M
ỗi người đều có một linh hồn. Cuộc hành trình hướng về linh hồn đặc thù cá nhân là nét đặc trưng phân biệt loài người với giới động vật, giới thực vật và khoáng vật vô cơ. Duy chỉ loài người mới có trải nghiệm về linh hồn đặc thù cá nhân. Chính vì vậy mà sức mạnh sáng tạo của con người là cực lớn.
Tiến trình chuyển hóa của linh hồn trải qua các cấp độ nhận thức khác nhau. Tiến trình này diễn ra như sau:
Giới động vật không có linh hồn đặc thù cá nhân. Chúng chỉ có linh hồn nhóm. Mỗi con vật là một phần của linh hồn nhóm. Chẳng hạn, mỗi con ngựa là một phần của linh hồn nhóm “loài ngựa”, mỗi con mèo là một phần của linh hồn nhóm “loài mèo”, v.v. Linh hồn nhóm không giống với linh hồn đặc thù cá nhân.
Để minh họa rõ cho ý tưởng này, hãy xem xét đến linh hồn nhóm “loài trâu”. Có một linh hồn nhóm mang nguồn năng lượng vô ngã rất lớn được gọi là “loài trâu”. Linh hồn nhóm đó thực chất là một trường năng lượng vô ngã có khuynh hướng lan tỏa rất rộng, hay còn được gọi là “ý thức loài trâu”. Nó tồn tại ở một cấp độ năng lượng nào đó, hoàn toàn không mang tính cá nhân. Năng lượng đó ở trạng thái vận động không ngừng. Khi tần số của năng lượng gia tăng, nó có thể chuyển hóa lên cấp độ kế tiếp. Không hề có những linh hồn cá thể trâu ở loài trâu. Chỉ có duy nhất một hệ thống năng lượng linh hồn chung. Hành vi theo bản năng là hình thức thể hiện của dạng linh hồn nhóm.
Hãy hình dung về sự vận động này giống như dòng sông Mississippi(1) . Từ cửa sông, càng đi ngược lên thượng nguồn, lòng sông càng hẹp đi; trong khi ở hạ lưu, cửa sông lại mở rộng ra. Tương tự như vậy, linh hồn nhóm cũng có kích thước lớn và mang bản chất tập thể.
(1) Mississippi: Một con sông lớn ở Bắc Mỹ, có chiều dài 3.733 km, khởi nguồn từ hồ Itasca đến Vịnh Mexico.
Trong giới động vật, có những thang độ thể hiện mức độ thông minh và khả năng nhận thức. Chẳng hạn, linh hồn loài cá heo, loài ngựa, loài chó không có cùng bước sóng năng lượng như nhau. Ý thức (trí thông minh) của loài cá heo gần hơn với ý thức của loài linh trưởng, và kế đó mới đến loài chó, ý thức của loài ngựa ở cấp độ thấp hơn. Rất có thể linh hồn loài người được hình thành thông qua sự tiến hóa của nguồn năng lượng tập thể từ linh hồn loài vật.
Điều này diễn ra như thế nào?
Linh hồn loài cá heo tiến hóa thông qua từng cá thể cá heo. Những tiến bộ của từng cá thể làm cho linh hồn của cả loài tiến bộ theo. Tập thể cá heo được nâng tầm nhờ những thành tựu của cá thể cá heo. Cơ chế vận hành tương tự cũng diễn ra ở loài người. Với sự tiến bộ của từng con người, linh hồn nhóm của nhân loại (vô thức tập thể – collective unconsciousness) tiến hóa. Theo cách này, sự tiến hóa tiếp diễn trong phạm vi loài cá heo, cũng như trong tất cả muôn loài.
Để dễ hình dung, giả sử ý thức của linh hồn nhóm “loài chó” thấp hơn ý thức của linh hồn nhóm “loài cá heo” 20 điểm phân vị, tức là kém hơn 20 điểm về mức độ thông minh. Nếu linh hồn nhóm “loài chó” có ý thức (Ánh Sáng) cao, ý thức đó rất có khả năng tự giải phóng nó khỏi linh hồn nhóm “loài chó” và tiến vào ý thức của loài cá heo. Mặt khác, rất có thể, và cũng chắc chắn rằng linh hồn loài người xuất phát từ nguồn năng lượng cấp tiến của linh hồn loài cá heo, hoặc của linh hồn loài linh trưởng, và bắt đầu quy trình tiến hóa thành linh hồn loài người.
Không như động vật, bạn có một linh hồn đặc thù cá nhân. Bạn là một hệ thống năng lượng cá nhân, một cá thể (vi mô) thuộc về tập thể loài người (vĩ mô). Là một phần của tập thể, bạn có toàn bộ sức mạnh của vĩ mô, nhưng được “thu nhỏ” quy mô năng lượng lại cho tương thích với dạng thức vật chất (cơ thể và bản ngã). Tuy nhiên, giới động vật không giống như thế. Chẳng hạn, loài mèo không có linh hồn đặc thù cá nhân hay “cái tôi” của nó. Việc một số con mèo tỏ ra hoảng sợ, trong khi những con khác trông thật an nhàn, thư thái đơn thuần chỉ là hàng triệu tần số năng lượng khác nhau đang tác động lên linh hồn nhóm loài mèo.
Giới động vật không tiến hóa thông qua lựa chọn có trách nhiệm như loài người chúng ta. Nói vậy không có nghĩa là giới động vật không có khả năng thể hiện tình thương của riêng chúng. Như trường hợp một con vật hy sinh cuộc đời nó cho chủ nhân của nó thì sao? Đó chính là sự hy sinh vì tình yêu cuộc sống, tình yêu dành cho con người. Hành động quả cảm này giúp đưa nó lên cấp độ cao hơn, tiến đến trải nghiệm làm người.
Bản chất của linh hồn nhóm có thể được nhìn thấy qua những biểu hiện tự nhiên của loài. Chẳng hạn, bản chất của linh hồn loài cá heo được diễn đạt qua những cá thể cá heo. Điều đó cũng đúng với loài người chúng ta. Bản chất của linh hồn loài người được hiểu qua bản chất của các cá nhân.
Ngày nay, linh hồn loài cá heo đang đứng bên bờ tuyệt chủng. Chúng tự bơi vào bờ và mắc cạn. Chúng đang tạo ra những bệnh tật cho chủng loài của mình. Đây là cách chúng từ chối tiếp tục sống dựa vào Trái Đất. Chúng cảm thấy không thể hoàn thành được mục đích mà chúng sinh ra để thực hiện. Vì vậy chúng sắp sửa bỏ đi. Những cái chết của chúng không phải là những vụ tự sát, bởi vì chúng không hoảng sợ. Chúng đã quá kiệt quệ!
Linh hồn loài cá heo xuất hiện – khi cá heo được sinh ra – để mang lại tình yêu thương, sinh khí và sự sáng tạo cho đại dương. Chúng xuất hiện để bắc nhịp cầu kết nối niềm vui, tình yêu và sự thông tuệ giữa những loài thủy sinh với con người. Nhưng chúng không thể thực hiện được sứ mạng đó do loài người chúng ta chỉ tiếp cận linh hồn loài cá heo bằng bạo lực.
Linh hồn loài cá heo phải cam chịu đau đớn biết chừng nào! Đây là thời điểm buồn đau khôn cùng, là lúc phải nghiêm túc xem xét hệ giá trị và kiểu hành vi xuất phát từ nhận thức xem uy lực là sức mạnh ngoại hiện. Đã đến lúc chúng ta phải chia sẻ nỗi đau cùng linh hồn loài cá heo và trấn an chúng.
Nếu bạn muốn an ủi linh hồn loài cá heo, hãy hình dung dòng năng lượng của bạn đang lan truyền xuống dưới mặt nước sâu phẳng lặng, trong trẻo, ấm áp. Khi bạn cảm thấy mình đã hòa nhập vào thế giới đại dương, hãy bắt đầu truyền ý nghĩ của bạn tới những sinh vật anh em cùng chia sẻ “quê hương” hành tinh này với chúng ta. Tưởng tượng bạn đang gửi trao đến chúng tình yêu thương trong khi chúng vẫn tiếp tục quá trình tiến hóa của chúng và sắp sửa rời khỏi Ngôi Trường Trái Đất. Mặc dù bạn cảm thấy tiếc thương cho chúng nhưng bạn biết rằng chúng bất tử, cũng giống như bạn. Hãy truyền đi những ý nghĩ như vậy để chúng biết chúng không ra đi “lặng lẽ” mà không có sự thấu hiểu của loài người. Hãy để chúng nghe thấy lời cảm thông của bạn: “Tôi hiểu chuyện mà!”.
Bạn có thể làm điều đó được không?
Việc làm đó sẽ chuyển biến nỗi đau của loài cá heo trở thành một cuộc hành trình có giá trị.
Linh hồn đặc thù cá nhân không chỉ được hình thành bằng một cách thức duy nhất. Mắt xích của chuỗi tiến hóa bên trong “ngôi làng toàn cầu” chính là tiến trình nâng cấp từ giới này lên giới kia, nhưng nếu một linh hồn mà trước giờ chưa từng tồn tại trên hành tinh của chúng ta lại lựa chọn làm người, thì linh hồn đó không nhất thiết phải tuân thủ trình tự tiến hóa lần lượt qua các giới. Thật ra, linh hồn có thể chọn hoàn cảnh (trong môi trường tự nhiên) nào thích hợp với mình nhất.
Khi chúng ta nói về những linh hồn đi vào “cõi trần” này để chữa lành, để cân bằng năng lượng của mình, để thanh toán món nợ Nghiệp, chúng ta đang đề cập đến sự tiến hóa của Sự sống diễn ra trên Trái Đất (Ở đây, chúng ta không bàn về các thiên hà, hay những dạng sống phi vật chất khác!). Có những linh hồn chưa bao giờ có được trải nghiệm làm người. Nhưng không nhất thiết phải nếm trải qua kinh nghiệm của các loài cấp thấp hơn để “tăng bậc”. Mà nếu có thì rất đáng được hoan nghênh!
Lúc này, việc từng trải trong thế giới vật chất không còn giúp nhiều cho nhận thức của linh hồn nữa. Do vậy, linh hồn lựa chọn học hỏi trong cõi phi vật chất. Chẳng hạn, linh hồn có thể học hỏi thông qua nhiệm vụ trở thành người dẫn dắt phi vật chất. Mỗi linh hồn cá thể người là một phần (vi mô) trong tổng thể linh hồn loài người (vĩ mô); không còn tồn tại dạng linh hồn nhóm “loài người” nào lớn hơn nữa. Vượt lên trên nữa là bậc Thầy, tức là trở thành Ánh Sáng bậc cao – không còn mang đặc trưng của loài người.
Những Người Thầy phi vật chất của chúng ta “xuất thân” từ Ánh Sáng (ý thức) bậc cao. Vì vậy, thật không thích hợp khi xem “Họ” cũng là một “cá nhân” – có cái tôi riêng. Có lẽ sẽ thích hợp hơn khi xem “Họ” là những ý thức vô ngã, “xuất thân” từ “cõi” vốn không thể được diễn giải bằng ngôn ngữ của loài người. Chẳng hạn, “Họ” không có những khía cạnh nhân cách bị phân mảnh như chúng ta có; “Họ” không có những mặt khuất u tối. Vậy thì Thiên Thần có linh hồn không? Mỗi Thiên Thần tự thân đã là một linh hồn toàn vẹn.
Đó là điểm khác biệt giữa linh hồn toàn vẹn (Thiên Thần Hộ Mệnh, những Người Thầy phi vật chất) với linh hồn đang hướng đến sự toàn vẹn (con người). Tư duy nhị nguyên(2) chỉ tồn tại trong những cấp độ nhất định nào đó. Nó là một động lực học hỏi; tư duy này không tồn tại ngoài phạm vi học hỏi và phát triển. Bạn đang tồn tại trong thế giới nhị nguyên (bạn đang học hỏi, đang tiến hóa), còn những Người Thầy phi vật chất thì không.
(2) Lối tư duy phổ biến của loài người, được nhận biết tới từ thời tiền sử. Là lối tư duy nhận ra mối quan hệ tương quan lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng có tính chất đối lập như ngày - đêm, trời - đất, mặt trời - mặt trăng, nóng - lạnh, mưa - hạn, trai - gái, nắng - mưa, nước - lửa… Theo đó, các cặp có tính chất đối lập nhưng vẫn là hai mặt của một thể thống nhất, vừa dựa vào nhau, vừa khu biệt lẫn nhau và chuyển dịch đối xứng, biến đổi liên tục theo một trật tự nhất định.
Có thể nói, Trái Đất không phải là nhà của “Họ”. So với cấp độ của chúng ta, “Họ” là những Người Thầy. “Họ” tự do chỉ bảo chúng ta nhưng không hòa nhập vào cấp độ của chúng ta. Có thể hiểu thế này: khi những Người Thầy vĩ đại chỉ bảo ta, “Họ” không việc gì phải “xuống cấp” cho bằng cấp độ như ta; cũng giống như cha mẹ không cần thiết phải “cưa sừng” cho đồng trang lứa để khuyên dạy con cái. Cấp độ tiến hóa cao hơn đã thể hiện đủ tư cách rồi!
Loài người đã được định đặt cho sứ mệnh là phải tiến hóa vượt lên khỏi kiểu tư duy nhị nguyên. Tư duy nhị nguyên là tư duy thuộc về thế giới của không gian - thời gian. Khi bạn tiến hóa vượt ra khỏi nếp tư duy này, cũng như khi bạn rời khỏi thể xác vật chất và về nhà (“cõi” phi vật chất), bạn sẽ không còn bị ràng buộc trong thế giới nhị nguyên nữa; và cảm giác phẫn nộ, sầu bi, hay sợ hãi ở bản thân sẽ tan biến. Những cảm giác yếu đuối ấy không còn chút uy lực nào trong “cõi” vượt thoát khỏi thế giới nhị nguyên, nơi chỉ thường trực hiện hữu sự hoàn hảo, toàn vẹn. Khi bạn thoát khỏi hình hài vật chất, bạn sẽ đi vào cấp độ phi vật chất tương thích với tần số năng lượng của bạn vào đúng thời điểm bạn kết thúc kiếp tái sinh(3) .
(3) Linh hồn tái sinh vào thực tại vật chất với mục đích cân bằng lại nguồn năng lượng của mình. Sau một khoảng thời gian tồn tại trong thực tại vật chất, linh hồn có thể tạo ra quả Nghiệp xấu (tần số năng lượng thấp) hoặc quả Nghiệp tốt (tần số năng lượng cao). Vào thời điểm kết thúc kiếp tái sinh, năng lượng linh hồn mang theo về nhà được “cân đối” giữa phần nợ - có mà linh hồn đã tích lũy được.
Linh hồn đã tiến hóa của loài người đi về đâu?
Có nhiều dạng sống tồn tại như là những dạng thức tiến hóa bậc cao của loài người. Có tới hàng triệu chọn lựa cho loài người sau khi về cội.
Có tồn tại một “cõi” mà ngôn ngữ tôn giáo phương Tây gọi là Thiên giới (Angelic kingdom). Đây là một dạng thức tồn tại với hằng hà sa số tần số và đặc tính ý thức, không biết bao nhiêu mà kể, trong đó có nhiều tần số và đặc tính ý thức dẫn lối và tương tác với loài người trên Trái Đất. Lãnh địa này được cân bằng với những trường lực khác, nhưng không thể hiểu được theo ngôn ngữ của loài người. Sự tiến hóa vẫn tiếp diễn trong lãnh địa đó, mặc dù theo thuật ngữ diễn đạt của chúng ta thì chúng ta nhận thức rằng ở đó đã có “hòa hợp” và “toàn hảo”. Thiên Thần có thể được xem như một dạng ý thức đã tiến hóa thành một thể thức thích hợp làm Người chỉ giáo cho “ngôi làng hành tinh” – Trái Đất.
Nhà (cội) của Thiên Thần là Thiên giới. Biên độ (năng lượng ý thức) của những dạng thức Sống phi vật chất tồn tại bên trong cõi ấy sẽ nằm trong dải sóng rung động với tần số nhất định. Thiên Thần, cũng như những thành viên khác trong lãnh địa đó, những dạng ý thức sống mà chúng ta nhìn nhận như là những bậc thầy của nhân loại vẫn tiếp tục tiến hóa. Đó là những nhân vật mà tên của họ được đặt cho tên của tôn giáo(4) . Sự tiến hóa như vậy cứ tiếp tục, nhưng nhằm tiến tới sự toàn hảo hơn là nhằm để có trải nghiệm truyền ý thức vào vật chất (trải nghiệm hành động, sáng tạo như con người) như những gì xảy ra trong Ngôi Trường Trái Đất.
(4) Theo tiếng Phạn, từ dharna có nghĩa là thực hành, còn dharma có nghĩa là lối sống (way of living) hay Đạo - sống đúng theo bản chất tốt đẹp từ tâm hồn/linh hồn. Dharma thường được dịch thành tôn giáo (religion). Ví dụ: Phật giáo (Buddhism) là tên gọi của một lối sống thực hành theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca (Buddha). Thiên Chúa giáo (Christianity) là tên gọi của một lối sống thực hành theo lời dạy của Chúa Jesus (Jesus Christ).
Luật Nhân - Quả có linh ứng với những thực thể phi vật chất không?
Luật Nhân - Quả là quy luật có tính phổ quát, không có dạng thức sống nào không chịu trách nhiệm cho năng lượng của mình. Thiên Thần không phải chịu những cản lực như chúng ta. Chẳng hạn, Thiên Thần thấy được những cái mà chúng ta không thấy được. Sự khác nhau là ở cản lực. Thiên Thần không có những cản lực, cho nên “Họ” không thể tạo ra Nghiệp quả như cách chúng ta tạo ra. Thiên Thần có độ thấu hiểu và kiến thức ở mức có thể ngăn cản không cho những hành động nào đó xảy ra.
Luật Nhân - Quả vẫn vận hành bởi vì Thiên Thần vẫn có ý chí, nhưng mỗi Thiên Thần được bảo vệ bởi trường năng lượng ý thức mạnh mẽ. Thiên Thần không sợ chết. Mọi thực thể tồn tại trong cõi phi vật chất đều bất tử. “Họ” không biết nghi ngờ. “Họ” nhìn thấy Ánh Sáng và sống trong Ánh Sáng, vì vậy không có những thành tố cấu tạo nên Nghiệp như ở loài người. Mặc dù Thiên Thần có ý chí, nhưng “Họ” không hề dùng ý chí chủ quan để bẻ cong sự việc theo hướng sai, hướng tiêu cực. Có thể nói, Thiên Thần là dạng sống đã tiến hóa vượt xa khỏi nhu cầu cần phải được thử thách, cám dỗ, và vì vậy “Họ” không tạo Nghiệp.
Ngoài ra, cũng có những cấp độ khác tồn tại, ví dụ như cấp độ của những linh hồn không tái sinh. “Họ” bị ràng buộc vào “cõi trần” này – Trái Đất. Những linh hồn không tái sinh không theo đuổi cuộc hành trình quay về bản ngã bậc cao của mình, họ vẫn còn ở trong trạng thái cá nhân phi vật chất gần với Trái Đất – cõi phàm tục, vật chất.
Hãy tưởng tượng bản ngã của bạn chẳng muốn thay đổi điều gì và không chịu tiến hóa. Do đó, tiến trình linh hồn gột bỏ dần những khía cạnh tiêu cực ở bản ngã đã không diễn ra. Như thể có sự bốc cháy và tắc nghẽn xảy ra bên trong hệ thống năng lượng. Thường thì điều này xảy ra khi linh hồn không chấp nhận mình phải tiến lên và tái sinh. Trong một số trường hợp, linh hồn giữ chặt lấy bản ngã (cái tôi) bởi vì bản ngã đó đã thể hiện sự thành công hoặc uy lực trong kiếp đời của nó.
Sự tắc nghẽn năng lượng xảy ra trong tiến trình tiến hóa sẽ tạo nên hiện tượng mà chúng ta gọi là hồn ma, quỷ hoặc vong nhập. Những linh hồn này chọn ở lại vành đai Trái Đất, trong trường năng lượng phát tỏa xung quanh Trái Đất (auric field). Họ có phải là thế lực xấu xa không? Đúng là “xấu”, nhưng gọi là “ác” thì lại là chuyện khác. Họ có khuyến khích cho cái tiêu cực không? Có, đó là một phần của luật Hấp dẫn(5) – năng lượng riêng của họ bị hút tới những trường năng lượng tương tự, ở đây là vùng trường lực của những khiếm khuyết. Trong phạm vi lãnh địa này, những linh hồn này tạo ra thêm Nghiệp xấu bằng cách theo đuổi điều xấu.
(5) Theo vật lý, hai vật có khối lượng khác nhau sẽ hấp dẫn nhau bởi một lực tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách và tỉ lệ thuận với khối lượng của vật.
Như vậy, có thể nói các bậc Giác Ngộ(6) đã đạt được mức tiến hóa vượt lên cả Nghiệp. Họ đang quan sát những hành động trên Trái Đất, nơi luôn luôn có tình huống phải lựa chọn giữa việc bạn muốn học hỏi như thế nào – bạn sẽ lựa chọn con đường nào (thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ hay là thông qua sự thông tuệ). Cho dù Thiên Thần có ý chí của riêng họ, nhưng họ không tích Nghiệp như chúng ta nghĩ. Nghiệp không phải là phần thuộc về chiều kích của họ. Luật Nhân - Quả là quy luật dành cho vật thể và linh hồn trải nghiệm trong thực tại vật chất, không phải đối với linh hồn đơn thuần.
(6) Buddha có nghĩa là bậc Giác Ngộ.
Cũng có nhiều lãnh địa phi vật chất không thuộc về Thiên giới. Ngoài lãnh địa của những con người không tái sinh, gắn chặt với Trái Đất, còn hằng hà sa số lãnh địa của sự sống phi vật chất khác. Bên trên Thiên giới là những tầng lãnh địa, nơi mà Trí Tuệ Siêu Phàm hiện hữu.
Trong thực tại vật chất, mỗi người có một cấp độ ý thức linh hồn nhất định. Không phải tất cả mọi người đều nhận biết như nhau về linh hồn mình. Nếu vậy thì, có phải tất cả mọi người đều có tiềm lực ngang bằng nhau?
Đúng vậy, nhưng mà cũng không đúng! Câu hỏi này quả thật phức tạp nên không thể trả lời một cách đơn giản. Bởi vì trong số những linh hồn ở trên cùng dải tần số năng lượng (như những linh hồn cùng ở trong Ngôi Trường Trái Đất), họ có chung một chất lượng ý thức, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt về biên độ ý thức. Một cá nhân với nhận thức hạn hẹp chắc chắn không thể ngang bằng với cá nhân có nhận thức rộng mở hơn. Như vậy là có tình trạng không đồng đều, nhưng không phải là bất bình đẳng. Đây chỉ là một mức độ động lượng(7) tạm thời trong dòng chảy tiến hóa.
(7) Theo định luật 2 Newton về chuyển động: Để một vật thay đổi trạng thái, từ đứng yên sang di dộng hay biến thể từ thể này sang thể khác, phải có một Lực tác động lên vật đó. Ví dụ như, khi một cá nhân ý thức vượt qua nỗi sợ hãi (động lực khơi nguồn), người ấy bắt đầu đối diện với điểm yếu của mình và dũng cảm hành động. Như vậy là có tình trạng không đồng đều, nhưng không phải là bất bình đẳng, tùy thuộc vào nỗ lực thay đổi của con người.
Linh hồn không có bắt đầu, cũng không có kết thúc, dù có một số linh hồn già cỗi hơn. Tuy tất cả các linh hồn đều có xuất xứ trực tiếp từ Trí Tuệ Siêu Phàm, nhưng không hề có một phương thức duy nhất hình thành nên linh hồn. Việc hiểu về linh hồn sẽ gặp trở ngại và có vẻ như nghịch lý nếu bạn áp đặt lối suy nghĩ đề cao ý niệm về sự bắt đầu.
Hãy xem Cội Nguồn, Chân Lý Thánh Thiện như là Đại Dương. Giờ bạn tới đó múc một tách nước đầy. Trong trường hợp ấy, nước trong tách trở thành cá thể riêng biệt. Tương tự đối với linh hồn của bạn. Bạn đã trở thành một “cái tách - năng lượng”, nhưng nó vẫn mang tính chất của một Hữu Thể nguyên thủy bất tử.
Bạn luôn luôn tồn tại bởi vì bạn là một phần thuộc về Chân Lý Thánh Thiện, hay Trí Tuệ Siêu Phàm. Thượng Đế đảm nhiệm việc thụ tạo những dạng thức, những “giọt” ý thức riêng biệt, và thu nhỏ sức mạnh của Người thành những “hạt” ý thức cá thể nhỏ lẻ. Đó là một sự tinh gọn một nguồn sức mạnh cực kỳ lớn, tuy nhiên sức mạnh gói gọn lại trong những “giọt” ý thức vẫn hết sức mạnh mẽ và tràn trề như khi còn hòa trong Đại Dương. Dẫu vậy, linh hồn vẫn bất tử, đầy khả năng sáng tạo và sức biểu đạt y như vậy, nhưng nay ở dạng thức thu nhỏ hơn rất nhiều, năng lượng cũng được tinh giảm đi sao cho tương thích với dạng thức hiện tại. Khi cái dạng thức nhỏ ấy nâng cao sức mạnh, nâng cao hiểu biết về bản thân, nó dần trở nên lớn hơn và giống với Cội Nguồn. Rồi đến lúc nào đó, nó trở thành Cội Nguồn.
Tiến trình này diễn ra song song với tiến trình nâng bản ngã của bạn lên thành bản ngã bậc cao, hướng về năng lượng toàn vẹn của linh hồn. Nó cũng song song với tiến trình bản ngã và bản thể bậc cao của bạn quay về sự toàn vẹn của linh hồn bạn khi bạn rời Trái Đất. Là một linh hồn đặc thù cá nhân, bạn vẫn là một linh hồn riêng biệt, nhưng cũng mang đặc tính của tổng thể.
Linh hồn chính là đơn vị tiến hóa cá nhân. Nhận thức này rất mới mẻ đối với chúng ta bởi vì trước giờ chúng ta chưa nhận biết được về sự tồn tại của linh hồn. Trong những tư tưởng tôn giáo, chúng ta công nhận “cái” được gọi là “linh hồn”, nhưng cho tới hiện giờ ta vẫn chưa nghiêm túc xem xét sự tồn tại của linh hồn có ý nghĩa gì, dựa trên những “hỷ, nộ, ái, ố” của cuộc đời con người.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chưa quan tâm chú ý đến những nhu cầu của linh hồn; chưa suy ngẫm xem linh hồn cần gì để trở nên mạnh khỏe; chưa tìm hiểu rõ về linh hồn, hay tìm cách trợ giúp linh hồn đạt được những điều cần thiết cho sự tiến hóa và phát triển lành mạnh. Bởi vì bấy lâu nay chúng ta luôn nhận thức theo năm giác quan, cho nên chúng ta chỉ tập trung vào thể xác và bản ngã (cái tôi). Chúng ta chỉ mới phát triển được kiến thức rộng về hệ thống các bộ phận trong cơ thể con người, cái “lớp áo” mà linh hồn khoác vào khi nó tái sinh. Chúng ta đã biết về các axít amin, về những chất dẫn truyền thần kinh, nhiễm sắc thể, và các en-zim, nhưng chúng ta chưa biết trọn vẹn về linh hồn. Chúng ta không biết những chức năng thể lý này phục vụ cho linh hồn như thế nào, hoặc bị ảnh hưởng bởi linh hồn ra sao.
Chúng ta luôn cố chữa lành những căn bệnh của thể xác bằng cách kiểm soát môi trường sống của nó (ở cấp độ phân tử vật chất), nghĩa là những phương pháp chữa bệnh này dựa trên nền tảng nhận thức xem sức mạnh là ngoại hiện (kiểm soát yếu tố vật chất). Phương cách chữa bệnh như vậy có thể chữa lành thể xác nhưng không thể chữa lành ở cấp độ linh hồn (nguồn gốc bệnh tật sâu xa hơn).
Những người được đào tạo để chữa bệnh theo phương cách này quen học hỏi về sự sống thông qua việc nghiên cứu những cơ thể vật chất đã chết. Chỉ nghiên cứu những cái xác không hồn như thế thì thử hỏi làm sao họ có thể thấy được sự hiện hữu của linh hồn? Cho dù những bộ óc như thế có nhìn ra cả thiên hà bao la, họ vẫn không thể thấy được sự sống, bởi vì họ được dạy bảo rằng toàn bộ thiên hà không có sự sống, trừ khi họ nhìn thấy tận mắt và nhận dạng được sự sống. Nó sẽ mãi mãi là ẩn số cho tới khi nào có một tiền đề cơ bản cho rằng: “Sự sống tồn tại và lan tỏa khắp nơi”, và tiền đề này trở thành nguyên lý của khoa học. Khi đó, chúng ta sẽ khám phá đặc điểm lý tính của linh hồn. Chúng ta sẽ nghiên cứu sự sống bằng chính sự sống đương hiện hữu, chứ không phải bằng xác chết vô tri vô giác. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn nhận đây là dạng thức học hỏi căn nguyên bởi vì những thi hài bất động kia đã không còn ý thức – năng lượng sự sống – nữa.
Cơ thể là công cụ của linh hồn. Nếu người nhạc công dương cầm bị ốm thì sửa chữa cây đàn của anh ta phỏng có ích gì? Âm thanh từ nhạc cụ phát ra không chỉ phụ thuộc vào tình trạng của nhạc cụ mà còn phụ thuộc vào người nhạc công. Nếu nhạc công chơi những bản blues(8) trầm buồn, hoặc tấu lên khúc nhạc vui tươi thì nhạc cụ cũng tấu theo. Thậm chí một nhạc cụ được đánh bóng và được so dây cẩn thận cũng không thể tấu lên giai điệu vui nếu nhạc công chọn giai điệu buồn, lâm ly. Ở đây, công cụ (cơ thể) có thể bị ảnh hưởng (trở nên buồn bã hay vỡ òa sung sướng). Nếu nhạc công (nhân cách/bản ngã – phần năng lượng tái sinh của linh hồn để trải nghiệm cuộc sống) tràn đầy đau buồn, giận dữ, rầu rĩ, thì nhạc cụ cũng bị trục trặc theo(9) . Trong một số trường hợp, nhạc cụ hỏng có thể được sửa lại, nhưng khó sửa được nguyên nhân đã gây ra sự hư hỏng này.
(8) Nhạc blues có nguồn gốc từ những điệu hát của miền tây châu Phi được các nô lệ da đen mang sang Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mississippi, miền Nam nước Mỹ. Tại vùng đất mới, điệu nhạc thô sơ này được phát triển thêm với các nhạc khí mới và trở nên rất phổ thông trong các cộng đồng nô lệ người Mỹ gốc Phi khi họ tụ tập với mục đích làm việc, gặt hái, tín ngưỡng hay tiêu khiển.
(9) Ví dụ: theo một nghiên cứu được tiến hành trong vòng 6 năm, ở hơn 46.000 nhân viên làm việc, tình trạng trầm cảm và căng thẳng tinh thần (stress) không thể kiểm soát là yếu tố gây hao tổn tiền bạc nhất, phần lớn là dành cho chi phí điều trị y khoa. Theo Viện Stress của Hoa Kỳ (AIS), 75% đến 90% những ca bệnh cần sự thăm khám bác sĩ đều có liên quan đến stress.
Bệnh tim, hay căn bệnh ung thư quái ác phải chăng là sự run rủi của số phận? Mặc dù tình trạng bệnh tật thể chất có liên quan đến yếu tố ăn uống, tập luyện thể thao, lối sống, tính di truyền,… nhưng những yếu tố tương quan này không thể che giấu sự thật rằng đối với một số người, cuộc đời họ mang nặng “nỗi đau xé lòng”, trong khi người khác lại tiều tụy, héo hon, để cho mình bị “ăn mòn”, bị “xâm lấn” bởi những “khối u” trải nghiệm tiêu cực “ác tính” của cuộc đời. Vậy thì phẫu thuật tim hay hóa trị liệu có chữa lành được những căn bệnh đó?
Lẽ nào vô số những trục trặc về thể chất xảy ra mà không nhắn gửi lại bức thông điệp gì hay sao? Đối với một số người, sức khỏe là vấn đề về tim mạch, về tiêu hóa hay bị đau đầu. Nhiều người khác bị suy yếu chức năng thính giác, thị giác, hoặc không thể vận động linh hoạt, không thể đi đứng như bình thường nên không thể xử lý được những chuyện xảy ra trong cuộc đời họ. Đây là những vấn đề phải được đề cập tới một cách trực tiếp, cởi mở và thành thực nhằm xây dựng sức khỏe tốt.
Điều này không có nghĩa là bỏ lơ việc chăm sóc cơ thể hay không cần đi khám bác sĩ mỗi khi đau ốm. Mặc dù cơ thể vật chất không thật – phải trải qua giai đoạn “sinh - lão - bệnh - tử”, không tồn tại vĩnh hằng – nhưng nó là sự phóng chiếu thấp nhất, nặng nhất (về tần số) của năng lượng tâm linh (linh hồn); và vì vậy, nó phải được trân trọng. Cơ thể cần được nghỉ ngơi, chăm sóc, nhưng đằng sau mỗi vấn đề liên quan đến sức khỏe hay bệnh tật thể xác là năng lượng của linh hồn.
Chính sự lành mạnh của linh hồn mới là mục đích sống thật sự của con người.
Cho nên tất cả mọi thứ đều nhằm phục vụ cho “sức khỏe” của linh hồn.