Tôi thà có đôi mắt mù, đôi tai điếc, đôi môi không cất được lời còn hơn có một trái tim không biết thương yêu.
Robert Tizon
Từ xưa đến nay, con người thuộc bất kỳ nền văn hóa nào cũng tôn vinh trái tim là cội nguồn của cảm xúc, là trung tâm của hạnh phúc và tri thức. Trong nhiều tôn giáo, người ta ví trái tim với những bảo vật đầy cao quý và thiêng liêng – những biểu trưng cho phần tốt đẹp và quý giá nhất của con người.
Trong con người tồn tại một nơi thiêng liêng sâu kín nhất.
Bên trong nó ta sẽ tìm thấy một khoảng bình yên thật sự.
Đó là nơi sự sống bắt đầu và là nơi bao hàm cả một vũ trụ rộng lớn: có mặt trời, mặt trăng, có những vì sao, có lửa, có gió và những tia chớp – tất cả đều gói gọn ở một nơi – chính là trái tim của con người.
- Theo Upanishads
Con tim là nơi hình thành và nuôi dưỡng “mật ngọt” của cuộc sống, sự hiện hữu của “mật ngọt” sẽ giúp bạn cảm thấy lạc quan, yêu đời và hạnh phúc. Nếu không có những cảm xúc đó, cuộc sống sẽ chỉ toàn những tháng ngày tẻ nhạt.
Năng lượng của trái tim
Hãy thử hồi tưởng về tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc mà bạn đã trải qua: những buổi đi chơi cùng gia đình, những cuộc vui cùng bạn bè hay đơn giản là niềm vui khi lần đầu tiên bạn được tặng một món quà nhỏ. Những ký ức này mang lại cảm xúc gì cho bạn? Có phải bạn đang cảm nhận được hơi ấm và những rung động trong tim? Đó chính là nguồn năng lượng tồn tại trong trái tim của bạn.
Khoa học đã chứng minh: quả tim con người sản sinh một vùng điện trường xung quanh chúng ta có đường kính vài feet (1 feet = 0,3048 m) và năng lượng nó phóng thích ra ngoài mạnh hơn gấp 5.000 lần năng lượng do bộ não tạo ra.
Một phương pháp đo lường hoạt động của tim để phản ánh tình trạng cảm xúc của con người là dùng biểu đồ biến thiên nhịp tim (HRV). Tiến sĩ Rollin McCraty và một số nhà nghiên cứu khác của Viện tim HeartMath đã phát hiện biểu đồ nhịp tim của con người khi vui khác khi buồn. Qua quan sát thực nghiệm, người ta thấy rằng:
Những cảm xúc tiêu cực tạo nên những đường ngắt quãng, không liên tục trong biểu đồ và gây ra ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn. Khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và tuyệt vọng, các hóa chất gây stress và cholesterol được phóng thích vào máu, tim bạn đập mạnh và nhanh hơn, huyết áp tăng. Ngược lại, những cảm xúc yêu thương, thanh thản và trân trọng sẽ tạo ra những đường biểu diễn đều đặn và liên tục trong biểu đồ nhịp tim.
Theo nghiên cứu của Viện Tim HeartMath, nhịp tim đều và ổn định sẽ kích thích sản sinh các nội tiết tố có lợi như nội tiết tố chống lão hóa DHEA, đồng thời điều hòa huyết áp và tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Kentucky đã phân tích biểu đồ nhịp tim của 180 nữ tu sĩ khi họ còn trẻ và kết luận: những người có thái độ sống lạc quan, hạnh phúc sống lâu hơn trung bình là bảy năm so với những người thường hay rơi vào trạng thái căng thẳng, quá sức. Điều này càng khẳng định rằng thái độ lạc quan, tin yêu vào cuộc sống không những giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái mà còn đóng vai trò củng cố và tăng cường sức khỏe cho bạn.
Yêu thương và sợ hãi
Cảm xúc của con người có thể được chia làm hai loại cơ bản: yêu thương và sợ hãi. Những xúc cảm yêu thương như: lòng biết ơn, sự tha thứ, lòng thương người – sẽ được thể hiện trên biểu đồ nhịp tim bằng một đường dợn sóng đều đặn và liên tục. Ngược lại, những xúc cảm như sợ hãi, giận dữ, buồn phiền và mặc cảm sẽ tạo nên trên biểu đồ một đường ngắt quãng. Trong con người tồn tại song song hai loại tình cảm này – và theo đó chúng sẽ quyết định bạn có hạnh phúc hay không.
Các nhà nghiên cứu của viện HeartMath đã phát hiện ra khi con người biết tập trung hướng vào những xúc cảm tích cực thì hoàn toàn có thể kiểm soát độ biến động nhịp tim. Sau đây là 3 cách giúp bạn xây dựng hạnh phúc cho trái tim:
1. Hướng về lòng biết ơn
2. Rèn luyện lòng bao dung
3. Nuôi dưỡng tình yêu thương và biết quý trọng mọi người
Thói quen thứ nhất cho hạnh phúc con tim
Lòng biết ơn
Nếu lời nguyện cầu duy nhất bạn thốt lên trong suốt cuộc đời mình là “Xin cám ơn” thì cũng đã đủ rồi.
Meister Eckhart
Đã bao giờ bạn cảm nhận trái tim mình ngập tràn lòng biết ơn? Bạn đã bao giờ dang rộng vòng tay và tỏ bày với ai đó câu: “Cám ơn, cám ơn rất nhiều”? Và trong một ngày, ý nghĩ biết ơn và mong muốn được bày tỏ lòng cảm kích với người khác xuất hiện trong bạn bao nhiêu lần?
Câu chuyện của Rico
Giải thoát phiền muộn
Là một người đàn ông, nhưng tôi hoàn toàn không nhận ra vai trò của mình trong cuộc sống. Lúc còn đi học, bạn bè xung quanh đều mơ ước trở thành nào là một nhà tài phiệt, những chính trị gia nổi tiếng hay chủ tọa của tòa án tối cao... còn tôi, tôi không có chút tham vọng nào hay đúng hơn, tôi không xác định được mình muốn gì. Trong một lần đến Pháp, tôi gia nhập tu viện Trappish và sống ở đó một năm như một tu sĩ. Mặc dù rất trân trọng khoảng thời gian lưu trú tại đây nhưng tôi sớm nhận ra mình không hợp với cuộc sống này. Tôi bắt đầu rẽ sang một hướng khác: tôi đi du lịch khắp thế giới, qua hơn năm mươi quốc gia.
Sau nhiều năm tháng phiêu lưu, cuộc hành trình của tôi dừng tại Mỹ, rồi tôi kết hôn, có con và mở một bệnh viện nhỏ bên bờ biển Maine. Cuộc sống của tôi không có gì phải than phiền, chỉ có điều tôi vẫn không cảm thấy mình thật sự hạnh phúc. Tôi cũng không cảm thấy tâm hồn mình thanh thản và bình yên. Dần dần, tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, tôi tỏ ra chán chường khi nhớ về những điều mình đã đánh mất, bỏ mặc những thứ tôi đang có. Sau nhiều biến cố, tôi và vợ ly hôn. Tôi chu cấp đầy đủ cho mẹ con cô ấy, sau đó rao bán bệnh viện và một lần nữa, tôi lại chu du khắp đó đây.
Đến năm 1991, sức khỏe tôi sa sút trầm trọng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi bệnh nhưng thật sự chưa khi nào cảm giác lại khó chịu và mệt mỏi đến thế. Những triệu chứng bệnh cứ kéo dài và chưa bác sĩ nào tìm ra được nguyên nhân. Tôi hoàn toàn suy sụp. Tình hình kéo dài trong suốt 10 năm.
Vào đêm trước Giáng sinh năm 2001, tôi nhận được một cuộc gọi từ vị bác sĩ chuyên khoa nội tiết mà tôi đã có dịp gặp trước đây, ông thông báo rằng đã phát hiện một khối u trên tuyến yên của tôi và tôi cần làm phẫu thuật. Trước khi cúp máy, ông còn nói: “Hãy tận hưởng mùa Giáng sinh an lành nhé”.
Tôi thật sự hoảng sợ khi nghe tin mình sắp phải phẫu thuật để lấy ra một khối u trong đầu. Sau kỳ nghỉ lễ, tôi đến gặp bác sĩ để cùng bàn về cuộc phẫu thuật sắp tới. Vị bác sĩ nói rằng khối u đó không tồn tại, chỉ là do chẩn đoán sai mà thôi. Rồi ông nhìn tôi và nói: “Anh biết không, thật ra anh chẳng bị làm sao cả. Tất cả chỉ do anh tự nghĩ ra mà thôi!”.
Tôi cảm thấy bất mãn. Sau những gì tôi chịu đựng, ông ấy lại nói rằng tất cả chỉ do tôi tự tạo ra ư? Ông ấy kê đơn cho tôi dùng thuốc chống suy nhược nhưng tôi từ chối. Kết quả, sáu tháng sau, tôi hoàn toàn kiệt sức và không còn cách nào khác là phải dùng thuốc. Nhưng sau ba ngày uống thuốc, tôi cảm thấy còn tệ hơn trước. Trong tuyệt vọng, tôi hình dung cái chết đang dần đến.
Cô em dâu của tôi - một chuyên gia trị liệu tâm lý, nói rằng tình trạng của tôi là bình thường: việc dùng thuốc chống suy nhược trong một số trường hợp sẽ gây nên tâm lý muốn tự tử cho bệnh nhân, đặc biệt trong khoảng thời gian hai tuần đầu làm quen với thuốc. Với tôi lúc ấy, chỉ đơn giản là tôi không muốn sống – hay không thể sống theo cách như vậy. Nhưng tôi cũng không muốn gia đình mình phải mang tai tiếng vì có một đứa con tự tử, nên tôi vạch ra kế hoạch: tôi sẽ đi vào thành phố và đón đầu một chiếc xe buýt đang lao tới. Đó là cách đơn giản nhất, tất cả chỉ là một tai nạn bất ngờ như những tai nạn khác xảy ra hằng ngày.
May thay một ngày kia, tôi nhận được một bức thư.
Bức thư do vợ cũ tôi gửi đến. Bên trong là một tấm thiệp do cô ấy tự tay trang trí kèm một lời chúc. Vợ tôi nói rằng vẫn luôn yêu tôi và rất mãn nguyện vì tôi là cha của những đứa con cô ấy sinh ra. Cô ấy còn nói thêm tuy giữa chúng tôi có một khoảng cách nhưng tất cả những gì cô mong muốn lúc này là tôi có thật nhiều sức khỏe và sống hạnh phúc.
Tôi ngạc nhiên. Rồi tôi chợt nhận ra từ trước đến giờ mình chỉ cố săm soi những điều bản thân không thích, không vừa ý mà quên đi rất nhiều chuyện tốt đẹp khác đang hiện hữu xung quanh. Giờ đây, nhờ những câu nói đầy tình cảm của người vợ cũ đã giúp tôi bừng tỉnh. Tình yêu và sự trân trọng của cô ấy đã hồi sinh tâm hồn đang tàn úa của tôi, giúp tôi vực dậy bản thân mình và mở lòng chào đón những điều mầu nhiệm từ cuộc sống.
Cuộc sống của tôi bắt đầu chuyển sang cung bậc khác. Kết hợp với một số phương pháp điều trị, cuối cùng tôi đã khỏe mạnh trở lại. Tôi đã là tôi trước đây và thậm chí tôi còn cảm nhận mình khỏe khoắn và thanh thản hơn vì hiện tại, tôi biết yêu quý, trân trọng và biết ơn cuộc sống. Tôi ao ước mình có thể duy trì thái độ sống này mãi mãi.
Bạn biết không, có hai điều giúp tôi thay đổi và có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Thứ nhất chính là nụ cười. Mỗi ngày, tôi đều dành mười phút để cười – cười một cách tự nhiên và sảng khoái nhất. Tuy hành động này nghe có vẻ lạ nhưng kết quả nó mang lại rất đáng để bạn thử một lần. Khi cười, ngoài việc chất endorphin – chất giảm đau – được tiết vào máu, cười còn giúp chúng ta thăng hoa cảm xúc. Vì vậy, tôi chưa bao giờ bỏ qua cơ hội khi mình có thể nở một nụ cười với mọi người – thậm chí là với chính bản thân mình.
Thứ hai là tôi đã giác ngộ được ý nghĩa câu nói kỳ diệu: “Cảm ơn vì tất cả, tôi không có gì phải phàn nàn”. Và khi tôi áp dụng câu nói này vào cuộc sống, tôi cảm thấy mình đang thật sự cảm nhận niềm hạnh phúc đích thực đang dâng tràn. Cuộc sống đang mang đến cho tôi những món quà diệu kỳ và tôi thực sự tạ ơn cuộc sống này.
Thực hành lòng biết ơn
Marc Bekoff chia sẻ những trải nghiệm của anh về niềm hạnh phúc đích thực mỗi ngày. Buổi sáng thức dậy, rời khỏi giường là anh chạy ngay đến bên cửa sổ và nói lời chào buổi sáng với mặt trời, với những ngọn núi nơi có bầy chim đang hót líu lo và những vòm cây xôn xao. Một lần, có vị khách tình cờ chứng kiến những việc anh làm đã hỏi:
- Anh đang nói chuyện với ai thế?
- Tôi đang nói chuyện với ngày mới! – Marc trả lời. Có thể bạn cho đây là một điều lập dị nhưng với
Marc, đó là cách anh trân trọng và tôn vinh tất cả những điều tốt đẹp anh trải nghiệm từ cuộc sống. Cũng như chúng ta, anh cũng có những thăng trầm, va vấp, tuy vậy, mỗi sáng anh đều hân hoan chào đón ngày mới với niềm vui và hy vọng.
Marc nhớ lại, khi mẹ anh sắp qua đời, anh đã vội vàng trở về Florida để được ở bên bà những ngày tháng cuối. Mẹ anh bị đột quỵ và căn bệnh đã khiến bà liệt toàn thân. Bà không nói được, do đó rất khó để nhận biết những suy nghĩ cũng như cảm xúc của bà.
Những ngày ở Florida, Marc thường đi dạo. Một ngày, anh về nhà và mang theo một bó hoa thơm ngát tặng mẹ - mẹ anh rất thích hoa. Thấy Marc vui sướng cầm bó hoa vào nhà, một người hàng xóm thấy vậy ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh lại có thể cười vô tư như thế trong khi mẹ anh đang sắp từ giã cõi đời?
Marc điềm tĩnh trả lời:
- Bởi vì hôm nay là một ngày rất đẹp và tôi tin rằng nếu mẹ tôi biết điều đó, bà cũng sẽ hân hoan và vui khỏe hơn.
Marc bước vào phòng mẹ và nhẹ nhàng đặt bó hoa cạnh bà. Bà nhìn chúng và dù không nói được gì nhưng Marc vẫn cảm nhận được rằng mẹ anh đang tận hưởng vẻ đẹp và hương hoa quyến rũ. Ngay cả khi mẹ anh qua đời, Marc vẫn thầm cám ơn cuộc đời vì đã cho anh một người mẹ tuyệt vời. Khi được hỏi về niềm hạnh phúc trong anh, Marc luôn trả lời một cách vui vẻ: “Hạnh phúc luôn hiện hữu trong trái tim tôi – ngay cả khi tinh thần tôi bị tổn thương nhất. Những mất mát, tổn thương không bao giờ có thể cướp đi được hạnh phúc trong tôi”.
Phương pháp điều hòa nhịp tim
Bạn cần phải biết trân trọng và nuôi dưỡng lòng biết ơn nếu muốn có một cuộc sống ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.
Bác sĩ Chidre
Đây là phương pháp tinh thần rất tốt giúp bạn nối kết với trái tim mình để giải phóng những căng thẳng, mệt mỏi và cân bằng lại cảm xúc.
Bước 1: Tập trung
Tập trung sự chú ý vào tim mình. Nếu muốn, bạn có thể đặt nhẹ bàn tay mình lên ngực trái. Trường hợp bạn đang mông lung suy nghĩ về một chuyện khác, hãy từ từ thay đổi sự chú tâm của bạn vào hơi ấm trái tim mình.
Bước 2: Hô hấp tim
Khi đã đặt hết sự chú tâm vào trái tim, bạn hãy tưởng tượng hơi thở mình đang được vận hành ở đó. Việc này giúp bạn vững tinh thần đồng thời cân bằng lại nhịp tim và nhịp thở. Hãy hít thở nhẹ nhàng, chầm chậm cho đến khi bạn cảm thấy thật sự thoải mái, thư giãn. Cố gắng duy trì nhịp thở đó.
Bước 3: Cảm nhận
Cùng lúc với việc duy trì nhịp thở, hãy hồi tưởng một cảm giác tích cực bạn từng trải qua. Hãy thử cảm nhận lại xúc cảm đó: có thể là cảm giác trân trọng hay yêu quý một người nào đó, một con thú cưng chẳng hạn, hay một nơi bạn yêu thích, một hoạt động nào đó bạn quan tâm. Hãy mở lòng và để cảm xúc tự do tuôn tràn. Nếu cảm xúc còn khô cứng, bạn hãy thử tìm kiếm một ý nghĩ hay sự quan tâm nào đó về nó. Sau khi đã trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn, bạn hãy tiếp tục duy trì nó bằng cách tập trung vào nhịp thở, nhịp tim và cảm xúc của mình.
Thói quen thứ hai cho hạnh phúc con tim
Rèn luyện lòng bao dung
Tha thứ là cung bậc cao nhất của tình yêu. Biết tha thứ, bạn sẽ có một tâm hồn hạnh phúc và bình yên.
Robert Muller
Tha thứ không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi bạn bị ai đó làm tổn thương. Nhưng vết thương lòng sẽ khó lành nếu bạn chưa biết tha thứ.
Nhiều người nghĩ rằng ghét bỏ, giận dữ và căm phẫn đối với người đã làm mình tổn thương là một cách để trừng phạt họ. Chúng ta thường cho rằng những cảm xúc này là cần dành cho đối phương, để họ phải cảm thấy đau khổ, hối hận vì những việc đã làm. Nhưng có một sự thật là: không ai khác mà chính chúng ta đang tự hủy hoại mình, đang tự cứa sâu vào vết thương vốn dĩ vẫn còn rỉ máu trong tim. Một khi biết tha thứ, vết thương sẽ dần liền da và bạn lại có thể để tình yêu làm chủ. Nó như cơn gió mùa xuân tắm mát tâm hồn bạn và cuốn đi hết những hận thù bạn hằng chất chứa.
Câu chuyện của Mary
Hoa trái của sự tha thứ
Cuộc sống của tôi không được êm đẹp. Tôi đã va vấp rất nhiều trên trường đời, đặc biệt là sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi như một con nhím rất dễ xù lông chống trả lại mọi thứ. Tôi thấy thất vọng, rất thất vọng về con người, về tất cả. Cảm giác đó đã hình thành trong tôi lòng hận thù.
Một đêm năm 1996, tôi trải qua một biến cố lớn trong đời. Lúc ấy đã ba giờ sáng, tôi đang ngủ thì bỗng bị tiếng chuông điện thoại đánh thức. Tôi hoảng hốt nhấc điện thoại. Đầu dây bên kia là đứa con trai lớn của tôi, Jay báo cho tôi một tin khủng khiếp: con trai út vừa tròn mười tám tuổi của tôi, Robbie, đã bị bắn chết.
Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được nỗi đau tột cùng và cảm giác như cuộc đời mình thế là chấm hết. Tôi nghĩ đến cái chết, nhưng tôi biết mình phải gượng dậy vì những đứa con khác.
Shawn, kẻ bắn chết con trai tôi, bị bắt và bị truy tố trước tòa về tội sát nhân. Shawn và Robbie có quen nhau và hắn bắn Robbie trong một cuộc cãi vã. Hắn nhận tội, do vậy không cần phải điều tra gì nhiều mà chỉ chờ ngày xét xử của tòa án. Tôi phải chờ đợi trong vòng ba tháng để nghe lời phán quyết dành cho kẻ đã giết hại con mình.
Ngày phán quyết cũng đến, và lần đầu tiên tôi biết mặt kẻ sát nhân. Khi họ đưa Shawn vào phòng xử, hắn cúi gằm mặt xuống đất, không dám ngước mặt nhìn mọi người. Shawn cố che giấu khuôn mặt mình khiến hắn trông càng thảm hại. Tôi cảm nhận lòng hận thù đang sôi lên trong lòng. Sao hắn có thể giết con tôi? Tôi cố kìm nén cảm xúc và xin được gặp Shawn sau phiên xử.
Như lời hứa của quan tòa, sau phiên xử tôi được triệu tập đến một phòng dành riêng để gặp mặt Shawn. Tôi theo người quản canh đi dọc hành lang và nghe tim mình đập mạnh hơn theo từng bước chân. Tôi đang đi đến gặp kẻ đã giết con trai mình. Tôi đã phải chờ đợi quá lâu để cho hắn biết tôi cảm thấy thế nào trước hành động hắn chĩa súng vào con tôi và giết nó.
Tôi được kiểm tra trước khi đưa vào một căn phòng nhỏ có chấn song. Shawn đang đứng run ở góc phòng, hai tay bị còng và khoác trên người bộ quần áo tù nhân. Hắn không dám ngước mặt lên, hắn đang khóc như một đứa trẻ. Và khi tôi nhìn thấy hình ảnh cậu trai này, quá đơn độc, quá tuyệt vọng – không cha mẹ, không bạn bè bên cạnh và không sự giúp đỡ – đột nhiên tôi có một suy nghĩ khác.
Tôi xin được đến gần Shawn hơn. Lúc này, Shawn ngước mặt lên và tôi nhìn rõ khuôn mặt đẫm nước mắt của cậu ấy. Rồi đột nhiên, tôi hỏi một câu mà chính tôi cũng không ngờ: “Shawn này, cô ôm cháu được không?”. Tôi dang tay ôm cậu bé vào lòng. Cậu như tan chảy trên vai tôi. Cũng lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được sự vỡ òa cảm xúc của ai đó trên vai mình. Tôi đứng đó, và rồi tôi nhận ra lòng hận thù trong mình đã biến mất.
Rồi tôi nói tiếp: “Shawn, cô tha thứ cho cháu về những chuyện khủng khiếp cháu đã làm! Cô muốn Robbie ở nơi mà nó đáng ở chứ không phải trong nhà tù này. Cô sẽ cầu nguyện cho cháu mỗi ngày”. Tôi nhắc Shawn giữ liên lạc với tôi, sau đó, vị quản canh hộ tống tôi rời khỏi phòng.
Ít lâu sau, Shawn bắt đầu thụ án. Con tôi - Robbie đã đi và không một mức án nào trói buộc nó cả; tuy vậy, giờ đây, một cậu thanh niên khác đang mất đi tuổi trẻ đầy mơ ước của mình.
Tôi và Shawn vẫn thường liên lạc thư từ qua lại, còn cha mẹ Shawn đều không quan tâm đến cậu. Trong năm năm đầu kể từ ngày Shawn vào trại, tôi là vị khách duy nhất đến thăm.
Nhiều người không hiểu vì sao tôi có thể hành động như vậy, nhưng tôi nhận ra tha thứ không có nghĩa là bỏ qua mọi lỗi lầm, đơn giản là cho người khác một cơ hội. Nếu không biết tha thứ, vết thương trong tôi sẽ không bao giờ lành được và nó sẽ hành hạ tôi suốt cuộc đời. Sự tha thứ đã giúp tôi giải phóng chính mình. Nó giúp tôi có sức mạnh để bước tiếp trên cuộc đời.
Tôi nhận ra con người sẽ tự làm tổn thương mình nếu cứ giữ mãi lòng hận thù. Sự căm phẫn và lòng hận thù không giúp tôi có lại được đứa con mình.
Vì sao phải tha thứ?
Nếu Mary có thể tha thứ cho kẻ đã giết chết con cô thì tôi tin chúng ta cũng cho thể bao dung cho những ai đã làm ta tổn thương.
Nhưng quả thực tha thứ là một việc hết sức khó khăn! Vì sao ư? Sau đây là năm lý do cơ bản nhất. Bạn thấy chúng có quen thuộc với mình không nhé:
1. Chúng ta nghĩ tha thứ là bỏ qua hết mọi lỗi lầm.
2. Chúng ta cho rằng tha thứ đồng nghĩa với việc phải thừa nhận người đã làm mình tổn thương.
3. Chúng ta nghĩ cảm giác ghét bỏ một ai đó mang lại cho chúng ta sự kiểm soát và sức mạnh.
4. Chúng ta cho rằng nếu tha thứ, chúng ta sẽ bị tổn thương một lần nữa.
5. Chúng ta muốn trừng phạt đối phương.
Nhưng thật ra, mọi chuyện không như những gì con người vẫn nghĩ. Tha thứ không có nghĩa là bạn bỏ qua lỗi lầm của người đã làm bạn tổn thương – tha thứ là một món quà bạn dành tặng cho riêng mình, nó cho phép bạn mở lòng và quay về tin yêu cuộc sống.
Có một câu chuyện thế này: Hai nhà sư người Tây Tạng gặp lại nhau sau nhiều năm bị giam cầm trong nhà lao – nơi họ đã bị những tên cai ngục tra tấn dã man. Người thứ nhất hỏi:
- Anh có tha thứ cho họ không?
- Không! Tôi không bao giờ tha thứ cho những việc họ đã làm! – Người kia trả lời đầy căm phẫn.
Và người thứ nhất nhẹ nhàng nói:
- Tôi cho rằng anh vẫn đang bị giam cầm trong cái nhà lao ấy.
Bạn hãy nhớ tha thứ không phải là xóa sạch mọi chuyện đã qua hay giải thoát cho kẻ phạm tội. Eva Kor, một người sống sót trở về từ trại tập trung đã công khai tha thứ cho bọn Đức Quốc xã – những kẻ đã sát hại cả gia đình cô và tồi tệ hơn, chúng còn dùng người em song sinh của cô làm vật thí nghiệm. Sự tha thứ của cô không có nghĩa là xá tội hoàn toàn cho những kẻ mất nhân tính kia, chỉ đơn giản là cô chọn cách trút bỏ một gánh nặng đã đè nặng trong lòng biết bao năm qua. Cô phát biểu về hành động tha thứ của mình như sau:
Tôi tin tưởng rằng là con người, ai cũng có quyền hưởng một cuộc sống yên bình không bị vướng bận vì những chuyện đã qua. Đối với phần lớn chúng ta, tha thứ là một chuyện rất khó bởi lẽ lòng hận thù trong ta bao giờ cũng quá lớn, chúng ta luôn muốn trả thù. Nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến và trân trọng những người đã khuất. Tôi tự hỏi liệu những người thân đã qua đời của tôi có cảm thấy thanh thản không nếu biết chúng ta – những người đang sống – lại có một cuộc đời nhuốm đầy lòng hận thù? Câu trả lời tất nhiên là không.
... Tôi làm điều này trước hết là vì chính bản thân tôi. Tha thứ chỉ là một phương thuốc giúp tôi làm lành những vết thương và hồi phục lại con người mình. Tôi gọi đó là thần dược vì nó rất khó có được, nhưng một khi đã sở hữu nó, chúng ta hoàn toàn tự do và hạnh phúc.
Tình yêu thương
Tôi từng có một người hàng xóm rất khó chịu, bà ta luôn la hét mỗi khi có việc không như ý. Bà cằn nhằn khi tôi để thùng rác quá gần lối vào nhà bà. Bà khó chịu khi ai đó đậu xe trước nhà hay con chó nhà bên cạnh chạy phá trong vườn. Cũng dễ hiểu vì sao tôi không thích bà. Một buổi trưa, tôi nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu. Tôi nhìn ra và thấy chiếc xe hú còi quẹo vào nhà bà. Lúc đó, tôi mới biết người hàng xóm của tôi đang bệnh khá nặng: bà mắc bệnh về thận và bà phải chịu đựng những cơn đau hành hạ hàng ngày. Sự khó chịu của tôi dành cho bà chợt biến mất. Từ hôm ấy cho đến lúc bà qua đời vào một năm rưỡi sau đó, tôi không những có cái nhìn thiện cảm hơn với bà mà còn tận tâm giúp đỡ bà tất cả những việc tôi có thể làm.
Khi bạn hiểu được đối phương đang phải chịu đựng những gì thì như một phép màu, nó sẽ giúp bạn thay thế những suy nghĩ tiêu cực của bạn về họ thành tình yêu thương chân thành và tạo tiền đề để bạn có thể tha thứ tất cả.
Quá trình tha thứ
1. Hãy chọn một nơi yên tĩnh không bị ai làm phiền.
2. Nhắm mắt lại và nghĩ về người đã làm bạn tổn thương hoặc căm ghét.
3. Hít thở sâu vài lần và để cảm xúc tự do tuôn tràn, đừng cố gắng thực hiện hay nghĩ đến bất kỳ điều gì.
4. Bạn không thể thay đổi người khác cũng như những gì đã xảy ra. Hãy tập trung vào cảm giác đó.
5. Đừng quên đối phương vẫn là chính họ, vẫn là người đã làm bạn tổn thương, đó là một sự thật không thể thay đổi. Hãy để bản thân mình được trải nghiệm cảm xúc này.
6. Những người làm tổn thương bạn cũng có những nỗi đau, những tổn thương của riêng họ. Có thể họ không nhận ra chúng nhưng chúng vẫn hiện hữu. Con người làm tổn thương nhau chỉ vì chính họ cũng đang bị tổn thương. Hãy nhìn họ với cái nhìn bao dung hơn. Thử hình dung một đứa trẻ đang bị đau và quấy khóc, nó phản ứng bằng cách chống trả lại người khác, bạn có thấy thương nó không?
7. Ngồi tĩnh lặng trong vài phút hoặc nhiều hơn nếu bạn muốn, hãy trải nghiệm tình yêu thương, sự đồng cảm đang trỗi dậy trong tim mình.
Thói quen thứ ba cho hạnh phúc con tim
Nuôi dưỡng lòng yêu thương và biết quý trọng người khác
Niềm vui và sự quý trọng bạn dành cho người khác cũng chính là những cơn gió mùa xuân tắm mát tâm hồn bạn.
J. M. Barrie
Tình yêu thương giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể duy trì hay sở hữu được tình yêu, vậy khi đó phải làm gì? Sẽ không khó để nhận ra bạn đang khóa lòng và thu mình trong vỏ ốc của bản thân: bạn còn nhớ thời tuổi trẻ – cái tuổi bồng bột, hiếu thắng, chỉ cần một người bạn, một người đồng nghiệp khiến bạn không vui là bạn có thể cáu bẳn cả ngày với chính mình và mọi người xung quanh. Vậy làm thế nào để khơi dậy tình yêu trong trường hợp này?
Bằng cách dùng tình yêu thương để nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ có thể điều chỉnh lại mạch cảm xúc trong mình chỉ đơn giản bằng cách tin và hy vọng rằng mọi người cũng sẽ sống thật vui và hạnh phúc. Điều này sẽ tạo bước đệm để bạn khơi dậy tình yêu, bởi lẽ, một trái tim biết mưu cầu hạnh phúc sẽ thu nhận được nhiều hạnh phúc.
Câu chuyện của Scarlet
Mạch chảy tình yêu
Tôi là CJ Scarlet, tuy mới bốn mươi tuổi nhưng tôi cảm thấy mình già hơn rất nhiều. Suốt mười hai năm qua, tôi đã phải chịu đựng căn bệnh Lupus và hội chứng cứng da – chúng khiến hệ miễn dịch của tôi bị suy giảm nghiêm trọng. Những loại thuốc steroid tôi dùng đã khiến thân hình tôi ngày càng phì nộn. Tôi phải dùng gậy để di chuyển, thậm chí lắm lúc tôi phải dùng tay để bước lên những bậc thang. Và thường thì tôi không thể tự lái xe và phải phụ thuộc rất nhiều vào người khác.
Các bác sĩ của tôi nói rằng bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể bị những cơn đau tim hành hạ. Mà thật vậy, tôi luôn bị chúng làm cho khốn khổ. Đôi khi, tôi ước gì cái chết đến với mình nhanh hơn để tôi không phải sống mà chịu đựng đau đớn thế này. Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng: lúc thì bị cuốn vào những cơn bão dữ dội, lúc lại thấy mình rơi xuống từ chiếc trực thăng đang bốc cháy.
Một lần, tôi phát hiện một thầy tu đến từ Tây Tạng đang sống gần nhà mình, tôi đã không bỏ qua cơ hội và đến gặp ông.
Tôi thuật lại tình trạng hiện tại của tôi và mong chờ ở ông một sự thông cảm. Trái với suy nghĩ của tôi, ông nói với vẻ thẳng thắn nhưng chân thành:
- Đừng tự thương hại bản thân mà cô hãy tập trung giúp mọi người xung quanh được hạnh phúc.
- Nhưng... nhưng tôi không khỏe. Tôi không làm được gì cho chính mình cả. – Tôi cố bào chữa.
Hơi thất vọng, tôi nghĩ: “Ông ấy không hiểu mình!”.
Một ngày nọ, tôi đi mua sắm và đang đứng xếp hàng đợi đến lượt mình thanh toán thì một người phụ nữ bước đến sau tôi, vẻ mặt cô khá khó chịu. Có lẽ cô vừa trải qua một ngày không vui, cô nhìn mọi người xung quanh với ánh mắt ngờ vực và bất cần. Xe hàng của cô chất đầy.
Bình thường, tôi sẽ cố gắng không dính dáng gì đến những người đang không vui như thế. Thật ra, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Cô ta làm gì mà khó chịu quá vậy, tốt hơn là không nên dính dáng gì đến cô ta”.
Bất chợt, tôi nhớ đến lời khuyên của vị thầy tu. Vậy là tôi nghĩ: Cô ấy ắt hẳn đã có một ngày tồi tệ và mình hiểu cô ấy đang cảm thấy thế nào. Để mình thử suy nghĩ xem có cách nào giúp cô ấy bớt căng thẳng hơn không?
Tôi quay sang nói với cô ấy:
- Hình như cô đang vội.
Thoáng chút ngạc nhiên trước lời nói của tôi, cô trả lời ngắn gọn:
- Vâng.
- Vậy tôi nhường chỗ cho cô đây.
Cô ấy nhìn vào chiếc xe chỉ có vài món hàng của tôi và nhanh chóng lắc đầu:
- À thôi, không sao đâu.
- Tôi nói thật đấy. Tôi không vội, cô cứ lên trước đi. Giây phút đó thật đáng nhớ. Những nét căng thẳng trên gương mặt người phụ nữ như được giãn ra, trông cô không còn vẻ khó chịu, cáu bẳn như lúc mới vào nữa. Cô vòng xe hàng lên trước và không quên lời cám ơn tôi, cám ơn anh nhân viên thanh toán, và khi cô bước khỏi cửa hàng, nụ cười đã hiện diện trên gương mặt cô.
Chợt tôi nhìn quanh và thấy mọi người đang mỉm cười với mình. Một vài người còn nói: “Cô thật tử tế”, “Chúc cô ngày mới tốt lành”. Và tôi cảm nhận một không khí nhẹ nhàng, vui vẻ đang len lỏi vào mỗi người chúng tôi.
Bài tập cho tình yêu thương
Tìm một nơi yên tĩnh, ngồi thinh lặng và nhắm mắt lại.
1. Hít thở sâu và nhẹ nhàng cảm nhận luồng hơi ra vào cơ thể. Cứ như thế, bạn hãy để suy nghĩ được tự do tự tại.
2. Lặp lại những cụm từ sau:
Cầu mong tôi sẽ an toàn.
Cầu mong tôi sẽ hạnh phúc.
Cầu mong tôi sẽ khỏe mạnh.
Cầu mong tôi sẽ yên bình.
Tiếp tục cầu nguyện trong khoảng từ một đến hai phút cho đến khi bạn cảm nhận sự thanh thản tràn ngập trong lòng.
3. Bây giờ, hãy hướng suy nghĩ về bạn bè và người thân:
Cầu mong (Người bạn nghĩ đến) sẽ an toàn.
Cầu mong (Người bạn nghĩ đến) sẽ hạnh phúc.
Cầu mong (Người bạn nghĩ đến) sẽ mạnh khỏe.
Cầu mong (Người bạn nghĩ đến) sẽ yên bình.
Tiếp tục cho đến lúc bạn cảm nhận tình yêu đang rạo rực trong tim mình.
4. Bây giờ, bạn hãy gửi những thông điệp yêu thương này đến với tất cả mọi người. Duy trì quá trình này và bạn sẽ cảm nhận được tâm hồn mình rộng mở cùng với mạch chảy của niềm vui.
Bảng tóm tắt các bước để có con tim hạnh phúc
Tập trung vào lòng biết ơn, tha thứ và san sẻ tình yêu thương cho mọi người là cách giúp bạn tiến gần hơn với niềm hạnh phúc đích thực. Một khi cột trụ của trái tim vững vàng, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh thản và cảm giác yêu thương ấm áp trong tâm hồn.
1. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy suy nghĩ về năm điều bạn cảm thấy biết ơn và trân trọng nhất trong ngày. Nếu muốn, bạn có thể viết chúng vào nhật ký.
2. Mỗi ngày bạn chọn một chủ đề và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Ví dụ như bạn chọn “nước”: trân trọng bất kỳ điều gì khiến bạn nghĩ về nước và hãy xem đó như một gợi ý giúp bạn bày tỏ lòng biết ơn của mình mà không áp đặt một lý do nào.
3. Dành ra vài phút mỗi ngày để cười.
4. Thực hiện các bước để điều hòa nhịp tim.
5. Rèn luyện lòng vị tha: trân trọng những xúc cảm có tác dụng hướng bạn đến sự tha thứ.
6. Bồi đắp tình yêu thương mỗi ngày và san sẻ nó với mọi người cả về suy nghĩ lẫn hành động.