Kế hoạch dự phòng

28

Một kỹ sư điện tử viết thư cho tôi, nói rằng anh ấy đã làm việc cho một công ty điện tử suốt năm năm nay, nhưng gần đây, tình hình kinh doanh đang dần chậm lại và có tin đồn rằng công ty có khả năng phá sản vì sức ép cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Anh ấy lại vừa xây dựng gia đình nên rất lo bị thất nghiệp. Anh ấy không biết phải làm gì và muốn xin tôi lời khuyên.

Bất kể bạn đang làm công việc gì, một người khôn ngoan luôn có “kế hoạch dự phòng” cho trường hợp bị mất việc. Tôi bao giờ cũng khuyên mọi người nên có một kế hoạch nghề nghiệp “dự phòng” vì không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có lẽ bạn nghĩ hiện nay không cần phải xây dựng “kế hoạch dự phòng” trong khi vẫn đang ổn định với công việc hiện tại, nhưng nếu chuẩn bị trước một kế hoạch, bạn có thể đối phó được với mọi hoàn cảnh bất khả kháng. Để xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp dự phòng, bạn cần tự kiểm điểm năng lực và kỹ năng, tri thức hằng năm, soạn một danh sách những việc cần hoàn thành để ghi nhớ.

Bạn cần xây dựng một tầm nhìn xa cho nghề nghiệp dựa trên cơ sở những gì bạn đang làm và những gì bạn muốn làm trong một năm, năm năm và mười năm sau. Bạn phải tự hỏi bản thân mình muốn làm gì trong cả năm tới? Cần hoàn thiện kỹ năng nào và có thể học ở đâu? Hãy hình dung ra cuộc sống bạn mong muốn trong năm năm tới. Và tự hỏi bản thân cảm nhận thế nào về quãng đời đã qua. Bạn phải tự hỏi mình cần gì, mình muốn gì, mục đích của cuộc đời bạn là gì, công việc hiện tại như thế nào, để biết bản thân bạn cần hoàn thiện những kỹ năng nào để giữ được việc làm và tiếp tục thăng tiến trong công việc.

Bạn phải đọc nhiều hơn về các xu hướng công nghệ, xu hướng thị trường và xu hướng nghề nghiệp và đoán xem điều gì sắp xảy ra. Công việc nào đang có nhu cầu cao trên thị trường và bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra hay không. Bạn cần phát triển những kỹ năng nào? Lập ra một danh sách các kỹ năng bạn cần bổ sung và vạch ra kế hoạch thực hiện. Là một kỹ sư, bạn phải thích ứng với môi trường đòi hỏi học suốt đời để luôn theo kịp các xu hướng hiện đại. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng này, không điều gì là có thể chắc chắn, nhưng bao giờ cũng có những cơ hội mới, bạn cần hiểu rõ về chúng. Đừng nên chỉ làm công việc hiện tại và bằng lòng với những kỹ năng hiện có, mà phải chủ động nghĩ đến việc làm thế nào để tiến bộ hơn. Bạn phải để mọi người biết rằng bạn luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội vì bạn bao giờ cũng quan tâm thấu đáo đến sự phát triển. Bạn cũng cần xây dựng mạng lưới các mối quan hệ trong công việc, đó là những người có thể tương trợ bạn khi cần.

Thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng, nên nếu luôn cập nhật các kỹ năng mới thì bạn không cần sợ bất kỳ thay đổi nào, vì bạn bao giờ cũng sẵn sàng.

KHI BẠN BỊ THẤT NGHIỆP

2910

Trong số nhiều thư gửi đến cho tôi, có một sinh viên đã viết: “Em tốt nghiệp từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Em đã nỗ lực rất nhiều trong 9 tháng qua nhưng cơ hội việc làm không đến và điều đó khiến em mất dần hy vọng. Em cảm thấy rất nặng nề khi bố mẹ phải làm việc vất vả để chu cấp cho cả em và em trai của em còn đang đi học. Em không biết mình nên làm gì tiếp theo. Xin thầy cho em lời khuyên”.

Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất cần làm khi các bạn thất nghiệp đó là tìm việc làm. Nhưng bạn cũng không nên coi đó là hoạt động duy nhất, bởi không ai có thể bỏ hết 40 tiếng một tuần chỉ để tìm việc làm. Thay vào đó, các bạn nên tìm thêm những hoạt động khác có khả năng gây hứng khởi cho bạn, đồng thời xây dựng, củng cố lại lòng tin của bạn. Những hoạt động như vậy sẽ cải tiến cơ hội việc làm cho bạn một cách đáng kể.

Dưới đây là một vài hoạt động gợi ý chung cho tất cả, dù bạn theo đuổi lĩnh vực học tập nào:

Tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện: Công việc này cho bạn cơ hội làm được điều gì đó tốt cho xã hội và cũng tốt cho bản thân bạn. Nó cũng sẽ là lý do để bạn thoát ra khỏi những bế tắc và làm một điều gì đó tích cực. Trong các hoạt động này, bạn có thể gặp được những người có khả năng giúp đỡ bạn mà bạn không lường trước.

Học ngoại ngữ: Nói được một ngoại ngữ sẽ cho bạn ưu thế trong môi trường toàn cầu hóa này. Đây có thể là thời gian để bạn học thêm hay cải tiến tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc một ngoại ngữ bất kỳ nào bạn chọn. Ngôn ngữ thứ hai sẽ là một kỹ năng có ích trong mọi mặt cuộc sống. Nếu điều kiện không cho phép bạn đến học ngoại ngữ tại trường, bạn có thể học từ Internet. Có rất nhiều website dạy ngoại ngữ chất lượng. Bạn cũng có thể tìm những người nước ngoài muốn học tập ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn để trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Học những kỹ năng liên quan tới việc bạn muốn làm: Nếu điều kiện của bạn cho phép đây là lúc bạn nên học các lớp ngắn hạn hay lớp có chứng chỉ để cải tiến kỹ năng của bạn. Nếu bạn không lo được chi phí, hãy xem xét học lớp từ Internet như YouTube hay Massive Open Online Courses (MOOCs)... Đây là những nơi bạn có thể học tiếng Anh cũng như một số chủ đề giúp bạn phát triển kỹ năng mới.

Làm trợ giảng lớp học: Nhiều thầy giáo thích có ai đó tình nguyện để giúp họ kèm cặp sinh viên. Đây sẽ không chỉ là một công việc giúp bạn trau dồi kiến thức, nó còn giúp cho bản lý lịch của bạn được tốt hơn.

Cuối cùng, tôi khuyên bạn nên có thái độ tích cực là tham gia những công việc này, bởi chúng không những dễ dàng mà còn giúp bạn nâng cao tinh thần thay vì suốt ngày ở nhà ủ rũ cay đắng. Hãy chọn một hoạt động mà bạn cảm thấy thoải mái và nỗ lực làm tốt nó. Khi cơ hội phỏng vấn việc làm đến, bạn sẽ có cái để trình bày với nhà tuyển dụng thay vì “Tôi chỉ ở nhà và chờ cơ hội tới”. Các bạn vẫn còn trẻ, thế nên hãy tích cực và tìm những việc thú vị để làm khi bạn hãy còn thời gian rỗi rãi.