Đừng bao giờ khiến người khác tổn thương ư? Một điều nghe qua có vẻ đơn giản; nhưng cái khó là làm sao chúng ta biết được mình đã gây tổn thương cho người khác, đặc biệt là khi họ không bị tổn hại gì về thân thể. Không giao tiếp bằng mắt với người bạn nói chuyện hay đang được giới thiệu, không đáp lại khi ai đó cần bạn trả lời một câu hỏi, không đếm xỉa đến người đang nói trong cuộc thảo luận - tất cả những hành vi này đều gây tổn thương. Coi nhẹ lời gợi ý của bạn thân về công việc quan trọng cả hai đang tham gia thực hiện - chẳng hạn như dự án tu sửa nhà hay kế hoạch chi tiết cho chuyến nghỉ mát được mong đợi từ lâu - có thể gây bất lợi cho mối quan hệ cũng như lòng nhiệt tình của người ấy... Một trong những hình thức gây tổn thương phổ biến và rõ ràng nhất là không lắng nghe khi người khác đang cố nói điều gì đó với bạn. Một số người nói rằng, bị lờ đi như thế khiến họ cảm thấy đau đớn không kém gì bị xâm phạm thân thể.
Sự tổn thương ẩn nấp dưới nhiều dáng vẻ khác nhau. Chắc chắn là cả người gây ra tổn thương và người bị tổn thương đều không cảm thấy hạnh phúc. Nạn nhân có thể thấy mình bị xúc phạm sau buổi gặp gỡ mà không hiểu tại sao. Mặc dù vậy, cảm giác tổn thương vẫn tồn tại.
Không gây tổn thương bằng lời nói
Bạn có ý thức được lời phê bình của mình ảnh hưởng đến người khác, trong lúc bạn phát ngôn và cả sau đó, như thế nào không? Bạn có nhanh chóng đáp trả bằng một nhận xét đầy ác ý sau khi bị người khác chỉ trích không? Bạn có chú ý đến cảm giác của mình sau khi gắt gỏng với bạn bè hay một người hoàn toàn xa lạ không? Bạn có bao giờ tỏ ra tử tế ngay cả khi người ta đối xử với bạn chẳng ra gì không?
Câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi trên đủ để nói lên tất cả. Ngẫm nghĩ từng câu hỏi và trả lời chúng một cách trung thực mang đến phác họa đơn giản về vị trí của bạn trong thê giới này. Sau đó, nó có thể giúp ích cho bạn như một bản kế hoạch để bạn trở thành con người mà mình mong muốn.
Nếu muốn thay đổi tính chất của các mối quan hệ với mọi người xung quanh, bạn phải ý thức rõ tác động của những gì mình nói ra. Co lẽ, chúng ta không cố tình gây tổn thương người khác bằng nhận xét của mình. Thật ra, chúng ta cứ nghĩ mình đang cư xử lịch thiệp hay thậm chí là ân cần, nhưng biểu hiện trên gương mặt của người đối diện mới nói lên sự thật.
Không ai trong chúng ta đủ khéo léo để che giấu mức độ ảnh hưởng từ lời nói và hành động của người khác đối với mình. Cặp mắt trừng trừng, ánh nhìn lơ đi nơi khác, cái nhếch mép hay đôi môi trễ xuống... thường bộc bộ cảm xúc thật của chúng ta. Nhận thấy được những biểu hiện này ở người khác giúp chúng ta đưa ra các lựa chọn tốt hơn trong những lần giao tiếp về sau, với bất kỳ ai.
Hầu hết chúng ta đều không chủ tâm tỏ ra ác ý trong giao tiếp, trừ khi với kẻ thù thật sự. Những câu bình luận mỉa mai cũng thường xuất hiện một cách vô ý, xuất phát từ cảm xúc nhất thời hay sự thiếu suy nghĩ chứ không phải từ bản chất xấu xa, hèn hạ.
Phương pháp giải quyết vấn đề này là tập trung trí óc. Đơn giản thôi! Bạn hãy đưa ra quyết định và theo đuổi nó bằng cách rèn luyện. Bạn có thể tạo nên mọi sự khác biệt trong mối quan hệ nếu tuân theo quy tắc ứng xử cơ bản: Đừng nói với người khác những điều mà bạn không muốn nghe. Một lần nữa, tôi muốn bạn nhớ lại câu chuyện về John Powell và người bạn phóng viên vẫn mua báo từ một kẻ bán báo vô văn hóa. Người bạn của John đã lựa chọn cách cư xử tử tế ngay cả với một kẻ chẳng ra gì. Ông ấy chọn hành động ôn hòa. Đôi lúc chúng ta có suy nghĩ sai lầm rằng đáp trả là cần thiết. Và nó thường được ngụy biện rằng đó là sự công bằng. Nhưng hành động “ăn miếng trả miếng” chỉ cho thấy bạn là người yếu đuối và thiếu suy nghĩ. Nói đơn giản hơn là bạn chẳng được lợi gì khi đối xử với người khác không tử tế.
Mỗi tình huống ta trải qua đều là cơ hội để lựa chọn con đường tương tác đúng đắn giữa ta và người khác. Chúng ta không cần phải đáp trả bằng thái độ tương tự khi ai đó đối xử tệ với mình. Chọn cách ứng xử cùng với yêu thương không quá khó so với chọn cách đáp trả tàn nhẫn. Đó chỉ là một quyết định mà thôi - quyết định mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Trong quá trình giao tiếp, chúng ta luôn có các phương án lựa chọn khác nhau như chú ý lắng nghe, giả vờ lắng nghe, lờ đi một cách tế nhị hay phớt lờ người khác ra mặt. Bất cứ điều gì không thể hiện sự chú tâm của chúng ta đều đồng nghĩa với sự thô lỗ; thái độ thô lỗ này gây tổn hại tinh thần cho bất kỳ ai liên quan đến chúng ta trong mối tương tác. Điều này thậm chí có thể đo đếm được bằng các nghiên cứu về sinh lý. Tổ chức HeartMath đã tiến hành nghiên cứu sự ảnh hưởng của cách cư xử thiếu tử tế đối với tình trạng thể chất con người. Sau đó, họ áp dụng những điều phát hiện được vào việc tư vấn cho khoảng 500 công ty đang cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện hơn. Cuối cùng họ kết luận rằng, không chỉ người bị chúng ta đối xử tệ mà bản thân chúng ta cũng bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần. Đúng vậy! Sức khỏe mỗi chúng ta đều phụ thuộc vào những cử chỉ yêu thương giữa chúng ta.
Tại sao chúng ta cư xử thô lỗ? Bởi vì chúng ta bị xao nhãng, đầu óc ta đang mải mơ màng những việc khác? Đôi khi, lý do này đúng. Nhưng sự thô lỗ thường là dấu hiệu của cảm giác bất an. Đó là cách chúng ta tránh né người khác để họ không nhận thấy cảm giác thật của mình. Làm như vậy có thể hiệu quả nhưng nó chẳng giúp ích cho ai cả. Nó khiến mọi người xa rời nhau thay vì đoàn kết vì một mục đích chung. Chúng ta không bao giờ tìm thấy sự bình yên nếu cứ khăng khăng bảo vệ cái ốc đảo cô đơn của mình. Cố gắng theo đuổi mối liên kết chung với mọi người là con đường bằng phẳng nhất đưa chúng ta đến hòa bình.
Hãy đối mặt với thực tế. Dùng lời nói sỉ nhục người khác không bao giờ là thái độ hợp lý, ngay cả trong những hoàn cảnh thù địch nhất; nó gây ra những vết thương không đáng có trong tâm hồn. Đạt Lai Lạt Ma từng nói, đại ý: Chúng ta chỉ được giao phó một nhiệm vụ duy nhất, đó là yêu thương lẫn nhau. Nếu không thể làm được như vậy thì ít nhất hãy cố gắng kiềm chế để không xúc phạm nhau. Đó là lời gợi ý đơn giản để sống cuộc đời bình yên và hạnh phúc. Nó khởi đầu bằng những thay đổi tích cực nhỏ bé mà về sau trở thành thói quen. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ này nếu có quyết tâm.
Mỗi ngày một cam kết
Một trong những quan điểm trọng tâm của chương trình Twelve Step là “Mỗi ngày, chúng ta phải sống sao cho xứng đáng”. Lựa chọn này giúp ta đơn giản hóa cuộc sống và quyết định của mình trên nhiều khía cạnh, hơn hẳn điều chúng ta tưởng tượng ban đầu. Lần đầu tiên được nghe ý kiến này, tôi đã cười nhạo nó. Làm sao tôi có thể không quan tâm đến ngày mai hay tương lai của mình được nhỉ? Nếu không lên kế hoạch cho tương lai ngay hôm nay thì chừng nào tôi mới thực hiện nó? Nhưng khi quyết định thử sống như thế, tôi cảm thấy mình thật sự tự do. Chúng ta chỉ có duy nhất ngày hôm nay thôi. Chúng ta chỉ có duy nhất khoảnh khắc này mà thôi.
Dường như quan điểm trên có vẻ gần với sự tránh né trách nhiệm. Song, việc cố gắng sống quá xa khoảnh khắc hiện tại không những lãng phí năng lượng trí tuệ mà còn lãng phí năng lượng cảm xúc của chúng ta. Mỗi ngày, đừng gây tổn thương cho ai là một phương pháp thực hiện nguyên tắc quan trọng này. Tại sao chúng ta phải cam kết như thế với bản thân mỗi ngày? Bởi vì trong quá trình thay đổi, chúng ta thường không chú ý đến lối cư xử của mình và kết quả là ta gây tổn thương cho người khác. Chúng ta dễ dàng hạ thấp giá trị của người khác chỉ trong một phút suy nghĩ thiếu thận trọng.
Chúng ta phán xét và quy tội cho người khác. Chúng ta “giăng bẫy” khiến họ thất bại, đôi khi do cố ý nhưng thường thì vô ý nhiều hơn. Lời nói, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể của chúng ta, tất cả đều chuyển tải một thông điệp nào đó, nếu ta bất cẩn, chúng sẽ dễ dàng biến thành thái độ khinh thường hoặc vô tâm. Nhiều hình thức gây tổn thương khác nhau đã ăn sâu vào tiềm thức, đến nỗi chúng ta phải thật cảnh giác để không lặp lại nó. Tương tự, đôi khi, việc hạ thấp người khác của chúng ta trở thành một thói quen. Chỉ cần cam kết thực hiện và kết hợp với việc rèn luyện, “không làm tổn thương người khác” sẽ trở nên đơn giản, và phần thưởng của nó sẽ xuất hiện ngay lập tức. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta không còn phải đoán già đoán non liệu những hành động của mình sẽ gây ra tác động/ hậu quả như thế nào đối với người khác. Mỗi ngày mới có một dòng chảy mới, dòng chảy hứa hẹn đem đến cảm giác hạnh phúc và bình yên cho chúng ta.
Bạn sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp từ lời cam kết đơn giản này. Thế nhưng, sự lôi kéo, dụ dỗ của thói quen ứng xử cũ vẫn lởn vởn quanh bạn gần như mọi lúc. Không phải vì bạn cố tình thô lỗ hay vô tâm mà hầu hết chúng ta đều cảm thấy sợ hãi, sợ rằng người khác đang qua mặt mình về tiền tài, sự nghiệp, thậm chí cả tình cảm và tinh thần. Nỗi sợ hãi thúc đẩy chúng ta hành động theo chiều hướng gây tổn thương cho mọi người, trong đó có bản thân ta. Vết thương gây ra cho chính bản thân là trầm trọng và khó lành nhất.
Mỗi lần bị tổn thương vì cách cư xử của mình, chúng ta càng dễ làm đau người khác, đôi khi không vì lý do nào. Mọi việc sẽ tiếp tục như thế cho đến lúc mỗi ngày, chúng ta thực hiện lời cam kết không gây tổn thương cho bất kỳ ai. Chúng ta có thể làm được! Mỗi ngày, chúng ta có quyền theo đuổi một cảm giác bình yên hoàn toàn mới mẻ. Đó chẳng phải là điều tất cả chúng ta mong muốn ư?
Chỉ trích - không phải là sự quan tâm
“Tôi nói điều này vì muốn tốt cho bạn thôi”, bạn từng nghe câu nói này bao nhiêu lần rồi? Tôi nghĩ chắc là thường xuyên. Vậy thì bạn nên biết điều này: chỉ trích không bao giờ thể hiện sư quan tâm; nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho người khác. Chúng ta chỉ trích vì muốn phá hoại hoặc gây cảm giác bất an và ngờ vực cho người mình đang nhắm tới. Tại sao chúng ta làm như vậy? Bởi vì chúng ta không hài lòng với bản thân. Sự bất mãn là căn nguyên hình thành những lời chỉ trích. Nhưng thật mỉa mai khi chúng ta càng chỉ trích thì sự bất mãn của mình càng leo thang. Một kết quả hoàn toàn ngược lại với điều chúng ta đã hy vọng.
Hạ thấp giá trị người khác khi cảm thấy mình yếu kém là lối cư xử sai lầm nhưng lại cực kỳ phổ biến. Booker T. Washington có một câu nói rất hay và đơn giản: “Không thể hạ thấp một người nếu chưa hạ thấp bản thân trước”. Tác hại tiềm ẩn dưới lời chỉ trích là khi nói ra nó một lần, chúng ta dễ dàng lặp lại nó. Một ngày bắt đầu với sự chỉ trích thường kết thúc trong sự chỉ trích và gần như tất cả mọi người liên quan đều trải qua một ngày tồi tệ.
Một điều quan trọng bạn cần phải nhớ: Những khuyết điểm của người khác bị chúng ta đem ra phê phán cũng không khác gì hình ảnh phản chiếu của bản thân. Nhận thức thể hiện con người chúng ta. Chúng ta đẩy những khuyết điểm được tưởng tượng về bản thân sang người khác bởi vì ta trốn tránh nhược điểm của chính mình. Chính sự thiếu khoan dung với bản thân, thậm chí với những sai sót nhỏ nhất, đã sai khiến chúng ta phán xét và kết tội người khác.
Tôi biết một câu thành ngữ rất hay của Trung Quốc truyền đạt thông điệp này: “Đừng dùng rìu để đuổi ruồi trên trán bạn thân”. Từ bỏ thói quen chỉ trích cũng tương tự việc từ bỏ những thói xấu khác. Hãy tạo cho mình thói quen kiềm chế mọi từ ngữ gây tổn thương người khác mỗi khi trong đầu nảy sinh một lời chỉ trích. Vậy còn những đóng góp đầy thiện chí (một số người vẫn coi là sự công kích) mà bạn bè hay cấp trên đưa ra, vì muốn giúp chúng ta nâng cao kết quả làm việc hay cải thiện lối tư duy, thì sao? Phân biệt sự khác nhau giữa góp ý thiện chí va phê bình ác ý có dễ không? Theo tôi, chia sẻ những ý kiến hữu ích với mục đích tốt chưa chắc là một hành động đem lại kết quả tốt đẹp. Giải pháp tốt nhất là hỏi trước xem liệu người kia có cần thông tin phản hồi của chúng ta không. Nếu câu trả lời là không, hoặc họ biểu hiện giống như chưa sẵn sàng nhận sự trợ giúp, thì chúng ta đừng đưa ra thông tin nào cả. Dick Cavett từng nói: “Hiếm có người nào muốn chịu đựng điều anh ta không muốn nghe”.
Tôi xin nhắc lại, mỗi cuộc gặp gỡ đều đem đến cho chúng ta cơ hội để tạo sự chuyển biến tích cực trong cuộc sống của người nào đó. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào diễn ra trong hòa bình, thân thiện cũng là điều thiêng liêng.
Cuộc sống trôi qua rất nhanh; trong thế giới hỗn loạn này, chúng ta chẳng có thời gian để lãng phí bất kỳ điều gì. Mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi ký ức, mỗi lời cầu nguyện khiến cuộc sống bình yên hơn đều xứng đáng với nỗ lực mà ta bỏ ra. Hãy tạo ra điều gì đó khác biệt cho những con người đang chia sẻ bầu trời cùng chúng ta hôm nay. Cuộc sống của họ sẽ thay đổi. Và chúng ta cũng vậy.
Không gây tổn hại về thể chất
Sự bạo hành thể chất hủy hoại nhiều hơn phần cơ thể bị tổn thương; nó hủy hoại cả tinh thần. Những gì nó gây ra với tinh thần của nạn nhân còn khủng khiếp hơn vết tích ta có thể nhìn thấy trên thân thể họ. Vết thương trên thịt da rồi sẽ lành nhưng ký ức vẫn mãi đeo bám.
Có thể bạn cũng từng là nạn nhân của bạo hành thể chất. Khi đã từng bị xâm phạm về thân thể, thật khó mà quên đi. Cái tôi ích kỷ là kẻ “quản lý” quá khứ. Nó chỉ tồn tại khi nào tâm trí chúng ta lấp đầy những chi tiết đáng sợ của ký ức bị ngược đãi. Cách duy nhất để thoát khỏi sự giam cầm này là hướng mọi vấn đề về phía một sức mạnh vĩ đại hơn bản thân mình - sức mạnh của lòng bao dung.
Một diễn viên khá nổi tiếng từng phát biểu tại một hội nghị dành cho người nghiện rượu rằng ông không hề bận tâm về quá khứ cuộc đời của mình. Phát biểu đơn giản ấy chính là kim chỉ nam đưa ta đến cuộc sống hòa bình, dẫu cho quá khứ là một mê cung chứa đầy đau khổ. Chúng ta có thể học cách chấp nhận điều đã xảy ra và tiếp tục tiến lên phía trước nếu để tâm trí mình được rót đầy lòng tri ân đối với hiện tại.
Cũng như sự lăng mạ bằng lời nói, bạo hành thể chất là kết quả của nỗi sợ hãi. Có lẽ nó chẳng giống nỗi sợ hãi chút nào, nhưng sự thật là vậy. Phải có dũng khí mới có thể thoát ra khỏi tình huống đang vòi vĩnh chúng ta trả đũa. Với mỗi khoảnh khắc, mỗi tình huống, mỗi con người khác nhau, chúng ta đều cần phải tập trung tâm trí vào những hành động ôn hòa. Đó là phương thuốc duy nhất chữa lành mọi vết thương.
Hãy làm người có ích!
Mỗi hoàn cảnh chúng ta có mặt, mỗi ngày chúng ta đang sống đều đòi hỏi sự đáp lại. Không phải lúc nào người khác cũng nhìn hoặc nghe thấy cách đáp lại của chúng ta, nhưng nó không bao giờ là thứ vô hình. Hãy nhớ đến lời gợi ý của Đạt Lai Lạt Ma để kiềm chế bản thân, không gây tổn hại đến người khác: “Hãy yêu thương lẫn nhau. Và nếu bạn không thể yêu thương ai đó, thì ít nhất đừng làm họ tổn thương”. Tôi nghĩ đó là lời khuyên xây dựng hòa bình tinh tế và ân cần nhất mà chúng ta từng nhận được. Gạt sang một bên mong muốn làm tổn thương người khác, mặc kệ sự xâm phạm có thật hoặc do tưởng tượng của họ đối với mình, bạn sẽ mở được cánh cửa dẫn đến vô số cách phản hồi tích cực. Lựa chọn đáp trả với sự hằn học - cuộc sống của bạn sẽ mắc kẹt trong ân oán. Nhường chỗ cho ôn hòa phát huy ưu thế - cuộc sống của bạn sẽ trải rộng đến những chân trời mới.
Trong các mối quan hệ tốt đẹp, rèn luyện bản thân thành người hữu ích là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng chính những mối quan hệ khó khăn, những cuộc chạm trán khiến ta thất vọng, tức giận, muốn trả thù... mới thật sự mài dũa chúng ta. Đó là thử thách có thể đánh thức sức mạnh và lòng can đảm mà ta cần để hành động hữu ích.
Vậy, sống hữu ích đòi hỏi điều gì? Có phải tiêu tốn nhiều thời gian không? Có cần tốn kém không? Liệu chúng ta có phải gạt qua một bên mọi nhu cầu của bản thân không? Câu trả lời cho tất cả thắc mắc trên là không. Sống hữu ích đơn giản là lắng nghe tâm sự của người đang cần được chia sẻ hay mỉm cười với một ai đó. Sống có ích đôi khi chỉ là một lời cầu nguyện mỗi ngày. Nó cũng có thể là việc tự nguyện bước ra khỏi cuộc xung đột hoặc nhượng bộ, thay vì khăng khăng đòi người khác phải công nhận mình đúng. Rèn luyện lối sống ôn hòa cũng là cách hành động hữu ích vì nó mang lại bình yên cho mọi người.
Cư xử dịu dàng là một trong những “công cụ” tối ưu để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Sự dịu dàng tiến rất xa trên con đường kiến tạo bình yên cho tất cả những ai đang và sẽ hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, mặc dù có thể họ không hề hay biết.
Làm người hữu ích là việc không khó. Khó khăn duy nhất nằm ở khâu ra quyết định. Sau đó, vấn đề còn lại là thực hiện những lựa chọn hữu ích, từng ngày từng giờ.
Một hành động dù tốt hay xấu đều tạo ra tác động
Mỗi một hành động đều dẫn đến một tác động nào đó, dù rõ ràng hay mơ hồ, dễ chịu hay phiền toái. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải chú ý tới lối cư xử của mình. Con người thường có xu hướng hành động một cách thiếu suy nghĩ vì họ tưởng mình là trung tâm của vũ trụ. Có thể chúng ta không chủ tâm làm hại người khác, nhưng khi điều đó đã xảy ra rồi thì dù vô tình hay cố ý, cũng chẳng thể cứu vãn. Chính vì vậy, thận trọng là điều cần thiết.
Nếu biết chắc chắn hành động tai hại của mình sẽ không gây ra hậu quả gì ghê gớm, có lẽ chúng ta không cần lo lắng quá. Thế nhưng cần phải biết rằng, hành động gây hại không bao giờ là bình thường. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu ngoài “nạn nhân” ra, không còn ai cảm thấy bị ảnh hưởng, thì ít nhất chúng ta cũng có thể đền bù được tổn hại. Nhưng thực tế không phải như thế, và chuộc lỗi là một công việc hết sức phức tạp. Mỗi hành vi của chúng ta luôn tỏa sóng ra xung quanh, tác động không chỉ những ai trực tiếp liên quan mà là cả cộng đồng. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó.
Đó là lý do vì sao hành động một cách hữu ích chứa đựng tiềm năng mang lại hòa bình cho thế giới. Tất cả đều khởi đầu từ những lựa chọn của mỗi cá nhân. Phát biểu này nghe có vẻ quá “lý thuyết”. Nhưng hãy nghĩ mà xem. Mỗi hành động tử tế của bạn hoặc tôi đều có khả năng hình thành thói quen tích cực ở người khác. Tôi chợt nhớ đến bộ phim có tựa Pay It Forward, đã chuyển tải thông điệp: Tất cả chúng ta đều có sự kết nối tâm hồn với nhau. Khi giúp đỡ một người, chúng ta không những giúp đỡ mọi người ở khắp mọi nơi mà chúng ta còn định hình nên sợi dây liên kết cả nhân loại, trong hòa bình.
Chúng ta học hỏi bằng cách bắt chước. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn học hỏi bằng cách bắt chước. Các thành viên trong cùng một gia đình thường gây tổn thương lẫn nhau sẽ có xu hướng hình thành những hành vi bất thường. Đó là hậu quả tất yếu. Chúng ta có thể thay đổi thói quen cũ và mài dũa thói quen mới. Rèn luyện là chìa khóa để thành công.
Chỉ cần ta dành ra một ngày, thậm chí một giờ, để kiểm tra những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu mình, và sau đó thay đổi chúng nếu những suy nghĩ ấy không có lợi cho bản thân hoặc người khác. Điều đó cho phép chúng ta nhìn thấy một thế giới khác. Chúng ta sẽ hình dung ra một thế giới đầy yêu thương, dù là trong chốc lát, và sau đó thực hiện ngay những hành động cần thiết để đưa mình đến đó nhanh nhất. Xây dựng thế giới hòa bình không phải là nhiệm vụ của ai khác mà chính là của mỗi cá nhân đang tồn tại trên trái đất này. Mỗi khoảnh khắc đều cần rất nhiều ý nghĩ, hành động tích cực.
Tránh tranh cãi
Tại sao chúng ta tranh cãi? Tại sao chúng ta vướng vào xung đột? Để che đậy nỗi lo sợ của chúng ta chăng? Dường như kết luận đó có vẻ suy diễn đôi chút, nhưng sự thật là vậy đấy, các bạn ạ! Hãy xem lại cuộc tranh cãi gần đây nhất mà bạn tham gia. Tôi dám chắc bạn đã cảm thấy tổn thương, bị áp đặt bởi ý muốn của người khác. Và thế là bạn phản kháng lại. Đối phương tìm mọi cách để kiểm soát hành vi, quan điểm hay kế hoạch của bạn, nên bạn phải cố gắng đương đầu với họ vì sợ nhận lấy hậu quả là bị ho “dắt mũi”. Vậy, thử đặt ra câu hỏi tại sao đối phương lại nỗ lực kiểm soát bạn? Cũng vì sợ hãi mà thôi. Xung đột chỉ luôn xoay quanh nỗi sợ hãi của hai phe tham chiến (hoặc nhiều hơn), nhưng hầu hết chúng ta đều không nhìn thấy điều đó, nói chi đến thừa nhận.
Nhân tiện bàn về vấn đề này, tôi muốn nói thêm là tất cả chúng ta đều hoạt động dựa trên hai thái cực cảm xúc: yêu thương và sợ hãi. Sợ hãi là thái cực đang thịnh hành hiện nay. Nó phá hoại chúng ta về mặt tinh thần, tình cảm và cả thể chất. Tất cả những chuyện tranh cãi vặt vãnh bắt nguồn từ nỗi sợ của chúng ta gây ra hậu quả rất khó lường. Nếu thường xuyên ở trong trạng thái kích động, chúng ta không thể sẵn sàng để lĩnh hội bài học đúng đắn mà mình cần. Đó là chưa kể đến cảm giác bức bối, luôn kéo dài rất lâu sau những hành động hấp tấp ấy, sẽ khiến chúng ta mắc kẹt với quá khứ và không cách gì nhận ra bài học trong hiện tại. Thông thường, cách ta ứng xử trong một tình huống sẽ lan rộng và trở thành thói quen khi có đủ sự rèn luyện. Trong trường hợp tôi vừa đề cập thì đó là thói quen sợ hãi cực kỳ tiêu cực.
Nỗi sợ hãi mang nhiều khuôn mặt khác nhau: im lặng, ủ rũ, khóc lóc, la hét. Đôi lúc, nó còn thể hiện ra ngoài bằng bạo lực. Sợ hãi chẳng giúp ích cho bất kỳ mối quan hệ nào. Nó luôn khiến tình trạng căng thẳng trở nên nghiêm trọng thêm. Nó giam hãm chúng ta không thương xót. Cách duy nhất giúp chúng ta giải phóng bản thân khỏi nó và sẵn sàng đón nhận những phút giây hiện tại là trước hết, phải hiểu được tại sao nỗi sợ hãi lại hùng mạnh đến vậy.
Từ bé cho đến tuổi ba mươi, gần như ngày nào tôi cũng chịu đựng nỗi sợ hãi. Người cha độc đoán không thể kiểm soát cá tính, niềm tin hay hành vi của tôi và điều đó khiến ông ấy nổi điên lên cùng với những cơn thịnh nộ. Tôi cũng hăm hở đáp trả ông ấy bằng sự giận dữ của mình. Chúng tôi cãi nhau liên tục. Giờ đây, tôi mới biết được rằng cãi vã là kết quả đến từ những điều khiến chúng tôi lo sợ. Ông ấy lo lắng cho sự an toàn của tôi còn tôi sợ rằng ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giống như ông ấy. Thật mỉa mai làm sao!
Tôi có thể vẫn là người phụ nữ bị chôn vùi trong sợ hãi nếu không sẵn sàng dấn thân vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Sự biến đổi không hề xuất hiện sau một đêm. Nhưng khi biết rằng nhiều người đã và đang học được cách bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi, niềm hy vọng của tôi càng bùng cháy mãnh liệt. Thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng sau nhiều năm bước đi trên hành trình này, tôi vẫn rất dễ bị khiêu khích và nhảy vào cuộc tranh cãi. Thậm chí đến bây giờ, hơn 30 năm đã trôi qua nhưng tôi chưa hoàn toàn từ bỏ được thói xấu này. Tuy vậy, mỗi ngày, tôi đã sẵn sàng hơn để nhận trách nhiệm về vai trò của mình trong những cuộc tranh cãi và sau đó, ít nhất tôi cũng dám thú nhận với bản thân rằng nỗi sợ hãi chính là kẻ xúi giục mình.
“Mỗi thời điểm, tránh né một cuộc tranh cãi”, lời khuyên này của tôi chắc chắn có lý do. Khi thu hẹp phạm vi chú ý lại, chúng ta sẽ dễ dàng thay đổi lối cư xử, thái độ hay suy nghĩ của mình hơn. Lời thề không bao giờ tranh cãi nữa chắc chắn là khởi đầu của thất bại. Cũng sẽ tương tự, nếu bạn tự nhủ: “Trong buổi sáng nay, tôi sẽ không thèm tranh cãi với ai cả”, để rồi sau đó tự thấy mình đang chuẩn bị phản đòn. Qua lời buộc tội hay sự phản đối của ai đó, bạn có thể tự đánh giá mình đang sợ hãi điều gì, và bằng những điều đã học được, hãy chuyển biến nó theo chiều hướng tích cực. Hãy nhớ rằng, mỗi thời điểm, bạn chỉ cần tránh né một cuộc tranh cãi mà thôi.
Chẳng ai bắt chúng ta nằm yên trong nanh vuốt của nỗi sợ hãi. Nó chỉ có thể giữ chặt ta nếu ta cho phép nó làm vậy. Chúng ta luôn có quyền chọn lựa cảm nhận tình yêu thay vì sợ hãi. Đó hoàn toàn không phải là điều thần bí hay cao siêu. Tôi đã thành công. Tất cả những gì bạn cần là lòng quyết tâm để thay đổi cách xem xét một tình huống và những con người hiện diện trong đó. Và rồi, bạn có thể nhận ra điểm mấu chốt của vấn đề là cuộc sống chứa đầy sợ hãi của người khác đã ngăn cản họ hành động với tình thương.
Bằng cách chọn lựa sự yêu thương trong từng giây phút, chúng ta có thể thay đổi chính mình và cả những người xung quanh. Tôi tin chắc như vậy. Hãy cố gắng tránh né một cuộc tranh cãi trong mỗi thời điểm. Khi ai đó khiêu khích hay tấn công bạn, hãy ngoảnh mặt đi chỗ khác và đọc một lời cầu nguyện. Hãy vui vẻ vì bạn nhận thức được rằng, luôn có cách tốt hơn để nhìn nhận những trải nghiệm của mình.
Hãy sẵn sàng chứng minh Margaret Mead(*) đã đúng khi cách đây rất lâu, bà đã từng nói rằng mỗi thời khắc, thế giới chỉ thay đổi một con người, một hành động và luôn luôn như vậy. Bằng cách từ bỏ thói quen tranh cãi, bạn sẽ trở thành vị đại sứ của thay đổi. Mỗi lần từ chối những cuộc tranh luận vô nghĩa, bạn giúp người khác nhận ra rằng họ cũng có thể tránh né những cuộc tranh cãi vô vị. Hành động của chúng ta lan tỏa như thế đấy, các bạn ạ! Yêu thương hay sợ hãi? Lựa chọn là của bạn.
(*) Margaret Mead (1901-1978): Nhà nhân loại học nổi tiếng người Mỹ.