L
inh hồn không phải là vật chất; linh hồn là nguồn lực cho sự tồn tại của con người chúng ta. Bản ngã bậc cao cũng không phải là vật chất; nó là khuôn mẫu sống động của con người tiến hóa, là nhân cách hoàn toàn tỉnh thức hay bản ngã hoàn toàn giác ngộ. Trải nghiệm về trực giác không thể được giải thích từ góc độ nhận thức (bằng) năm giác quan, bởi vì trực giác là tiếng nói thuộc về thế giới phi vật chất. Vì vậy, không thể hiểu linh hồn, bản ngã bậc cao, hoặc trực giác nếu không chấp nhận sự tồn tại của thực tại phi vật chất.
Hiểu biết ở dạng phán đoán dựa trên kinh nghiệm, dựa trên phân tích của cái đầu đầy lý lẽ không thể đưa ra bằng chứng rõ ràng về thực tại phi vật chất. Vì vậy, đứng trên nhận thức năm giác quan, khi bạn hỏi: “Thực tại phi vật chất có tồn tại không?”, thì điều bạn thật sự đang thắc mắc là: “Nếu tôi không thể chứng minh được sự tồn tại của thực tại phi vật chất, thì tôi có thể khẳng định rằng thực tại phi vật chất là vô nghĩa được không? Tôi quyết định là không có câu trả lời, hay là tôi sẽ tự mở mang tầm hiểu biết của mình để có câu trả lời?”.
Khi tâm trí nêu ra một câu hỏi gợi ý (mở ra một cấp độ chân lý khác), cho dù câu hỏi là gì, việc mở tầm nhận thức luôn là phương pháp của nhà khoa học thực thụ – những người truy lùng chân lý. Chẳng hạn, vào một thời điểm nào đó trong quá trình tiến hóa, một thắc mắc nảy sinh: “Có những dạng thức sống nào nhỏ hơn mắt thường có thể thấy không?”. Theo nhận thức năm giác quan, câu trả lời sẽ là “Không”. Tuy nhiên, có người không chấp nhận câu trả lời đó, cho nên họ mở rộng tầm nhận thức của mình, và thế là kính hiển vi được phát minh. Tiếp sau đó là câu hỏi: “Trong thế giới tự nhiên này, có tồn tại những thành phần nhỏ đến mức kính hiển vi cũng không nhìn thấy được hay không?”, một lần nữa, câu trả lời – từ nhận thức năm giác quan – sẽ là “Không”. Nhưng con người không chịu dừng lại ở đấy, thay vào đó chúng ta đã khám phá và phát triển một tầm hiểu biết sâu sắc về nguyên tử và các hạt cơ bản (proton, neutron, electron,…).
Tuy chúng ta đã sáng chế ra những công cụ để quan sát, theo dõi những điều mà có thời bị xem là không tồn tại, nhưng trước tiên chúng ta phải mở rộng tầm nhận biết, học hỏi của mình. Đối với những đầu óc tiến bộ, thử thách (cũng là nhiệm vụ) của họ là phải nâng tầm hiểu biết từ cấp độ “không thể giải đáp cho những vấn đề hiện tại – dựa trên cái chân lý ‘tạm thời’ đang được thừa nhận” đến cấp độ “có thể đưa ra câu trả lời”.
Thực tại phi vật chất là gì?
Thực tại phi vật chất là “ngôi nhà”, là cội nguồn của bạn. Bạn xuất thân từ thực tại phi vật chất, và sẽ lại trở về thực tại phi vật chất. Phần lớn hơn của bạn hiện tại đang sống, và tiến hóa trong thực tại phi vật chất. Điều này cũng tương tự đối với hàng tỷ con người đang sống trên hành tinh này. Vì vậy, phần lớn những tương tác giữa bạn với mọi người diễn ra trong thực tại phi vật chất. Chẳng hạn, khi bạn có những ý nghĩ yêu thương về ai đó gần gũi với mình (như người thân trong gia đình), ngay lập tức bạn truyền dòng năng lượng yêu thương đến người ấy, đóng góp thêm vào hệ thống năng lượng(1) của họ.
(1) Tác giả sẽ trình bày rõ hơn ở chương 15 – Sức mạnh nội tâm, phần 4 – Uy lực thật sự.
Chẳng hạn, một cô con gái nuôi trong lòng nỗi oán giận đối với người cha của mình. Nếu cô hiểu biết sâu hơn về mối quan hệ giữa mình với cha – như hiểu được vai trò (do luật Nhân - Quả sắp đặt, dẫn dắt) mà cha cô đã “diễn” bấy lâu nay trong việc khơi gợi cho cô một bài học lớn về tình yêu thương hoặc tinh thần trách nhiệm; nếu ý định chữa lành bản thân và chữa lành mối quan hệ với cha là thật tâm và rõ ràng, dù cô không nói ra nhưng đừng nghĩ rằng người cha không nhận biết được điều này. Dẫu không nhận biết một cách có ý thức, song bản thân ông cũng cảm nhận được những gì cô đang làm. Ông có thể “cảm” được thông qua những khoảnh khắc đột ngột xúc động về những điều trước đây ông chưa nghĩ tới, hoặc khi ông nhìn vào tấm ảnh chụp cô con gái “rượu” hồi lúc nhỏ và bất giác cảm thấy xốn xang trong tim, mặc dù ông không nhận biết (một cách có ý thức) tại sao mình lại cảm thấy như vậy, hoặc tại sao mình làm như vậy. Thế điều gì đã thôi thúc, lôi kéo ông?
Có thể nói, bạn tham gia vào hình thức trao đổi “ngân hàng dữ liệu” (năng lượng) này với tất cả những linh hồn gần gũi, và tùy theo mức độ, có thể mở rộng ra với tất cả những linh hồn tiếp xúc với bạn trong cuộc đời này. Khi bạn chuyển “bức thông điệp - ý định” tới một linh hồn khác, nó sẽ được xử lý qua hệ thống của riêng họ. Chính ở cấp độ tinh tế đó mà những ý định của bạn – cách bạn lựa chọn để định hình cho dòng năng lượng vô hình – gây ảnh hưởng đến người khác.
Sự trao đổi năng lượng này diễn ra như thế nào?
Bạn là một hệ thống Ánh Sáng, giống như mọi sinh vật khác. Tần số Ánh Sáng của bạn phụ thuộc vào ý thức của bạn. Khi bạn thay đổi cấp độ ý thức của mình, bạn cũng đang thay đổi luôn tần số Ánh Sáng. Chẳng hạn, nếu bạn lựa chọn “tha thứ” cho người đã làm điều sai quấy với bạn thay vì “căm ghét” họ, nếu bạn chọn hướng “yêu thương và gần gũi” với một người thay vì tỏ ra “xa cách, lạnh lùng”, bạn đều đang thay đổi tần số Ánh Sáng của mình.
Cảm xúc là những dòng năng lượng tuôn chảy với những tần số khác nhau. Những cảm xúc tiêu cực (như: căm ghét, ghen tị, khinh bỉ, sợ hãi,…) có tần số thấp và ít năng lượng hơn những cảm xúc tích cực (như: quý mến, vui sướng, yêu thương, trắc ẩn,...). Khi bạn thay thế một dòng năng lượng tần số thấp bằng một dòng năng lượng tần số cao, bạn đang nâng tần số Ánh Sáng của mình lên. Khi bạn để cho những dòng năng lượng tần số cao chạy qua hệ thống năng lượng của bạn, bạn sẽ cảm thấy mình thật tràn trề, dồi dào sức mạnh. Chẳng hạn, khi một người đang trong tâm trạng thất vọng hoặc lo lắng, anh ta cảm thấy suy kiệt, mệt mỏi về thể xác bởi vì bản thân anh đã hòa vào một dòng năng lượng tần số thấp. Cùng một tình huống như nhau, có người trở nên nặng nề và ảm đạm, trong khi người kia lại hân hoan, vui vẻ và tràn trề sức sống. Nguyên do là người vui vẻ đang vận hành một dòng năng lượng tần số cao tuôn chảy qua hệ thống năng lượng của mình.
Những suy nghĩ khác nhau tạo ra những cảm xúc khác nhau. Ví dụ, những ý nghĩ thù hận, bạo lực, tham lam, hoặc ý đồ lợi dụng người khác sẽ tạo ra những cảm xúc giận dữ, căm ghét, ghen tị, khinh bỉ và sợ hãi. Đây là những dòng năng lượng tần số thấp, vì vậy chúng hạ thấp tần số Ánh Sáng hoặc cấp độ ý thức. Trong khi những ý nghĩ sáng tạo, yêu thương, quan tâm sẽ kích hoạt những cảm xúc tần số cao (như: trân trọng, vị tha, vui sướng), và nâng cao tần số năng lượng Ánh Sáng cho hệ thống năng lượng của bạn. Nếu bạn nuôi những suy nghĩ tiêu cực, nó sẽ lôi kéo những dòng năng lượng tần số thấp về phía bạn; theo đó, dáng vẻ, điệu bộ và cảm xúc của bạn sẽ xấu đi, hệ quả kế tiếp là những bệnh tật thể chất hoặc cảm xúc đau đớn, khó chịu xuất hiện. Trái lại, những suy nghĩ tích cực, thiện lành – thu hút những dòng năng lượng tần số cao về phía bạn – sẽ vun đắp cho sức khỏe thể chất và sự lành mạnh về cảm xúc.
Những hệ thống năng lượng tần số thấp sẽ hút năng lượng từ những hệ thống năng lượng tần số cao. Nếu bạn không nhận biết được những cảm xúc và suy nghĩ của mình, tần số năng lượng của bạn sẽ bị hạ thấp bởi bạn sẽ mất năng lượng cho hệ thống năng lượng có tần số thấp hơn hệ thống của bạn. Chẳng hạn, chúng ta gọi người bị trầm cảm là người “đang kiệt sức”, hoặc “đang bị bòn rút năng lượng”. Hệ thống năng lượng tần số cao sẽ xoa dịu, làm bạn bình tâm, hoặc giúp bạn trở nên tươi mới một cách hiệu quả nhờ tác động từ Ánh Sáng.
Bằng cách chọn lựa những ý nghĩ, cảm xúc nào bạn sẽ loại bỏ và những ý nghĩ, cảm xúc nào bạn sẽ củng cố, bạn đang quyết định chất lượng cho Ánh Sáng của bạn. Bạn quyết định những kết quả sẽ tác động lên người khác, và quyết định những trải nghiệm sống của chính bạn.
Ánh Sáng ở đây tượng trưng cho ý thức. Khi ta không hiểu điều gì đó, ta bảo “Phải đưa nó ra ánh sáng”. Nếu ta cảm thấy bối rối, phân vân, ta bảo tiến trình này “cần được làm sáng tỏ thêm”. Với một ý tưởng bất chợt nảy sinh, ta bảo “ánh sáng đã lóe lên”, và ta gọi người hoàn toàn có ý thức là “người được khai sáng”. Khi bạn loại bỏ một suy nghĩ hay một cảm nhận tiêu cực, bạn đang loại bỏ dòng năng lượng tần số thấp ra khỏi hệ thống năng lượng. Cách làm này giúp gia tăng tần số ý thức của bạn lên.
Việc suy ngẫm về Vũ Trụ bằng những thuật ngữ khoa học (như: ánh sáng, tần số và năng lượng với những tần số khác nhau – những thuật ngữ quen thuộc khi nghiên cứu ánh sáng vật chất) không đơn thuần là phép ẩn dụ. Đó là một phương cách tự nhiên và mạnh mẽ để suy nghĩ về Vũ Trụ bởi vì ánh sáng vật chất là sự phản chiếu của Ánh Sáng phi vật chất.
Ánh sáng vật chất không phải là Ánh Sáng của linh hồn bạn. Ánh sáng vật chất được truyền đi với một vận tốc nhất định, không thể nhanh hơn(2) . Còn Ánh Sáng linh hồn lại có tính tức thời. Chẳng hạn như không tồn tại khoảng cách về thời gian giữa ý định “yêu thương cha” của cô con gái với việc linh hồn người cha “bắt” được ý định đó. Do vậy, tính tức thời hiện hữu khá thường trực trong cuộc đời bạn. Trong thực tại phi vật chất, những quyết định lựa chọn cách sử dụng năng lượng của bạn đều có tác động tức thời.
(2) Trong chân không, các thí nghiệm đã chứng minh ánh sáng đi với tốc độ không thay đổi, xấp xỉ 300.000 km/giây.
Năng lượng bắt nguồn từ linh hồn bạn có tính tức thời, trong khi năng lượng phát tỏa từ bản ngã của bạn sẽ đi theo con đường của ánh sáng vật chất. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi là một trải nghiệm của bản ngã. Linh hồn có thể lẫn lộn và xa rời Ánh Sáng, nhưng bản thân linh hồn không trải nghiệm nỗi sợ hãi. Nếu linh hồn nhận thấy có sự thiếu vắng Ánh Sáng từ một phần nào đó trong chính nó, thì bản ngã (công cụ của linh hồn, phần cần được chữa lành của linh hồn) sẽ trải nghiệm sự thiếu vắng – qua hình thái là nỗi sợ hãi. Vì sợ hãi là trải nghiệm của bản ngã nên cảm giác này thuộc về thế giới của không gian - thời gian. Còn tình yêu thương vô điều kiện thuộc về linh hồn, nên có tính tức thời, thuộc về Vũ Trụ và không bị giới hạn, ràng buộc.
Có thể nói, giống như ánh sáng hữu hình (ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường) là một phần của một thể liên tục(3) các tần số năng lượng theo thang độ, mở rộng bên dưới và bên trên miền ánh sáng mắt người có thể thấy được; tương tự, thể liên tục của Ánh Sáng phi vật chất cũng mở rộng bên dưới và bên trên biên độ tần số mà trong đó loài người tồn tại. Trải nghiệm của loài người là một biên độ tần số nhất định nằm trong thể liên tục của Ánh Sáng phi vật chất (theo cùng cách mà ánh sáng mắt người nhìn thấy được là vùng tần số nằm trong thể liên tục của ánh sáng vật chất).
(3) “Thể liên tục” là cái gì đó không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Nó chỉ bất kể cái gì trải qua một sự quá độ dần dần từ điều kiện này sang điều kiện khác mà không có bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào. Thể liên tục ở đây chỉ quang phổ ánh sáng.
Có những dạng trí tuệ thông minh khác tồn tại trong những biên độ tần số khác. Những dạng Sự Sống này không tồn tại ở đâu khác quá xa vời với chúng ta. Giống như tia hồng ngoại, tia tử ngoại, sóng vi-ba, cùng nhiều tần số khác và những biên độ tần số tồn tại song song với quang phổ ánh sáng mắt thường nhìn thấy nhưng chúng lại vô hình đối với chúng ta; những dạng Sự Sống khác được mô tả bởi những biên độ tần số Ánh Sáng phi vật chất khác nhau, “Họ” cũng đồng tồn tại với con người chúng ta. Tại vị trí hiện tại bạn đang ngồi cũng tồn tại nhiều dạng sống khác nhau, mỗi dạng sống đều năng động và đang tiến hóa trong thực tại của riêng “Họ”, theo cách thức của riêng “Họ”. Những thực tại này giao hòa với thực tại của bạn theo cùng cách như sóng vi-ba tồn tại bên cạnh ánh sáng hữu hình, song mắt người không thể nhận ra được.
Loài người đang tiến hóa từ biên độ tần số hiện tại lên một biên độ tần số cao hơn trong cùng một quang phổ Ánh Sáng phi vật chất. Đây là sự tiến hóa từ nhân cách năm giác quan thành nhân cách đa giác quan. Nhân cách đa giác quan tỏa sáng hơn và mạnh mẽ hơn nhân cách năm giác quan. Nhân cách đa giác quan nhận biết được Ánh Sáng của linh hồn mình; nó có khả năng dò tìm và liên lạc với những dạng sống vô hình đối với nhân cách năm giác quan.
Vũ Trụ là một hệ thống cấp bậc không có đáy và không có đỉnh. Hệ thống này hé lộ một sự hiểu biết rằng: Những nhận thức cao hơn có thể là một phần trải nghiệm của những thực thể thấp kém hơn, khi mà “Họ” nỗ lực mở rộng nhận thức của mình. Vì vậy, luôn luôn tồn tại một cấp độ trợ giúp cao hơn. Bạn có liên quan tới tiến trình này, mặc dù bản ngã không nhận biết được điều đó, bởi vì đây là sự tiến hóa ở cấp độ linh hồn.
Có những điều mà nhân cách năm giác quan không nhận biết được, ngay cả nhân cách đa giác quan đã được củng cố sức mạnh cũng không nhớ nổi nhiều điều cho tới khi nó quay về thực tại phi vật chất, vào cuối kiếp đời tồn tại của bản ngã. Chẳng hạn, bạn không biết được các kiếp đời mà những bản ngã đã trải qua (trong quá khứ) và sẽ trải qua (trong tương lai), nhưng bản ngã của bạn trong kiếp đời này phần lớn được tiếp nối với những bản ngã trước kia, bên cạnh đó cũng có liên hệ với những phần bản ngã tương lai. Điều này tương tự như cách thức hình thành các mối quan hệ của bạn vậy. Nếu một khía cạnh thuộc về bạn được biểu lộ ra dưới dạng thể lý (ví dụ như: khía cạnh “bạn - giáo viên”, hay “bạn - người lính”), thì từ “cõi” phi vật chất, cũng có những khía cạnh phi vật chất có liên quan đang tích cực hoạt động, đang tham gia vào “chỉ bảo, hướng dẫn” hay “bảo vệ”. Cái khía cạnh thuộc về bản thân mà bạn đem ra sử dụng trong khoảng thời gian tồn tại trên cõi đời này thể hiện cho một động lực quan trọng và phức tạp hơn gấp nhiều lần.
Nguồn trợ giúp phi vật chất cho chúng ta bắt nguồn từ những biên độ Ánh Sáng phi vật chất có tần số cao hơn tần số của chúng ta. Những nguồn thông minh trợ giúp và chỉ dẫn chúng ta (vô thức đối với nhân cách năm giác quan, và có ý thức đối với nhân cách đa giác quan) nằm ở cấp bậc sáng tạo cao hơn; vì vậy, “Họ” có thể trao cho ta sự chỉ dẫn và trợ giúp hiệu quả – điều mà con người chúng ta không thể trao cho nhau.
Nhân cách năm giác quan thuộc vào hàng cấp bậc thấp hơn, ít có khả năng kiểm soát người khác và dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, từ quan điểm nhìn nhận của Vũ Trụ, tất cả mọi cấp bậc trong sự sáng tạo đều có giá trị ngang nhau và quý giá như nhau. Thực thể ở cấp bậc cao có nhiều khả năng nhìn thấy mà không bị cản trở, có nhiều khả năng sống trong tình yêu thương và sự thông tuệ, có nhiều khả năng và mong muốn giúp đỡ những dạng sống khác (thấp hơn) tiến hóa để trở nên ngang bằng với mình, tràn đầy tình yêu và Ánh Sáng giống như mình.
Mỗi linh hồn con người đều có người dẫn dắt và Người Thầy. Người dẫn dắt không phải là Thầy. “Họ” giống như những chuyên gia am tường về lĩnh vực nào đó, được viện đến để đưa ra ý kiến tham khảo. Chẳng hạn, nếu bạn đang viết một quyển sách, đang chuẩn bị một dự án, hay đang tổ chức một sự kiện, người dẫn dắt lúc này sẽ là “lòng nhiệt huyết, tính sáng tạo, hay sự thấu hiểu” – điều bạn đang cần cho công việc.
Trong khi đó, Người Thầy cho ta cảm giác gần gũi, riêng tư hơn, mặc dù “Họ” là những nguồn năng lượng vô ngã. Người Thầy phi vật chất đưa bạn đến gần linh hồn mình hơn bao giờ hết. “Họ” hướng sự chú ý của bạn đi theo phương nằm dọc, và giúp nhận ra sự khác biệt giữa con đường theo phương nằm dọc và con đường theo phương nằm ngang.
Con đường theo phương nằm dọc là con đường nhận thức. Đó là con đường của ý thức và là sự lựa chọn có ý thức. Những ai chọn hướng phát triển tâm linh và củng cố nhận thức về bản ngã bậc cao của mình thì đang đi trên con đường nhận thức. Con đường theo phương nằm dọc là con đường của sự sáng tỏ. Tiềm năng để đạt được sự sáng tỏ cũng chính là trải nghiệm về sự tương tác với Người Thầy phi vật chất.
Con đường theo phương nằm ngang là con đường làm thỏa mãn những nhu cầu của bản ngã (cái tôi). Chẳng hạn, một doanh nhân dành ra cả đời mình để tích lũy tiền bạc, tức là người ấy đang đi trên con đường theo phương nằm ngang. Cho dù công việc kinh doanh có đa dạng đến đâu, về cơ bản, chúng đều xuất phát từ một mục đích như nhau. Nếu những công việc đó “đẻ” ra tiền thì chúng làm hài lòng vị doanh nhân kia (bản ngã), còn nếu chúng gây thất thoát tiền bạc thì anh ta sẽ lo lắng, đau buồn. Thế nhưng những công việc ấy không phục vụ cho bản ngã bậc cao, và cho sự phát triển tâm linh.
Con người tìm kiếm những mối quan hệ chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình (như: nhu cầu giải tỏa cảm xúc hoặc nhu cầu về tình dục). Xét về bản chất, mọi mối quan hệ đều giống như nhau. Những người mà ta gặp gỡ và gắn bó trong kiếp đời của mình đều có thể thay thế được. Những trải nghiệm với người đầu tiên và những trải nghiệm với người thứ hai về cơ bản cũng đều giống nhau cả. Đây là con đường theo phương nằm ngang. Mỗi trải nghiệm “mới” thật sự không mới, chúng có cùng bản chất như nhau cả thôi. Để trải nghiệm các mối quan hệ một cách thực chất và có chiều sâu, ta cần tiếp cận và đi vào các mối quan hệ một cách có ý thức và biết quan tâm đến người khác. Đây là con đường theo phương nằm dọc.
Như vậy, việc học hỏi sẽ diễn ra trong mọi hoàn cảnh. Khi con đường theo phương nằm ngang không còn thích hợp với sự học hỏi của linh hồn nữa thì linh hồn sẽ bỏ nó lại đằng sau. Không sớm thì muộn, mỗi linh hồn sẽ hướng về nguồn sức mạnh đích thực. Mỗi hoàn cảnh đều phục vụ cho mục tiêu này. Con đường theo phương nằm dọc bắt đầu với quyết định phải làm như thế một cách có ý thức.
Người dẫn dắt và Người Thầy luôn trợ giúp cho linh hồn trong từng giai đoạn tiến hóa. Số lượng người dẫn dắt và Người Thầy mà linh hồn có còn tùy thuộc vào việc bản thân linh hồn cố công đạt đến mục tiêu gì và cấp độ nhận thức của nó. Linh hồn càng đảm nhiệm những công việc quan trọng thì sẽ càng thu hút về mình nhiều sự trợ giúp hơn.
Bản thân linh hồn hiểu biết rõ về người dẫn dắt và Người Thầy của mình. Linh hồn thu nhận sự thông thái và lòng trắc ẩn từ “Họ” khi tái sinh. Và rồi phần tái sinh của linh hồn sẽ lại hội ngộ trong “vòng tay đón chào” của “Họ” khi sự tái sinh của bạn kết thúc – nghĩa là khi bạn trở về cội. Bạn được dẫn lối và trợ giúp với tình yêu thương trong từng khoảnh khắc. Bạn liên tục được thôi thúc, động viên và được khuyến khích hướng về Ánh Sáng.
Những quyết định bạn đưa ra là những quyết định của chính bạn. Người Thầy phi vật chất không thể, và sẽ không, sống thay cho bạn. “Họ” chỉ trợ giúp bạn thông qua những trải nghiệm bạn học hỏi được trong đời. Câu trả lời “Họ” đưa ra còn tùy thuộc vào cách bạn đặt câu hỏi. Chúng ta thường đặt câu hỏi bằng cách tự chất vấn động cơ của chính mình; cầu nguyện/suy niệm và cởi mở đón nhận câu trả lời, hoặc trực tiếp nêu câu hỏi (con người đa giác quan đã phát triển khả năng này). Khi bạn nêu ra một loạt câu hỏi, thì một loạt cánh cửa sẽ mở ra trước mặt bạn.
Trong mỗi khoảnh khắc, Người Thầy của bạn sẽ khuyên bạn với lòng trắc ẩn và sự sáng suốt vô biên. “Họ” sẽ giúp bạn xem xét những kết quả khả thi của từng lựa chọn bạn đưa ra. “Họ” lay động trái tim bạn để giúp bạn nhận ra những phần cần được chữa lành. “Họ” sẽ trả lời các câu hỏi bạn đưa ra – nhưng bạn phải hỏi – và theo đó định hướng cho dòng chảy năng lượng của bạn. “Họ” cho bạn biết lộ trình nào sẽ dẫn đến kết quả nào, và vẫn tiếp tục khuyên bạn với sự thông thái, lòng trắc ẩn cho dù bạn đã lựa chọn gì chăng nữa.
Người Thầy không thể tạo ra và cũng không thể giải bỏ Nghiệp thay cho bạn. Không ai – ngay cả Người Thầy phi vật chất – có thể đảm đương trách nhiệm cho cuộc đời bạn, cho việc bạn chọn sử dụng năng lượng của mình, nhưng Người Thầy phi vật chất có thể giúp bạn hiểu những lựa chọn và trải nghiệm của bạn nói lên điều gì. “Họ” có thể khơi gợi sự hiểu biết nhằm giúp bạn chọn lựa một cách có trách nhiệm, khả quan và khôn ngoan. Vì vậy, khả năng chủ động thu hút sự dẫn dắt và trợ giúp phi vật chất, khả năng tương giao với Người Thầy phi vật chất là một kho báu vô cùng quý giá, không thể mô tả bằng ngôn ngữ đời thường.
Mỗi quyết định bạn đưa ra sẽ hướng bạn về phía bản ngã (thỏa mãn những dục vọng, ham muốn), hoặc sẽ hướng bạn về phía linh hồn. Mỗi quyết định là một câu trả lời cho câu hỏi: “Bạn muốn tìm hiểu, học hỏi về tình yêu thương theo cách nào?”, “Bạn muốn củng cố lại sức mạnh đích thực của mình thông qua nỗi nghi ngờ và sợ hãi, hay thông qua sự thông tuệ?”. Đây là trọng tâm cốt lõi của câu chuyện Vườn Địa Đàng(4) . Cây Sự Thật, vốn được trao trọn cho loài người, nói: “Hãy học đi! Ngươi mong muốn học theo cách nào?”.
(4) Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) được mô tả trong Kinh Thánh Cựu Ước (Sáng Thế Ký), nơi mà ông Adam (người đàn ông đầu tiên) cùng vợ là bà Eve sinh sống sau khi được Thượng Đế tạo ra.
Thượng Đế giao cho Adam trông coi khu vườn và truyền lệnh rằng không được phép ăn quả từ Cây Tri Thức cho biết điều Thiện - điều Ác (Tree of Knowledge of Good and Evil). Một ngày nọ, có con rắn xuất hiện và hỏi Eve “Có thật là Thượng Đế bảo ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?’”. Bà nói rằng thậm chí chỉ chạm vào quả thôi cũng sẽ bị chết. Con rắn xảo quyệt bảo chắc chắn bà sẽ không chết, hơn thế nữa, bà và chồng sẽ trở thành “những vị thần biết điều thiện, điều ác”. Nó ra sức thuyết phục Eve ăn quả từ Cây Tri Thức. Bà thấy thứ trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì nó làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái quả ăn, rồi đưa cho chồng cùng ăn. Thế rồi cả hai trở nên “nhận biết điều thiện, điều ác”, bằng chứng là họ phát hiện ra mình đang trần truồng. Sau đó, Thượng Đế tìm thấy họ, và phán xét họ vì tội không vâng lời, trục xuất họ ra khỏi Vườn Địa Đàng.
Câu chuyện này thường được dùng để giải thích nguồn gốc của tội lỗi và những việc làm sai trái của loài người.
Con rắn ở đây là do quỷ Sa-tăng đội lốt để cám dỗ Eve.
Đây là “hành động” cơ bản, đầu tiên của ý chí tự do – “Ngươi mong muốn học theo cách nào?”. Câu hỏi muôn đời ấy liên tục vang lên trong mọi tình huống cuộc đời bạn. Cho dù rơi vào hoàn cảnh nào, khoảnh khắc nào chăng nữa, câu hỏi trong Vườn Địa Đàng vẫn tiếp tục cất vang: “Ngươi sẽ chọn lựa hướng nghi ngờ và sợ hãi, hay sẽ chọn Cây Thông Tuệ?”.
Cây Sự Sống, Cây Tri Thức, Cây Sự Thật hay Cây Thông Tuệ là những tên gọi khác của cơ hội, của một câu hỏi kiểu mẫu. Adam và Eve (yếu tố “đàn ông” và “đàn bà” trong Vườn Địa Đàng) đã ăn phải quả táo – biểu tượng cho việc sử dụng sai tri thức. Chọn lựa của họ là sử dụng sai tri thức, nên họ đã tạo ra sự xấu hổ. Nhưng xấu hổ không phải là bản chất vốn có của loài người. Chính việc sử dụng sai tri thức/chân lý/sự thông thái mới sinh ra cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ. Từ đây, con người cảm thấy mặc cảm tội lỗi, rồi dẫn đến kết cục là sợ hãi. Lại là sợ hãi! Và sự tiến hóa của loài người đã bắt đầu như thế.
Quyết định ăn “trái cấm” trong câu chuyện Vườn Địa Đàng không ám chỉ cái quyết định được thực hiện bởi hai con người có thật đã tồn tại trong bối cảnh như vậy. Đây không phải là kiểu quyết định “Tôi chọn cái này hay chọn cái kia?”. Câu chuyện Vườn Địa Đàng mô tả về sự bắt đầu của Trái Đất và trải nghiệm của con người trên Trái Đất.
Tuy nhiên, không phải là không thích hợp khi hiểu câu chuyện Vườn Địa Đàng với ý nghĩa đây là sự chọn lựa của loài người – giữa một bên là nỗi nghi ngờ và sợ hãi, một bên là sự thông tuệ. Bởi vì chọn lựa học hỏi thông qua sự thông tuệ, hay học hỏi thông qua nỗi sợ hãi, nghi ngờ là hai mặt của “đồng xu – thử thách” mà mỗi người phải chọn lựa trong từng khoảnh khắc. Thử thách này phản ánh những động lực cho sự tiến hóa của chúng ta.
Từ đây, chúng ta bước vào mối quan hệ giữa sự chọn lựa, Ánh Sáng và thực tại vật chất.