T
rọng tâm của tiến trình tiến hóa là sự chọn lựa. Mỗi lựa chọn bạn đưa ra là một lựa chọn xuất phát từ ý định. Như trong một tình huống nào đó, bạn chọn cách “giữ im lặng” nhằm phục vụ cho ý định “trừng phạt”, “báo thù”, hoặc thể hiện “lòng trắc ẩn”, “tình yêu thương” hay biểu lộ thái độ “kiên nhẫn”. Lựa chọn của bạn là một ý định – một đặc tính của ý thức được chuyển hóa thành suy nghĩ, hành động.
Nhân cách bị phân mảnh có vài (hay nhiều) khía cạnh rời rạc, xung khắc với nhau. Trong đó, có thể tồn tại khía cạnh “yêu thương” và “kiên nhẫn” đối lập với khía cạnh “hận thù”; hoặc khía cạnh “nhân đức”, “độ lượng” đối lập với khía cạnh “ích kỷ”. Mỗi khía cạnh có hệ giá trị và mục đích của riêng nó. Nếu bạn không ý thức được tất cả những phần khác nhau trong chính mình, thì phần mạnh nhất sẽ trấn áp những phần còn lại. Ý định của cái phần mạnh mẽ hơn sẽ là ý định mà bản ngã sử dụng để tạo ra thực tại. Chẳng hạn, phần “thiện tâm” trong bạn muốn tạo cơ hội phục thiện cho tên trộm bị bắt quả tang tại nhà bạn, nhưng nếu phần “thiếu khoan dung” trong bạn mạnh hơn, cộng với những cảm xúc xáo trộn, bạn sẽ gọi người tới bắt giữ hắn.
Bạn không thể đưa ra ý định một cách có ý thức cho tới khi bạn hiểu về mỗi khía cạnh khác nhau trong bản thân. Nếu không, bạn sẽ rơi vào tình cảnh muốn nói, hay đã có dự định về chuyện này nhưng lại thấy mình nói, hay dự định chuyện khác. Bạn muốn cuộc đời mình đi theo hướng này, cố nhiên lại thấy nó dịch chuyển sang hướng kia. Bạn muốn loại bỏ trải nghiệm đau đớn trong lòng, song vẫn thấy nó cứ trỗi dậy hết lần này đến lần khác.
Quả thật không dễ để “hàn gắn” nguyên vẹn nhân cách bị phân mảnh, bởi vì chỉ có một vài phần trong nó tìm kiếm sự toàn vẹn, hoàn hảo. Còn những phần khác, do không có trách nhiệm, hoặc không quan tâm, động lòng trắc ẩn như những phần đi tìm sự nguyên vẹn, nên sẽ câu kéo đi hướng khác. Chúng tìm cách tạo ra những thứ làm thỏa mãn chúng, những thứ đã trở nên quen thuộc với chúng. Những phần bản ngã (cái tôi) sai lạc này thường “cứng đầu” và đã được định hình vững chắc. Nhân cách bị phân mảnh luôn phải cân nhắc lựa chọn giữa những phần đối nghịch trong chính nó. Đây là phương cách tiến hóa trọng yếu của con người.
Sự lựa chọn của ý định là sự lựa chọn tuân theo luật Nhân - Quả. Chẳng hạn, nếu bạn nói hay hành động với tâm trạng giận dữ, bạn tạo ra “quả” - giận dữ. Còn giả như bạn nói hay hành động với lòng trắc ẩn, bạn sẽ tạo ra “quả” - trắc ẩn, và một con đường khác mở ra trước mắt bạn. “Gieo” thế nào thì sẽ “gặt” thế ấy, cho dù bạn có nhận biết được những phần khác nhau trong bạn hay không, cho dù bạn có nhận biết được những lựa chọn của bạn trong từng khoảnh khắc hay không. Sự tiến hóa vô thức (thông qua những va chạm, trải nghiệm sống được tạo ra từ những ý định vô thức) là cách thức tiến hóa của loài người chúng ta cho đến ngày nay. Con đường tiến hóa theo kiểu vô thức như thế này luôn có những “va vấp”, “trả giá” nhưng cuối cùng cũng trao cho ta sức mạnh đích thực.
Trong khi đó, sự tiến hóa có ý thức thông qua lựa chọn có trách nhiệm là phương cách tiến hóa tăng tốc của nhân cách (nhận thức) đa giác quan, và của nhân cách (nhận thức) năm giác quan đang trở thành đa giác quan. Lựa chọn có trách nhiệm là con đường có ý thức trao cho ta sức mạnh thật sự.
Thế nào là “lựa chọn có trách nhiệm”?
Khi bạn lần theo dòng mạch cảm xúc của mình, bạn sẽ nhận biết được những phần khác nhau trong bạn, và cả những điều mà các phần ấy muốn. Bạn không thể nhận biết tất cả những phần ấy trong một lúc bởi vì có nhiều phần đang xung khắc, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ như, phần nào đó trong bạn muốn “có thêm tiền và một căn nhà to hơn” xung đột với cái phần muốn “nếm trải khó khăn để cùng sẻ chia, đồng cảm với những người khốn khó”. Rồi một phần khác mong muốn “dang tay giúp đỡ mọi người với lòng trắc ẩn, hướng tới cái đẹp, cái thiện ở họ” mâu thuẫn với cái phần muốn “lợi dụng người khác hầu đạt được lợi ích hoặc sự tưởng thưởng cho mình”. Khi bạn làm thỏa mãn phần này thì nhu cầu của những phần khác không được đáp ứng. Sự viên mãn của phần này gây đau đớn cho một (hay nhiều) phần khác, và thế là nội tâm bạn bị giằng xé. Đó chính là một nhân cách bị phân mảnh.
Giống như trong vật lý lượng tử, người làm thí nghiệm không thể cùng lúc chứng minh bản chất sóng và bản chất hạt của ánh sáng vật chất, anh ta phải lựa chọn nên chuyên tâm thực hiện thí nghiệm nào; tương tự như vậy, khi định hình Ánh Sáng phi vật chất trong thực tại, bạn cũng phải lựa chọn xem mình sẽ tạo ra trải nghiệm nào.
Khi bạn bắt đầu ý thức về những phần khác nhau trong bản ngã của mình, bạn bắt đầu nhận thấy những thế lực bên trong bạn đang cạnh tranh nhau để được bộc lộ ra, đang đòi hỏi phải có ý định cụ thể nào đó để giúp nó định hình nên thực tại của bạn. Khi bạn chủ động thâm nhập tìm hiểu những động lực này, bạn tập cho mình khả năng lựa chọn một cách có ý thức những thế lực bên trong bạn, chọn xem bạn sẽ tập trung năng lượng vào đâu và tại sao.
“Không lựa chọn” cũng là một sự lựa chọn, tức là bạn chọn giữ nguyên tình trạng vô thức, là chọn sử dụng sức mạnh một cách vô trách nhiệm. Việc nhận biết về nhân cách bị phân mảnh và về nhu cầu tái hòa nhập, thống nhất các mảnh rời rạc trong nhân cách (bản ngã) sẽ đưa đến sự lựa chọn có ý thức. Để đưa ra quyết định hành động, bạn phải lựa chọn xem những phần nào (trong nhân cách) cần được trau dồi, củng cố thêm, và phần nào nên được giải phóng.
Lựa chọn có trách nhiệm là sự lựa chọn có cân nhắc đến những hệ quả đi kèm với mỗi lựa chọn. Để thực sự chọn lựa một cách có trách nhiệm, bạn nên tự kiểm tra mỗi một khả năng: “Điều này sẽ dẫn đến kết quả gì? Tôi có thật sự muốn tạo ra cái đó không? Tôi có sẵn sàng chấp nhận tất cả những hệ quả của lựa chọn này?”. Hãy tự phóng chiếu mình vào tương lai khả thể để kiểm định kết quả của mỗi lựa chọn. Không phải là bạn thực hiện việc này bằng năng lượng của ý định(1) , mà đây chỉ đơn giản là một động tác để kiểm tra xem bạn đang sáng tạo vì mục đích gì. Hãy chú ý đến cảm nhận của bạn và tự hỏi: “Đây có phải là điều mình thật sự muốn?”, rồi sau đó mới đưa ra quyết định. Khi bạn xem xét kết quả của những lựa chọn trước khi quyết định, đến khi đưa ra lựa chọn (có ý thức), đó là lựa chọn có trách nhiệm.
(1) Ý định → Lời nói/Hành động → Trải nghiệm/Kinh nghiệm → Thực tại.
Chỉ thông qua lựa chọn có trách nhiệm, bạn mới có thể chăm chút cho những nhu cầu của linh hồn, và thách thức, tiến đến loại bỏ dần những ham muốn của cái tôi giả tạo (đã bị nhuốm màu vật chất). Đây là sự lựa chọn sáng suốt và khôn ngoan, là sự lựa chọn chuyển hóa có ý thức. Đây là sự lựa chọn những dòng năng lượng tần số cao như: yêu thương, vị tha và trắc ẩn; là lựa chọn đi theo tiếng nói của bản ngã bậc cao, của linh hồn; là quyết định trải lòng ra để tiếp nhận sự trợ giúp của người dẫn dắt và Người Thầy phi vật chất; là con đường đưa ta tới nguồn sức mạnh nội tại một cách có ý thức.
Điều này diễn ra như thế nào?
Dẫu biết rằng lừa phỉnh người khác là việc làm đi ngược lại với bản chất của linh hồn, nhưng bạn vẫn quyết định dối lừa ai đó hòng trục lợi, hay để cứu vãn một mối quan hệ mà bạn chưa sẵn sàng từ bỏ. Có thể bạn đã biết trắc ẩn là sẵn lòng chia sẻ bằng ý nghĩ và hành động của bạn, tuy nhiên bạn quyết định không chia sẻ bởi vì bạn nghĩ làm như vậy sẽ gây hao công tốn của, hoặc không an toàn. Khi bạn lựa chọn sáng tạo theo đúng bản chất của linh hồn – nghĩa là sáng tạo dựa trên những ý định chất chứa tình yêu thương, lòng trắc ẩn, tính khiêm nhường, sự rõ ràng, trong sáng – bạn sẽ có được sức mạnh thật sự. Khi bạn chọn học hỏi thông qua sự thông thái, bạn sẽ gia tăng thêm sức mạnh cho mình. Trái lại, nếu bạn chọn sáng tạo theo bản ngã – nghĩa là chọn học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ – bạn đang đánh mất đi sức mạnh. Như vậy, đạt được hay đánh mất sức mạnh sẽ phụ thuộc vào cách lựa chọn của bạn.
Bản ngã, hay cái tôi giả tạo, chỉ quan tâm đến chính nó. Nó ưa thích cảm giác mạnh, hồi hộp. Có khi nó tỏ ra thiếu trách nhiệm, không biết quan tâm hay yêu thương. Trong khi đó, linh hồn là nguồn năng lượng tràn đầy tình thương, sự thông tuệ và lòng trắc ẩn. Linh hồn sáng tạo bằng những năng lượng này.
Bản ngã thì hiểu uy lực là sức mạnh ngoại hiện; do vậy nhận thức của nó ngả theo chiều hướng đua tranh, đe dọa, so đo cái được - mất của mình với cái được - mất của người khác. Khi bạn sống theo cái bản ngã/cái tôi (vốn đã xa rời bản chất tốt đẹp của linh hồn tạo ra nó), bạn tiếp thêm sức mạnh nuôi dưỡng cho hoàn cảnh, tình huống và thực tại cuộc sống. Làm vậy chẳng khác nào bạn tự tước mất sức mạnh của chính mình. Nhưng khi bạn bắt đầu nhận ra bản thể tâm linh và nguồn gốc tâm linh thật sự – Bạn là thực thể tâm linh bất tử! – đồng thời bạn lựa chọn và sống với những hiểu biết ấy, bạn sẽ thu hẹp dần khoảng cách tồn tại giữa bản ngã và linh hồn. Từ đó, bạn bắt đầu trải nghiệm sức mạnh nội tại.
Khi bạn tương giao bằng những nhận thức của nhân cách năm giác quan (dựa trên nguồn thông tin từ năm giác quan), ảo tưởng mê lầm sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, ta không thể phán xét gì về những bất đồng nảy sinh giữa hai người bạn, ẩn sâu bên dưới có thể là những thương tổn cần được chữa lành; nếu hai người đó không có “duyên nghiệp” với nhau từ trước, thì họ không thể đến với nhau được. Hoặc như trường hợp một người cha ao ước được ở nhà bên đứa con trai mới sinh, nhưng hoàn cảnh buộc ông phải đi công tác xa. Nhận thức “Ông ấy vắng nhà” chỉ là một ảo tưởng. Thật sự ông đang ở bên con trai mình trong từng ý nghĩ với tình cảm rất sống động! Khi nhân cách bị phân mảnh trở nên nguyên vẹn và tràn đầy sức mạnh, nó cảm thấy thỏa nguyện và vui vẻ để cho ảo tưởng “diễn” trọn phần vai.
Vai trò của “ảo tưởng” là gì?
Dù hoàn cảnh có ra sao chăng nữa, linh hồn vẫn tạo ra điều tốt đẹp nhất từ nguồn sức mạnh hay mặt tốt rút ra được từ hoàn cảnh đó. Nếu chỉ nhìn từ nhận thức hạn hữu của cái tôi giả tạo, rõ ràng là những người kia đang đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, hoặc họ không nhận thức được về môi trường xung quanh; trong khi sự thật là họ đang trích rút những tinh hoa từ “khu vườn cuộc sống” và hoàn toàn bằng lòng để cho ảo tưởng diễn ra.
Nhân cách bị phân mảnh không bao giờ cảm thấy hài lòng thực sự. Cảm giác hài lòng (trong khoảnh khắc này) sớm bị “đánh bật” bởi nỗi tức giận, sợ hãi hay lòng đố kỵ (vào khoảnh khắc kế tiếp). Cách phản hồi của bạn trước cuộc tranh chấp giữa những khía cạnh xung khắc nhau trong bản ngã sẽ quyết định cách thức bạn tiến hóa – theo hướng chủ động, có ý thức hoặc là vô thức; tiến hóa thông qua “quả” Nghiệp xấu hay “quả” Phước tốt lành; tiến hóa bằng nỗi sợ hãi và nghi ngờ hay bằng sự thông tuệ. Tự thân những tranh chấp ấy không tạo ra Nghiệp hay quyết định cách bạn tiến hóa, mà chỉ có cách phản hồi của bạn trước những tranh đấu ấy mới có quyền quyết định.
Sau khi “đánh vật” với những phần xung khắc nhau trong bản ngã, bạn lựa chọn kiểu phản hồi như thế nào thì sẽ sinh ra “quả” Nghiệp như thế ấy – tốt hoặc xấu. Nhận biết được cái gì nằm đằng sau từng lựa chọn và hệ quả của từng lựa chọn sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Khi bạn ra quyết định một cách có ý thức, bạn chủ động đưa ý chí của mình vào chu kỳ sáng tạo (thực tại), để thông qua đó linh hồn của bạn tiến hóa.
Điều này đòi hỏi ta phải nỗ lực rất nhiều. Khi đã biết những hành động thiếu lòng trắc ẩn sẽ mang đến cho ta những trải nghiệm “méo mó, khuyết tật” (như sợ hãi, giận dữ, đau đớn, khổ sở,…), nếu vẫn quyết định hành động theo cảm xúc nóng giận, ích kỷ hoặc e dè, khiếp sợ, thì việc sống với những hậu quả do quyết định hành xử như thế mang lại quả là không dễ chịu chút nào, phải không? Vào những lúc phải đưa ra lựa chọn, lẽ nào không đáng bỏ công để mường tượng ra những hệ quả khả dĩ và đặt mình vào tình thế đó? Bạn làm vậy để kiểm tra xem “Bạn cảm thấy thế nào? Có thoải mái với kết quả như thế không? Làm thế có mang đến cho bạn tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sức mạnh nội tại?”.
Vào mỗi lần đưa ra quyết định, nỗ lực làm cho bản ngã trùng khớp với linh hồn sẽ được tưởng thưởng rất nhiều. Có thể cái phần hướng về Ánh Sáng không phải là phần mạnh nhất tại khoảnh khắc bạn ý thức lựa chọn hướng đến sức mạnh nội tại – khoảnh khắc bạn chọn con đường theo phương nằm dọc (con đường nhận thức sáng suốt) – nhưng nó là cái phần được Vũ Trụ ủng hộ.
Chẳng hạn, khi một người cần được chữa lành về cảm xúc và thể xác, nhất thiết phải có sự thay đổi đáng kể trong chế độ dinh dưỡng. Người đó cần từ bỏ thói quen ăn uống cũ của mình và tập thói quen ăn uống mới, sử dụng một số loại thực phẩm nhất định, có làn sóng rung động cao hơn(2) . 90% bản ngã của con người không muốn tuân thủ điều đó, trong khi chỉ có 10% đồng ý lựa chọn con đường này vì mục đích làm lợi cho sức khỏe và trở nên toàn vẹn, hoàn hảo. Nhưng phần “thiểu số” lại có nhiều sức mạnh hơn so với “số đông” đang “đấu tranh” đòi giữ nguyên trạng theo nếp sống cũ, bởi vì Vũ Trụ luôn ủng hộ cái 10% đó chứ không phải cái 90% kia.
(2) Những gì chúng ta ăn vào không chỉ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng đến suy nghĩ, sự lành mạnh về cảm xúc và tinh thần của chúng ta.
Theo truyền thống, thực phẩm được phân loại dựa theo tác động của nó đến cơ thể và tâm trí con người, theo 3 cấp độ như sau:
- Thực phẩm Sattva: tinh khiết và bổ dưỡng, bao gồm: trái cây và rau quả tinh khiết, tươi sống.
- Thực phẩm Rajas: rất nồng và có tính kích thích, do đó hạn chế khả năng nghỉ ngơi, ổn định tâm trí. Thực phẩm Rajas bao gồm những loại thức ăn nhiều gia vị, chất kích thích như: cà phê, trà, trứng, tỏi, hành, thịt, cá và sô-cô-la, cũng như các loại thực phẩm chế biến sẵn. Ăn quá nhanh hoặc ăn uống trong lúc tâm trí đang bị rối loạn cũng không tốt.
- Thực phẩm Tamas: dẫn đến tình trạng nặng nề và trì trệ, bao gồm: bia rượu; thức ăn cũ, ôi thiu hoặc nấu quá chín; những loại thực phẩm tinh chế (đóng hộp, có sử dụng hóa chất bảo quản); thức ăn quá nhiều gia vị, quá ngọt/mặn/nhiều chất béo; thịt, cá, trứng.
Bên cạnh đó, thái độ/tâm trạng của người nấu ăn cũng rất quan trọng. Vì làn sóng rung động (vibration) từ tâm trí người nấu có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thức ăn. Chẳng hạn như, nấu ăn trong tâm trạng tức giận, thì người ăn cũng bị kích động theo.
Hãy suy ngẫm về ý nghĩa của những quyết định được đưa ra, rồi nỗ lực làm cho cái phần “đối đầu” trở nên hài hòa, đồng điệu với phần ra quyết định bằng sự lựa chọn có trách nhiệm. Khi bạn chữa lành, hàn gắn lại những phần rạn nứt của nội tâm, và chủ động thực hiện hành trình hướng đến điều bạn – thực thể tâm linh – mong muốn, hãy biết rằng Vũ Trụ luôn ủng hộ những phần (trong bạn) có ý định rõ ràng, trong sáng nhất.
Bạn không ngừng nhận được sự hỗ trợ từ người dẫn dắt, Người Thầy phi vật chất, và từ cả Vũ Trụ. Khi bạn yêu cầu Vũ Trụ chúc phúc cho nỗ lực đưa bản ngã trùng khớp với linh hồn, bạn mở ra một hành lang kết nối giữa bạn với những lực lượng hỗ trợ.
Khi bản ngã ý thức được về tình trạng phân mảnh của mình và nỗ lực để trở nên toàn vẹn, nó sẽ không cần tạo ra Nghiệp xấu để tiến hóa (thông qua những va vấp), để học cách sáng tạo ra thực tại một cách có trách nhiệm, để đạt được sức mạnh đích thực. Khi bạn cân nhắc lựa chọn giữa những ham muốn của cái tôi giả tạo và những nhu cầu của linh hồn, bạn sẽ bước vào một động lực tiến hóa mà không tạo ra Nghiệp xấu. Động lực đang được đề cập đến chính là sự cám dỗ.
Sự cám dỗ là gì?
Cám dỗ là phương cách thể hiện lòng trắc ẩn của Vũ Trụ, giúp bạn tránh tạo ra Nghiệp xấu. Nó là dạng năng lượng trao cho linh hồn cơ hội diễn tập trước (trong tâm trí) một bài học cuộc đời nào đó, để bạn tự chữa lành trong phạm vi nội tâm mình.
Cám dỗ là phương cách đầy trắc ẩn, giúp bạn nhận ra những cạm bẫy tiềm tàng sẽ gặp phải, rồi tự sửa đổi, điều chỉnh mình trước khi gây ảnh hưởng xấu đến người khác.
Cám dỗ là một hình thức “nhử bẫy” nhằm nhận dạng ra cái tiêu cực (trong bản ngã), và loại bỏ nó đi trước khi nó xui khiến bạn hành động sai. Nhờ vậy mà bạn hiểu biết hơn, dù không cần kinh qua trải nghiệm đó trong thực tế (Có khi phải trả giá đắt và đầy đau đớn!).
Nói cách khác, cám dỗ là một dạng tư duy giữ vai trò lôi kéo phần tiêu cực tiềm ẩn ra khỏi hệ thống năng lượng của con người, song không làm tổn hại bất kỳ ai. Nếu không làm vậy, bằng sự “tinh ranh” của mình, cái tiêu cực tha hồ tung hoành bên trong hệ thống năng lượng của loài người, có khi tràn loang ra và gây ô nhiễm cả ý thức tập thể. Một hệ quả thật khôn lường!
Song, cám dỗ không phải là “cạm bẫy” làm cho con người trở nên sa đọa. Mỗi cám dỗ là một cơ hội giúp linh hồn học hỏi mà không tạo Nghiệp xấu; từ đó linh hồn có thể tiến hóa trực tiếp bằng sự lựa chọn có ý thức. Cám dỗ là dạng năng lượng thử thách loài người, giống như nguyên lý Lucifer.
Lucifer có nghĩa là “Người mang đến Ánh Sáng”(3) . Cám dỗ – nguyên lý Lucifer – là dạng động lực trao cho mỗi linh hồn cơ hội để thách thức những phần (trong bản thân) chống đối lại Ánh Sáng. “Năng lượng Lucifer” được biểu trưng qua hình tượng “con rắn” trong câu chuyện Vườn Địa Đàng – ý tưởng về sự hiện diện của một loài không phải là loài người, có thể xúi giục nhưng không thể chi phối con người. “Năng lượng Lucifer” xúi giục bạn, xúi giục cái cấp độ khả tử của con người (phần bản ngã hay nhân cách năm giác quan), nhưng “con rắn” này không thể hủy hoại linh hồn. “Con rắn” chỉ đe dọa cái phần trở nên quá gắn kết với vật chất trong bạn. “Con rắn” thuộc về Trái Đất – “cõi phàm tục”. Khi bạn quá tôn sùng vật chất trên Trái Đất, suy tôn chúng như “những chủ nhân” của mình, bạn sẽ “bị rắn cắn”.
(3) Theo tiếng La-tinh, “Luci” có nghĩa là “Ánh sáng” và “Feris” là “Người mang đến”.
“Năng lượng mang đến Ánh Sáng” – “năng lượng Lucifer” – đã từng mê hoặc con người Jesus xứ Nazareth (người sau này trở thành Chúa Jesus)(4) , hay con người Siddhartha Gautama (người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca)(5)cũng là thứ năng lượng cám dỗ bạn. Năng lượng đó xúi giục người thủ quỹ ăn cắp tiền công quỹ, xúi giục người học trò gian lận thi cử, xúi giục ông chồng ngoại tình, xúi giục con người theo đuổi sức mạnh ngoại hiện. Nó xui khiến cho Ánh Sáng bất diệt của linh hồn đối chọi với ánh sáng trần tục của bản ngã. Nó vạch ra trước mặt bạn cả con đường theo phương nằm dọc (nhận thức sáng suốt) lẫn con đường theo phương nằm ngang (thỏa mãn những ham muốn của cái tôi). Bản chất của sự chuyển hóa là gì? Đó là cách thức đầy trắc ẩn của sự cám dỗ.
(4) Theo Kinh Thánh, trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Jesus được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Ngài cảm thấy đói. Sa-tăng xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ. Chúa Jesus đã chiến thắng Sa-tăng bằng sức mạnh Thánh Thần và lời Thiên Chúa.
- Cơn cám dỗ thứ nhất phát xuất từ cái đói. Ma quỷ gợi ý cho Chúa Jesus: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4:3). Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người.
- Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đưa Chúa Jesus lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi! Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4:5). Cám dỗ này thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để con người tìm vinh quang cho cá nhân. Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.
- Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đem Chúa Jesus lên một ngọn núi cao và chỉ cho Ngài thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4:9). Đó là bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người.
- Ba cơn cám dỗ của Chúa Jesus đều bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Jesus. Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng niềm tin. Chúa Jesus bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình.
(5) Trong giáo lý nhà Phật rất thường đề cập đến vấn đề Ma vương (Māra) và cho rằng đây là một loại thử thách khó khăn hàng đầu trước khi đạt được Chánh quả. Lúc Thái tử Siddhartha sắp trở thành Phật, Ma Vương tỏ ra hãi hùng. Vì sợ mất tầm ảnh hưởng thống trị của chúng nên đã tìm cách ngăn cản, không cho Ngài chứng đạo. Ma vương biến hóa ra trăm ngàn ma quỷ để tấn công nhằm khuất phục Thái tử, nhưng Ngài không chút sợ hãi hay dao động. Sau đó, Ma Vương đã thay đổi chiến thuật dữ dội hơn, bằng cách cho các ái nữ xinh đẹp nhất để cám dỗ hầu lôi kéo Thái tử trở về với chúng, nhưng dưới con mắt thanh tịnh của Ngài các nàng đều biến thành xấu xí và bất tịnh. Đức Phật Thích Ca đã chiến thắng vượt qua cám dỗ sắc dục cuối cùng của Ma vương trong ngày thứ 49 dưới cây Bồ Đề để trở thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Cám dỗ giúp linh hồn nhận ra sức mạnh tiềm tàng của mình. Khi bạn bị dụ dỗ, thuyết phục hay bị đe dọa bởi ngoại cảnh, bạn sẽ mất đi sức mạnh. Với mỗi lựa chọn bạn đưa ra trùng khớp với năng lượng linh hồn, bạn đang củng cố sức mạnh cho chính mình. Đây là cách thức tiếp nhận sức mạnh nội tại. Sức mạnh nội tại được gầy dựng theo từng bước, với từng lựa chọn. Bạn phải bỏ công để có, chứ không thể suy niệm hay cầu nguyện mà có được.
Khi bạn ý thức khơi gợi sự phát triển, khi bạn khơi gợi sự thông tuệ, tức là bạn đang chủ ý khơi gợi những phần không nguyên vẹn trong bạn xuất hiện trong thực tế. Mỗi lần cơn giận dữ, lòng ghen tị, hay nỗi sợ hãi xuất hiện, bạn có quyền lựa chọn hoặc thách thức nó, hoặc buông xuôi theo nó. Nếu thách thức nó, nó sẽ mất uy lực còn bạn có thêm uy lực. Nếu bạn bị xúi giục phải trở nên tức giận, ganh ghét hay sợ hãi, nhưng bạn vẫn ngoan cường thách thức cảm xúc đó, tức là bạn tự trao sức mạnh cho mình. Nếu những lựa chọn của bạn không theo khuôn khổ kỷ luật và ý định đúng đắn thì làm gì tích lũy được sức mạnh nội tại.
Cho rằng mình không thể đánh bại sự cám dỗ chẳng khác nào tự cho phép mình sống vô trách nhiệm. Có những khao khát và sự thôi thúc mà bạn không thể cưỡng lại nổi. Bạn cảm thấy mình thiếu sức mạnh để chế ngự chúng. Đó chính là những thói nghiện của bạn. Thói nghiện là những ham muốn của phần nào đó trong bản ngã, chúng rất mạnh mẽ và kháng cự lại năng lượng của linh hồn. Thói nghiện là những khía cạnh thuộc về bản ngã – phần được tái sinh của linh hồn – đang ở trong tình trạng cấp thiết cần được chữa lành. Chúng là những khiếm khuyết lớn nhất của bạn.
Nghiện ngập có thể là nghiện đồ ăn, nghiện thuốc lá, nghiện nổi giận, hay nghiện tình dục, v.v. Bạn có thể có hơn một thói nghiện. Bạn không thể từ bỏ thói nghiện đến chừng nào bạn hiểu rõ động lực nằm bên dưới, làm nền tảng chống đỡ cho nó. Ẩn bên dưới từng thói nghiện là nhận thức rằng uy lực là ngoại hiện, là khả năng kiểm soát và lợi dụng môi trường hoặc người khác.
Tiến trình làm cho bản ngã trở nên đồng điệu năng lượng linh hồn bắt đầu bằng sự hiểu biết rằng con người luôn mong muốn cảm thấy mình mạnh mẽ. Bằng những cách thức khác nhau nhằm lấp đầy “khoảng trống” nội tâm, mỗi người đang trải nghiệm kết quả cho sự lựa chọn của mình. Nghiện ngập như là một lời cảnh báo cho nỗi bất an của nhân loại, mà cái đích cuối cùng ai cũng mong muốn hướng đến là trở nên mạnh mẽ, đầy uy lực.
Chính vì vậy, mỗi người đều phải chật vật hòng thỏa mãn ham muốn ấy: cảm thấy yếu thế → muốn có uy lực → tìm hiểu xem uy lực thật ra là gì và sẽ có nó bằng cách nào. Bên dưới cơn khủng hoảng (về thể xác, tâm linh, cảm xúc, tâm lý) là vấn đề liên quan đến uy lực. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận để làm sáng tỏ cơn khủng hoảng của bạn, hoặc là bạn sẽ bước gần hơn tới linh hồn, hoặc là bạn sẽ chìm sâu vào cái “cõi phàm tục” này.
Hành trình đi đến sự toàn vẹn đòi hỏi bạn phải trung thực, cởi mở và dũng cảm nhìn vào những động lực nằm bên dưới những gì bạn cảm nhận, quan sát được, những gì bạn trân trọng, và cách hành xử của bạn. Đây là hành trình vượt qua những hàng rào phòng thủ của cái tôi giả tạo để nghiệm ra bản chất sâu xa của nó, để đối mặt với những kết quả do cái tôi sinh ra trong cuộc đời bạn, và lựa chọn thay đổi.