C
ó những động lực cho sự phát triển nội tâm chỉ diễn ra khi có lòng tận hiến. Không có lòng tận hiến, bạn không thể học được cách quan tâm đến người khác ngoài bản thân. Bạn không thể học được cách trân trọng sự phát triển sức mạnh và sự sáng suốt của linh hồn khác, ngay cả khi điều đó đe dọa những ham muốn của bản ngã. Khi bạn loại bỏ những ham muốn của bản ngã để hỗ trợ, động viên cho sự phát triển của người khác, bạn đang tự làm cho mình hòa hợp với linh hồn của người đó. Không có lòng tận hiến, bạn không thể nhìn người khác với ý thức linh hồn – ý thức họ là những thực thể Ánh Sáng mang vẻ đẹp của sự thiện lành và mạnh mẽ.
Nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” (mối quan hệ giữa những người có cùng mục đích phát triển nội tâm) đang manh nha xuất hiện. Nguyên mẫu này khác với nguyên mẫu “hôn nhân” (vốn chỉ hỗ trợ cho sự sinh tồn về thể lý), đôi bên đến với nhau không nhất thiết phải là ngang bằng với nhau. Theo hình mẫu hôn nhân thông thường, khi các cá nhân bắt đầu thiết lập mối quan hệ vợ - chồng, khả năng duy trì sự sống còn tự nhiên của từng cá nhân được tăng lên. Họ có khả năng tìm ra lửa, chỗ ở, lương thực, nước uống, sự phòng vệ tốt hơn, thuận lợi hơn từng cá nhân riêng lẻ. Nguyên mẫu “hôn nhân” phản ánh nhận thức xem uy lực là ngoại hiện.
Trong khi đó, nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” phản ánh cuộc hành trình có ý thức của con người đa giác quan hướng về sức mạnh nội tại. Đôi bạn tâm linh nhận ra sự tồn tại của linh hồn, và nỗ lực đưa linh hồn tiến hóa xa hơn. Họ nhận ra những động lực phi vật chất (học hỏi, chữa lành, tiến hóa…) vận hành bên trong thế giới thời gian - vật chất. Họ nhìn thấy vật chất/vấn đề/sự kiện là cấp độ biểu hiện “dày đặc nhất”, “nặng nhất” của nguồn Ánh Sáng từ linh hồn – linh hồn truyền nguồn năng lượng vào “công cụ” bản ngã và cơ thể, định hình nên thực tại cuộc sống. Họ cùng nhau tạo ra những trải nghiệm sống cho mình trong một Trái Đất sống động, yêu thương sự sống quá đỗi, và trong một Vũ Trụ đầy lòng trắc ẩn.
Các cộng đồng, các quốc gia và các nền văn hóa được xây dựng dựa trên hệ giá trị và nhận thức của nhân cách năm giác quan. Hệ giá trị này được phản ánh theo nguyên mẫu “hôn nhân”. “Chúng” được tạo ra nhằm phục vụ cho sự sống còn tự nhiên của loài người. “Chúng” cũng phản ánh những quyết định học hỏi thông qua sợ hãi và nghi ngờ.
Cả thế giới được xây dựng dựa trên năng lượng của cái nhân cách năm giác quan lựa chọn học hỏi thông qua sợ hãi và nghi ngờ (quốc gia này sợ quốc gia kia, chủng tộc này lo ngại chủng tộc nọ, các giới tính e dè lẫn nhau,…). Việc khám phá thực tại vật chất đáng lẽ ra đã được hoàn tất, nếu chúng ta biết hợp tác với Trái Đất và trân trọng Trái Đất. Thay vào đó ta lại chọn cách khám phá Trái Đất với tinh thần thống trị và vơ vét, bòn rút triệt để. Đây là con đường học hỏi thông qua sợ hãi và nghi ngờ – sợ/choáng ngợp trước sự bao la, rộng lớn của thế giới nên ra sức chinh phục nó và nghi ngờ rằng liệu chúng ta có thể sống hòa hợp với tự nhiên được hay không.
Thế giới chúng ta hiện đang sống phản ánh dạng thức tư duy dựa trên nền tảng cho rằng: Không tồn tại cuộc sống sau khi chết; và trong kiếp đời này, điều duy nhất bảo đảm chắc chắn cho uy lực là những thứ chúng ta có thể có và chiếm đoạt được. Đôi khi nhiều người cũng nhắc đến cuộc đời sau này (kiếp sau), nhưng họ không thật sự tin rằng sau khi ra đi, họ vẫn còn chịu trách nhiệm cho những lựa chọn mà mình đã thực hiện khi còn sinh thời; nếu không thì con người đã có những lựa chọn rất khác.
Loài người không còn khiêm nhường nữa, và cũng chẳng có lòng sùng kính. Chúng ta cao ngạo và tự đắc với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình. Chúng ta mơ màng trong ảo tưởng rằng mình đang nắm quyền kiểm soát, thành thử biết bao hỗn loạn đã bùng phát; song ta vẫn từ chối thừa nhận rằng ta không thể kiểm soát được ai. Con người chỉ biết bòn rút Trái Đất (chặt phá rừng, tàn phá biển cả, hủy hoại bầu khí quyển,…) và chiếm đoạt từ nhau (bắt người khác làm nô lệ, tra tấn, bạo hành, lăng mạ, giết chóc,…).
Khi nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” – những người đến với nhau với ý thức bình đẳng và vì mục đích phát triển tâm linh – mở rộng phạm vi ứng dụng đến cấp độ cộng đồng, nó tạo ra hệ giá trị và nhận thức ở cấp độ đó, chúng phản ánh hệ giá trị và nhận thức của nhân cách đa giác quan. Tương tự như đôi bạn đời tâm linh chọn cách thể hiện mối ràng buộc giữa họ thông qua quy ước hôn nhân; thêm vào đó, họ đưa năng lượng của quan hệ hợp tác tâm linh vào nguyên mẫu “hôn nhân”, từ đó tạo nên hệ giá trị và hành vi mới trong hôn nhân. Những ai tham gia vào quan hệ hợp tác tâm linh (hỗ trợ nhau phát triển nội tâm) ở cấp độ tập thể (tổ chức, thành phố, quốc gia, chủng tộc và giới tính) cũng sẽ truyền tải năng lượng của quan hệ hợp tác tâm linh vào ý thức tập thể (theo cấp độ họ tham gia), và tạo ra hệ giá trị, mẫu hành vi mới ở những cấp độ này.
Tiến trình tiến hóa diễn ra ở cấp độ cá nhân cũng có ảnh hưởng đến tập thể. Khi một cá nhân mong muốn tìm được “người tri kỷ” để cùng hỗ trợ nhau phát triển bản thân, thế là năng lượng của nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” được khơi dậy. Không chỉ mối quan hệ với cá nhân khác bị ảnh hưởng, mà cả cộng đồng, quốc gia và “ngôi làng toàn cầu” cũng bị ảnh hưởng theo. Quyết định tiến hóa thông qua lựa chọn có trách nhiệm của bạn không chỉ thúc đẩy sự tiến hóa của chính bạn, mà còn đóng góp cho sự tiến hóa của cả tập thể có bạn tham gia (tổ chức, thể chế,…).
Nếu bạn ao ước thế giới này ngập tràn tình yêu thương và lòng trắc ẩn, chính bạn hãy biết yêu thương và thể hiện sự thương cảm, trắc ẩn cho nhau. Nếu bạn ao ước nỗi sợ không còn tồn tại trên thế giới nữa, tự bạn hãy loại bỏ nỗi sợ hãi ra khỏi chính mình. Đây là những “món quà” bạn có thể trao tặng. Nỗi sợ của cả quốc gia là biểu hiện ở tầm vĩ mô, phản ánh nỗi sợ của người dân sống trong quốc gia ấy. Kiểu nhận thức xem uy lực là ngoại hiện – yếu tố gây chia rẽ các quốc gia – cũng là kiểu nhận thức của mỗi cá nhân. Tình yêu thương, sự rõ ràng, sáng suốt, lòng trắc ẩn trỗi dậy ở những ai ý thức lựa chọn làm cho bản ngã đồng điệu, trùng khớp với linh hồn cũng chính là tình yêu thương, sự rõ ràng, sáng suốt, lòng trắc ẩn vốn đem lại sự hòa hợp lẫn nhau giữa những giới tính, chủng tộc, quốc gia và láng giềng. Mặc dù từng con người chịu trách nhiệm cho chất lượng trải nghiệm sống của mình, nhưng chất lượng sống cá nhân cũng ảnh hưởng đến cả thế giới vĩ mô.
Chẳng hạn, mối đe dọa hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân là một ý tưởng mang tầm vĩ mô; song, để ý tưởng có sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn và nghiêm trọng này biến mất đòi hỏi phải có sự tiến hóa hoàn chỉnh của cấp độ vi mô, tức là từ mỗi cá nhân chúng ta. Vì vậy, chừng nào những người cố công thiết lập sự hòa hợp ở cấp độ quốc gia mà bản thân họ còn mang nỗi oán giận và có hành vi hung bạo nhằm tìm kiếm giải pháp hàn gắn giữa các quốc gia với nhau, thì chừng đó sự hòa hợp họ đang tìm cách tạo ra ở cấp độ vĩ mô sẽ không thể trở thành hiện thực. Những gì tồn tại trong ý thức một người có thể tồn tại trong ý thức tập thể, do đó mỗi linh hồn phải chịu trách nhiệm cho toàn thể thế giới.
Khi bạn cam kết duy trì mối quan hệ hợp tác tâm linh với một người khác, bạn đưa năng lượng của nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” vào thực tế cuộc sống. Bạn bắt đầu định hình và sống theo những giá trị, nhận thức và hành vi phản ánh sự bình đẳng với người bạn tâm giao của bạn – thể hiện sự cam kết phát triển tâm linh của nhau. Bạn bắt đầu gạt qua một bên những ham muốn của cái tôi để hỗ trợ cho những nhu cầu phát triển tâm linh của người bạn tâm giao, và qua đó, bạn cũng phát triển chính mình. Đó là cách vận hành của mối quan hệ hợp tác tâm linh.
Bạn bắt đầu nhận ra những gì cần thiết cho sự chữa lành mối quan hệ cũng chính là điều cần thiết cho sự phát triển tâm linh của bản thân; người này đang nắm giữ “những mảnh ghép” mà người kia thiếu. Ví dụ như, khi lòng ghen tị trong bạn nổi lên, bạn sẽ thấy rằng cảm xúc ấy chính là một khía cạnh cần được chữa lành ở người bạn tâm giao, và nó được phản chiếu qua bạn. Với cách hiểu này, bạn bắt đầu trân trọng những đóng góp của họ cho sự phát triển nội tâm mình. Bạn cảm thấy những nhận thức và quan sát của người kia thật là hữu ích và vô cùng quan trọng cho sự phát triển bản thân bạn. Những cuộc chuyện trò, chia sẻ với nhau là cách đi sâu vào nội tâm và nhận thấy rõ những điều cần được chữa lành.
Một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng đó là hiểu được vai trò của tình yêu thương, sự tận hiến và lòng tin cậy trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, mang tính xây dựng. Chỉ mỗi tình yêu thương thôi vẫn chưa đủ. Không có lòng tin cậy, bạn không thể cho đi và nhận lại tình yêu thương mà cả hai người dành cho nhau. Bên cạnh đó, sự tận hiến phải được thể hiện một cách sinh động, thực tế bằng việc đáp ứng nhu cầu của cả hai người. Có như vậy bạn mới biết trân trọng những nhu cầu của người kia, giống như cách bạn xem trọng những nhu cầu của chính mình; bởi vì để có mối quan hệ hợp tác tâm linh tốt đẹp, cả hai phải khỏe mạnh về thể chất và an toàn, vững chãi từ nội tâm.
Chúng ta không chỉ học cách tin cậy lẫn nhau, mà còn tin tưởng vào khả năng cùng nhau phát triển bản thân. Đến với nhau, đừng vội tưởng mọi thứ xung quanh đều hoàn mỹ. Mối quan hệ càng rơi vào tầm hiểm nguy khi bạn càng tránh né những điều bạn sợ sẽ hủy hoại nó. Quả thật không dễ dàng bộc lộ những điều thầm kín trong lòng bạn, nhất là những điều khiến cho bạn tổn thương, sợ hãi, giận dữ, đau đớn hoặc bất an. Cùng là những cảm xúc tiêu cực này, song cách bộc lộ khác nhau sẽ dẫn đến kết quả hoàn toàn khác. Nếu không chú ý, những lời nói tuôn trào từ trạng thái cảm xúc tiêu cực (với thái độ xem mình là “nạn nhân”) có thể gây đổ vỡ quan hệ. Trái lại, với cách giãi bày tâm tư, nỗi lòng một cách chân thành, xây dựng, nó lại có tác dụng hàn gắn, chữa lành, và đôi bên sẽ hiểu nhau hơn. Chia sẻ mối quan tâm, ý định chữa lành và tin tưởng vào lựa chọn này là cách thức thích hợp nhất. Khi bạn tiếp cận những nhu cầu của mình bằng lòng can đảm thay vì bằng nỗi sợ hãi, bạn đang nhóm lên cảm giác tin cậy. Con người trong dạng thức hoàn chỉnh nhất thì không có bí mật. Họ chẳng che giấu điều gì, chỉ sống với tình yêu thương thuần khiết.
Hãy học cách tránh làm những điều ngớ ngẩn và bất cẩn cho nhau. Tất nhiên, chỉ muốn đơn thuần thôi thì chưa đủ, mà cả hai người phải có mong muốn thiết tha và hành động thiết thực để vun đắp cho mối quan hệ tốt dần lên từng ngày. Khi ý thức của mỗi người rõ ràng hơn, mối quan hệ sẽ trở nên phong phú hơn.
“Đặt mình vào hoàn cảnh/tâm trạng của người khác” là một bài học lớn có giá trị muôn đời. Chẳng hạn, bằng cách đặt mình vào nỗi sợ hãi của người kia, sau đó lại trở về với chính mình, bạn không còn xem điểm yếu này là của riêng ai nữa, nó đã trở thành điều cần được chữa lành của cả hai. “Đi vào đôi giày của người khác” giúp cho hai người xem nhau như những người bạn tâm giao cùng giải quyết những phần đòi hỏi được chữa lành trong từng người. Ngay cả trong những khoảnh khắc gay go nhất của quá trình xử lý cảm giác bất an, bạn vẫn có thể giữ lòng thanh thản, nhẹ nhàng và tự nhắc nhở rằng bạn là linh hồn đang có những trải nghiệm “hỷ - nộ - ái - ố” của cuộc sống đời thường, sức mạnh nội tâm của bạn còn lớn hơn nhiều so với cái điểm yếu có vẻ như đang giữ thế vượt trội kia.
Với tinh thần hòa hợp về tâm linh, những điều mà cá nhân này cần học hỏi ở cá nhân khác cũng là những điều mà nhóm, cộng đồng và quốc gia này cần học hỏi ở những nhóm, những cộng đồng và những quốc gia khác. Lựa chọn chúng ta đưa ra trong mỗi khoảnh khắc cuộc sống chỉ xoay quanh vấn đề lựa chọn giữa học hỏi thông qua sợ hãi và nghi ngờ hay học hỏi thông qua sự thông tuệ; lựa chọn giữa dòng năng lượng tần số thấp của bản ngã hay dòng năng lượng tần số cao của linh hồn. Nếu cơn giận của người này trút lên người khác gây nên sự chia rẽ, làm tan vỡ tình thân và dẫn đến hành vi co cụm, phòng thủ, thì cơn giận của các cộng đồng/quốc gia/tôn giáo/giới tính dành cho nhau cũng gây ra những hệ quả tương tự. Nhưng khi người này quan tâm đến người kia làm nảy sinh tình thân ái, gần gũi, tôn trọng lẫn nhau, mối quan tâm mà các quốc gia/tôn giáo/giới tính dành cho nhau cũng dẫn đến những kết quả tốt đẹp như vậy.
Bạn có liên quan đến mọi dạng thức sống tồn tại trên hành tinh này. Hơn thế nữa, khi linh hồn bạn tiến hóa, bạn sẽ nhận biết rõ hơn về bản chất của mối quan hệ đó, cũng như những trọng trách của bạn.
Mỗi người chúng ta đạt đến một cấp độ ý thức linh hồn – ý thức về phần mạnh mẽ, phần thiện lành, đẹp đẽ – nhất định. Trên bước đường tiến đến sự toàn vẹn, tinh thần trách nhiệm của mỗi linh hồn được nâng cao đến đâu cũng đều ảnh hưởng đến sự tiến hóa chung của tinh thần trách nhiệm. Nói cách khác, khi một linh hồn mong muốn thấm nhuần bài học “trách nhiệm”, linh hồn ấy sẽ tái sinh vào “nơi” (atmosphere) có sức ảnh hưởng quan trọng đối với cả loài người. Bản ngã cũng buộc phải trở nên đồng thuận với những gì linh hồn đã lựa chọn. Nếu bạn không sẵn sàng, bạn sẽ không được đặt vào vị trí có sức ảnh hưởng đến nhiều người, và sẽ không được bảo vệ cẩn thận – theo quy luật “Gieo gì, gặt nấy”.
Chẳng hạn, một linh hồn còn mới toanh đối với trải nghiệm sống của loài người xuất hiện, nghĩa là linh hồn này vừa mới tiến hóa từ giới động vật lên và đang bắt đầu hành trình tiến hóa của loài người, mặc dù vào thời điểm ngày nay có rất ít linh hồn như vậy. Ban đầu, linh hồn này tồn tại trong một biên độ tần số nhất định. Để bảo vệ chính mình, linh hồn tái sinh vào phạm vi hữu hạn của đời người. Có thể linh hồn chọn tái sinh vào một vùng quê xa xôi để tận hưởng cuộc sống an nhàn, thoải mái nhằm từng bước làm quen với trải nghiệm làm người. Khi linh hồn “mới” dần thích nghi với hệ thống cảm quan của loài người, với trí thông minh của loài người, với mối liên kết năng lượng giữa linh hồn và cơ thể(1) , cùng những gì được mong chờ khi tái sinh làm người, thì linh hồn có khả năng tái sinh vào những “nơi” tương ứng với tinh thần trách nhiệm của linh hồn. “Nơi” đang được đề cập đến không phải là phạm vi một thành phố hay khuôn khổ một trường đại học; theo luật Nhân - Quả, linh hồn có trách nhiệm hay tầm ảnh hưởng lớn đến đâu, linh hồn sẽ được tái sinh vào nơi phù hợp nhất.
(1) Tác giả sẽ đề cập rõ hơn ở chương 15 – Sức mạnh nội tâm, phần 4 – Uy lực thật sự.
Nói cách khác, với người đang sống ở một vùng xa xôi hẻo lánh, nơi không có nhiều cám dỗ của cuộc đời và sự phân biệt giữa thiện - ác còn tương đối rõ ràng, anh ta sẽ không có cùng “bối cảnh tồn tại” giống như linh hồn đã chọn tái sinh trở thành người có phạm vi ảnh hưởng lớn trong một gia đình/cộng đồng/quốc gia. “Bối cảnh tồn tại” của một linh hồn liên quan đến mức độ ảnh hưởng (về năng lượng và hành động) của linh hồn ấy. Linh hồn cần được tiến hóa cao hơn để xử lý những khả năng có thể xảy ra do sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Đây là ý nghĩa của sự tiến hóa của tinh thần trách nhiệm.
Khi linh hồn chọn tham gia vào những cấp độ tương tác rộng lớn hơn (như cộng đồng, quốc gia,…), linh hồn không chỉ chuyển hóa cho riêng bản thân mình, mà còn đảm trách chuyển hóa cả tập thể có mình tham gia. Giả sử, hãy hình dung ý thức của bạn giống như ánh sáng vật chất đang tỏa chiếu. Phần sáng hơn, rực rỡ hơn tỏa sáng ở phạm vi rộng hơn, trong khi phần mờ hơn chỉ tỏa chiếu trong một phạm vi hẹp. Phạm vi mà ánh sáng ý thức của bạn chiếu tới là tầm ảnh hưởng từ hành động của bạn. Nếu bạn là một nguồn sáng chủ đạo, bạn soi sáng khắp toàn cầu. Còn nếu như bạn đang tiến triển thành một nguồn sáng chủ đạo – ánh sáng yếu hơn – thì bạn chiếu sáng trong một phạm vi khác, tương ứng với trách nhiệm hành động của bạn; tuy nhiên, tiềm năng chuyển đổi chất lượng ý thức của bạn và chất lượng ý thức của người khác là cực kỳ to lớn.
Có rất nhiều cơ hội để linh hồn lựa chọn phát triển tâm linh cho mình. Nếu lựa chọn tiến lên bằng niềm tin, lòng can đảm, và bằng những cảm nhận đúng đắn về bản chất con người, linh hồn có thể vươn tới tầm nhận thức rộng mở hơn, có khả năng ảnh hưởng và trọng trách lớn hơn.
Mỗi linh hồn cá nhân là một ý thức vi mô, có ảnh hưởng đến ý thức vĩ mô tùy theo chất lượng Ánh Sáng và tần số năng lượng ý thức của linh hồn. Linh hồn nào đồng ý tái sinh vào một kiếp đời với tiềm năng ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của nhiều linh hồn khác, “họ” trở thành linh hồn vĩ đại(2) . “Họ” có sức mạnh cực kỳ to lớn. Thật vậy, khả năng truyền cảm hứng đến cuộc đời hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người, của “họ” là rất thật. Cho nên nếu thất bại trong nhiệm vụ nâng cao nhân tính loài người, nợ Nghiệp “họ” phải gánh chịu cũng rất thật và không đếm xuể. “Họ” sẽ chịu trách nhiệm đối với hàng tỷ linh hồn phụ thuộc vào mình.
(2) Great soul có nghĩa là linh hồn vĩ đại, mahatma (tiếng Phạn, maha nghĩa là vĩ đại, atma nghĩa là linh hồn) hoặc Thánh (saint, theo cách dùng của Thiên Chúa giáo).
Giống như tất cả mọi linh hồn tái sinh trên hành tinh, những linh hồn vĩ đại cũng phải đưa ra quyết định trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Khi bạn quan sát những linh hồn (trên Trái Đất) đang nắm giữ những vị trí cốt yếu, dẫn dắt cuộc đời của hàng ngàn, hay hàng triệu, hàng tỷ con người, hãy phân tách “họ” (linh hồn) với bản ngã của “họ”. Mặc dù một linh hồn có khả năng gây ảnh hưởng đến cuộc đời của hàng triệu người, hay thậm chí toàn thể nhân loại, nhưng phần bản ngã của “họ” vẫn bị cám dỗ.
Khi phần bản ngã của Chúa Jesus chạm trán với nguyên lý Lucifer (nguyên lý thách thức loài người chúng ta) như khi Ngài (phần bản ngã) bị chiêu dụ “trao cho quyền thống lãnh toàn cầu, quyền được hiện thực hóa, thỏa mãn tất cả những gì Ngài có thể nghĩ ra”, có phải Ngài đang bị cám dỗ? Vâng, Ngài bị cám dỗ. Nếu sức cám dỗ không lớn đến như vậy thì chắc hẳn đã không có chút sức mạnh nào trong sự lựa chọn của Ngài. Nếu con đường vinh quang mà Ngài đã chọn không cân xứng với một lực hấp dẫn khác tương đương, làm thế nào Ngài có thể thu hút được sức mạnh lớn đến vậy? Sự củng cố sức mạnh nội tại không thể đạt được bằng những lựa chọn không gây giằng xé, không gây căng thẳng cho người lựa chọn chúng.
Khi linh hồn lựa chọn con đường tiến hóa thông qua lựa chọn có trách nhiệm, linh hồn có khả năng tự thoát khỏi những điều tiêu cực của chính mình và vươn tới nguồn sức mạnh đích thực. Linh hồn nhận lời thách đố của những cái tiêu cực trong chính mình, những ý định vô thức của những phần bị phân mảnh của nhân cách (bản ngã). Khi một một người trở nên có ý thức, khi nhân cách năm giác quan tiến hóa thành nhân cách đa giác quan và hợp nhất được những mảnh rời rạc, tần số năng lượng ý thức của nhân cách tăng lên. Theo đó, nhân cách trở nên toàn vẹn. Những tiêu cực rơi rụng đi và “ánh sáng” ý thức trở nên sáng tỏ hơn. Con người bắt đầu nhìn vào chính mình và những người xung quanh với lòng trắc ẩn, sự rõ ràng và thông tuệ của linh hồn.
Khi linh hồn chủ động đi vào những cấp độ tương tác rộng hơn (cộng đồng, quốc gia,…), linh hồn bắt đầu tham gia trực tiếp vào sự giải thoát gia đình, cộng đồng, hay quốc gia của mình khỏi những tiêu cực đang hoành hành. Đồng thời linh hồn cũng nằm trong vòng rủi ro bị tiêm nhiễm theo những tiêu cực này. Nói cách khác, những linh hồn nào nỗ lực đưa chất lượng ý thức cao hơn vào cấp độ tương tác rộng hơn sẽ rơi vào vòng rủi ro có thể bị tiêm nhiễm nỗi sợ hãi, cơn giận dữ, hoặc sự ích kỷ đang tồn tại trong cấp độ ấy.
Chẳng hạn, những linh hồn vĩ đại – như linh hồn hóa thân qua con người Gandhi – nằm trong vòng rủi ro bị nhiễm “độc - tiêu cực” rất lớn. Linh hồn vĩ đại không chỉ đương đầu với nỗi sợ hãi của chính mình, mà còn giữ trọng trách chuyển hóa nỗi sợ hãi của cả loài người. Dù “họ” sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn hơn, nhưng “họ” cũng có khả năng giải phóng nỗi sợ hãi ra khỏi ý thức tập thể.
Ý thức của một linh hồn vĩ đại tiêu biểu cho ý thức của nhóm lớn (ý thức vĩ mô, hay ý thức tập thể; ví dụ: “ý thức tập thể - nước Mỹ”, “ý thức tập thể - nước Nga”, “ý thức tập thể - Ethiopia”,…), trong đó cũng chứa đựng các giá trị và nỗi sợ hãi, tội lỗi như nhau. Những linh hồn đã hình thành nên tập thể vẫn liên tục tương giao với tập thể của mình; trong khi linh hồn vĩ đại thì đảm đương nhiệm vụ thay đổi. Một khi linh hồn vĩ đại vượt qua nỗi sợ hãi và hành động với lòng can đảm, cả tập thể sẽ được hưởng lợi; và từng cá nhân sẽ tức khắc được truyền cảm hứng, họ trở nên can đảm hơn mặc dù có thể họ không biết bằng cách nào hoặc tại sao lại như vậy.
Không phải tất cả mọi linh hồn đều hoàn tất nhiệm vụ mình đặt ra. Đối với những cá nhân nắm giữ vị trí chủ chốt, gây ảnh hưởng đến cả hành tinh, bạn có thể thấy họ có đang thành công trong nhiệm vụ đưa nhân loại tiến lên bằng sự lựa chọn của họ hay không. Cho đến hiện giờ, vẫn có một bộ phận người lựa chọn làm cho chính mình trùng khớp với ý thức của con người (nhận thức) năm giác quan – kiểu ý thức tồn tại bấy lâu nay trong ý thức tập thể, vốn đang trong giai đoạn cáo chung. Cho nên những hệ thống/thể chế mà họ thiết lập dựa trên mẫu hình ý thức đang “hấp hối” ấy cũng đang rệu rã ngay trước mắt họ. Khi mỗi cá nhân suy đồi, bại hoại thì cả bộ máy trở nên mục ruỗng.
Những linh hồn này đại diện cho một dạng uy lực không còn hiệu quả nữa – tôn thờ sức mạnh ngoại hiện – nhưng họ đã không nhận ra điều đó. Cứ như vậy, họ thu hút về phía mình những ai có cùng kiểu ý thức và đức tin. Họ chọn sống theo kiểu mẫu “sợ hãi và ích kỷ” vốn đang lung lay, đồng thời bị hoang tưởng nặng nề. Vì vậy, họ lôi kéo về phía mình những “lực lượng đồng minh” cũng có hão vọng hủy hoại sự sống, thiết lập lại trật tự thế giới. Những tưởng hành động ấy sẽ giúp cứu vãn cho hành tinh này, nhưng nào phải như vậy!
Thông qua những quyết định của mình, những linh hồn này từ chối công nhận rằng những dạng uy lực cũ – sức mạnh ngoại hiện – sẽ không còn được chấp nhận trên Trái Đất nữa. Tuy nhiên, vì tiến trình chuyển hóa từ nhân cách (nhận thức)năm giác quan (chú trọng “sức mạnh ngoại hiện”) trở thành nhân cách (nhận thức) đa giác quan (đề cao “sức mạnh nội tại”) hiện đang diễn ra hết sức mãnh liệt, cho nên những quyết định của họ chỉ ảnh hưởng đến cách thức sự chuyển đổi đó sẽ diễn ra như thế nào thôi. Họ đã lựa chọn con đường học hỏi thông qua sợ hãi và nghi ngờ – một lối đi đầy rẫy những tổn thương, nỗi ám ảnh và đau đớn.
Sự khác nhau giữa linh hồn vĩ đại (đã trưởng thành về tâm linh, có nhận thức rộng mở và ảnh hưởng quan trọng đến tập thể; vượt thoát khỏi nỗi sợ hãi của chính mình và truyền cảm hứng cho cả tập thể) với linh hồn “bình thường” thể hiện ở chỗ: linh hồn chọn hướng mở rộng nhận thức thì dũng cảm, hiểu biết thấu suốt và thông tuệ; còn linh hồn kia luôn yếu đuối trước sức va chạm của nỗi sợ hãi tập thể. Ai cũng có quyền lựa chọn, nhưng nếu lấy “tiêu cực” đối phó “tiêu cực” (chẳng khác nào dùng “cường bạo” trấn áp “cường bạo”), thế là bản ngã “Hitler” được tạo ra. Song, khi hiểu rõ bản chất toàn vẹn, thiện lành của linh hồn hoàn toàn tách biệt với phần bản ngã (vốn đã xa rời năng lượng linh hồn) mang tên “Hitler”, linh hồn đã hóa thân thành cá nhân Hitler ấy cũng có tiềm năng cực lớn.
Những linh hồn nào đồng ý đưa tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự thông tuệ đã đạt được vào tập thể hiện đang cố gắng thách thức nỗi sợ hãi chung của tập thể. Điển hình cho nguyên mẫu linh hồn ấy là Chúa Jesus. Ngài đã trở thành biểu tượng khi Ngài giải phóng những kiểu mẫu hành động tiêu cực của vô thức tập thể vốn đã tích tụ cho đến thời của Ngài. Mỗi linh hồn vĩ đại đều có cùng kiểu mẫu hành động: thông qua sức mạnh ý thức của bản thân để chuyển hóa vô thức tập thể.
Khi một linh hồn vươn đến nguồn sức mạnh đích thực, và lựa chọn đưa sức mạnh ấy vào các cấp độ tương tác mà mình chia sẻ với những linh hồn khác (câu lạc bộ, cộng đồng,…), linh hồn đó đang đưa ý thức (của bản thân) về sức mạnh đích thực vào “bầu năng lượng tập thể”, và qua đó chuyển hóa cả ý thức tập thể.
Như vậy, việc bạn tiến hóa hướng về sức mạnh đích thực không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn. Khi tần số ý thức của bạn tăng cao, khi ý thức của bạn chứa đựng sự rõ ràng, sáng suốt, tính khiêm nhường, lòng vị tha và tình yêu thương, sóng năng lượng ý thức sẽ càng phát tỏa ra xung quanh. Khi bạn gặp phải những cám dỗ lớn hơn, khả năng đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm của bạn cũng lớn hơn. Khi linh hồn bạn tỏa sáng hơn, khi Ánh Sáng và sức mạnh của bạn gia tăng theo mỗi lựa chọn có trách nhiệm, thế giới chúng ta đang sống cũng sẽ rực rỡ hơn.