B
ạn không thể từ bỏ một thói nghiện cho tới chừng nào bạn thừa nhận là mình bị nghiện. Chính cái tôi hợp lý hóa thói nghiện ngập, xem nó như là thứ đáng thèm muốn và đầy lợi ích. Chẳng hạn, người nghiện rượu thường biện hộ rằng việc chè chén say sưa là một cách để thư giãn, tiêu khiển sau một ngày căng thẳng, nên rượu bia cũng có lợi ích. Còn người đắm chìm trong thói “trăng hoa” thì khẳng định những cuộc quan hệ “mây mưa” là biểu hiện của sự gần gũi, tình yêu, phản ánh tư tưởng phóng khoáng, tiến bộ và tự do, vì vậy nó đáng được khao khát.
Để nhận ra chân tướng của thói nghiện, chúng ta cần xuyên qua hệ thống phòng thủ vững chắc của cái tôi, đi sâu vào nội tâm mình và nhìn rõ phần nào trong bạn mất đi sức mạnh, phần nào bị kiểm soát bởi ngoại cảnh. Thậm chí sau những nỗ lực tìm hiểu rõ ràng, hoặc khi những tình huống bên ngoài (như tai nạn thương tâm gây ra bởi tài xế say xỉn, hay cuộc hôn nhân tan vỡ vì thói lang chạ) cung cấp bằng chứng xác thực về hậu quả của thói nghiện, cái tôi vẫn ngoan cố bám vào nhận thức cố hữu của nó, xem đó như là một vấn đề bình thường. Thoạt đầu chỉ là vấn đề nhỏ, rồi vấn đề lớn dần, đến một lúc nào đó trở thành rắc rối nghiêm trọng.
Tại sao cái tôi cứ khăng khăng phủ nhận thói nghiện của nó?
Thừa nhận mình đã bị nghiện là khẳng định rằng phần nào đó trong bạn đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cái tôi ra sức phủ nhận thói nghiện của nó, bởi vì công nhận tức là bắt buộc nó phải rời bỏ cái phần nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc phải hành động để giải quyết. Một khi đã thừa nhận thói nghiện ngập, chúng ta không thể phớt lờ nó, không thể thoát khỏi nó mà không làm thay đổi cuộc đời ta, không ảnh hưởng đến hình ảnh về bản thân và không làm thay đổi toàn bộ nhận thức, quan niệm từ bấy lâu nay của ta. Chúng ta không muốn làm việc đó bởi vì bản chất của con người là chống lại sự thay đổi. Vì vậy chúng ta không thừa nhận thói nghiện của mình.
Nghiện ngập không chỉ đơn thuần là một sự hấp dẫn, cuốn hút. Ví dụ như, đôi lứa si mê nhau, cảm nhận được sự mặn nồng, ấm áp khi ở bên nhau và bị lôi kéo về phía nhau là điều rất tự nhiên, nhưng thói nghiện còn hơn thế. Nó vừa có sức hấp dẫn, lôi cuốn mãnh liệt, lại chứa đựng cả nỗi sợ hãi. Sự lôi cuốn, hấp dẫn có thể được thỏa mãn và bỏ lại đằng sau, nhưng thói nghiện thì không.
Thói nghiện không có tính bão hòa. Chẳng hạn, thói nghiện tình dục không thể được thỏa thuê bằng những lần “mây mưa”. Đây là manh mối đầu tiên chứng tỏ rằng động lực liên quan đến cái có vẻ là thói nghiện tình dục hóa ra không phải là tình dục, mà những trải nghiệm đầy dục vọng này còn phục vụ cho một động lực sâu xa hơn.
Thói nghiện có thể tạm thời “ngủ yên” nhưng không “chết” hẳn. Cũng như thói “trăng hoa” có thể tạm lắng trong mối quan hệ một vợ một chồng bởi người trong cuộc lo sợ sẽ làm đổ vỡ mối quan hệ đó – đây cũng là một thành trì bảo vệ an toàn cho cái tôi giả tạo; nhưng căn bệnh này không thể được chữa dứt nếu ta không nhận ra sự tồn tại của nó, nếu ta không hiểu động lực ẩn tàng bên dưới. Đến khi cái tôi cảm thấy bất an nhất, hoặc bị đe dọa nhiều nhất, nó sẽ phá vỡ mối quan hệ – phá bỏ lớp vỏ giả tạo bề ngoài của cuộc hôn nhân một vợ một chồng. Vào những khoảnh khắc như thế, cái tôi sẽ cảm nhận một sức hấp dẫn đầy nhục dục từ người khác.
Nghiện tình dục là thói nghiện phổ biến nhất ở loài người, xuất phát từ nhu cầu tạo dựng uy lực thông qua việc tìm hiểu bản năng giới tính. Bản năng giới tính và uy lực có liên quan với nhau. Chính vì thế, người có hành vi tính dục vượt ngoài khả năng kiểm soát thật sự đang vướng phải vấn đề rắc rối liên quan đến uy lực. Người ấy không thể kiểm soát nổi sức mạnh của chính mình. Bản thân một người có nội tâm mạnh mẽ không thể có hành vi tính dục ngoài tầm kiểm soát, hoặc bị khống chế bởi dòng năng lượng nhục dục. Hai khả năng đối lập này không thể đồng thời tồn tại.
Vậy, động lực nằm đằng sau thói nghiện tình dục là gì?
Việc bị hấp dẫn, cuốn hút là một dấu hiệu báo cho người trải nghiệm cảm giác ấy biết rằng giờ đây người ấy đang bị bất lực, và khao khát thỏa mãn cái phần yếu đuối trong linh hồn. Động lực ẩn bên dưới tất cả những thói nghiện là: mong muốn giày vò một linh hồn bị vỡ rạn hơn chính nó nhằm giúp mình cảm thấy mạnh mẽ, đầy uy lực. Sự thật “trần trụi” này quả thật xấu xí, nhưng nó là cốt lõi của cái xấu xa, tiêu cực tồn tại bên trong loài người.
Hoạt động kinh doanh, quan hệ chăn gối, hay bất cứ hoạt động nào được thực hiện một cách thiếu sùng kính đều phản ánh cùng một điều: Linh hồn này săn bắt linh hồn khác yếu hơn. Vì vậy, phương cách để thoát khỏi thói nghiện tình dục là: khi bạn cảm thấy bị mãnh lực ấy cuốn hút, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng lúc đó bạn đang thiếu sức mạnh, và đang khao khát “săn bắt” một linh hồn yếu hơn để cảm thấy mình vượt trội.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn không cảm thấy gắn bó hay hấp dẫn theo quy luật tự nhiên, nhưng hãy hiểu rằng bên dưới nó, điều khiến cho bạn muốn hành động như thế là một động lực khác hẳn – Bạn đang yếu thế, cạn kiệt sức mạnh nội lực.
Hãy để cho ý thức này thấm nhập vào nội tâm bạn, để khi nào bạn muốn hành động theo thói nghiện, bạn buộc phải “chạm mặt” với thực tại của chính bạn trước.
Điều này có nghĩa là gì?
Nếu bạn đã kết hôn, hãy tự nhắc mình rằng việc hành động theo cơn khoái cảm ngẫu hứng có thể sẽ phải trả giá bằng cuộc hôn nhân đổ vỡ, hoặc đánh mất mối quan hệ. Liệu có đáng để làm như vậy không? Cơn nổi hứng đó có khi phải trả giá bằng sức khỏe của bạn, bởi bạn đâu biết “đối phương” có đang mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (như HIV/AIDS)! Vậy, có đáng để gánh chịu rủi ro này không?
Bạn đã bao giờ tự đặt vấn đề là có khi nào người mà bạn si mê lại mê đắm người khác; anh ta/cô ta có dành cho bạn nhiều tình cảm như bạn dành cho anh ta/cô ta không. Rất nhiều khả năng kết quả không chiều theo ý muốn của bạn. Bởi vì sức hấp dẫn bạn cảm nhận được từ “người ấy” là lời phản hồi từ “hệ thống dò tìm điểm yếu” bên trong bạn – có thể bạn đã sử dụng để “soi tìm” ra điểm yếu, sự “trống vắng” cần được bù lấp ở những người xung quanh bạn! Khi “hệ thống” này xác định được một người nào đó đủ yếu đuối để bạn dễ dàng gây ảnh hưởng, thao túng cảm xúc, dễ bị bạn thuyết phục, quyến rũ, nó sẽ kích hoạt bên trong bạn cái trải nghiệm khoái cảm. Song, bạn có tăng thêm nam tính/nữ tính (một dạng sức mạnh ngoại hiện) của mình bằng cách khai thác điểm yếu của họ không? Làm vậy có giúp bạn đạt được những gì bạn mong muốn?
Hãy tỉnh táo nhận ra cả bạn và “người ấy” đã đồng tình quan hệ với nhau theo phương cách vốn không làm nảy sinh tình cảm. Bởi vì không gì có thể “qua mặt” nổi trái tim, chính tình cảm sẽ cho bạn biết người kia có mặn nồng, chân thành với bạn không, và bạn có thật lòng với người ấy không. Chinh phục được xác thân nhưng lại vô cảm, vô hồn là điều đáng để ta suy ngẫm.
Nếu xem xét kỹ động lực hành động của bạn, bạn thấy rằng khi một linh hồn cố gắng “săn bắt” một linh hồn yếu hơn, thực chất cả hai đều yếu đuối. Vậy ai “săn bắt” ai? Nhân cách năm giác quan (cái bản ngã/cái tôi chỉ tin tưởng vào những gì “mắt thấy, tai nghe”) không thể nắm bắt được điều này, nhưng trái tim (cảm nhận) lại biết rõ. Liệu hai “thùng rỗng” có thể bổ khuyết, đong đầy cho nhau được không?
Hãy đi vào tìm hiểu nỗi sợ hãi của bạn, cảm giác thèm muốn được chè chén say sưa, hay lòng khao khát đắm mình trong niềm hoan lạc của bạn. Hãy tự mình ngẫm lại một cách nghiêm túc về những lần bạn tưởng là mình đã đạt được nhiều thứ từ thói nghiện, và đối mặt với những thứ bạn đã đạt được xem sao.
Nhớ rằng chính bạn tạo ra trải nghiệm cho mình. Nỗi sợ hãi của bạn bắt nguồn từ nhận thức rằng phần nào đó trong bạn đang tạo ra cái thực tại theo ý muốn của nó, bất chấp bạn có đồng tình hay không; và nỗi sợ cũng khởi nguồn từ cảm giác rằng bạn bất lực trong việc ngăn cản nó. Nhưng thật ra không phải vậy! Thói nghiện của bạn không mạnh hơn bạn. Nó không mạnh mẽ bằng mục đích cao cả của bạn – tiến hóa. Dẫu nó mãnh liệt đấy, nhưng nó chỉ chiến thắng nếu bạn buông xuôi. Cũng như bất kỳ điểm yếu nào khác, thói nghiện ngập không mạnh mẽ hơn linh hồn, hay sức mạnh của ý chí. Uy lực của thói nghiện là dấu hiệu cho thấy bạn cần nỗ lực bao nhiêu để tạo sự chuyển biến và trở nên toàn vẹn.
Cứ để ý xem, mỗi khi bạn lo sợ mình sẽ bị cám dỗ và không thể cưỡng lại dục vọng đó, thật ra bạn đang tạo ra hoàn cảnh cho phép bạn hành động một cách vô trách nhiệm. Có thể nào tạo ra một bài kiểm tra mà bạn không thể vượt qua? Có chứ! Trải nghiệm mong muốn bị cám dỗ để tự kiểm tra chính mình là hành vi tạo ra cơ hội để hành động một cách vô trách nhiệm; giống như khi bạn nói: “Tôi biết dù sao tôi cũng không thể làm được việc đó”, và rồi chịu khuất phục trước thói nghiện. Tạo ra cám dỗ mạnh mẽ hơn khả năng cưỡng lại của bạn nghĩa là bạn không muốn chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Linh hồn càng khao khát chữa lành thói nghiện, cái giá phải trả để giữ thói nghiện đó càng lớn. Nếu bây giờ bạn chọn chữa lành thói nghiện, bạn sẽ thấy quyết định duy trì thói nghiện sẽ khiến bạn phải đánh đổi bằng những điều bạn ôm ấp nâng niu nhất. Ví dụ như, nếu vợ/chồng của bạn là người bạn yêu quý nhất, cuộc hôn nhân của bạn sẽ bị đem đặt lên bàn cân để so sánh với thói nghiện.
Đây không phải là hành động của một Vũ Trụ độc địa hay của một Thượng Đế hiểm ác. Đây là sự phản hồi đầy lòng trắc ẩn đối với khao khát chữa lành, và trở nên toàn vẹn. Chính Vũ Trụ đầy lòng trắc ẩn đang nói với bạn rằng: Những khiếm khuyết của bạn sâu sắc đến nỗi điều duy nhất có thể ngăn chặn được nó là cái gì đó có giá trị tương đương hoặc lớn hơn, đối lập với những khiếm khuyết ấy. Động lực này có thể được diễn đạt theo định luật thứ 2 của Newton về chuyển động: “Sự thay đổi động lượng (khối lượng, phương hướng và vận tốc) của một vật đang chuyển động cân xứng hoàn toàn với lực tác động lên vật đang chuyển động và xảy ra cùng hướng với lực tác động”(1) . Căn cứ vào độ lớn của cái giá phải trả cho thói nghiện, bạn có thể tính toán được mức độ quan trọng của việc chữa lành nó đối với linh hồn bạn, cũng như sức mạnh của ý định (từ nội tâm) để thực hiện điều đó.
(1) Định luật 2 Newton về chuyển động: Để một vật thay đổi trạng thái, từ đứng yên sang di dộng hay biến thể từ thể này sang thể khác, phải có một Lực tác động lên vật đó. Biến thiên động lượng của một vật theo thời gian tỉ lệ với tổng lực tác dụng lên vật, và có hướng là hướng của tổng lực.
Hãy nhận ra rằng điều ngăn cản bạn chuyển hướng cuộc đời có liên quan đến sự lựa chọn có trách nhiệm. Trong những khoảnh khắc sợ hãi, điều mà bạn mơ hồ chính là sức mạnh và tầm quan trọng của lựa chọn bạn đưa ra. Hãy nhận ra sức mạnh của sự lựa chọn. Bạn sẽ không phó mặc cho những khiếm tật của mình. Ý định mà sẽ trao sức mạnh cho bạn phải xuất phát từ bên trong bạn, tức là bạn thật sự có khả năng đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm và thu hút sức mạnh từ sự lựa chọn đúng đắn. Mỗi lần lựa chọn (có ý thức), bạn đang ngắt nguồn tiếp sức cho thói nghiện và củng cố thêm nội lực bản thân.
Khi bạn nhận ra những điểm yếu của mình và cảm thấy có những cấp độ lôi cuốn khó dứt bỏ, hãy tự đặt câu hỏi chất vấn bản thân, như là: “Bằng cách nuông theo sự thôi thúc bột phát ấy, bạn có khôn ngoan, sáng suốt thêm không? Nó có tiếp thêm sức mạnh thật sự cho bạn không? Nó sẽ làm cho bạn đáng yêu hơn? Nó sẽ làm cho bạn toàn vẹn, hoàn hảo hơn?”.
Hãy nhận ra những hệ quả phát sinh từ quyết định của bạn, rồi căn cứ vào đó để đưa ra chọn lựa đúng. Mỗi khi bạn cảm thấy thói nghiện tình dục, nghiện rượu, nghiện ma túy hay bất kỳ thói nghiện nào đang trỗi dậy từ bên trong, hãy nhớ lời này: Bạn đang đứng giữa hai thế giới – thế giới của bản thể nguyên vẹn và thế giới của bản thể khiếm khuyết của mình. Bản thể khiếm khuyết thật mạnh mẽ và thường hay cám dỗ, mê hoặc bạn bởi vì nó không có trách nhiệm, không biết yêu thương và cũng vô kỷ luật, cho nên nó cứ mời gọi bạn. Phần kia trong bạn thì nguyên vẹn, có trách nhiệm hơn, biết quan tâm hơn và tràn đầy sức mạnh, nó đòi hỏi bạn phải sống tự chủ, có ý thức – noi theo con đường của một linh hồn được khai sáng. Vâng, hãy sống tự chủ và có ý thức. Trong khi bản thể khiếm khuyết mặc nhiên lựa chọn hành động vô thức. Nó không ngừng cám dỗ bạn.
Điều gì chi phối quyết định lựa chọn của bạn?
Nếu bạn quyết định trở nên toàn vẹn, hoàn hảo, hãy kiên định với suy nghĩ ấy. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ bị cám dỗ hay bị đe dọa đến khiếp sợ. Luôn vững tâm và nhắc nhở bản thân rằng: Bạn đang đứng giữa bản thể nguyên vẹn và bản thể khiếm khuyết của mình. Hãy lựa chọn bằng sự khôn ngoan, sáng suốt của bạn, bởi lúc này sức mạnh hoàn toàn đang nằm trong tay bạn. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của ý thức. Khi bạn sống với những lựa chọn có ý thức trong từng khoảnh khắc cuộc sống, bạn sẽ căng đầy uy lực, rồi cái bản thể khiếm khuyết kia sẽ bị phân rã.
Vì bạn lựa chọn con đường củng cố nguồn nội lực đích thực cho bản thân, cho nên phần cái tôi vô trách nhiệm, vô kỷ luật và cơn cám dỗ sẽ liên tục trỗi dậy. Mỗi lần thách thức chúng, bạn càng chiếm ưu thế, còn chúng thì suy giảm uy lực. Như khi bạn thách thức thói nghiện rượu của mình, mỗi ngày bạn sẽ bị “thần lưu ly” lôi kéo, rủ rê đến chục lần, nhưng hãy kiên nhẫn thách thức năng lượng đầy nghiện ngập đó.
Nếu bạn xem mỗi lần cơn ham muốn bộc phát như là một bước giật lùi, một lần thất bại, hoặc như một hàm ý cho rằng ý định của bạn không có sức ảnh hưởng, tức là bạn đang chọn con đường học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ.Tuy nhiên, khi bạn nhìn nhận chúng như là cơ hội để loại bỏ những khiếm khuyết trong bạn, và đoạt được sức mạnh nhờ chinh phục chúng, nghĩa là bạn đang chọn con đường học hỏi thông qua sự thông tuệ.
Sau vài lần đầu thách thức thói nghiện của mình, có thể bạn cảm thấy mình chưa thành công. Bạn nghĩ: “Lẽ nào có thể đạt được sức mạnh nội tại dễ dàng đến vậy?”. Nhưng nếu bạn giữ vững ý định “phải thay đổi”, và quyết tâm trở nên toàn vẹn, bạn đang dần tích lũy sức mạnh, còn thói nghiện tưởng chừng không thể bị khuất phục sẽ mất dần uy lực.
Khi bạn thách thức thói nghiện và lựa chọn trở nên toàn vẹn, bạn đang tự đưa mình trùng khớp với nguồn trợ giúp phi vật chất. Nguồn trợ giúp luôn “có mặt”, nhưng chính bạn phải thực hiện công việc này. “Họ” đến với bạn theo nhiều cách thức, thông qua: những ý nghĩ tiếp sức mạnh, những ký ức gợi nhắc, những tình huống thuận lợi bất ngờ xuất hiện,… Vì vậy, đừng cam chịu một mình. Bạn không hề cô độc đâu!
Bạn đang chữa lành nội tâm. Đây là một công việc phức tạp. Song, đừng nghĩ là bạn phải độc hành. Cả nhân loại đều đang hướng tới sự toàn vẹn – có ý thức hoặc vô thức.
Bởi vì bạn đã nỗ lực hết sức mình nên hãy trân trọng những gì bạn đã làm được. Đừng chăm chắm nhìn vào cái khoảng cách xa hun hút trước mắt để rồi ngao ngán. Hãy ngợi khen bản thân vì những điều bạn đã làm được cho đến bây giờ. Làm vậy không có nghĩa là bạn có nguy cơ sa vào một hình thức nghiện ngập khác – thói tự mãn! Chỉ là bạn cho phép mình nghỉ ngơi khi cần, nhận ra khi nào bạn cảm thấy kiệt quệ, đuối sức, và hãy lưu ý ngay cả những con người lỗi lạc nhất cũng có lúc mệt mỏi.
Hiểu biết những động lực nằm đằng sau thói nghiện là một chuyện, nhưng thật sự ngưng dung dưỡng cho nó lại là chuyện khác. Thói nghiện của bạn không phải là không khắc phục được. Nó không có tính áp đảo tuyệt đối. Nếu nó tiếp tục trấn áp bạn, đó là do bạn không nhận thấy mình có khả năng phóng thích dòng năng lượng nghiện ngập, ngay cả khi bạn hiểu lý do tại sao bạn bị kéo hút về phía nó. Nếu thói nghiện vẫn tồn tại dai dẳng, hãy tự hỏi xem bạn có thật sự muốn tống khứ nó đi hay không – trừ khi trái tim bạn không muốn điều đó!
Chừng nào bạn chưa lấp đầy cho những khiếm khuyết trong nội tâm, chừng đó bạn vẫn còn nghiện ngập. Để loại bỏ thói nghiện, bạn cần đi sâu vào tìm hiểu những khiếm khuyết này, và đưa chúng ra ánh sáng ý thức để được chữa lành. Cần thiết phải nhìn sâu vào những phần (trong bạn) có sức mạnh áp đảo đối với bạn; xem chúng đã ăn sâu vào nội tâm bạn đến mức nào; và thấy rõ chân tướng của chúng đến mức có thể. Đôi khi thói nghiện mang đến cho bạn khoảnh khắc sung sướng nào đó. Nhưng điều gì quan trọng hơn đối với bạn – sự toàn vẹn, hoàn hảo; sự thanh thản, tự do; hay cảm giác “phiêu bồng” nhất thời do nuông chiều thói nghiện?
Khi bạn hiểu thói nghiện là kết quả của một khiếm khuyết nào đó trong nội tâm, bạn sẽ làm gì? Lấy một chai rượu khác, tìm đến một bạn tình mới, hay hướng vào nội tâm nhằm tìm kiếm những nguồn lực sẵn có để lấp đầy khiếm khuyết? Hãy tìm hiểu xem thói nghiện của bạn mạnh đến cỡ nào, nó hấp dẫn đến đâu, và thời điểm này có thật sự thích hợp để từ bỏ hình thức học hỏi này hay không. Hãy tự hỏi và trả lời. Người dẫn dắt và Người Thầy phi vật chất cũng sẽ trợ giúp bạn, mở ra cho bạn một hướng đi sáng suốt hơn. Song, cũng trong khoảnh khắc đó, hãy nhận ra bạn đã sẵn sàng bước đi trên con đường ấy chưa. Có thể đây không phải là thời điểm thích hợp, hoặc bạn chưa đủ mạnh mẽ để sống theo cách “mới” này.
Cuối cùng, thể nào rồi bạn cũng sẽ đi trên con đường ý thức cao hơn, nhưng rất nhiều khả năng bạn vẫn có ý muốn trì hoãn cuộc hành trình đó thêm một ngày, một tuần, hay bảy kiếp đời nữa. Sự thông thái cho bạn biết rốt cuộc bạn sẽ chọn con đường ý thức. Vậy cớ chi phải chờ đợi? Hiểu biết sáng suốt là vậy, cố nhiên có những phần (trong bạn) còn đương “sửa soạn” cho cuộc hành trình. Cho nên đừng cảm thấy xấu hổ nếu chưa thể quyết định hành động ngay!
Vũ Trụ không phán xét một ai. Cuối cùng, thể nào bạn cũng sẽ đạt được nguồn sức mạnh đích thực – sức mạnh của lòng vị tha, tính khiêm nhường, sự sáng suốt và tình yêu thương. Bạn sẽ tiến hóa vượt lên khỏi trải nghiệm loài người (trải nghiệm của phần nhân cách/cái tôi/bản ngã), vượt lên khỏi Ngôi Trường Trái Đất, vượt lên khỏi môi trường học hỏi, cái cõi không gian - thời gian - vật chất này. Bạn không thể đứng ngoài dòng chảy này. Vạn vật trong Vũ Trụ đều tuân theo quy luật tiến hóa. Vấn đề là bạn sẽ chọn cách tiến hóa nào – học hỏi thông qua sự thông tuệ hay học hỏi thông qua nỗi sợ hãi, nghi ngờ! Đây luôn là lựa chọn của bạn và luôn có sự thông thái, sáng suốt trong từng lựa chọn.
Khi bạn trở về cội, khi bạn rời bỏ bản ngã và thân xác của mình, bạn sẽ bỏ lại đằng sau những khiếm khuyết, nỗi sợ hãi, sự giận dữ và ghen tị. Chúng không thể tồn tại trong lãnh địa của linh hồn. Chúng là những trải nghiệm của bản ngã, cái phần thuộc về cõi không gian - thời gian - vật chất. Bạn sẽ trở nên toàn vẹn, quay về với bản chất thật sự của bạn – bản thể tâm linh. Bạn sẽ lại tắm mình trong suối nguồn yêu thương thật sự và thấu hiểu những trải nghiệm cuộc đời, kể cả những trải nghiệm quá nghiệt ngã. Bạn hiểu chúng phục vụ cho mục đích gì. Bạn nghiệm lại những gì mình đã học hỏi được, và mang chúng vào lần tái sinh kế tiếp.
Nếu tiếp tục nuông chiều thói nghiện, tức là bạn đồng ý trải nghiệm “quả” Nghiệp xấu. Bạn chọn hướng sáng tạo thiếu lòng trắc ẩn. Bạn chọn cách học hỏi thông qua những trải nghiệm do ý định vô thức của bạn tạo ra. Bạn chọn học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ, bởi vì bạn sợ thói nghiện của bạn và bạn nghi ngờ sức mạnh bản thân nên không thể thách thức mãnh lực của thói nghiện.
Nếu bạn dám thách thức thói nghiện nhằm đưa ý thức hướng đến sự toàn vẹn, bạn đang chọn cách học hỏi thông qua sự thông tuệ. Bạn ý thức tạo ra trải nghiệm sống cho mình, làm cho nhận thức và năng lượng của bản ngã trở nên đồng điệu với năng lượng của linh hồn. Từ đây, bạn sáng tạo nên một thực tại vật chất theo “bản thiết kế” của linh hồn. Bạn để cho năng lượng linh hồn đi thẳng vào “cỗ xe” cơ thể và bản ngã mà không còn bị cản trở bởi những lớp “tường rào” giả tạm do bản ngã dựng lên nhằm che đậy những khiếm khuyết và phô trương uy lực, thanh thế. Bạn để cho Chân lý Thiêng Liêng định hình nên thế giới của bạn.
Khi bạn chiến đấu với một thói nghiện, bạn đang trực tiếp chữa lành cho linh hồn, trực tiếp giải quyết những vấn đề rắc rối nảy sinh trong cuộc đời bạn. Khi bạn giáp mặt với cuộc chiến diễn ra trong nội tâm, bạn đang đưa mình hướng tới mục tiêu cao nhất. Khi bạn trao ánh sáng, chữa lành và phóng thích những dòng năng lượng tiêu cực lẩn khuất sâu trong bản thân, bạn mở đường cho năng lượng linh hồn trực tiếp đi vào và định hình những trải nghiệm, những sự kiện diễn ra trong thực tại vật chất. Qua đó, bạn hoàn tất nhiệm vụ của linh hồn trên Trái Đất.
Đây là sứ mệnh của linh hồn.
Đây là cách thức giúp cho linh hồn tiến hóa.