HỌC BẰNG CÁCH ĐỌC
Một giảng viên trẻ viết cho tôi: “Ngày nay sinh viên không muốn đọc. Muốn bắt họ đọc thật khó. Phần lớn chỉ đọc hời hợt để qua được các kỳ kiểm tra. Tôi phải làm sao để khiến họ đọc nhiều hơn?”.
Thật ra, tôi cũng đau đầu với vấn đề này suốt nhiều năm nay. Lý do sinh viên không muốn đọc là vì họ không có thói quen đọc. Ngày nay, phần lớn sinh viên lớn lên với TV, MP3, video game và Internet thay vì sách. Họ muốn cái gì đó mang tính tương tác, ngắn và nhanh, chứ không muốn ngồi kiên nhẫn đọc sách. Mỗi khi dạy một lớp mới, tôi đều nói rõ ràng ngay từ đầu rằng đọc sách là nhiệm vụ bắt buộc. Tôi sẽ không dùng thời gian lên lớp để tóm tắt lại những gì có trong các bài bắt buộc phải đọc, mà dành thời gian cho thảo luận. Tất nhiên, sinh viên không tin tôi sẽ làm vậy, nên tuần đầu tiên, tôi cho bài kiểm tra dựa trên bài phải đọc. Đây là một “cú sốc” và nhiều người lớn tiếng phàn nàn. Bài kiểm tra thứ hai ở tuần tiếp theo cũng vậy và sinh viên phải đọc nhiều hơn. Đến lúc đó, họ mới nhận ra thông điệp của tôi và bắt đầu đọc.
Để khuyến khích sinh viên đọc trước khi lên lớp, tôi bắt đầu mỗi buổi học với các câu hỏi từ tài liệu đọc. Tôi hỏi họ về những khái niệm then chốt và mối liên hệ với mục tiêu chính của môn học. Rồi tôi giải thích sau này khi đi làm, họ có thể dùng kiến thức đó như thế nào. Khi sinh viên hiểu lý do “tại sao” họ cần biết những tài liệu này và chúng có lợi cho họ như thế nào, thái độ của họ sẽ thay đổi. Chẳng hạn, trong lớp quản lý dự án, tôi bắt đầu với câu hỏi: “Tại sao quá nhiều dự án thất bại như vậy?”, “Tại sao khách hàng không hài lòng với các phần mềm?”... Những câu hỏi này dẫn tới việc thảo luận về nguyên nhân thất bại của các dự án và cách cải thiện vấn đề. Từ đó tôi để sinh viên tự kết luận rằng họ cần những kỹ năng nào để trở thành người quản lý dự án giỏi. Từ kết luận đó, tôi yêu cầu họ đọc các bài báo mỗi tuần về các kỹ năng đặc biệt trước khi lên lớp để có thể thảo luận trên lớp. Bằng việc làm rõ về ích lợi của việc đọc bài và lý do tại sao sinh viên cần đọc, chúng ta có thể khuyến khích họ đọc nhiều hơn.
Tất nhiên, cũng có những sinh viên chỉ đọc tài liệu một lần hay đọc lướt qua để đối phó với các kỳ thi. Nhưng tôi sẽ nhắc nhở rằng trong bài thi tôi sẽ hỏi về các kiến thức trong bài đọc từ những tuần đầu, nếu chỉ đọc sơ sài, họ sẽ phải đọc lại các tài liệu lần nữa để chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra. Cách tốt nhất để tránh vấn đề này là phải đọc cẩn thận tất cả các tài liệu vài lần cho tới khi hiểu rõ vấn đề, để không phải đọc lại trước mỗi kỳ kiểm tra. Tôi cũng giải thích rằng trong trường trung học, việc đọc chỉ nhằm mục đích ghi nhớ, còn ở đây, tôi sẽ dùng những câu hỏi “mở” trong bài kiểm tra để sinh viên phải dùng hiểu biết của họ để giải quyết vấn đề.
Với các lớp sau đại học chuyên sâu, sinh viên phải đọc thêm các bài trên Internet theo cách riêng của họ. Bắt đầu buổi học, họ phải dành khoảng năm phút để giải thích cho cả lớp về cách họ đọc tài liệu; họ tìm thấy ở đâu và có những điểm quan trọng gì. Kiểu thảo luận này bắt buộc sinh viên phải trao đổi với nhau về việc đọc của họ. Những bài đọc này sẽ là mấu chốt cho công việc về sau, bởi vì nó giúp họ tìm ra mối quan tâm riêng, thay vì cứ nhắm mắt làm theo những gì được phân công. Càng đi sâu vào môn học, các hoạt động sẽ càng mang tính thử thách hơn, sinh viên sẽ thảo luận hăng hơn, chất vấn lẫn nhau về kiến thức. Đây mới chính là hình thức học tập không cần giảng viên tham gia. Những buổi thảo luận này giúp sinh viên kết nối giữa những điều họ thích và nghề nghiệp trong tương lai. Chẳng hạn, trong ngành công nghệ thông tin, nếu sinh viên thích đọc nhiều về viết mã, họ có thể trở thành người phát triển website. Nếu họ thích đọc về kiến trúc phần mềm, họ có xu hướng là người thiết kế, v.v...
Học bằng cách đọc là bản chất cho nghề nghiệp của bạn bởi vì nó sẽ xây dựng thói quen học liên tục và sinh viên cần xây dựng thói quen này càng sớm càng tốt. Trong thời đại thông tin, mọi người đều phải học suốt đời.
HỌC TRÊN INTERNET
Tôi đã nhận được nhiều email đề nghị cho biết các lớp học trực tuyến nào dạy về các chủ đề công nghệ mà trong trường họ không dạy. Trên Internet có nhiều khóa học trực tuyến, một số của các công ty tư, một số của các nhà tư vấn, một số của các cá nhân và một số từ các trường đại học.
Trong số các website trực tuyến, phổ biến nhất là “iTunes U” do người sáng lập Apple, Steve Jobs, tạo ra. Viễn kiến của ông là cung cấp nền giáo dục miễn phí cho thế giới. Bất kỳ ai cũng có thể tải xuống các bài giảng và tài liệu trình chiếu mà không phải trả tiền. Bất kỳ ai cũng có thể đăng tuyển vào các lớp do các đại học hàng đầu như Stanford, MIT, Berkeley, Yale, v.v... cung cấp thông qua “Đại học iTunes”. Chừng nào các bạn còn muốn học và sẵn lòng nỗ lực học tập, bạn có thể thu được rất nhiều lợi ích từ các khóa học này.
Có vài khóa học về phát triển ứng dụng trên iPhone mà tôi nghĩ là rất tuyệt. Khi chúng được phát triển thành dạng trực tuyến vài năm trước, người dùng đã tải xuống hàng triệu lượt chỉ trong vài tuần.
Nếu quan tâm, bạn có thể xem ở các liên kết dưới đây:
http://itunes.apple.com/us/itunes-u/programming-methodology/id384232896
http://itunes.apple.com/itunes-u/programming-abstractions/id384232917
http://itunes.apple.com/us/itunes-u/ipad-iphone-application-development/id473757255
http://itunes.apple.com/us/itunes-u/developing-apps-for-ios-hd/id395605774
Báo chí thường đăng những câu chuyện về các tấm gương học trực tuyến. Một trong số đó là Zhu Yi, sống ở Vân Nam, Trung Quốc. Anh đã từng là sinh viên giỏi của khóa học phát triển ứng dụng trực tuyến từ 2010, từng tạo ra nhiều ứng dụng để bán trong AppStore của Apple. Công việc đó giúp anh trang trải thêm cho việc học, anh nói: “Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi có thể sống bằng việc này, bởi vì tôi yêu thích nó.” Anh ấy nói với báo chí: “Bạn có thể học được rất nhiều bằng việc xem bài giảng trên iTunes U. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải liên tục học hỏi cái mới. Vì tôi không thể tới đại học Stanford, nên đây là điều tốt nhất tôi có thể làm. Tôi cũng có giảng viên, các môn học và tài liệu giống hệt như sinh viên ở Stanford mà lại không phải trả tiền”.
Tất nhiên, sinh viên học trực tuyến cũng nghe các bài giảng giống hệt như sinh viên ở trường đại học, chỉ trừ việc họ không được cấp bằng của Stanford. Zhu Yi nói: “Dù có bằng hay không, tôi vẫn học được rất nhiều. Tri thức và kỹ năng là cái tồn tại cùng tôi suốt đời. Có rất nhiều khóa học trực tuyến và nhiều chủ đề, chừng nào bạn còn nỗ lực thì chừng đó bạn còn có thể học. Nếu bạn không thích học máy tính, bạn có thể học: địa lý, lịch sử, triết học, gần như bất kỳ cái gì bạn muốn học đều sẵn có trên mạng”.
Ajay Vishnu, một sinh viên khác ở Ấn Độ cũng theo học các khóa trực tuyến, nói rằng iTunes U rất “tuyệt vời vì giảng dạy rất chất lượng và bài giảng dễ theo dõi”. Vì hoàn cảnh nghèo khó, gia đình không đủ khả năng cho tới trường, nên anh học mọi thứ qua Internet. Trong vòng vài tháng, anh ấy đã học nhiều ngôn ngữ lập trình như C++, Python và Objective-C thông qua các khóa học trực tuyến. Anh nói: “Phần lớn các lớp lập trình máy tính đều khá trừu tượng, nhưng Objective-C dùng để xây dựng ứng dụng cho thiết bị di động lại khá dễ. Tôi học cơ sở lập trình và áp dụng chúng ngay. Đó là lý do tại sao môn này rất thực tiễn với những người như tôi”.
Ajay hiện đang làm nhân viên lập trình di động cho một công ty nhỏ ở Ấn Độ. Anh nói: “Tôi không có bằng cấp nên không thể kiếm được việc làm ở công ty tốt. Tuy nhiên, tôi có kỹ năng và công ty này sẵn lòng cho tôi cơ hội. Sau vài tuần, người chủ ngạc nhiên là tôi đã làm tốt hơn phần lớn mọi người trong công ty. Trong đó nhiều người có bằng đại học. Ông ấy hỏi tôi đã học trường nào và tôi nói: “Stanford”.
Theo một nghiên cứu mới, đa số sinh viên học các khóa trực tuyến đều sống ở các nước đang phát triển, với số lượng cao nhất là Ấn Độ, châu Phi và Trung Quốc. Nhiều người không đủ khả năng tài chính để học đại học nên học trực tuyến là hy vọng duy nhất của họ để có được nền tảng giáo dục. Ước tính có trên 100 triệu người đăng tuyển vào các lớp trực tuyến và con số này đang tăng lên hàng năm.
PHƯƠNG PHÁP “HỌC QUA HÀNH”
Có người hỏi tôi: “Tại sao thầy nghĩ ‘học thông qua hành’ tốt hơn phương pháp đọc - chép truyền thống? Các môn như xã hội học, lịch sử, văn học, kinh tế, hay giáo dục thì ‘học qua hành’ như thế nào?”.
Tôi xin trả lời rằng phương pháp “học qua hành” không phải lúc nào cũng thích hợp cho mọi môn học, nó có thể có tác dụng tốt với một số môn nếu giáo viên hiểu được phương pháp và có khả năng đưa vào một số bài tập thực hành trong bối cảnh cụ thể của môn học. Phương pháp này đòi hỏi người dạy phải cân nhắc làm sao áp dụng nó vào thực tế và xem xét những vấn đề rộng hơn, vượt ra khỏi ranh giới của nhiều môn học truyền thống. Với phương pháp “học thông qua hành”, sinh viên được dạy về mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành, cũng như bản chất của các vấn đề và giải pháp, phức tạp hơn nhiều so với các lý thuyết truyền thống.
Mọi sinh viên đều muốn thấy được mối liên kết giữa nội dung môn học với các vấn đề của thế giới thực. Họ muốn biết họ có thể làm được gì với những kiến thức mà họ học, làm thế nào để áp dụng chúng vào tình huống thực tế và cách giải quyết các vấn đề đó khi nó xảy ra. Nếu đưa khái niệm “học qua hành” vào giáo án, bạn cần thiết kế lại môn học với nhiều ví dụ, nhiều trường hợp nghiên cứu và nhiều câu hỏi hơn cho sinh viên thảo luận. Khái niệm then chốt là phải tập trung vào “kết quả của việc học”, vì thế phải xác định rõ ràng. Giảng viên cần nói rõ cho sinh viên biết họ có thể thu được gì từ môn học này. Về căn bản, bạn muốn sinh viên xem điều gì là kết quả của môn này? Bạn muốn họ học được điều gì mới mẻ? Và tại sao bạn muốn họ học điều đó? Đó chính là “kết quả của việc học”. Ngày nay, phương pháp này được thế hệ sinh viên mới đón nhận nồng nhiệt hơn phương pháp đọc - chép truyền thống, vì họ là những người chủ động và sẵn sàng tiếp thu một cách học khác biệt.
Trong một lớp học truyền thống, giảng viên sẽ dạy theo sách giáo khoa mà ban quản lý trường chọn và theo chương trình nhà trường đề ra, nhưng với phương pháp này, giáo viên sẽ thay thế một số bài trong sách giáo khoa bằng các trường hợp thực tế và thảo luận trên lớp, bởi vì sinh viên cần học từ thực tế thay vì chỉ đọc sách giáo khoa và học thuộc lý thuyết. Giáo viên sẽ quy định sinh viên phải đọc bao nhiêu tài liệu, thảo luận bao nhiêu thời gian trên lớp, hay thực hành nghiên cứu các trường hợp nào. Điều này có nghĩa là, với vai trò người thầy, bạn phải quyết định các kinh nghiệm thực tế nào sẽ phù hợp với môn học và yêu cầu bao nhiêu là đủ. Tất nhiên, giảng viên phải đưa ra một số hướng dẫn để sinh viên có thể theo kịp đầy đủ bằng cách đọc các nghiên cứu trường hợp, phân tích tình huống và thảo luận về giải pháp, cũng như “giải pháp thay thế”, vì có thể có nhiều giải pháp.
Để thành công, cần đánh giá sinh viên đã học tốt như thế nào. Phương pháp “học qua hành” gợi ý rằng việc đánh giá nên dựa trên những gì sinh viên đã học được từ kinh nghiệm thực tế, chứ KHÔNG PHẢI dựa trên việc sinh viên ghi nhớ được những câu từ hay lý thuyết sách vở nào. Do đó, điểm số nên dựa trên hoạt động thực hành của sinh viên hơn là dựa trên bài kiểm tra. Chẳng hạn, trong môn “hóa học đại cương”, sinh viên phải học thuộc bảng tuần hoàn, nhưng ít người thực sự hiểu cách dùng nó, nên khái niệm này rất mơ hồ. Cách học đọc - chép truyền thống yêu cầu sinh viên phải ghi nhớ bảng tuần hoàn nhưng ít người hiểu được cách áp dụng nó. Nhưng nếu áp dụng khái niệm “học qua hành”, sinh viên có thể phân tích mẫu nước từ dòng sông gần đó dựa trên bảng tuần hoàn. Như vậy, sự tương tác với thực hành làm cho bảng tuần hoàn trở nên sống động hơn, thực tế hơn, vì sinh viên có thể biết được các hóa chất nào gây ra ô nhiễm. Ngoài ra, họ có thể cung cấp kết quả này cho cơ quan có trách nhiệm để cải thiện tình trạng ô nhiễm nước sông. Kết quả của việc học là nhận diện được nguyên nhân gây ra ô nhiễm dựa trên thành phần hóa học trong nước sông. Khía cạnh thực hành thể hiện ở chỗ lấy mẫu nước sông, phân tích và bổ sung chúng vào cơ sở dữ liệu sức khỏe của chính phủ để cải thiện nước sông và giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Về căn bản, KHÔNG CÓ phương pháp giảng dạy nào là hoàn hảo. Là giảng viên, bạn phải chọn một phương pháp thích hợp để giúp sinh viên học tốt nhất. Phương pháp giảng bài truyền thống hay “cầm tay chỉ việc”, hiện nay vẫn đang được sử dụng rộng rãi, tập trung vào việc chỉ dẫn trực tiếp và tỉ mỉ cho sinh viên, thay vì để họ tự khám phá theo cách riêng. Nó dựa trên khái niệm nền tảng rằng tâm trí con người là “tờ giấy trắng”, không hề có một ý niệm gì cho đến khi nó thu được tri thức qua các giác quan và kinh nghiệm. Do đó, trách nhiệm chính của giảng viên là rót đầy tâm trí sinh viên bằng tri thức và thông tin theo cách tiếp cận người hướng dẫn (với cách dạy chính là đọc - chép bài giảng), kiểm tra bằng cách xác định xem sinh viên có thể lưu giữ được bao nhiêu thông tin; sinh viên phải ghi nhớ càng nhiều càng tốt.
Phương pháp “học qua hành” hay cách tiếp cận “xây dựng” không quan niệm tâm trí con người như “tờ giấy trắng”, mà tin rằng việc học là phải tích hợp thông tin mới với những niềm tin cũ. Nó dựa trên khái niệm nền tảng là mọi sinh viên “bước vào môi trường giáo dục chính thức với một trình độ kiến thức, kỹ năng, niềm tin và quan niệm có trước, điều này gây ảnh hưởng lớn tới việc họ chú ý những gì trong môi trường này và cách họ tổ chức, diễn giải nó. Do đó, tri thức mới phải được xây dựng từ tri thức đã có”. Giảng viên cần làm nhiều hơn là chỉ hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên. Họ phải để ý xem có sinh viên nào nhận thức sai không để kịp thời xử lý. Đó là lý do tại sao sinh viên phải học tài liệu trước khi lên lớp và phải thảo luận trên lớp, tranh luận, nghiên cứu các trường hợp thực tế và thực hành để đánh giá các khái niệm, làm sáng tỏ cho tới khi họ thực sự hiểu rõ chúng. Đó chính là cách học của phương pháp này. Sinh viên KHÔNG học bằng cách ghi nhớ, mà phải thực sự hiểu mọi lý thuyết, mọi công thức và biết cách áp dụng nó để giải quyết vấn đề. Kết quả của việc học là sinh viên có khả năng áp dụng và giải quyết các vấn đề.