ĐẶT RA MỤC ĐÍCH CHO VIỆC HỌC
Trong suốt những năm dạy đại học và nói chuyện với những sinh viên giỏi nhất, tôi thấy rằng tất cả họ có một điểm chung: Đều có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng cho bản thân và làm theo một cách nghiêm túc. Ngay cả khi họ bắt đầu kế hoạch với chút ít hoài nghi về mục đích họ đã đặt ra, thì cuối cùng tất cả họ đều tin vào nó và quyết tâm làm cho nó trở thành hiện thực.
Nhiều sinh viên bảo tôi rằng họ đã ngạc nhiên về sức mạnh của việc đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch nghề nghiệp. Nhờ điều đó, tất cả họ đều đã ra trường với kết quả tốt hơn nhiều so với những gì họ mong đợi. Về sau, họ biết rằng thành công của họ là do quá trình tư duy trên mọi khía cạnh của công việc và phát triển bản lộ trình chi tiết đã được soạn ra để đưa họ đến cái đích cuối cùng.
Một sinh viên nói với tôi: “Khi em đang tiến từng bước tới mục tiêu nghề nghiệp mà em đã đặt cho bản thân mình, không hiểu vì sao bản thân em cảm nhận rất rõ sự thành công và thành đạt trong tương lai. Em cảm thấy chủ động hơn và tràn đầy niềm tin. Em thấy mình dễ dàng quản lý cuộc sống hơn. Em cũng cảm thấy hạnh phúc hơn. Cuối cùng, chẳng mấy chốc em đã phát triển được đà tâm lý, tự tạo ra cho bản thân khả năng vượt qua chướng ngại trên con đường tiến tới mục tiêu”.
Lập kế hoạch nghề nghiệp bắt đầu bằng việc xác định bạn muốn làm gì với tri thức và kỹ năng của bạn. Tri thức của bạn là chiếc xe đưa bạn đi, kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là đích đến. Có mục tiêu nghề nghiệp, bạn sẽ có thể đặt ra con đường cho mình ngay từ lúc mới vào đại học. Với vốn tri thức có được ở trường đại học, bạn có thể làm được nhiều việc. Tri thức của bạn, kỷ luật của bạn, quyết tâm của bạn và niềm tin của bạn là các trục chính giúp làm quay bánh xe cuộc sống. Mọi việc bạn làm ở trường đại học đều bắt đầu với việc làm sáng tỏ mục tiêu nghề nghiệp, hãy cố hết sức để làm cho mục tiêu đó trở thành sự thật.
Sinh viên thành công là vì họ biết rất rõ điều họ muốn đạt tới. Sinh viên không thành công là vì không chắc về tương lai, họ thường thay đổi định hướng và mục tiêu mỗi khi phải đối diện với chướng ngại. Ngày nay, nhiều sinh viên vào đại học mà không có tham vọng nghề nghiệp và không có mục tiêu nào. Họ chỉ nghĩ về bằng cấp và việc làm, chứ KHÔNG nghĩ về nghề nghiệp và mục tiêu. Nhiều người lạc lối trong thời gian ở đại học vì họ không có lộ trình hướng dẫn, không có chiều hướng rõ ràng hay mục tiêu, họ chỉ trôi dạt từ lớp này sang lớp khác. Một số có thể tốt nghiệp, nhưng không có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, họ sẽ chấp nhận bất kỳ điều gì tình cờ tới trên đường của họ và buông xuôi, để mặc mọi chuyện tự xảy ra. Nếu có điều gì tốt, họ sẽ tin rằng họ may mắn và nếu có điều gì xấu, họ sẽ than trách số phận.
Có định hướng và mục đích rõ ràng là khởi đầu của quá trình xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và tính cách cá nhân. Khi bạn dành thời gian để nghĩ về điểm mạnh của bản thân, về ước vọng và tự hứa sẽ theo đuổi nó đến cùng, bạn sẽ cảm thấy trong bạn dâng trào sức mạnh tinh thần và quyết tâm, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng để hoàn thành mục đích bạn đã đặt cho bản thân.
Với sinh viên năm thứ nhất, hãy quyết định cho bản thân điều bạn thực sự muốn đạt tới và tổ chức những hoạt động ở trường đại học quanh mục đích đó. Hãy ghi mục tiêu nghề nghiệp của bạn ra, lập một kế hoạch để đạt được và biến nó thành sự thật.
HỌC SUỐT ĐỜI – HỌC NHỮNG ĐIỀU MỚI
Ngày nay công nghệ thông tin đã trở thành một sức mạnh chi phối trong mọi khía cạnh của xã hội, kể cả giáo dục. Khi giảng viên cập nhật các công nghệ mới để dùng trong lớp học như laptop, truy cập Internet, soạn bài giảng bằng Powerpoint, chuẩn bị website môn học, v.v… nhiều người đã không chú ý tới yếu tố quan trọng nhất: “Làm sao phát triển kỹ năng học suốt đời cho sinh viên”.
Vấn đề với công nghệ là nó thay đổi rất nhanh, điều đó nghĩa là sinh viên cần phương pháp học có thể bắt nhịp cùng với thay đổi. Phương pháp đọc - chép - ghi nhớ - thuộc lòng - thi cử không còn phù hợp nữa. Sinh viên cần học các kiến thức và công nghệ mới một cách nhanh chóng và có khả năng áp dụng chúng ngay lập tức. Giảng viên không thể cứ nhồi nhét kiến thức cho sinh viên vì trí óc con người chỉ có hạn. Hơn nữa, ngày nay phần lớn thông tin có thể tìm thấy trên Internet, người ta không cần ghi nhớ quá nhiều, vì chỉ vài cái click chuột, bạn có thể tìm thấy phần lớn những điều mình cần. Điều thực sự cần là sinh viên phải biết cách áp dụng điều mình biết, xây dựng kỹ năng và không ngừng học hỏi trong suốt phần còn lại đời họ. Phương pháp học tích cực tập trung vào việc dạy sinh viên cách tìm thông tin họ cần, đánh giá mức độ đúng/sai của thông tin, phân tích và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, trao đổi hiểu biết của họ với giảng viên để được nhận xét, đánh giá. Đây là những kỹ năng quan trọng mà mọi sinh viên đều cần có, dù học tập hay làm việc trong lĩnh vực nào, vì phần lớn công việc trong tương lai sẽ đều là những công việc tri thức, trong đó người ta phải tìm ra thông tin đúng, phân tích, tổ chức và trao đổi những thông tin đó với người khác.
Trong một lớp học tích cực, sinh viên phải chịu trách nhiệm cho việc học của riêng mình, tài liệu môn học được cung cấp qua các website hay sách báo, sinh viên phải đọc tài liệu trước khi lên lớp. Thời gian trên lớp được dùng phần lớn cho thảo luận, thuyết trình và làm việc nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Sinh viên học tập thông qua thảo luận và làm việc nhóm, áp dụng điều họ biết để giải quyết những tình huống mô phỏng các vấn đề thật xảy ra trong công việc. Sinh viên phải đặt các câu hỏi như: “Điều gì sẽ xảy ra?”, “Tại sao nó xảy ra?”, “Tại sao cái này hoạt động được?” và “Tại sao cái kia không hoạt động được?”. Họ học nghiên cứu vấn đề bằng cách tìm nhiều thông tin hay tài liệu có liên quan, cũng như các giải pháp. Bằng cách học của riêng mình, sinh viên có thể thấy được giá trị của tài liệu môn học và cách để có thể sử dụng nó trong đời. Thay vì ghi nhớ các khái niệm và lý thuyết mang tính hàn lâm như cách giáo dục truyền thống, sinh viên được học cách giải quyết các vấn đề cho thực tế cuộc sống. Nhiệm vụ quan trọng của giảng viên là giải thích cách tiếp cận mới này để khuyến khích sinh viên học nhiều hơn nhằm chuẩn bị cho tương lai. Một nhiệm vụ quan trọng khác của nhà trường là phải liên kết chặt chẽ với các công ty, ngành nghề để đảm bảo hoạt động đào tạo của họ sẽ giúp sinh viên có được tri thức và kỹ năng cần thiết để phát triển nghề nghiệp. Mục đích của phương pháp học tích cực là giúp cho khoảng cách giữa việc học và nhu cầu của thị trường việc làm càng nhỏ càng tốt, để làm lợi cho nền kinh tế và xã hội.
Việc học suốt đời là liên tục học ngay cả khi đã rời nhà trường. Nó bao quát từ học chính thức trong lớp tới học không chính thức bằng cách đọc sách, xem video giáo dục hay học trực tuyến, v.v... Đầu tư thời gian và nỗ lực để học hỏi những tri thức, kỹ năng mới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả các cá nhân và xã hội. Hiện thời chúng ta đang trong quá trình chuyển tiếp sang thời đại thông tin, tri thức là nguồn lực then chốt để tăng trưởng kinh tế vì nền kinh tế toàn cầu dựa trên tri thức và sáng tạo. Trong thế giới toàn cầu này, giáo dục được coi là nền tảng cho mọi thứ. Ngày xưa, đọc, viết và làm tính là những kỹ năng nền tảng, nhưng ngày nay, bên cạnh ba kỹ năng này, học suốt đời để tìm thông tin và phát triển tri thức đã trở thành kỹ năng cơ bản thứ tư. Để chuẩn bị cho tương lai của sinh viên, hệ thống giáo dục phải tập trung vào việc phát triển kỹ năng mới này cho họ, giảng viên cũng cần thúc đẩy kỹ năng này và rèn luyện cho sinh viên có trách nhiệm với việc học cả đời của họ.
Trong nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh, nền tảng để xây dựng và bảo vệ đất nước là giáo dục tốt. Để sống còn và tăng trưởng nền kinh tế, mọi đất nước đều phải cải tiến giáo dục và cung cấp cho công dân của họ các tri thức, kỹ năng, thái độ cũng như rèn luyện về tính cách, tinh thần làm việc. Giáo dục là lĩnh vực cần đầu tư nhiều nhất của bất cứ chính phủ nào trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này.
Việc học suốt đời không chỉ bao gồm học các tri thức, kỹ năng mới, mà bạn còn phải học hỏi những kinh nghiệm rút ra từ sai lầm của mình. Nhiều sinh viên tin rằng chỉ cần học công nghệ mới nhất là đủ, nhưng khi bạn trưởng thành, già dặn hơn và thăng tiến hơn trong nghề nghiệp, bạn sẽ học nhiều điều có thể chẳng liên quan gì tới công nghệ. Về căn bản, bạn đang trưởng thành và trở nên thông tuệ hơn.
Ở trường đại học, bạn học từ thầy cô, từ sách vở, từ việc đọc bài và làm bài tập để phát triển tri thức về một chủ đề đặc thù. Tri thức và bằng cấp có được sẽ giúp cho bạn kiếm việc làm. Tuy nhiên tri thức hàn lâm này chưa đủ để giúp bạn bước tiếp. Trong công việc, bạn cần áp dụng tri thức vào cái gì đó có giá trị. Chỉ như vậy bạn mới phát triển được khả năng của mình. Đó là kỹ năng giúp bạn giữ được công việc và tiến bộ trong nghề nghiệp. Bằng cách liên tục học hỏi tri thức mới và áp dụng nó, bạn đang cải thiện khả năng và thăng tiến lên những chức vụ cao hơn.
Tuy nhiên các kỹ năng giúp bạn thăng tiến không phải là kỹ năng mà bạn cần để có thể tiến bộ.
Đây là một điều quan trọng mà nhiều người không hiểu. Điều tốt nhất bạn có thể học sau nhiều năm kinh nghiệm là một năng lực. Đó là phải “biết điều bạn không biết”. Là người có kinh nghiệm, bạn sẽ biết được những điểm mạnh và yếu của riêng mình. Bạn cần học hỏi mọi người vì bất cứ ai cũng có một kỹ năng hay kiến thức nào đó mà bạn không có. Nhiều người tin rằng vì họ thành công và có một chức vụ quan trọng, nên họ biết mọi thứ. Đây là chỗ sai lầm của họ. Người quản lý giỏi nhất và người lãnh đạo giỏi nhất phải là những người hiểu được điều này. Họ biết những khiếm khuyết của chính mình nên luôn biết tìm kiếm những người có tri thức và kỹ năng nào đó mà họ không có. Những người đó sẽ giúp họ ra quyết định. Ngược lại, một người quản lý kiêu căng, không biết nhược điểm và giới hạn của mình thì sẽ mắc sai lầm và không bao giờ tiến bộ thêm, thậm chí một số người sẽ bị thui chột và mất việc. Học suốt đời nghĩa là học kỹ năng mới để thành công ở vị trí tiếp theo, trong đó bao gồm việc học những khiếm khuyết và giới hạn của chính mình, nghĩa là phải biết điều gì bạn không biết và làm thế nào để sửa chữa nó.
Tuy nhiên, kỹ năng này vẫn chưa đủ để giúp bạn tiến bước.
Muốn tiến bước, bạn phải có một tâm trí cởi mở. Việc học cả đời sẽ đưa người ta tới chỗ dám sáng suốt chấp nhận việc mình “không biết điều mình không biết”. Đây là điều triết gia Hy Lạp Socrates gọi là “điểm mù của người lãnh đạo”. Ông viết: “Người lãnh đạo thực sự phải có khả năng hiểu được ‘điểm mù’ của mình bằng cách tương tác với người khác trong các cuộc tranh luận, đặt câu hỏi, phân tích bằng một tâm trí cởi mở dù những ý kiến đó có thể không trùng với ý kiến riêng của mình”. Theo tôi, bạn chỉ có thể làm được điều này nếu có tư duy sâu sắc và biết lắng đọng bản thân để học điều mới. Việc học sâu chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh luận, bạn có thể nhìn vào luận cứ từ quan điểm của người khác và xem xét cách họ đi tới kết luận, cho dù những thông tin mới này có thể mâu thuẫn với bạn.
Trong cuộc tranh luận, mỗi thành viên sẽ có ý kiến riêng. Bạn cần phân biệt giữa sự kiện và diễn giải, cũng như học hỏi cách người khác suy luận. Điều này sẽ giúp mở ra những khả năng mới cho bạn. Bây giờ bạn đã biết cách tìm ra “điểm mù” của mình và đã bắt đầu học sâu. Đây là điều mà người Hy Lạp gọi là “tri thức thông thái”.
Làm thế nào bạn có thể tiến bộ?
Bản chất cho việc học cả đời là lắng nghe với tâm trí cởi mở. Ngày nay, trong thế giới kinh doanh, người ta thường bỏ qua kỹ năng lắng nghe. Mọi người đều muốn là người trình bày, người nói, người có ý kiến mạnh, người có tiếng nói lớn. Có nhiều khóa học về kỹ năng trình bày hay nói trước công chúng, nhưng chẳng có mấy khóa học dạy về kỹ năng lắng nghe và học tập. Người lãnh đạo lớn thường không phải là người nói nhiều mà là người có khả năng lắng nghe. Đây là khả năng giúp họ có tâm trí cởi mở, hiểu điều người khác muốn nói mà không quan tâm nó có trùng khớp với kết luận của mình hay không. Nếu bạn có thể phát triển kỹ năng này, bạn sẽ làm tốt hơn rất nhiều người khác và có thể đạt tới vị trí cao nhất. Nhờ lắng nghe ý kiến khác, bạn có thể học những điều mới, ý tưởng mới, suy luận mới và nhờ đó đưa ra được những ý tưởng mới: “Mình chưa bao giờ nghĩ về nó theo cách đó cả. Cách đó có thể tốt hơn cách nghĩ của mình”.
Tôi tin rằng học suốt đời nghĩa là như vậy.
Người lãnh đạo thực sự phải có khả năng hiểu được ‘điểm mù’ của mình bằng cách tương tác với người khác trong các cuộc tranh luận, đặt câu hỏi, phân tích bằng một tâm trí cởi mở dù những ý kiến đó có thể không trùng với ý kiến riêng của mình.