Có thể bạn thấy ý tưởng về việc lập kế hoạch trước khi chào đời – đặc biệt là việc thiết kế trước những thử thách đau đớn – là đáng kinh ngạc. Tôi hiểu rất rõ cảm giác ấy. Với phần lớn chúng ta, ý tưởng này thể hiện một quan điểm mới và hoàn toàn khác để nhìn nhận thế giới và mục đích của ta ở nơi đây. Các thách thức phải đối mặt càng bi thảm, ta càng khó chấp nhận được ý tưởng này. Hiểu biết của tôi, sự chấp nhận của tôi, và sự trân trọng mà cuối cùng tôi cũng có được đã hình thành chậm rãi và theo từng giai đoạn, đặc biệt là khi liên quan tới những khía cạnh đau đớn nhất của cuộc đời mình. Với từng giai đoạn, tôi đều cảm thấy sự chữa lành đối với những vết thương cũ. Nỗi tức giận và oán hận phai mờ dần, thay vào đó là những xúc cảm của sự yên bình và niềm vui. Tôi đã thấy được một vẻ đẹp của cuộc sống mà trước đó đã lảng tránh tôi.
Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này không phải là để thuyết phục bạn về sự thực tuyệt đối của kế hoạch trước khi chào đời, mà thay vào đó là cung cấp cho bạn, với tinh thần muốn giúp đỡ, một ý tưởng đã thực sự rất hữu ích với tôi. Tôi chỉ đề nghị bạn xem xét khả năng tồn tại của nó. Bạn không cần phải tin vào ý tưởng ấy thì mới có thể hưởng lợi lạc từ nó. Bạn chỉ cần tự hỏi mình, “Nếu như thế thì sao? Nếu thực sự mình đã tự lên kế hoạch cho trải nghiệm này từ trước khi mình sinh ra thì thế nào? Liệu có thể vì lý do gì mà mình làm như thế?” Chỉ cần đặt ra những câu hỏi ấy thôi cũng sẽ tạo ra ý nghĩa mới cho những thử thách trong đời và khởi phát một hành trình tự khám phá bản thân. Hành trình ấy không đòi hỏi một niềm tin cụ thể nào về tâm linh và thế giới siêu hình, mà chỉ cần ta quan tâm đến sự phát triển cá nhân và chịu tiếp nhận minh triết.
Trong những trang sách này, bạn sẽ đọc được những câu chuyện của mười con người rất can đảm. Bạn sẽ tìm hiểu về những gì họ đã lên kế hoạch trước khi chào đời và lý do họ làm vậy. Quá trình tìm hiểu việc lên kế hoạch trước khi ta sinh ra có thể cũng giống như xem một tác phẩm điêu khắc. Nếu thực sự muốn thưởng thức được tác phẩm, bạn sẽ không chỉ nhìn nó từ một góc. Thay vào đó, bạn sẽ đi xung quanh nó, sẽ dừng lại ở nhiều chỗ khác nhau để ngắm nghía từ một góc độ mới và quan sát các sắc thái mà giờ đây chợt hiện ra rõ ràng. Mỗi câu chuyện là một góc nhìn như thế. Bằng cách xem xét kế hoạch trước khi chào đời từ mười góc độ, bạn sẽ đạt được một sự hiểu biết đầy đủ và tổng hợp hơn so với chỉ một hay hai góc độ hoặc một thảo luận mang tính lý thuyết đơn thuần.
Tôi rất khuyến khích bạn đọc những câu chuyện này bằng cả trái tim. Trái tim có một khả năng nhận thức cao hơn, một sự minh tuệ lớn hơn, so với tâm trí. Những phân tích học thuật chỉ có thể đưa bạn đi xa tới đó mà thôi. Những câu chuyện này là để ta cảm nhận. Khi bạn ở trong trạng thái linh hồn vĩnh cửu, lên kế hoạch cho kiếp sống này, bạn đã không màng tới việc tâm trí rồi sẽ biết gì. Thay vào đó, bạn muốn trải nghiệm những cảm xúc có được thông qua kiếp sống ở một cõi vật chất. Thử thách cuộc sống là một phương tiện đặc biệt mạnh mẽ để tạo ra cảm xúc, những thứ mà, tới lượt nó, là yếu tố sống còn đối với việc tự biết mình của linh hồn. Những cảm xúc này không thể thực sự được hiểu bằng tâm trí; thực tế, tâm trí lại là một rào cản. Trong rất nhiều trường hợp, cuộc sống là một hành trình từ cái đầu đến trái tim. Chúng ta đã lên kế hoạch cho những thử thách cuộc sống là để tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình này, để giúp chúng ta mở rộng trái tim, và rồi chúng ta có thể hiểu hơn và trân trọng nó hơn.
Đồng cảm là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn tới trái tim và khiến cho việc hiểu được những câu chuyện ấy cùng với ý nghĩa tâm linh của nó trở nên khả dĩ. Giống như những người trong cuốn sách này đã phải thật can đảm để lên kế hoạch cho những thử thách và rồi còn chia sẻ chúng với bạn, bạn cũng sẽ cần đến lòng can đảm để đồng cảm với họ. Tôi tin rằng sự đồng cảm sẽ giúp chữa lành. Nếu đang mong được chữa lành, bạn có thể sẽ thấy lòng dũng cảm của mình được đền đáp.
Chương sách này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần có để có thể trân trọng được khía cạnh siêu hình của những câu chuyện. Nếu bạn không quen thuộc với khái niệm thế giới siêu hình, một vài ý ở đây có thể khá bất thường với bạn, tôi cũng từng cảm thấy như vậy. Tôi đề nghị bạn hãy kiên nhẫn. Chương này cũng sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về những điểm tương đồng tôi tìm thấy trong bản thiết kế cuộc đời của các nhân vật được phỏng vấn. Với lộ trình này, bạn sẽ có một khuôn khổ để kết hợp những tri thức mà họ chia sẻ.
Tại sao chúng ta lại giáng sinh
Kế hoạch mà chúng ta đã lên trước khi sinh ra có sức ảnh hưởng rộng lớn và rất chi tiết. Nó bao gồm những thử thách cuộc sống và còn nhiều hơn thế. Ta chọn bố mẹ mình (và họ chọn ta), thời điểm và địa điểm mà ta sẽ giáng sinh, những ngôi trường ta sẽ theo học, những ngôi nhà ta sẽ ở, những con người ta sẽ gặp và những mối quan hệ ta sẽ có. Nếu bạn từng cảm thấy như mình đã biết một người mà bạn chỉ vừa gặp, điều đó có thể là sự thực. Người ấy có thể là một phần của kế hoạch trước khi chào đời mà bạn đã tạo nên. Khi một nơi chốn, cái tên, hình ảnh hoặc câu nói có vẻ quen thuộc đến kỳ lạ vào lần đầu tiên bạn nhìn hay nghe thấy, cảm giác quen thuộc đó thường là một sự nhớ lại mù mờ về những gì đã được thảo luận từ trước khi ta giáng sinh. Trong nhiều phiên lên kế hoạch, ta dùng tên và khoác lên vẻ bề ngoài mà ta sẽ có sau khi được sinh ra. Những sự luyện tập như vậy giúp ta nhận ra nhau ở cõi vật chất. Cảm giác déjà-vu1 thường được quy cho, một cách chính xác, là sự kiện của tiền kiếp, nhưng cũng có rất nhiều trải nghiệm déjà-vu là ký ức của kế hoạch trước khi chào đời.
1 Déja-vu là một từ gốc tiếng Pháp có nghĩa đen là “đã nhìn thấy”, còn được gọi là “ký ức ảo giác”, chỉ hiện tượng cảm thấy quen thuộc (như đã từng thấy hay trải qua) ở trong một môi trường, khung cảnh mới hay cảm thấy mình đã từng trải qua một sự kiện trước đây mà không biết được là lúc nào. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Émile Boirac, một nhà nghiên cứu về tâm linh người Pháp, viết trong cuốn sách L’Avenir des Sciences Psychiques (Tương lai của ngành khoa học Tâm linh) – chú thích của người dịch (từ nay ký hiệu là ND).
Khi tiến vào Trái Đất, chúng ta quên đi nguồn gốc của mình ở dạng linh hồn. Chúng ta biết từ trước khi giáng sinh là sẽ gặp hiện tượng mất trí nhớ tự thân này. Cụm từ phía sau bức màn đề cập tới trạng thái quên lãng này. Là những linh hồn thiêng liêng, chúng ta tìm kiếm sự lãng quên danh tính thực sự của mình bởi việc nhớ lại sẽ trao cho ta khả năng tự hiểu mình sâu sắc hơn. Để đạt được nhận thức sâu hơn này, ta rời khỏi cõi phi vật chất – một nơi của niềm vui, sự yên bình và tình yêu – bởi ở nơi đó ta không có được cho mình trải nghiệm về sự tương phản. Khi thiếu đi sự tương phản, ta không thể thấu hiểu được bản thân mình.
Hãy tưởng tượng, nếu bạn muốn, một thế giới mà ở đấy chỉ có ánh sáng. Nếu bạn không bao giờ trải nghiệm bóng tối, thì liệu bạn có thể hiểu và trân trọng ánh sáng tới đâu? Có một sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối dẫn tới một mức độ thấu hiểu phong phú hơn và, cuối cùng, là một sự hồi tưởng. Cõi vật chất cung cấp cho chúng ta sự tương phản này bởi nó chính là tính nhị nguyên: lên và xuống, nóng và lạnh, tốt và dở. Nỗi buồn trong nhị nguyên cho phép ta biết nhiều hơn về niềm vui. Sự hỗn loạn của Trái Đất làm gia tăng sự trân trọng dành cho hòa bình. Sự căm ghét ta có thể trải qua sẽ làm sâu sắc thêm cho hiểu biết về tình yêu. Nếu ta chưa từng được nếm trải những khía cạnh này của nhân loại, thì làm sao ta có thể thấu hiểu được sự linh thiêng của mình?
Hãy tưởng tượng rằng bạn vốn đến từ một nơi mà ở đó thứ âm nhạc đẹp đẽ tinh tế nhất từng được tạo ra luôn luôn vang vọng. Thứ âm nhạc ấy cuồng nhiệt và rực rỡ. Và miễn rằng bạn còn sống, bạn vẫn sẽ nghe thấy được thứ âm nhạc ấy. Nó không bao giờ vắng bóng, và cũng không có thứ âm nhạc nào khác được chơi cả. Một ngày kia, bạn nhận ra rằng bởi bạn luôn nghe thấy nó, bạn chưa bao giờ thực sự lắng nghe nó. Điều ấy có nghĩa là bạn chưa bao giờ thực sự biết về nó bởi bạn không biết bất cứ thứ gì khác. Do vậy, bạn quyết định rằng bạn muốn thực sự được biết về thứ âm nhạc này. Làm thế nào bạn làm được việc ấy?
Một cách sẽ là tới nơi không có thứ âm nhạc của Quê nhà bạn. Có thể là nơi có một thứ âm nhạc có những nốt trầm và những đoạn ngẫu hứng. Độ tương phản sẽ mang đến cho bạn một niềm trân trọng mới dành cho thứ âm nhạc bạn nghe thấy ở nơi Quê nhà.
Cách thứ hai là đi tới một nơi không có âm nhạc của Quê nhà và tái tạo nó từ ký ức. Trải nghiệm của việc tạo ra được những âm thanh diệu kỳ ấy sẽ trao cho bạn một sự hiểu biết còn sâu sắc hơn về vẻ đẹp của nó.
Còn có một khả năng thứ ba, khả năng này thách thức bạn nhiều hơn nhưng đồng thời cũng chứa đựng lời hứa hẹn vĩ đại nhất. Bạn sẽ hiểu rằng một sự hiểu biết sâu sắc có thể đạt được bằng việc đi tới một nơi không có thứ âm nhạc của Quê nhà và khi tới đó, bạn tái tạo lại nó nhưng chỉ sau khi đã quên mất nó như thế nào. Trải nghiệm của việc nhớ lại và sau đó tạo ra những bản giao hưởng tuyệt diệu của Quê nhà sẽ tạo ra sự hiểu biết giàu có nhất, đầy đủ nhất và rộng lớn nhất về sự vĩ đại vốn có của chúng.
Và một cách thật can đảm, bạn sẽ du hành tới cái thế giới có thể trao cho bạn lựa chọn thứ ba đó. Nơi ấy bạn sẽ nghe thấy âm thanh mà bạn, dù không nhớ gì, tin rằng đó là thứ âm nhạc duy nhất mà bạn từng nghe thấy. Một vài bài hát nghe đáng yêu, nhưng rất nhiều bài làm đôi tai bạn khó chịu. Những âm thanh khắc nghiệt này sẽ nuôi dưỡng trong bạn một mong muốn – và cuối cùng trở thành một quyết tâm – tạo ra thứ âm nhạc ban đầu.
Sớm thôi, bạn bắt đầu viết nên những bản nhạc của riêng mình. Ban đầu, bạn bị phân tâm trước thứ âm nhạc ồn ào của thế giới mới. Tuy nhiên, theo thời gian, khi bạn quay lưng lại với thứ ánh sáng ở bên ngoài và lắng nghe những giai điệu ở trong trái tim mình, những sáng tạo âm nhạc của bạn đơm hoa kết trái thật đẹp đẽ. Cuối cùng bạn sẽ tạo ra kiệt tác của mình, và khi nó kết thúc bạn sẽ nhớ ra một điều: kiệt tác mà bạn đã viết chính là thứ âm nhạc đã được chơi ở Quê nhà. Và hồi ức này sẽ kích hoạt một hồi ức khác: Bạn chính là thứ âm nhạc đó. Đó không phải là một thứ gì bạn nghe thấy từ phía bên ngoài; thay vào đó, nó đã là bạn, và bạn đã là nó. Và bởi việc tạo ra bản thân mình ở một nơi mới, giờ đây bạn biết chính mình – thực sự biết chính mình – theo một cách không thể có nếu bạn chưa bao giờ rời Quê nhà mình.
Đây là trải nghiệm mà linh hồn mong muốn. Một linh hồn là một tia sáng của Thánh thần; một nhân cách – phàm ngã – là một phần năng lượng của linh hồn trú ngụ trong cơ thể vật lý. Phàm ngã chứa đựng những đặc điểm tạm thời chỉ tồn tại trong kiếp sống vật lý tương ứng, còn phần cốt lõi bất tử sẽ hội ngộ với linh hồn sau cái chết. Linh hồn rộng lớn và vượt xa khỏi bất cứ một phàm ngã nào, nhưng mỗi phàm ngã đều quan trọng và được linh hồn thực sự yêu thương.
Quan trọng là, phàm ngã có ý chí tự do. Những thách thức trong cuộc sống do đó có thể được chấp nhận hoặc từ chối. Trái Đất là một sân khấu mà ở đó, phàm ngã thể hiện vai diễn hoặc đi chệch khỏi kịch bản được viết trước khi sinh ra. Chúng ta chọn cách chúng ta phản ứng – với sự tức giận và cay đắng hoặc với tình yêu và lòng trắc ẩn. Khi chúng ta nhận ra rằng mình đã lên kế hoạch cho những thử thách, lựa chọn trở nên rõ ràng và dễ thực hiện hơn nhiều.
Khi chúng ta ở trong cơ thể vật lý của mình, linh hồn chúng ta giao tiếp với chúng ta thông qua cảm xúc. Những xúc cảm như niềm vui, sự bình yên và sự phấn khích cho thấy chúng ta hành động và suy nghĩ theo những cách phù hợp với bản chất thực sự của chúng ta – những linh hồn tràn đầy yêu thương. Cảm xúc như sự sợ hãi và nghi ngờ gợi ra điều ngược lại. Cơ thể chúng ta là những bộ thu (và truyền) năng lượng cực kỳ nhạy cảm, báo cho chúng ta thông qua cảm xúc mỗi khi có một sự khớp hay lệch giữa người mà chúng ta thực sự là và cách mà chúng ta đang thể hiện mình.
Tại sao chúng ta lại lên kế hoạch cho thử thách
Kế hoạch cuộc sống được sắp đặt để ta trải nghiệm việc không là chính mình trước khi ta nhớ ra mình thực sự là ai. Có nghĩa là, chúng ta khám phá những âm thanh náo loạn trong cuộc sống nơi Trái Đất trước khi chúng ta tái tạo được những bản giao hưởng của Quê nhà. Mô hình này đã trở nên khá rõ ràng với tôi khi tôi tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách này. Tôi gọi những thiết kế cuộc sống này là kế hoạch “học-tập-thông- qua-các-cực”.
Ví dụ, một linh hồn có lòng trắc ẩn sâu sắc muốn biết về chính mình ở dạng lòng trắc ẩn có thể chọn giáng sinh vào một gia đình có rất nhiều vấn đề. Khi bị đối xử một cách thiếu nhân ái, cô sẽ trân trọng lòng trắc ẩn một cách sâu sắc hơn. Chính sự thiếu vắng một điều gì đó sẽ dạy ta tốt nhất về giá trị và ý nghĩa của nó. Một sự thiếu vắng lòng trắc ẩn từ thế giới bên ngoài sẽ buộc cô hướng vào bên trong, nơi cô nhớ ra lòng trắc ẩn của chính mình. Sự tương phản giữa việc thiếu đi lòng trắc ẩn ở thế giới vật lý và lòng trắc ẩn nội tại của cô trao cho cô một sự thấu hiểu về lòng trắc ẩn và, do đó, về bản thân cô. Từ góc độ của tâm hồn, nỗi đau vốn có trong quá trình học tập này là tạm thời và ngắn ngủi, nhưng sự khôn ngoan nhận được là vĩnh cửu theo đúng nghĩa đen. Có một khía cạnh của việc học tập thông qua các mặt đối lập trong mỗi câu chuyện trong cuốn sách này.
Nhớ lại bản chất thực sự của chúng ta – những linh hồn hùng tráng, siêu việt, vĩnh cửu – là một cách để vượt qua những thử thách cuộc đời của chúng ta. Ví dụ, những người tự định nghĩa bản thân bằng cơ thể của họ sẽ cảm thấy nỗi đau đớn rất lớn nếu cơ thể của họ bị tổn thương nghiêm trọng. Những người khác cũng phải chịu đựng sự tổn thương thể xác tương tự nhưng định danh bản thân bằng linh hồn mình sẽ trải nghiệm ít đau đớn hơn rất nhiều. Bởi những thử thách kêu gọi ta nhớ lại bản thân mình như là những linh hồn, chính sự kiện vốn gây ra nỗi đau đớn của ta cuối cùng sẽ lại làm nhẹ đi nỗi đau ấy. Sự mở rộng khái niệm về bản thân, từ thân-thể- mang-nhân-cách tới linh hồn có thể có hoặc không làm giảm bớt nỗi đau của ta, nhưng chắc chắn nó sẽ xoa dịu cảm giác của ta khi chịu đựng những đau đớn ấy. Sự tỉnh thức ấy vừa là một mục đích vừa là một lợi ích sâu xa của những thử thách trong cuộc sống. Nó làm sống lại niềm đam mê của ta dành cho cuộc sống, niềm đam mê ta đã từng cảm thấy trước khi giáng sinh. Đó là, đơn giản thôi, nguyên nhân để hân hoan vui sướng.
Khi ta tỉnh thức hay đáp lại một cách tích cực theo cách khác cho những thử thách cuộc sống của mình, ta tạo ra một “con đường năng lượng” sẽ khiến người khác dễ dàng đối phó với – và được chữa lành từ – những thử thách của họ hơn. Những câu chuyện trong cuốn sách này gợi ra rằng từng người trong chúng ta có một ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với hiểu biết của chúng ta. Khả năng tác động mạnh mẽ tới thế giới của chúng ta vừa là một cơ hội tuyệt vời vừa là một trách nhiệm vĩ đại.
Từng người trong chúng ta là một hạt giống được gieo xuống giữa những rung động trong thế giới này. Khi ta nâng cao chính những tần số của mình thông qua sự trưởng thành có được từ những thử thách cuộc sống, ta cũng nâng cao tần số của thế giới từ bên trong. Như một giọt thuốc nhuộm đơn lẻ đổ xuống một cốc nước, mỗi người đều làm màu sắc chung khác đi một chút. Khi ta tạo ra những cảm xúc của niềm vui, ngay cả nếu ta làm việc ấy khi sống một mình trên đỉnh núi, ta cũng phát ra một tần số khiến mọi người khác có thể dễ dàng cảm thấy niềm vui hơn. Khi ta tạo ra những cảm xúc của hòa bình, ta dội lên một năng lượng có thể giúp kết thúc chiến tranh. Khi ta yêu thương, ta khiến người khác, cả người ta từng gặp lẫn những người chưa từng biết ta là ai, dễ dàng yêu thương hơn. Vì vậy, việc ta là ai có ý nghĩa hơn bất cứ hành động nào ta từng có.
Ở chương 7, bạn sẽ gặp Christina và vị hướng dẫn tâm linh của bà, Cassandra. Cassandra đã nói như thế này về con đường năng lượng:
Khi một thử thách cuộc sống nào đó được chấp nhận, một người có thể nhận được lại năng lượng chữa lành từ những người đã đi tiên phong trên con đường ấy. Con đường ánh sáng được lát bằng lòng trắc ẩn và tình yêu mang tính chữa lành làm tăng tần số của người đi trên con đường ấy [sau họ].
Học tập và chữa lành từ một thử thách cuộc sống cụ thể tăng cường trường năng lượng – hào quang bao quanh người đã sống sót qua thử thách ấy. Những người khác quanh họ biết rằng họ có điều gì đó tưới tắm họ trong hy vọng và niềm tin. Trải nghiệm không cần phải giống nhau; chỉ tần số chữa lành đưa linh hồn tiến lên trước, nhưng linh hồn tiếp nhận cần phải được chuẩn bị để tiếp nhận. Ngay cả khi thể xác vật lý [của người tiếp nhận] không thay đổi hoặc được “chữa khỏi” theo tiêu chuẩn của Trái Đất, linh hồn sẽ đi lên một tầng cao mới.
Khổ đau là một món quà to lớn đối với linh hồn và những người được chọn để hỗ trợ linh hồn đó trong hành trình chữa lành. Ngôn ngữ của khổ đau có một tần số riêng. Nó đến trong ánh mắt, con tim và tâm trí của những người ở đó. Nó vừa sâu sắc vừa trần tục. Hãy nhận ra nó, tin nó và trao truyền tình yêu cùng lòng trắc ẩn cho những người cần. Những hành vi nhỏ của ý thức và lòng tốt khiến việc chữa lành trở nên khả thi. Những suy nghĩ về cái đẹp và phước lành có thể được phóng chiếu và thậm chí được cảm nhận từ xa bởi những người có thể được hưởng lợi lạc ấy.
Cũng giống như việc năng lượng chúng ta tỏa ra xuyên khắp chiều không gian này, nó cũng trải rộng khắp các chiều không gian khác. Bạn sẽ thấy trong cuốn sách này nhắc tới những chiều không gian “cao hơn” hoặc “thấp hơn”. Cao hơn không có nghĩa là tốt hơn, cũng như thấp hơn không có nghĩa là tệ hơn. Những khái niệm này đơn giản là chỉ tần số của chúng. Những chiều không gian cao hơn dao động với tần số nhanh hơn của chúng ta và do vậy ở trạng thái phi vật chất, nhưng chúng cũng chồng lên và kết hợp với những chiều thấp hơn. Nói ngắn gọn, tất cả là một. Và với lý do này, những tần số của cá nhân chúng ta, dù là từ tình yêu hay nỗi sợ, không ngừng phát ra bên ngoài, ảnh hưởng đến cả những thực thể phi vật chất và những người có vẻ như đang ở “nơi khác” và tách biệt khỏi ta.
Khi đọc những câu chuyện này, sẽ rất hữu ích nếu bạn luôn tâm niệm những giới hạn của ngôn từ khi thảo luận về một số khái niệm. Ví dụ, sẽ có lúc tôi nói rằng một người “đến từ” cõi linh hồn khi họ đầu thai và “quay trở lại” cõi đó sau cái chết của thể xác. Những từ này và những từ tương tự là nhằm biểu thị sự thay đổi về nhận thức, không phải nơi chốn. Chúng không nhằm mục đích gợi ra sự tách biệt giữa các chiều không gian. Việc đầu thai không thực sự đưa ta ra khỏi Quê nhà vĩnh cửu của ta, thay vào đó, nó đơn giản là giới hạn khả năng ta nhìn thấy phần phi vật chất của nơi ấy. Cái chết, do đó, là sự gỡ bỏ bức màn vốn che khuất cõi phi vật chất khỏi ta.
Những khái niệm về nhất thể và sự tách biệt là rất quan trọng để hiểu đầy đủ lý do tại sao chúng ta lại chọn trải nghiệm những thử thách cuộc sống. Khi ở trạng thái linh hồn, chúng ta có một sự nhận thức liên tục về tính liên kết không thể đứt rời của ta với tất cả những thực thể khác. Chúng ta biết mình là một với người khác và, chắc chắn là, với tất cả mọi tạo tác. Lòng trắc ẩn và sự đồng cảm không giới hạn chính là bản chất thực sự của ta. Mặc dù chúng ta đều có danh tính cá nhân, chúng ta không nhìn nhận rằng mình tách rời khỏi những cá nhân khác. Khái niệm nền tảng này là một nghịch lý với não bộ con người. Não bộ, theo như được thiết kế, tiếp nhận ảo ảnh của sự tách biệt. Khi chúng ta, ở tư cách những linh hồn, phóng chiếu một phần năng lượng ta có vào những cơ thể vật lý, ta cố ý hạn chế sự tập trung chỉ vào cơ thể ấy, do đó ngăn cản nhận thức của ta về tính nhất thể, sự hợp nhất. Khả năng thu hẹp phạm vi tri giác cho phép ta lên kế hoạch cho những cuộc sống nơi ta đóng những vai đã được lên kịch bản và từ đó có thể mang đến thử thách cho nhau. Chúng ta hy vọng rằng mình sẽ đáp lại những thử thách ấy bằng tình yêu thương. Nếu có thể làm như thế, sau một kiếp sống vật lý, ta sẽ quay lại với thế giới linh hồn với một hiểu biết sâu sắc hơn về lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tính hợp nhất mà ta đã tạm thời lọc bỏ khỏi nhận thức của chính mình.
Như những câu chuyện cho thấy, chúng ta lên kế hoạch cho những thử thách trong cuộc sống để đạt được những mục tiêu nhất định. Một mục tiêu phổ biến là chữa lành; đặc biệt là sự chữa lành khỏi năng lượng “tiêu cực” chưa được giải quyết còn lưu lại từ những kiếp trước. Chẳng hạn, một người đã sống một cuộc đời đầy sợ hãi trong một kiếp luân hồi. Khi kết thúc cuộc đời đó, người ấy có thể mang theo dấu vết năng lượng của sự sợ hãi. Điều này đặc biệt đúng nếu vào lúc chết, người đó đã trải qua một nỗi sợ hãi khủng khiếp. Năng lượng mang tần số thấp của nỗi sợ hãi không thể được mang theo một cách trọn vẹn vào tần số cao của cõi phi vật chất nơi các linh hồn trú ngụ, nhưng một phần dư năng lượng vẫn có thể vượt qua. Người này sẽ cảm thấy tàn dư năng lượng đó và được thúc đẩy để lập kế hoạch cho một cuộc sống mới, nơi tàn dư kia sẽ được chữa lành thông qua việc bày tỏ tình yêu thương.
Chúng ta cũng lên kế hoạch để cân bằng nghiệp. Nghiệp đôi khi được quan niệm như một món nợ, nhưng nó cũng được miêu tả như một sự mất cân bằng năng lượng với cá nhân khác. Thông thường, chúng ta có nghiệp với thành viên nhóm linh hồn của mình – những người khác ở cùng giai đoạn tiến hóa với ta và đã cùng ta chia sẻ rất nhiều kiếp sống. Trong những tiền kiếp ấy, chúng ta đã đóng vai trò là chồng, vợ, con cái, anh chị em, mẹ, cha, người bạn thân thiết và kẻ thù không đội trời chung với những linh hồn đó. (Tôi còn nhớ câu chuyện có thật về một người cha đang đọc truyện cổ tích trước giờ đi ngủ cho cô con gái nhỏ. Khi anh kết thúc, cô bé cười và nói, “Cha ơi, cha còn nhớ hồi cha là con của con, con là mẹ của cha, và con đọc truyện cho cha không?”)
Chẳng hạn, một linh hồn trong nhóm có thể đã từng trải qua một kiếp dành rất nhiều năm tháng chăm sóc cho một người bị bệnh. Nếu linh hồn đóng vai trò người chăm sóc ấy lên kế hoạch cho một kiếp sống nơi họ sẽ trải nghiệm thử thách về bệnh tật, linh hồn đã từng nhận được sự chăm sóc có thể tìm kiếm sự cân bằng trong trao đổi năng lượng bằng cách đề nghị trở thành người chăm sóc. Tuy nhiên, khi ở trong cơ thể, không có linh hồn nào nhớ được những kế hoạch đó. Người chọn trở thành người chăm sóc có thể cảm thấy gánh nặng với việc phải chăm sóc người khác, thậm chí còn nhìn nhận đó như là sự trừng phạt cho những việc làm sai trái trong tiền kiếp. Tuy nhiên, thực tế là, không có trừng phạt nào cả, chỉ có mong muốn được cân bằng nghiệp mà thôi. Tương tự, bởi chính chúng ta đã viết kịch bản cho những vai trò mà mình sẽ đóng, chúng ta không phải là nạn nhân. Không có ai bị kết tội; thực tế là không có tội lỗi nào cả. Vũ trụ không trừng phạt ta bằng cách tạo ra những việc “xấu” xảy đến với ta. Giống như lực hấp dẫn, nghiệp là một quy luật trung lập, phi cá nhân mà dựa vào đó thế giới này vận hành. Nếu vấp ngã, ta không kết tội cho lực hấp dẫn và cảm thấy mình là nạn nhân hay bị nó trừng phạt. Khi ta nhận ra rằng nghiệp cũng hoạt động theo cách tương tự, những cảm giác về sự trách cứ, thấy mình là nạn nhân, và sự trừng phạt khi nghĩ tới những thử thách cuộc sống sẽ tan biến. Đặt mình vào vị trí của họ, ta có thể tìm thấy sự thấu hiểu về những gì ta đã hy vọng sẽ học được và một sự trân trọng lớn lao dành cho những thử thách sẽ mở rộng tâm hồn ta.
Hiểu biết về nghiệp giúp ta vượt thoát khỏi thái độ phán xét, đặc biệt là với những người đã trải qua những tổn thương hoặc “thất bại” lớn như nghiện ma túy hoặc trở thành người vô gia cư. Thông thường, những cá nhân này đang sống chuỗi đầu thai của mình và đang cân bằng các năng lượng tiền kiếp đúng theo những gì họ đã lên kế hoạch. Cuộc sống của họ, đôi khi được dán nhãn là “thua cuộc” theo quan điểm của phàm ngã, thường lại là thành công toàn diện từ góc nhìn của linh hồn.
Phần lớn các linh hồn lên kế hoạch cho thử thách cuộc sống để cống hiến cho người khác. Mong muốn này là một khía cạnh căn bản trong bản chất thực sự của ta – những linh hồn vĩnh cửu. Khi ở trạng thái linh hồn và có nhận thức về sự hợp nhất của mình với người khác, chúng ta nhìn nhận sự cống hiến như một nhu cầu cơ bản của cuộc sống và những cơ hội để cống hiến là phước lành kỳ diệu. Là những linh hồn đang cân bằng nghiệp, rất nhiều người tưởng như đang vật lộn với cuộc sống thực tế lại đang thực hiện những hành vi cống hiến. Ví dụ, một linh hồn có thể lên kế hoạch trải nghiệm chứng nghiện rượu để những người khác có thể bộc lộ bản thân và do đó hiểu bản thân sâu sắc hơn. Một số lời phán xét khắc nghiệt nhất thường trút vào những người nghiện rượu và những người khác đang ban tặng ta chính trải nghiệm mà ta tìm kiếm. Giá như có nhiều người hơn biết điều này!
Một chiến binh ánh sáng là một người có kế hoạch cuộc sống đặc biệt hướng tới việc cống hiến. Nói chung, thuật ngữ này áp dụng cho cho bất kỳ ai cam kết giúp đỡ người khác. Mặc dù không cần phải lên kế hoạch cho những thử thách lớn để trở thành một chiến binh ánh sáng, rất nhiều trong số họ đã chọn làm như vậy với chủ ý là vượt qua những thử thách để tạo ra lợi lạc cho toàn xã hội. Loại kế hoạch cuộc sống này không tốt hơn (hay dở hơn) bất cứ kế hoạch nào khác. Thật vậy, xét tới số lượng lớn những lần đầu thai mà từng người trong chúng ta lên kế hoạch, nhiều người sẽ đóng vai trò này vào một thời điểm nào đó.
Theo lẽ tự nhiên, chúng ta lên kế hoạch cuộc sống một phần vì sự trưởng thành cá nhân. Là linh hồn, chúng ta học được rất nhiều điều giữa các lần đầu thai, nhưng những bài học ngày càng thấm nhuần sâu sắc khi chúng ta cụ thể hóa chúng ở cõi vật chất. Học tập trong trạng thái linh hồn tương tự như học trong lớp; cuộc sống ở Trái Đất là nghiên cứu thực địa mà ở nơi đó chúng ta áp dụng, thử nghiệm, và gia tăng kiến thức đã học – một trải nghiệm mạnh mẽ cho linh hồn.
Cuối cùng, bất kể những thách thức cụ thể chứa đựng trong đó là gì, mỗi kế hoạch cuộc sống mà tôi đã nghiên cứu đều xây dựng trên tình yêu. Từng linh hồn đều có động lực là mong muốn được trao đi và nhận lại tình yêu thương một cách tự do và vô điều kiện, ngay cả trong những trường hợp linh hồn đồng ý đóng một vai trò “tiêu cực” để kích thích sự phát triển của linh hồn khác. Rất nhiều linh hồn cũng được thúc đẩy bởi tình yêu dành cho mình. Thực tế, chúng ta chính là tình yêu. Tôi đưa ra tuyên bố này không chỉ căn cứ trên nghiên cứu của mình, mà còn trên cả trải nghiệm cá nhân thực tế, trực tiếp của tôi – sự mặc khải của linh hồn được miêu tả ở “Lời nói đầu”. Những thử thách trong cuộc sống cho chúng ta cơ hội để thể hiện mình và do đó hiểu chính mình sâu sắc hơn như là tình yêu ở tất cả các khía cạnh của nó: đồng cảm, tha thứ, kiên nhẫn, không phán xét, can đảm, cân bằng, chấp nhận và tin tưởng. Khi chúng ta trải nghiệm bản thân mình chính là tình yêu, trải nghiệm đó có thể ở dạng hiểu biết, thanh thản, đức tin, sự sẵn lòng, lòng biết ơn và sự khiêm nhường, bên cạnh các đức tính khác. Tình yêu thương là chủ đề chính của kế hoạch trước khi chào đời và, do đó, cũng là chủ đề chính của cuốn sách này.
Khi bước vào cõi vật chất, chúng ta chính là tình yêu đang tạm ẩn mình khỏi chính nó. Khi ta nhớ ra mình thực sự là ai, ánh sáng nội tại của ta, tình yêu của ta, sẽ tỏa sáng cho tất cả đều thấy.
Đó, tôi tin chắc rằng, là lý do tại sao chúng ta ở đây.