Để nghiên cứu về việc lên kế hoạch cho những thử thách cuộc sống trước khi sinh ra, tôi đã hợp tác với bốn nhà ngoại cảm cực kỳ tài năng. Chúng tôi cùng nhau tiếp nhận thông tin về những kế hoạch trước khi chào đời của hàng tá người, mười người trong số đó chia sẻ những cuộc câu chuyện của họ trong cuốn sách. Trong phần Dẫn nhập này, tôi sẽ giải thích việc tôi đã tìm thấy họ như thế nào, và tôi cùng các nhà ngoại cảm đã tìm hiểu những kế hoạch trước khi chào đời của họ ra sao, đồng thời giải thích về những buổi thỉnh hồn nói chung. Nền tảng khái niệm của kế hoạch trước khi chào đời – cũng chính là lý do tại sao chúng ta ở trạng thái linh hồn lại lựa chọn được sinh ra trong hình hài con người và trải nghiệm những thử thách – được trình bày ở Chương 1.
Tìm kiếm đối tượng phỏng vấn
Mọi người đã hồi đáp những tin tôi đăng tải trên các hội nhóm trên mạng. Trong một vài bài, tôi tìm kiếm đích xác người đã biết (hoặc ít nhất đủ cởi mở để tìm hiểu) về khả năng tồn tại của việc lên kế hoạch trước khi chào đời. Ở một số chỗ khác, tôi bày tỏ hứng thú trong việc tìm kiếm những người có thể nói về những thử thách của họ trong ngữ cảnh siêu hình. Có những lúc, tôi đơn giản là hỏi tìm những người muốn cùng trao đổi về những ý nghĩa tâm linh nằm sau những khó khăn mà họ đã phải đối mặt. Tôi tìm kiếm sự đa dạng và cân bằng trong cả kinh nghiệm lẫn nền tảng của họ. Thông thường, đối tượng được phỏng vấn nói rằng họ được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ những người cũng đã phải đối mặt với các vấn đề giống họ. Trong số mười người được lựa chọn cho cuốn sách này, ba người sử dụng tên giả, và tất cả mọi người đều nói rằng họ muốn được nghe những chia sẻ từ người đọc. Bạn có thể tìm thấy thông tin liên hệ của họ ở Phụ lục A.
Tám trong số mười người được phỏng vấn đã lên kế hoạch để thử thách cuộc sống của họ là trải nghiệm chính; có nghĩa là, họ tìm kiếm thử thách ấy ngay từ những bước đầu của việc lên kế hoạch trước khi chào đời và họ biết rằng khả năng thử thách xảy ra là rất cao. Một trong số họ (Doris, Chương 2) lên kế hoạch cho thử thách như là một trải nghiệm thứ cấp, tức là việc nó có xảy ra hay không tùy thuộc vào việc cô phản ứng với thử thách chính như thế nào. Một người khác (Bob, Chương 4) đã không chọn thử thách của mình trong kế hoạch trước khi chào đời mà thay vào đó, ông tạo ra một bản thiết kế khác cho cuộc đời mình ở cấp độ linh hồn sau một sự kiện bất ngờ xảy ra sau khi ông ra đời. Trong rất nhiều những kế hoạch trước khi chào đời mà tôi đã nghiên cứu, chỉ có hai trường hợp này là các thử thách không được thiết kế làm trải nghiệm chính. Tôi đã đưa những câu chuyện này vào cuốn sách nhằm minh họa rõ nét về cách chúng ta – trong trạng thái linh hồn – nhận thức được và sử dụng những công cụ đầy tiềm năng trên con đường trưởng thành cá nhân.
Khi đọc những câu chuyện này, bạn có thể băn khoăn liệu có phải bạn đã lên kế hoạch cho những thử thách của cuộc đời mình hay không. Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng phần lớn những thử thách cuộc sống xảy ra đều do lựa chọn. Nhìn chung, thử thách càng sâu sắc thì khả năng chúng được lên kế hoạch từ trước khi sinh càng cao. Nếu một kinh nghiệm cụ thể đủ quan trọng với bạn để bạn suy ngẫm xem liệu có phải bạn đã lên kế hoạch cho việc ấy không, thì khả năng cao câu trả lời là có. Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng, đó là những trải nghiệm mà trực giác mách bảo chúng ta phải tránh né. Những thử thách không được lên kế hoạch có thể xảy ra nếu chúng ta lờ đi những mách bảo từ trực giác; do đó, những “dấu hiệu nguy hiểm” ở bên trong luôn cần được nhận biết và tôn trọng.
Tuy nhiên, tôi không có ý định nói rằng mọi thử thách cuộc sống đều được lên kế hoạch sẵn, dù là dưới dạng xác suất hay khả năng. Khi đầu thai, chúng ta có ý chí tự do, chúng ta có thể sử dụng sự tự do ý chí đó để tạo ra những thử thách không nằm trong kế hoạch trước khi chào đời. Từ khóa ở đây là tạo ra. Tôi tin rằng chúng ta là người tạo ra mọi thứ chúng ta trải qua, và những thử thách được lên kế hoạch xảy ra khi những rung động của ta kéo chúng về phía mình, bởi ta cần trí tuệ mà chúng có thể mang tới. (Trong những trường hợp như vậy, trực giác sẽ không dẫn dắt chúng ta ra xa khỏi việc học tập mà chúng ta cần). Sự trưởng thành của chúng ta phát sinh từ những trải nghiệm, dù ta có lên kế hoạch cho chúng hay không. Do vậy, cuốn sách này sẽ hữu ích nhất khi bạn tập trung vào việc tại sao có thể bạn đã lên kế hoạch cho một trải nghiệm cụ thể nào đó trong đời bạn, chứ không phải liệu bạn có lên kế hoạch ấy hay không.
Câu hỏi tại sao ấy có thể được giải quyết khi bạn đọc câu chuyện về kế hoạch trước khi chào đời của những người khác. Trong kế hoạch của họ, bạn có thể nghe thấy được tiếng vọng của kế hoạch chính bạn đã xây nên. Tôi sẽ đề nghị bạn không giới hạn việc đọc chỉ ở những câu chuyện liên quan tới thử thách mà bạn hoặc người thân của bạn đang phải đối diện, ngay cả nếu bạn đang thực sự khủng hoảng. Những thử thách có vẻ rất khác nhau có thể được lên kế hoạch để mang lại cho chúng ta những bài học giống nhau hoặc tạo ra sự trưởng thành tương tự nhau. Bạn có thể tìm thấy động lực của mình ở cấp độ linh hồn trong câu chuyện của một ai đó mà cuộc đời họ, ít nhất là nhìn bề ngoài, không có gì giống cuộc đời bạn.
Những câu chuyện
Mỗi câu chuyện bắt đầu với một bài phỏng vấn mà trong đó người kể chuyện và tôi sẽ tập trung vào một thử thách cuộc sống cụ thể. Những bài phỏng vấn đó cần được đọc một cách cẩn thận. Chúng thường chứa những chi tiết mà ban đầu có vẻ không liên quan tới các thử thách nhưng lại được chứng minh là rất quan trọng trong những buổi thỉnh hồn với các nhà ngoại cảm để có thể hiểu được tường tận vấn đề. Tôi không tường thuật toàn bộ lịch sử cá nhân các nhân vật; do vậy, có thể có một số giai đoạn trong đời họ không được nhắc tới.
Để cuốn sách này được hữu ích nhất có thể, tôi tập trung vào các thử thách cuộc sống thường gặp nhất và sắp xếp các chương theo từng loại thử thách. Ở một vài khía cạnh, các câu chuyện được xây dựng dựa trên nội dung trước đó, những câu chuyện đầu tiên sẽ cung cấp thông tin cơ bản về siêu hình, sẽ giúp cho bạn hiểu và trân trọng hơn những câu chuyện sau đó. Do vậy, tôi mong bạn sẽ đọc chúng theo thứ tự.
Trong số rất nhiều nhà ngoại cảm và người dẫn kênh mà tôi đã làm việc cùng, tôi đánh giá bốn người xuất hiện trong những trang sách này – Deb DeBari, Glenna Dietrich, Corbie Mitleid và Staci Wells – nằm trong nhóm những người tài năng nhất. Từng người đều đã thực hiện hàng ngàn buổi thỉnh hồn trong suốt sự nghiệp. Thông tin liên hệ của họ có ở Phụ lục B. Tôi đã có những buổi gặp cá nhân với cả bốn người, và họ đều đưa ra những thông tin vô cùng chuẩn xác về cuộc đời tôi mà họ không tài nào có thể biết được nếu không sở hữu khả năng ngoại cảm đích thực. Như Corbie đã giải thích với tôi, những nhà ngoại cảm và người dẫn kênh giống như những giáo sư ở trường đại học: mỗi người đều có một chuyên môn riêng. Nếu bạn tham gia một buổi tiệc cocktail của trường, bạn sẽ không tiếp cận giáo sư sinh học với một câu hỏi về xã hội học, cũng như bạn sẽ không đề nghị một học giả khoa Văn giải một phương trình toán học. Thay vào đó, bạn sẽ nhận ra các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của họ và trân trọng những gì mà mỗi người có thể cung cấp.
Từng bài phỏng vấn sẽ được nối tiếp bằng một hoặc nhiều buổi nói chuyện với những nhà ngoại cảm. Tôi đã nói với những người được phỏng vấn rằng tôi sẽ muốn bắt đầu bằng việc hỏi nhà ngoại cảm “Thử thách này có được lên kế hoạch trước khi chào đời không, và nếu có, thì tại sao?” Họ đều đồng ý rằng đó là một điểm khởi đầu hợp lý, và những câu hỏi tiếp theo sẽ phát sinh từ câu trả lời cho câu hỏi đó. Trong một vài trường hợp, họ cho phép tôi xử lý hầu hết, nếu không phải tất cả, việc đặt câu hỏi trong suốt những buổi thỉnh hồn.
Thông thường, khi nhà ngoại cảm Staci Wells không thực hiện buổi thỉnh hồn chính, tôi sẽ đề nghị bà và vị hướng dẫn tâm linh của bà thực hiện một buổi thỉnh hồn bổ sung. Buổi thỉnh hồn này có ba chức năng quan trọng. Thứ nhất, nó xác nhận lại rằng thử thách cuộc sống đã thực sự được lên kế hoạch. Thứ hai, nó cung cấp thông tin bổ sung về việc lên kế hoạch này. Thứ ba, bởi Staci có một tài năng hiếm có là nhìn và nghe được những phiên lên kế hoạch trước khi chào đời, tất cả những buổi thỉnh hồn của bà (dù là chính hay bổ sung) đều cung cấp được những đoạn hội thoại thực tế đã xảy ra. Các cuộc hội thoại này cho phép ta có những cái nhìn phi thường vào cõi phi vật chất, nơi ta được chia sẻ bí mật về những hy vọng, cảm xúc và động lực của các linh hồn. Như bạn sẽ thấy, những cuộc hội thoại này tập trung tuyệt đối vào việc lên kế hoạch cho những thử thách cuộc sống – không phải bởi vì linh hồn không lên kế hoạch những khía cạnh khác của các kiếp đầu thai, mà vì Staci và tôi đã đề nghị vị hướng dẫn tâm linh của bà chỉ mang tới những phần liên quan nhất với thử thách cuộc sống trong những cuộc thảo luận. Những người được phỏng vấn có mặt trong buổi thỉnh hồn chính nhưng không đến các buổi đọc bổ sung, tuy nhiên tất cả các buổi thỉnh hồn bổ sung đều diễn ra với sự cho phép của họ. Trước mỗi buổi thỉnh hồn, tôi đều cung cấp cho Staci tên và ngày sinh của những người tham gia chia sẻ câu chuyện, đó là những thông tin mà vị hướng dẫn tâm linh của Staci cần để truy cập thông tin về họ.
Trong những buổi lên kế hoạch trước khi chào đời mà Staci lắng nghe, các linh hồn nói ở ngôi thứ nhất; tuy nhiên, trong hai buổi dẫn kênh do người khác thực hiện, có một linh hồn xưng là “chúng tôi”. Vị hướng dẫn tâm linh của Staci giải thích rằng những linh hồn xưng “tôi” tập trung vào kiếp sống đang được lên kế hoạch, trong khi đó những linh hồn xưng “chúng tôi” tập trung vào những kiếp trước đó.
Sau các buổi nói chuyện với những nhà ngoại cảm, mỗi câu chuyện đều có phần bình luận của tôi. Trong những bình luận đó, tôi đưa vào những nghiên cứu của mình về siêu hình và việc lên kế hoạch trước khi chào đời, bao gồm rất nhiều cuộc đối thoại tôi đã thực hiện với những thực thể phi vật chất như vị hướng dẫn tâm linh hay thiên thần, để mở rộng kết quả từ những buổi nói chuyện này.
Những bài phỏng vấn và các buổi đọc với các nhà ngoại cảm đều đã được biên tập để được rõ ràng; cú pháp được sửa đổi sao cho dễ đọc hơn.
Các nhà ngoại cảm
Các nhà ngoại cảm tiếp nhận thông tin theo nhiều cách. Nếu có khả năng thấu thính, họ nghe thấy được suy nghĩ của những thực thể phi vật chất (tôi gọi những thực thể đó là Linh Thần). Khi một nhà ngoại cảm “dò sóng” một ý thức phi vật chất, việc ấy cũng rất giống với việc dò kênh trên radio. Cũng như mỗi kênh đều có một bước sóng cụ thể, mỗi thực thể cũng có một bước sóng riêng với người mà họ nói chuyện cùng. Trong những trường hợp như vậy, những giao tiếp thần giao cách cảm thực sự diễn ra. Còn nếu nhà ngoại cảm là người thấu cảm, họ có khả năng cảm nhận được cảm xúc của những người khác. Thấu thị là khả năng nhìn thấy được những gì đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra; thấu nhận là một dạng hiểu biết nội tại, thường dưới dạng cảm giác. Một số người có khả năng “bước sang một bên” để ý thức khác có thể nói chuyện trực tiếp thông qua họ. Deb, Glenna, Corbie và Staci có nhiều hơn một khả năng, và đã gợi ra rất nhiều thông tin có giá trị về việc lên kế hoạch trước khi chào đời của những người được phỏng vấn.
Một số từ có nghĩa ý đặc biệt khi được các nhà ngoại cảm và người dẫn kênh sử dụng. Khi họ nói, “tôi nhận thấy”, “tôi cảm nhận” hoặc “tôi cảm thấy”, họ có thể đang tiếp nhận được thông tin thông qua một trong những khả năng ngoại cảm của họ. Người ta thường nói “tôi cảm thấy” khi bày tỏ một quan điểm. Tuy nhiên, các nhà ngoại cảm và người dẫn kênh có thể sử dụng từ cảm giác để thể hiện một nhận thức vượt lên năm giác quan.
Các nhà ngoại cảm và người dẫn kênh giao tiếp với rất nhiều thực thể, trong đó có các vị hướng dẫn tâm linh. Một vị hướng dẫn tâm linh là một thực thể phi vật chất có mức độ tiến hóa rất cao mà trong hầu hết (không phải tất cả) các trường hợp là đã trải qua rất nhiều lần đầu thai vào cõi vật chất. Qua những lần đầu thai ấy, họ đã tiếp nhận được rất nhiều tri thức mà giờ đây cho phép họ trở thành những người chỉ dẫn cho chúng ta ở cõi vật chất. Vị hướng dẫn tâm linh trò chuyện với chúng ta theo cùng một cách mà linh hồn của ta nói với ta: qua cảm hứng, cảm giác, ý tưởng và trực giác. Khi ta có linh tính về một điều gì đó hoặc khi ta “đơn giản là biết” một điều gì đó, đấy thường là sự liên hệ đến từ người chỉ dẫn hoặc linh hồn của ta (còn được gọi là “bản thể cao hơn”). Một ví dụ là một người quyết định không bước lên máy bay bởi họ có một “cảm giác xấu” rằng một điều gì đó sẽ xảy ra và do đó tránh được một tai nạn trí mạng. Vị hướng dẫn tâm linh, biết rõ về kế hoạch cuộc sống của chúng ta và rằng liệu kế hoạch ấy có bao gồm một tai nạn máy bay hay không, có thể tạo ra một cảm giác như vậy cho chúng ta. Người ta vẫn nói rằng Linh Thần thì thầm với chúng ta; thiền là một cách tốt để làm dịu tâm trí và nhờ đó chúng ta có thể nghe thấy những thông điệp ấy. Những người thực hành thiền giàu kinh nghiệm có khả năng nghe thấy dòng chảy của những năng lượng phi vật chất trong cơ thể họ, mà họ miêu tả là giống như tiếng gió.
Việc lên kế hoạch của linh hồn
Trước khi sinh ra, chúng ta có những cuộc trò chuyện rất sâu sắc với vị hướng dẫn tâm linh của ta và những linh hồn khác sẽ cùng chúng ta chia sẻ kiếp sắp tới. Chúng ta sẽ tranh luận về những bài học mà mình hy vọng học được và những cách có thể giúp ta học được chúng. Khi Staci truy cập vào những cuộc trò chuyện này và nơi mà chúng diễn ra, bà nhìn thấy những điểm tương đồng nhất định: một căn phòng nơi những linh hồn sẽ đầu thai tụ tập để nói chuyện, một phòng khác nhỏ hơn nằm liền kề, tại đó những người chỉ dẫn theo dõi việc lên kế hoạch và sẽ xuất hiện khi được gọi đến; một “bàn cờ” đen-trắng hay một “sơ đồ” được sử dụng để tạo lập bản đồ của những kịch bản nếu-thì trong kiếp sống sắp tới. Những ô vuông của bàn cờ là các giai đoạn phát triển trong cuộc đời của một người.
Khi Staci và tôi mới bắt đầu hợp tác, tôi đã có giả định không chính xác rằng những hình ảnh này là một ẩn dụ được vị hướng dẫn tâm linh đặt trong tâm trí của bà để diễn tả những khái niệm và quy trình vượt trên hiểu biết của con người, nhưng vị hướng dẫn tâm linh của bà sau đó nói với tôi rằng những thứ ấy thực sự tồn tại. Ông giải thích rằng ở cõi phi vật chất, suy nghĩ mang nghĩa đen và luôn luôn sáng tạo. Có một thỏa thuận giữa tất cả những người tham gia rằng việc lên kế hoạch trước khi chào đời sẽ được thực hiện ở một nơi nhất định và sử dụng một số công cụ cụ thể như bàn cờ. Thỏa thuận chung này, được thể hiện trong suy nghĩ, mang đến những vật dụng và địa điểm mà Staci nhìn thấy.
Trong một buổi thỉnh hồn, Staci đã cung cấp thông tin sau đây về nơi mà những linh hồn thực hiện việc lên kế hoạch trước khi chào đời:
Trong tòa nhà đặc biệt này, có tám tầng và tám phòng ở mỗi tầng. Tôi đã được [Linh Thần] nói cho rằng đó là bởi tám là con số của nghiệp và định mệnh. Sự rung động của số tám được thiết kế cho tòa nhà ấy để nó có thể phục vụ một cách tốt nhất cho mục đích dự định của nó.
Tòa nhà này là một trong tám tòa nhà nằm như cánh hoa trong một hình tròn. Các tòa nhà có dạng hình hộp chữ nhật. Chúng đều có tám tầng, tám phòng lên kế hoạch ở mỗi tầng. Họ nói với tôi rằng có 12 nhóm nhà như vậy ở thế giới bên kia, phần lớn dùng để lên kế hoạch cho cuộc sống ở Trái Đất. Họ nói rằng rất nhiều linh hồn thích quay trở lại cùng một tòa nhà, một tầng, và thậm chí cùng một phòng nếu có thể. Việc ấy cho họ cảm giác thoải mái và ổn định, và từ cùng một nơi đó, họ sẽ dễ dàng cảm thấy sự phát triển của bản thân trong từng kiếp sống và thời gian giữa các kiếp.
Khi vị hướng dẫn tâm linh của Staci truyền đạt cho bà thông tin từ những phiên lên kế hoạch trước khi chào đời, ngài đang truy cập vào tàng thư Akasha, hay như ngài thích gọi hơn là “Cuốn sách Cuộc sống”. Đó là tài liệu ghi lại mọi trải nghiệm, hành vi, lời nói và suy nghĩ của tất cả chúng ta. Khi các nhà ngoại cảm cung cấp cho khách hàng thông tin về các tiền kiếp, họ cũng thường truy cập vào tàng thư Akasha. Nhà ngoại cảm Mỹ vĩ đại, Edgar Cayce, dùng những tài liệu này trong hàng nghìn buổi thỉnh hồn mà ông đã thực hiện.
Khi các nhà ngoại cảm nhìn thấy và nói chuyện với những thực thể ở dạng linh hồn, họ thường miêu tả những thực thể ấy là nam hay nữ, nhưng thực tế, linh hồn là một sự kết hợp giữa cả hai loại năng lượng. Khi Deb nhìn thấy những người thân “đã mất” của người được phỏng vấn theo hình dạng mà họ đã có trong kiếp sống vật lý, đó là bởi ý thức của họ lựa chọn hình dạng ấy. Khi Staci nhìn thấy một linh hồn nam hay nữ trong một phiên lên kế hoạch trước khi chào đời, đó là bởi linh hồn ấy đang tạo ra – theo nghĩa là đang thử mang – năng lượng của lần đầu thai sắp tới (mà Staci và vị hướng dẫn tâm linh của bà gọi là “lớp vỏ của phàm ngã”). Điều đó cũng đúng khi một vị hướng dẫn tâm linh hiện ra là nam hay nữ. Các vị hướng dẫn tâm linh cũng có cả năng lượng nam và nữ, nhưng họ có thể cảm thấy mình gần hơn với một trong hai, và do đó, chọn hiện ra dưới hình dạng đó.
Trong những phiên lên kế hoạch, các thực thể phi vật chất sử dụng một số khái niệm hiện đại rõ ràng. Trong một buổi thỉnh hồn với Staci, tôi hỏi vị hướng dẫn tâm linh của bà rằng ngài thực sự nói từ tự trọng hay đó là cách biểu đạt tương đối sát nhất có trong tâm trí của Staci. Ngài xác nhận rằng chính ngài đã dùng từ đó. Thỉnh thoảng, những vị hướng dẫn tâm linh và các thực thể phi vật chất khác nói chuyện mà không dùng đến các quy tắc ngữ pháp của chúng ta. Vị hướng dẫn tâm linh của Staci nói với tôi rằng, “Chúng tôi không phải lúc nào cũng nói theo cách mà các bạn cho là đúng ngữ pháp.”
Giờ đây, chúng ta có thể chạm tới Cõi linh hồn – nơi ta lên kế hoạch cho những lần giáng sinh của mình và cũng là nơi ta sẽ quay lại khi đã hoàn thành một kiếp sống – qua những nhà ngoại cảm và những người dẫn kênh. Chẳng khác nào những vị hướng dẫn tâm linh ở hình dạng con người, họ là những người dẫn đường từ bi, nhạy cảm và sâu sắc đưa ta tới phía bên kia.