C
on người đa giác quan nhận thấy mình không hề cô độc trên Trái Đất này. Họ không cần phải dựa vào nhận thức và cách diễn giải sự kiện của riêng mình mới có được lời chỉ dẫn, bởi vì họ nằm trong hệ thống thông tin liên lạc có ý thức với những lực lượng trí tuệ khác, cao cấp hơn. Nói vậy không có nghĩa là con người đa giác quan thoát khỏi việc phải lựa chọn lộ trình cuộc đời mình trong mỗi khoảnh khắc; mà điều này có nghĩa là con người đa giác quan chủ ý tiếp cận với nguồn trợ giúp đầy lòng trắc ẩn và vô biên trong việc phân tích những lựa chọn khả thi cho mình, các hệ quả có thể có từ những lựa chọn ấy, và mời gọi sự trợ giúp để khám phá những phần khác nhau trong chính con người mình.
Bản thân con người năm giác quan cũng không lẻ loi, song họ không nhận biết được nguồn trợ giúp luôn sẵn có cho mình, vì vậy họ không thể chủ động mời gọi sự trợ giúp đó. Con người năm giác quan phải học hỏi chủ yếu thông qua vô vàn những trải nghiệm sống, song việc học hỏi này thường mất nhiều thời gian và đi cùng với những kết quả đau thương. Chẳng hạn, có người đã phải nếm trải những hệ quả do thiếu tin tưởng vào người khác để thấm thía bài học về lòng tin cậy. Vì thiếu tin cậy mà dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc, hậu quả là cảm thấy căng thẳng, khó chịu. Con người năm giác quan sẽ tiếp tục trải nghiệm cảm giác khó chịu do thiếu tin tưởng người khác trong kiếp đời này hay kiếp đời khác, cho tới khi nào họ nhận ra được – qua sự tương tác với người khác – nguồn căn sinh ra cảm giác ấy, để rồi từng bước thay đổi.
Người không có khả năng tin cậy thường hay diễn giải sai lời nói và hành động của người khác. Như trường hợp người vợ bảo với chồng là cô phải đi dự một cuộc họp về công việc kinh doanh, mặc dù cô cũng muốn ở nhà cùng chồng. Nếu anh chồng không tin tưởng vợ mình, anh ta có thể suy diễn sai ý của vợ, hiểu đó như là một hành động hắt hủi, hoặc là một dấu hiệu cho thấy công việc đối với cô còn quan trọng hơn cả chồng. Sự hiểu lầm này là kết quả của việc không thừa nhận lời vợ nói, và cũng là kết quả của việc không tin cậy vợ. Khi cô vợ liên tục chịu đựng những hiểu lầm từ phía chồng, điều đó sẽ làm nảy sinh trong cô những cảm xúc choáng sốc, buồn phiền, thất vọng, giận dữ, căm phẫn, và cuối cùng là phản kháng lại những gì anh chồng đã nhận thức một cách sai lầm. Như vậy, do không tin cậy, anh chồng đã tự tạo ra nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất cho chính anh.
Mất đi người bạn đời, một người bạn gần gũi, hoặc một đồng nghiệp không phải là sự trừng phạt vì thiếu tin cậy. Đó là kết quả của việc không tự nhìn vào bản thân để nghiệm ra giá trị của lòng tin. Đó là trải nghiệm đúc kết từ việc thường xuyên tỏ ra không tin cậy. Người thiếu tin tưởng sẽ tạo ra những tình huống đau đớn và khó chịu cho tới lúc chúng khiến họ phải nhìn nhận lại vấn đề. Có thể phải trải qua vài lần đau đớn, hoặc mất năm hay năm mươi kiếp đời nếm mùi đau khổ để cuối cùng lĩnh hội được bài học lớn về lòng tin.
Bài học về sự tín nhiệm như trên cũng đúng cho bản ngã thiếu vắng những biểu hiện của lòng trắc ẩn và tính hòa hợp. Chẳng hạn, một người nóng giận sẽ tạo ra những tình huống khó chịu, thậm chí là đau thương, cho tới khi anh ta nhận ra nỗi tức giận và loại bỏ nó đi như gạt bỏ một chướng ngại cản trở dòng yêu thương, trắc ẩn – nguồn năng lượng tích cực của linh hồn – tuôn chảy tự do. Tương tự như thế đối với bản ngã tham lam, ích kỷ, muốn thao túng, v.v. Song, đây lại là phương cách tiến hóa của loài người cho tới ngày nay.
Con người đa giác quan có khả năng tiếp thu, học hỏi nhanh hơn con người năm giác quan rất nhiều. Cộng với nguồn trợ giúp sẵn có, con người đa giác quan nhanh chóng hiểu ra ý nghĩa của những trải nghiệm mình nhận được – “Chúng xuất hiện như thế nào? Chúng nhắn nhủ điều gì? Bản ngã giữ vai trò gì trong việc tạo ra những trải nghiệm ấy?”. Như vậy, không cần phải kinh qua những mười hai, hai mươi hay hai trăm trải nghiệm đau đớn để thấm thía bài học quan trọng về lòng tin, về tinh thần trách nhiệm, hay về đức tính khiêm nhường. Tuy nhiên, không có nghĩa là con người đa giác quan không trải nghiệm những tình huống đau đớn, mà nhờ vào khả năng học hỏi nhanh, họ cũng có khả năng chọn lựa nhanh hơn, thông minh hơn, và những lựa chọn thấm đượm nhiều lòng trắc ẩn hơn.
Có thể nói, không nhất thiết phải có khả năng thông tin liên lạc trực tiếp qua giọng nói thì mới có thể thu hút những nguồn chỉ dẫn và trợ lực xung quanh bạn. Phương thức giao tiếp này là khả năng sẵn có của con người đa giác quan cao cấp, nhưng con đường để đạt đến năng lực đó cũng rộng mở chào đón tất cả mọi người. Đây là một lộ trình tràn ngập niềm vui, niềm hân hoan vì biết được sự chỉ dẫn thông thái và đầy lòng trắc ẩn luôn thường trực, sẵn sàng trợ giúp; và là một lộ trình học hỏi để chủ động đưa lời chỉ dẫn quý báu này vào cuộc đời.
Việc dung nạp diễn ra như thế nào?
Nhân cách năm giác quan công nhận rằng mọi động lực thôi thúc và khả năng thấu hiểu là năng lực của chính mình, khởi nguồn từ trong tinh thần(1) . Trong khi nhân cách đa giác quan biết không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta sẽ lý giải thế nào về những thôi thúc, linh cảm, những hiểu biết sâu sắc, thấu suốt bất chợt lóe lên và cả những hiểu biết tinh tế đã trợ giúp chúng ta trên con đường tiến hóa kể từ lúc khởi nguyên của nhân loại! Việc chưa nhận thức đầy đủ sự chỉ dẫn đến với chúng ta là hệ quả của việc chúng ta nhìn thực tại chỉ bằng năm giác quan. Mà theo quan điểm năm giác quan, chẳng còn nơi nào khác khơi nguồn cho những hiểu biết thấu suốt và những linh cảm.
(1) Nguyên văn: Psyche. Psyche cũng có nghĩa là linh hồn (soul), hơi thở sự sống (breath). Nhưng vì con người (nhận thức) năm giác quan không công nhận sự tồn tại của linh hồn, nên chỉ gọi chung chung bằng cái tên tinh thần.
Từ quan điểm đa giác quan, những nhận thức, trực giác, linh cảm, nguồn cảm hứng là những thông điệp đến từ linh hồn, hoặc từ những lực lượng trí tuệ bậc cao hỗ trợ cho linh hồn trên hành trình tiến hóa. Vì vậy, nhân cách đa giác quan rất trân trọng những gì trực giác mách bảo. Nhân cách năm giác quan xem trực giác chỉ là điều hi hữu, trong khi nhân cách đa giác quan nhìn nhận trực giác là những thôi thúc, hướng dẫn đến từ một tầm hiểu biết, nhận thức rộng mở hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn; là cầu nối giữa chúng ta với suối nguồn vĩ đại ấy.
Theo nhân cách năm giác quan, những hiểu biết thấu suốt từ trực giác hoặc linh cảm thường chợt lóe lên theo cách không đoán biết được và không thể trông mong gì vào chúng. Với nhân cách đa giác quan, những hiểu biết nhờ trực giác là sự chỉ dẫn đầy yêu thương từ trong ý thức, liên tục trợ lực và ủng hộ cho sự trưởng thành của bản ngã (nhân cách). Vì vậy, nhân cách đa giác quan luôn cố gắng củng cố nhận thức về nguồn chỉ dẫn này.
Bước đầu tiên để nhận biết lời mách bảo của trực giác là nhận ra cảm xúc của mình. Lần theo từng dòng mạch cảm xúc sẽ dẫn bạn đến với cội nguồn sinh ra chúng. Chỉ thông qua cảm xúc, bạn mới có thể chạm tới linh hồn.
Quay lại trường hợp của đôi vợ chồng kia, vì không tin vợ nên anh chồng cảm thấy tức giận, xấu hổ, nuôi lòng oán giận, hay tỏ ra lạnh nhạt với vợ khi cô báo với anh về cuộc hẹn gặp gỡ đối tác làm ăn. Nếu anh chủ động trải nghiệm những cảm xúc trong lòng mình, tách rời khỏi dòng cảm xúc đang cuồn cuộn dâng trào, và quan sát chúng như quan sát những dòng năng lượng đang tuôn chảy khắp toàn thân, có lẽ anh đã biết tự hỏi mình: “Tại sao cái tin tức về cuộc họp ấy lại ảnh hưởng đến mình nhiều như vậy?”. Câu hỏi này giúp anh khám phá ra rằng những cảm xúc trong anh đang phản ánh một cảm thức phản đối, hoặc cảm giác thấy mình ít quan trọng đối với vợ hơn so với cuộc họp.
Nếu anh chịu ngẫm lại thông điệp của vợ, anh sẽ hiểu cô thích ở nhà với anh hơn nhưng cô không thể. Điều này tiếp tục dẫn đến câu hỏi: “Tại sao mình vẫn cảm thấy lòng xáo trộn, bất an?”, và tiếp nối là câu trả lời: “Bởi vì mình không tin cô ấy thật sự thích ở nhà với mình hơn”. Nhờ nhận biết những cảm xúc của mình, thay vì hành động một cách thiếu suy xét, anh bắt đầu trải nghiệm thế nào là lòng tin tưởng.
Sau khi khám phá ra những điều như vậy, có thể anh lại tự nhủ thầm: “Ngần ấy thời gian sống chung với nhau, có điều gì khiến cho mình nghi ngờ rằng cô ấy không trung thực với mình không?”. Nếu câu trả lời là: “Không, kinh nghiệm của mình cho thấy cô ấy là người chính trực”, thì anh chồng dần nhận ra động lực khơi nguồn cảm xúc dâng lên bên trong anh không liên quan đến vợ, mặc dù lời nói của cô đã kích hoạt động lực cảm xúc đó. Qua đây, anh hiểu ra ý định thật sự của vợ, và rồi những cảm xúc trong anh trở nên lắng dịu đi. Và vợ anh sẽ cư xử thân mật yêu thương với anh, thay vì cảm thấy bị tổn thương do ông chồng ghẻ lạnh không hài lòng, không đồng tình với công việc riêng tư của cô.
Nếu anh cho phép quy trình tự xem xét nội tâm như vậy diễn ra, chắc hẳn anh đã không làm hỏng cả buổi chiều của mình, hay khiến cho cuộc sống hôn nhân đi đến đổ vỡ. Chắc hẳn anh sẽ học được từ những cảm xúc của mình, và từ những câu hỏi tự vấn, cùng cái bài học mà thế nào cuối cùng anh cũng sẽ học được qua những trải nghiệm khó chịu do việc thiếu lòng tin gây ra. Trong trường hợp này, chắc hẳn anh có thể thấy rõ kết quả của sự tin cậy và thiếu tin cậy.
Những câu hỏi như: “Tại sao cái tin tức về cuộc họp ấy lại ảnh hưởng đến mình nhiều như vậy?”, “Tại sao mình vẫn cảm thấy lòng xáo trộn, bất an?” và “Kinh nghiệm của mình có cho thấy mối nghi ngờ này là đúng?” đều giúp mời gọi sự chỉ dẫn từ trực giác. Mỗi lần bạn hỏi xin hướng giải quyết, bạn sẽ nhận được sự hồi đáp. Khi bạn tự hỏi: “Động cơ của mình là gì?”, tức là bạn đang yêu cầu Vũ Trụ: “Hãy giúp tôi nhận ra động cơ ẩn đằng sau!”, và rồi sự trợ giúp đến với bạn. Không phải lúc nào bạn cũng có khả năng nghe được câu trả lời cho những thắc mắc bạn đưa ra, và có thể câu trả lời không đến theo cách bạn mong chờ, tuy nhiên chúng luôn đến. Đôi khi câu trả lời xuất hiện dưới dạng cảm nhận “Có” hoặc “Không”; có lúc nó đến qua một ký ức, hay một tư tưởng bất chợt lóe lên; thỉnh thoảng xuất hiện trong giấc mơ, và đôi lúc bạn “ngộ” ra vào ngày hôm sau dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm nào đó từ trước.
Không câu hỏi nào mà không được nghe thấy, và không câu hỏi nào được nêu ra lại không có câu trả lời. “Hãy hỏi và bạn sẽ nhận được” là nguyên tắc, nhưng bạn phải học cách hỏi và nhận sao cho chính xác.
Trí tuệ là công cụ giúp mở rộng tầm hiểu biết, phát huy sức mạnh nhận thức và khám phá bản chất phức tạp của nhận thức, nhưng không gây tổn hại cho ai. Kiến thức là những kinh nghiệm được trí tuệ đúc kết lại. Kiến thức là sức mạnh, và bạn phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng nó. Theo luật Nhân - Quả, nếu chỉ đơn thuần tiếp nhận kiến thức cho riêng cá nhân mình mà không xử lý và vận dụng nó nhằm mang lại lợi ích cho mọi người, kiến thức ấy có thể gây hậu quả cực kỳ bất lợi cho cơ thể bạn. Những món nợ Nghiệp được tạo ra do chủ tâm lạm dụng kiến thức, do cố ý gây hại hoặc gây ra bất đồng với người khác, sẽ nghiêm trọng và lớn hơn những món nợ Nghiệp mắc phải vì thiếu hiểu biết.
Trong một thế giới vốn hiểu uy lực là sức mạnh ngoại hiện, trí tuệ thường thực hiện chức năng của nó mà không có lòng trắc ẩn từ trái tim. Hệ quả là sức mạnh trí tuệ bị sử dụng như là thứ vũ khí gây hại cho người khác, để thể hiện sức mạnh ý chí nhưng thiếu lòng nhân hậu, sự tinh tế và linh hoạt. Chẳng hạn, sử dụng năng lực trí tuệ để thiết kế, phát triển hay để sản xuất vũ khí; thiết kế, xây dựng hoặc vận hành một ngành công nghiệp, một nhà máy mà không cân nhắc những tác động của nó đến Trái Đất, đến cuộc sống của bao người và môi trường sống; toan tính hưởng lợi từ sự mất mát, thua thiệt của người khác… là những hình thức sử dụng trí tuệ không đúng cách.
Đối với con người nhận thức bằng năm giác quan, kiến thức do trực giác mang lại không được xem là kiến thức, và vì vậy nó không được xử lý, không được triển khai hay được nghiên cứu. Hiểu biết từ trực giác không theo quy tắc và không có tính ước thúc. Giống như chúng ta được chỉ dạy để nâng cao và sử dụng tri thức nhằm suy nghĩ về mọi thứ thông qua tri thức, chúng ta cũng học hỏi để phát triển và sử dụng trực giác nhằm mời gọi và tiếp nhận sự chỉ dẫn. Có những phương pháp giúp rèn luyện trí óc, như: tư duy phân tích, nghiên cứu, tái hiện, và tôn trọng tính cơ cấu, tính phương pháp, thì cũng có những cách thức giúp nắm bắt và rèn luyện khả năng trực giác.
Bước thứ nhất để khai thông trực giác là luôn luôn coi trọng việc thanh tẩy cảm xúc. Nếu dòng chảy cảm xúc trong bạn bị ngăn trở, bạn sẽ không thể hoặc không biết mình đang cảm thấy gì; hoặc nếu bạn xem thường cảm nhận của mình đến mức trở nên vô cảm, bạn sẽ biến thành người tiêu cực, và rồi tự bạn cũng tạo ra cho mình một thể xác bệnh tật. Bằng cách giữ cho dòng cảm xúc của bạn thông suốt, những cảm xúc tiêu cực không còn chỗ cư trú trong bạn, bạn sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn. Sự thanh thản, thư thái mở lối cho trực giác đến với bạn bởi vì chỉ khi lòng bạn nhẹ nhàng, bạn mới cảm nhận rõ tình yêu thương; nó đưa bạn đến gần hơn với tình yêu thương vô điều kiện và làm cho bạn trở nên vô hại. Có thể nói, việc thanh tẩy cảm xúc làm vơi nhẹ bớt những tần số năng lượng cảm xúc tiêu cực vốn quá nặng nề. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng nhận được sự chỉ dẫn.
Để làm được như vậy, mỗi ngày bạn cần tách mình khỏi những ảnh hưởng của cảm xúc. Tương tự như việc bạn tống khứ những chất thải và độc tố ra khỏi thân thể bạn, bạn cũng loại thải “những rác rưởi và độc tố cảm xúc” của mình – bằng cách tháo gỡ những gút mắc về cảm xúc; không đi ngủ trong tâm trạng tức giận; nhận ra mình không bị “ô nhiễm” cảm xúc; và mang thái độ học hỏi để trân trọng, hợp tác với những dòng năng lượng cảm xúc của bạn.
Bước thứ hai là áp dụng một chương trình dinh dưỡng thanh lọc, bởi vì thể xác bị nhiễm độc cũng gây cản trở trực giác đến với bạn(2) .
(2) Theo tác giả, rượu bia, cafein, đường và thuốc lá gây ra những “cơn bão” có sức tàn phá lớn trong cơ thể chúng ta. Càng ít sử dụng thì nội tâm con người càng “trời quang, mây tạnh”. Các loại thịt gia súc và gia cầm chứa đầy hoóc-môn, kháng sinh và các loại hóa chất. Chúng không hề tốt cho sức khỏe. Ăn thức ăn tươi, sạch và nhẹ (ăn chay) sẽ làm cho bạn cảm thấy nhẹ nhàng, bình tâm và thanh thản. (The Soul Stories, Gary Zukav).
Bước thứ ba là trân trọng sự chỉ dẫn mà bạn nhận được. Sự thanh lọc thể xác và cảm xúc khai lối cho tiếng nói trực giác đi vào, nhưng bạn cũng cần học cách phản hồi với trực giác. Bạn phải sẵn sàng lắng nghe trực giác của mình nói gì và hành động theo đó. Nhiều người không muốn nghe những gì có thể được nghe thấy dễ dàng như vậy, cho nên họ phủ nhận khả năng này.
Bước thứ tư là hãy rộng mở lòng mình đối với cuộc đời và Vũ Trụ, tin tưởng rằng mọi điều đang xảy ra đều có lý do – tận cùng bên trong luôn là lòng trắc ẩn và điều thiện lành, tốt đẹp. Đây là tư tưởng cốt yếu, cần được áp dụng đúng để khơi gợi và rèn luyện năng lực trực giác.
Vậy, trực giác là gì và nó vận hành như thế nào?
Trực giác là dạng nhận thức vượt khỏi những giác quan thể chất, là hệ thống cảm ứng vận hành không cần dữ liệu từ năm giác quan. Hệ thống trực giác là một phần của sự tái sinh. Khi bạn rời khỏi thể xác của mình, bạn sẽ bỏ lại đằng sau hệ thống trực giác – vốn được phát triển dành riêng cho bạn – và bản ngã của bạn, bởi vì khi ấy chúng không còn cần thiết nữa.
Trực giác phục vụ cho sự sinh tồn. Nó thôi thúc bạn theo đuổi những điều không có lý do rõ ràng để mà sống sót. Chẳng hạn, linh cảm về mối nguy hiểm sẽ xảy ra, về cái gì rủi ro và cái gì không rủi ro, về việc nên đi con đường nào thì an toàn và con đường nào thì không, v.v. Những linh cảm kiểu như thế thường giúp bạn tồn tại trong thế giới tự nhiên.
Trực giác phục vụ cho sự sáng tạo. Nó mách bảo bạn quyển sách tham khảo nào cần mua cho đề tài của bạn. Nó cho bạn biết sẽ gặp người đồng nghiệp mà bạn cần gặp ở đâu, và cho bạn biết ý tưởng nào trong lĩnh vực này sẽ bổ sung cho ý tưởng nào trong lĩnh vực kia. Linh cảm gợi ý nên tô màu xám cho bức tranh này, và tô màu tím cho bức tranh kia. Chính cảm nhận cho bạn biết một ý tưởng trước đây chưa từng được thử nghiệm có thể mang lại hiệu quả cao như thế nào.
Trực giác mang đến nguồn cảm hứng. Nó là câu trả lời bất thần nảy ra cho một câu hỏi. Nó là Ánh Sáng soi rọi đêm tối. Nó là sự hiện hữu của Chân Lý Thiêng Liêng.
Linh hồn luôn cố gắng liên lạc với phần bản ngã (nhân cách) do mình tạo ra. Phương tiện liên lạc của linh hồn với bản ngã là trực giác. Trực giác giống như “hệ thống đường dây liên lạc”, “máy bộ đàm” có thể tiếp nhận tín hiệu từ nhiều trạm khác nhau(3) . Một trong những trạm ấy là linh hồn. Sự liên lạc giữa bản ngã với linh hồn cho ta trải nghiệm về bản ngã bậc cao (higher self).
(3) Những trạm khác nhau ấy chính là Người Thầy phi vật chất, những linh hồn khác… Tác giả sẽ đề cập đến trong chương 12 - Linh hồn, phần 3 - Trách nhiệm.
Bản ngã bậc cao là cầu nối giúp linh hồn giao tiếp với bản ngã của nó. Việc thông tin liên lạc giữa linh hồn và bản ngã là trải nghiệm của bản ngã bậc cao; trong khi bản ngã thường không liên lạc đầy đủ với linh hồn của nó.
Tất cả năng lượng của linh hồn không tái sinh hết trong một lần. Để tái sinh, linh hồn tạo ra một bản ngã từ những phần trong nó cần được chữa lành (giận dữ, sợ hãi, nghi ngờ,…) trong thực tại vật chất, và từ những phần cung cấp cho tiến trình chữa lành (trắc ẩn, yêu thương,…) trong kiếp đời đó.
Năng lượng của linh hồn mạnh mẽ đến nỗi không thể được chuyển hết vào một dạng thức vật chất – cơ thể – mà không làm “nổ tung” dạng thức đó. Trong việc tạo thành một bản ngã, linh hồn định cỡ và tinh giản bớt những phần trong nó đang cần chữa lành thông qua trải nghiệm cuộc sống. Bản ngã bậc cao là một khía cạnh của linh hồn. Nó ở bên trong bạn nhưng không phải là linh hồn toàn vẹn của bạn, mà là một “tiểu linh hồn”. Vì vậy, bản ngã bậc cao là một thuật ngữ khác để gọi linh hồn, tuy linh hồn lớn hơn bản ngã bậc cao.
Để minh họa rõ hơn cho khái niệm này, chúng ta hãy lấy ví dụ về “cái tách”, “cái gàu nước” và “bồn chứa nước”. Giả sử “bồn chứa nước” là linh hồn và “cái gàu” là một khía cạnh của linh hồn. “Cái gàu” đó vẫn là linh hồn, nhưng không phải là linh hồn toàn vẹn về mọi mặt. Có thể nói, chính một phần nhỏ của linh hồn đang thực thi sứ mệnh. Bản ngã là “cái tách”. “Cái tách” nhỏ tiếp xúc với “cái gàu” (bản ngã bậc cao, “tiểu linh hồn”) chứ không tiếp xúc trực tiếp với “bồn chứa nước” (linh hồn).
Thông tin liên lạc giữa bản ngã và linh hồn là một tiến trình thông tin bằng trực giác, diễn ra nội bộ. Đó là một tiến trình phối hợp có hệ thống, có tổ chức từ bên trong. Chẳng hạn, việc ra quyết định có thể là một tiến trình trực giác – bạn lấy dữ liệu từ tâm trí, từ trái tim (cảm nhận) và từ trực giác theo sự chỉ dẫn của bản ngã bậc cao. Các nguồn dữ liệu này thuộc về hệ thống năng lượng của bạn. Còn bản ngã và bản ngã bậc cao thuộc về linh hồn.
Thông qua bản ngã bậc cao, trực giác có thể cho phép bản ngã tiếp nhận thông tin từ những linh hồn cấp cao khác. Những nguồn chỉ dẫn khác – ngoài bản ngã bậc cao của riêng bạn – có thể xuất hiện trên cùng một “trạm phát thanh”. Đây không giống như một tiến trình trực giác. Mà đây là tiến trình tiếp nhận sự chỉ dẫn thông qua những kênh trực giác.
Việc tiếp nhận thông tin thông qua những kênh trực giác (nhận thông tin từ những nguồn chỉ dẫn khác, những linh hồn cấp cao khác) khác hoàn toàn với việc tiếp nhận thông tin thông qua những tiến trình trực giác (lấy dữ liệu từ tâm trí, từ trái tim và từ trực giác theo sự chỉ dẫn của bản ngã bậc cao). Có thể hình dung như thế này, tiếp nhận thông tin qua những tiến trình trực giác giống như nấu nướng tại nhà, còn tiếp nhận thông tin qua những kênh trực giác là mua thức ăn từ bên ngoài.
Sự chỉ dẫn mà con người nhận thức đa giác quan tiếp nhận được thông qua những tiến trình trực giác và những kênh trực giác là vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành, viên mãn về tâm linh – quan trọng không kém gì ánh sáng mặt trời và không khí trong lành. Qua trực giác, con người nhận thức đa giác quan hiểu và trải nghiệm về chân lý một cách có ý thức.
Chân lý là gì?
Chân lý là những điều không làm hư hỏng, gây nhiễm độc bạn, mà trao sức mạnh cho bạn.
Bản ngã bậc cao nối kết với những Người Thầy phi vật chất sẽ tạo ra một cấp độ chân lý vốn không chỉ đúng đối với bạn, mà còn có thể đúng đối với bất kỳ ai tiếp xúc với nó. Nếu bạn loại bỏ tất cả những điều thuộc về cá nhân khỏi sự chỉ dẫn tiếp nhận được qua những kênh trực giác, khi đó chỉ còn lại chân lý cốt lõi có thể ứng dụng với người khác, hoặc ít nhất, vẫn còn sự hiện hữu của tình yêu vô điều kiện, trong khi đó đa phần thông tin bạn nhận được thông qua tiến trình trực giác của riêng bạn sẽ chỉ hữu hiệu đối với riêng bạn. Đây là sự khác nhau giữa chân lý thuộc về cá nhân và chân lý không thuộc về riêng ai (vô ngã). Cả hai đều là chân lý, nhưng chân lý thuộc về cá nhân là chân lý của bạn, và chân lý không thuộc về riêng ai (vô ngã) là chân lý thuộc về tất cả mọi người, dành cho mỗi người. Chúng ta cần có chân lý để phát triển cũng như cần vitamin, lòng quý mến và tình yêu thương vậy!
Đôi khi chân lý đi qua những tiến trình trực giác hoặc qua những kênh trực giác có thể bị “vấy bẩn” bởi nỗi sợ hãi trong bạn. Đây là lúc cần vận dụng đến trí tuệ. Nói cách khác, bạn có thể nghĩ rằng có một trực giác rõ ràng đang mách bảo bạn, nhưng nếu bạn xem xét, “mổ xẻ” nó bằng lý trí, bạn sẽ thấy rằng mình đang phản hồi lại trước sự bất an, giống như câu hỏi “Ngần ấy thời gian sống chung với nhau, có điều gì khiến cho mình nghi ngờ rằng cô ấy không trung thực với mình không?” có thể giúp người chồng nhận ra căn nguyên của cách phản hồi đầy cảm xúc của mình là “nỗi bất an” chất chứa trong chính lòng anh. Những câu trả lời xuất hiện qua những tiến trình trực giác hoặc những kênh trực giác của bạn có thể thách thức những điều bạn thích thực hiện. Bản ngã bậc thấp (nhân cách, bản ngã, cái tôi giả tạo) sẽ không tạo ra sự thách thức nào mà cố tìm cách hợp lý hóa, cổ xúy cho mong muốn của bản ngã.
Như là một xu hướng tự nhiên, bạn sẽ học được cách phân biệt những nguồn chỉ dẫn bạn tiếp nhận được. Song, ý tưởng “được chân lý dẫn dắt (thông qua trực giác)” có vẻ là điều bất thường đối với nhân cách năm giác quan. Bởi vì ngành tâm lý học – được xây dựng dựa trên những trải nghiệm của nhân cách năm giác quan – thậm chí không thừa nhận sự tồn tại của trực giác (thể hiện ở chỗ không nghiên cứu, không tìm hiểu về nó một cách bài bản). Còn với nhân cách đa giác quan, thật là bất thường nếu không dựa vào những chân lý tiếp nhận được từ bản ngã bậc cao và từ những linh hồn cấp cao hơn.
Bản ngã không bao giờ tách rời khỏi linh hồn; linh hồn và những bản ngã (qua bao kiếp đời) của linh hồn liên tục được trợ giúp và được chỉ dẫn bằng lòng trắc ẩn và sự thông thái vô biên. Điều này đúng với cả nhân cách năm giác quan lẫn nhân cách đa giác quan, nhưng nhân cách năm giác quan không nhận biết được linh hồn của mình, cũng như sự chỉ dẫn mà nó tiếp nhận từ bản ngã bậc cao và từ những linh hồn tiến bộ hơn. Nhân cách đa giác quan nhận biết được linh hồn của mình – vì nó tìm cách hòa điệu với linh hồn nhằm trở thành hiện thân của bản ngã bậc cao – và nó chủ ý mời gọi, tiếp nhận sự trợ giúp đầy yêu thương từ chính linh hồn mình cũng như từ những linh hồn khác.