Mục đích của bài tập thu thập các câu chuyện này là đưa ra được ít nhất năm câu chuyện mà bạn cho là có tác động lớn nhất lên cuộc đời mình. Bạn càng kể được nhiều câu chuyện, người cộng sự sẽ càng dễ dàng phát hiện ra những mô típ và chủ đề để đưa bạn đến với hai chữ TẠI SAO của mình. Hãy nhớ rằng mỗi câu chuyện đều phải nói về một thời gian hay địa điểm cụ thể. Càng kể chi tiết, bạn càng cảm nhận được mạnh mẽ hơn sợi dây liên hệ về mặt cảm xúc với ký ức đó. Và chính điều này mới là yếu tố dẫn bạn đến với hai chữ TẠI SAO của mình.
Hãy ghi chép lại các câu chuyện khi bạn nhớ đến chúng. Khi bắt tay vào bài tập này, hãy lưu ý rằng toàn bộ các ngả đường cuối cùng đều dẫn bạn đến với hai chữ TẠI SAO. Vì thế, đừng suy nghĩ quá nhiều về quy trình này. Bạn có thể liệt kê các câu chuyện theo trình tự thời gian, hoặc sắp xếp ngẫu nhiên. Đừng lo lắng về việc phải viết lại hết tất cả các chi tiết. Chỉ cần một hoặc hai dòng ghi chú cho mỗi câu chuyện là đủ. Mục đích ở đây chỉ là có một xuất phát điểm để bạn chia sẻ các câu chuyện của mình với người cộng sự. Trong lúc kể cho người đó nghe các câu chuyện của mình, bạn có thể cung cấp tất cả các thông tin cụ thể và khám phá những ký ức khác có thể xuất hiện ngay lúc đó.
Dưới đây là hai phương pháp thu thập câu chuyện mà chúng tôi nhận thấy là hữu ích. Bạn có thể sử dụng một trong hai, hoặc cả hai phương pháp, hay lựa chọn cách thức khác.
Phương pháp 1: Đỉnh núi và Thung lũng
Hãy vạch một đường kẻ ngang giữa trang giấy. Những câu chuyện bạn đặt ở phía bên trên đường thẳng là ký ức hạnh phúc: những khoảnh khắc khiến bạn thấy hào hứng mỗi khi nhớ lại. Những câu chuyện phía dưới đường thẳng là sự kiện bạn không hoàn toàn muốn nhớ lại nhưng chúng có ảnh hưởng đến cuộc đời bạn và góp phần định hình nên con người bạn ngày hôm nay. Trong lúc vẽ đồ thị này, hãy viết một vài từ để tóm tắt từng câu chuyện. Những câu chuyện nào càng ở vị trí cao phía bên trên đường thẳng càng mang lại cảm giác tích cực và mãn nguyện cho bạn. Những câu chuyện nào càng ở phía dưới đường thẳng càng mang lại những thách thức và khó khăn cho bạn. Có lẽ kết quả thu về là bạn sẽ có nhiều câu chuyện ở nhiều cấp độ khác nhau.
Bạn hãy chọn những câu chuyện ở vị trí cao nhất và thấp nhất để chia sẻ với người cộng sự. Đây sẽ là những câu chuyện hàm chứa nhiều cảm xúc nhất, do vậy có khả năng dẫn bạn tới hai chữ TẠI SAO của mình một cách rõ ràng nhất. Có lẽ bạn không cần chia sẻ tất cả các câu chuyện mình đã ghi ra trên giấy; có thể trong buổi trao đổi, bạn lại quyết định kể những câu chuyện khác mà bạn đột nhiên nghĩ đến trong lúc ở bên cạnh người cộng sự. Tất cả đều tốt. Bài tập này chỉ là một xuất phát điểm để kích hoạt quy trình.
Phương pháp 2: Gợi nhắc ký ức
Nếu bạn cảm thấy khó nghĩ lại các câu chuyện đã diễn ra trong quá khứ, có lẽ phương pháp này sẽ phù hợp với bạn. Hãy đọc những gợi ý dưới đây để xem chúng có thể gợi lên cho bạn những kỷ niệm nào. Bạn không cần phải ghi ra tất cả các chi tiết. Chỉ cần viết một hoặc hai chi tiết lên một tờ giấy để giúp bạn nhớ lại trong buổi trao đổi với người cộng sự.
• Trong cuộc sống, ai là người đã giúp bạn trở thành con người như hiện nay (huấn luyện viên, thầy/cô tư vấn, giáo viên, người thân trong gia đình)? Hãy viết lại một thời điểm cụ thể trong đó họ thể hiện điều khiến bạn ngưỡng mộ nhất về họ, có thể tại thời điểm đó họ đang tiếp xúc với bạn hoặc với một người khác. Việc nghe thấy lời họ nói hoặc quan sát những hành động của họ mang lại cho bạn cảm giác gì? Ngoài họ ra, còn có ai góp phần đưa bạn trở thành con người như hiện nay?
• Hãy nghĩ đến một ngày trên đường đi làm về nhà, bạn tự nhủ: “Mình sẽ làm việc đó miễn phí.” Điều gì xảy ra ngày hôm đó khiến bạn nói như vậy?
• Hãy nghĩ về ngày tồi tệ nhất của bạn ở nơi làm việc – ngày mà bạn mong rằng sẽ không bao giờ phải trải qua nữa. Chuyện gì đã xảy ra?
• Kỷ niệm sớm nhất, cụ thể, và hạnh phúc mà bạn có trong thời thơ ấu là gì?
• Khi còn đến trường, bạn yêu quý kỷ niệm nào?
• Khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời bạn – khi bạn nhận ra mọi chuyện sẽ không bao giờ như cũ nữa – là gì?
• Chuyện gì đã xảy ra làm thay đổi cách suy nghĩ của bạn về thế giới và vai trò của bản thân trong thế giới đó?
• Đâu là lần bạn quên mình giúp đỡ người khác, và sau đó cảm thấy hết sức vui vẻ – như thể vừa làm được điều gì đó quan trọng?
• Bạn đã làm được điều gì khiến bản thân mình hết sức tự hào? (Hãy lưu ý đến những người khác có liên quan trong câu chuyện này. Ví dụ, ai đã giúp đỡ, động viên tinh thần bạn, ai đã kiên nhẫn chờ bạn ở vạch đích?)
Sau khi đã hoàn thành danh sách các câu chuyện đáng nhớ, lúc này bạn đã sẵn sàng để chia sẻ chúng với người cộng sự của mình rồi đấy. Ở đây chúng tôi chỉ có một lưu ý nhỏ. Đừng phân tích quá mức cách lựa chọn các câu chuyện của bạn trước lúc gặp người cộng sự. Một trong những lý do khiến bạn cần phải làm việc với cộng sự là để họ tìm ra những ý nghĩa mà bạn không nhận thấy, và cung cấp một góc nhìn khách quan, cởi mở. Nếu bạn thực hiện phần chia sẻ các câu chuyện trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” này dựa trên những ký ức đã được sắp xếp cho hài hòa, có thể bạn sẽ vô tình kể với họ theo hướng chứng minh cho giả định bạn đã lập ra từ trước. Hãy thả lỏng tinh thần và để người cộng sự xác định các chủ đề giúp bạn. Bạn là người kể chuyện còn cộng sự của bạn là người diễn giải.
MẸO CHIA SẺ CÂU CHUYỆN
Một mẹo nhỏ có thể giúp bạn thực hiện quy trình này tốt hơn là khoanh tròn vào ba câu chuyện có sức tác động lớn nhất và kể chúng trước tiên cho cộng sự của bạn nghe. Bằng cách tập trung vao những câu chuyện có sức tác động lớn nhất, bạn sẽ tránh được những ý định nhất thời để chuyển sang kể những câu chuyện nghe có vẻ ăn khớp với nhau.
Chính những điều nhỏ bé mới có ý nghĩa
Có lần David thực hiện một buổi Khám phá tại sao với một người tên là Todd. Dưới đây là câu chuyện mà Todd kể cho David nghe; nó cũng là loại câu chuyện mà bạn có thể kể. Nhiều người cho rằng họ phải kể về những câu chuyện thật quan trọng về những sự kiện lớn lao thì mới có thể tìm thấy hai chữ TẠI SAO của họ. Điều thú vị về trường hợp ví dụ này nằm ở chỗ, dù có vẻ là một câu chuyện tương đối nhỏ nhặt, nhưng David có thể sử dụng nó để tìm ra sợi chỉ đỏ giúp Todd diễn đạt được thành lời hai chữ TẠI SAO của mình.
Trước khi đến câu chuyện này, Todd đã chia sẻ nhiều thông tin chi tiết khác về cuộc đời mình. Anh từng học đại học theo diện sinh viên nhận học bổng toàn phần về môn bóng rổ, nhưng cuối cùng lại để mất nó vì nghiện ma túy và rượu. Khát vọng của anh là được đặt chân vào giải NBA, vì thế việc bị rút học bổng này không đơn thuần chỉ là dấu chấm hết cho con đường học vấn của anh – nó còn nghiến nát giấc mơ của anh và đẩy anh vào cuộc khủng hoảng căn tính của bản thân. Khi câu chuyện này diễn ra, anh đang làm việc ở một quán bar, lúc đó anh vẫn đang chiến đấu với thói nghiện ma túy và nghiện rượu, thậm chí đã có lúc anh nghĩ đến chuyện tự sát.
Todd: Một buổi sáng thứ Bảy, tôi đang lái xe từ nhà đến nơi làm việc thì đi ngang qua chỗ một cô gái nhỏ đang bán nước chanh bên ngoài nhà. Nếu vào những ngày khác, có lẽ tôi đã cứ thế cho xe chạy qua. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà vào ngày hôm đó, tôi cảm thấy một sự thôi thúc nào đó, khiến tôi quay lại và đưa cho cô bé toàn bộ số tiền lẻ của mình.
Tôi dừng xe lại ở trước quầy của cô bé và hỏi giá một cốc nước chanh là bao nhiêu. “25 xu,” cô bé trả lời. Thế là tôi nói tôi muốn mua một cốc. Cô bé quay vào quầy và làm cho tôi một cốc nước chanh. Trong lúc cô bé ấy đang lúi húi làm, tôi thò tay vào lấy hết số tiền xu mà tôi vẫn đựng ở chỗ để cốc trong xe. Đó là số tiền boa mà tôi nhận được ở chỗ làm, chúng đang chất đống lên trong đó, có lẽ tổng cộng cũng lên chừng suýt soát 40 đô-la. Làm xong cốc nước chanh, cô bé kia đưa cho tôi, và tôi đặt vào hai bàn tay nhỏ xíu của cô bé một vốc đầy tiền xu. Rồi một vốc nữa. Rồi một vốc nữa. Mỗi lần như thế, tôi thấy mắt cô bé sáng lên. Cô quay lưng lại rồi chạy vào nhà với niềm hân hoan rạng rỡ.
Tôi lái xe đi trong tâm trạng vui vẻ, có lẽ anh cũng đoán được. Nhưng rồi một chuyện mà tôi không ngờ tới đã xảy ra. Cảm xúc trong lòng tôi đột ngột dâng trào. Tôi bắt đầu òa khóc nức nở, khóc tới không thể kiểm soát nổi. Tôi khóc nhiều tới nỗi phải dừng xe lại giữa đường. Mọi chuyện thật kỳ lạ.
David: Chà. Câu chuyện đó thật xúc động Tôi chắc rằng trước đây anh cũng từng làm những việc khiến bản thân không cầm nổi nước mắt. Trong số tất cả các câu chuyện mà anh có thể chia sẻ với tôi, câu chuyện này có điều gì cụ thể khiến anh quyết định chọn nó để kể?
Todd: Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy mình vừa làm được điều gì đó hữu ích cho người khác. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi không đặt bản thân mình lên trước tiên. Đó là một hồi chuông khiến tôi thức tỉnh. Nó khiến linh hồn tôi như rực cháy và đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy rằng mình là người quan trọng. Tôi rất muốn giúp đỡ những người khác để họ cũng cảm thấy rằng họ là người quan trọng. Tôi muốn giúp đỡ những người khác cảm thấy rằng họ có thể làm được điều gì đó và hơn thế nữa. Từ giây phút ấy trở đi, tôi muốn chia sẻ với thế giới những gì mà tôi cảm nhận được khi đó.
Tới cuối buổi Khám phá tại sao, David tìm ra một sợi chỉ đỏ về tinh thần phục vụ xuất hiện xuyên suốt trong nhiều câu chuyện có ý nghĩa nhất của Todd. Như việc mà anh đã làm với cô gái nhỏ bán nước chanh bên đường, hai chữ TẠI SAO của Todd là Cần khơi dậy trí tưởng tượng của mọi người về những khả năng có thể xảy ra để họ có thể tìm thấy nguồn động lực nhằm làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn với cuộc sống của mình. Điều kỳ diệu về hai chữ TẠI SAO của Todd chính xác là việc đã xảy ra với anh ấy. Trí tưởng tượng của Todd đã được khơi dậy, và anh có động lực để làm nhiều điều có ý nghĩa hơn trong cuộc sống của mình.
Chia sẻ các câu chuyện của bạn
(Đây là phần người cộng sự của bạn tham gia)
Như vậy là giai đoạn chuẩn bị của bạn đã hoàn tất. Giờ là lúc ngồi xuống với người cộng sự để tìm ra hai chữ TẠI SAO của bạn. Có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ quá nhiều thông tin về bản thân mình, nhưng bạn không cần phải rời bỏ hoàn toàn vùng thoải mái của mình đâu – chúng tôi chỉ muốn bạn đẩy các giới hạn của bản thân thêm một chút mà thôi. Nếu có một số câu chuyện mang tính riêng tư quá và không tiện nói ra, bạn đừng chia sẻ với họ. Nhưng đối với những câu chuyện mà bạn chủ động lựa chọn để chia sẻ, hãy nhớ rằng bạn càng chia sẻ cởi mở về chúng, người cộng sự sẽ càng dễ dàng nhìn ra những mô típ quan trọng. Hãy cho phép bản thân tự để lộ một chút sơ hở để quy trình này có thể vận hành thông suốt. Trong lúc mọi thứ diễn ra, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình trở nên cởi mở như thế nào.
Bí quyết thành công cho quy trình này nằm ở sự cụ thể. Vấn đề này nói bao nhiêu cũng không thừa. Khi bạn lên danh sách hoặc lập biểu đồ cho các câu chuyện của mình, chúng tôi đã khuyên bạn không nên lo lắng về các chi tiết. Bây giờ mới là lúc đào sâu. Hãy kể những câu chuyện ở mức độ càng chi tiết càng tốt. Tất nhiên bạn không phải nói cụ thể nhiệt độ ngày hôm đó là bao nhiêu độ C, hay hôm ấy bạn mặc loại quần áo nào (trừ trường hợp đó là những chi tiết đặc biệt quan trọng đối với câu chuyện). Mặc dù loại thông tin chi tiết này có thể cung cấp bối cảnh, nhưng những thông tin mà chúng ta thực sự quan tâm lại nằm sâu bên dưới bề mặt đó. Bởi cảm giác là trọng tâm của hai chữ TẠI SAO, nên bạn cần có kết nối sâu sắc với những ký ức và cảm xúc mình trải qua khi đó. Những câu chuyện cụ thể sẽ giúp bạn làm được điều này. Dưới đây là một số ví dụ:
Cách nói chung chung: Thuở nhỏ, năm nào chúng tôi cũng tới nhà ông bà vào dịp Giáng sinh. Cảm giác cả gia đình sum vầy, tràn ngập tình yêu thương thật tuyệt.
Câu chuyện cụ thể: Ngày nhỏ năm nào chúng tôi cũng tới nhà ông bà vào dịp Giáng sinh. Năm mà tôi còn nhớ rõ nhất là khi tôi chín tuổi. Đó là Giáng sinh cuối cùng ông tôi còn sống. Ông là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi, nhưng có lẽ phải sau khi ông đi rồi, tôi mới nhận ra điều đó. Giữa hai ông cháu có mối quan hệ rất gần gũi và gắn bó. Ông là người tính tình có phần lập dị, vượt ra khỏi mọi nguyên tắc của xã hội. Nhưng trong mắt tôi, ông là người hết sức bình thường. Tôi vẫn nhớ một lần tôi ngồi trên chiếc ghế đệm với ông. Thực ra, tôi cũng là một đứa trẻ lập dị, ở trường bạn bè gọi tôi là đồ kỳ cục. Nhưng ở bên cạnh ông, tôi cảm thấy thật an toàn và tự hào khi là chính mình, tự hào vì sự khác biệt của mình.
Cách nói chung chung: Khi còn nhỏ, tôi rất thích tập thể dục dụng cụ. Ngày nào tôi cũng tập trong bốn tiếng đồng hồ. Dù rất khó khăn, nhưng tôi đã đạt được nhiều thành quả nhờ việc đó.
Câu chuyện cụ thể: Khi còn nhỏ tôi rất thích tập thể dục dụng cụ. Những buổi tập luyện thường kéo dài với nhịp độ căng thẳng. Tôi còn nhớ một hôm tôi và các bạn trong nhóm tập nhào lộn với vị huấn luyện viên khó tính nhất mà chúng tôi từng gặp. Rất khó làm hài lòng thầy. Thầy cũng rất khắt khe với tôi và tôi chưa bao giờ có thiện cảm với thầy. Đôi khi tôi còn có cảm giác thầy cố tình trù dập mình. Dù tôi có nỗ lực đến đâu thì cũng chưa đủ. Động tác nhào lộn, nhất là nhào lộn trên không với những cú xoay người, không phải thế mạnh của tôi. Nhưng tôi vẫn nỗ lực tập luyện, quyết tâm chứng minh cho thầy rằng tôi là người có năng lực. Và rồi chuyện đó xảy ra. Ký ức ấy vẫn sống động như mới ngày hôm qua thôi. Tôi nhớ sau màn trình diễn của mình, vị huấn luyện viên đó quỳ xuống bên cạnh tôi và hô to với cả đội: “Như thế mới gọi là màn trình diễn đỉnh cao!” Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào đến thế. Ngay lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng thầy có ý khắt khe hơn với mình không phải vì không thích tôi, mà bởi thầy tin tưởng ở tôi. Thầy thúc ép tôi tập luyện vì biết tôi là người có ý chí phấn đấu và có năng lực thực sự. Nhưng thay vì nói cho tôi biết điều này, thầy muốn tôi tự nhận ra rằng tôi có đầy đủ phẩm chất đó trong mình. Ngay tại giây phút ấy, tôi chợt nhận ra rằng tinh thần kỷ luật tự giác và sự nỗ lực, vốn là những phẩm chất đã ăn sâu bén rễ trong tôi, là hai yếu tố hết sức quan trọng. Tôi nghĩ đó là khi tôi thực sự hiểu thế nào là tinh thần kiên cường. Đến bây giờ, tôi vẫn còn hân hoan khi nghĩ về ngày hôm đó.
Cách nói chung chung: Tôi yêu công việc của mình. Tôi đã được đi tới rất nhiều nơi. Tôi luôn gặp được những con người thú vị và đầy hào hứng. Mức lương tôi được nhận cũng không hề tệ!
Câu chuyện cụ thể: Tôi yêu công việc của mình. Tôi được đi đến những địa điểm rất tuyệt vời, nhưng ngay cả khi đích đến của tôi không phải là những địa điểm hoành tráng, thì những điều hứng khởi nhất vẫn có thể diễn ra. Tôi nhớ có lần mình được cử đi công tác ở một thành phố mà thực lòng tôi không muốn đến. Đó chỉ là một vùng nông thôn nhỏ bé, và tôi đành tự trấn an mình: “Chà, cũng phải có lúc này lúc khác.” Tại một sự kiện ở đó, tôi tình cờ gặp một vị huấn luyện viên bóng đá đến từ trường đại học ở gần đó. Anh chàng này thật tuyệt vời. Khi chúng tôi nói chuyện với nhau, anh ấy chia sẻ một câu chuyện hết sức thú vị về cách tạo nên sự khác biệt. Anh ấy huấn luyện đội bóng của mình theo cách quản lý một chương trình phát triển con người và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Phần lớn các vị huấn luyện viên đều chỉ quan tâm tới chuyện thắng thua. Riêng anh lại quan tâm trước hết đến sự phát triển của các cầu thủ trong đội. Anh ấy sẽ không để chiến thắng khiến họ ngạo mạn. Và nếu cả đội thua, anh ấy sẽ tận dụng thất bại đó làm một cơ hội để học tập. Đặc biệt là cách quản lý của anh ấy đã tạo ra một tác động lớn đến các cầu thủ trong đội. Họ không những chơi tốt hơn, mà phần lớn trong số đó đều có kết quả học tập ở trường tốt hơn, thậm chí có người còn thành công hơn trong các mối quan hệ cá nhân, chẳng hạn mối quan hệ với gia đình – tất cả đều nhờ vị huấn luyện viên thiên tài của họ. Đó là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất mà tôi từng được nghe. Mà tôi thậm chí không hâm mộ thể thao đâu nhé!
Các phiên bản diễn đạt chung chung của những câu chuyện này ít nhiều đều đề cập đến cùng một vấn đề như phiên bản cụ thể. Nhưng bạn hãy để ý đến tầng sâu của cảm xúc được thể hiện trong những câu chuyện cụ thể hơn. Việc đào sâu thêm về các câu chuyện sẽ giúp bạn làm sống lại cảm giác của mình khi đó.
Trong lúc bạn chia sẻ các câu chuyện cụ thể của mình, người cộng sự nên ghi chép lại về các tình huống và hoàn cảnh mà bạn mô tả cùng những cảm giác mà chúng gợi lên. Tuy việc ghi chép này có thể bị coi là thừa thãi, nhưng những nội dung đó sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định điểm chung và những mối liên kết về mặt cảm xúc giữa các câu chuyện của bạn. Mục tiêu ở đây không chỉ là để bạn mô tả lại cụ thể những việc mình đã làm, mà còn nhắm phát hiện ra con người thật sự của bạn.
Hãy đầu tư thời gian càng nhiều càng tốt để có thể kể từng câu chuyện của mình một cách đầy đủ và toàn diện, và hãy sẵn sàng tâm lý vượt ra ngoài danh sách các câu chuyện bạn đã vạch ra ban đầu. Trong lúc chia sẻ, có thể bạn bất chợt nhớ ra những trải nghiệm tưởng chừng đã quên từ lâu. Hãy kể với người cộng sự cả những câu chuyện ấy nữa. Hãy nhớ, mọi nẻo đường đều dẫn đến hai chữ TẠI SAO. Không có nguyên tắc cố định nào đối với những câu chuyện bạn kể. Chỉ cần chúng có ý nghĩa quan trọng, có thể giúp định hình các chủ đề hoặc giới thiệu những yếu tố mới cần cân nhắc. Càng chia sẻ nhiều câu chuyện với người cộng sự, bạn càng thu thập được thêm nhiều dữ liệu để từ đó tìm ra những sợi dây liên kết. Và mối liên kết càng rõ ràng, bản tuyên ngôn “tại sao” của bạn càng trở nên chính xác hơn.
Xác định các chủ đề
Bước tiếp theo trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” là xác định các chủ đề: tức là những ý tưởng, từ ngữ, cụm từ, và cảm giác liên tục xuất hiện trong các câu chuyện của bạn. Ở bước này, người cộng sự nên giữ vai trò dẫn dắt. Hãy nhớ, người cộng sự mang đến góc nhìn khách quan mà bạn không có được, lý do là vì bạn quá gắn bó với các câu chuyện nên khó lòng nhìn ra những mô típ. Trong lúc bạn bận rộn mô tả từng cái cây, cộng sự của bạn đứng ở vị trí có thể nhìn bao quát cả một khu rừng đang hiện ra.
Chúng tôi thường xuyên gặp tình huống này ở những người muốn khám phá về hai chữ TẠI SAO của bản thân. Họ nghĩ rằng mình có thể đảm đương cả hai vai trò – người kể chuyện và người cộng sự. Họ cố gắng phân tích các câu chuyện của chính mình và tự xác định ra các chủ đề. Tuy nhiên, chúng tôi chưa gặp được người nào thực hiện thành công việc đó. Ngay cả khi Simon phát triển được nhiều kỹ thuật giúp anh khám phá ra hai chữ TẠI SAO của mình, anh vẫn nhờ người khác ngồi nghe những câu chuyện mình kể và giúp anh chỉ ra sợi dây liên kết xuyên suốt những câu chuyện đó.
Xin nhắc lại, người cộng sự của bạn sẽ tập trung vào nhiệm vụ lắng nghe và ghi chép lại những thông tin nổi bật, lợi thế của họ nằm ở sự khách quan. Thường thì đây là lần đầu tiên họ được nghe các câu chuyện cá nhân của bạn, họ không chịu ảnh hưởng từ những tác nhân phức tạp hóa vấn đề như quá khứ, cảm giác chông chênh, hoặc cái tôi. Đó là lý do vì sao họ có thể nhìn thấy các chủ đề rõ ràng hơn.
Nếu như không có câu chuyện nào là sai, thì tương tự, không có chủ đề nào sai cả. Nếu có điều gì đó xuất hiện nhiều hơn một lần, hãy viết nó ra giấy. Không có giới hạn nào về số lượng chủ đề bạn có thể thu thập trong các câu chuyện của mình. Bước đầu tiên mà bạn và người cộng sự cần làm là ghi chép lại toàn bộ các chủ đề ra giấy.
Sau khi đã viết lại tất cả các chủ đề vào cùng một chỗ, hãy dành chút thời gian để rà soát lại chúng. Trong một số trường hợp, chủ đề sẽ tồn tại trong mọi câu chuyện. Tuy nhiên, người cộng sự nên nhóm từng chủ đề trong ít nhất hai câu chuyện mà bạn kể. Hãy nhớ, một ý tưởng chỉ trở thành chủ đề nếu lặp lại trong ít nhất hai câu chuyện tưởng chừng không có gì liên hệ với nhau cả.
Sau khi đã liệt kê hết các chủ đề, hãy khoanh tròn một hoặc hai chủ đề có vẻ nổi bật hơn. Đó là những chủ đề truyền cảm hứng cho bạn, hoặc giúp bạn xác định được con người của mình và những gì bản thân quan tâm nhất. Có chủ đề nào bạn yêu thích nhất không? Hãy nhờ người cộng sự cân nhắc xem chủ đề nào có vẻ quan trọng hơn, dựa trên những câu chuyện bạn vừa kể. Sau đó, hai người hãy cùng thống nhất chọn ra một chủ đề là sự đóng góp độc đáo của bạn và một chủ đề đại diện cho tác động của đóng góp đó. Sau khi làm xong công việc trên, lúc này bạn đã sẵn sàng soạn thảo bản tuyên ngôn “tại sao” của mình rồi đấy.
Nhưng khoan đã, có thể bạn đang thắc mắc: Nếu chỉ được sử dụng hai chủ đề đó trong bản tuyên ngôn “tại sao”, vậy thì người cộng sự mất công viết lại tất cả các chủ đề khác trong những câu chuyện tôi kể làm gì? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thực sự yêu thích những chủ đề không được nhắc đến trong bản tuyên ngôn “tại sao” của mình – khi đó tôi buộc phải vứt bỏ chúng phải không? Đừng lo lắng! Có một lý do quan trọng giải thích tại sao người cộng sự lại viết ra tất cả các chủ đề của bạn, và chúng sẽ không bị vứt bỏ. Như chúng ta sẽ thấy trong một chương tiếp theo, những chủ đề này sẽ trở thành lời giải cho các câu hỏi NHƯ THẾ NÀO của bạn.
Soạn thảo tuyên ngôn “tại sao”
Sau khi bạn đã xác định được các chủ đề bao quát của mình, đã đến lúc biến chúng thành một bản nháp cho tuyên ngôn “tại sao”. Như đã nhắc đến ở chương trước, chúng tôi khuyến khích bạn nên soạn bản nháp theo dạng thức này:
Đây là cách dễ nhất giúp bảo đảm rằng tuyên ngôn của bạn được trình bày theo hướng đơn giản, khả thi, và tập trung vào việc bạn có thể tác động tích cực tới người khác như thế nào.
Với các chủ đề bao quát và dạng thức trình bày này, bạn hãy dành ra vài phút để viết bản nháp đầu tiên của tuyên ngôn “tại sao”. Người cộng sự cũng soạn riêng một bản tuyên ngôn “tại sao” cho bạn. Giá trị của việc hai người viết độc lập với nhau trước tiên nằm ở chỗ, người cộng sự có thể trình bày hai chữ TẠI SAO của bạn khác với bạn. Dù người nào tìm được từ ngữ hay cách diễn đạt hay hơn, hấp dẫn hơn, chúng tôi nhận thấy rằng việc có hai cách diễn giải khác nhau một chút về tuyên ngôn “tại sao” thực sự rất hữu ích. Về cơ bản, việc này giống như đi mua sắm cùng bạn bè vậy. Họ có thể chọn ra một chiếc áo mà bình thường bạn sẽ không để mắt tới. Nhưng rồi bạn phát hiện ra đó là chiếc áo đẹp nhất mình từng mặc.
Cả hai người hãy dành ra khoảng năm phút để soạn bản tuyên ngôn cho bạn. Chỉ cần năm phút bởi ở giai đoạn này không cần thiết phải suy nghĩ quá nhiều. Sau đó, hãy cho nhau xem phần soạn thảo bản tuyên ngôn của mình. Sau khi cân nhắc cả hai phiên bản, bạn có thể chọn sử dụng một bản hoặc kết hợp cả hai lại thành một bản tuyên ngôn “tại sao” cuối cùng.
Hãy nhớ, mục tiêu của bản nháp này không phải là sự hoàn hảo. Các bạn hướng đến soạn thảo một bản tuyên ngôn mang đến cho mình cảm giác rằng nó đúng. Những câu từ nhiều khả năng sẽ thay đổi, khi bạn tiếp tục dành thời gian cho hai chữ TẠI SAO của mình, chiêm nghiệm về nó và quan trọng nhất, biến nó thành hành động. Đây chính là ý nghĩa của bước cuối cùng trong quy trình này.
Hoàn thiện bản tuyên ngôn “tại sao”
Sau khi bạn đã soạn xong bản nháp, giai đoạn cuối cùng của quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” là thử nghiệm và hoàn thiện bản tuyên ngôn “tại sao”. Có một số cách giúp bạn thực hiện bước này. Một phương pháp khá thú vị để thẩm định bản tuyên ngôn “tại sao”, hoặc thu thập ý tưởng về cách điều chỉnh nó, là Bài tập Bạn bè. Hãy soạn ra một danh sách những người bạn thân nhất luôn ở bên cạnh bạn, những người bạn có thể nhấc điện thoại lên gọi cho họ vào lúc 2 giờ sáng và biết chắc rằng họ sẽ bắt máy. Sau đó, hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây. Bạn có thể tải Bài tập Bạn bè phiên bản PDF miễn phí ở địa chỉ http://bit.ly/FYWresources.
Bài tập Bạn bè
Bài tập này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất nếu bạn thực hiện trực tiếp với từng người bạn. Nhưng trước đó, đừng quên cung cấp một số thông tin khái quát về quy trình mà bạn đang thực hiện, và cho họ biết rằng bạn đang nhờ họ giúp đỡ thực hiện cuộc hành trình này. Tạm thời, hãy giữ bí mật về hai chữ TẠI SAO, bởi nếu không, điều đó sẽ tác động tới những câu trả lời của họ.
Trước tiên, hãy hỏi bạn của mình: “Vì sao cậu lại chơi với tớ?” Đừng ngạc nhiên nếu người bạn đó tròn mắt nhìn bạn. Đây không phải là câu mà những người bạn thường hỏi nhau, và thực sự, câu hỏi này khó trả lời hơn chúng ta tưởng nhiều. Tình bạn bắt nguồn từ cảm giác, và như chúng ta biết, cảm giác rất khó diễn tả thành lời. Để bài tập này phát huy hiệu quả, bạn phải tiếp tục duy trì cuộc trao đổi ngay cả trong trường hợp cả hai người cảm thấy có chút không thoải mái.
Điều trái khoáy nằm ở chỗ, việc đặt một câu hỏi bắt đầu với từ “tại sao” thực ra lại không đưa chúng ta đến với hai chữ TẠI SAO. Lý do là vì câu hỏi “tại sao” thiên về mặt cảm xúc, và thường gợi ra những câu trả lời mơ hồ hoặc thụ động. Ngược lại, việc đặt câu hỏi về “cái gì” sẽ gợi ra những câu trả lời thận trọng và chính xác hơn. Bây giờ, hãy đặt lại câu hỏi trên một lần nữa, nhưng sử dụng từ để hỏi “cái gì”: “Điều gì ở tớ khiến cậu kết bạn với tớ?” Lần này, người bạn kia có thể sẽ đưa ra những câu trả lời như: “Tớ cũng không biết nữa. Tớ quan tâm đến cậu. Tớ có thể tin tưởng cậu. Chúng ta có nhiều điểm chung. Và chúng ta chơi với nhau cũng rất tốt!” Câu trả lời thiên về logic, nhưng dĩ nhiên, đó là những yếu tố cơ bản của hầu hết mọi tình bạn. Hãy tiếp tục sử dụng mẹo này, luôn luôn diễn giải câu hỏi “tại sao” bằng câu hỏi “cái gì”. Sau đó, hãy tiếp tục câu chuyện bằng cách nói những câu như: “Tuyệt, cậu vừa mới định nghĩa về người bạn nói chung! Nhưng ở tớ thì có điều gì nào?”
Người bạn kia có lẽ sẽ bắt đầu lắp bắp và ấp úng trong giây lát, thậm chí còn tiếp tục đưa ra thêm một vài đặc điểm chung chung nữa của bất kỳ người bạn nào. Khi việc này tiếp tục diễn ra nhiều lần, có thể bạn sẽ sốt ruột muốn ngừng trò chơi lại, nhưng hãy kiên trì. “Đúng rồi, nhưng cụ thể thì có điều gì ở tớ?” Hãy tiếp tục gặng hỏi để đưa họ ra khỏi phạm vi của những câu trả lời thuần túy lý trí.
Có hai cách để bạn xác định xem cuộc nói chuyện này có đi đúng hướng mà bạn muốn không. Cách thứ nhất là khi người bạn kia bắt đầu im lặng và nhìn chằm chằm lên trần hoặc sàn nhà, dường như không tìm được lời nào để nói. Đó là điều sẽ xảy ra khi họ đang hình thành sự kết nối với những cảm giác của họ dành cho bạn và đang chật vật tìm cách diễn đạt chúng thành lời. Nếu định phá vỡ bầu không khí im lặng này bằng cách đặt một câu hỏi khác hoặc đưa ra một nhận định khác, nghĩa là bạn đang can thiệp vào quy trình rất quan trọng này rồi đấy. Thay vào đó, hãy để người bạn ngồi im lặng một chút để có thể suy nghĩ cho thấu đáo. Đến một lúc nào đó, người bạn kia sẽ chuyển từ những lời nhận xét chung chung, chẳng hạn “Chúng ta cùng có khiếu hài hước giống nhau”, sang những cách diễn đạt cụ thể, chẳng hạn “Cậu thực sự khiến tớ cười lăn lộn... điều đó rất vui, nhưng nó cũng khiến tớ nhận ra rằng chúng ta cùng nhìn nhận thế giới từ những lăng kính giống nhau.”
Và điều đó dẫn đến một khía cạnh thứ hai cần lưu ý, tới một lúc nào đó, họ sẽ ngừng mô tả về bạn và dường như bắt đầu chuyển sang mô tả về chính họ. Họ không nói về tính cách của bạn mà nói về việc bạn làm cho họ cảm thấy như thế nào, và sự khác biệt bạn tạo ra cho họ là gì. Nói cách khác, người bạn của bạn đang diễn đạt về sự đóng góp độc đáo mà bạn mang đến cho cuộc sống của họ. Và khi bạn có phản ứng thiên về cảm xúc trước những điều họ nói, nghĩa là bạn cũng đang đi vào chiều sâu của câu chuyện. Bạn có thể nổi da gà hoặc nghẹn ngào. Đó là vì họ đã diễn đạt thành lời giá trị thực sự của bạn trong cuộc sống của họ. Họ đã trình bày hai chữ TẠI SAO của bạn bằng lời của họ, và bởi hai chữ TẠI SAO này tồn tại trong phần não bộ kiểm soát cảm xúc chứ không kiểm soát ngôn ngữ, nên ở bạn mới xuất hiện phản ứng thiên về cảm xúc. Đây là một bước ngoặt quan trọng cho thấy bấy lâu nay bạn vẫn sống đúng với hai chữ TẠI SAO của mình trong khi bạn thậm chí còn không nhận ra điều đó.
Nhiều khả năng các chủ đề và mô típ xuất hiện trong Bài tập Bạn bè sẽ tương tự – nếu không muốn nói là giống hệt – những gì bạn và người cộng sự đã phát hiện ra trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Nhưng có lẽ khi nói về bạn, người bạn đó sử dụng một từ hoặc cụm từ mà bạn thích hơn. Nếu bạn cảm thấy phù hợp, hãy đưa những từ ngữ và cách diễn đạt đó vào trong bản tuyên ngôn “tại sao” của mình. Ngược lại, nếu Bài tập Bạn bè chỉ ra những chủ đề khác, thì đó cũng là những khía cạnh bạn cần cân nhắc. Có chủ đề mới phát hiện nào phù hợp với bạn hơn so với những chủ đề mà bạn đã xác định trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” không? Nếu có, có lẽ bạn và người cộng sự cần tiếp tục đào sâu tìm hiểu thêm chút nữa.
Bên cạnh Bài tập Bạn bè, bạn cũng có thể để tuyên ngôn “tại sao” sang một bên trong vài ngày. Hãy coi nó như một chiếc bánh. Khi mới lấy ra khỏi lò, bạn không thể cắt bánh ngay và ăn luôn. Nó vẫn còn quá nóng và sẽ bị rời ra. Chiếc bánh cần có thời gian để nguội đi và cứng lại. Câu hỏi TẠI SAO của bạn cũng như vậy. Hãy đợi một thời gian trước khi sử dụng nó.
Thường thì bản nháp đầu tiên của tuyên ngôn “tại sao” sẽ khá chung chung. Trong lúc bạn ngồi suy nghĩ về hai chữ TẠI SAO của mình, hãy thử phân tích các câu từ để tìm ra ngôn ngữ có thể phản ánh bạn chân thực hơn, diễn đạt một cách toàn diện hơn những cảm giác của bạn. Đôi khi chúng tôi chơi một trò chơi nhỏ với mọi người và hỏi rằng họ có thích những câu từ trong bản tuyên ngôn “tại sao” đến mức sẵn sàng xăm nó lên người không. Nếu câu trả lời là không, nghĩa là bạn vẫn chưa tìm ra được đúng từ mình “yêu thích” và chưa có sự gắn bó với nó. Bạn phải thực sự yêu thích những từ ngữ đó, đặc biệt khi nói về sự đóng góp của bạn.
Trong lúc chỉnh sửa bản tuyên ngôn “tại sao”, hãy nghĩ lại về các câu chuyện của bạn. Điều này bảo đảm rằng bất kỳ sự thay đổi nào bạn thực hiện đều không làm giảm bớt tính chính xác của bản tuyên ngôn. Cuối cùng, mục đích của việc hoàn thiện bản tuyên ngôn “tại sao” không phải là để làm cho nó nghe có vẻ tốt hơn, mà là để nó có cảm giác đúng hơn.
Cần phải dành ra bao nhiêu thời gian để hoàn thiện bản tuyên ngôn “tại sao”? Thực sự chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này bởi mỗi người một khác. Việc tìm ra những câu từ hoàn hảo cho hai chữ TẠI SAO của bạn có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng. Bạn có thể lặp đi lặp lại một quy trình tới hàng chục lần. Thực tế này đã được kiểm chứng, và nó đúng với cả các thành viên trong đội Start With Why.
Hãy lấy trường hợp của David làm ví dụ. Trước đây, bản tuyên ngôn tại sao của David là:
Cần phải thúc đẩy sự thay đổi tích cực để mọi người có thể sống mãn nguyện hơn.
Tuyên ngôn này nằm trong khoảng gần đúng, nhưng cụm từ “sống mãn nguyện” dường như chưa thực sự phù hợp lắm với David. Phạm vi bao quát của nó quá rộng, và đối với anh ấy, cụm từ này nghe hơi sáo rỗng. Vì thế, anh ấy dành thời gian để tiếp tục đào sâu thêm. Anh ấy phải trả lời các câu hỏi: “Khi ‘thúc đẩy sự thay đổi tích cực’ thì thực sự tôi đang làm gì? Và ‘sống mãn nguyện’ có nghĩa là gì?” Anh ấy sống đúng với bản tuyên ngôn “tại sao” của mình, tập luyện cách phát biểu và thực hành nó. Đồng thời, anh ấy liên tục thực hiện những điều chỉnh nhỏ cho đến khi nghĩ ra được một phiên bản khác có cảm giác giống với con người anh ấy hơn.
Cuối cùng, anh sửa đổi bản tuyên ngôn “tại sao” ban đầu của mình:
Cần phải thúc đẩy mọi người tiến lên để họ có thể tạo dấu ấn cho thế giới.
Khi suy nghĩ sâu thêm về sự lựa chọn từ ngữ của mình, David nhận ra rằng đối với anh, thúc đẩy mọi người tiến lên để có một cuộc sống mãn nguyện nghĩa là giúp họ sống tốt hơn một chút so với ngày hôm qua, từ đó giúp họ tạo ra được tác động tích cực hơn đối với những người khác – và định nghĩa về “sự mãn nguyện” cụ thể đó đã được diễn đạt rõ ràng ở phiên bản thứ hai. Đó chính là lý do vì sao bản tuyên ngôn “tại sao” hiện tại của David lại mạnh mẽ hơn so với bản đầu tiên: nó vừa chính xác vừa gần gũi với cá nhân anh ấy hơn.
Việc hoàn thiện hai chữ TẠI SAO có thể khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn đối với bạn, như trường hợp của David đã chỉ ra. Nhưng điều đó sẽ không khiến cho bản tuyên ngôn xác thực hơn hay có tính khả thi cao hơn. Bạn không cần đợi tới khi tìm được những câu từ hoàn hảo mới bắt tay vào triển khai bản tuyên ngôn trong thực tế. Như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell từng nói: “Tôi có thể đưa ra một quyết định dựa trên 30% thông tin, 80% là quá nhiều.” Thực ra, khi bạn sống với hai chữ TẠI SAO của mình, việc tìm ra từ ngữ hoàn hảo sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi bạn sẽ nhận thức rõ hơn về mục đích của mình cũng như con đường để đạt được mục đích ấy. Vì thế, hãy dành ra một chút thời gian để ngồi suy ngẫm về bản tuyên ngôn “tại sao” của bạn, nhưng đừng ngồi lâu quá. Lý do khiến bạn đi tìm hai chữ TẠI SAO là để dùng nó làm cơ sở cho hành động.
Chúng tôi hình dung về một thế giới trong đó tất cả mọi người đều hiểu rõ hai chữ TẠI SAO của mình. Chúng tôi biết, đọc một cuốn sách không phải là cách duy nhất, hay đối với một số người đó thậm chí không phải là cách lý tưởng nhất để khám phá ra hai chữ TẠI SAO của bản thân. Bởi chúng tôi đặt ra quyết tâm làm sao để ở mỗi chiếc bàn làm việc đều có một Vòng tròn vàng, nên chúng tôi đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau giúp bạn tìm thấy hai chữ TẠI SAO của mình. Đội ngũ chúng tôi có thực hiện các sự kiện phát sóng trực tiếp, các hội thảo, và chúng tôi cũng có sẵn nguồn tài nguyên dồi dào trong không gian trực tuyến. Hãy tìm hiểu thêm và tìm kiếm những công cụ phù hợp để khích lệ bạn tại địa chỉ www.StartWithWhy.com.