Bao nhiêu người tốt nghiệp đại học hài lòng vì không phải thi cử nữa? Bao nhiêu người tốt nghiệp đại học hài lòng vì không phải học thêm nữa? Tôi nghĩ rằng nhiều người nghĩ vậy, nhưng điều đó thật sai lầm, bởi vì việc học phải KHÔNG kết thúc với việc tốt nghiệp mà bạn phải học không ngừng để duy trì nghề nghiệp của bạn trong môi trường làm việc cạnh tranh.
Dù làm việc ở đâu, bạn cũng luôn bị so sánh về tri thức và kỹ năng với những người khác. Sự khác biệt giữa trường học và môi trường làm việc là trong công việc không có các kỳ thi, cũng không có các lớp học, nhưng họ sẽ đo năng lực của bạn so với người khác. Và nếu bạn không đáp ứng được những tiêu chuẩn nào đó, bạn sẽ không giữ được việc. Vấn đề là tiêu chuẩn đang thay đổi liên tục do công nghệ thay đổi, khách hàng thay đổi, sản phẩm thay đổi và doanh nghiệp thay đổi, những thay đổi này tác động tới mọi nhân viên. Bạn có thể là chuyên viên công nghệ giỏi nhất trong công ty, nhưng khi công nghệ thay đổi, điều bạn biết có thể không còn cần đến nữa, đột nhiên, bạn có nguy cơ mất việc, trừ khi bạn sẵn lòng học công nghệ mới. Thật không may, phần lớn mọi người không thể học điều gì mới một cách nhanh chóng, phần lớn trở thành nạn nhân của thay đổi. Tháng trước, tôi đã gặp vài người quản lý của Microsoft bị sa thải, họ nói rằng đó là do họ đã quá quen thuộc với Windows XP và mọi thứ họ đã làm đều có liên quan tới công nghệ này. Ngày nay không còn Windows XP hay Windows 7 nữa, mà là Windows 10. Ngay cả những người làm việc với Windows 8 hay Windows 9 cũng phải lo lắng vì công nghệ thay đổi quá nhanh.
Giải pháp duy nhất để giữ việc làm của bạn trong thế giới thay đổi nhanh chóng này là phát triển thái độ “học suốt đời” để luôn cập nhật tri thức và kỹ năng. Và thái độ này phải được phát triển ngay từ khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Vài năm trước, một sinh viên nói với tôi: “Em mừng là em không học công nghệ nên không phải lo nghĩ về những thay đổi công nghệ hay phải liên tục học điều mới”. Và tôi hỏi lại bạn sinh viên đó: “Em có thể kể cho thầy lĩnh vực nào không dính dáng đến công nghệ không? Dù cho em chọn lĩnh vực học tập nào, em phải duy trì thái độ học suốt đời vì mọi thứ đều thay đổi. Ngày nay phần lớn các công ty đều dùng công nghệ thông tin và khi công nghệ thay đổi, họ buộc phải thay đổi. Từ các cơ xưởng tới bệnh viện, từ ngân hàng tới văn phòng, mọi thứ đều phụ thuộc vào công nghệ thông tin. Nếu em không cập nhật liên tục tri thức và kỹ năng, em sẽ bị loại”.
Theo một khảo cứu của chính phủ Mỹ, có mối tương quan mạnh giữa học tập và việc làm bền vững. Những nhân viên không ngừng học tập có khả năng thích nghi với môi trường thay đổi và luôn duy trì được lợi thế cạnh tranh trong thị trường việc làm. Nhân viên nào chứng tỏ được rằng họ sẵn lòng học những điều mới sẽ luôn được đánh giá là năng động và có giá trị cao. Ngược lại, những nhân viên không có ý thức học suốt đời, mà chỉ thụ động làm một việc nhất định sẽ bị coi là “lười” và có thể bị sa thải khi kỹ năng của họ không còn cần tới. Trong thị trường việc làm cạnh tranh cao này, có hàng trăm ứng cử viên cho một vị trí và nếu bạn không đóng góp được gì tích cực cho doanh nghiệp, bạn sẽ không duy trì vị trí được lâu.
Cho dù đã có việc làm tốt, bạn vẫn cần nói chuyện với người quản lý để xem mình cần cải thiện những gì về tri thức và kỹ năng mới. Bạn có thể cần học thêm vài môn học hay xêmina, hay thậm chí học trực tuyến theo cách riêng để luôn cập nhật kỹ năng. Nếu biết rằng kỹ năng điện toán đám mây là một phần ngày càng quan trọng trong công việc, bạn có thể đề nghị người quản lý cho bạn theo học hay làm việc cho ai đó có kỹ năng về lĩnh vực này.
Khi làm việc, bạn có thể không chú ý tới sự thay đổi nhu cầu của thị trường việc làm. Tuy nhiên, bạn cần tạo ra thói quen đọc về xu hướng thị trường, xu hướng công nghệ có liên quan tới nghề nghiệp của bạn trên cơ sở hàng tuần. Bạn phải tự hỏi: Mình có những thứ mà công ty hay ngành này cần không? Kỹ năng của mình có cập nhật không? Ngày nay, phần lớn mọi công việc đều yêu cầu hàng năm phải cập nhật chuyên môn ở một mức độ nào đó. Dù công ty bạn có yêu cầu hay không, thì bạn cũng cần đảm bảo mình luôn bắt kịp với điều đang xảy ra trong lĩnh vực của mình, nếu không bạn sẽ có nguy cơ rủi ro cao.
Việc học suốt đời cần thời gian và nỗ lực, đôi khi nó sẽ làm cho bạn cảm thấy không thoải mái vì gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu bạn có thể giữ thói quen học suốt đời, bạn sẽ có khả năng giữ vững và đạt năng suất cao trong công việc.
VIỆC LÀM VÀ KỸ NĂNG
Khi tôi đi du lịch thế giới, từ Âu sang Á, tôi chỉ nghe mọi người nhắc nhiều đến “việc làm, việc làm và việc làm”. Đây gần như là chủ đề thu hút sự quan tâm của người dân các nước nhất. Một giáo sư người Đức từng nói với tôi rằng: Bất kỳ cái gì xảy ra ở châu Âu sẽ sớm lan sang các nước khác, bởi vì ngày nay nhiều thanh niên không có định hướng tương lai và lâm vào tình trạng thất nghiệp. Chính phủ các nước cũng đang nghiên cứu kế hoạch phát triển nhiều việc làm hơn cho người dân.
Tất nhiên, phát triển việc làm là điều tuyệt vời vì nó sẽ giúp nhiều nước cải thiện tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng dưới quan điểm của một người chuyên nghiên cứu về toàn cầu hóa và công nghệ, tôi nghĩ mọi người không nhận ra rằng hiện tại vẫn có nhiều công việc tốt, tuy nhiên công việc ở nhiều nước không được phân bổ hợp lý. Tháng trước, trong một buổi xêmina tại Đức, tôi yêu cầu sinh viên tìm cụm từ “công nghệ thông tin” trên công cụ tìm kiếm trực tuyến. Họ cho biết có hơn 300.000 kết quả liệt kê chi tiết về các công ty đang tìm ứng viên có kỹ năng phù hợp. Khá hứng thú với phát hiện này, tôi gọi điện cho bạn bè ở Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ để yêu cầu họ làm lại điều đó. Tất cả họ đều bảo với tôi rằng có hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở nước họ đang có nhu cầu tuyển dụng. Đây là một minh chứng thuyết phục cho việc đang thiếu hụt trầm trọng người có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là không phải mọi vị trí đều công khai tin tức tuyển dụng trên website trực tuyến hay trên báo chí. Vì thế, con số thống kê cho các vị trí mở này có thể cao hơn nhiều.
Quan điểm của tôi chỉ đơn giản là khi mọi người phàn nàn rằng “chúng ta cần nhiều việc làm hơn”, thì họ chỉ đang che giấu một vấn đề chính: Lỗ hổng giữa những kỹ năng mà các công ty yêu cầu với năng lực thật sự của mỗi người đang ngày một lớn dần. Việc mà chúng ta nên làm bây giờ là cập nhật công việc tốt hơn. Các chính khách thường hứa hẹn sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề việc làm khi họ thắng cử. Còn các quan chức chính phủ hay đổ lỗi rằng khủng hoảng kinh tế mới là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu việc làm. Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng toàn cầu hóa đã tạo ra tình trạng thất nghiệp. Tất cả họ có thể đúng theo cách nhìn riêng của mình. Tuy nhiên, là nhà giáo dục, chúng ta cần nhìn vào sự thật này: Vấn đề nhiều nước đang đối mặt ngày nay là không có khả năng thay đổi theo công nghệ hiện đại. Một số nước thay đổi nhanh hơn thì vấn đề ít nghiêm trọng hơn. Một số nước chậm thay đổi thì vấn đề này sẽ trở nên bùng nổ, như trường hợp của một số nước châu Âu.
Giải pháp cho vấn đề này chính là phải đào tạo tốt hơn về “kỹ năng việc làm mang tính thực tế” cho mọi người. Ngày nay hệ thống giáo dục là một “thị trường tự do” không có đường hướng và chiến lược rõ ràng. Sinh viên có thể lựa chọn bất kỳ cái gì họ muốn học, bất kể lĩnh vực đó có cần hay không. Một số giảng viên thích dạy những lĩnh vực không còn phổ biến nữa vì họ muốn giữ việc làm của mình. Tất nhiên, không phải sinh viên trẻ nào cũng biết cách chọn lựa lĩnh vực, ngành nghề phù hợp để học tập. Nhiều bạn sẽ chọn bất kỳ ngành gì dễ học, bất kỳ cái gì đó cảm thấy vui vui, hay bất kỳ ngành nào không yêu cầu nỗ lực nhiều. Đây không phải là lỗi của họ mà là lỗi của những người làm giáo dục, vì chúng ta đã không làm tốt việc tư vấn hướng nghiệp.
Ngày nay, việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học ngày càng rời rạc. Đây là lúc cả hai bên phải hợp tác cùng nhau để thu hẹp lỗ hổng này. Các doanh nghiệp phải cho các trường đại học biết số lượng nhân sự cũng như trình độ chuyên môn của người lao động mà họ cần. Bên cạnh đó, đại học nên loại bỏ tâm lý giáo dục “hàn lâm cảm tính” và tập trung vào đào tạo các kỹ năng cần thiết để bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa trong ngành công nghiệp. Trường đại học và doanh nghiệp phải là đối tác ăn ý với nhau để giúp cho sinh viên thành thạo các kỹ năng làm việc cần thiết. Ngày nay, trên khắp thế giới, nhiều công ty phải bỏ ra nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lại kỹ năng cho sinh viên mới tốt nghiệp sao cho phù hợp với yêu cầu công việc thực tế. Vấn đề này ngày càng trở nên rắc rối bởi xu hướng toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt giữa các công ty đã làm nảy sinh nhiều yêu cầu, kỹ năng mới mà một người mới ra trường không thể đáp ứng được.
Một số người có thể không tán đồng với gợi ý của tôi vì họ tin giáo dục là chọn lựa tốt nhất mà sinh viên nên làm theo. Đào tạo hàn lâm là để phát triển tổng thể con người chứ không phải tạo ra nhân công cho các ngành công nghiệp. Khái niệm đó có thể đúng trong quá khứ, nhưng hiện nay đã trở nên quá lỗi thời. Những người làm công tác giáo dục không nên giữ khư khư quan điểm cảm tính rằng sinh viên chỉ cần biết điều họ muốn, chọn điều họ thích, bởi vì nghĩa vụ của người thầy là dạy học chứ không ảnh hưởng tới chọn lựa của họ. Thế giới ngày một thay đổi và không ngừng phát triển, vì vậy đây được xem là một yêu cầu cấp bách. Đây không phải là lúc tranh luận xem ai đúng sai, vì tất cả chúng ta đều đang ngồi trên quả bom nổ chậm và không biết khi nào nó sẽ phát nổ. Sinh viên là tương lai của xã hội, nếu họ không được đào tạo đúng thì các nhà giáo dục như chúng ta đã không làm trọn bổn phận của mình. Tôi không biện luận để ép buộc bất kỳ ai học bất kỳ cái gì. Tôi chỉ khuyến khích sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp và các trường đại học, tất cả vì tương lai của sinh viên. Chúng ta cần phá vỡ “triết lý” cứng nhắc về giáo dục và quay lại khái niệm đào tạo đúng đắn. Hãy đầu tư vào đào tạo vì sinh viên của chúng ta đều rất hăm hở khi được học bao điều mới mẻ. Tất cả họ đều muốn có nghề nghiệp ổn định, mong mỏi được đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước. Và tất cả họ đều xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn.
KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI ĐƯỢC
Yếu tố quan trọng giúp bạn có được việc làm là kiến thức và kỹ năng. Đứng dưới góc nhìn của người sử dụng lao động, chúng ta có thể thấy tri thức là điều bạn đã học được trong trường, còn kỹ năng là kinh nghiệm thực tiễn mà bạn có được khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực bất kỳ (bao gồm cả công việc tạm thời, thực tập mùa hè, v.v...). Phần lớn chủ doanh nghiệp KHÔNG trông đợi nhiều từ sinh viên mới tốt nghiệp vì họ biết rằng những sinh viên này không có nhiều kinh nghiệm thực tế. Từ đó, họ chú trọng hơn vào tri thức của sinh viên như: bằng cấp, lĩnh vực học tập hay thành tích. Bất kỳ kinh nghiệm làm việc nào cũng sẽ có ích, nhưng nó KHÔNG HẲN là yếu tố then chốt để chủ doanh nghiệp quyết định thuê bạn. Nếu bạn có kiến thức tốt, phong thái tự tin và ứng xử trôi chảy trong lúc phỏng vấn, bạn vẫn có cơ hội được tuyển dụng.
Sau khi làm việc được vài năm, kinh nghiệm của bạn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu bạn muốn nhảy việc, bạn phải chứng minh được năng lực và kinh nghiệm hiện tại của mình có khả năng đáp ứng yêu cầu môi trường mới. Trong trường hợp bạn muốn tìm một công việc mới cùng lĩnh vực thì điều đó khá dễ dàng. Điều quan trọng là bạn phải bảo đảm rằng những kỹ năng của mình phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng mới. Cũng có một số người sau vài năm làm việc cật lực, bỗng nhận ra mình không còn hứng thú hay đam mê với lĩnh vực hiện tại và muốn chuyển sang nghề khác. Chẳng hạn, bạn tốt nghiệp sư phạm và làm công tác giảng dạy nhiều năm liền, nhưng đến một ngày nọ bạn muốn rẽ hướng sang kinh doanh. Và cũng không hiếm trường hợp sinh viên kinh tế, thậm chí nhân viên ngân hàng bỏ nghề để chuyển sang lĩnh vực công nghệ, phần mềm. Lúc này, bằng cấp giáo dục hay kinh doanh không giúp ích cho việc chuyển đổi của bạn. Để thuận lợi chuyển nghề, bạn cần trang bị cho mình “kỹ năng chuyển đổi” cần thiết. Đổi nghề yêu cầu bạn phải dựa vào các kỹ năng mà bạn đã phát triển bên ngoài lĩnh vực làm việc của mình.
Kỹ năng chuyển đổi được là những kỹ năng mà bạn đã tích lũy và phát triển được trong suốt những năm tháng lao động, học tập. Chúng có thể là kỹ năng mềm (trao đổi, thương lượng, làm việc nhóm, v.v…), kỹ năng phân tích (nghiên cứu, phân tích, tài chính, thống kê, v.v…) hay kỹ năng tổ chức (quản lý dự án, quan hệ với khách hàng, lãnh đạo, v.v...). Trước khi đổi nghề, bạn cần dành thời gian nghiên cứu để tìm ra kỹ năng chuyển đổi được của mình bằng cách so sánh việc làm hiện tại với công việc bạn đang tìm. Bạn cần làm một danh sách các yêu cầu công việc mới với đầy đủ các nội dung như phẩm chất và trách nhiệm, sau đó bạn so sánh điều này với kỹ năng chuyển đổi được của mình. Tin chắc điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn sáng suốt và quyết định đúng đắn hơn.
Một khi đã nhận diện các kỹ năng chuyển giao được và thấy rằng chúng khớp với yêu cầu của công việc mới, bạn sẽ chuyển sang bước quan trọng kế tiếp. Bạn cần chứng tỏ cho người chủ tiềm năng thấy rằng bạn hiểu rất rõ nhu cầu của họ và thuyết phục họ tin tưởng kỹ năng chuyển đổi được của mình. Bằng cách nào ư? Chính là việc cung cấp đầy đủ và xác thực về kỹ năng của bạn, hãy chứng tỏ người lãnh đạo mới có được lợi ích ra sao khi thu nhận bạn. Bạn phải sắp xếp, trình bày thật hài hòa những kỹ năng này trong sơ yếu lý lịch. Hãy dùng những ví dụ minh họa tiêu biểu nhất để làm nổi bật kỹ năng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có được một bản lý lịch hoàn hảo, gia tăng cơ hội chuyển nghề thành công.
Kỹ năng chuyển đổi được là những kỹ năng mà bạn đã tích lũy và phát triển được trong suốt những năm tháng lao động, học tập.
MỘT BUỔI TRAO ĐỔI THÚ VỊ
Tom Mitchell là chủ của một công ty chuyên về tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) cho các công ty toàn cầu. Trong một dịp gặp mặt, tôi và ông ấy đã có buổi trao đổi khá thú vị xoay quanh vấn đề tuyển dụng và tìm kiếm ứng viên tiềm năng. Ông ấy nói với tôi rằng: “Ngày nay, mọi công ty đều cần nhân công có kỹ năng nhưng họ không có mắt chuyên gia để phân biệt những người chuyên nghiệp với người nghiệp dư, vì vậy họ yêu cầu chúng tôi tìm người thích hợp cho họ. Chúng tôi sẽ tuyển dụng nhân sự có kỹ năng từ nhiều nước, với mọi chức vụ và vị trí. Chúng tôi đặt văn phòng đại diện ở nhiều nước để có thêm điều kiện tìm hiểu con người và văn hóa nước đó. Việc này sẽ giúp chúng tôi chọn ra các ứng viên đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng. Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn ba mươi năm qua, nhưng thật sự chưa bao giờ thấy nhu cầu tuyển dụng cao như ngày nay”.
Tôi hỏi: “Sao họ không thuê nhân công trực tiếp mà lại sử dụng dịch vụ của công ty ông?”.
Ông ấy cười và đáp: “Thuê nhân công nước ngoài không đơn giản như ông nghĩ. Những công ty Mỹ không biết gì về những người xin việc đến từ nước ngoài cả. Họ không rõ về hệ thống giáo dục của những nước đó, về những trường học tốt hay trường kém chất lượng. Họ càng không biết ‘bằng giả’ với bằng thật. Quan trọng, họ không biết cách phỏng vấn người đến từ các nền văn hóa khác và nói các ngôn ngữ khác. Trong khi đó, công ty của tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này vì nhân viên của tôi là người địa phương, họ sinh ra và lớn lên tại đó và họ biết rất rõ về môi trường cũng như văn hóa nước sở tại”.
Tôi thắc mắc: “Làm sao ông đánh giá được một ứng viên tốt và không tốt?”.
Ông ấy giải thích: “Tiêu chí then chốt để đánh giá nhân lực CNTT chính là hai yếu tố: Đào tạo chính thức và kinh nghiệm thực tế. Với đào tạo chính thức, chúng tôi nhìn vào các trường, còn kinh nghiệm thì chúng tôi đánh giá dựa trên năng lực của họ. Chẳng hạn, những người tốt nghiệp trường điểm sẽ chiếm ưu thế hơn so với người tốt nghiệp trường trung bình. Các trường hàng đầu luôn có khâu tuyển chọn sinh viên đầu vào gắt gao. Và lẽ dĩ nhiên, đầu vào tốt thì đầu ra cũng sẽ được đảm bảo hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi chỉ lựa những người tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng. Chúng tôi kiểm tra lại chương trình đào tạo để chắc rằng chúng phù hợp với các trường ở Mỹ. Chúng tôi không đánh giá cao những chương trình đào tạo lỗi thời, vì vậy chúng tôi không tuyển các sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này. Bên cạnh đó, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, thái độ, sự cam kết và tính quả quyết của ứng viên cũng được đánh giá cao. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng những ứng viên này có kỹ năng tương tự như người tốt nghiệp tại Mỹ để khi được thuê, họ có thể làm tốt. Nếu họ làm tốt thì khách hàng của chúng tôi sẽ hài lòng và lẽ dĩ nhiên danh tiếng của chúng tôi sẽ được khẳng định. Đây là một cơ hội tuyệt vời vì khách hàng sẽ tiếp tục hợp tác và có thể giới thiệu nhiều đối tác cho chúng tôi. Tất nhiên, sự chú ý và chi tiết thế nào là còn tùy vào các chức vụ, vị trí khác nhau. Đặc biệt, người mới đi làm và người có kinh nghiệm sẽ có những tiêu chí xem xét khác nhau. Với các vị trí cấp cao, chúng tôi luôn xem xét, đánh giá cẩn thận kinh nghiệm và thái độ của từng ứng viên”.
Tôi lại hỏi: “Làm thế nào ông đánh giá nhân công có đầy đủ phẩm chất nhà tuyển dụng yêu cầu?”.
Ông ấy giải thích: “Với người có kinh nghiệm, chúng tôi yêu cầu họ cung cấp danh sách các dự án họ đã làm trong quá khứ. Danh sách này có thể bao gồm những thông số kỹ thuật, thiết kế kiến trúc, quá trình làm việc, bài thuyết trình, danh sách các dự án họ đã quản lý, v.v... Điều này sẽ giúp chúng tôi phân biệt được mức độ kinh nghiệm và năng lực của mỗi người. Chúng tôi phải xem xét hết sức cẩn thận và phải chắc rằng kiến thức và kỹ năng của ứng viên có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn sẽ có những người thể hiện sự thiếu tự tin, ngần ngại và trả lời lẫn lộn. Lúc này tôi nói với họ: ‘Chúng tôi sẽ không tuyển dụng những người cho một ví trí cấp cao mà không có khả năng chứng minh được thực lực của mình’. Một khi khách hàng của tôi sẵn lòng trả tới hai - ba trăm nghìn đô la một năm cho ai đó thì người đó chắc chắn phải rất giỏi. Ngoài ra, chi phí làm visa cho nhân công đến Mỹ và tiền lương trả hàng tháng đều rất cao, do đó việc khách hàng yêu cầu điều tra kỹ lưỡng về kỹ năng cũng như kinh nghiệm của ứng viên là điều hiển nhiên. Tất nhiên, với những người mới ra trường hay người có ít hơn năm năm kinh nghiệm thì quá trình kiểm tra không đòi hỏi gắt gao như vậy. Với những nhân công này, chúng tôi thường xem xét kỹ năng thành thạo ngôn ngữ lập trình chuyên dụng hay bằng chứng trong các dự án và công cụ đặc biệt mà họ đã từng tham gia. Chúng tôi muốn biết họ đã làm qua công việc nào và từng đảm nhận vai trò gì. Chúng tôi phải chắc rằng họ có khả năng tiếng Anh tốt, thông thạo nghe, nói, đọc, viết và có các kỹ năng mềm như trình bày, làm việc nhóm, v.v...”.
Tôi hỏi: “Thường thì họ được trả lương bao nhiêu? Người mới tốt nghiệp gần đây có thể có thu nhập bao nhiêu một tháng?”.
Ông ấy nói: “Việc trả lương là do khách hàng của chúng tôi quyết định và họ thường trả theo luật quy định của nước họ. Nếu nhân công làm việc ở Mỹ, công ty phải trả lương và phúc lợi cho họ như bất kỳ người dân bản địa nào. Họ là nhân công hợp pháp và phải nhận được sự bảo vệ quyền lợi theo luật pháp của Mỹ. Ngày nay một người tốt nghiệp kỹ sư phần mềm có thể có thu nhập 85.000 tới 100.000 đô la một năm ở Mỹ. Còn ở Anh và các nước châu Âu thường trả ít hơn 20%, nên trung bình họ có thể nhận được 70.000 tới 80.000 đô la Mỹ”.
Tôi hỏi: “Ông tuyển những người này bằng cách nào? Ông có quảng cáo không?”.
Ông ấy cười: “Không, công ty của chúng tôi hiếm khi quảng cáo. Quảng cáo rầm rộ sẽ làm quá nhiều người không đủ năng lực xin vào và điều đó khiến chúng tôi mất nhiều thời gian để tìm ra được ứng viên có phẩm chất đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh này khá lâu rồi, do đó chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các trường đại học và giáo sư ở địa phương. Chúng tôi sẽ được họ cung cấp cho một danh sách các sinh viên ưu tú nhất. Chúng tôi tiếp cận sinh viên ít nhất một năm trước khi họ tốt nghiệp. Người của chúng tôi sẽ giám sát quá trình học tập, quan sát biểu hiện cũng như các hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Khi khách hàng đề nghị chúng tôi tuyển nhân công cho họ, chúng tôi đã có ai đó trong đầu rồi. Thường thì chúng tôi tiếp cận sinh viên và đề nghị công việc trước khi họ tốt nghiệp, vì phải mất vài tháng để xin visa cho họ đến Mỹ hay châu Âu. Chúng tôi tìm người chủ yếu dựa vào mạng lưới quan hệ và điều đó tạo nên sự khác biệt giữa công ty chúng tôi với các công ty khác”.
Tôi thắc mắc: “Làm sao ông xin được visa cho họ?”.
Ông ấy giải thích: “Khách hàng của chúng tôi phần lớn là các công ty phần mềm, họ sẽ làm đơn trình lên chính phủ Mỹ để yêu cầu cấp visa H1B. Khi nhận được sự chấp thuận, họ sẽ liên hệ lại với chúng tôi. Chẳng hạn, một công ty được cấp phép cho 25 visa thì chúng tôi sẽ làm hợp đồng để mang 25 kỹ sư phần mềm có chất lượng đến cho họ. Việc làm visa là trách nhiệm của khách hàng, còn chúng tôi chỉ phụ trách thuê nhân công có chất lượng giúp họ. Chúng tôi sẽ giúp làm các thủ tục cần thiết và mang nhân công đến Mỹ. Thường thì trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng tôi sẽ chấm dứt khi đưa nhân công đến công ty họ nhận việc’’.
Tôi hỏi: “Vậy phần lớn nhân công ông tìm ở nước nào?”.
Ông ấy đáp: “Trong mười năm qua, chúng tôi hoạt động phần lớn ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, và các nước Đông Âu vì những nước này có thừa nhân công có kỹ năng. Ngày nay, tình trạng thiếu hụt công nhân có kỹ năng CNTT xuất hiện ở mọi nơi. Ngay cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng không cung ứng đủ số, nên chúng tôi phải đi sang các nước Đông Nam Á và ngay cả châu Phi. Chúng tôi đang tìm hiểu về các nước này và hệ thống giáo dục của họ, cũng như bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các trường, các giáo sư ở đó. Ngày nay, cả Mỹ và các nước châu Âu đều đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nhân công CNTT có kỹ năng. Trong quá khứ, nhiều công ty xem việc thuê gia công nước ngoài như một giải pháp nhưng tình thế, tình hình bây giờ đang thay đổi do sự phản ứng của nhiều cư dân bản địa. Phần lớn, chính phủ các nước không ủng hộ việc thuê gia công hay xuất khẩu việc làm cho các công ty nước ngoài nữa. Họ đang thông qua các luật di trú phóng khoáng hơn để cho phép người có kỹ năng từ nhiều nơi trên thế giới tới nước họ làm việc. Trong trường hợp đó, phần lớn việc làm vẫn còn lại ở nước họ và công nhân sẽ đóng thuế để đóng góp cho nền kinh tế ở nước đó. Những thay đổi này quả thực rất thuận lợi cho công ty của tôi và chúng tôi tin rằng mình sẽ làm tốt hơn trong những năm tiếp theo”.
NHU CẦU VỀ CÔNG NHÂN CÓ KỸ NĂNG
Tuần trước, một công ty hàng đầu Phố Wall đã tiến hành một cuộc khảo sát về 25 công ty công nghệ và kết quả cho thấy có hơn 20.000 việc làm đang cần người. Tuy nhiên, số người ứng tuyển lại ít hơn rất nhiều so với số vị trí đang còn trống mặc dù mức lương được trả ít nhất là 60.000 đô la một năm, thậm chí cao hơn rất nhiều. Công ty làm khảo sát trên tin rằng nếu họ mở rộng cuộc điều tra sang nhiều công ty công nghệ khác, danh sách này có thể tăng lên vài trăm nghìn hoặc hơn. Kết quả cuộc điều tra đã đưa ra bức tranh toàn cảnh và hiện thực về nền kinh tế nước Mỹ hiện nay. Rõ ràng, trong khi các công ty đang mở rộng và sẵn lòng thuê thêm người thì lại có rất ít công nhân đủ tiêu chuẩn để ứng tuyển. Nhiều nhân công bị thất nghiệp đang cần việc làm nhưng họ không có kỹ năng phù hợp.
Nghiên cứu sâu hơn về cuộc khảo sát, chúng ta có thể đưa ra lý giải cho một vài trường hợp như sau: Nhiều nhân công sắp tới tuổi về hưu (khoảng 55 đến 65 tuổi) và họ không muốn hoặc không có khả năng học thêm kỹ năng mới. Họ chỉ muốn làm công việc quen thuộc và áp dụng những kinh nghiệm họ có từ thời trẻ cho đến khi về hưu. Các nhân công trẻ hơn (khoảng 35 tới 55 tuổi) lại không thường xuyên cập nhật kỹ năng mới vì họ xem nó không phải là việc quan trọng. Khi kỹ năng của họ trở nên lỗi thời, nhiều người trong số đó vội vã học cái mới nhưng công ty chủ quản đã quyết định thay thế họ bằng người mới có kỹ năng cao hơn. Trong số những nhân công mới thất nghiệp này, trên 67% đang tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn với hy vọng mình sẽ tìm được việc làm mới. Những lựa chọn hàng đầu của họ bao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe. Vào cuối thập niên 1990, kinh doanh cổ phần và công nghiệp chứng khoán là những lĩnh vực thu hút sinh viên nhiều nhất. Đây là những ngành được xem là hái ra tiền vào thời đó. Nhiều sinh viên thích thi tuyển vào các ngành kinh doanh, ngân hàng, thương mại cổ phần và tài chính hơn là vào các ngành khoa học và công nghệ. Hệ quả, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nó đã tạo ra một lượng lớn người tốt nghiệp kinh tế không có việc làm.
Một trong những điểm thách thức mấu chốt cho kinh tế Mỹ là vấn đề về khoán ngoài đối sánh với tài nguyên trong nước. Trong hai mươi năm qua, khoán ngoài là chọn lựa được ưa chuộng nhưng tình hình thất nghiệp cao và việc xuất khẩu việc làm cảm tính của Mỹ trong một năm bầu cử đã làm cho nhiều chính khách và chủ doanh nghiệp lo lắng. Định hướng hiện thời của chính phủ Mỹ là mở lại các công việc CNTT trả lương cao. Đồng thời, họ còn thông qua luật di trú phóng khoáng hơn, cho phép nhiều nhân công nước ngoài có kỹ năng được đến Mỹ làm việc giúp, đáp ứng nhu cầu mở rộng các ngành nghề.
Dựa trên mong muốn mở rộng lại ngành CNTT, nhiều bang đã thông qua chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty công nghệ cao mở lại các vị trí công việc đã khoán ngoài và xây dựng trụ sở công ty ở đó. Chẳng hạn, tập đoàn CGI đang xây dựng một trung tâm công nghệ 7 triệu đô la ở Belton, cách Texas 60 dặm. Ban quản lý của CGI nói rằng trung tâm sẽ tuyển dụng vài trăm vị trí mới trong năm tới. Đồng thời, Apple đã nhận được 21 triệu đô để xây dựng trung tâm hoạt động ở Austin, Texas. Những bang khác cũng đang lên kế hoạch phát triển điều tương tự nhưng vấn đề còn lại là liệu họ có thể tìm được nhân công CNTT có kỹ năng không?
CUỘC CHIẾN LẶNG IM “KHÔNG TIẾNG SÚNG” VỀ CÔNG NHÂN CÓ KỸ NĂNG
Hơn hai trăm năm qua, nhiều nước không ngừng cạnh tranh và đánh nhau để giành quyền sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày nay, cạnh tranh vẫn tiếp diễn nhưng thầm lặng và ít ai để ý. Họ cạnh tranh để thu hút lượng công nhân có tay nghề và kỹ năng cao từ mọi miền thế giới.
Trong thời đại tri thức, giá trị của một công ty hay sự thịnh vượng của một quốc gia sẽ không còn được đánh giá dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên mà chính là nguồn lực con người. Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn chưa thể hiểu nổi “giá trị vô hình” của nguồn lực quý giá này. Nhưng nếu bạn nhìn vào chỉ số kinh tế của các nước phát triển, bạn sẽ thấy rằng công nghiệp tri thức đang chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của họ. Một trong ví dụ tiêu biểu nhất mà tôi có thể chỉ ra đó là tập đoàn Coca Cola. Trong hơn một trăm năm qua, Coca Cola đã trở thành biểu tượng cho sự giàu có của nước Mỹ vì nó được bán trên khắp thế giới. Thế nhưng ngày nay, Apple và Google chính là những đại diện mới cho sự hưng thịnh của nước này. Nếu như cách đây không lâu, Rockefeller, Vanderbilt, Carnegie, và J. P. Morgan là những tỷ phú Mỹ nổi tiếng thì giờ đây những cái tên như Bill Gates, Larry Ellison, Sergey Brin, hay Mark Zuckerberg mới được nhắc đến nhiều nhất.
Trong bất kỳ cuộc chuyển đổi nào, đều có một số người lãnh đạo quốc gia chọn cách đứng yên và chờ đợi vì họ không biết phải làm gì trước những điều mới lạ. Trong quá khứ, các hoàng đế Trung Hoa quyết định không cải cách, cứ giữ nguyên đường lối tư tưởng cũ nên đã chịu sự mất mặt trước những người nước ngoài đến xâm lược và khai thác Trung Quốc. Nhưng các vị Nhật Hoàng thì ngược lại, họ nhanh chóng chấp nhận những cái mới và cải tiến mọi mặt đất nước, nhất là giáo dục. Chính vì thế, ngày nay, Nhật Bản đã đuổi kịp các nước phương Tây và trở thành một trong những cường quốc thế giới. Lịch sử đang lặp lại, nhưng hiện nay, hiện tượng này xảy ra ở châu Âu vì một số nước quyết định đứng yên đợi thời cơ tốt hơn. Thế nhưng, rõ ràng chúng ta thấy nền kinh tế của những nước này ngày càng rơi vào khủng hoảng trầm trọng như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, v.v…
Trong cuộc chuyển đổi từ công nghiệp sang tri thức, có nhiều nước biết cách nắm lấy cơ hội bằng cách đầu tư vào giáo dục công nghệ để phát triển thế hệ lãnh đạo kế tiếp và công nhân có kỹ năng. Chẳng hạn, trong quá khứ Ấn Độ từng là đất nước xuất khẩu lớn về nhân công chi phí thấp, nhưng ngày nay họ đã trở thành một nước có trình độ tri thức CNTT phát triển cao. Chưa đầy hai mươi năm, từ 250 triệu đô la lợi nhuận xuất khẩu nhân công không kỹ năng, họ đã nâng con số này lên hơn 100 tỷ đô bằng cách xuất khẩu sản phẩm CNTT. Bên cạnh đó, vài triệu việc làm mới cũng đã được mở ra, thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển không ngừng.
Ngày nay, phần lớn các nước phát triển đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng CNTT và họ phải “nhập khẩu” nhiều nhân công CNTT để đáp ứng cho những yêu cầu này. Năm 2012, cuộc khảo cứu của diễn đàn World Economic đã chỉ ra rằng Mỹ sẽ phải cần thêm 26 triệu nhân công bổ sung vào lực lượng lao động của họ trước năm 2030 để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Tây Âu sẽ cần thêm khoảng 46 triệu người. Vấn đề là họ tìm những nhân công có kỹ năng này ở đâu? Luật “di trú mở” tạo điều kiện cho nhân công có kỹ năng từ nước ngoài tới và làm việc đã trở thành giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên. Mỹ dùng visa H1B như cách mở cửa thu hút người có kỹ năng cao; Anh và các nước châu Âu phát triển visa làm việc đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho nhân công có kỹ năng dễ dàng tới nước họ. Singapore áp dụng chính sách đặc biệt để thu hút người tài khắp nơi trên thế giới; Israel mở cửa cho người dân Nga và châu Âu tới làm việc trong khu vực công nghệ cao, v.v... Một nhà kinh tế nổi tiếng đã tuyên bố rằng từ giờ trở đi trên thế giới sẽ không có chiến tranh thâu tóm tài nguyên tự nhiên nữa, mà sẽ chuyển sang thâu tóm “công nhân có tay nghề”. Và cuộc chiến tranh giành nguồn lực con người này thực sự đang diễn ra trên toàn cầu. Trong thời đại tri thức, quốc gia nào có nguồn nhân công tay nghề cao hơn sẽ chiếm ưu thế, cũng giống như đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt quyết định cường quốc kinh tế.
Ngay cả khi luật di trú thoải mái hơn thì việc thu hút lao động nước ngoài có tay nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất chính là việc đưa hàng triệu nhân công và gia đình của họ vào nước sẽ dễ vấp phải sự tranh cãi gay gắt từ những người địa phương, người sợ mất việc làm vào tay các di dân mới này. Khó khăn tiếp theo chính là phải xây dựng được các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nhiều nước để thu được lực lượng lao động có kỹ năng ở bất kỳ nơi nào. Đồng thời chúng ta cũng phải chú trọng việc kết nối họ qua những cổng liên kết truyền thông và tổ chức làm việc nền tảng để tạo ra tổ chức “toàn cầu”. Quy tắc mới của nền công nghiệp tri thức là “mở trung tâm việc làm ở nơi tập trung nhân công có kỹ năng”. Điều này lý giải tại sao Microsoft, Google, IBM, Oracle, Facebook, v.v… đang mở các trung tâm phát triển trên khắp thế giới để hấp dẫn nhiều nhân công có tay nghề.
Trong nhiều năm, hai nước có số lượng nhân công trình độ thấp, đông nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, khi thế giới chuyển sang thời đại kinh tế tri thức, cả hai nước này đều kinh qua việc thiếu hụt nhân công có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ. Một khảo cứu của diễn đàn World Economic đã chỉ ra rằng Ấn Độ sẽ KHÔNG có đủ nhân công có kỹ năng để giúp cải thiện nền kinh tế đất nước vì phần lớn nhân công có kỹ năng của họ đã sang nước ngoài làm việc. Tình trạng “chảy máu chất xám” đã cướp đi tương lai của Ấn Độ. Còn Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, khi không có đủ người quản lý cấp trung để xây dựng và quản lý các phân xưởng của họ. Điều này xảy ra do họ bị ám ảnh về lao động kỹ năng thấp trong sản xuất thay vì phát triển những người quản lý có năng lực. Mỗi năm, có vài triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp, nhưng vấn đề đặt ra là liệu chất lượng giáo dục của họ có đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp đang tăng trưởng ở đất nước này không.
Khảo cứu của diễn đàn World Economic đã kết luận rằng cách giảng dạy lý thuyết suông của hệ thống giáo dục Trung Quốc đã tạo ra nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng thiếu kinh nghiệm thực hành và các kỹ năng mềm cần thiết. Người tốt nghiệp từ các hệ thống giáo dục này chủ yếu dựa vào việc ghi nhớ nội dung, quy luật, định lý sẵn có nhưng không biết cách áp dụng chúng vào thực tế để giải quyết vấn đề. So với Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc cũng thiếu hẳn kỹ năng ngoại ngữ (đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh) vì thế họ có thể không cạnh tranh lại với nhiều nước trong khu vực. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đã thu hút đầu tư từ nhiều nước với nhiều văn phòng và cơ xưởng lớn được mở ra. Nhưng giáo dục của họ không có khả năng đào tạo ra các nhà quản lý cấp trung có chất lượng. Hệ quả là chủ doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí lớn thuê mướn nhân sự là người nước ngoài. Đồng thời, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng mà việc số người trẻ trong độ tuổi 20 đến 40 đang giảm nghiêm trọng do quy định nghiêm ngặt của luật mỗi gia đình chỉ sinh “một con” cũng gia tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế của nước này.
Hiện nay cả Trung Quốc và Ấn Độ đang lo lắng về việc mất các công nhân có tay nghề và tài năng nhất của họ vào tay các nước phương Tây. Chính vì thế họ bắt đầu tìm các giải pháp để ngăn cản hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhưng xem ra vẫn chưa thu được hiệu quả.