THAY ĐỔI TƯ DUY VÀ CUỘC SỐNG
Như các bạn thấy đấy, không luận điểm nào trong cuốn sách này là phức tạp hay khó hiểu. Thậm chí, nhiều khái niệm còn quen thuộc với bạn, đặc biệt nếu bạn đang du hành trên con đường tìm đến hạnh phúc. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì xem lại và củng cố những luận điểm trọng tâm để nhắc nhở và đảm bảo rằng chúng ta đang đi đúng hướng là một việc cực kỳ hữu ích. Cuộc sống vẫn tiếp tục trên lối mòn nhỏ hẹp, nếu không có gì thay đổi. Vì vậy, nếu những ý kiến của tôi thu hút bạn, hy vọng bạn sẽ nỗ lực vận dụng một vài hoặc tất cả vào cuộc sống của mình.
Hãy nhớ rằng, bạn không cần tạo ra mọi thay đổi lớn lao trong một lúc. Thực hiện triệt để một thay đổi nhỏ cũng mang lại hiệu quả bằng, thậm chí còn hơn, những thay đổi to lớn chỉ được tập luyện nửa vời. Nội dung của mục cuối cùng này xoay quanh công việc tìm kiếm những thay đổi bé nhỏ bạn có thể thực hiện được – mỗi lần một ngày. Chúng ta sẽ xem lại các ý kiến được đưa ra trong mười hai mục trước, và chia chúng ra thành những phần nhỏ để ta có thể nắm bắt dễ dàng. Không ai có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống chỉ sau một đêm. Và chúng ta cũng không cần làm vậy. Đó là quan điểm trọng tâm của cuốn sách này. Mỗi người chúng ta đều có khả năng chọn lựa suy nghĩ mới, sau đó là hành động mới, mỗi lần một suy nghĩ, một hành động mà thôi. Và như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi.
Sống với cuộc đời của chính mình
Giải phóng bản thân ra khỏi chuyện của người khác là một trải nghiệm tuyệt vời. Nó cho thấy chúng ta có thể đạt được các mục tiêu của riêng mình, có thể tập trung thực hiện các nguyên tắc xây dựng lối sống hòa bình bất cứ nơi đâu. Nó đơn giản hóa cuộc sống và khiến chúng ta sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sống với cuộc đời của chính mình.
Sống với cuộc đời của chính mình không đồng nghĩa với lối sống ích kỷ, không thèm quan tâm đến ai khác. Nó chỉ khuyên chúng ta đừng can thiệp vào hành trình của người khác và đón nhận các mối quan hệ, với quan niệm là chúng ta tham gia vào cuộc sống của người khác để tiếp thu những bài học đặc biệt dành riêng cho mình. Trong mỗi mối quan hệ, chúng ta trao đổi thông tin với nhau. Mỗi mối quan hệ mang đến cho ta cơ hội để giúp đỡ người khác chứ không phải kiểm soát họ. Từ góc nhìn khách quan này, chúng ta có thể tiến vào các mối quan hệ trong xã hội với vai trò vừa là thầy giáo, vừa là học trò. Nhưng điều khiển người khác, hoặc cố gắng làm vậy, không nằm trong danh sách các nhiệm vu chúng ta cần thực hiện. Chúng ta thật may mắn vì đây là sự thật.
Chuyển rắc rối sang giải pháp
Mọi thứ được chúng ta chú ý đều tự nhân lên gấp bội. Khi tập trung vào rắc rối, chúng ta thường thổi phồng nó lên. Thậm chí một rắc rối nhỏ cũng có thể biến thành nghiêm trọng nếu chúng ta liên tục chú ý đến nó. Nhưng chúng ta là con người và lợi thế của con người là quyền được lựa chọn. Chúng ta không cần tập trung vào khó khăn. Thay vào đó, hãy mở rộng tư duy để tiếp cận các phương pháp giải quyết. Đây là một quá trình biến đổi vĩ đại trong suy nghĩ. Bước đầu tiên để thực hành điều này là sẵn sàng - sẵn sàng để kéo sự chú ý của chúng ta ra khỏi rắc rối. Thực hiện bước tiến đầu tiên này giúp chúng ta mở ra cánh cửa dẫn đến cách giải quyết vấn đề. Đôi khi diện mạo của các giải pháp này trông cực kỳ đáng sợ, nếu ta cho phép mình nhìn thẳng vào chúng.
Sự thật là hầu hết những “rắc rối” khủng khiếp nhất của chúng ta thường không gây nguy hiểm cho cuộc sống. Nói cách khác, chúng không khác gì tình huống bình thường được chúng ta phức tạp hóa lên. Thông thường, chính cách chúng ta phản ứng, đôi lúc hơi thái quá, đã “đổ thêm dầu vào lửa”. Và trước khi chúng ta kịp nhận ra, một đám cháy lớn đã bùng lên rồi. Nhưng chúng ta có thể ngăn ngọn lửa lan rộng nếu sẵn sàng thừa nhận lối cư xử của mình đã góp phần “gây cháy” ra sao. Sau đó, ra quyết định lùi lại, thoát khỏi toàn bộ tình huống.
Ví dụ điển hình là một bất đồng nhỏ nhặt với người bạn thân vì kế hoạch tổ chức sinh nhật. Nếu tôi (hoặc bạn) khăng khăng đòi bữa tiệc phải gây bất ngờ và tốn kém, sau đó tôi “thắng” trong cuộc tranh cãi, thì tôi phải biết rằng bữa tiệc sẽ mất đi niềm vui và ý nghĩa thật sự của nó. Chẳng ai được lợi gì khi một việc như thế xảy ra.
Sự thật là chúng ta luôn có quyền chọn lựa chuyển hướng chú ý từ rắc rối sang giải pháp. Chúng ta cần xác định mình muốn thổi rắc rối ấy lớn lên cỡ nào. Nhưng bí mật quan trọng tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây là chúng ta không cần hành động theo thói quen cũ. Chúng ta có thể rút lui khỏi bất cứ tình huống nào. Chúng ta có thể giữ im lặng hoặc đơn giản là bỏ đi chỗ khác. Hãy làm như tôi hướng dẫn từ đầu cuốn sách này! Điều khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi là cảm giác về sức mạnh của bản thân, tạm thời quản lý rắc rối, trong khi ta tập trung tìm kiếm các giải pháp.
Tôi xin lặp lại lần nữa. Những vấn đề được chúng ta thổi phồng lên thành rắc rối thật ra chỉ là tác phẩm của cái tôi ích kỷ ngự trị trong mỗi người. Bạn hãy nhớ lại điều tôi từng đề cập về hai tiếng nói trong đầu chúng ta, một của cái tôi ích kỷ và một của tình yêu thương. Cái tôi ích kỷ luôn phát biểu lớn tiếng nhưng lại toàn nói ra sai lầm. Nó lớn mạnh nhờ vào sự lộn xộn của những vấn đề chưa tìm ra phương pháp giải quyết. Ngược lại, cội nguồn tình yêu hiện diện trong những giải pháp hòa bình. Chúng ta có toàn quyền lựa chọn lắng nghe một trong hai tiếng nói ấy.
Bỏ qua
Bạn hãy nhớ lại cuộc thảo luận lúc trước về luận điểm chúng ta chỉ chịu trách nhiệm nỗ lực hết khả năng chứ không cần quan tâm đến kết quả. Thật tuyệt, phải không? Nhưng vấn đề là thật khó mà rút lui khỏi tình huống sau khi thực hiện mọi nỗ lực trong khả năng. Chúng ta muốn phụ trách luôn phần kết quả vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt là sự an toàn của mình, nhưng chúng ta chưa từng và sẽ không bao giờ kiểm soát được kết quả.
Cố gắng điều khiển các kết quả vốn nằm ngoài tầm kiểm soát khiến chúng ta không thể hoàn thành nhiệm vụ hay thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Điều này không những làm chúng ta mệt mỏi mà nó còn biến ta thành người vô trách nhiệm với cuộc sống của mình. Để người khác được tự do thực hiện nhiệm vụ của họ cũng quan trọng không kém việc chăm lo cuộc sống của riêng mình. Cần phải có thời gian rèn luyện thì chúng ta mới có thể rút lui đúng thời điểm. Nhưng đó là lựa chọn luôn nằm trong tầm tay của chúng ta.
Khi tâm trí hướng về quá khứ hay tương lai mỗi khi ta cố gắng kiểm soát kết quả, ta thường phải chịu đựng sự kích động hoặc lo lắng, đôi lúc cả hai, thay vì cảm thấy bình yên. Chúng ta không thể tận hưởng sự bình yên nếu chưa sống hết mình trong khoảnh khắc hiện tại. Và chúng ta cũng không cảm thấy thanh thản nếu chối bỏ sự hiện diện của tình yêu, từng giây từng phút. Nhiệm vụ của chúng ta là để yêu thương xuất hiện trong cuộc sống của mình.
Nếu chịu khó rèn luyện, chúng ta có thể học cách từ chối lời mời gọi của quá khứ. Chúng ta cũng có thể học cách kiềm chế trước sự cám dỗ của tương lai. Lên kế hoạch cho tương lai là tốt nhưng không có nghĩa là chúng ta phải sống trong một tình huống chưa xảy ra. Nắm lấy bất cứ cơ hội nào của hiện tại cũng giúp ích cho ta trong các cơ hội còn lại.
Cảm nhận phép màu
Câu thành ngữ “Nghĩ về mình thế nào, bạn sẽ như thế ấy” chính là chìa khóa để chúng ta hiểu được quyền hạn của mình đối với cách cuộc sống diễn ra. Nếu không còn cảm thấy hạnh phúc nữa, chúng ta có quyền chọn lựa một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn thấy đấy, hiện thực cuộc sống luôn tương xứng với tư duy của chúng ta. Chúng ta điều khiển mọi suy nghĩ của mình cũng như quá trình hình thành chúng. Bất cứ ý nghĩ nào được chúng ta chứa chấp, bất cứ quan điểm nào được chúng ta nuôi dưỡng, đều do chúng ta chọn lọc kỹ lưỡng. Nhưng chúng ta có thể loại bỏ mọi suy nghĩ khiến mình lo lắng, việc này nằm trong quyền lựa chọn của chúng ta.
Thật đáng vui mừng khi biết rằng chúng ta không mắc kẹt với những suy nghĩ cản trở cuộc sống bình yên. Điều đó mang đến cho chúng ta cơ hội để tác động tích cực lên mỗi con người và mỗi tình huống mình trải qua. Suy nghĩ tích cực, thái độ ôn hòa cũng khiến người khác nhẹ nhõm giống như chúng ta vậy. Câu hỏi đặt ra là làm sao loại bỏ được những ý nghĩ đang nhấn chìm chúng ta trong cảm giác thù địch, sọ hãi, hổ thẹn, tội lỗi, giận dữ hoặc tách rời khỏi tập thể?
Chúng ta bám lấy những suy nghĩ gây tổn thương người khác bởi vì chúng quen thuộc. Chỉ cần thay đổi một ý nghĩ thôi là chúng ta không còn khả năng tiên đoán hay lên kế hoạch cho điều sắp xảy ra, và chúng ta cảm thấy thật khó chịu nếu phải chịu đựng điều đó. Mọi thực tại mà ta đang sống đều sẽ thay đổi ngay sau khi tư duy của chúng ta thay đổi. Hãy nhớ rằng, chúng ta là người duy nhất có thể biến đổi bức tranh cuộc sống mình đang chiêm ngưỡng.
Vật cản duy nhất chắn trên con đường đi đến bình yên của chúng ta là sự chống lại quá trình chọn lựa cách tư duy mới. Chỉ cần một hành động đơn giản: thay đổi nhận thức, chúng ta có thể đóng góp một phần để xây dựng hòa bình thế giới.
Hãy chủ động, đừng đối phó
Nhiều người chúng ta đã quá quen thuộc với việc để mặc người khác quyết định cảm giác của mình, thông qua hành động hoặc đánh giá của họ về chúng ta, đôi khi cả hai. Chúng ta cho phép những hành động hướng về mình tạo ra các phản ứng thiếu suy nghĩ hoặc sự tự cô lập bản thân. Nhưng chúng ta có thể kiềm chế cả hai cách ứng xử như trên, bất chấp mọi tình huống, bất chấp người khác nói hay làm gì. Các bạn còn nhớ câu chuyện về John Powell chứ? Chúng ta tiêu tốn biết bao nhiêu năm công khai hoặc vụng trộm cai trị người khác. Có lẽ thói quen đó đã trở nên khá trầm trọng. Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều thời gian phía trước để bắt đầu sống hạnh phúc.
Cuộc sống hạnh phúc ấy khởi đầu bằng việc nắm quyền chỉ huy hành động của mình, nói cách khác là lựa chọn sự chủ động, thay vì đối phó với những ý thích nhất thời của người khác. Tôi và bạn đều biết rằng, phản ứng nhanh thường dẫn đến sai lầm. Cách ứng xử tốt nhất là dành ra một ít phút để cân nhắc lại hành động đáp trả của chúng ta đối với người khác và đảm bảo là mình đang đứng ở thế chủ động chứ không phải đối phó. Trong vài phút ngắn ngủi đó, chúng ta có cơ hội lắng nghe tiếng nói êm dịu của tình yêu thương. Mỗi lần quyết định lắng nghe tiếng nói êm ái này, chúng ta có khả năng kiềm được những phản ứng ngu ngốc của mình. Tiếng nói nhẹ nhàng của tình yêu hướng dẫn chúng ta cách đối xử ân cần với người khác, cách nói ra ngôn ngữ của yêu thương và cách rút lui khỏi tình huống đang leo thang trong căng thẳng.
Bài tập chủ động thay vì đối phó với mỗi con người, mỗi sự vật hay sự việc không khó như chúng ta tưởng tượng. Nếu ta tiếp tục hành động theo thói quen cũ thì cuộc sống không thể thay đổi. Thế nhưng, nếu chúng ta dám bước chân sang con đường khác và phát biểu những câu nói khác, không điều gì có thể giữ nguyên trạng thái cũ. Lựa chọn vẫn đang hiện diện ngay trước mắt chúng ta, các bạn ạ!
Phán xét và tình yêu không thể cùng tồn tại
Sự phán xét là thuốc độc hủy hoại chúng ta va mọi mối quan hệ. Nó đến từ cái tôi ích kỷ; bản chất của nó là xảo quyệt, rắc rối và mạnh bạo. Đa số chúng ta đều quá quen với việc phán xét đến nỗi không bao giờ để ý lời nói của mình. Mỗi khi phán xét, chúng ta tự biện hộ rằng mình đang chia sẻ quan điểm cá nhân với người khác, hoặc đang chấp nhận “sự thật mất lòng” trong nỗ lực giúp đỡ, cải thiện hay làm tình hình sáng sủa hơn. cái tôi ích kỷ có thể là kẻ khôn ngoan, nhưng chúng ta cũng đâu phải là người ngốc nghếch.
Sự phán xét giam hãm ta bằng cách giữ độc quyền mọi cảm xúc, hành động, dự định, hy vọng và mơ ước của ta. Mỗi lần tham gia phán xét người khác, cuộc sống của ta giảm dần giá trị và trở nên chật hẹp hơn. Chúng ta phải tự vấn bản thân tại sao mình vẫn tiếp tục làm những việc chỉ tạo ra ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống.
Phán xét là một thói quen và có thể bị thay đổi.
Với nỗ lực và sự giúp đỡ của cội nguồn yêu thương, chúng ta có thể nhận ra sự phán xét chính là hình ảnh phản chiếu của nỗi sợ hãi đang bành trướng. Tìm kiếm sự giúp đỡ và tha thứ đối với nhược điểm của bản thân là lối thoát để rút lui khỏi những phán xét chúng ta thường thích thú và dễ dàng chụp lên đầu người khác.
Chúng ta hoàn toàn có khả năng rèn luyện bản thân, cảm nhận và bày tỏ tình yêu thương vô điều kiện - liều thuốc chữa căn bệnh phán xét. Chúng ta có thể nghĩ đến tình yêu thương bất cứ khi nào thấy mình sắp sửa phán xét người khác; điều này sẽ làm thay đổi nhận thức và biến cố của chúng ta ngay lập tức. Rèn luyện lòng tri ân cũng là một phương pháp đơn giản để giũ bỏ thói quen phán xét.
Hãy ghi nhớ rằng chúng ta là người lựa chọn các mối quan hệ của mình và thông qua mối quan hệ, chúng ta rút ra các bài học cần thiết cho cuộc sống. Sẵn sàng tiếp nhận bài học này, cũng như người mang nó đến, giúp chúng ta chuyển thái độ của mình từ phán xét sang yêu thương và chấp nhận. Chúng ta có thể vô hiệu hóa quyền lực của nỗi sợ hãi đã thúc đẩy sự phán xét, nếu coi lòng tri ân, sự quyết tâm và chấp nhận là những ưu tiên hàng đầu của mình. Quyết tâm thay đổi tư duy là phương pháp hoàn chỉnh để xóa bỏ mọi bất hòa trong cuộc sống.
Trí óc của chúng ta không phải là thứ vô dụng! Hãy chọn lựa suy nghĩ của mình với sự yêu thương, trân trọng cuộc sống.
Từ bỏ nỗ lực kiểm soát người khác
Từ bỏ nỗ lực kiểm soát người khác là một lựa chọn sáng suốt để giải phóng bản thân. Thế nhưng, điều đó không dễ dàng với bất kỳ ai, thậm chí sau nhiều năm cố gắng. Sự sợ hãi là nguyên nhân khiến chúng ta vướng vào mong muốn kiểm soát người khác. Chúng ta nghĩ rằng sự an toàn và hạnh phúc của mình luôn là hệ quả từ hành vi của người khác. Sau quá trình rèn luyện lâu dài, chúng ta mới nhận ra cuộc sống của mình chưa từng và sẽ không bao giờ an toàn, trọn vẹn nếu là kết quả từ hành động của ai đó. Sự thanh thản và yên ổn trong cuộc sống của chúng ta hoàn toàn tương xứng với sự nhận thức về tình yêu thương vô điều kiện.
Mỗi người đang sống đều có một hành trình riêng. Thấm nhuần chân lý này là cách để khởi đầu quá trình từ bỏ nỗ lực kiểm soát cũng như để chấp nhận rằng, càng cố gắng kiểm soát người khác bao nhiêu, chúng ta càng không thấy hứng thú trong cuộc sống của mình bấy nhiêu. Mỗi lần bước chân vào cuộc chiến quyền lực với người mình đang cố kiểm soát, chúng ta đã dựng lên bức tường ngăn cách ngay giữa mối quan hệ. Mong muốn được tự do của người khác hoàn toàn tương xứng với nỗi ám ảnh dai dẳng của chúng ta về cách họ sống và việc họ làm.
Một lý do khác khiến chúng ta cố gắng giữ người khác dính chặt vào mình thông qua sự kiểm soát là chúng ta muốn né tránh cảm giác bất an và thiếu thốn. Chúng ta luôn cảm thấy bị đe dọa trừ phi được người khác công nhận giá trị, chấp nhận nỗ lực kiểm soát của chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta vướng mắc và không thể tiếp tục cuộc hành trình cần phải hoàn thành. Cảm giác tai hại kia nhất thiết phải bị loại bỏ. Chúng ta có thể làm được điều đó nếu ghi nhớ và trân trọng quan niệm rằng: Trong cuộc sống, chúng ta đều là những người thầy giáo và học trò, chứ không phải là quản giáo của nhau.
Cuộc sống chỉ có hai lựa chọn: hòa thuận hoặc xung đột. Chẳng ai mong muốn chọn cái thứ hai. Thế nhưng, nếu bám chặt lấy những ý nghĩ gây bất hòa, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội trải qua sự bình yên. Có lối đi khác dễ dàng, bằng phẳng hơn. Sao ta không chọn nó?
Hãy chú ý đến bản thân
Hiện thực cuộc sống phản ánh suy nghĩ của chúng ta. Khi những suy nghĩ héo mòn vì mải chú ý đến người khác, chúng ta đã bỏ lỡ qua nhiều cơ hội và bài học. “Lệ thuộc” là một cách diễn đạt thông dụng đối với nỗi ám ảnh này. Thật cô độc khi ta trải nghiệm cuộc sống của mình thông qua người khác, theo dõi bước đi của mọi người để khám phá mình là ai và mức độ được chấp nhận của bản thân. Nó là lối đi không cho phép chúng ta góp mặt vào những sự kiện mình đã “đề nghị” được trải nghiệm trong cuộc đời này.
Nỗi ám ảnh về cuộc sống người khác cản trở chúng ta hoàn thành những dự định của riêng mình. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình vô giá trị và chính cảm giác này lại tiếp sức để nỗi ám ảnh của chúng ta lớn thêm. Quả là một cái vòng luẩn quẩn!
May mắn thay, chia sẻ cuộc sống của nhau mà không vi phạm ranh giới tối thiểu là điều hoàn toàn khả thi. Chúng ta có thể cùng sóng đôi và giúp đỡ lẫn nhau trên suốt con đường dài. Chúng ta có thể khuyến khích, yêu thương, tin tưởng và tri ân những mối thân tình. Và chúng ta có thể vui vẻ với phần quyền lực trong giới hạn cho phép: kiểm soát lối tư duy và cuộc sống của riêng mình, kiểm soát sự nỗ lực chúng ta đóng góp vào một mối quan hệ, kiểm soát sự tri ân chúng ta muốn thể hiện mỗi ngày, kiểm soát quyết định trải lòng mình để nhìn rõ con đường dẫn tới cuộc sống ngập tràn bình yên.
Đừng gây tổn thương
Có vô số hành động gây ra tổn thương, trong đó có những cái rất tinh vi và đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác cao độ. Không lắng nghe, không trả lời, không giao tiếp bằng mắt, tỏ vẻ coi thường, trả lời với sự cau có và phổ biến nhất là chỉ trích, tất cả những hành vi trên đều nhỏ nhặt nhưng vẫn gây ra tổn thương. Bạo hành về tình dục, về thể chất và tinh thần - các hình thức gây tổn thương chúng ta thường nghĩ tới, lại chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số những tổn thương có khắp nơi xung quanh chúng ta.
Sự thật là toàn thể nhân loại đều bị tổn hại bởi cuộc tranh cãi của chúng ta. Con người có xu hướng đáp trả tương tự cách đối xử họ nhận được. Chính vì thế, những hành động và phản ứng tai hại của chúng ta tự nhân lên gấp bội và hậu quả của chúng cũng vậy. Sự thật là, mỗi hành động gây tổn thương đều che giấu một nỗi sợ hãi.
Thật may mắn vì chẳng bao giờ là quá muộn để trở nên dễ thương hơn trong mắt người khác. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn trở thành con người ân cần, tốt bụng, biết yêu thương người khác. Nếu không cảm thấy sự ân cần hay yêu thương, chúng ta có thể chọn không làm gì cả. Dù sao như thế vẫn tốt hơn là làm tổn thương ai đó. Lựa chọn tốt nhất là cố gắng ngăn chặn mọi hành động gây tổn thương người khác. Thêm nữa, bạn đừng bao giờ nghĩ là chỉ có duy nhất một cơ hội để quyết định không làm tổn thương người khác nếu không muốn cái tôi ích kỷ ngáng đường lời nhận xét thiện chí của mình. Trong những tình huống mà quyền lực của cái tôi ích kỷ bao trùm mọi thứ, thật may mắn vì chúng ta có thể chọn lựa nhiều lần.
Nếu bạn thấy việc cam kết không bao giờ gây tổn thương cho người khác là bất hợp lý, thì hãy thực hiện nó trong một ngày thôi. Bất cứ ai cũng kiểm soát được hành động của họ trong một ngày. Phần thưởng chúng ta nhận được vì sự ân cần của mình sẽ thúc đẩy chúng ta nghĩ đến việc cư xử thiện chí thêm lần nữa, và lần nữa. Mỗi lần chúng ta vào vai một người hữu ích và tốt bụng, mỗi lần chúng ta tránh né cách ứng xử gây hại cho ai đó, cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn thiện. Chúng ta trở thành hình ảnh phản chiếu hành động của mình. Đó là sự thật. Những ai dành thời gian để suy nghĩ về tình yêu thương luôn cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn nhiều.
Chúng ta có quyền lựa chọn phương thức giao tiếp với người khác. Bất kể họ cư xử tệ đến thế nào, chúng ta cũng không cần đáp trả y như vậy. Trong ngày hôm nay, chúng ta có thể làm mọi thứ. Chỉ trong ngày hôm nay, chúng ta có thể trở thành con người như Thượng đế mong muốn. Lời khuyên của tôi là trước khi phát biểu một lời bình luận hay thực hiện một hành động nào đó, bạn hãy tự hỏi mình: “Liệu điều tôi sắp nói hoặc làm có khiến người kia hài lòng không?”.
Câu chuyện của Đạt Lai Lạt Ma là lời nhắc nhở đơn giản mà sâu sắc về trách nhiệm của chúng ta khi có mặt trên đời này. Ngài đã phát biểu thật giản dị mà hùng hồn rằng: “Hãy yêu thương lẫn nhau. Và nếu bạn không thể yêu thương ai đó, thì ít nhất đừng làm họ tổn thương”. Sự lựa chọn đúng đắn đã rất rõ ràng rồi đấy! Bạn có sẵn sàng nắm lấy nó không?
Mỗi cuộc gặp gỡ đều thiêng liêng
Tôi luôn cảm thấy quan niệm này khiến mình vững tâm. Nếu chấp nhận chân lý rằng không ai xuất hiện trên lối đi của mình do tình cờ và rằng mỗi người đều là một kết tinh của cuộc sống, tôi sẽ vui vẻ chấp nhận sự hiện diện của họ và hoàn cảnh đưa đẩy chúng tôi đến với nhau. Sự chấp nhận cho phép tôi hành động với sự tôn trọng, thậm chí trong những tình huống mà tình yêu chưa tồn tại. Nếu không lựa chọn nào là khả thi, tôi có thể tiếp tục giữ im lặng.
Tôi cũng nhận ra rằng, tiếp thu quan niệm “mọi cuộc gặp gỡ đều quan trọng như nhau” giúp tôi chèo lái mọi việc dễ dàng hơn. Đôi lúc, một số cuộc gặp gỡ không được dễ dàng, vui vẻ hoặc dễ chịu, nhưng điều đó không làm mất đi giá trị và sự cần thiết của chúng. Tất cả các cuộc gặp gỡ đều được chọn lựa trước và là một phần trong cuộc sống đang đâm chồi nẩy lộc của bạn. Lòng tri ân đối với sự thật này không tự nhiên mà đến; chúng ta phải nỗ lực phát huy nó.
Nhìn sâu vào đôi mắt của mỗi người chúng ta gặp và nhận thấy sự thiêng liêng trong tâm hồn họ, việc này có khó không? Tôi nghĩ là cũng đáng để ta thử một lần. Thực ra, tôi tin rằng đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta. Nhờ đó, thế giới này trở nên hòa bình, kết nối nhiều hơn. Và trong khi thế giới đang biến đổi, mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận được sự chuyển biến của riêng mình. Còn gì có thể tốt hơn thế?
Một trong hai tiếng nói từ tâm trí bạn luôn sai, hãy lựa chọn cẩn thận
Bây giờ, có lẽ bạn đã quen với luận điểm: Có hai tiếng nói luôn đua tranh để giành giật sự chú ý, và một trong số chúng toàn phát biểu sai. Câu hỏi thú vị được đặt ra là: Tại sao chúng ta thường xuyên chọn nghe theo tiếng nói sai lầm? Chúng ta đã chứng minh rằng nó lớn tiếng nhất, cũng là quen thuộc nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta chọn tiếng nói này bởi nó tâng bốc chúng ta bằng cách làm tổn thương người khác, và đó là điều chúng ta muốn. Nó khiến chúng ta cảm thấy xa cách mọi người. Nó cần sự trung thành của chúng ta để tồn tại. Tất nhiên, sẽ đến lúc nó tự làm hại chính mình vì nó đâu còn chọn lựa nào khác.
Câu hỏi chúng ta phải tự đặt ra cho mình là liệu chúng ta muốn nuôi dưỡng sự kích động, giận dữ, sợ hãi và đôi khi là kém cỏi hay muốn cảm nhận sự bình yên và thanh thản. Lựa chọn nằm trong tầm tay chúng ta. Tiếng nói hòa bình luôn chờ đợi sự nhận biết của chúng ta, bởi tiếng nói ấy do sức mạnh của tình yêu ban tặng. Nó không bao giờ rời bỏ chúng ta mặc dù ta thường lờ nó đi. Nó biết rằng sẽ đến lúc ta muốn tận hưởng cuộc sống bình yên và nó sẵn sàng chỉ cho ta thấy con đường đúng đắn.
Lắng nghe tiếng nói êm dịu và nhẹ nhàng khiến mọi mối quan hệ trong cuộc sống ngọt ngào và hòa thuận hơn. Sự hòa thuận chúng ta đang xây đắp có thể được truyền sang người khác bằng những lời cầu nguyện, bằng quyết tâm thay đổi nhận thức, bằng quyết định từ bỏ ham muốn chiến thắng tuyệt đối mỗi khi tham gia một cuộc tranh cãi với người thân, bạn bè, thậm chí người xa lạ. Chia sẻ cảm giác bình yên càng làm tăng thêm sự thanh thản trong chúng ta.
Mọi hành động gây xung đột đều dẫn đến nhiều cuộc xung đột hơn. Đó là một diễn biến thông thường. Chúng ta chỉ cần xem bản tin hoặc đọc báo mỗi ngày là chứng minh được ngay luận điểm đó. Nhưng hiếm khi nào chúng ta biết rằng, luận điểm ngược lại cũng đúng: Hành động yêu thương sẽ đem đến nhiều yêu thương hơn. Mỗi hành động nhỏ bé chứa đựng tình yêu của chúng ta không hề vô nghĩa; cuộc sống và thế giới quanh ta thay đổi chính là nhờ vô số hành động nhỏ bé chứa đựng tình yêu: một nụ cười, một lời hỏi thăm ân cần, sẵn lòng lắng nghe người khác...
***
Con đường đưa chúng ta đến với cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là một bí ẩn. Nó chỉ xoay quanh vấn đề chọn lựa hay không. Hãy bắt đầu bằng một lựa chọn quan trọng nhất: Chúng ta muốn nghe theo ai, cái tôi ích kỷ hung hăng hay tiếng nói thông thái của tình yêu? Bạn không cần thực hiện tất cả các thay đổi lớn lao trong cùng một lần. Tôi hoàn toàn không gợi ý bạn làm như vậy. Chỉ cần cam kết thay đổi tư duy trong vòng một ngày, bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống bình yên mình xứng đáng có được.
Quan điểm này đã mang tôi đến điểm kết thúc của một trải nghiệm tuyệt vời. Tâm hồn tôi trở nên phong phú hơn trong quá trình viết cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Mọi việc là như thế đấy, các bạn ạ! Cuộc sống được hoàn thiện mỗi lần tôi chia sẻ với người khác một chút hiểu biết tích lũy được từ nhiều năm qua. Chọn lựa tận hưởng cuộc sống bình yên bằng cách thực hiện những hành động hòa bình, mỗi lần một hành động, đã đem đến cho tôi cảm giác cân bằng và tự do hơn hẳn những gì tôi có thể tưởng tượng, và tôi rất vui sướng được chia sẻ những trải nghiệm đời mình với các bạn.
Tôi từng phát biểu rằng, càng về già, tôi càng ít mong muốn chứng tỏ mình đúng trong một vấn đề nào đó. Bởi vì giờ đây tôi luôn sẵn sàng nhượng bộ và vui vẻ, thay vì đòi hỏi lý lẽ của mình được người khác công nhận là đúng. Dường như đây là điều xảy ra với tất cả mọi người khi họ già đi. Tôi không thể phát ngôn thay cho người khác. Nhưng tôi biết rằng càng cư xử ôn hòa với những người xung quanh, tôi sẽ càng nhận được tình yêu. Đó không phải là điều tất cả chúng ta thật sự theo đuổi sao?
Cầu mong các bạn cũng tìm thấy sự bình yên mà mình xứng đáng có được. Hãy nhớ rằng, thậm chí một thay đổi bé nhỏ nhất trong suy nghĩ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống. Hãy tạo ra nó!