà ngoại cảm Staci Wells, thiên thần đang nói về những thành viên trong nhóm linh hồn của Jon, những người đã cùng đồng ý trước khi ông sinh ra rằng việc sỉ nhục ông sẽ là một phần của những thử thách cuộc sống.) “Nó gần giống như một cuộc đua vượt chướng ngại vật. Bạn gặp cùng một chướng ngại càng nhiều lần thì bạn càng cảm thấy dễ dàng để bật mình vượt qua nó, chui qua dưới nó hoặc bò quanh nó đến khi cuối cùng nó cũng trở thành bản chất thứ hai. Khi Jon không còn nhìn nhận mình là kém quan trọng, kém yêu thương, kém tươi vui, kém đáng quý hơn những người quanh ông, những chướng ngại của phàm ngã này sẽ phai mờ dần.”
Với những lời này, thiên thần đã truyền đạt mục đích chính của những thử thách cuộc sống: cho chúng ta thấy suy nghĩ và cảm xúc của ta tạo ra thực tại của chính mình như thế nào. Thử thách là tấm gương phản chiếu cho ta cảm xúc của ta về bản thân. Theo nghĩa đó, chúng là những món quà. Trí tuệ cho phép ta nhận thức về chúng như thế.
“Thật vậy đấy”, thiên thần giải thích, “chính thân thể được dùng để mang tới nhận thức này, để chiếu ánh sáng cho nơi cần được chữa lành. Và bởi điều đó có tác động lớn đến gia đình linh hồn của ông ấy và cõi [phi vật chất] này, nó đã được thực hiện theo một phương pháp cực kỳ khốc liệt và mạnh mẽ để tất cả có thể hưởng lợi từ những sự thật được hiển lộ. Nếu một trở ngại khác được lựa chọn, thì chiến thắng không thể tuyệt vời bằng.”
Ở đây ta đạt được những thông tin sau: xác nhận rằng Jon đã đặc biệt lên kế hoạch cho trải nghiệm mắc bệnh AIDS, không chỉ vì việc học tập của riêng ông mà còn vì sự trưởng thành của toàn bộ nhóm linh hồn của ông. Và với sự xác nhận từ các buổi thỉnh hồn với những người được phỏng vấn khác, sự tiến bộ mà ta trong trạng thái con người đạt được ở Trái Đất mở rộng cả linh hồn ta và mọi linh hồn trong nhóm của ta.
“Ngài có thể làm ơn nói thêm”, tôi đề nghị, “về việc trải nghiệm mắc bệnh AIDS đã giúp Jon phát triển như thế nào không?”
“Điều cần thiết là thấy mình đúng như bản chất thật của mình”, thiên thần trả lời, “và tin vào sự thật cũng như bản sắc của riêng mình. Nó liên quan tới niềm tin rằng tất cả tình yêu đều xứng đáng, tình yêu vô điều kiện là xứng đáng. Khi nhóm linh hồn liên quan nêu ra rằng chỉ có tình yêu có điều kiện là cần được trải nghiệm theo một cách cụ thể – chuẩn mực, và truyền thống – sự bất tuân [của Jon] khiến họ rút lại tình yêu của mình. Theo cách đó, niềm tin của Jon về chính mình được hình thành: rằng ông không xứng đáng với tình yêu ở một mức độ vô điều kiện, mà chỉ được yêu khi ông hành xử theo một cách nhất định, khi ông đạt được kỳ vọng và sự công nhận của người khác. Sự hoang mang bối rối xuất hiện, và phàm ngã đã hình thành trong đứa trẻ dần dần vỡ vụn, tan nát. Mục đích của bệnh AIDS là nhằm bẻ gãy mong muốn có được tình yêu vô điều kiện với niềm tin rằng mình không xứng đáng có nó. Do đó, sự chữa lành sẽ đến và được hoàn thành khi linh hồn của Jon chiếu sáng và phàm ngã của ông nhìn thấy ánh sáng ấy để rồi tin rằng đó chính là mình.”
Thiên thần đã miêu tả thật đẹp về cốt lõi quá trình trưởng thành của linh hồn trên Trái Đất: lòng tự yêu thương nảy sinh khi ta không còn nghĩ về bản thân như là những phàm ngã hạn chế, thiếu sót và thay vào đó nhớ ra rằng chúng ta là những cá thể siêu việt. Nhận ra ánh sáng nội tại chính là thay đổi cách suy nghĩ và, mở rộng ra, sức khỏe thể chất.
“Linh hồn Jon đã lên kế hoạch cho việc ánh sáng của linh hồn ấy chiếu rọi như thế nào? Và làm sao linh hồn ấy biết được rằng việc đó sẽ xảy ra?” Tôi hỏi.
“Tất cả những lần đầu thai trong cõi của các bạn”, thiên thần trả lời, “được thiết kế để vượt qua các tầng cơ bản hơn của bóng tối. Có một rung động của lòng căm thù. Rung động của việc bị tách rời khỏi Chúa, rung động của việc không chấp nhận, rung động của sợ hãi – tất cả những điều này đều tồn tại ở đó như những tầng ẩn của một tần số mà ta có thể coi là tương đương với âm thanh. Nó ảnh hưởng tới thân thể con người theo một cách không thể biết, không nhìn thấy được, không thể đo đếm.”
“Bạn ở cõi này tin rằng đó chính là bạn, rằng bạn là nỗi sợ hãi, rằng bạn là lòng thù ghét và là sự không được chấp nhận. Và do vậy các bạn có thể giết lẫn nhau. Các bạn có thể bạo hành và lợi dụng nhau. Bạn hành động dựa trên những tần số thấp của bóng tối. Khi linh hồn nhập vào cơ thể, phần lớn sự thông suốt biến mất, và trong tư cách con người, bạn bắt đầu tin rằng bạn chính là cơ thể ấy. Bạn không còn nhớ rằng bạn là linh hồn. Đó là một phần của kế hoạch, bởi việc quên đi thần tính của bạn rồi trải qua rất nhiều thử thách nhớ lại sự thật mang tới sức mạnh to lớn, củng cố niềm tin và nâng tần số lên tầng cao hơn.”
(Jon sau đó nói về nhận xét này, “Đó chính là loại sức mạnh mà tôi hằng tìm kiếm. Tôi đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong việc vươn tới thực thể mà tôi biết vốn đã ở trong tôi. Trải nghiệm mắc bệnh AIDS đã khiến tôi tin rằng thân thể mình bị đe dọa nhưng linh hồn tôi, bản thể và nhận thức của tôi thì không.”)
“Điều này có trả lời được câu hỏi của bạn không?” linh hồn hỏi tôi.
“Vâng có”, tôi nói, “nhưng tôi vẫn muốn hiểu được linh hồn Jon làm sao lại biết, hay tại sao lại cảm thấy, rằng kế hoạch cuộc sống của Jon sẽ cho phép ánh sáng linh hồn tỏa chiếu và được phàm ngã ông nhận ra?”
“Có rất nhiều sự kiện đã được [linh hồn] sắp đặt và được Jon trải nghiệm, mà Jon có thể nhớ hoặc không, đã cùng phối hợp tham gia nhịp nhàng trong việc khai mở nhận thức về ánh sáng đó”, linh hồn trả lời. Quá trình đó diễn ra từ từ. Cơ thể người rung động ở tần số rất thấp. Ở những tần số cao hơn, sự thật mới bắt đầu hiển lộ. Cơ thể không có khả năng đáp ứng những tần số cao hơn một cách nhanh chóng. Do vậy, mọi người chỉ cho phép họ nhìn thoáng qua các tần số cao hơn và theo cách ấy khiến cơ thể thích nghi từng chút một, khiến các tế bào có thể tích lũy ánh sáng và mang tới tần số cao hơn một cách rất chậm rãi.”
Thiên thần đang giúp tôi hiểu tại sao bệnh tật thể chất lại có thể kích thích sự chữa lành tâm linh. Ngay cả vậy, tôi vẫn thắc mắc trước nhất là tại sao một sự chữa lành như vậy lại là cần thiết. “Nỗi tủi nhục mà Jon đang cố gắng chữa lành – niềm tin rằng ông không xứng đáng với tình yêu vô điều kiện – điều đó vốn đến từ đâu? Nó đã được tạo ra như thế nào?” tôi hỏi.
“Trong huyết thống của nhóm linh hồn đó, điều đó đã được thiết kế trong một người là thành viên của một tổ chức tôn giáo. Một chức sắc tầm cỡ. Phàm ngã của cá nhân đó được thấm nhuần một sự mất cân bằng có tính toán. Và khi sự mất cân bằng biểu hiện trong thân thể người của họ, nó trở thành một căn bệnh tâm lý với rất nhiều sợ hãi. Khi vị tổ tiên đó hành động dựa trên những nỗi sợ hãi này, chúng sẽ ăn vào rất sâu, không chỉ trong thân thể người đó mà còn trong thân thể con cháu ông ta.”
Tôi đã học được trong những buổi thỉnh hồn khác rằng hành vi ở cõi vật chất cụ thể hóa cảm xúc, khiến nó trở thành một phần sâu sắc hơn của chúng ta. Và vì lý do này mà các lần đầu thai kế tiếp thường được thiết kế để chữa lành. Những gì được tạo ra ở cõi vật chất sẽ được chữa lành dễ dàng hơn ở cõi vật chất.
“Đó là một cú rơi có tính toán vào vùng bóng tối”, thiên thần tiếp tục, “vào một tần số thấp tới nỗi chưa có ai trong nhóm linh hồn từng trải nghiệm trước đó. Do vậy, trong thử nghiệm này, bằng cách di truyền qua ADN, mã này [năng lượng của nỗi sợ] được truyền lại và thực sự trở thành một mã có ảnh hưởng sâu xa và nhiều nhóm linh hồn khác đã áp dụng, do nhận thấy rằng hạ xuống những tầng tần số thấp hơn là việc rất hữu ích.” Thiên thần đang nói đến mong muốn của linh hồn được trải nghiệm sự tương phản để đạt tới trạng thái tự hiểu một cách sâu sắc hơn. “Khoảng cách tới sự thật về bản thể của một người càng lớn, tần số sẽ càng thấp và xung quanh càng tối tăm hơn.”
“Khi nhóm linh hồn theo các lần đầu thai tìm được đường vượt qua thứ năng lượng âm u, nặng nề này, mọi điều trở nên rõ ràng. [Nhóm linh hồn] một lần nữa nhận thức được ánh sáng, sự thật. Nhận thức trở nên ổn định. Những thực thể ấy, khi cuối cùng cũng rời khỏi bánh xe luân hồi và đi tới những cõi khác, mang theo mình hiểu biết về nguồn gốc từ ánh sáng. Những điều này trả lời câu hỏi của bạn chứ?”
“Vâng, cảm ơn ngài.” tôi đáp. “Nghe như thể ngài nói rằng những linh hồn trong nhóm của Jon đã đề nghị ông và ông đồng ý sẽ làm người mắc bệnh AIDS, và rằng những người khác đầu thai xuống cạnh ông ấy sẽ phán xét, chối bỏ và không trao cho ông ấy tình yêu vô điều kiện. Có đúng vậy không?”
“Đúng rồi”, thiên thần trả lời.
“Đó có vẻ là một kế hoạch mạo hiểm, bởi Jon có thể sẽ tiếp nhận niềm tin của những người xung quanh và kết luận rằng ông thực tế là không xứng đáng với tình yêu vô điều kiện.”
“Phải, ông ấy đã như thế trong rất nhiều kiếp. Đó là một phần của việc chữa lành cho riêng linh hồn của ông ấy.”
“Nhóm linh hồn sẽ tiếp tục sử dụng kế hoạch này đến khi có một kiếp mà một cá nhân trong đó đi tới kết luận rằng người đó có xứng đáng với tình yêu vô điều kiện?”
“Chính xác.”
Lúc này chúng tôi đã chạm tới khía cạnh vượt thời gian trong nỗi khổ đau của con người. Tôi không muốn thiên thần cảm thấy bị câu hỏi tiếp theo của tôi làm khó dễ, nhưng khổ nạn trong chính cuộc đời tôi đã có những lúc sâu sắc tới mức tôi đơn giản là phải hiểu được sự cần thiết của nó. Theo nhiều cách, chính nhu cầu của tôi về hiểu biết đó đã thúc đẩy tôi sắp xếp buổi thỉnh hồn này.
“Tại sao lại làm theo cách đó?” tôi hỏi. “Tại sao không thiết kế một cuộc sống dễ chịu với nhiều tình yêu vô điều kiện? Đó chẳng phải cách dễ dàng hơn để học được rằng một người xứng đáng với nó hay sao?”
“Một sự cân bằng có được bằng cách trải nghiệm cả ánh sáng và bóng tối”, thiên thần nói. “Tất cả các cá nhân đầu thai vào cõi của bạn đều trải nghiệm cả ánh sáng và bóng tối trong một vài kiếp sống. Một người có thể chọn cách trở thành một cá nhân tiêu diệt cả một bộ tộc con người. Người khác có thể chọn cách lạm dụng trẻ em. Tất cả những điều đó tạo ra một mức độ của việc học tập và hiểu biết. Đây thực sự là một cõi tồn tại hai cực tốt và xấu. Việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối, cái tốt và cái xấu, sẽ mang bạn ra khỏi cảnh giới này, đưa bạn ra khỏi cảm tính nhị nguyên, và thay vào đó tạo ra trong bạn một niềm tin rằng Tất Cả Là Một.” Thiên thần đang đề cập tới bản chất thần thánh và tính nhất thể của tất cả mọi thứ tồn tại trong vũ trụ.
“Điều đó có nghĩa là nhóm linh hồn của Jon đang chữa lành khỏi sự nhục nhã bằng cả những kiếp sống hạnh phúc, nhiều thương yêu và cả những kiếp đầy thách thức như trải nghiệm mắc bệnh AIDS, phải không?”
“Đúng vậy”, thiên thần nói. Tôi cảm thấy an lòng khi nghe về sự cân bằng trong quá trình lên kế hoạch cho cuộc sống.
“Ngài đã nhắc tới tần số thấp hơn”, Jon nói, ông bắt đầu đặt câu hỏi đầu tiên. “Làm sao để tôi có thể nâng cao tần số ấy?”
“Tôi sẽ nói với ông, Jon ạ, rằng tần số cao nhất của vũ trụ chính là của tình yêu. Và giữ tần số đó cho riêng mình lâu nhất có thể, bất cứ lúc nào có thể, chính là bí mật để làm việc ấy.”
“Ngài sẽ nói gì với những người cũng mắc bệnh AIDS”, tôi hỏi, “và đang tìm cách hiểu được ý nghĩa tâm linh sâu xa?”
“Hãy luôn giữ trái tim rộng mở”, thiên thần nhẹ nhàng nói. “Hãy chỉ làm theo những gì đến từ con tim, và theo cách ấy, rất nhiều sự chữa lành có thể xảy ra ở mức độ vượt quá cả sự hiểu biết của bạn.”
Tôi đã rất nhiều lần nghe những lời tương tự từ Linh Thần ở các buổi thỉnh hồn khác. Khi đóng kín lòng mình, chúng ta ngăn những dòng chảy năng lượng – chủ yếu là năng lượng của tình yêu – chữa lành chúng ta. Với lý do đó, sự chai cứng về cảm xúc dẫn tới sự chai cứng về thể chất.
“Giữa những người ở trong nhóm linh hồn của Jon”, tôi hỏi, “tại sao ông ấy lại là người được lựa chọn trải nghiệm mắc bệnh AIDS?”
“Vì đã đến lượt ông ấy”, thiên thần nói với chúng tôi.
“Chỉ đơn giản là tới lượt ông ấy?”
“Phải.”
“Còn điều quan trọng nào nữa để hiểu về trải nghiệm mắc bệnh AIDS?”
“Đó là một bệnh dịch của thời đại các bạn”, thiên thần trả lời, “điều đó thể hiện rõ một kiểu mẫu của sự tự hận thù trong nhân loại, một sự tích lũy qua nhiều thế kỷ và nhiều thế hệ của quá trình rời xa khỏi Linh Thần, ra xa khỏi ánh sáng, và là một niềm tin rằng mình là cơ thể mình và tách biết khỏi Nhất thể.”
“Vậy có chính xác không khi nói rằng AIDS đang chữa lành nhân loại?”
“Đúng vậy”, thiên thần nói.
Mặc dù buổi thỉnh hồn của Jon không phải là phiên đầu tiên tôi tham gia, và mặc dù tôi đã nghe Linh Thần xác nhận rằng những người được phỏng vấn khác đã chọn và lên kế hoạch cho những thử thách cuộc sống của họ, tôi vẫn choáng váng trước những gì chúng tôi vừa được nghe.
Jon đã được chọn để trải nghiệm AIDS – và chúng ta vừa tìm hiểu được tại sao. Tôi tự hỏi liệu bao nhiêu người mắc bệnh AIDS, hay bất cứ bệnh tật nào với lý do đó, đang nhìn nhận bệnh của mình như là một sự trừng phạt từ Chúa hoặc vũ trụ, hay ít nhất là một hình thức của sự khổ đau vô nghĩa. Cuộc trò chuyện với những thiên thần đã làm rõ rằng trải nghiệm của Jon, mặc dù đau đớn, thực chất lại mang ý nghĩa sâu sắc. Trên thực tế, nó mang tính chuyển hóa.
Jon đã miêu tả buổi thỉnh hồn là mở rộng tầm mắt. “Nó khiến tôi nhận ra rằng có nhiều điều tốt đẹp ở trong tôi hơn là tôi nhận thấy. Giờ đây, tôi có một ý thức về mục đích mạnh hơn nhiều những gì tôi đã có trong nhiều năm.” Ông cũng nói rằng linh hồn ông đang thúc đẩy những thay đổi trong phàm ngã của ông giống như cách người thợ may tinh chỉnh một bộ đồ. “Những vạch phấn đang biến mất và bộ quần áo đang trở nên vừa vặn hơn. Linh hồn là dạng thuần khiết nhất của bản thân tôi.”
Buổi thỉnh hồn Staci Wells thực hiện cho Jon
Staci Wells, giống như Glenna, cũng có khả năng làm kênh dẫn. Có những lúc vị hướng dẫn tâm linh của bà nói qua bà và bà chỉ nhận thức lờ mờ về những điều được nói. Vào những lúc khác, nhận thức của bà được bảo toàn khi bà nhắc lại những gì ông ấy nói hoặc khi bà miêu tả những hình ảnh và cảm nhận.
Như tôi đã nói ở phần giới thiệu, Staci sở hữu một khả năng đáng nể giúp bà nhìn thấy và nghe được những phiên lên kế hoạch trước khi sinh. Tôi thường xuyên có cảm giác mình được đưa tới một thế giới khác, tựa như tôi có thể vươn tới và chạm vào những linh hồn ở đó. Việc được chứng kiến những cuộc chuyện trò đó là một món quà đích thực từ Linh Thần. Staci cùng với tôi, và mở rộng ra là tất cả những ai đọc được những dòng này, đã được ban cho một cái nhìn thoáng qua vào cả một chiều không gian khác lẫn một quy trình mang đậm tính cá nhân.
Ở đây, các linh hồn thảo luận về những hy vọng riêng tư nhất cho sự tiến hóa của chính họ và, đôi khi, công khai thừa nhận những thất vọng ở trong tiền kiếp. Vị hướng dẫn tâm linh của Staci không thể trình bày những thông tin này cho chúng tôi nếu không có sự cho phép của những linh hồn liên quan. Tôi cảm ơn họ về sự cởi mở trong việc giúp chúng tôi trở thành một phần của một trải nghiệm thân tình như vậy.
Theo thời gian, có thể nhận thấy rõ ràng là vị hướng dẫn tâm linh của Staci là một thực thể đã tiến hóa rất cao. Tôi rất vinh dự khi được hợp tác cùng ngài. Bởi ngài chọn hình dạng nam giới để biểu hiện mình với Staci, tôi sử dụng đại từ nhân xưng giống đực.
“Tôi đang nhìn thấy cuộc trò chuyện trước khi sinh giữa Jon và cha của ông”, Staci mở lời. “Họ đang nói tới tình yêu vĩ đại. Tôi nhìn thấy ông và cha của ông ở dạng linh hồn nhưng nhìn rất giống với thể xác mà họ sẽ trú ngụ trong kiếp này. Cha của Jon đang nói với Jon rằng ông yêu Jon tới nhường nào. Rõ ràng là Jon đã quyết định việc trải nghiệm sự đồng tính. Trong cuộc trao đổi có nội dung liên quan tới việc trải nghiệm một căn bệnh nghiêm trọng mà thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những việc này đã được quyết định.”
Mặc dù đã làm việc với Staci trước đây, tôi vẫn lần nữa kinh ngạc và ngưỡng mộ khi bà nhắc lại từng từ một của cuộc trò chuyện:
Cha của Jon: | Tôi sẽ không sỉ nhục bạn đâu. |
Jon: | Tôi cần phải trải nghiệm điều này [những lời sỉ nhục]. |
Tôi cần phải nghe bạn nói điều này với tôi để giúp tôi tìm thấy chính mình. Sự tủi hổ sẽ củng cố ý chí của tôi và cho tôi sự can đảm mà tôi cần để đối mặt với số mệnh của mình. | |
Cha của Jon: | Thôi được rồi, tôi đồng ý với việc này bởi tôi yêu bạn. [Mẹ của Jon ở bên cạnh cha ông. Cha ông kéo bà lại gần với ông.] Chúng tôi cũng đồng ý sẽ bảo trợ cho bạn. |
Mẹ của Jon: | Tôi đồng ý yêu thương và quan tâm đến bạn, trân trọng bạn trong suốt kiếp sống của bạn. Có một khả năng rằng tôi sẽ đẩy bạn ra xa. Sẽ rất khó khăn cho tôi; tuy nhiên, tôi sẽ chấp nhận thử thách này vì bạn. |
“Những kiếp trước mang những chủ đề như trở nên độc lập về cảm xúc và tài chính”, Staci tiếp tục. “Jon đã trải qua bốn kiếp sống liên tiếp trong sự nghèo khó thực sự, một trong số chúng diễn ra ở một quốc gia thuộc về thế giới thứ ba. Và trong hành trình vươn đến thử thách vẫn đang tiếp diễn này của ông, để xây dựng một ý thức rằng bản thân là người mạnh mẽ và có thể hỗ trợ người khác, ông đã đi đến một sự đồng thuận với cha mẹ mình và một vài cá nhân khác là họ sẽ đánh gục ông về mặt tâm lý để rồi ông bị ép buộc phải tìm thấy sức mạnh từ trong bản thân và tự xây dựng con người mình.”
Staci vừa miêu tả một kế hoạch cuộc sống học-tập-qua- sự-đối-lập kinh điển. Trong một kế hoạch như thế, từ trước khi sinh, cá nhân chọn việc trải nghiệm sự thiếu thốn điều mà người ấy muốn hiểu và trân trọng nhất. Khi bình luận về buổi thỉnh hồn của Staci sau đó, Jon nói với tôi, “Tôi tin là tôi đã chọn chính xác sự đối lập với cuộc sống mà tôi thực sự muốn [giờ đây trong tư cách là con người] để có thể biết được lòng trắc ẩn dành cho người khác.” Jon tâm sự rằng trong phần lớn cuộc đời mình, ông đã tin rằng những đau khổ của ông là sự trừng phạt cho việc đã tàn nhẫn với những người trong các tiền kiếp của mình. Giờ đây ông biết rằng điều đó không đúng.
“Có một điều gì đó khác mà tôi đang cảm nhận thấy”, Staci lên tiếng, “Lần này, Jon chọn hóa thân này để trải nghiệm một cuộc cách mạng trong nhận thức và cuộc cách mạng tình dục. Ông muốn được sống trong thời đại đó, như là một phần của thế hệ mình, và ông có thể trải nghiệm cả hai.”
“Ông cũng có một lịch sử trong tiền kiếp về việc không thể kiểm soát tốt những mối quan hệ tình cảm hoặc ngay cả những mối quan hệ với gia đình. Ông vẫn đang tiếp tục xử trí vấn đề đó trong kiếp sống hiện tại. Ông lên kế hoạch sẽ bị nhiễm HIV qua ai đó mà đáng lẽ ông phải biết rằng không nên ở cùng và bằng những hành vi mạo hiểm, cả hai đều liên quan đến việc không áp dụng kỷ luật với bản thân.” Jon sau đấy nói với tôi rằng Staci nói rất chuẩn xác và rằng “sự tự kiểm soát và kỷ luật cá nhân là rất xa lạ với tôi”.
“Tôi đang thấy một người trong phiên lên kế hoạch trước khi chào đời của Jon là một giáo viên ở trường của ông”, Staci nói. “Bà ấy tự nhận mình là một người có tính nghệ sĩ. Ở kiếp này trong vai trò là cô giáo của ông, bà đang cố gắng tăng cường các tính cách dữ dội của chính mình để cân bằng với khí chất nghệ sĩ. Bà đang phát triển một nguồn năng lượng tính nam trong mình và cho phép nó được biểu hiện ra. Bất cứ điều gì bà nói với ông [mà sỉ nhục ông] đều được đi qua chính bộ lọc của bà. Bà là người hoàn hảo để đi đến thỏa thuận này. Ông đã biết bà từ những kiếp sống khác từ rất lâu về trước, những kiếp sống mà ta có thể cho là ở thế kỷ thứ 3 hoặc 4 sau Công nguyên.”
Lời của Staci nhắc nhở tôi rằng linh hồn tìm kiếm sự cân bằng trong mọi thứ, bao gồm sự biểu hiện những nguồn năng lượng tính nam và tính nữ. Một vài người mà tôi đã phỏng vấn gặp khó khăn ở những tiền kiếp trong việc biểu hiện ra nguồn năng lượng nam hoặc nữ. Họ đã lên kế hoạch cho một kiếp kế tiếp để thực hành kỹ năng này.
“Còn có những trao đổi khác với những người đã sỉ nhục Jon không?” tôi hỏi Staci.
“Tôi được nói cho rằng những bạn học của Jon không phải bạn tri kỷ theo nghĩa là có một sự thỏa thuận ở mức độ linh hồn với ông”, bà trả lời, lặp lại những lời mà vị hướng dẫn tâm linh của bà nói. Nhưng họ nhận được những ấn tượng từ các vị hướng dẫn tâm linh của mình để nói điều này điều khác. Những vị hướng dẫn tâm linh ấy làm việc với vị hướng dẫn tâm linh của Jon. Họ nhận được những lời lẽ, những điều thốt ra. Tôi vừa hỏi rằng có phải lúc nào việc ấy xảy ra cũng là như thế không, và tôi được trả lời rằng ‘Phải, mỗi lần đều thế, và họ thường là không nhớ gì về những điều ấy.’”
Tôi ngạc nhiên về thông tin này. Tôi chưa từng nghe về chuyện những vị hướng dẫn tâm linh ảnh hưởng đến lời nói của mọi người. Tuy nhiên, nó ăn khớp với những buổi thỉnh hồn khác nơi tôi học được rằng các vị hướng dẫn tâm linh của chúng ta làm việc siêng năng để đảm bảo rằng chúng ta có được những trải nghiệm mình đã lên kế hoạch trước khi chào đời, ngay cả khi những trải nghiệm ấy rất đau đớn. Mặc dù có thể khó hiểu và không thoải mái khi nhìn từ góc nhìn của phàm ngã, ý tưởng này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác từ góc nhìn của linh hồn. Khi là linh hồn, chúng ta biết rằng cuộc sống là một vở kịch trên sân khấu Trái Đất mà chúng ta có thể bị tổn thương tạm thời không nhiều hơn một diễn viên có thể bị tổn thương bởi lời thoại của một diễn viên khác.
Tôi tự hỏi liệu còn ai trong cuộc sống của Jon có thể đã đồng ý sỉ nhục ông. “Nhưng người tình của ông ấy thì sao?” tôi hỏi.
Staci ngừng lại đôi chút khi bà dò đến phần khác của phiên lên kế hoạch trước khi chào đời, một cuộc đối thoại giữa Jon và một người đàn ông từng là người tình của ông ở đoạn đầu cuộc đời.
Nguời đàn ông: | Tôi không muốn làm vậy. Tôi không muốn đối xử với bạn theo cách ấy. |
Jon: | Nhưng tôi muốn thế. Tôi muốn một vài câu nhất định được nói ra. Tôi muốn nhận một thái độ nhất định rồi sẽ tạo động lực cho tôi. Tôi muốn thế. |
“Jon muốn có thể vượt lên những tuyên bố này bởi đây chính là những điều ông đã nghĩ về mình trong các kiếp trước”, Staci giải thích.
Jon: | Tôi yêu bạn nhiều tới mức tôi sẽ tha thứ cho bạn. Tôi sẽ không giữ nó trong lòng khi tôi kết thúc kiếp sống này. Tôi sẽ không kết tội bạn, và sẽ không có nghiệp mới được tạo ra mà đòi hỏi chúng ta có một mối quan hệ khác trong một kiếp sống khác nơi tôi phải cố gắng tha thứ cho bạn. |
Người đàn ông: | Đưa ra những tuyên bố như thế và có những thái độ như vậy là rất trẻ con. [Ông ngừng lại khi xem xét yêu cầu của Jon.] Tôi sẽ đồng ý với những gì bạn vừa yêu cầu, nhưng sẽ có tình yêu giữa chúng ta. Chúng ta phải trải nghiệm tình yêu. |
Jon sau đó nói với tôi, “Và chúng tôi quả đã trải nghiệm điều ấy. Chúng tôi đã trải nghiệm tình yêu.”
“Tôi nhìn thấy một sự thay đổi về người”, Staci tiếp tục. “Người đàn ông này quay đi để nói chuyện với những người khác. Tôi được đưa tới lúc diễn ra thỏa thuận rằng chính ông ấy phải bị nhiễm HIV từ ai đó. Ông ấy đang nói chuyện với một nhóm linh hồn cũng sẽ bị bệnh theo cách ấy. Họ nói rằng bên cạnh những bài học riêng sẽ được học từ trải nghiệm này, họ cũng đồng ý sẽ làm việc này để làm cho cha mẹ mình hiểu về lòng khoan dung và tình yêu vô điều kiện. Việc này vượt lên những vấn đề cá nhân và trở thành một điều gì lớn hơn rất nhiều cho nhóm linh hồn này. Tôi nhìn thấy người đàn ông này trở lại với Jon.”
Người đàn ông: | Có một vấn đề lớn hơn tất cả những lợi lạc cá nhân từ việc nhiễm thứ bệnh này. Chúng ta có thể dạy cha mẹ của ta, vinh danh họ và trao cho họ một cơ hội đáng giá để trải nghiệm, học hỏi, và trưởng thành. |
Jon: | Tôi đồng ý, nhưng tôi cũng cần trải nghiệm điều này như một phần của việc kháng cự sự thay đổi trong mình và học cách sử dụng nhiều trí tuệ hơn và hành động một cách khôn ngoan, lãng mạn.” |
Giờ đây tôi nhận ra tầm quan trọng của những gì mà nhóm linh hồn của Jon đã thực hiện. Họ đã hành động vì lợi ích của đám đông. Họ chủ ý cống hiến cho nhân loại bằng việc làm gia tăng sự cảm thông trên toàn thế giới. Họ sẽ nhận lấy gánh nặng của sự phán xét từ xã hội để những người đưa ra những phán xét ấy có thể thay vào đó chọn thể hiện tình yêu vô điều kiện và nhận thức rằng bản thân chính là tình yêu ấy.
Staci và vị hướng dẫn tâm linh của bà đã cung cấp một bức tranh rõ ràng về việc tại sao và như thế nào mà một linh hồn lại có thể lên kế hoạch mắc bệnh AIDS trước khi sinh ra. Nhưng thế còn những cá nhân đã mắc bệnh AIDS mà không có kế hoạch cho chuyện ấy trước khi sinh ra thì sao? Linh hồn có thể đóng vai trò nào, nếu có, trong những trường hợp như vậy?
“Tôi có một người bạn mất vì bệnh AIDS mà đã không đến kiếp sống này với kế hoạch như thế”, Staci trả lời. “Cậu ấy chọn việc đó.”
“Chọn ở tầng linh hồn hay phàm ngã?” tôi hỏi.
“Ở tầng linh hồn. Nhưng cậu ấy chọn nó khi đã ở trong thân thể vật chất.”
“Vậy là linh hồn muốn rút năng lượng của mình ra khỏi thân đầu thai?”
“Đúng rồi.”
“Tại sao?”
“Bạn của tôi cảm thấy không được yêu thương và đã có cảm giác ấy từ khi chào đời. Anh không kết thúc cuộc sống theo cách tự kết liễu mình. Anh muốn làm điều đó theo cách này bởi nó sẽ mang tới cho anh rất nhiều tình yêu và sự quan tâm vào khoảng thời gian mà anh bị bệnh. Bản thể cao hơn của anh [linh hồn] đồng ý với những gì mà phàm ngã của anh cảm thấy. Con người anh đã ngập tràn trong quá nhiều nỗi buồn, sự thiếu tha thứ và hối hận. Đó là cách đơn giản nhất để linh hồn của anh rời khỏi cuộc sống này.”
“Làm thế nào để một linh hồn thúc đẩy một người mắc AIDS?” tôi hỏi.
“Có những hành vi được bố trí sẵn có thể dễ dàng dẫn tới những cơ hội mắc bệnh đến từ bất cứ số lượng đối tác nào”, Staci trả lời.
Tôi vẫn không hiểu việc này diễn ra như thế nào. “Nhưng nghe như là linh hồn có quyền kiểm soát đến việc liệu phàm ngã có bị nhiễm AIDS hay không vậy. Làm sao mà linh hồn có thể kiểm soát được việc ấy?”
“Khi ta ngủ vào buổi đêm, chúng ta làm rất nhiều việc ở cấp độ linh hồn. Đây là một quyết định đã tới khi anh ấy đang ngủ.”
“Nói cách khác, về đêm, phàm ngã đi vào thể ánh sáng, gặp gỡ linh hồn và đồng ý làm một việc gì đó khi đang tỉnh để nhiễm AIDS?” Khái niệm thể ánh sáng được dùng để miêu tả hình hài chúng ta khi là linh hồn. Đó là một mô tả theo nghĩa đen: cơ thể phát sáng của chúng ta được làm bằng ánh sáng.
“Phải rồi”, bà nói.
“Staci, ngoài những gì chúng ta đã thảo luận với Jon, đâu là những lý do chính để linh hồn lên kế hoạch cho việc trải nghiệm một căn bệnh trầm trọng trong một kiếp sống?”
Lời nói của Staci đột ngột chậm lại và thận trọng hơn. Lần đầu tiên trong buổi thỉnh hồn, bà truyền tải nguyên văn những gì vị hướng dẫn tâm linh của bà nói. Như thể ngài biết rằng chúng tôi đang tới phần cuối của bài đọc và muốn trao cho chúng tôi những kết luận của mình.
“Có rất nhiều [lý do], trong đó có bao gồm sự vị tha và sự ích kỷ”, ngài nói. “Những căn bệnh nặng có thể được sử dụng để tạo ra những sửa đổi lớn trong bản thân và hệ thống niềm tin, giá trị, sự đánh giá của một người. Đôi khi nó là một hình thức cân bằng nghiệp quả.”
“Ngài muốn nói gì với những người đang mắc bệnh hoặc quan tâm đến một ai đó mắc bệnh và đang cố gắng để hiểu ý nghĩa tâm linh sâu xa của việc ấy?” tôi hỏi.
“Hãy dùng thật nhiều tình yêu. Và tôi muốn nhắc cho các bạn đọc của bạn nhớ rằng mặc dù việc là người mang bệnh hay là người chăm sóc người bị bệnh có vẻ là một gánh nặng, nhưng đó là một bước đệm cho một điều khác. Đó là một bậc trên cái thang của sự phát triển.”
Jon đã lập ra một kế hoạch cuộc đời tuyệt vời. Như mọi linh hồn, Jon có quyền lựa chọn hóa thân vào bất cứ địa điểm và thời gian nào. Ông đã chọn một nơi chốn và một thời kỳ lịch sử nơi sự nhục nhã trong xã hội phản ánh sự nhục nhã trong trái tim ông. Bằng việc chọn miền Nam nước Mỹ vào khoảng thời gian có sự kỳ thị chủng tộc rõ rệt, ông đã thiết kế một cuộc đời sẽ thai nghén ra một sự hiểu biết sâu sắc – và cuối cùng là một sự chữa lành sâu sắc – đối với sự nhục nhã.
Sự hổ thẹn trong thế giới xung quanh Jon phản chiếu vào cuộc đời ông sự nhục nhã trong những mối quan hệ cá nhân của ông. Ông không thể lên kế hoạch cho nhiều hoàn cảnh thách thức hơn thế. Ông đã chọn một thị trấn nhỏ nơi việc ẩn danh là bất khả thi, do đó ông cần phải che giấu xu hướng tình dục của mình. Ông bố trí để vây quanh mình là những thành viên của một tôn giáo không chấp nhận bản chất thật của ông. Ông chọn người cha người mẹ – những thành viên trong nhóm linh hồn của ông – sẽ chủ động phán xét ông nặng nề. Bên cạnh những thách thức này, ông thêm vào thứ bệnh tật có lẽ là đáng nhục nhã nhất của thời đại chúng ta: AIDS. Jon đã không vẽ lên tấm toan cuộc đời mình những màu sắc nhạt nhòa êm dịu. Với sự can đảm, ông chọn những màu sắc mạnh mẽ, sống động và thường là khắc nghiệt để tạo nên một bức tranh kịch tính sẽ làm ông thức tỉnh lần nữa mà nhìn thấy cái đẹp của tâm hồn mình.
Cha mẹ Jon không kém phần đẹp đẽ. Miễn cưỡng, họ đóng vai trò mà ông đã yêu cầu và lên kịch bản, động lực duy nhất của họ là tình yêu. Cũng thứ tình yêu ấy khiến một người tình cũ của ông chấp nhận một phần việc khó khăn không kém. Thật vậy, ông ấy đã chấp nhận vai của mình chỉ với điều kiện rằng ông ấy và Jon được trải nghiệm tình yêu. Những linh hồn của người cha thiếu khoan dung, người mẹ đầy phán xét và người yêu sỉ nhục ông chính là tình yêu. Là với lý do này mà những trao đổi của Jon với họ trong phiên lên kế hoạch trước khi chào đời tập trung vào tình yêu. Khi Jon cuối cùng cũng hội ngộ với họ ở trạng thái linh hồn, ông sẽ cảm ơn họ vì đã đảm nhận tốt vai trò của mình.
Linh hồn là tình yêu. Vũ trụ là tình yêu. Chúng ta là tình yêu. Khi chúng ta nhìn vượt lên phàm ngã của bản thân và thấy linh hồn vĩnh cửu phía trong, chúng ta sẽ nhớ ra mình là ai. Sự tạm thời mất đi danh tính và việc chữa lành kế tiếp đó – và sự tương phản giữa hai việc ấy – trao cho linh hồn một sự hiểu biết và ý thức trân trọng bản thân một cách sâu rộng hơn. Với linh hồn, sự tương phản sắc nét này không thể đạt được hay được hiểu nếu không hóa thân vào cõi vật chất. Với con người, sự tái khám phá rằng bản thân chính là tình yêu tạo ra kết quả là sự chữa lành về thể chất và cảm xúc mà Jon đã bắt đầu biết được.
Toàn bộ nhóm linh hồn đạt được lợi lạc từ trải nghiệm này. Sau khi hoàn thành kiếp sống, Jon sẽ quay lại với nhóm linh hồn của mình với sự giàu có về cảm nhận và hiểu biết về nỗi nhục, đặc biệt là sự tương phản của cảm xúc ấy với sự vĩ đại của linh hồn. Jon sẽ chia sẻ tri thức này với toàn bộ nhóm của mình. Nó sẽ trở thành một phần của họ, và cùng với nhau họ sẽ tiến lên trên vòng xoáy của sự tiến hóa. Nỗi đau đớn mà Jon chịu đựng trên Trái Đất sẽ tan biến, ông và nhóm linh hồn của mình sẽ mang theo trí tuệ thu được mãi mãi.
Tự tha thứ là một cột mốc của sự chữa lành mà Jon đạt được trong kiếp sống này. Ông cần phải tha thứ cho sự thiếu khoan dung của người khác, nhưng thử thách lớn hơn là tha thứ cho chính ông vì đã tin vào những gì người khác nói về mình. Khi Jon biết rằng ông có kết quả dương tính với HIV, ông cảm thấy mình đáng bị mắc căn bệnh ấy. Nỗi nhục của ông đã sâu tới thế. Chỉ có qua trải nghiệm cận tử ông mới nhận ra là mình muốn và xứng đáng sống. Trước khi trải nghiệm ấy xảy ra, Jon đã đi rất xa khỏi mọi nhận thức về giá trị vốn có của mình. Sự tương phản giữa bóng tối ấy và cuộc sống mà ông đã quay trở lại kích thích một sự hồi tưởng. Ông không còn được định nghĩa bởi những lời nói khắc nghiệt của cha mình, sự phán xét của một thầy giáo hay những người bạn học, hoặc sự hạ nhục từ những người tình cũ. Ông không còn được định nghĩa bởi AIDS. Hành trình chữa lành là hành trình nhớ lại. Jon thức tỉnh khỏi trạng thái rối bời với cuộc sống phi vật chất với một sự ghi nhớ nội tại, bằng trực giác về giá trị không thể đo đếm được của mình. Chỉ khi can đảm tiếp nhận bóng tối, ta mới có thể hiểu và trân trọng trọn vẹn ánh sáng.
Rất nhiều bóng tối mà ta trải nghiệm ở cõi vật chất là kết quả từ niềm tin của ta về sự chia rẽ. Chúng ta tin rằng mình là những cá thể khác biệt tồn tại riêng rẽ với nhau và với Linh Thần. Chúng ta tin, như linh hồn nói, rằng chúng ta là thân thể vật chất của mình. Tính thuyết phục của ảo tưởng này là cần thiết để thân đầu thai tạo ra những bài học đáng giá cho sự phát triển tâm linh. Nếu ta không nhận biết được sự chia cách, cuộc sống sẽ mất đi lực hút cần thiết để trở thành thầy của ta, và ta sẽ thiếu đi động lực cần thiết để làm học trò của nó.
Bằng việc trải nghiệm bệnh AIDS, Jon trao cho tất cả chúng ta cơ hội để bộc lộ con người thật của mình. Món quà này được trao đi bởi tất cả những người phán xét ta một cách khắc nghiệt nhất. Người nghiện rượu, người nghiện ma túy, người mắc bệnh AIDS – mỗi vai trò mang đến cho chúng ta một cơ hội để vượt lên sự phán xét đối với con người để trở thành minh chứng sống của sự khoan dung và lòng trắc ẩn. Jon và những người khác trong nhóm linh hồn của ông lên kế hoạch cho thử thách mắc bệnh AIDS như là một phần để dạy những đức tính thiêng liêng đó cho xã hội. Thay vì lên án, chúng ta có thể cảm ơn những cá nhân ấy vì đã là thầy của ta. Trải nghiệm căn bệnh AIDS hay bất cứ thử thách cuộc sống nào để dạy người khác là một nghĩa cử của lòng vị tha quên mình. Trong một vài trường hợp, lòng vị tha ấy có thể cân bằng lại sự ích kỷ của tiền kiếp. Trong mọi trường hợp, đó là một cử chỉ của tình yêu.
Bày tỏ tình yêu khi bản chất thật của ta bị giấu đi khỏi ta – bởi chính sự sắp đặt của ta – là một nhiệm vụ căn bản của cuộc sống. Chúng ta gặp thử thách ấy và sẽ thức tỉnh khỏi sự mê man mất trí mà ta tự gây ra khi nhận biết được rằng phàm ngã chỉ là một lớp vỏ tạm thời. Jon đã kéo lớp vỏ đó sang bên để lộ ra linh hồn đầy yêu thương và vĩnh cửu ẩn bên dưới.
Cũng giống như Jon, Doris cũng nếm trải một căn bệnh hiểm nghèo – ung thư vú. Mặc dù là một căn bệnh khác, nhưng nguồn gốc và vai trò của nó đối với sự trưởng thành cá nhân thì không. Rồi bạn sẽ thấy, bệnh ung thư của Doris phát sinh từ cảm xúc và suy nghĩ của bà về chính mình, cũng hệt như cách bệnh của Jon đã phát triển. Bệnh tật thể chất, do vậy, phản ánh những khía cạnh cần được chữa lành của họ.
Hồi tôi viết về câu chuyện của Doris, chỉ vài ngày sau, người bạn thân nhất của tôi báo với tôi rằng cô ấy mắc bệnh ung thư vú. Tin này khiến tôi choáng váng; bạn tôi, theo những gì tôi biết, vốn ở trạng thái khỏe mạnh tuyệt đối. Mặc dù kết quả tiên lượng bệnh tốt, cô ấy hiện đang rất yếu do xạ trị. Đột nhiên, mong muốn được hiểu tại sao một chuyện như vậy lại xảy ra trở nên còn lớn hơn bình thường. Liệu tôi có thể khám phá được điều gì đó – bất cứ điều gì – có thể giúp đỡ bạn tôi và những người khác ở trong tình trạng tương tự không? Tại sao bạn tôi và Doris lại gặp thách thức này? Liệu Doris, cũng như Jon, có chọn việc trải nghiệm một trọng bệnh trước khi sinh ra? Và nếu đúng vậy thì tại sao? Nếu không, liệu kế hoạch trước khi chào đời có giải thích được tại sao căn bệnh ung thư lại xảy tới và Doris có thể trưởng thành như thế nào từ việc ấy?
Câu chuyện của Doris
“Bà ấy có thể chạm vào bạn rất dịu dàng, rồi đột ngột, như một tia sét, chém bạn một cú trời giáng bằng mu bàn tay, đủ để làm bạn gãy cổ.”
Đó là cách Doris miêu tả người mẹ nghiện rượu của cô.
Một sự cố quan trọng giữa Doris và mẹ mình đã xảy ra hồi cô mười sáu tuổi. Thiếu kinh nghiệm và đầy hiếu kỳ, Doris và các bạn đã mua một bịch bao cao su. Họ mang vào phòng ngủ của Doris, rồi xem xét và đùa nghịch với đống bao cao su ấy. Sau cùng, cả bọn để cái hộp trong tủ đồ của nhà Doris rồi quên khuấy luôn.
Vài ngày sau, Doris đi học về và thấy mẹ mình, say xỉn, trong phòng của cô. “Bà ấy đã giật tất cả quần áo của tôi ra khỏi tủ”, Doris nói. “Năm trên sáu ngăn tủ của tôi lăn lóc trên sàn. Bà ấy đứng đó, hoàn toàn mất bình tĩnh, bàn tay đặt trên ngăn tủ cuối cùng. Bà kéo mạnh nó ra, đập tung nó, giơ cái hộp bao cao su lên, và nói, ‘Đây là cái gì, con điếm?’” Trong nhiều tuần sau đó, mẹ Doris gọi cô là “đồ con điếm” và “đồ lẳng lơ.”
“Tôi đã cho rằng chắc bà ấy nói đúng rồi”, Doris buồn bã nói. “Tôi vẫn còn trinh, nhưng tôi đã ra ngoài và vứt bỏ cái trinh tiết đó đi, bởi tôi cảm thấy mình không xứng với nó. Sau đó tôi đã ghi lòng tạc dạ rằng tình dục là thứ duy nhất mà tôi xứng đáng.”
Doris tiếp nhận vào mình những bình luận xúc phạm khác của mẹ cô. Mặc dù cô không hề thừa cân, thế nhưng khi mẹ cô nói với cô là cô béo và thiếu hấp dẫn, Doris tin bà. Doris cũng nhớ rằng khi mình đang chuẩn bị đi học đại học, mẹ cô đã hỏi, “Mày có muốn phẫu thuật làm nhỏ ngực trước khi đi không? Mày sẽ trông bớt kỳ dị hơn đấy.”
“Bạn không bao giờ biết bà ấy sẽ làm gì tiếp theo”, Doris nói thêm.
Doris nhớ rằng mình đã thấy trở nên xa lạ với chính gia đình mình, không chỉ vì sự bạo hành bằng lời của mẹ cô mà còn vì gia đình cô là người Do Thái.
“Tôi luôn cảm thấy như thể mình đã lên nhầm xe buýt. Tôn giáo ấy không cho tôi bất cứ cảm giác nào là mình thuộc về nó.”
Khi nghe Doris kể lại, tôi cảm thấy hết sức khó hiểu. Tại sao một cô gái trẻ như thế lại cảm thấy lạc lõng tới vậy với tôn giáo duy nhất mà cô từng biết? Doris không hề nhắc tới việc bị ép buộc với niềm tin tin ngưỡng hay phong tục. Không hề ngờ tới, nhưng tôi sẽ sớm khám phá ra câu trả lời.
Doris nhận được những chẩn đoán ung thư vú đầu tiên khi ngoài 30 tuổi. “Tôi đi vào bếp, nơi bạn cùng nhà với tôi đang đứng”, cô nhớ lại. “Tôi nhìn cô ấy và nói, ‘Tớ bị ung thư.’ Cô ấy làm rớt một chiếc cốc vào bồn rửa và nó vỡ tan. Rồi cô ấy ào về phía tôi và ôm lấy tôi thật chặt. Không một ai trong hai chúng tôi có thể tin được điều ấy.”
“Tôi biết rằng mình sẽ không chết”, cô nói thêm như thể đó là điều hiển nhiên. Tôi tự hỏi tại sao Doris lại có thể dám chắc đến thế. Việc ấy rồi cũng sẽ sớm được tiết lộ.
Doris đã trải qua xạ trị và phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khi cuộc phẫu thuật diễn ra, cô ấy trêu đùa với bác sĩ của mình. Cô yêu cầu nhân viên phòng mổ bật một kênh cụ thể trên đài radio để cô có thể nghe những ban nhạc rock ưa thích.
Sau khi làm xong thủ thuật, Doris nghĩ rằng ung thư đã là chuyện dĩ vãng. Nhưng không phải. Mười hai năm sau, cô được chẩn đoán là bị ung thư ở cả hai bên vú.
“Tôi vẫn chưa giải quyết được cảm xúc của mình về bản thân và toàn bộ vấn đề liên quan tới tình dục”, Doris đưa ra nhận xét. “Tôi vẫn có những suy nghĩ rất xấu khi tự đánh giá mình. Tôi đã là một tác giả thành công. Tôi đã đi chu du khắp mọi nơi. Nhưng luôn có một giọng nói nhỏ trong đầu tôi...”
Các bác sĩ nói với Doris rằng một cuộc phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên ngực là cần thiết. Một vài ngày sau đó, toàn bộ lời nói của bác sĩ mới thực sự giáng xuống cô.
“Tôi bị một cơn suy sụp”, Doris thẳng thắn nói. “Đột nhiên, trong đầu tôi hiện lên tất cả những lời ấy, ‘Họ sẽ cắt bỏ bộ ngực của mày.’ Tôi sụp đổ, và tôi òa khóc.”
Bất chấp nỗi lo sợ về sức khỏe của chính mình, Doris cố gắng trấn an người khác về tình trạng của họ.
“Tôi có thói quen ngồi xuống [trong phòng chờ tại bệnh viện] bên cạnh bất cứ ai trông có vẻ tức giận nhất. Tôi đã nói với một cô gái, ‘Xin chào, có chuyện gì xảy ra với em thế?’ Cô ấy ngẩng lên tròn mắt nhìn tôi như thể tôi có ba cái đầu và nói, ‘Tôi bị ung thư.’ Tôi bèn nói, ‘Chị cũng vậy. Em bị loại nào?” Và rồi cô ấy ít phòng thủ hơn và cởi mở hơn với tôi.
Sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên ngực, Doris cảm thấy có phần nhẹ nhõm. “Tôi rất vui vì đã xong việc, bởi tôi không phải lo lắng nữa. Tôi sẽ không phải nín thở mỗi khi đi chụp X-quang tuyến vú.”
“Tôi đã sợ khi phải nhìn vào khuôn ngực mới của mình. Chồng tôi bảo rằng, ‘Em trông giống một thiếu nữ, em yêu à. Mọi thứ ổn mà.’ Chúng cân đối hơn nhiều so với hình thể của tôi. Việc bỏ đi bộ ngực giống như nhấc một cặp kính gây biến dạng hình ảnh khỏi mắt tôi, và tôi có thể nhìn mình ở một góc nhìn chân thực hơn. Mọi dằn vặt về tinh thần của tôi không còn nữa.”
Cảm xúc của Doris về chính mình thay đổi còn nhiều hơn nữa khi biết được rằng đã có rất nhiều người cầu nguyện cho cô. Rất nhiều người gửi tới những lời yêu thương, động viên và nói với cô rằng cô đã truyền cảm hứng cho họ như thế nào.
“Đã có những bằng chứng không thể chối cãi về việc tôi có ảnh hưởng tích cực đến biết bao con người”, cô nói giọng vui mừng. “Tôi không thể nào phủ nhận thêm nữa rằng mình là một người tốt và giàu yêu thương, tôi đã tạo ra một sự khác biệt to lớn trên đời này.
Tôi đã mất một thời gian dài để nhận ra. Nhưng mọi người không nhất thiết phải chờ đợi lâu đến vậy.”
Doris giờ đây có thể nhìn căn bệnh này theo cách khác, theo đó, nó mang lại sự trưởng thành và chữa lành. “Tôi đã rất không thoải mái với sức mạnh tính nữ. Tôi không tin vào nó, và tôi không tin vào phụ nữ. Tôi chưa bao giờ học cách chơi những trò thao túng của đám con gái – tôi ghét chúng – hay yêu thích những bộ đồ lộng lẫy. Tôi ghét trang điểm. Nếu đi vào nhà vệ sinh, tôi sẽ không ở trong đó để dặm phấn tô son. Nhưng tôi phải tìm đến những người phụ nữ khác để được hỗ trợ [khi mắc bệnh]. Tôi cuối cùng cũng biết thực sự tôn trọng những điều đã làm nên phụ nữ chúng tôi.”
“Doris này”, tôi hỏi, “cô đã học được gì về việc mình là ai?”
“Tôi là người cứng cỏi với một tấm lòng nhân ái dành cho thân phận con người. Tôi yêu việc được làm người. Tôi tiếp thu tốt trải nghiệm của con người, và tôi sử dụng chúng cũng tốt. Tôi biết ơn rằng tôi có thể sử dụng điều này để đưa tay ra với người khác và nói, ‘Nào, bạn có thể băng qua được cây cầu này.’
Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là nạn nhân của ung thư. Tôi chưa bao giờ cảm thấy là tôi mắc phải nó. Tôi cảm thấy rằng tôi chọn nó, luôn luôn. Tôi đã luôn tìm kiếm món quà ấy.”
“Doris, cô sẽ nói gì với một người cũng bị ung thư vú?”
“Khi tôi miêu tả cuộc phẫu thuật cắt hai bên ngực và tái cấu trúc của mình cho mọi người, tôi nói với họ rằng đó là một cuộc phẫu thuật tuyệt vời. Sáu tiếng – ba tiếng để phá dỡ và ba tiếng để xây dựng lại mặt tiền. Nghe những lời đó, hầu hết mọi người đều bật cười. Hãy tìm kiếm sự hài hước. Chơi đùa với nó. Khiêu vũ với nó. Không có gì nói rằng bạn phải chắt chiu từng giọt khổ đau từ chuyện ấy.”
Một phần lý do tôi chọn nói chuyện với Doris là vì cô là một người có khả năng thấu thính (thiên nhĩ thông); tôi đã mong rằng cô sẽ nhận được thông tin về kế hoạch trước khi chào đời của chính mình. Và tôi đã không thể ngờ rằng cách cô ấy sử dụng khả năng ngoại cảm của mình trong những buổi trò chuyện của chúng tôi sẽ khiến tôi kinh ngạc đến thế. Để cung cấp một mối kết nối thứ hai với cõi phi vật chất, nhà ngoại cảm Staci Wells cũng tham gia cùng chúng tôi trong hành trình khám phá này.
Tôi đã mong đợi Doris chuyển lại những lời cô nghe thấy từ những bản thể phi vật chất, rất có thể là những vị hướng dẫn tâm linh của cô. Tôi ngỡ ngàng khi cô lập tức bước vào trạng thái xuất thần và bắt đầu trở thành kênh dẫn. Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết được danh tính của thực thể mà tôi đang nói chuyện cùng.
Khi chúng tôi bắt đầu, tôi cảm thấy một nguồn năng lượng mãnh liệt dâng lên trong giọng nói của Doris. Thực thể được mời tới nói với một tông điệu đầy uy quyền. Từ những lời đầu tiên, kiểu nói đã thay đổi đáng kể. Con người của Doris rõ ràng không còn ở đó. Cô đã rời đi, và thay vào vị trí của cô là một ý thức mới, chưa xác định được.
Buổi thỉnh hồn của Doris
“Linh hồn này [Doris] có một nỗi sợ với sức mạnh của chính mình – ngày nay chúng ta gọi là nỗi sợ sự thành công”, thực thể được gọi tới tuyên bố. “Sự kết hợp của hai thứ đó có thể rất khó khăn. Linh hồn này gặp thử thách lớn hơn trong một cấu trúc nữ giới so với trong một cấu trúc nam giới. Khi trú ngụ trong một cơ thể nam giới [trong các tiền kiếp], hầu hết các trường hợp, linh hồn này đều có tính nam vượt trội rõ rệt, trong một nền văn minh cao hơn hay thấp hơn, nhưng đều chắc chắn tin rằng nam giới là thượng đẳng. Kết quả của việc ấy là đã có một nghiệp tính dục khó khăn ở cái hai vế của phương trình. Khi ở trong cơ thể nam giới, phụ nữ không được tôn trọng hay nhận được sự bình đẳng. Khi ở trong cơ thể nữ giới, tính dục thường xuyên được đặt ở vị trí của tuyến phòng thủ đầu tiên – tình dục như một vũ khí, tình dục như một con bài để mặc cả.
Trong suốt kiếp sống này, chúng tôi đã bày ra những cơ hội để kích hoạt ngòi nổ. Hình thể vật lý mang tính nữ được cường điệu. Tình huống được lên kế hoạch với mối quan hệ mẹ-con gái là một người mẹ rất ghen tị với chính con gái mình và mang đến thử thách bằng việc kết tội con mình, trước khi cô bé mất trinh, rằng cô là người thiếu đạo đức. Tại thời điểm đó, cánh cửa có thể xoay theo một trong hai chiều. Linh hồn có thể chứng minh mẹ mình sai và tiếp tục giữ trinh tiết trong nhiều năm. Hoặc, như cô đã làm, cô tin rằng mẹ mình biết gì đó về mình mà chính cô không biết. Từ thời điểm đó, cô đã sắp xếp cuộc đời mình với tính dục là con bài mặc cả và thường xuyên là món hàng duy nhất mà cô thấy mình có quyền kiểm soát.
Do tình huống ấy, hình ảnh mà cô tự nhìn nhận bản thân là vô cùng độc hại. Tiếp đó, điều này lại thiết lập một bài thử thách thứ cấp về quyền lực và thành công. Cô tin rằng cô không có khả năng thành công trong bất cứ chuyện gì mà không lấy tính dục làm cơ sở. Chúng tôi đưa ra bệnh ung thư như một tiêu điểm của việc sẽ xảy ra khi một người từ chối năng lượng tình dục đúng đắn.
Con người này biết rằng mình không chết vì lần cọ xát đầu tiên với ung thư và do đó đã trải qua cuộc phẫu thuật và xạ trị với ít, thậm chí là không một chút sợ hãi nào. Nhưng sự tự ghê tởm và những khó khăn trong cách hình dung về chính mình vẫn không được giải quyết. Do đó, chúng tôi mang tới đợt ung thư thứ hai, điều này đã gây ra một sự khủng hoảng về niềm tin, nhưng đã được chinh phục.
Khi sự tự ghê tởm bản thân tăng dần cùng tuổi tác, đồng thời công việc giáo dục với cô đã đi tới chỗ đơm hoa kết quả và cô bắt đầu bắt tay vào công việc thực sự của đời mình, cô quyết định rằng sự nhạo báng, nỗi đau và sự ghê tởm tốt nhất phải bị loại bỏ để cô có có thể tiếp tục công việc mà không bị cản trở. Do đó, cô nhận chẩn đoán [lần hai] và bác sĩ quyết định rằng việc loại bỏ bầu ngực là hành động khôn ngoan nhất. Phản ứng đối với việc này rất tích cực, và chúng tôi hài lòng.”
Theo kinh nghiệm của mình với việc dẫn kênh, tôi đã phát hiện ra rằng mỗi thực thể phi vật chất đều có một năng lượng riêng. Trong trường hợp này, tôi đã cảm nhận được một sức mạnh lớn. Sức mạnh của năng lượng được nhân lên gấp bội nhờ lời giải thích ngắn gọn nhưng toàn diện được đưa ra. Thực thể ấy nhận thức được một bức tranh lớn và trình bày về nó với một sự tách biệt cảm xúc nhất định; tuy nhiên, trong giọng nói luôn hàm chứa sự quan tâm. Có một điều rõ ràng: cơ thể Doris đã phản ứng với cảm xúc của cô về chính mình. Những tế bào của chúng ta nghe thấy những điều chúng ta nghĩ, và chúng phản ứng lại.
Nếu đây là một trong những lần phỏng vấn đầu tiên của quá trình nghiên cứu, tôi đã có thể nghĩ rằng Doris bị trừng phạt phải bị bệnh ung thư vú vì đã tin điều mẹ cô nói hoặc vì từ chối “năng lượng tình dục đúng đắn”. Thay vào đó, tôi biết rằng điều ấy không đúng. Điều có thể khiến ta cảm thấy là hình phạt từ góc nhìn của con người lại là một cơ hội để trưởng thành từ góc nhìn của linh hồn. Khi thiên thần trong câu chuyện của Jon nói về cảm xúc và sự tủi nhục của Jon, bệnh tật đã đóng vai trò “chiếu sáng vào nơi cần được chữa lành”. Nhìn vào sự trưởng thành cá nhân mà Doris đã miêu tả, có vẻ như cơ thể cô, cũng như Jon, đã hoạt động như một bàn đạp để nâng cao nhận thức của cô về bản thân.
Việc thực thể được mời tới dùng từ bài thử thách gợi ra rằng phần lớn các trải nghiệm đều đã được sắp đặt, mặc dù tôi chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào chỉ ra lý do của việc đó. Nhưng trước khi theo đuổi hướng tìm hiểu này, tôi muốn biết người đang nói là ai.
“Ngài đã sử dụng ngôi xưng chúng tôi vài lần”, tôi hỏi. “‘Chúng tôi’ là ai?”
“Chúng tôi là một linh hồn tối cao. Chúng tôi bao gồm mọi phàm ngã. Những phàm ngã không chết. Họ là một phần của dàn đồng ca vĩ đại. Chúng tôi lật giở qua tất cả những phàm ngã ấy cùng với các vị hướng dẫn tâm linh khi lên kế hoạch cho kiếp sống như một bức tranh ba chiều, một bức tranh ghép.”
Bởi tôi đã biết rằng linh hồn bao gồm mọi phàm ngã từ tất cả các lần đầu thai, tôi hiểu rằng linh hồn tối cao được sử dụng như một từ đồng nghĩa với linh hồn. Tôi cảm thấy kinh ngạc trước lời tuyên bố này; tôi chưa từng tưởng tượng rằng Doris sẽ gọi tới linh hồn của chính mình. Bởi vậy, Doris đang đưa ra một cơ hội tuyệt vời để trò chuyện trực tiếp với linh hồn về kế hoạch cho một hóa thân của chính linh hồn ấy. Và giờ khi đã biết mình đang nói chuyện với ai, tôi tập trung vào ý nghĩa căn bệnh ung thư vú của Doris.
“Tôi có đúng không nếu hiểu rằng những bài học mà Doris có thể học để ngăn ngừa căn bệnh ung thư vú là tình yêu dành cho bản thân và việc sử dụng năng lượng tình dục đúng cách?”
“Đúng rồi. Và cả yếu tố chấp nhận hình thể nữ giới mà không phán xét.”
“Những điều gì đã được lên kế hoạch trong cuộc đời cô ấy để truyền đạt ba bài học này và ngăn ngừa được ung thư?”
“Sự kiện chủ chốt chính là khoảng thời gian sống với người mẹ nghiện rượu ở tuổi mười sáu. Lúc ấy thì nghiệp vẫn đang trung tính. Nhưng khi chấp nhận định nghĩa mà mẹ cô áp lên mình, rằng cô là một con điếm và không có giá trị hơn thế, cô đã đặt chân lên con đường mà ta biết đến nhiều hơn. Cô ấy đã không cố gắng tìm hiểu xem liệu mẹ mình có thể sai không.”
“Có phải sự việc ấy đã được lên kế hoạch với linh hồn của người mẹ trước khi sinh ra không?”
“Đúng.”
Linh hồn của Doris vừa xác nhận một điều mà tôi đã chứng kiến nhiều lần, trong đó có cả câu chuyện của Jon: những người thử thách ta nhiều nhất làm như vậy theo yêu cầu của chính ta. Những vai trò đó đã được thỏa thuận trước khi sinh ra, với những linh hồn đóng vai trò “kẻ tra tấn” ta hành động vì tình yêu và thường trì hoãn việc học tập của bản thân họ sang một kiếp sống khác để ta có thể có những trải nghiệm trưởng thành mà ta tìm kiếm.
“Khi lên kế hoạch cho kiếp sống này, tại sao các vị lại chọn ba bài học đó?” tôi hỏi.
“Linh hồn này có rất nhiều phẩm chất tốt trong vai trò là một người thầy và một người lãnh đạo. Nhưng như chúng tôi đã giải thích, khi linh hồn này ở trong một hóa thân là nam giới, tính dục thường xuyên được sử dụng để gạt bỏ những người không ngang hàng. Vấn đề thiếu tình yêu bản thân là một mối đe dọa nhỏ hơn, khi ở trong hóa thân nam giới, vấn đề này không được mang ra bàn luận nhiều. Chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng các sợi dây nghiệp sẽ được hoàn thiện trong ba đến bốn kiếp nữa. Do vậy, kiếp sống này được lên kế hoạch gần như kín đặc.”
“Các bạn nói rằng mình mang tới những đợt ung thư vú. Việc ấy được thực hiện như thế nào?”
“Một vài tham số được khởi động. Hãy liên tưởng tới một đòn bẩy trong một cỗ máy phức tạp. Chúng tôi đặt một bộ phận cân bằng trên đòn bẩy đó, nó có thể được giữ nguyên vị trí nhờ những suy nghĩ tích cực và sự chấp nhận hoặc bị lệch đi do những suy nghĩ và cảm xúc độc hại. Những suy nghĩ và cảm xúc độc hại ấy thay đổi sinh hóa của cơ thể và đánh thức khả năng mắc bệnh ung thư.”
“Có khuynh hướng di truyền nào đối với bệnh ung thư vú được kích hoạch do cách suy nghĩ không?”
“Có, nhưng nếu bạn nhìn vào nền tảng di truyền của cả cha và mẹ, không có ai mắc bệnh ung thư vú cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, đột biến là điều có thể xảy ra.”
“Khi các vị thiết lập kế hoạch này, tôi thấy có vẻ như các vị đã khá liều lĩnh bởi Doris có thể phản ứng tiêu cực với căn bệnh ung thư vú. Cô ấy có thể trở nên giận dữ hoặc chán nản.”
“Không có đỗ hay trượt trong cuộc sống. Đó chỉ đơn giản là lựa chọn bài học của bạn. Chúng tôi có thể chấp nhận mọi khả năng xảy ra. Không có khả năng nào là không đúng cả.”
Ở đây, linh hồn của Doris đã truyền đạt một quan điểm mà tôi được nghe nhiều lần. Từ quan điểm của linh hồn, không sự kiện hay quá trình hành động nào là “xấu”. Tất cả đơn giản là trải nghiệm, và mỗi trải nghiệm đều dạy và trao cho ta hạt mầm của sự trưởng thành.
“Khi lên kế hoạch cho một kiếp sống, các vị được thấy những con đường khả thi nhất, phải không?”
“Phải. Chúng tôi được thấy, có thể nói là, những ngã chính của đại lộ. Những lối thoát cũng được chỉ ra, cả những ngã rẽ [nhỏ] và những đường vòng. Tất cả đều là một phần của con đường. Con người ta không cần phải đi qua mọi ngóc ngách của con đường đâu.”
“Các bạn có được thấy các cảnh trong những kịch bản cuộc sống mà ở đó, Doris phản ứng ít tích cực hơn so với thực tế trong cuộc sống này không?”
“Có”, linh hồn của Doris đáp. “Vì thế, không có gì là liều lĩnh cả. Điều gì không xảy ra trong một chiều không gian sẽ xảy ra ở những chiều khác, nếu cần thiết.”
“Những chiều khác... chúng có phải chiều vật chất không?”
“Chúng là những chiều không gian thật. Anh có thể chạm vào nó không? Có thể là không. Chúng không phải là những giấc mơ trừ khi đây cũng là một giấc mơ. Chúng cũng thật như là nơi đây vậy, mặc dù dùng từ vật chất sẽ là một cách diễn tả hạn hẹp.”
“Có những chiều không gian khác cho mỗi quyết định mà một người đưa ra không? Bởi nếu thế thì chúng sẽ là vô hạn về số lượng.”
“Bạn cảm thấy vũ trụ này không đủ lớn để chứa tất cả sao?”
“Tôi tin rằng nó đủ lớn”, tôi nói. “Nhưng làm sao để các vị, một linh hồn, có thể trải nghiệm vô số lựa chọn và vô số chiều kích không gian?”
“Chúng tôi không nhìn nhận mình là hữu hạn. Do vậy, có đủ chỗ cho mọi thứ. Khi bạn không ở trong thời gian [tuyến tính] thì không có gì phải vội vàng. Không có thời gian đối với tất cả mọi thứ.”
Việc linh hồn sử dụng cách diễn đạt không có thời gian là một chủ ý chỉ ra rằng thời gian là một khía cạnh của chiều không gian vật chất của chúng ta. Đó là một ảo ảnh, một phương tiện chỉ dẫn, một cách để có một vài trải nghiệm nhất định mà sẽ không thể có được nếu không có nhận thức về thời gian.
Câu nhận xét rằng linh hồn không coi bản thân là hữu hạn có ý nghĩa rất lớn. Suy nghĩ theo nghĩa đen là sự sáng tạo, cả ở cõi phi vật chất, nơi nó biểu hiện ra ngay lập tức, và ở cõi vật chất, nơi suy nghĩ trở thành hiện thực vật chất nếu có đủ tần suất và sức mạnh theo thời gian. Niềm tin – đặc biệt là niềm tin rằng một người không phải là hữu hạn – gia tăng sức mạnh cho suy nghĩ. Sự kết hợp giữa suy nghĩ tập trung và một niềm tin rằng bản thân là vô hạn đủ mạnh để dời non lấp bể.
Tôi thấy thắc mắc về mối quan hệ giữa các chiều không gian mà trong đó, linh hồn của Doris hoạt động một cách không giới hạn. “Doris ở trong chiều không gian này có bị ảnh hưởng bởi những Doris khác đã đưa ra những lựa chọn khác ở các chiều không gian khác không?” tôi hỏi.
“Điều đấy là có thể, phải.”
“Việc ấy xảy ra như thế nào?”
“Phụ thuộc chủ yếu vào sự khai sáng. Nếu một người bị khóa chặt vào chiều không gian này, thì nó cũng giống như là thử chạm vào một người qua vài lớp quần áo mùa đông. Khi một người có nhiều nhận thức hơn về những khả năng liên chiều không gian, việc chạm tới và hiểu các khả năng khác sẽ trở nên dễ dàng hơn.”
“Các bạn có thể cho một ví dụ về việc Doris đã bị ảnh hưởng bởi một Doris ở chiều không gian khác với lựa chọn khác không?”
“Khi được chẩn đoán lần đầu, cô ấy đã biết rằng mình sẽ không chết mà không có lý do nào. Đó là bởi có thể đã có một cú chạm từ thế giới mà ở đó, bệnh ung thư nghiêm trọng hơn và cái chết xảy ra. Chúng tôi không có ý định lặp lại. Do vậy, có một hiểu biết nội tại rằng ở chiều không gian này, cái chết do bệnh ung thư không nằm trong kế hoạch.”
“Các bạn đã nói về ba bài học mà Doris cần học: sử dụng đúng đắn năng lượng tình dục, chấp nhận hình thể nữ giới và yêu bản thân. Các bạn có thể giải thích trải nghiệm ung thư đã giúp Doris học những điều này như thế nào không?”
“Qua căn bệnh này, Doris đã thấy được rằng giờ đây tính dục chỉ là một ‘tài năng’ phụ khi một người phải tập trung vào chữa lành. Được đặt lên hàng đầu là sự sáng tạo, lòng dũng cảm, sự quyết tâm, chấp nhận cơ hội, niềm tin vào người khác. Khi tâm trí và trái tim ngập tràn những điều ấy, tính dục với vai trò là một thứ vũ khí và công cụ bị gạt qua một bên và lãng quên.
Chấp nhận hình thể nữ giới. Doris giờ đây đã nhận ra là có một câu nói rằng ‘hình thể theo sau chức năng,’ hình thể không chỉ đơn giản truyền đạt giới tính và tính dục của cô, rằng những tính chất thứ cấp không khiến tính nữ của cô ít đi hay nhiều lên hoặc cô được khao khát ít hơn hay nhiều hơn. Do vậy, sự dồn nén cảm xúc với cơ thể đã được giải phóng.
Khi cô vượt qua được căn bệnh và truyền cảm hứng cho mọi người, việc nhìn nhận bản thân qua cách nhìn của những người đã nhận được lợi ích từ sự dũng cảm và lòng tốt của cô cho phép cô hiểu rằng có rất nhiều điều đáng để yêu thương ở bản thân mình.”
“Các bạn đã nhắc đến việc muốn giải quyết tất cả nghiệp chướng trong ba hay hốn kiếp nữa. Việc gì sẽ xảy ra sau đó?” tôi hỏi.
“Cô ấy sẽ rất bận rộn. Có nhiều việc truyền dạy mà mảnh linh hồn này đã đề nghị được làm.”
“Sự truyền dạy ấy có được thực hiện ở chiều phi vật chất không?”
“Không, chúng tôi đang nói về chiều vật chất. Cũng như việc học tập trong một môi trường sạch sẽ và trật tự là dễ dàng hơn, khi một người không bị phân tâm bởi những nhiệm vụ xử lý nghiệp của riêng mình thì họ sẽ truyền dạy đầy đủ hơn. Cuối cùng thì, linh hồn này sẽ tiếp nhận vai trò của mình như là một vị hướng dẫn tâm linh. Nhưng vẫn còn có nhiều điều để học và thưởng thức ở trong cõi con người.”
“Có phải nói chung là phàm ngã có thể học được một vài bài học theo cách ít đau đớn hơn, nhưng nếu những bài học không được tiếp thu, những thử thách sẽ ngày càng lớn hơn?”
“Đó là cách làm phổ biến, tuy nhiên chúng tôi xin được làm rõ rằng đó không phải là cách duy nhất. Có những linh hồn cao cấp sẵn sàng đầu thai xuống để trải qua những thử thách lớn mặc dù họ không cần chúng để giải nghiệp. Nhưng họ sẵn sàng trở thành động lực, kim chỉ nam, yếu tố châm ngòi cho người khác mà, khi xem xét những khó khăn về nghiệp của chính họ, sẽ phản hồi để học bài học của bản thân.”
“Điều này đặt tôi vào một tình thế khó khăn với tư cách là tác giả của cuốn sách này”, tôi nói. “Tôi không dám chắc rằng sẽ là hữu ích nếu nói với mọi người rằng họ có thể bị ung thư hoặc đối mặt với các thử thách khác bởi họ chưa học được bài học của mình trước đó. Tuy nhiên, nếu đó là cách mà mọi thứ vận hành, tôi phải nói ra.”
“Không học được một bài học không phải là thất bại”, linh hồn của Doris khẳng định. “Hãy nghĩ về việc đó như là chọn học theo một con đường khác. Mọi thứ đều có thể bị phán xét, và cũng có thể được nhìn nhận ở một mức độ giàu lòng trắc ẩn và không phán xét.”
“Tôi có thể góp thêm một điều ở đây không?” Staci, vốn nãy giờ vẫn lặng lẽ lắng nghe, lên tiếng.
“Chúng tôi rất vui lòng”, linh hồn của Doris trả lời.
“Đó [những bài học cuộc sống] là thứ mà một linh hồn lựa chọn trước khi bước vào cuộc sống này, bên cạnh những kết quả có thể xảy ra. Chẳng phải linh hồn được bày ra cho thấy nhiều lựa chọn trong phiên lên kế hoạch trước khi chào đời sao?”
“Điều đó chính xác”, linh hồn của Doris xác nhận. “Không có nỗi sợ về thất bại trong những giai đoạn lên kế hoạch, bởi không có sự tách biệt. Con người, bởi họ tin vào sự chia rẽ – ta và họ, đúng và sai – cảm giác rằng nếu không đi theo một hướng có nghĩa là hướng còn lại là kém cỏi hơn, và rằng thử thách ta gặp phải là do đã trượt một kỳ thi. Chúng tôi nói rằng một linh hồn đã chọn điều này [hướng còn lại] bởi linh hồn đó rất mạnh mẽ, trưởng thành và can đảm.
“Có vẻ như là với tôi”, tôi nhận định, “một linh hồn thường xuyên dạy cho phàm ngã của mình – cũng là một phần của linh hồn – điều gì đó mà linh hồn đã biết rồi. Ví dụ, chúng ta nói về một trong những bài học của Doris là tự yêu bản thân. Theo quan điểm của tôi, linh hồn là tình yêu. Có nghĩa là các vị đang dạy chính mình một điều mà các vị đã biết. Các vị có thể giúp tôi hiểu điều đó không?”
“Đúng vậy”, linh hồn của Doris nói. “Linh hồn biết rằng tất cả là một nhưng lại đẩy mình ra khỏi [hiểu biết] đó để linh hồn có thể cảm thấy sự bị tách rời và học được cách trở về Quê Nhà. Ngoài ra, những bài học mà phàm ngã mang lại cho linh hồn là để hiểu được một trải nghiệm làm người lớn hơn. Tuy những linh hồn biết mình là tình yêu, để học được toàn bộ việc ấy, chúng tôi phải trải nghiệm sự thiếu vắng tình yêu, để chúng tôi có thể hiểu được tình yêu cho chính mình từ mọi khía cạnh và mọi hướng.”
Những lời đó nhắc cho tôi nhớ về thiên thần trong câu chuyện của Jon, người đã nói rằng cũng vì lý do tương tự mà Jon muốn trải nghiệm sự thiếu vắng tình yêu. Có vẻ như cả Jon và Doris đều đã lên kế hoạch cuộc sống theo cách học-tập- qua-sự-đối-lập.
“Điều gì xảy ra sau khi cuộc sống của Doris kết thúc?” tôi hỏi. “Có đúng khi nói rằng năng lượng của cô ấy sẽ tái hợp với các vị, và đồng thời cô ấy vẫn giữ sự độc lập của mình?”
Dựa vào những cuộc trao đổi trước đó với Linh Thần, đây là cách hiểu của tôi.
“Phải. Một vài khía cạnh của phàm ngã sẽ tan biến trong quá trình chuyển đổi, nhưng càng đến gần [khi ở trong cơ thể] với linh hồn thực sự của mình, phàm ngã càng dễ được giữ lại trọn vẹn hơn.”
“Vậy có đúng không khi nói rằng một người là người khác trong kiếp khác?”
“Có những mảnh của linh hồn sẽ dịch chuyển từ phàm ngã này sang phàm ngã khác. Ví dụ, trong cơ thể này [của Doris], có một mảnh đáng kể của tia sáng linh hồn đã từng được đặt trong cơ thể của một anh lính người Đức 90 năm trước.”
Tôi hỏi về một chủ đề mới. Tôi đã biết từ nghiên cứu của mình rằng các linh hồn có thể có nhiều hơn một hóa thân trên Trái Đất cùng một lúc. “Có bao nhiêu hóa thân vật chất mà các vị có lúc này?”
“Có hai trên cõi này.”
Tiết lộ này khiến tôi tự hỏi linh hồn của cô ấy đã sống bao nhiêu kiếp trong cõi phi vật chất. “Có bao nhiêu ở các cõi khác?” tôi hỏi.
“Một số lượng vô hạn. Họ sinh ra và chết đi, phát triển và tàn lụi, khi đạt đến các điểm mối giao kết.”
“Các vị dành bao nhiêu thời gian, nếu tôi có thể dùng từ đó, cho việc giám sát hai phàm ngã trên Trái Đất và hướng dẫn họ?”
“Luôn có một sự liên lạc. Sợi dây luôn ở đó với tình yêu và lòng trắc ẩn, nhưng phàm ngã ở đó để tự cải thiện các thông tin của mình và mang nó trở lại.”
“Còn các hành vi nào khác mà các vị can dự vào?”
“Chúng tôi cũng đóng vai trò là hướng dẫn và cố vấn cho người khác, và chúng tôi cũng tìm kiếm sự kết hợp của riêng mình với cái Tuyệt đối. Có rất nhiều trải nghiệm mà một con người không có từ để diễn tả hay lĩnh hội được.”
“Có phải sự trưởng thành của các vị phụ thuộc vào việc các phàm ngã học được bài học cuộc sống của mình tới mức nào không?”
“Vấn đề không phải là họ học chúng tốt tới đâu. Vấn đề đơn giản chỉ là họ sẽ mang lại điều gì. Họ mang lại càng nhiều thông tin thì – không chính xác là vậy, nhưng chúng tôi vẫn sẽ nói – chúng tôi sẽ hoàn thành càng nhanh điều mà chúng tôi tìm kiếm.”
“Tôi có đúng không nếu hiểu rằng khi các vị lên kế hoạch cho Doris, các vị có thể chọn bất cứ thời kỳ nào và bất cứ địa điểm địa lý nào?”
“Thời gian là một tấm lưới, không phải là một đường thẳng. Điều đó đúng rồi.”
“Tại sao và như thế nào mà lần này các vị lại chọn Mỹ?”
“Đó là sự phối hợp với các linh hồn khác. Bởi có một phần trong kế hoạch của chúng tôi có tính linh hoạt, chúng tôi đồng ý chọn Mỹ. Với khía cạnh truyền dạy những gì mà linh hồn này đã được yêu cầu thực hiện, Mỹ là một lựa chọn hợp lý, có nhiều tự do và một phạm vi ảnh hưởng vật lý hơn nhiều quốc gia khác. Linh hồn này có xu hướng được đặt vào những quốc gia tiên phong của một thời kỳ nào đó. Ví dụ, vị sĩ quan Đức được nhắc tới là một phần trong đoạn kết của đế quốc Đức. Một kỵ sĩ người Anh đã tham gia vào thời kỳ Chiến tranh Hoa hồng, điều đã thay đổi các dòng triều đại. Có những kiếp sống khác ít ở tiền tuyến hơn. Kiếp ngay trước kiếp này là một kiếp vô thưởng vô phạt ở Chicago. Khi linh hồn muốn đóng một vai trò lớn hơn, việc đặt hóa thân vào một nơi nhận được mức độ chú ý cao nhất thế giới là một lợi thế.”
“Nhưng các vị có thể chọn Atlantis, Ai Cập cổ đại hoặc nước Mỹ vào năm 3000.”
“Phải.”
“Các vị có thể chọn một hành tinh khác không?”
“Có, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng linh hồn này làm việc rất hiệu quả trong hình dạng loài người hai chân, và do đó Trái Đất là một trường học được ưa thích.”
Staci xen vào. “Tôi thoáng thấy vài điều về kiếp sống ở Đức. Trải nghiệm với ung thư vú này cũng đã giúp năng lượng của phàm ngã kiếp đó xóa đi cảm giác tội lỗi.”
“Đúng rồi”, linh hồn của Doris trả lời. “Có hai bài học từ kiếp đó được xử lý trực tiếp trong kiếp sống này. Đầu tiên là xu hướng bài Do Thái mạnh mẽ, cũng là lý do tại sao phàm ngã [Doris] mặc dù sinh ra trong một gia đình Do Thái nhưng chưa bao giờ cảm thấy đó là một sự sắp đặt đúng đắn. Chính nhờ đạt được một sự hiểu biết, kiếp sống ở Đức – cái nút thắt nghiệp đó – đã được gỡ bỏ.
Đây cũng là kiếp trong hóa thân đàn ông với những khó khăn lớn trong việc gần gũi phụ nữ. Có ba người phụ nữ trong đời người lính Đức đó. Người đầu tiên là một cô gái [anh gặp] lúc mới qua hai mươi tuổi mà anh rất yêu thương và đặt nhiều hy vọng, nhưng những hy vọng của anh đã tiêu tan một cách tàn nhẫn. Rồi tới người thứ hai, anh quan hệ khi là một kỹ sư ở châu Phi, anh đã có một cảm giác tội lỗi và tự ghê tởm khủng khiếp vì vượt qua rào cản chủng tộc. Câu chuyện thứ ba là với một cô gái mà anh đính hôn một tháng trước khi bị giết. Thú vị là, nếu bạn đặt bức ảnh của vị hôn thê ấy bên cạnh hóa thân người mẹ [của Doris], bạn sẽ thấy rằng hai người trông rất giống nhau.”
“Có phải phàm ngã ở Đức đã tham chiến? Một phi công?” Staci hỏi.
“Phải,” linh hồn của Doris trả lời.
Staci giải thích, “Bệnh ung thư quay trở lại để làm giảm bớt mặc cảm tội lỗi khi cướp đi sinh mạng của những con người vô tội. Cảm giác tội lỗi ấy từng bị phàm ngã nọ kìm nén khi còn sống, mặc dù cảm xúc vẫn còn ở đó. Chỉ đến khi sang thế giới bên kia, phàm ngã này mới không thể tha thứ cho chính mình tới mức có thể giải phóng mọi gánh nặng tình cảm.”
“Điều này là chính xác,” linh hồn của Doris xác nhận.
Thông tin của Staci đã cung cấp những mảnh ghép cuối cùng của trò chơi ghép hình. Cảm thấy rằng chúng tôi đã đi tới một sự hiểu biết trọn vẹn về việc tại sao Doris phải trải qua một trải nghiệm khó khăn tới vậy, tôi hỏi thêm một câu.
“Các vị sẽ nói gì với một người cũng bị chẩn đoán ung thư vú, không nhìn thấy được một ý nghĩa tâm linh sâu sắc hơn, và đang tự hỏi ‘Tại sao Chúa lại làm thế với tôi?’”
“Tất cả đều là lựa chọn. Tất cả đều là do góc nhìn. Nói vậy không có ý rằng phàm ngã không có quyền được sợ hãi hay than khóc, nhưng tất cả những gì các bạn được trao, ngay cả điều khó khăn nhất, đều chứa đựng trong nó những hạt mầm sâu sắc của hiểu biết và cái đẹp. Kinh nghiệm của chứng bệnh ưng thu vú có thể gia tăng những giác quan, có thể đưa người ta vào một cuộc sống mà sẽ không thể tồn tại nếu họ vẫn khỏe mạnh, có thể đánh thức tài năng và sức mạnh mà họ không biết rằng mình có. Nếu một người nhìn nhận ung thư là sự tàn nhẫn, họ sẽ không thể vượt qua nó. Họ vốn đã bị đánh bại rồi. Nếu một người có thể nhìn nhận ung thư một cách trung tính như nhìn vào đám cháy một cách tích cực, tiêu cực hoặc trung tính, người đó được trang bị tốt hơn để lắng nghe bài học một cách rõ ràng.
Bệnh tật là biểu hiện cuối cùng của những khó khăn về cảm xúc hay tâm lý. Đó chỉ là một lớp khác của quá trình học tập.
Không có lỗi lầm nào hết. Không có sự trừng phạt. Đó không phải là dấu hiệu của việc thiếu thốn tình yêu từ Chúa, vị hướng dẫn tâm linh của bạn, hay thiên thần của bạn. Đó là một phần trong sự tồn tại của con người, cũng như sự cần thiết của giấc ngủ, cái nóng và cái lạnh. Khi nhân loại học cách biểu hiện bản thân ở một tầng rung động cao hơn, bệnh tật không còn phục vụ cho mục đích nào nữa và do đó sẽ tiêu biến.”
“Cảm ơn các vị vì đã nói chuyện với chúng tôi hôm nay.”
“Cảm ơn các bạn vì đã cho phép chúng tôi truyền dạy theo một cách khác. Các bạn hoàn thiện. Chúng tôi hoàn thiện.”
Buổi thỉnh hồn về phiên lên kế hoạch trước khi chào đời của Doris
Sau buổi nói chuyện với linh hồn của Doris, tôi đã yêu cầu Staci truy cập vào phiên lên kế hoạch trước khi chào đời của Doris.
“Tôi đang ở trong một căn phòng với rất nhiều linh hồn”, Staci bắt đầu. “Những người mà giờ tôi sẽ tập trung vào là Doris và mẹ cô ấy. Linh hồn của người mẹ đang đồng ý hy sinh. Bà ấy thực sự là một linh hồn rộng lượng và giàu lòng yêu thương, nhưng đang đồng thuận với việc đóng một vai trò đã được lên kịch bản [với linh hồn của Doris]. Có một vài khía cạnh trong phàm ngã của người mẹ tồn tại là để dành cho sự trưởng thành của riêng bà ấy, nhưng cũng có một vài trao đổi về việc linh hồn của người mẹ sẽ làm dịu đi một vài khía cạnh của bà và khiến một vài khía cạnh khác trở nên khắc nghiệt hơn để giúp Doris đạt được những gì cô ấy muốn. Tôi liên tục nghe thấy từ hy sinh, như thể là bà ấy gạt một vài mục tiêu chính của mình sang thêm một kiếp nữa.
Khả năng mắc bệnh ung thư được trình bày với Doris như một sản phẩm phụ của một vài lựa chọn mà cô ấy có thể đưa ra khi đối diện với một vài vấn đề nghiệp. Nó được nhắc đến trong cả lời thảo luận và cả ở trên một cái bảng. Tôi thấy Doris đang nhìn xuống sàn. Tôi thấy ba vị hướng dẫn tâm linh quanh cô. Trên sàn, tôi nhìn thấy cái bảng. Đó là sơ đồ của một con đường sẽ được chọn với những ngã rẽ có thể được chọn trên con đường đó. Nó thể hiện lựa chọn nào sẽ dẫn đến hậu quả gì.
Tôi nhìn thấy Doris gật đầu đồng ý, rằng cô đã có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về những gì họ đang trình bày. Tôi thấy cô ấy đang đồng ý đối diện với căn bệnh ung thư vú nếu nó xuất hiện và cũng đồng ý rằng nó sẽ có tác dụng cảnh tỉnh.
Tôi được báo cho là Doris đến từ một nhóm những người thầy. Đó là mục tiêu chính trong cách cô muốn cống hiến cho người khác.”
Cũng giống như bệnh của Jon, căn bệnh ung thư vú của Doris là kết quả của những suy nghĩ về bản thân, thứ suy nghĩ được một sự kiện mà cô đã lên kế hoạch từ trước khi chào đời kích hoạt. Như những cơn sóng xô vào bờ cát, suy nghĩ của ta quét sạch cơ thể ta. Và cũng giống như thủy triều xê dịch đến từng hạt cát, những suy nghĩ của ta cũng xoáy vào và vờn quanh từng tế bào của ta, tác động vào năng lượng mà chúng mang. Mặc dù có vẻ như suy nghĩ của ta nảy sinh là để phản ứng với hiện thực vật chất, nhưng kỳ thực là chúng tạo ra hiện thực ấy. Ở trong hình dạng con người, từng tế bào là một ý thức riêng biệt mà sẽ phản ứng với tiếng nói của tâm trí. Tiếng nói ấy vọng khắp cơ thể ta như một tiếng hét vọng vào hẻm núi, và các tế bào của ta nghe theo tiếng gọi ấy.
Khi lên kế hoạch cho cuộc đời mình, ta nhận thức được sức mạnh của suy nghĩ tác động tới cơ thể mà ta sẽ trú ngụ. Ta cũng biết rằng cách đáp trả của ta với những thử thách được lên kế hoạch có thể sẽ hình thành những suy nghĩ tạo ra bệnh tật. Vì lý do đó, cả Doris và mẹ cô đã thể hiện một sự can đảm lớn khi lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Doris tìm kiếm sự chữa lành cho năng lượng chưa được giải tỏa của sự ghê tởm đối với phụ nữ và hình thể nữ giới, còn mẹ cô thì mong muốn tạo điều kiện hiện thực hóa sự chữa lành ấy. Từ góc nhìn của linh hồn, những lời khắc nghiệt của mẹ cô đều xuất phát từ tình yêu bởi chúng phản chiếu khía cạnh mà Doris cần chữa lành. Trước khi ra đời, Doris đã biết rằng những lời ấy sẽ rất khó nghe. Cô cũng biết rằng phản ứng của mình với chúng có thể dẫn tới bệnh ung thư vú. Sự can đảm và mong muốn được tự chữa lành của cô lớn tới mức cô lựa chọn con đường cuộc sống này, không phải bất chấp những thử thách ấy, mà là chọn vì có chúng.
Có rất nhiều kiểu lời lẽ gây tổn thương và nhiều cách mà một người có thể lăng mạ người khác. Với những điều mà Doris tìm cách chữa lành, không phải tình cờ mà cô chọn một thân hình nở nang, hoặc mẹ cô lặp đi lặp lại những bình luận về cân nặng và kích cỡ bộ ngực của cô, không phải tự nhiên mà xảy ra sự cố quan trọng năm cô 16 tuổi dẫn đến sự nhục mạ với những từ như đĩ và điếm. Kế hoạch cuộc đời của Doris là một dạng cụ thể của thử thách đối với việc tự yêu mình. Sự phán xét từ mẹ cô về tính cách và bề ngoài của cô được thiết kế để thể hiện cho Doris thấy những phán xét cụ thể mà cô đã có đối với phụ nữ trong những tiền kiếp của mình. Như linh hồn của Doris đã nói, phụ nữ đã không được tôn trọng và nhìn nhận bình đẳng trong những kiếp sống đó. Năng lượng của những phán xét đó đáng lẽ đã có thể được giải phóng và chữa lành nếu cô lựa chọn tự yêu mình khi đối mặt với sự lên án của mẹ. Khi Doris, thay vào đó, chọn tiếp nhận những lời nói của mẹ mình, ngòi nổ cho cuộc hành trình – tiềm năng đã được lên kế hoạch của bệnh ung thư vú – đã được kích hoạt. Cũng như lời nói có thể gây ra nhiều kiểu tổn thương, ung thư cũng có nhiều loại. Sự phát triển của căn bệnh ung thư vú không tình cờ hơn bất cứ yếu tố nào khác trong đời Doris.
Như linh hồn của cô đã nói với chúng tôi, bệnh ung thư của cô không phải là một sự thất bại hay trừng phạt. Từ góc nhìn của phàm ngã, đau khổ là tệ, và học nhanh thì tốt hơn là học chậm. Với linh hồn thì không có “sự tệ hại” trong bất cứ kinh nghiệm nào, và thời gian ta cần để học một điều gì đó như là tình yêu dành cho chính mình không hề quan trọng. Linh hồn luôn nhận thức được bản chất vĩnh cửu của mình, và linh hồn hoạt động trong những chiều không gian không có thời gian tuyến tính. Do vậy, linh hồn quan tâm tới sự phát triển chứ không phải thời gian cần thiết cho sự phát triển đó.
Tính nhị nguyên mà ta thấy ở thế giới này – đúng/sai, tốt/xấu – trái ngược rõ ràng với tính trung lập của linh hồn. Mặc dù phàm ngã có xu hướng phán xét mọi thứ trôi qua trên dòng chảy cuộc đời, linh hồn ngồi lặng lẽ và trầm ngâm bên bờ nước, quan sát với lòng trắc ẩn và không phán xét. Một sự bình yên nội tại sâu sắc sẽ tới khi chúng ta nhớ ra sự trung lập ấy. Phần lớn mục đích của cuốn sách này là để tạo điều kiện cho sự chuyển dịch từ ý-thức-con-người sang ý-thức-linh- hồn. Để tạo ra sự chuyển dịch ấy, ta cần bồi đắp một sự tách biệt an toàn khỏi những sự kiện cuộc sống có tiềm năng gây tổn thương. Sự tách biệt ấy không xóa bỏ đi những sự kiện như vậy, nhưng nó có thể làm giảm bớt nỗi đau đớn mà chúng gây ra. Đối với phàm ngã, phán xét là kết quả tự nhiên của nỗi khổ đau. Đối với linh hồn, khổ đau là kết quả tự nhiên của phán xét. Khi thức tỉnh và nhớ lại rằng mình là những linh hồn vĩnh cửu không thể bị làm tổn thương, chúng ta giải phóng sự phán xét đối với thử thách cuộc sống. Thế chỗ cho những phán xét đó, chúng ta đón nhận một sự trung lập sẽ làm giảm bớt khổ đau và tăng cường niềm vui.
Khi mở rộng khái niệm về chính mình từ phàm ngã sang linh hồn, chúng ta cho mình một hiểu biết về bản thân chuẩn xác hơn. Chúng ta cũng chuyển dịch sự tập trung vào nỗi khổ phát sinh từ thử thách cuộc sống sang sự khôn ngoan và trưởng thành mà chúng đem tới. Chúng ta từng thấy sự vô nghĩa, giờ đây chúng ta thấy mục tiêu. Chúng ta từng thấy sự trừng phạt, giờ chúng ta thấy món quà. Chúng ta từng thấy gánh nặng, giờ chúng ta thấy cơ hội. Chúng ta không còn là nạn nhân của cuộc sống thêm một lần nào nữa, chúng ta trở thành đối tượng nhận được rất nhiều phước lành từ chúng.
Trong câu chuyện của Jon, linh hồn nói với chúng ta rằng AIDS chữa lành nhân loại. Tương tự, từ góc nhìn của linh hồn Doris, căn bệnh ung thư là một dạng của chữa lành chứ không phải bệnh tật. Thời khắc mà Jon và Doris giải phóng sự tủi nhục và tự ghê tởm và thay vào đó lựa chọn yêu chính mình, họ khiến mọi con người của Trái Đất có thể thay thế sự tự phán xét bằng tự yêu thương dễ dàng hơn. Nghĩa là họ tạo ra một rung động hoặc sự cộng hưởng của tình yêu tỏa rộng ra ngoài phạm vi tác động trực tiếp của họ. Cũng như người ta vẫn nói một cánh bướm đập có thể gây ra gió giật ở phía bên kia quả địa cầu. Theo cùng một cách, lựa chọn yêu thương chính mình của Jon và Doris có tác động năng lượng sâu rộng. Khi chuyển dịch từ góc nhìn của phàm ngã sang góc nhìn của linh hồn, chúng ta nhớ lại sự thật mà chúng ta biết trước khi sinh ra – rằng hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Bằng cách vượt qua những thử thách mà chúng ta lên kế hoạch trước khi chào đời, chúng ta tạo ra một sự cộng hưởng sẽ chữa lành nhân loại.
Khi lên kế hoạch cho cuộc đời mình, ta chọn “làm việc” với những linh hồn khác mà ta yêu thương rất nhiều và cũng yêu thương ta. Cũng như cha mẹ của Jon, mẹ của Doris biết từ trước khi sinh rằng sẽ có những xung đột đau đớn với con mình. Chỉ có một linh hồn thực sự yêu Doris và cam kết với sự tiến hóa của cô mới có thể đồng ý gánh chịu cơn giận dữ của cô ấy. Theo cách này, những người hành hạ ta nhiều nhất thường lại là những người chia sẻ với ta nhiều yêu thương nhất khi ở thể linh hồn. Khi kiếp sống này kết thúc, Doris sẽ cảm ơn mẹ mình về sự trưởng thành mà bà đã nuôi dưỡng, và mẹ của Doris sẽ cảm ơn cô về cơ hội được cống hiến. Lòng biết ơn dành cho những người đã mang lại nhiều khó khăn nhất cho ta – và do vậy kích thích sự tiến hóa của ta nhiều nhất – là một góc nhìn ở cấp-độ-linh-hồn mà ta có thể tiếp nhận khi vẫn ở trong cơ thể. Khi đưa ra lựa chọn đó, ta loại bỏ sự kết tội ra khỏi cuộc đời mình. Khi không kết tội, việc tha thứ trở nên khả thi, và với sự tha thứ, sự chữa lành sẽ tới.
Như Staci đã nói rõ, mẹ của Doris đồng ý với việc trì hoãn một phần quá trình trưởng thành bà cần để giúp đỡ Doris. Việc các linh hồn gạt việc học tập của họ sang một bên để phục vụ người khác là thường thấy. Từ cấp độ con người, ta rất khó hình dung được rằng một số người “đối xử tệ” với ta thực tế là đang cống hiến cho ta dưới một hình thức nào đó. Thậm chí còn khó hơn nữa để thấy rằng điều được cho là “đối xử tệ” đó lại là một sự hy sinh từ phía họ. Những khái niệm này, vốn rất quen thuộc với ta trước khi ta được sinh ra, lại bị lãng quên khi ta đầu thai. Nhớ lại những điều này chính là biết chính mình một cách sâu sắc hơn và theo những cách không thể có nếu không có sự hóa thân vật lý.
Doris đã tận dụng tối đa các thử thách của mình. Cô đã muốn học cách tự yêu bản thân. Cô đã làm như vậy bằng cách nhận lấy tình yêu thương bao la trao đi từ gia đình và bạn bè đã đến với cô khi cô bệnh. Cô đã muốn tôn trọng phụ nữ theo cách mà cô đã không làm ở những tiền kiếp. Bằng việc trải nghiệm một loại ung thư chỉ có ở nữ giới, Doris đã bị buộc phải dựa vào những người phụ nữ khác để được hỗ trợ về mặt tinh thần. Cô nhận thấy sức mạnh của họ và tôn trọng họ vì lẽ đó. Cô muốn trải nghiệm tính dục theo một cách yêu thương hơn. Nhu cầu chữa bệnh ung thư đã khơi dậy những tài năng cá nhân như sự sáng tạo và lòng can đảm. Khi tập trung vào những phẩm chất ấy, Doris không còn thấy cần hay mong muốn sử dụng năng lượng tình dục như trước nữa. Khi trở về trạng thái linh hồn, cô sẽ vui mừng vì vẻ đẹp của kiếp sống này. Sự đau khổ chỉ còn là một khoảnh khắc ngắn ngủi trong “thời gian”; sự thông tuệ sẽ là của cô mãi mãi. Khi cuối cùng cô cũng nhận lấy vai trò vị hướng dẫn tâm linh, những người được cô dẫn dắt sẽ được hưởng lợi từ đó. Các bạn và tôi có thể sẽ là một trong những người ấy.
Ý nghĩa các sự kiện trong đời thể hiện rất ít qua vẻ bề ngoài, mà nằm chủ yếu ở cách nhìn ngược lại. Trong câu chuyện của Jon và Doris, chúng ta đã thấy bệnh tật lại có tác dụng chữa lành. Tương tự, cảm giác bất lực, thường dẫn đến sự xuất hiện của một căn bệnh nghiêm trọng, thực tế là sản phẩm phụ của một cuộc sống được một thực thể vô cùng mạnh mẽ thiết kế. Sức mạnh mà ta sở hữu để lên kế hoạch cho cuộc sống của chính ta và tạo ra những trải nghiệm trưởng thành ta tìm kiếm là vô cùng to lớn. Sức mạnh đó mở rộng ra để lên kế hoạch cho một cuộc sống sẽ chứa đựng cả bệnh tật thể chất. Trong tư cách linh hồn, chúng ta nhận thức được hiện thực ấy. Là con người, chúng ta mất dấu nó – theo đúng kế hoạch – đến khi bệnh tật và những thử thách cuộc sống khác đánh thức ta nhớ lại. Khi đó, ta sẽ nhớ ra chỉ có những đấng tạo hóa quyền lực nhất mới có thể tạo ra một thế giới mà ở đó, ta dường như bất lực, một thế giới đầy những cơ hội kỳ diệu để ta tái khám phá bản thân và qua đó lấy lại được sức mạnh của mình.