TRƯỚC KHI TỐT NGHIỆP
Một bạn sinh viên ngành công nghệ phần mềm năm thứ tư gửi cho tôi một email:
“Đây là năm cuối của em ở đại học, vài tháng nữa em sẽ phải tìm việc làm. Em rất lo lắng vì có nhiều thông tin trái chiều về thị trường việc làm. Một số bạn học bảo em rằng sinh viên mới tốt nghiệp đại học như em rất khó kiếm việc làm nhưng các giảng viên lại nói có rất nhiều. Em KHÔNG biết tin ai, đôi khi em tự hỏi liệu mình có chọn đúng lĩnh vực học tập hay không, khi thấy các quảng cáo đăng tuyển việc làm chỉ yêu cầu kỹ năng lập trình. Em KHÔNG chắc mình có chọn đúng ngành học hay không. Xin thầy cho lời khuyên.”
ĐỪNG nghe những lời khuyên tiêu cực. ĐỪNG lo lắng vì những tin đồn nhảm. Hãy nhìn vào thực tế, thế giới ngày nay đang thiếu những người có phẩm chất trong công nghệ thông tin. Bạn đã chọn ĐÚNG lĩnh vực, bạn đang chọn lựa ĐÚNG và bạn sắp hoàn thành bằng cấp ĐÚNG của mình. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thành công và mang lại niềm tự hào cho gia đình, vì thế xin đừng lo lắng. Tôi KHÔNG biết liệu chuyện này có phải là “lừa đảo” hay không, nhưng ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều trường dạy nghề “quảng cáo” đầy rẫy những công việc lập trình và kiểm thử mà chỉ yêu cầu đào tạo sáu tháng. Những công việc này KHÔNG đáng tin cậy, nhưng sức cám dỗ của chúng đã khiến nhiều thanh niên đăng tuyển vào những trường này với hy vọng “kiếm tiền nhanh chóng”, thay vì xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của họ. Từ những gì tôi biết, phần lớn những công việc tốt về lĩnh vực phần mềm đều yêu cầu bằng đại học là tối thiểu.
NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ LÀM TRƯỚC KHI TỐT NGHIỆP:
1. KHÔNG đợi cho tới khi tốt nghiệp rồi mới tìm việc làm, bạn cần chuẩn bị và bắt đầu tìm việc ngay từ BÂY GIỜ.
2. Tới thăm các doanh nhân và chủ công ty, phỏng vấn về nghề nghiệp của họ và tìm cơ hội nói chuyện với người quản lý của họ. (Bạn có thể nói với họ rằng bạn đang làm nghiên cứu cho trường và xin 15 phút phỏng vấn cho công việc của trường bạn. Nếu bạn lễ phép, họ sẽ vui lòng chấp nhận thôi.)
3. Chỉ chọn những công ty bạn quan tâm và thổ lộ rằng bạn có ý định tìm việc. Thu hút sự quan tâm của họ bằng cách chia sẻ với họ những hiểu biết, thắc mắc của bạn và xin họ lời khuyên. Đó có thể xem là một cuộc phỏng vấn việc làm. (Phần lớn sinh viên cho tôi biết rằng phương pháp này rất hiệu quả.)
4. ĐỪNG dừng lại ở những công việc đơn giản. Hãy tìm những việc mang tính thử thách, bởi vì công việc quá dễ dàng sẽ sớm làm bạn chán, khiến bạn cứ mãi ở vị trí thấp và chẳng học hỏi được gì.
5. Hãy đặt ra các câu hỏi. Khi còn là “sinh viên”, bạn sẽ có cớ để KHÔNG biết điều gì đó. Sau khi tốt nghiệp, việc này sẽ khó khăn hơn vì người ta mong đợi bạn là một người hiểu biết rành rẽ nhiều thứ.
6. Hãy chuẩn bị câu hỏi một cách cẩn thận. Họ đã bắt đầu nghề này như thế nào; họ thích và không thích điều gì trong công việc; họ đã thực hiện những loại dự án nào; điều gì khiến họ đi theo con đường này, họ có hối tiếc vì đã không làm được điều gì không; họ có lời khuyên nào dành cho bạn không. Nếu có thể, hãy xin một cơ hội làm thực tập (có lương hoặc không lương).
7. Cố gắng tham gia các hoạt động chuyên nghiệp ở trường như quản lý diễn đàn phần mềm, tổ chức ngày công nghệ, dù lịch học của bạn có bận rộn. Những người sử dụng lao động đều muốn tìm những người lãnh đạo doanh nghiệp tương lai sáng tạo, năng nổ. Quyền lãnh đạo trong các hoạt động của nhà trường chứng tỏ bạn đầy năng động, chứ không chỉ răm rắp làm việc theo chỉ đạo, chứng tỏ sự cố gắng và khả năng làm việc nhóm, khả năng xử lý xung đột và giải quyết vấn đề của bạn.
8. Liên hệ với trung tâm hướng nghiệp ở trường để biết thêm thông tin hữu ích. Đăng ký tham gia các khóa tập huấn, như phỏng vấn thử hay cách làm đơn xin việc. ĐỪNG thụ động, hãy cố gắng tham gia ngay cả khi bạn chưa thể áp dụng ngay điều học được.
9. Nếu bạn vẫn KHÔNG biết nên chọn việc gì sau khi tốt nghiệp, ĐỪNG thất vọng bởi vì phần lớn sinh viên đều trải qua điều đó. Hãy thử nghĩ ra một số lựa chọn. Bạn không bao giờ biết lựa chọn nào sẽ dẫn bạn đến đúng cánh cửa cần tìm. Hãy đi theo trái tim và trực giác của bạn.
10. Khi tham gia phỏng vấn tìm việc, ĐỪNG chỉ trả lời các câu được hỏi một cách thụ động. Hãy nắm lấy mọi cơ hội để giải thích những điều bạn đã học trong lớp và bên ngoài xã hội, điều đó sẽ giúp bạn có những đóng góp như một nhân viên thực thụ. Tuy bạn không thể giả vờ rằng mình biết mọi thứ, nhưng phải biểu lộ sự nhiệt tình và sự chuẩn bị của mình. Và cuối cùng, hãy đề nghị họ nhận bạn vào làm việc. Nếu họ nói còn phải đợi phỏng vấn những người khác, hãy hỏi xem bạn có bao nhiêu phần trăm cơ hội và bạn có thể điều chỉnh gì để cải thiện khả năng của mình.
11. Đừng dựa dẫm vào danh tiếng của trường hay chương trình học của bạn. Thay vào đó, hãy học cách “xoay xở” làm sao để họ biết bạn quan tâm điều gì, bạn có khả năng gì và kiến thức về thị trường của bạn ra sao. Hãy chứng minh cho họ thấy rằng bạn rất nghiêm túc về sự nghiệp của mình chứ không chỉ tìm một công việc cho có.
Cuộc sống không bao giờ là cuộc hành trình trôi chảy từ việc này sang việc khác. Mà ngược lại, nó luôn luôn là một hành trình bí ẩn, đòi hỏi bạn phải thám hiểm và phiêu lưu. Đó là lý do tại sao bạn phải dành bốn năm ở đại học để chuẩn bị cho cuộc hành trình này.
Hãy khởi hành đi!
LỜI KHUYÊN CHO SINH VIÊN SẮP TỐT NGHIỆP
Trong vài tuần qua, tôi đã nhận được nhiều thư từ các sinh viên với cùng một nội dung: “Em sẽ tốt nghiệp đại học trong tháng này và muốn tìm việc nhưng rất ít công ty cần thuê người, các công ty cần thuê người lại không quan tâm tới sinh viên mới tốt nghiệp. Tất cả đều muốn người có ít nhất hai năm kinh nghiệm, sinh viên có thể kiếm loại kinh nghiệm đó ở đâu được?”.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã gây tổn hại cho nhiều người, kể cả sinh viên sắp tốt nghiệp. Tháng trước khi tôi ở Bắc Kinh, có người nói với tôi rằng ở đó có 8 triệu sinh viên mới tốt nghiệp không thể kiếm được việc và việc tuyển sinh vào các năm tới của các trường đại học Trung Quốc sẽ sụt giảm khá lớn. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, nơi cuộc khủng hoảng tác động mạnh. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn những dữ liệu này, tôi thấy có một số sự kiện đáng quan tâm.
Thứ nhất, nhiều công ty không thuê người vì họ không đủ tiền trả chứ không phải vì họ không cần người, cho nên khi tình hình tốt hơn, họ sẽ lại thuê người.
Thứ hai, hầu hết sinh viên ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh, thương mại toàn cầu sẽ gặp vấn đề tìm việc bởi vì cung đã vượt quá cầu.
Thứ ba, có những việc cần người làm ở một số vùng miền nhưng không thể tìm được như y tế, chăm sóc sức khỏe và công nghiệp phần mềm. Bằng chứng là nhiều nước vẫn đang gặp vấn đề về nhân sự chất lượng cao trong những lĩnh vực này. Mỹ và châu Âu không thể thuê được đủ bác sĩ và y tá cho các bệnh viện của họ và phải “nhập khẩu” hàng trăm nghìn y tá từ Philippines và Ấn Độ để đáp ứng những nhu cầu này. Các công ty công nghiệp phần mềm ở Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang thuê các kỹ sư phần mềm, dù gặp khủng hoảng.
Về toàn thể, đó thực sự là quy luật cung cầu và bạn cần xác định tương lai của mình bằng việc tuân theo quy luật này: Bạn cần nghĩ tới bản thân mình như một người có kỹ năng và tri thức. Bạn có thể có hoặc không có kỹ năng mà công ty muốn thuê. Nếu bạn muốn thuyết phục người sử dụng lao động thuê bạn, bạn cần nghĩ về kỹ năng của mình và tự hỏi: “Mình có những kỹ năng mà họ cần hay không?”.
Vài năm trước, “kỹ năng nóng” là tài chính, ngân hàng, kinh doanh và thương mại toàn cầu, sinh viên đăng tuyển vào các lĩnh vực này rất nhiều, nhưng không ai tiên đoán được về cuộc khủng hoảng tài chính này. Ngày nay, cầu đã thay đổi, còn cung thì vẫn có hơn nửa triệu người dư thừa trong những lĩnh vực này không thể tìm được việc làm.
Ngày nay, “kỹ năng nóng” là y tế, chăm sóc sức khỏe và phần mềm. Dựa trên nghiên cứu của tôi, các lĩnh vực này hiện thời không có đủ người và số lượng tuyển sinh vào đại học vẫn thấp so với nhu cầu toàn cầu. Cho nên lời khuyên của tôi cho tân sinh viên là hãy xem xét những lĩnh vực này nếu bạn muốn có việc tốt sau khi tốt nghiệp. Với những sinh viên sắp tốt nghiệp, bạn có thể học thêm các khóa huấn luyện ngắn hạn về các “kỹ năng nóng” để dễ tìm kiếm cơ hội việc làm hơn. Dù bây giờ thế giới đang trong cơn khủng hoảng, các cơ hội việc làm bị giới hạn, nhưng bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm sắp tới, khi cơn khủng hoảng qua đi. Không có lý do gì để cay đắng hay thất vọng cả, vì quyết định học thêm các khóa huấn luyện phụ để cải thiện kỹ năng là một quyết định đúng đắn. Cuộc đời là một hành trình học tập, luôn cải thiện và học suốt đời là một phần cuộc sống. Đừng coi bằng cấp là mục đích, nó chỉ là một cột mốc trong hành trình sống của bạn, với nhiều cột mốc cần đạt tới. Bạn sẽ cần phải thật kiên trì và kiên nhẫn trong hành trình ấy bởi vì ngay cả khi có được tấm bản đồ tốt nhất đi nữa, thì hành trình của bạn vẫn có thể thay đổi vì những yếu tố bất ngờ. Chừng nào bạn còn học và còn tiến lên, bạn sẽ đạt tới cột mốc khác. Hãy tận hưởng hành trình của mình bởi vì cuộc sống là một hành trình chứ không phải đích đến.
Chúc bạn may mắn.
Bạn sẽ cần phải thật kiên trì và kiên nhẫn trong hành trình ấy bởi vì ngay cả khi có được tấm bản đồ tốt nhất đi nữa, thì hành trình của bạn vẫn có thể thay đổi vì những yếu tố bất ngờ.
SAU NGÀY TỐT NGHIỆP
Khi chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng, sinh viên đại học năm thứ tư sẽ nhận ra rằng lần đầu tiên trong đời, mình không phải quay lại trường vào năm tới. Rời khỏi trường là một trải nghiệm vừa vui vừa buồn. Bạn hạnh phúc vì nó đánh dấu một thành tựu sau nhiều năm nỗ lực và tốt nghiệp là một lý do để ăn mừng. Đồng thời, bạn buồn vì điều đó có nghĩa là bạn phải lìa xa bạn bè và cuộc sống sinh viên hồn nhiên. Khi ngày cuối ở trường tới gần, nhiều người cũng nghĩ về nghề nghiệp và công việc.
Với sinh viên sắp tốt nghiệp, đây là lúc cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi. Bạn không còn là sinh viên mà phải trở thành những người lớn có trách nhiệm. Bạn không còn hồn nhiên khi đối diện với thực tại của cuộc sống. Khi bước ra khỏi cái kén bảo vệ, bạn bắt đầu nhận thức về các kế hoạch nghề nghiệp và mơ ước của mình. Đây là lúc bạn biết được rằng kế hoạch nghề nghiệp của mình có hợp lý hay không. Đây cũng là thời gian bạn nhận ra sự khác biệt giữa bản thân với người khác. Trước lúc tốt nghiệp, bạn sẽ thấy rằng một số bạn bè đã có cơ hội việc làm, trong khi số khác vẫn còn đang tìm việc. Bạn sẽ thấy rằng một số bạn bè tự tin là họ sẽ sớm có được công việc trong khi những người khác còn bối rối về những hồ sơ xin việc chưa được trả lời. Các bạn sẽ học được những kỹ năng làm việc các công ty mong đợi mà bạn chưa bao giờ nghe nói đến và nhiều người sẽ bị choáng.
Mọi năm, tôi đều thấy sinh viên tốt nghiệp trong thư viện hay trong phòng chờ của trường với những câu chuyện tương tự như “Tôi tốt nghiệp với bằng về lịch sử nhưng không ai muốn thuê nhà lịch sử.”, “Bạn có biết công ty nào thuê người tốt nghiệp văn học không?”, “Tôi cần việc làm về kịch vì mơ ước của tôi là tới Hollywood.” Đây cũng là lúc thực tại và mơ ước va chạm nhau và nhiều giấc mơ bị tan vỡ.
Nhiều giảng viên đại học cho rằng công việc của họ là giáo dục sinh viên nhưng sinh viên có thể làm gì với những điều được dạy thì họ không quan tâm. Một số người không muốn nói chuyện với những sinh viên đang lo lắng này. Họ đề nghị sinh viên tới gặp cố vấn nghề nghiệp của trường. Nhiều cố vấn nghề nghiệp sẽ cho sinh viên lời khuyên về cách xin việc hay cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn việc làm, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đó và không liên hệ về sau nữa. Điều đó khiến nhiều sinh viên lo lắng và mặc cảm bị bỏ rơi.
Tôi thường tập hợp một số sinh viên năm cuối ở thư viện để bắt đầu thảo luận nghiêm chỉnh về tương lai của họ. Tôi bắt đầu bằng việc nói rằng tuyệt đối không có gì sai khi chọn lĩnh vực học tập mà họ yêu thích. Không có gì sai nếu họ thích văn học và đi theo đam mê của họ để trở thành nhà văn. Không có gì sai khi chọn kịch và mơ ước làm diễn viên ở Hollywood. Tuy nhiên, đừng lẫn lộn giữa đam mê và mơ ước. Có khác biệt lớn giữa điều họ ước mơ và đam mê của họ. Không ai có thể đảm bảo rằng đi theo đam mê sẽ dẫn tới điều họ ước mơ. Đam mê của họ không đảm bảo cho họ thành công, được giàu có, hay có danh tiếng.
Lời khuyên của tôi rất đơn giản!
Đừng phí thời gian để ngồi đó đau khổ. Đừng cảm thấy cay đắng về chọn lựa của bạn vì bạn không thể thay đổi mọi sự trong quá khứ. Hãy tận hưởng cuộc sống và không sợ thất bại. Bạn có thể không có khả năng kiếm được việc làm mà bạn mong muốn ngay hôm nay, nhưng bạn có thể tiến thêm một bước nhỏ hôm nay để cải thiện tình thế của bạn.
Hãy làm những việc khiến bạn thoải mái và giải tỏa tâm lý nặng nề như đọc sách, đi dạo trong công viên với một người bạn, hay giúp đỡ mọi người và suy nghĩ về mọi khả năng của bạn. Lúc này, bạn chưa kiếm được việc làm không có nghĩa là thế giới kết thúc, bao giờ cũng có các phương án khác. Bạn thử nghĩ xem: Nên bỏ thêm một năm hay hai năm ở đại học để học kỹ năng mới và có chọn lựa thay thế hay là ở nhà và cảm thấy cay đắng? Có những công việc không có người làm và có những người không có việc làm. Việc học thêm về lĩnh vực học tập đang có nhu cầu cao có phải là giải pháp hợp lý không?
Nhiều sinh viên bị căng thẳng, vì thế họ không thể suy nghĩ về các phương án khác. Họ so sánh bản thân mình với người khác và cảm thấy cay đắng. Thỉnh thoảng họ phàn nàn: “Chúng em học cùng thời gian như nhau ở đại học; cùng nỗ lực như nhau nhưng một số người có việc làm tốt, lương cao, còn chúng em thậm chí không được gọi phỏng vấn”. Tôi khuyên họ không nên có cảm giác tiêu cực vì chưa có việc làm sau khi tốt nghiệp không có nghĩa là họ sẽ không thành công trong cuộc sống, hay không có khả năng tận hưởng cuộc sống. Đây không phải là lúc để chìm trong cay đắng, mà cần hiểu rằng họ đã đạt được một bước quan trọng với việc hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Nhưng sự học không chấm dứt ở đây vì nó sẽ tiếp tục trong suốt phần đời còn lại của họ.
Đối diện với khó khăn trong tìm việc, nhiều sinh viên phải cân nhắc xem có nên học tiếp để bổ sung những kỹ năng mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm. Theo những con số mới do chính phủ Mỹ đưa ra, số sinh viên đăng ký học bằng thứ hai đã tăng tới 27% trong năm 2011 so với năm trước đó. Chọn lựa hàng đầu là: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe.
Nữ nghệ sĩ Julia Robert đã không thể tìm được việc làm diễn viên sau khi tốt nghiệp ngành kịch. Cô chuyển sang ngành bác sĩ thú y để kiếm sống nhưng vẫn theo đuổi đam mê. Cuối cùng, cô xin được những vai nhỏ trong nhà hát New York. Sau vài năm, cô xin được việc làm ở Hollywood. Brad Pitt đã học về báo chí nhưng không thể kiếm được việc làm vì trượt một môn trong năm cuối. Anh chuyển sang làm người mẫu thời trang trước khi tìm được việc làm diễn viên. Tiger Woods học kinh tế, không thể tìm được việc làm nên mới trở thành vận động viên golf chuyên nghiệp. Matt Damon học ngành văn học Anh, làm việc ở nhà hàng trong nhiều năm trước khi làm diễn viên. Bây giờ khi đã nổi tiếng và kiếm sống tốt, anh ấy bắt đầu viết tiểu thuyết (đam mê của anh ấy). Tỷ phú Donald Trump đã học kinh tế và muốn là một giáo sư đại học nhưng không thể tìm ra việc làm. Ông trở thành thầy giáo trung học và đầu tư vào đất đai, nhờ đó mà trở thành tỷ phú. Bây giờ ông lại mở đại học riêng, ở đó ông sẽ thoải mái làm giáo sư. Vài người thành công sau đại học, nhiều người dành nhiều năm làm những việc chẳng có gì liên quan tới nền tảng giáo dục của họ, nhưng chừng nào họ còn theo đuổi mơ ước và đam mê, thì một số sẽ thành công.