Một trí óc lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện sẽ đong đầy niềm hạnh phúc đích thực từ cuộc sống.
John Locke
Hạnh phúc không đơn giản chỉ là những giây phút thăng hoa của cảm xúc mà sự thực cơ thể chúng ta cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng hạnh phúc. Tiến sĩ Candace Pert – nhà thần kinh học nổi tiếng – đã khẳng định sợi dây liên kết trí não-cơ thể-xúc cảm hạnh phúc qua nhận định: Trạng thái hạnh phúc của con người là kết quả của tổng hòa các hóa chất được tiết ra từ cơ thể và não bộ nhằm củng cố và bồi đắp xúc cảm tinh thần đó.
Không có liều thuốc nào tốt và công hiệu bằng những liều thuốc chúng ta có sẵn trong cơ thể mình. Theo ước tính, mỗi giây bộ não con người xử lý đến hơn 100.000 các phản ứng hóa học. Bộ não chúng ta chứa rất nhiều chất giúp tăng cường xúc cảm hạnh phúc như: endorphin (chất giảm đau mạnh gấp ba lần so với morphine), serotonin (chất giúp chống căng thẳng và mệt mỏi), oxytocin (dịch tiết liên kết) và dopamine (chất tạo sự tỉnh táo và vui vẻ). Tất cả chúng đều chờ đợi và sẵn sàng được phóng thích vào mọi cơ quan, mọi tế bào trong cơ thể bạn. Kho dược liệu của bộ não luôn đầy ắp, do vậy, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể yêu cầu và được đáp ứng tất cả các loại dược liệu theo nhu cầu. Một khi cơ thể được nuôi dưỡng bằng những “dược liệu hạnh phúc”, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc.
Stress
Nếu cơ thể con người vốn dĩ được tạo ra là để cảm nhận hạnh phúc, vậy sao chúng ta không dễ dàng tận hưởng niềm hạnh phúc đó? Bạn thử nhìn lại cuộc sống của mình xem: chúng ta đa phần đều dành hết thời gian, sức lực cho công việc mà xem thường cơ thể. Một cuộc sống bận rộn với những bữa ăn vội, không chú ý rèn luyện thân thể, cũng như không quan tâm đến chế độ nghỉ ngơi hợp lý là nguyên nhân gây nên sự mất cân bằng trong cơ thể. Cơ thể không khỏe mạnh thì tinh thần chúng ta cũng không thể sẵn sàng đón nhận hạnh phúc.
Căng thẳng (stress) là kẻ thù số một của hạnh phúc và sức khỏe. Khoa học đã chỉ ra trên 90% các chứng bệnh con người mắc phải đều có liên quan đến stress. Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta thường bị stress nhưng chúng ta lại lơ là không có biện pháp ngăn chặn hay loại bỏ mà vẫn tiếp tục làm việc theo guồng quay cũ. Hoặc đôi khi chúng ta lại chỉ muốn mau chóng chấm dứt nó bằng cách uống thuốc mà không chút quan tâm đến những nguyên nhân sâu xa.
Mặt khác, một số chất độc từ môi trường cũng ngấm vào cơ thể chúng ta hằng ngày như: hóa chất từ các loại thức ăn đã qua chế biến, thuốc trừ sâu, các chất bảo quản trong thịt và sữa, các khí thải từ môi trường... Tất cả những yếu tố đó khiến chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi.
Lời khuyên của bác sĩ
Hạnh phúc là một xúc cảm rất tốt cho cơ thể. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra các hoạt động thường ngày như ca hát, nghe nhạc, vuốt ve thú cưng, xoa bóp thư giãn, làm vườn hay thể hiện tình yêu thương qua cái ôm nồng nhiệt... đều có tác dụng kích thích não bộ tiết ra các dịch tiết hạnh phúc. Thậm chí một nụ cười cũng có thể làm tăng giới hạn hạnh phúc. Một cuộc nghiên cứu kéo dài hai thập kỷ đã đưa ra kết luận: cảm giác hài lòng, mãn nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể.
• So với người bình thường, người hạnh phúc có khả năng giảm 35% nguy cơ mắc bệnh cúm, đồng thời tăng 50% khả năng sản sinh kháng thể.
• Những người có chỉ số hạnh phúc và lạc quan cao sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, truyền nhiễm và hội chứng căng thẳng kéo dài.
• Những người duy trì được óc hài hước, dí dỏm sẽ sống lâu hơn những người thường hay căng thẳng; trường hợp này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh ung thư. Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra sự hài hước, dí dỏm làm giảm tốc độ phát triển của các tế bào ung thư và thời gian phát bệnh đến 70%.
Sức khỏe và xúc cảm hạnh phúc có sợi dây nối kết vô hình: củng cố bên này sẽ mang lại hiệu quả tốt cho bên kia và ngược lại.
Thói quen tập luyện thể chất hằng ngày có tác dụng phóng thích năng lượng và gia tăng cảm xúc hạnh phúc trong ta.
Hạnh phúc là một cảm xúc đến rất tự nhiên – một trạng thái tinh thần bình yên, thanh thản dù bạn rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa. Rèn luyện những thói quen tốt sau đây sẽ giúp bạn dần hình thành và củng cố một cơ thể khỏe mạnh để sẵn sàng chào đón hạnh phúc đến với mình.
Có 3 thói quen mang lại hạnh phúc cho cơ thể:
1. Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể
2. Tiếp năng lượng cho cơ thể
3. Lắng nghe những thông điệp của cơ thể
Thói quen thứ nhất cho cơ thể hạnh phúc
Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể
Hãy nói với tôi bạn ăn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào.
Anthelme Brillat-Savarin
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cảm xúc của con người. Nó không những có thể làm tổn hao sức khỏe, năng lượng của cơ thể mà còn làm giảm cả nhiệt huyết sống hàng ngày. Đó là trường hợp của bạn tôi, diễn viên Catherine Oxenberg, người mà chỉ qua cái nhìn đầu tiên chúng ta dễ dàng nhận ra cô có mọi thứ mà người khác mong muốn: sắc đẹp, tài trí, một người chồng tuyệt vời, những đứa con ngoan và một sự nghiệp vững vàng. Do vậy thật ngạc nhiên khi cô cho biết mình đã đấu tranh rất nhiều để vượt qua sự hành hạ của stress, mệt mỏi, bệnh tật và cảm giác mất cân bằng trong cuộc sống. Câu chuyện sau sẽ giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân vì sao cô lại rơi vào tình trạng như thế.
Câu chuyện của Catherine
Giã từ mệt mỏi và bệnh tật
Những cô gái trẻ đều mơ ước được trở thành công chúa nhưng nói thật, từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn chia sẻ rằng điều đó không tuyệt vời như mọi người vẫn nghĩ. Tôi sinh ra đã là một công chúa, là hậu duệ của một gia đình quý tộc châu Âu nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc vì điều này. Khi tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi, công chúa Elizabeth của nước Nam Tư, chia tay cha tôi, một thương nhân người New York và đưa hai chị em tôi về sống cùng bà ở Luân Đôn. Trong ký ức tuổi thơ, tôi nhớ mẹ thường nói với tôi nhiều nhất là câu: “Catherine, con làm ơn đừng ngồi ủ rũ ở đó suốt ngày nữa!”.
Đến bây giờ, tôi tin chính cái sự “ủ rũ” khi xưa đã gây nên một hậu quả cho tôi là hàm lượng chất serotonin – một nội tiết tố ảnh hưởng đến xúc cảm hạnh phúc – trong tôi rất thấp. Lớn lên một chút, tôi biết điều chỉnh chế độ ăn uống để giúp mình cảm thấy khỏe hơn. Nếu nhìn từ bên ngoài, ai cũng cho tôi là một người may mắn: kết quả học tập của tôi rất tốt và tôi được nhận vào trường Harvard, sau đó trở thành một người mẫu nổi tiếng và tiếp theo là một diễn viên, tôi từng xuất hiện trên ti-vi trong loạt chương trình nổi đình nổi đám Dynasty. Trong nhiều năm, tôi lao vào những cuộc chè chén say sưa và rồi sau đó, nôn thốc nôn tháo ra tất cả. Chứng bệnh cuồng ăn kéo tới, nó hành hạ tôi đến nỗi cuối cùng, các bác sĩ quyết định cho tôi dùng thuốc chống suy nhược.
Tuy không phải là thứ tôi thật sự cần lúc này nhưng quả thật, nhờ thuốc mà tôi đã tĩnh tâm hơn một chút. Rồi tôi phát hiện mình mang thai, vậy là bác sĩ cho tôi ngưng dùng thuốc. Sau khi sinh con gái đầu lòng, tôi không cần phụ thuộc vào những viên thuốc đó nữa. Và trong vài năm sau đó, tôi tiếp tục đấu tranh với chứng cuồng ăn. Công việc nhiều đã phần nào kéo tôi ra khỏi cảm giác thèm ăn, tuy vậy thỉnh thoảng tôi vẫn có xu hướng rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần.
Không lâu sau, tôi gặp Casper Van Dien, chúng tôi yêu nhau và kết hôn. Nhưng chỉ trong một năm sau đó, cơ thể tôi liên tục bị đau nhức cứ như một triệu chứng kéo dài của căn bệnh cúm vậy. Và tôi được chẩn đoán mắc chứng đau nhức gân thịt (fibromyalgia) – tình trạng các cơ bắp, dây chằng và dây gân bị kéo căng tạo nên những cơn đau kéo dài. Tôi hiểu ra: nỗi đau tinh thần trong tôi đã chuyển thành những cơn hành hạ về thể chất. Tôi tin tình trạng hiện tại của mình là một thông điệp cho biết cơ thể tôi đang trải nghiệm sự căng thẳng và tuyệt vọng. Việc dùng thuốc nhanh chóng giúp tôi hồi phục sau những cơn đau quặn thắt.
Tôi và Casper đều đã có con riêng nhưng chúng tôi vẫn muốn cùng nhau xây dựng một gia đình thật sự. Khi quyết định có con, tôi ngừng thuốc. Một tháng sau, tôi có tin vui và chứng bệnh đau nhức cũng qua đi.
Vậy mà, khi hai đứa trẻ sau ra đời, bệnh tật một lần nữa lại giáng xuống tôi - một người mẹ vuông tròn có năm người con, hai trong số đó đều dưới ba tuổi. Tôi bắt đầu rơi vào những tháng ngày bệnh tật đau đớn. Tôi không thể nào tập trung. Và trí nhớ của tôi cũng có vấn đề, tôi tin chắc mình đang có những triệu chứng ban đầu của bệnh Alzheimer.
Mỗi buổi sáng đối với tôi là một cơn ác mộng. Ngay cả khi vừa trải qua một giấc ngủ dài, tôi vẫn luôn cảm thấy rất mệt mỏi; do vậy, Casper là người chăm lo cho các con ăn uống và đi học. Tôi còn nhớ một buổi sáng, India, con gái út của tôi, đã chạy đến giường gọi tôi dậy. Con bé muốn tôi xuống dùng bữa sáng với mọi người. Tôi nói: “Mẹ mệt lắm con à. Mẹ bệnh”. India nhìn tôi rồi nói: “Mẹ lúc nào cũng bệnh” và nó giận dỗi chạy thẳng ra khỏi phòng. Tôi tuyệt vọng rơi nước mắt. Con bé nói đúng.
Tôi biết chắc mình đang mắc một căn bệnh nào đó nhưng không vị bác sĩ nào tìm ra. Mọi xét nghiệm đều cho thấy tôi bình thường và ý kiến duy nhất các bác sĩ đề nghị với tôi là tôi nên dùng thuốc chống suy nhược. Tôi từ chối vì không muốn chịu đựng những tác dụng phụ của nó. Phải có một cách nào đó giúp tôi khỏe hơn nhưng trong lúc này tôi không biết đích xác đó là gì. Tôi thật sự quẫn trí – và đột nhiên, tôi tìm ra lối thoát cho mình một cách tình cờ.
Khi đó đã là ba giờ sáng, và tôi cùng các con đang bay đến Florida để thăm bố mẹ chồng vào dịp Giáng sinh. Hai đứa trẻ cứ quấy khóc và làm nũng nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng ổn thỏa. Tôi hít thở sâu và nhắm mắt lại. Sự căng thẳng và suy sụp lại đè nặng lên tôi.
Không thể nào chợp mắt được, vậy là tôi với tay lấy tờ tạp chí và đọc. Tôi ấn tượng mạnh với một tiêu đề lớn ngay trang nhất: BẠN CÓ CHÁN NGẤY CẢNH PHẢI CHỊU ĐỰNG NHỮNG CƠN MỆT MỎI VÀ CHÁN CHƯỜNG KÉO DÀI? Tôi chợt giật mình và thấy lòng nôn nao. Tôi tiếp tục đưa mắt dọc theo bài viết: Bạn có chán cảnh các bác sĩ nói rằng tình trạng sức khỏe của bạn rất tốt, mọi việc đều hoàn hảo nhưng không ai giải thích được lý do vì sao bạn mệt mỏi, chán chường và suy sụp tinh thần? Bạn có mệt mỏi với chính cuộc sống của mình không?
Tôi cảm nhận nước mắt của mình chực trào ra. Tôi đã từng rất tủi hổ và bị thuyết phục rằng vấn đề của tôi chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi. Một gánh nặng đã được trút bỏ khi tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất lâm vào tình trạng này.
Bài báo đó là của một bệnh viện tư chuyên giúp khôi phục sức khỏe cho con người thông qua các chế độ dinh dưỡng hợp lý, tận dụng các dịch tiết có ích trong cơ thể để cân bằng lại trí óc và thể chất. Bài báo đề cập đến câu chuyện của một phụ nữ bốn mươi lăm tuổi cũng rơi vào tình trạng này và khi đọc đến đây, tôi cảm thấy rối bời. Người phụ nữ ấy và tôi không khác gì nhau. Tôi cũng có những triệu chứng mà bài báo đã liệt kê. Và điều tôi đặc biệt quan tâm là sau khi được các bác sĩ tham vấn và chữa trị, bà ấy đã hoàn toàn bình phục không còn chút cảm giác khó chịu nào như trước đây. Tôi lập tức lấy giấy bút ra ghi lại địa chỉ của bệnh viện ấy rồi ngả lưng vào ghế. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi vẫn thầm cảm ơn bài báo như một phép mầu kỳ diệu dành cho tôi.
Trở về nhà sau chuyến đi đến Florida, tôi đặt hẹn với vị bác sĩ được nêu tên trong bài báo. Tôi nhận ra không những chỉ có tôi mà phần lớn phụ nữ và cả đàn ông trong độ tuổi này đều trải qua những cảm giác như vậy. Điểm mấu chốt là tôi bị mất cân bằng về nội tiết tố - gây ra hiệu ứng dây chuyền lên tuyến giáp và tuyến thượng thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi bắt đầu lưu tâm đến việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mình và tận dụng tối đa những dịch tiết có ích trong não.
Theo lời khuyên của bác sĩ Hotze, tôi cắt giảm hàm lượng các chất đường, sữa, rượu và tinh bột trong vòng một tháng. Tôi ăn một lượng vừa đủ chất béo dưới dạng dầu dừa, dầu olive, bơ, đồng thời bổ sung các loại rau, chất đạm như thịt, trứng, sữa.
Ban đầu, tôi không nhận ra có sự thay đổi nào nhưng chỉ sau hai tuần, tôi đã không còn rơi vào những cơn mệt mỏi lúc ba giờ trưa. Sau một tháng, tôi cảm nhận mình hồi phục rất nhanh. Thế là tôi hào hứng duy trì chế độ dinh dưỡng này. Lại một tháng trôi qua, và giờ đây tôi có thể nói kết quả thật kỳ diệu. Tôi hoàn toàn thay đổi được tình trạng về thể chất và tinh thần của mình.
Hiện tại, mặc dù vẫn giữ thói quen ăn uống như cũ nhưng tôi tiếp tục dùng một lượng đường và tinh bột khá thấp, và nó giúp tôi cảm thấy khỏe hơn. Tôi không còn căng thẳng, mệt mỏi nữa mà thay vào đó là cảm giác sảng khoái, tràn trề sinh lực. Sức khỏe của tôi đã hoàn toàn hồi phục, thậm chí tôi cũng không còn thừa cân. Điều ý nghĩa nhất là giờ đây, tôi lại có thể trở về quây quần bên các con tôi. Tôi nhớ lần đầu tiên sau một tháng kể từ ngày tôi áp dụng chế độ dinh dưỡng mới, một buổi sáng nọ, con gái tôi chạy vào phòng và đánh thức tôi dậy để làm bữa sáng. Tôi vui vẻ bật dậy và theo con bé chạy xuống bếp. Tôi nhanh chóng pha một tách trà nóng cho mình và hào hứng chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thật vui khi biết rằng tôi đã hồi phục hoàn toàn và hơn thế, trong tôi tràn ngập niềm vui và năng lượng. Kể từ đó, sáng nào tôi cũng có mặt ở bữa điểm tâm của gia đình, và chính tôi cũng không nhận ra ai là người hạnh phúc hơn – tôi hay bọn trẻ.
Những cơn mệt mỏi, căng thẳng kéo dài đã qua và giờ đây, tôi đang bắt đầu chuỗi ngày hạnh phúc bên gia đình thân yêu của mình. Sự trung hòa các dịch tiết trong não đã giúp tôi hồi phục sức khỏe và tìm thấy niềm hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt các con tôi. Thể chất khỏe mạnh, giàu sinh lực chính là chìa khóa cho niềm hạnh phúc trọn vẹn của tôi ngày hôm nay.
Tác dụng của chế độ dinh dưỡng hợp lý
Như Catherine đã chia sẻ, cách tốt nhất để tinh thần bạn phấn chấn hơn là thông qua việc dung nạp những chất dinh dưỡng tự nhiên vào cơ thể nhằm giúp cơ thể bạn được cân bằng. Chế độ ăn phù hợp về lâu dài sẽ tạo nên những tác động rất tốt cho sức khỏe và đó cũng chính là tiền đề giúp bạn cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn.
Sau đây là một vài lời khuyên của các chuyên gia dành cho sức khỏe của bạn:
1. Áp dụng chế độ ăn uống với các loại thực phẩm tươi và giàu dinh dưỡng: Một chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp não có năng lượng để tiết ra những nội tiết tố hạnh phúc cả ngày. Ngược lại, không có những chất dinh dưỡng này, hệ hóa sinh trong cơ thể sẽ mất cân bằng và gây nên tình trạng hạ đường huyết, ảnh hưởng đến tuyến thượng thận và ngăn tiết ra những nội tiết tố có tác dụng làm giảm stress.
Cơ thể bạn cần hấp thụ các thực phẩm tươi và có nguồn gốc từ thiên nhiên. Bạn nên tránh dùng những thực phẩm khô được đóng gói vì chúng đã bị mất đi một phần những khoáng chất tự nhiên và chứa khá nhiều chất bảo quản, cũng như các loại tạp chất khác trong quá trình chế biến. Khi đi siêu thị, bạn nên chọn những mặt hàng tươi sống như trái cây, rau củ, thịt cá, các loại gia cầm hơn là những loại thực phẩm đóng hộp. Bạn nên mua nhiều thực phẩm hữu cơ, các loại thịt gia cầm, các sản phẩm từ bơ sữa.
2. Giữ nước trong cơ thể: Tình trạng thiếu nước sẽ gây hại cho sức khỏe. Chúng ta cần nước vì thành phần cơ thể chúng ta phần lớn là nước. Các chất dinh dưỡng cần có nguyên tố hidro và oxy trong nước để chuyển hóa vào cơ thể.
3. Loại bỏ những thực phẩm không tốt:
• Đường: Trong chế độ ăn hằng ngày, đường chính là chất phá hỏng mọi xúc cảm hạnh phúc của con người. Nó có khả năng gây nghiện và làm ảnh hưởng đến não bộ, gây nên sự căng thẳng, lo lắng và uể oải, lừ đừ; nó giúp tăng năng lượng nhưng sau đó thì hạ rất nhanh, đó là lý do bạn thường cảm thấy mệt mỏi vào buổi trưa. Loại đường tổng hợp không tốt bằng đường tự nhiên. Với đường tự nhiên, cơ thể chúng ta thích ứng và hấp thụ tốt hơn, đặc biệt là chất đường có trong các loại trái cây.
• Hạn chế tinh bột: Các loại thực phẩm giàu bột đường đã qua chế biến như bánh mì trắng nướng, mì sợi, thường làm tăng lượng đường huyết trong máu. Bữa ăn nên chú trọng vào các dạng tinh bột thuần như gạo lức, lúa mạch hay hạt kê, tuy đơn giản nhưng mang lại cảm giác nhẹ nhàng và khỏe khoắn hơn cho cơ thể.
• Chất caffeine: Khi muốn thư giãn, con người thường tìm đến cà phê hay các loại thức uống giải khát. Caffeine có trong những loại thức uống này sẽ kích thích cơ thể tiết ra nhiều adrenalin nên sau khi uống một tách cà phê hay soda, bạn lập tức cảm thấy tỉnh táo như được kích thích; nhưng cảm giác đó chỉ kéo dài trong khoảng 30-60 phút và sau đó, bạn trở lại trạng thái mệt mỏi. Do vậy, bạn được khuyên hãy dùng các loại trà đã được tinh lọc caffeine (vì trà xanh thông thường luôn có chứa chất này).
Chế độ dinh dưỡng dành cho cơ thể và não bộ
Để có một cơ thể khỏe mạnh, bạn cần bồi bổ chính mình thông qua những phương thức nhất định. Chuyên gia tâm lý dinh dưỡng Julia Ross, tác giả quyển The Mood Cure, tin rằng trạng thái không hạnh phúc của con người bắt nguồn từ những nhu cầu dinh dưỡng không được đáp ứng kịp thời và hợp lý. Bà đã phát triển một chương trình dựa trên việc nghiên cứu mối tương quan giữa hành vi con người và sự cân bằng bốn dịch tiết thần kinh có tác dụng tạo nên cảm giác hạnh phúc. Các dịch tiết này được sản sinh từ các amino axit, và nếu hàm lượng bốn dịch tiết này cao, bạn sẽ có cảm giác thoải mái và yêu đời; ngược lại, thiếu hụt dịch tiết nào trong số đó, cơ thể bạn lập tức phản ứng thông qua một số triệu chứng nhất định.
Bốn dịch tiết hạnh phúc
Nếu hàm lượng serotonin cao, bạn sẽ có cảm giác thoải mái, năng động. Ngược lại, bạn luôn cảm thấy sợ hãi, cô lập, lo lắng và khó ngủ.
Nếu trong máu có nhiều catecholamine (các nội tiết tố có liên quan đến tim như norepinephrin, dopamine và adrenalin), bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, giàu năng lượng và lạc quan. Ngược lại, bạn thấy tâm trạng mình tẻ nhạt, buồn chán và sợ hãi.
Nếu hàm lượng GABA cao (gamma-aminobutyric axit), bạn sẽ có cảm giác thư giãn, không căng thẳng. Ngược lại, sự thiếu hụt GABA sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng, căng thẳng và đuối sức.
Nếu hàm lượng endorphin cao, bạn sẽ có cảm giác dễ chịu, vui vẻ và yêu đời. Ngược lại, bạn sẽ dễ xúc động và nhạy cảm.
Bảng câu hỏi xác định tâm trạng
Hãy ghi lại số điểm sau mỗi triệu chứng được liệt kê dưới đây mà bạn đang gặp phải. Sau đó, tổng kết điểm và so sánh với số điểm chuẩn ở cuối mỗi phần. Một điều thú vị là bạn có thể dễ dàng cân bằng lượng amino axit trong cơ thể bằng cách cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giúp tâm trạng bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn.
Phần 1: Bạn đang cảm thấy chán chường?
3) Bạn có xu hướng bi quan, nhìn thấy ly nước vơi một nửa hơn là đầy một nửa? Bạn thường có những suy nghĩ tiêu cực?
3) Bạn thường xuyên lo lắng và mệt mỏi?
3) Bạn cảm thấy mình thiếu tự tin và giảm lòng tự trọng? Bạn hay tự buộc tội bản thân?
3) Bạn thường bị ám ảnh bởi một sự việc nào đó? Bạn ngại xê dịch và tỏ ra thụ động? Tâm tính bạn dễ thay đổi nhưng vẫn kiểm soát được? Bạn nghiện vi tính, ti vi, công việc?
3) Bạn ghét thời tiết ảm đạm, đôi khi rơi vào trạng thái chán chường khi mùa thu, mùa đông đến?
2) Bạn dễ bị kích động, thiếu kiên nhẫn hay bực dọc, cáu kỉnh?
3) Bạn thường e ngại và sợ hãi? Bạn sợ độ cao, sợ chỗ đông người, sợ nhện, sợ gián, sợ những cây cầu, sợ phải ở nhà một mình hay một điều gì khác?
2) Bạn hay bị những cơn lo lắng và sợ hãi hành hạ (nhịp tim đập gấp, khó thở)?
2) Bạn đang ở thời kỳ tiền kinh nguyệt hay mãn kinh (nổi giận, suy sụp, bồn chồn)?
2) Bạn ghét nước nóng?
2) Bạn hay thức đêm, hay bạn khó ngủ ngay cả khi đang muốn ngủ?
2) Bạn hay giật mình nửa đêm, mệt mỏi, giấc ngủ không sâu hay thức dậy quá sớm vào buổi sáng?
3) Bạn thường thèm kẹo hay những chất giàu tinh bột, rượu vào buổi trưa, chiều hay giữa đêm?
2) Sau những việc làm trên, bạn đang mong chờ cảm giác dễ chịu trở lại?
3) Bạn bị chứng đau nhức gân thịt hay triệu chứng
TMJ – chứng rối loạn về khớp thái dương, hàm dưới?
2) Bạn từng có suy nghĩ hay lên kế hoạch tự tử chưa?
Điểm tổng kết:______ . Nếu điểm của bạn lớn hơn 12 điểm thì cho thấy bạn đang thiếu hụt nội tiết tố serotonin.
Phần 2: Bạn mệt mỏi vì cảm giác nhàm chán, không hài lòng?
3) Bạn cảm thấy tuyệt vọng, hờ hững, lãnh đạm, buồn chán?
2) Tinh thần và sức khỏe bạn đều không tốt, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi?
2) Bạn không còn hứng thú với công việc?
2) Bạn không thể tập trung vào bất cứ vấn đề gì?
3) Bạn thiếu ý chí và nhát?
2) Bạn dễ tăng cân?
3) Bạn tìm lại sự tỉnh táo và cảm hứng bằng cách uống thật nhiều cà phê hay những chất như đường, soda?
Điểm tổng kết: ______. Nếu điểm của bạn lớn hơn 6 đồng nghĩa với việc hàm lượng catecholamine trong bạn quá thấp.
Phần 3: Bạn bị stress?
3) Bạn luôn cảm thấy bị quá tải, nhiều áp lực, công việc dồn dập?
1) Bạn gặp khó khăn trong việc thư giãn?
1) Cơ thể bạn cứng đơ, bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng?
2) Bạn dễ dàng rơi vào tuyệt vọng, cáu kỉnh và gắt gỏng khi bị stress?
3) Bạn thiếu ý chí và nhát?
2) Bạn dễ tăng cân?
3) Bạn thường xuyên cảm thấy quá tải hoặc cảm thấy mình không thể đảm đương được mọi việc?
2) Thỉnh thoảng bạn cảm thấy yếu đuối, run sợ?
3) Bạn nhạy cảm với ánh sáng trắng, tiếng ồn hay mùi hương liệu? Bạn mang kính râm nhiều?
3) Bạn không thể nào chịu nổi khi bỏ bữa hoặc sau một thời gian dài không ăn?
2) Bạn hút thuốc lá, uống rượu, ăn các loại thức ăn, dùng các loại thuốc để giúp bạn thư giãn và bình tĩnh hơn?
Điểm tổng kết: ______ . Nếu điểm của bạn trên 8 trong phần này tức là hàm lượng GABA của bạn đang thiếu hụt.
Phần 4: Bạn quá nhạy cảm với những vấn đề xung quanh?
3) Bạn tự cho mình quá nhạy cảm và người khác cũng có suy nghĩ về bạn như thế? Những nỗi đau về tinh thần, về thể xác đang giày vò bạn?
2) Bạn dễ khóc, chẳng hạn như khi xem một chương trình truyền hình gây cho bạn sự xúc động?
2) Bạn có xu hướng không muốn chấm dứt tình trạng này của bản thân?
3) Bạn cảm thấy khó khăn khi phải vượt qua những nỗi mất mát hay chuyện đau lòng?
2) Bạn từng phải chịu đựng những cơn đau hành hạ về thể xác và tinh thần?
3) Bạn khao khát niềm vui, sự hài lòng, sự mãn nguyện?
Điểm tổng kết: ______ . Nếu điểm của bạn trên 6, hàm lượng endorphin trong bạn quá thấp.
Thói quen thứ hai cho cơ thể hạnh phúc
Tiếp năng lượng cho cơ thể
Bạn hoàn toàn không thể mong chờ chiếc xe vận hành tốt một khi bạn không khởi động hay cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho nó. Tương tự, cơ thể chúng ta cũng không thể hoạt động tốt nếu không được cung cấp năng lượng và duy trì độ ổn định thông qua chế độ nghỉ dưỡng hợp lý.
Quan niệm phương Đông từ lâu đã công nhận nguồn năng lượng và sinh khí là yếu tố quan trọng không thể thiếu giúp con người có một cuộc sống khỏe mạnh. Người Trung Quốc gọi đó là ”khí” (“qi”) và người Ấn Độ gọi nó là “prana”. Một khi con người duy trì được luồng sinh khí ở mức cao, nó sẽ tiếp năng lượng cho toàn bộ cơ thể bạn, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương đồng thời loại bỏ những rào cản về tinh thần ngăn bạn có được cảm giác hạnh phúc thật sự.
Ý nghĩa của sự hoạt động
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng cơ thể sẽ tràn đầy sức sống nếu chúng ta năng luyện tập thể dục. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống của mình thông qua những hoạt động kích hoạt năng lượng cơ thể như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ hay luyện tập khí công. Khi vận động, não được cung cấp nhiều oxy hơn, nhưng điều quan trọng là những hoạt động này giúp cơ thể chúng ta tiết ra những chất và nội tiết tố rất có lợi cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Một cuộc nghiên cứu gần đây của nhà tâm thần học John Ratey đối với các vận động viên đã kết luận: nồng độ những hóa chất hạnh phúc như dopamine, serotonin và norepinephrine đều tăng lên đáng kể sau khi họ vận động. Sự thật là rất nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra vận động cơ thể là cách hữu hiệu để làm giảm sự căng thẳng và sự vận động có giá trị tương tự như một phương pháp trị liệu.
Vận động cũng giúp làm vơi đi sự lo lắng, tạo nên một trạng thái tĩnh tâm cho tinh thần và cảm giác này có thể kéo dài nhiều giờ. Chính quá trình vận động giúp gia tăng nồng độ endorphin – hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm giác hạnh phúc cho con người – đến 500%.
Tiến sĩ Henry S. Lodge, trợ giảng giáo sư dược của Đại học Columbia và là đồng tác giả quyển Younger Next Year, giải thích tầm quan trọng của thói quen vận động đối với sức khỏe con người. Ông nói chỉ cần mỗi ngày chúng ta thay đổi 1% tế bào thì sau ba tháng, toàn bộ những tế bào cũ trong cơ thể đều sẽ được thay thế. Khi vận động, cơ bắp tiết ra những chất kích thích phát triển tế bào. Trái lại, khi bạn ngồi yên không vận động, tế bào của bạn không nhận được những dịch tiết này và chúng sẽ dần dần lão hóa rồi chết đi. Như vậy, vận động mang lại hiệu quả rất tốt. Nếu bạn bắt đầu tập luyện từ tháng một thì đến trước tháng tư, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh được nuôi dưỡng bằng một lớp tế bào hoàn toàn mới.
Để tăng tính hiệu quả của các hình thức vận động, bạn cần nhận thức rõ ý muốn của mình trong khi luyện tập là gì. Chẳng hạn, khi bắt đầu một cuộc đi bộ, bạn hãy tự nhủ với lòng: “Trong lúc đi bộ, tôi sẽ mở lòng mình đến với thiên nhiên và trước khi trở về, nguồn năng lượng trong tôi sẽ được đong đầy và mạnh mẽ hơn”. Đơn giản vì chính suy nghĩ này sẽ giúp bạn bồi đắp xúc cảm hạnh phúc thông qua hình thức vận động mà bạn đã chọn.
Vai trò của hơi thở
Bạn có thể nhịn ăn trong vài tuần và nhịn uống vài ngày nhưng không thể sống mà ngừng thở trong vài phút. Hơi thở là nguồn nhiên liệu quý báu cung cấp năng lượng cho cơ thể. Từ hàng nghìn năm nay, con người đã nhận ra tầm quan trọng của nhịp thở đối với sức khỏe của mình. Trong khoảng ba mươi năm qua, hàng trăm cuộc nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng những phương pháp duy trì nhịp thở tốt sẽ giúp loại bỏ sự mệt mỏi, lo lắng, thất vọng và nâng cao tinh thần. Đến tận hôm nay, thậm chí Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đồng ý đưa phương pháp huấn luyện nhịp thở vào quá trình điều trị cho các trường hợp bị căng thẳng ở mức độ cao.
Tôi đề nghị bạn hãy thử cảm nhận về nhịp thở của mình bằng cách đặt tay lên bụng. Tay bạn có di chuyển ra vào trong lúc bạn thở không? Nếu giống với phần lớn mọi người thì bạn chỉ đơn thuần thở bằng phổi, do vậy, tay bạn hoàn toàn không xê dịch. Trong cuộc phỏng vấn của tôi với Tiến sĩ John Douillard, một nhà nghiên cứu đồng thời là tác giả quyển Body, Mind and Sport, ông chia sẻ: “Tuy những hơi thở cạn vẫn có khả năng duy trì sự sống cho con người nhưng lúc đó, oxy không được cung cấp đầy đủ đến mọi ngóc ngách của tế bào để giúp tế bào phát triển và kích thích các hóa chất hạnh phúc phát huy tác dụng. Phương pháp thở qua đường bụng là một cách rất hữu hiệu mà con người đã phát hiện, nó tạo ra luồng khí (prana hay Qi) trong cơ thể và tạo nên cảm giác hạnh phúc, sảng khoái. Mỗi ngày, mỗi người có đến 26.000 cơ hội để thực hiện phương pháp này nhằm kích thích hạnh phúc cho bản thân”.
Trạng thái cảm xúc của một người có thể được biểu hiện thông qua cách người đó thở. Mỗi cảm xúc gắn liền với một cách thở khác nhau: khi lo lắng, nhịp thở nhanh và cạn; khi buồn, chúng ta thở dài; và những lúc giận dữ, nhịp thở trở nên ngắn và dốc. Nếu bạn cố tình thở như thể bạn đang lo lắng và căng thẳng, vùng não chịu trách nhiệm về những cảm giác tiêu cực lập tức bị kích thích và kết quả là bạn bắt đầu cảm nhận trọn vẹn những cảm giác đó. Do vậy, nếu có dấu hiệu lo lắng hay bị xúc động, hãy cố gắng thở đều đặn từ năm đến mười lần thông qua đường bụng và sau đó bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại trong con người mình.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Ngủ là phương pháp hữu hiệu để nạp lại năng lượng cho cơ thể. Mặc dù chúng ta đều biết rằng ngủ tròn giấc và đầy đủ sẽ mang lại một tinh thần sảng khoái, nhưng khi được hỏi về việc có ngủ đủ 8 tiếng một ngày không thì đa phần mọi người đều đáp lại bằng một nụ cười trốn tránh. Lý do họ đưa ra là không có thời gian vì phải xem truyền hình, bận chăm sóc con cái hay phải dành thời gian cho công việc...
Ngủ ít không phải là một điều tốt, vì một giấc ngủ sâu và đầy đủ ảnh hưởng rất lớn đến xúc cảm hạnh phúc của con người. Giấc ngủ còn là yếu tố giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống ngày một tốt hơn. Một lời khuyên bổ ích là khi bạn cảm thấy không vui hay khó ở thì hãy thử đi ngủ sớm trước 10 giờ (lý tưởng nhất là 9 giờ) liên tục trong ba đêm, và sau đó hãy cảm nhận kết quả. Điều này phù hợp với quan niệm truyền thống của người Ấn Độ: “Ngủ một tiếng trước nửa đêm bằng ngủ hai tiếng sau nửa đêm”.
Tóm lại, để tiếp năng lượng cho cơ thể, bạn hãy áp dụng ba lời khuyên sau: cố gắng vận động, duy trì nhịp thở sâu và nghỉ ngơi hợp lý.
Bài tập khí công – Hơi thở của vũ trụ
Bắt nguồn từ Trung Quốc và được truyền bá hầu như khắp thế giới, khí công được xem là một bài tập thể dục không chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe mà nó còn là một liệu pháp để chữa trị những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Sau đây là một bài tập đơn giản nhưng tác dụng rất tốt mà bạn có thể tập luyện ở bất cứ đâu để khơi thông nguồn năng lượng trong cơ thể:
1. Thư giãn: Mở hai chân rộng hơn hai vai, đầu gối hơi khụy, mắt nhìn thẳng. Cười và thư giãn. Thu người về để giữ cho xương sống được thẳng. Từ từ hạ vai và di chuyển hai khuỷu tay ra ngoài. Mở rộng cánh tay và bàn tay.
2. Hít thở sâu: Nhẹ nhàng hít thở sâu ba lần bằng mũi. Bạn hãy tưởng tượng dùng cả cơ thể mình để hít thở và cảm nhận luồng khí di chuyển vào bụng. Khi thở ra, hãy hình dung những cơn đau hay bệnh tật đều chuyển thành luồng khí và được đào thải ra bên ngoài.
3. Tĩnh tâm: Nhắm mắt và lặp lại câu nói sau: “Tôi hòa vào vũ trụ. Cả vũ trụ đang ở trong tôi. Tôi và vũ trụ hòa làm một”. Dành thời gian để cảm nhận sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
4. Di chuyển đôi tay: Hít vào đồng thời di chuyển hai tay sang hai bên (xem hình). Khi thở ra, bạn hãy từ từ thu hai tay về (đừng để hai tay chạm vào nhau). Khi bạn mở rộng vòng tay, hãy cảm nhận nguồn năng lượng được phóng thích ra bên ngoài. Và khi thu hai tay về, bạn sẽ cảm nhận năng lượng đang được nén giữa hai tay mình.
Thực hiện bài tập này khoảng 5 hoặc 6 phút. Khi hoàn thành, hãy hít thở sâu ba lần và cho phép cơ thể được thư giãn trong vài phút tiếp theo.
Thói quen thứ ba cho cơ thể hạnh phúc
Lắng nghe những thông điệp của cơ thể
Chỉ khi thật sự trân trọng và yêu thương bản thân, chúng ta mới có thể cảm nhận và thấu hiểu những thông điệp của nó.
Harriet Lerner
Cơ thể luôn nhắn gửi cho chúng ta những thông điệp về tình hình sức khỏe của bản thân. Việc nắm bắt được những thông điệp này có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định về tình hình sức khỏe. Biết được khi nào cần nghỉ ngơi, khi nào cần uống thêm nhiều nước, khi nào cần tắm rửa hay vận động – những hoạt động có ích giúp con người duy trì sự cân bằng – là một thói quen mà bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện.
Tuy cơ thể biết chính xác những nhu cầu của nó nhưng chúng ta lại rất thường lơ là bỏ qua những dấu hiệu, những thông điệp mà nó muốn nhắn gửi. Một khi bạn yêu quý và tin tưởng vào sự sáng suốt của cơ thể mình, có thể xem như “một tình bạn mới đã được hình thành” – một tình bạn sẽ giúp bạn trải nghiệm được hạnh phúc nhiều hơn.
Câu chuyện của Gay
Chiếc chìa khóa kỳ diệu
Ngay từ lúc chào đời, tôi đã là một đứa bé thừa cân. Nỗi ám ảnh đó kéo dài cho đến khi tôi trưởng thành và đã có lúc tôi cho đó là một lời nguyền rủa. Tôi buộc tội số phận mình, buộc tội cha mẹ tôi, buộc tội cả Tạo hóa. Nhưng phần lớn thời gian tôi đều buộc tội chính mình: do tôi thiếu ý chí hay do cái sự thèm ăn quá đỗi của mình. Suốt những ngày tồi tệ đó, tôi tin rằng tồn tại một lỗ hổng trong cơ thể tôi – một sai sót của tạo hóa đã khiến tôi ra nông nỗi này. Cũng không biết béo phì có phải là nguyên nhân khiến tôi không hạnh phúc hay chính vì tôi không hạnh phúc mà tôi bị béo phì. Nhưng tôi cũng chẳng quan tâm – sự thật là: tôi béo phì và tôi không hạnh phúc.
Mọi chuyện vẫn tiếp diễn cho đến khi tôi bước vào tuổi 25. Một ngày nọ, trong lớp học tâm lý ở trường, một người bạn tên George đã nhìn tôi rồi hỏi:
- Bạn cân nặng bao nhiêu?
Tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt thành lời, thế là tôi lắp bắp:
- Bạn... bạn có ý gì?
Và người bạn đó giải thích:
- Sao bạn mập thế? Sao bạn lại tự giết mình khi bạn còn trẻ như thế?
Tôi thật sự khó chịu. Hắn đã nhắc đến một chuyện mà lẽ ra không nên đề cập đến. Tôi như đóng băng, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt George nữa và rồi sau đó, tôi lẩm bẩm một số điều về vấn đề sức khỏe của mình cùng với tiền sử béo phì của gia đình tôi. George nhìn tôi với vẻ thương hại: “Có vậy thôi à? Đó là tất cả những gì bạn muốn nói sao?”.
George thở dài khi thấy tôi không đáp lại. Đêm đó khi trở về nhà, tôi không thể nào chợp mắt được. Trong đầu tôi cứ mãi hiện lên câu hỏi của George hàng trăm lần.
Một tuần sau, tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về câu hỏi đó. Tôi ngày càng mệt mỏi, công việc của tôi bị ngừng trệ và tôi thường cáu bẳn ngay cả với vợ. Vào một ngày trời se lạnh, tôi quyết định đi tản bộ dọc theo con đường nhỏ gần nhà.
Tôi – một người đàn ông với dáng người hình quả lê, đang lê bước trên con đường nhỏ, cả người tôi được giấu kín trong chiếc áo khoác trùm kín đầu màu cam. Trời bắt đầu tối và không gian quanh tôi thật tĩnh lặng. Âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng chiếc ủng của mình cọ vào lớp tuyết khô bên dưới con đường, và tôi đắm chìm trong những suy nghĩ mông lung.
Tôi vô tình bước lên một lớp băng trơn và trượt chân té ngã. Khi lưng tôi chạm mặt đường, tôi cảm nhận mình hoa mắt và cơn đau ập đến.
Chỉ vài giây sau, cơn đau biến mất và tôi bắt gặp mình đang ở trong một trạng thái rất lạ. Tôi cảm nhận mình ở hai vị trí cùng một lúc: nhìn xuống, tôi thấy được cơ thể mình; nhìn lên, tôi đối mặt với bầu trời bao la.
Trong trạng thái đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được bản thân mình rõ nhất. Tôi thấy rằng tâm trí tôi, cơ thể tôi, trái tim và tâm hồn tôi không tồn tại đơn lẻ như tôi từng nghĩ. Chính trong phút giây đó, tôi chợt hiểu tất cả những xúc cảm thường ngày do tôi tự tạo ra chỉ để bảo vệ bản thân và chống lại những lời nói không hay từ phía mọi người. Đột nhiên, tôi biết được câu trả lời cho câu hỏi của George: ăn thật nhiều là cách để cơ thể tôi khỏa lấp cơn đau! Tôi dùng cách này để che đậy sự sợ hãi, đau buồn, mất mát và tự ti.
Giờ đây, khi tôi nằm đó, tôi cảm nhận mọi chuyện đau buồn đều tan biến chỉ bằng cách đơn giản là tập trung thư giãn và hướng về tâm hồn mình. Cảm giác đó thấm qua cơ thể, tâm trí và mọi giác quan – đong đầy trong tôi cảm giác hài lòng thật sự. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận trọn vẹn hương vị của sự thỏa mãn.
Đó là cảm giác mà tôi đã lãng quên trong những bữa ăn vô kiểm soát. Tôi đang cảm thấy sảng khoái và dễ chịu vô cùng. Cảm giác này có được khi tôi nhận ra và ngăn chặn kịp thời những ý nghĩ tiêu cực tồn tại bên trong, trước đây tôi đã không quan tâm đến những dấu hiệu, những thông điệp của cơ thể mà cứ mãi giày vò tinh thần mình. Và đó là lý do vì sao tôi tìm quên trong chuyện ăn uống và mọi chuyện chỉ càng đẩy tôi vào sâu trong cơn tuyệt vọng.
Một lúc sau, tôi đứng dậy, gỡ bỏ những bông tuyết còn bám trên người và đưa mắt nhìn xung quanh. Cảm giác yên bình, sảng khoái chợt ùa về khi tôi đưa ra một quyết định: “Từ lúc này, mình sẽ tin tưởng và nghe theo những thông điệp của cơ thể, đồng thời sẽ bắt đầu làm mới bản thân mình ngay từ bên trong”. Sau đó, tôi cười – một nụ cười mãn nguyện nhất và thong dong trở về nhà.
Tôi bắt đầu có kế hoạch giảm cân theo cách riêng của mình.
Cú ngã lần ấy đã trao tặng tôi chiếc chìa khóa diệu kỳ - và chiếc chìa khóa đó đã thay đổi cuộc sống của tôi hoàn toàn. Nó chỉ cho tôi thấy tôi cần ăn gì, khi nào thì tôi cần đi tản bộ và thời điểm nào là tốt nhất để nghỉ ngơi. Nó chỉ cho tôi những thay đổi tôi cần thực hiện để thành công trong sự nghiệp. Tôi áp dụng nó cho mọi trường hợp và bao giờ nó cũng cho tôi những lời khuyên đúng đắn nhất.
Bây giờ nhìn lại, tôi cho rằng quá khứ khi xưa là điều tốt đẹp nhất mà tôi từng trải qua. Liên tục đấu tranh với tình trạng thừa cân của mình đã đánh thức trong tôi một điều mà tôi vẫn từng mong muốn biết được: đó là làm thế nào để sống tốt và dung hòa được với tất cả mọi người, mọi điều trong cuộc sống, bao gồm cả khía cạnh mà tôi chưa bao giờ dung hòa được – bản thân tôi. Đến hôm nay, lắng nghe cơ thể mình đã trở thành một phản xạ, một thói quen tự động đối với tôi – và nó cũng chính là động lực mang đến cho tôi niềm tin yêu cuộc sống.
Ngôn ngữ của cơ thể
Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào cơ thể mình qua việc đặt câu hỏi: Đó có phải là điều cơ thể tôi thật sự cần và muốn? Hay dùng những câu cụ thể hơn như: Tôi khao khát gì nhất? Tôi có lắng nghe những mong ước của cơ thể khi nó muốn nghỉ ngơi hay giải tỏa những căng thẳng không? Tôi cần làm gì để nạp lại năng lượng cho mình? Nếu bạn để tâm lắng nghe tiếng nói của cơ thể, bạn sẽ nhận ra rằng nó luôn luôn phản hồi những thông điệp rất tốt cho sức khỏe cũng như xúc cảm hạnh phúc của bạn. Đôi khi, như Gay chia sẻ, một phản ứng nhỏ của cơ thể cũng là cách trả lời cho câu hỏi của chúng ta.
Đây là thời điểm tốt nhất bạn sử dụng hệ thống định vị của riêng mình để cân nhắc xem những việc bạn dự định làm sẽ giúp bạn mở lòng hay tự cô lập mình. Một khi những việc bạn làm mang lại cho bạn cảm giác được mở rộng lòng, khi đó xúc cảm hạnh phúc của bạn sẽ được nâng lên nhanh chóng.
Lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể
1. Ngồi xuống và nhắm mắt. Hít thở sâu bằng mũi đồng thời thư giãn.
2. Hãy chú ý đến những phần cơ thể mà bạn cảm thấy khó chịu hay bị đau. Bạn đừng cố gắng làm gì, chỉ trải lòng và cảm nhận mà thôi. Nếu bạn không cảm thấy có tổn thương nào trong cơ thể thì vẫn cứ tiếp tục bài tập này nhưng tập trung vào cảm giác dễ chịu, sảng khoái trong hiện tại.
3. Bạn kiểm tra lại cơ thể mình và xem cần làm gì để nó được khỏe mạnh hơn và mất đi cảm giác khó chịu (hoặc hỏi bạn cần làm gì tốt nhất cho sức khỏe của mình).
4. Bây giờ, quan sát điều gì xảy ra. Bạn có thể sẽ nghe một câu trả lời vang lên trong tâm trí. Hoặc bạn sẽ có cảm giác hay cảm nhận được hình ảnh về một hoạt động nào đó như đi tản bộ, nằm trên bờ cỏ hay đang được massage. Bạn cũng có thể bất chợt cảm thấy thèm ăn một loại thức ăn nào đó hoặc uống loại nước nào đó. Hay chỉ đơn giản là bạn thấy mình muốn khóc hoặc muốn cười.
5. Khi quá trình kết nối hoàn tất, bạn hãy nhắn gửi những thông điệp yêu thương đến với cơ thể mình đặc biệt là những vùng đang khó chịu hay đau đớn. Đừng quên cảm ơn cơ thể đã tham gia vào quá trình nối kết này.
Tóm tắt các bước để có một cơ thể hạnh phúc
Khi bạn nuôi dưỡng, tiếp năng lượng và lắng nghe những thông điệp từ cơ thể của mình chính là bạn đang góp phần tạo nên những tế bào khỏe mạnh và hạnh phúc, làm vững chắc hơn cột trụ của cơ thể và đưa bạn tiến gần với niềm hạnh phúc đích thực. Bạn hãy ghi nhớ những bước sau để rèn luyện những thói quen hạnh phúc dành cho cơ thể:
1. Nhìn lại thói quen ăn uống của bạn và cân nhắc xem chúng có lợi hay hại đến sức khỏe của bạn. Hãy chú trọng vào những loại thực phẩm giúp tăng cường cảm giác dễ chịu và hạnh phúc.
2. Trong vòng một tuần, bạn hãy tập loại bỏ dần cà phê, chất đường và tinh bột; sau đó hãy quan sát kết quả đối với cơ thể mình.
3. Uống đủ lượng nước mỗi ngày để tiếp năng lượng cho cơ thể.
4. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để xem hàm lượng nội tiết tố trong bạn có cân bằng hay không và chú ý đến những biến chuyển của cơ thể một khi bạn thay đổi nồng độ amino axit và áp dụng các bữa ăn chay.
5. Thử nghiệm nhiều bài tập vận động để tìm ra phương pháp luyện tập phù hợp với mình nhất.
6. Thực hành phương pháp thở bằng bụng đặc biệt khi bạn đang bị căng thẳng.
7. Ngủ trước 10 giờ trong ba ngày liên tiếp và quan sát những thay đổi trong cơ thể bạn sau đó.
8. Lắng nghe và tin tưởng vào sự sáng suốt của cơ thể bằng cách kiểm tra đều đặn để xem bạn có đang đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của cơ thể hay không.